Tìm hiểu chung
Bệnh bò điên là bệnh gì?
Bệnh bò điên là một tình trạng nghiêm trọng mà não và tủy sống (hệ thống thần kinh trung ương) ở gia súc bị phá hủy dần dần. Bệnh bò điên còn được gọi là bệnh não xốp bò.
Con người thường không mắc bệnh bò điên nhưng trong những trường hợp hiếm hoi cũng có thể mắc phải biến thể của bệnh bò điên, gọi là Creutzfeldt-Jakob (vCJD) và có nguy cơ tử vong.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bò điên là gì?
Người bị bệnh bò điên có biểu hiện suy sụp tinh thần nhanh chóng, thường là trong vòng một vài tháng. Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu thường bao gồm:
- Tính cách thay đổi;
- Lo ngại;
- Phiền muộn;
- Mất trí nhớ;
- Suy nghĩ bị khiếm khuyết;
- Nhìn mờ hoặc bị mù;
- Mất ngủ;
- Khó nói;
- Khó nuốt;
- Co giật đột ngột.
Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng tâm thần sẽ trầm trọng hơn và phần lớn người mắc bệnh bò điên sẽ rơi vào tình trạng hôn mê. Thậm chí, người mắc bệnh bò điên sẽ bị suy tim, suy hô hấp, viêm phổi hoặc nhiễm trùng và tử vong. Thời gian tử vong thường xảy ra trong vòng một năm.
Ở những người bị bệnh bò điên dạng hiếm, các triệu chứng về tâm thần có thể nghiêm trọng hơn, như sa sút trí tuệ (mất khả năng suy nghĩ, lập luận và ghi nhớ) sẽ diễn tiến về sau trong quá trình mắc bệnh. Ngoài ra, biến thể này ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi trẻ nhiều hơn và xuất hiện trong một khoảng thời gian khá dài là 12-14 tháng.
Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?
Bạn phải gặp bác sĩ ngay nếu gặp những triệu chứng trên vì tình trạng này đe dọa đến tính mạng.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn. Cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh bò điên?
Chuyên gia cho rằng bệnh bò điên được gây ra bởi các protein truyền nhiễm gọi là prion và chỉ được tìm thấy trong não, tủy sống và ruột non của con bò bị nhiễm bệnh.
Khi một con bò bị giết, các bộ phận của nó được sử dụng cho nhu cầu thực phẩm của con người và các bộ phận khác được sử dụng trong thức ăn động vật. Nếu một con bò bị nhiễm bệnh được giết mổ và mô thần kinh của nó được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, con bò khác có thể bị nhiễm bệnh. Sau đó, bạn có thể mắc bệnh bò điên nếu ăn não hoặc mô tủy sống của gia súc mắc bệnh.
Nguy cơ mắc bệnh
Những ai thường mắc phải bệnh bò điên?
Nhà khoa học ước tính có 1/1.000.000 người trên thê giới mắc bệnh này mỗi năm và thường gặp nhất là ở người lớn tuổi.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh bò điên?
Nguy cơ mắc phải bệnh bò điên là không cao và bệnh này không lây truyền thông qua ho hoặc hắt hơi, tiếp xúc hay quan hệ tình dục. Bạn chỉ có thể bị nhiễm bệnh qua ba trường hợp:
- Ngẫu nhiên. Hầu hết những người mắc bệnh bò điên đều không có lý do rõ ràng;
- Di truyền. Bạn có nguy cơ mắc bệnh bò điên rất cao nếu bố hoặc mẹ bị mắc bệnh bò điên;
- Do ô nhiễm. Một số ít người bị mắc bệnh bò điên sau khi tiếp xúc với mô của người bị nhiễm bệnh thông qua các thủ thuật y tế, chẳng hạn như ghép giác mạc hoặc da. Ngoài ra, phương pháp khử trùng tiêu chuẩn không phá hủy các prion bất thường nên một vài người đã nhiễm bệnh bò điên sau khi trải qua phẫu thuật não với các dụng cụ bị nhiễm bẩn.
