Tìm hiểu chung
Bệnh phổi kẽ là gì?
Bệnh phổi kẽ chỉ một nhóm lớn các rối loạn đặc trưng bởi sẹo tiến triển của các mô phổi nằm giữa cũng như hỗ trợ túi khí. Các sẹo liên quan đến bệnh phổi kẽ có thể khiến cho phổi bị cứng, sau cùng ảnh hưởng đến khả năng thở và hấp thụ oxy vào máu.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh phổi kẽ là gì?
Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh phổi kẽ là khó thở. Hầu hết những người bị bệnh phổi kẽ sẽ cảm thấy khó thở, tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Các triệu chứng khác của bệnh phổi kẽ bao gồm:
- Ho khan;
- Giảm cân, thường xuyên nhất ở những người mắc bệnh tắc nghẽn phối mạn tính hoặc viêm phổi tổ chức.
Trong hầu hết các dạng bệnh phổi kẽ, bệnh nhân sẽ gặp tình trạng thiếu hơi (tiến triển dần dần theo tháng). Trong viêm phổi kẽ hoặc viêm phổi mô kẽ cấp tính, các triệu chứng diễn tiến rất nhanh (trong vài giờ hoặc ngày).
Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?
Bạn phải gặp bác sĩ ngay lập tức nếu gặp những triệu chứng trên.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh phổi kẽ?
Bệnh phổi kẽ có thể xảy ra khi một chấn thương phổi kích hoạt phản ứng hồi phục bất thường. Thông thường, cơ thể của bạn sẽ tạo ra một lượng mô vừa đủ để chữa lành các tổn thương. Nếu bạn bị bệnh phổi kẽ, quá trình hồi phục gặp trục trặc và các mô xung quanh các túi khí (phế nang) bị sẹo, dày lên, điều này làm cho oxy đi vào máu khó khăn hơn.
Bệnh này được kích hoạt bởi nhiều yếu tố, bao gồm các bệnh tự miễn dịch, tiếp xúc với các tác nhân hữu cơ và vô cơ trong nhà hoặc nơi làm việc, thuốc men và một số loại bức xạ. Trong một số trường hợp khác thì nguyên nhân gây bệnh chưa được làm rõ.
Nghề nghiệp và các yếu tố môi trường
Tiếp xúc lâu dài với một số loại vật liệu hữu cơ, vô cơ và các tác nhân có thể gây hại cho phổi, bao gồm:
- Sợi amiăng;
- Vật nuôi sống và các sản phẩm chứa lông;
- Bụi than;
- Bụi hạt;
- Khuôn từ bồn tắm nước nóng trong nhà, phòng tắm;
- Bụi silica.
Thuốc và bức xạ
Nhiều loại thuốc có thể gây hại cho phổi, đặc biệt là:
- Hóa trị/chế phẩm thuốc miễn dịch, chẳng hạn như methotrexate và cyclophosphamide;
- Thuốc tim như amiodarone (Cordarone®, Nexterone®, Pacerone®) và propranolol (Inderal®, Inderide®, Innopran®);
- Một số thuốc kháng sinh, chẳng hạn như nitrofurantoin (Macrobid®, Macrodantin®, những người khác) và sulfasalazine (Azulfidine®).
Một số người trải qua xạ trị ung thư phổi hoặc ung thư vú có dấu hiệu bị tổn thương phổi sau một vài tháng hoặc đôi khi nhiều năm sau khi điều trị. Mức độ nghiêm trọng của tổn thương phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Phổi đã tiếp xúc với bao nhiêu bức xạ;
- Tổng lượng bức xạ khi điều trị;
- Có áp dụng hóa trị liệu hay không;
- Sự hiện diện của bệnh phổi cơ bản.
Tình trạng sức khỏe
Tổn thương phổi có thể liên quan đến các bệnh tự miễn dịch như sau:
- Viêm da cơ/viêm sợi cơ;
- Bệnh mô liên kết hỗn hợp;
- Viêm mạch phổi;
- Viêm khớp dạng thấp;
- Bệnh u hạt;
- Xơ cứng bì;
- Hội chứng Sjogren;
- Lupus ban đỏ hệ thống;
- Bệnh mô liên kết không phân biệt.
Sau khi đánh giá sâu rộng và thử nghiệm, bác sĩ có thể cũng không tìm được nguyên nhân rõ ràng dẫn đến các tình trạng rối loạn. Những rối loạn nàysẽ được nhóm lại với nhau và gọi là viêm phổi kẽ tự phát, đó là phân loại dựa theo mô.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh phổi kẽ?
Bệnh phổi kẽ ảnh hưởng đến 595.000 người trên toàn cầu trong năm 2013, 471.000 trường hợp trong số đó đã tử vong.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ?
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh phổi kẽ bao gồm:
- Tuổi tác. Bệnh phổi kẽ có nhiều khả năng ảnh hưởng đến người lớn, trẻ sơ sinh và trẻ em đôi khi bị ảnh hưởng;
- Tiếp xúc với độc tố trong lúc làm việc và môi trường. Nếu bạn làm việc trong ngành khai thác mỏ, nông nghiệp, xây dựng hoặc vì lý do nào đó tiếp xúc với các tác nhân môi trường gây thiệt hại phổi thì bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh phổi;
- Bệnh sử gia đình. Một số hình thức của bệnh phổi kẽ là do di truyền và nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ sẽ tăng lên nếu các thành viên trong gia đình bạn có mắc bệnh này;
- Bức xạ và hóa trị/thuốc điều hòa miễn dịch. Điều trị bức xạ vùng ngực hoặc sử dụng một số liệu pháp hóa trị hay thuốc điều hòa miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ;
- Hút thuốc. Một số bệnh phổi kẽ có nhiều khả năng xuất hiện ở những người có tiền sử hút thuốc lá, hút thuốc trực tiếp có thể khiến cho tình trạng nghiêm trọng hơn, đặc biệt nếu có liên quan đến khí phế thũng.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kĩ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bệnh phổi kẽ?
