Tên gốc: sitagliptin
Phân nhóm: thuốc trị đái tháo đường
Tác dụng của sitagliptin
Tác dụng của sitagliptin là gì?
Sitagliptin được sử dụng với các loại thuốc khác để kiểm soát lượng đường trong máu cao. Thuốc được sử dụng ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Kiểm soát lượng đường trong máu cao giúp ngăn ngừa tổn thương thận, mù lòa, các vấn đề thần kinh, đoạn chi và các vấn đề về chức năng tình dục. Kiểm soát thích hợp bệnh tiểu đường cũng có thể làm giảm nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.
Sitagliptin là một loại thuốc tiểu đường hoạt động bằng cách tăng hàm lượng các chất tự nhiên được gọi là incretin. Incretin giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách tăng tiết insulin, đặc biệt là sau bữa ăn. Chúng cũng làm giảm lượng đường mà gan của bạn tạo ra.
Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khác khi có chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng sitagliptin
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng thuốc sitagliptin cho người lớn như thế nào?
Liều thông thường cho người lớn bị bệnh tiểu đường tuýp 2
Liều thông thường: bạn dùng 100mg, uống 1 lần/ngày.
Điều chỉnh liều:
Đối với bệnh nhân suy thận vừa: bạn dùng 50mg, uống 1 lần/ngày.
Đối với bệnh nhân suy thận nặng: bạn dùng 25mg, uống 1 lần/ngày.
Đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo: bạn dùng 25mg, uống 1 lần/ngày.
Đối với bệnh nhân đang dùng phương pháp thẩm phân phúc mạc: bạn dùng 25mg, uống 1 lần/ngày.
Liều dùng thuốc sitagliptin cho trẻ em như thế nào?
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng.
Cách dùng thuốc sitagliptin
Bạn nên dùng sitagliptin như thế nào?
Bạn nên sử dụng sitagliptin đúng theo chỉ dẫn trên nhãn hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Không sử dụng với lượng lớn hơn, nhỏ hơn hoặc lâu hơn so với chỉ định.
Bạn uống thuốc này cùng hoặc không cùng thức ăn, thường là 1 lần/ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Liều lượng thuốc được dựa trên tình trạng sức khỏe, chức năng thận và đáp ứng điều trị. Bạn nên dùng thuốc này thường xuyên và cùng lúc mỗi ngày để nhận được nhiều tác dụng nhất từ thuốc. Bạn cũng nên thực hiện theo kế hoạch điều trị cẩn thận về chế độ ăn uống, tấp thể dục mà bác sĩ đề nghị.
Bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên và thông báo kết quả với bác sĩ. Báo cho bác sĩ nếu lượng đường trong máu của bạn quá cao hoặc quá thấp vì bác sĩ có thể cần phải điều chỉnh liều lượng phù hợp.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.
Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng thuốc quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, bạn hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Bạn không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ của sitagliptin
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng sitagliptin?
Sitagliptin thường không gây ra lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết), lượng đường trong máu thấp có thể xảy ra nếu thuốc này được kê đơn với các loại thuốc trị tiểu đường khác. Bạn hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ về việc thay đổi liều lượng thuốc trị tiểu đường.
Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm đổ mồ hôi đột ngột, run rẩy, tim đập nhanh, đói, mờ mắt, chóng mặt hoặc ngứa ran tay/chân. Bạn nên mang theo viên nén glucose hoặc gel để điều trị lượng đường trong máu thấp hoặc nhanh chóng tăng lượng đường trong máu của bạn bằng cách ăn đường, mật ong hoặc kẹo, hoặc uống nước trái cây hoặc soda.
Hạ đường huyết có nhiều khả năng nếu bạn uống nhiều rượu, tập thể dục nặng bất thường hoặc không tiêu thụ đủ lượng calo từ thức ăn. Để giúp ngăn ngừa hạ đường huyết, bạn hãy ăn các bữa ăn theo lịch trình đều đặn và đừng bỏ bữa. Hãy tham khảo với bác sĩ hoặc dược sĩ để tìm hiểu xem bạn nên làm gì nếu bạn bỏ lỡ một bữa ăn.
Các triệu chứng của tăng đường huyết bao gồm khát nước, đi tiểu, lú lẫn, buồn ngủ, đỏ bừng, thở gấp. Nếu các triệu chứng này xảy ra, bạn hãy nói với bác sĩ ngay lập tức. Bác sĩ có thể cần phải điều chỉnh thuốc trị tiểu đường của bạn.
Hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào, bao gồm dấu hiệu của vấn đề về thận (như thay đổi lượng nước tiểu), đau khớp, mụn nước da bất thường, dấu hiệu suy tim (chẳng hạn như khó thở, sưng mắt cá chân, mệt mỏi bất thường, tăng cân bất thường/đột ngột).
Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ rất nghiêm trọng, bao gồm dấu hiệu của viêm tụy (chẳng hạn như buồn nôn/nôn dai dẳng, chán ăn, đau bụng dữ dội).
Phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng đối với thuốc này là rất hiếm. Tuy nhiên, gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây của phản ứng dị ứng nghiêm trọng như phát ban, ngứa/sưng (đặc biệt là mặt/lưỡi/cổ họng), chóng mặt nặng, khó thở.
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng/Cảnh báo khi dùng sitagliptin
Trước khi dùng sitagliptin, bạn nên lưu ý những gì?
Trước khi dùng thuốc, bạn nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:
- Bạn dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc.
- Trước khi sử dụng thuốc, bạn hãy nói với bác sĩ hoặc dược sĩ bệnh sử của bạn, đặc biệt là bệnh thận, suy tim, bệnh tuyến tụy (viêm tụy), sỏi trong túi mật của bạn (sỏi mật).
- Bạn có thể bị mờ mắt, chóng mặt hoặc buồn ngủ do đường huyết cực thấp hoặc cao. Bạn không nên lái xe, sử dụng máy móc hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động nào đòi hỏi sự tỉnh táo hoặc tầm nhìn rõ ràng cho đến khi bạn chắc chắn rằng bạn có thể thực hiện các hoạt động đó một cách an toàn.
- Hạn chế uống rượu trong khi dùng thuốc này vì thuốc có thể làm tăng nguy cơ giảm đường huyết.
- Có thể khó kiểm soát lượng đường trong máu hơn khi cơ thể bị căng thẳng (chẳng hạn như sốt, nhiễm trùng, thương tích hoặc phẫu thuật). Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi tăng căng thẳng và có thể yêu cầu thay đổi kế hoạch điều trị, thuốc men hoặc xét nghiệm đường huyết.
- Trước khi phẫu thuật, bạn hãy nói cho bác sĩ hoặc nha sĩ về tất cả các sản phẩm bạn sử dụng (bao gồm thuốc theo toa, thuốc không kê toa và các sản phẩm thảo dược).
- Trong thời kỳ mang thai, thuốc này chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết. Bạn nên thảo luận về những rủi ro và lợi ích với bác sĩ.
- Chưa có thông tin liệu thuốc này có đi vào sữa mẹ hay không. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con bú.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng sitagliptin trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)
Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Tương tác thuốc sitagliptin
Thuốc sitagliptin có thể tương tác với những thuốc nào?
Thuốc ức chế beta (như metoprolol, propranolol, thuốc nhỏ mắt tăng nhãn áp như timolol) có thể ngăn nhịp tim đập nhanh bạn thường cảm thấy khi lượng đường trong máu giảm quá thấp (hạ đường huyết). Các triệu chứng khác của lượng đường trong máu thấp, chẳng hạn như chóng mặt, đói hoặc đổ mồ hôi, không bị ảnh hưởng bởi những loại thuốc này.
Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn, khiến bạn khó kiểm soát hơn. Trước khi bạn bắt đầu ngừng hoặc thay đổi bất kỳ loại thuốc nào, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn như thế nào. Bạn hãy kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên theo chỉ dẫn và chia sẻ kết quả với bác sĩ. Hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng của lượng đường trong máu cao hoặc thấp, bác sĩ có thể cần điều chỉnh thuốc tiểu đường, chương trình tập thể dục hoặc chế độ ăn uống của bạn.
Thuốc sitagliptin có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược, thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Sitagliptin có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?
Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến sitagliptin?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
Bảo quản thuốc sitagliptin
Bạn nên bảo quản sitagliptin như thế nào?
Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.
Dạng bào chế của sitagliptin
Sitagliptin có những dạng và hàm lượng nào?
Sitagliptin có ở dạng viên nén.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Kem đánh răng có thể gây tiểu đường tuýp 2?
- Tiểu đường tuýp 2: Nên và không nên ăn gì?
- 6 vấn đề sức khỏe nghiêm trọng từ tiểu đường và lão hóa