Tìm hiểu chung
Bệnh bạch cầu ở trẻ em là gì?
Thuật ngữ bệnh bạch cầu đề cập đến các bệnh ung thư của các tế bào máu trắng (còn gọi là bạch cầu). Một người bị bệnh bạch cầu sẽ có số lượng lớn các tế bào bạch cầu bất thường được sản xuất trong tủy xương. Các tế bào màu trắng bất thường xâm lấn tủy xương và tràn ngập vào dòng máu, nhưng chúng không thể thực hiện vai trò bảo vệ cơ thể chống lại bệnh, vì chúng là những tế bào khiếm khuyết.
Khi bệnh bạch cầu tiến triển, ung thư can thiệp vào quá trình sản xuất các loại tế bào máu của cơ thể, bao gồm hồng cầu và tiểu cầu. Điều này dẫn đến thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp) và các vấn đề chảy máu, bên cạnh nguy cơ nhiễm trùng cao gây ra bởi các tế bào máu trắng bất thường.
Nói chung, bệnh bạch cầu được phân thành hai loại cấp tính (phát triển nhanh) và mạn tính (tiến triển chậm). Ở trẻ em, hầu hết các bệnh bạch cầu là cấp tính.
Bệnh bạch cầu cấp tính ở trẻ em cũng được chia thành bệnh bạch cầu dòng lympho cấp (ALL) và bệnh bạch cầu dòng tủy cấp (AML), tùy thuộc cụ thể vào loại tế bào máu trắng được gọi là tế bào bạch huyết hoặc tủy bào, liên quan đến sự đề kháng miễn dịch.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch cầu ở trẻ em?
Do các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng bị khiếm khuyết, trẻ em bị bệnh bạch cầu có thể bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn nhiều hơn bình thường. Trẻ cũng có thể bị thiếu máu do bệnh bạch cầu ảnh hưởng đến việc sản xuất tế bào hồng cầu vận chuyển oxy của tủy xương. Trẻ trở nên nhợt nhạt, mệt mỏi bất thường và khó thở trong khi chơi.
Trẻ bị bệnh bạch cầu có thể bị bầm tím và chảy máu rất dễ dàng, chảy máu cam thường xuyên hoặc bị chảy máu trong một thời gian dài bất thường dù với một vết cắt nhỏ vì bệnh bạch cầu phá hủy khả năng sản xuất tiểu cầu (có chức năng đông máu) của tủy xương.
Các triệu chứng khác của bệnh bạch cầu có thể bao gồm:
- Đau ở xương hoặc khớp, đôi khi gây ra dáng đi khập khiễng
- Hạch bạch huyết ở cổ, háng, hay ở nơi khác sưng to (đôi khi được gọi là sưng hạch)
- Mệt mỏi bất thường
- Chán ăn
- Sốt không kèm các triệu chứng khác
- Đau bụng (do các tế bào máu bất thường tích tụ trong các cơ quan như thận, gan, hoặc lách)
Đôi khi, sự lây lan của bệnh bạch cầu đến não có thể gây đau đầu, động kinh, mất thăng bằng hoặc tầm nhìn không bình thường. Nếu bệnh bạch cầu dòng lympho cấp lây lan đến các hạch bạch huyết bên trong ngực, khi các hạch sưng to chèn ép khí quản và các mạch máu quan trọng, dẫn đến khó thở và gây trở ngại cho tuần hoàn máu đến và đi từ tim.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bạch cầu ở trẻ?
Các bác sĩ không biết chính xác nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp bệnh bạch cầu ở trẻ, nhưng điều chắc chắn là có nhiều nguy cơ tăng khả năng bị bệnh này.
Nguy cơ mắc phải
Mức độ phổ biến của bệnh bạch cầu ở trẻ em?
Bệnh bạch cầu là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên, chiếm gần như 1 trong 3 các bệnh ung thư. Đa số các bệnh bạch cầu ở trẻ em là bệnh bạch cầu dòng lumpho cấp tính (ALL). Hầu hết các trường hợp còn lại là bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML). Bệnh bạch cầu mãn tính rất hiếm thấy ở trẻ nhỏ. Hãy thảo luận với bác sĩ của bạn để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bạch cầu ở trẻ?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh bạch cầu ở trẻ em như:
- Rối loạn di truyền như hội chứng Li-Fraumeni, hội chứng Down, hoặc hội chứng Klinefelter
- Vấn đề hệ thống miễn dịch do di truyền như mất điều hòa giãn mao mạch
- Có anh chị em bị bệnh bạch cầu, đặc biệt là một đôi song sinh cùng trứng
- Có lịch sử tiếp xúc với nồng độ bức xạ cao, hóa trị liệu hoặc các hóa chất như benzen (một dung môi)
- Có lịch sử hệ miễn dịch bị ức chế như cấy ghép cơ quan
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bạch cầu ở trẻ em được?