Bác sĩ thường tiến hành kiểm tra bằng hình ảnh của phổi để xác định các vấn đề, các hình thức kiểm tra bằng hình ảnh bao gồm:
- Chụp X-quang. Chụp X-quang phổi là phương pháp đầu tiên được áp dụng để đánh giá hầu hết những người có vấn đề về hô hấp. Hình ảnh X-quang ngực ở những người bị bệnh phổi kẽ có thể hiển thị các nếp nhăn ở phổi;
- Chụp cắt lớp (CT scan). Máy quét CT phát ra nhiều tia X và máy tính sẽ tạo ra hình ảnh chi tiết của phổi cũng như các cấu trúc xung quanh. Chụp cắt lớp thường phát hiện được bệnh phổi kẽ;
- Chụp CT phân giải cao. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh phổi kẽ, họ sẽ điều chỉnh tính năng của máy quét CT để cải thiện hình ảnh của kẽ phổi, nhằm tăng khả năng quét của máy CT scan và phát hiện bệnh phổi kẽ.
Thử nghiệm chức năng phổi: một người ngồi trong một buồng nhựa kín và thở qua một ống. Ở những người bị bệnh phổi kẽ, tổng dung tích phổi và khả năng vận chuyển oxy vào máu có thể bị giảm.
Sinh thiết phổi: thu thập mô phổi để kiểm tra dưới kính hiển vi là cách duy nhất để xác định loại bệnh phổi kẽ mà bạn mắc phải. Có một số cách để thu thập các mô phổi, bao gồm:
- Nội soi phế quản. Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi qua miệng hoặc mũi vào khí quản. Các công cụ nhỏ trên ống nội soi có thể lấy một mẫu mô phổi;
- Phẫu thuật ngực có video hỗ trợ (VATS). Bác sĩ sẽ luồn công cụ qua một vết rạch nhỏ và lấy mẫu từ nhiều vùng của mô phổi;
- Sinh thiết mở phổi (mở ngực). Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật theo lối truyền thống bằng cách rạch một vết lớn ở ngực để sinh thiết phổi.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh phổi kẽ?
Phương pháp điều trị được xác định tùy theo các loại bệnh cũng như những nguyên nhân gây ra bệnh, bao gồm:
Thuốc
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh phổi kẽ, phương pháp điều trị bao gồm chống viêm hay chống xơ. Bệnh phổi kẽ có một quá trình viêm hoặc tự miễn được biết tới có thể hưởng lợi từ các thuốc chống viêm hoặc sự ức chế miễn dịch ban đầu. Nếu bạn nhận biết được loại phơi nhiễm thì hãy tránh các tác nhân gây kích động, đây là bước đầu tiên trong quá trình điều trị. Cụ thể, đối với xơ hóa phổi tự phát, có hai loại thuốc có thể làm chậm quá trình gây sẹo. Bác sĩ hiện tại có thể làm việc với các bác sĩ chuyên khoa khác, chẳng hạn như thấp khớp hoặc chuyên khoa tim, để tối ưu hóa quá trình chăm sóc.
Điều trị bằng oxy
Sử dụng oxy không thể ngăn chặn tổn thương phổi, nhưng nó có thể:
- Giúp thở dễ dàng hơn;
- Ngăn chặn hoặc làm giảm các biến chứng từ tình trạng nồng độ oxy trong máu thấp;
- Giảm huyết áp ở phía bên phải của tim;
- Cải thiện giấc ngủ và giúp dễ chịu hơn;
- Nhận được oxy khi ngủ hoặc tập thể dục, một số người có thể áp dụng phương pháp này cả ngày.
Phẫu thuật
Cấy ghép phổi có thể là lựa chọn cuối cùng cho những người bị bệnh phổi kẽ nghiêm trọng nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh phổi kẽ?
Duy trì cơ thể khoẻ mạnh là điều cần thiết để đối phó bệnh phổi kẽ. Để làm được điều đó, bạn cần phải:
- Bỏ thuốc lá. Nếu bạn có bệnh phổi thì hãy bỏ thuốc. Bạn hãy gặp bác sĩ để được tư vấn các phương pháp bỏ thuốc, bao gồm cả các chương trình cai thuốc lá, trong đó bác sĩ sẽ hướng dẫn một loạt các kỹ thuật đã được chứng minh để giúp mọi người bỏ thuốc lá. Bên cạnh đó, bạn không được để người khác hút thuốc xung quanh mình;
- Có chế độ dinh dưỡng tốt. Những người bị bệnh phổi có thể bị sụt cân vì nó dẫn đến tình trạng ăn không ngon và cần nhiều năng lượng hơn để hô hấp. Những người này cần một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng có chứa đầy đủ calo. Một chuyên gia dinh dưỡng có thể hướng dẫn thêm cho bạn về việc ăn uống lành mạnh;
- Duy trì tập luyện thể dục thể thao. Bạn hãy tập thể dục càng nhiều càng tốt để tránh tình trạng cơ thể yếu đi do các bệnh mạn tính;
- Tiêm chủng. Nhiễm trùng hô hấp có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh phổi kẽ. Hãy chắc chắn rằng bạn đã được chủng ngừa viêm phổi và chích ngừa cúm hàng năm.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.