Tìm hiểu chung
Hà thủ ô khá nổi tiếng với khả năng làm đen tóc và lưu giữ thanh xuân. Loại thảo dược được nhiều người Việt Nam biết đến và tin dùng vì dễ kiếm và dễ dùng.
Tác dụng của hà thủ ô
Hà thủ ô đã được sử dụng ở Trung Quốc từ lâu đời vì khả năng trẻ hóa và làm chắc da của nó, cũng như để tăng cường chức năng gan thận và để làm thanh lọc máu. Cây hà thủ ô cũng được sử dụng cho chứng mất ngủ, yếu xương, táo bón và xơ vữa động mạch.
Vị thuốc này có thể làm tăng khả năng sinh sản, tăng lượng đường trong máu và làm giảm đau nhức cơ bắp. Ngoài ra, hà thủ ô còn có đặc tính kháng khuẩn đối với mycobacteria và bệnh sốt rét.
Nhìn chung, hiện vẫn chưa có đủ nghiên cứu về hà thủ ô. Hầu hết các thông tin về hà thủ ô đều được thu thập từ ghi chép y học Trung Quốc được công bố vào những năm 1990.
Phân biệt hà thủ ô đỏ và trắng
Hà thủ ô trắng có tên khoa học là Streptocaulon juventas, thuộc dạng cây leo, dài đến 2m hoặc hơn. Hà thủ ô trắng có nhiều tên khác nhau như củ vú bò, dây sữa bò, cây sừng bò, tên khoa học là Streptocaulon juventas Merr.
Hà thủ ô đỏ (có tên khoa học là Polygonum multiflorum) có tên khác là dạ giao đằng, dạ hợp, địa tinh… Vị thuốc hà thủ ô đỏ là rễ củ phơi khô của cây hà thủ ô đỏ.
Hà thủ ô đỏ được dùng nhiều và thông dụng hơn hà thủ ô trắng vì hàm lượng hoạt chất điều trị bệnh có trong hà thủ ô đỏ cao hơn nên khả năng điều trị bệnh của hà thủ ô đỏ tốt hơn.
Cách chế biến hà thủ ô
Từ xa xưa, hà thủ ô thường được dùng để ngâm rượu hay nấu trà. Nhưng nay, bạn có thể tham khảo một số cách dùng hà thủ ô thú vị hơn như sau:
– Bạn chuẩn bị 30g bột hà thủ ô, buộc chặt trong túi vải rồi bỏ vào bụng gà để hầm. Bạn có thể nêm thêm gia vị để làm canh.
– Bạn hãy chuẩn bị 60g hà thủ ô rồi sắc lấy nước. Luộc trứng bằng nước thảo dược này sẽ giúp trứng có nhiều dưỡng chất hơn.
– Bạn hãy ngâm 30g hà thủ ô vào nước trong 2 tiếng rồi lấy nước ngâm nấu với gai và đại táo để làm cháo. Đây là loại cháo bổ dưỡng bạn có thể ăn với đường.
Liều dùng
Liều dùng thông thường của hà thủ ô là gì?
Bạn có thể dùng cả cây hà thủ ô ở liều 9-15g hàng ngày. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào xác minh liều dùng của hà thủ ô.
Liều dùng của hà thủ ô có thể khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau. Liều lượng dựa trên tuổi của bạn, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Hà thủ ô có thể không an toàn. Hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Dạng bào chế của hà thủ ô là gì?
Cây thuốc, vị thuốc này có thể có những dạng bào chế như:
- Rễ cây thái/cắt nhỏ
- Dùng làm thành phần trong nhiều loại thuốc
- Dùng kết hợp với các loại thảo dược khác.
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ của hà thủ ô
Bạn có thể gặp một số tác dụng phụ của hà thủ ô như:
- Buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, tiêu chảy, làm phụ thuộc vào thuốc nhuận tràng khi sử dụng thời gian dài.
- Phản ứng mẫn cảm.
Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ của hà thủ ô khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ.
Điều cần thận trọng
Trước khi dùng hà thủ ô, bạn nên biết những gì?
Lưu trữ hà thủ ô ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh nhiệt độ và độ ẩm.
Khi mua hà thủ ô, bạn nên chọn rễ cây màu tối. Rễ cây có những vệt trắng sẽ không công hiệu bằng.
Bạn sẽ bị lệ thuộc vào thuốc nhuận tràng sau thời gian dài dùng thuốc.
Những quy định cho hà thủ ô ít nghiêm ngặt hơn những quy định của tân dược. Cần nghiên cứu sâu hơn để xác định độ an toàn của vị thuốc này. Lợi ích của việc sử dụng hà thủ ô nên cân nhắc với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Mức độ an toàn của hà thủ ô như thế nào?
Không dùng thuốc cho trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Không dùng thuốc cho người bị tiêu chảy hoặc mẫn cảm với thuốc.
Hà thủ ô có thể tương tác với những gì?
Thuốc có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng hà thủ ô.
Hà thủ ô có thể làm tăng hoạt động của thuốc trị tiểu đường và làm tăng nguy cơ hạ kali khi dùng với thuốc lợi tiểu.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Thảo dược có giúp bạn mang thai?
- Làm sáng da hữu hiệu chỉ với thảo dược
- 9 loại thảo dược giúp tăng ham muốn tình dục