Một vài yếu tốcó nguy cơ dẫn đến các loại bệnh bò điên khác:
- Di truyền học. Nếu bố hoặc mẹ bạn bị mắc bệnh bò điên thì chắc chắn bạn cũng sẽ mắc phải bệnh này. Đồng thời, con bạn có 50% nguy cơ mắc phải bệnh này;
- Tiếp xúc với các mô bị nhiễm độc. Những người đã nhận hormone tăng trưởng có nguồn gốc từ tuyến yên của con người hoặc những người đã được cấy ghép mô bao bọc não có nguy cơ mắc bệnh bò điên;
- Tuổi tác. Bệnh bò điên lây truyền từ gia đình sẽ có biểu hiện sớm và ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi rất trẻ, thông thường ở cuối độ tuổi 20.
Nguy cơ mắc bệnh bò điên sau khi ăn phải thịt bò nhiễm khuẩn là rất khó để xác định. Nói chung, nếu các quốc gia đang thực hiện có hiệu quả các biện pháp y tế công cộng thì rủi ro mắc bệnh hầu như không có.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Những kĩ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bệnh bò điên?
Sinh thiết não hoặc kiểm tra mô não sau khi chết (khám nghiệm tử thi) là phương pháp duy nhất có thể xác nhận sự hiện diện của căn bệnh này. Tuy nhiên, các bác sĩ thường có thể chẩn đoán chính xác dựa trên tiền sử y tế và cá nhân, khám thần kinh và chẩn đoán.
Ngoài ra, các bác sĩ thường sử dụng các phương pháp xét nghiệm sau để phát hiện bệnh bò điên:
- Điện não đồ (EEG). Bác sĩ sẽ đặt điện cực lên da đầu và đo hoạt động điện của não bộ. Những người mắc bệnh bò điên sẽ cho ra một mô hình đặc trưng bất thường;
- MRI. Kỹ thuật chụp ảnh này sử dụng sóng vô tuyến điện và từ trường để tạo ra hình ảnh cắt ngang của đầu và cơ thể. Kỹ thuật này đặc biệt hữu ích trong việc chẩn đoán các rối loạn não vì hình ảnh của chất trắng và chất xám của não sẽ được thể hiện rõ;
- Kiểm tra chất lỏng cột sống. Dịch tủy não bao quanh, làm đệm cho não và tủy sống. Trong phương pháp kiểm tra chọc dò tủy sống, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim để rút một lượng nhỏ dịch tủy não để kiểm tra. Nếu bác sĩ phát hiện có một loại protein đặc biệt trong dịch tủy não thì có khả năng là bạn đã mắcbệnh bò điên.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh bò điên?
Thật không may, hiện nay không có phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng này. Vì vậy, các bác sĩ tập trung vào phương pháp giảm đau và điều trị các triệu chứng khác để giảm bớt sự nguy kịch của người bệnh.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh bò điên?
Nếu bạn là một người chăn nuôi gia súc, bạn nên áp dụng các biện pháp sau:
- Quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu gia súc từ các nước bên ngoài;
- Quy định nghiêm ngặt trong việc quản lý thức ăn gia súc và chăm sóc con vật bị ốm;
- Giám sát và kiểm tra để theo dõi sức khỏe gia súc;
- Lập danh sách những bộ phận nào của gia súc được phép đưa vào chế biến để tiêu thụ.
Nếu không phải là một người chăn nuôi gia súc thì bạn nên duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm các hoạt động như:
- Không ăn ruột bò, não bò, tủy bò;
- Chỉ ăn thịt bò từ những nhà cung cấp đáng tin cậy;
- Nếu bạn nằm trong những trường hợp đặc biệt (đang mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…), bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định ăn thịt bò.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.