Để chẩn đoán bệnh bạch cầu ở trẻ em, bác sĩ sẽ tìm hiểu kỹ bệnh sử và khám lâm sàng. Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh bạch cầu ở trẻ em và phân loại nó.
Xét nghiệm ban đầu có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu để đo số lượng các tế bào máu và xem hình dạng của nó
- Chọc hút tủy xương và sinh thiết, thường được lấy từ xương chậu, để chẩn đoán xác định bệnh bạch cầu
- Chọc dịch não tủy để kiểm tra độ lây lan của các tế bào bạch cầu trong dịch bao quanh não và tủy sống.
Nghiên cứu bệnh học kiểm tra các tế bào từ các mẫu máu dưới kính hiển vi đồng thời cũng kiểm tra các mẫu tủy xương xem số lượng tế bào tạo máu và các tế bào chất béo.
Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện để giúp xác định loại bệnh bạch cầu con bạn có thể có. Những xét nghiệm này cũng giúp các bác sĩ biết khả năng đáp ứng điều trị.
Một số xét nghiệm có thể được lặp lại để xem trẻ đáp ứng với điều trị thế nào.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bạch cầu ở trẻ em?
Nên có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với bác sĩ và các thành viên khác trong nhóm chăm sóc bệnh ung thư về các lựa chọn điều trị tốt nhất cho con bạn. Việc điều trị tùy thuộc chủ yếu vào loại bệnh bạch cầu cũng như những vấn đề khác.
Tỷ lệ sống cho hầu hết các loại bệnh bạch cầu ở trẻ em đã tăng lên theo thời gian. Điều trị tại các trung tâm chuyên biệt cho trẻ em và thanh thiếu niên có những lợi thế của dịch vụ chăm sóc đặc biệt. Ung thư ở trẻ có xu hướng đáp ứng với điều trị tốt hơn so với ung thư ở người lớn và cơ thể của trẻ em thường chịu đựng việc điều trị tốt hơn.
Trước khi bắt đầu điều trị ung thư, đôi khi trẻ cần được điều trị các biến chứng trước. Ví dụ, những thay đổi trong các tế bào máu có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc chảy máu nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến lượng oxy tại các mô trong cơ thể. Điều trị có thể bao gồm thuốc kháng sinh, truyền máu hoặc các biện pháp khác để chống nhiễm trùng.
Hóa trị là điều trị chính cho bệnh bạch cầu ở trẻ. Trẻ sẽ nhận được thuốc chống ung thư để uống, truyền tĩnh mạch hoặc dịch não tủy. Để phòng tái phát, trẻ có thể điều trị duy trì trong chu kỳ 2 hoặc 3 năm.
Đôi khi, điều trị nhắm mục tiêu cũng được sử dụng. Liệu pháp này nhắm vào các phần cụ thể của các tế bào ung thư, khác với hóa trị liệu thông thường. Phương pháp này hiệu quả đối với một số loại bệnh bạch cầu ở trẻ em và ít gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Các loại điều trị khác có thể bao gồm xạ trị. Xạ trị là sử dụng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ các khối u. Xạ trị cũng có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị sự lây lan của bệnh bạch cầu đến các bộ phận khác của cơ thể. Phẫu thuật hiếm khi được chọn để điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ.
Nếu điều trị thông thường cho hiệu quả thấp, cấy ghép tế bào gốc có thể là lựa chọn tốt nhất. Nó liên quan đến việc cấy ghép tế bào gốc tạo máu sau khi xạ trị toàn thân kết hợp với hóa trị liều cao để tiêu diệt tủy xương bệnh của trẻ.
Liệu pháp tế bào T sử dụng một số tế bào miễn dịch của riêng bạn, được gọi là các tế bào T, để điều trị ung thư của bạn. Bác sĩ lấy tế bào ra khỏi máu và thay đổi chúng bằng cách thêm gen mới. Các tế bào T mới có thể tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Chế độ sinh hoạt hợp lý
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh bạch cầu ở trẻ em ?
Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.