Từ Điển Thuốc Biệt Dược Và Cách Sử Dụng

Levomepromazine

Tên hoạt chất: Levomepromazine Thương hiệu thuốc: Tên biệt dược

Tìm hiểu chung

Tác dụng của thuốc levomepromazine  là gì?

Thuốc levomepromazine  có chức năng xoa dịu, an thần và giảm đau. Thuốc được sử dụng cho nhiều nguyên nhân, có thể bao gồm điều trị rối loạn do lo âu, rối loạn giấc ngủ, bệnh tâm thần, buồn nôn, ói mửa hoặc giảm đau.

Bạn nên dùng thuốc levomepromazine  như thế nào?

Bạn nên dùng thuốc  theo chỉ dẫn. Bạn có thể dùng chung với thức ăn nếu thuốc làm dạ dày khó chịu. Tuy nhiên, bạn không tăng liều hoặc dùng thuốc  thường xuyên hơn mà không có chỉ định của bác sĩ.

Bạn nên bảo quản thuốc levomepromazine như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy,  bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và  thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt  thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc  công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc levomepromazine  cho người lớn như thế nào?

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh tâm thần phân liệt:

Đối với thuốc dạng muối maleat, bạn dùng 25-50 mg mỗi ngày chia làm 3 lần, với liều cao hơn nên dùng vào vào ban đêm.

Nếu bệnh nhân đang trong trạng thái bất động, bạn cho dùng 100-200 mg mỗi ngày tăng dần lên 1 g nếu cần thiết.

Liều dùng thông thường cho người lớn bổ trợ cơn đau nghiêm trọng giai đoạn cuối :

Đối với dạng muối maleat, bạn dùng 12,5-50 mg mỗi 4-8 giờ.

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh buồn nôn và ói mửa:

Đối với dạng muối maleat, bạn dùng 12,5-50 mg mỗi 4-8 giờ.

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh giảm đau:

Bạn dùng 10-25 mg uống trước lúc đi ngủ.

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh giảm đau hậu phẫu:

Đối với dạng muối HCl, bạn dùng 10-25 mg tiêm bắp mỗi 8 giờ hoặc dùng 2,5-7,5 mg mỗi 4-6 giờ nếu thuốc gây mê đang dùng có hiệu lực.

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh đau cấp tính:

Đối với dạng muối HCl, bạn dùng 75-100 mg trong 3-4 mũi tiêm bắp sâu.

Liều dùng thông thường cho người lớn tiêm trước khi bắt đầu phẫu thuật:

Đối với dạng muối HCl, bạn dùng 10-25 mg tiêm bắp mỗi 8 giờ.

Đối với liều trước phẫu thuật cuối cùng, bạn dùng 25-50 mg khoảng 1 giờ trước khi phẫu thuật.

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh bổ trợ cơn đau nghiêm trọng giai đoạn cuối:

Đối với dạng muối HCl, bạn dùng12,5-25 mg mỗi 6-8 giờ bằng cách tiêm bắp. Bệnh nhân nên nằm trên giường ít nhất sau khi tiêm liều đầu.

Nếu bệnh nhân ở trạng thái kích động nghiêm trọng, bạn cho dùng tối đa 50 mg. Liều dùng này cũng có thể tiêm tĩnh mạch sau khi pha loãng với lượng nước muối tương đương thuốc cần dùng. Tổng liều dùng là 25-200 mg hàng ngày.

Liều dùng thông thường cho người lớn bị buồn nôn và ói mửa:

Đối với dạng muối HCl, bạn dùng12,5-25 mg mỗi 6-8 giờ bằng cách tiêm bắp. Bệnh nhân nên nằm trên giường ít nhất sau khi tiêm liều đầu.

Nếu bệnh nhân ở trạng thái kích động nghiêm trọng, bạn dùng tối đa 50 mg. Liều dùng này cũng có thể tiêm tĩnh mạch sau khi pha loãng với lượng nước muối tương đương thuốc cần dùng. Tổng liều dùng là 25-200 mg hàng ngày.

Liều dùng thuốc levomepromazine  cho trẻ em như thế nào ?

Liều dùng thông thường cho trẻ em mắc bệnh tâm thần phân liệt:

Trẻ em trên 10 tuổi dùng dạng muối maleat: bạn dùng 12,5-25 mg chia làm nhiều lần cho trẻ uống.

Liều dùng tối đa là 37,5 mg hàng ngày.

Liều dùng thông thường cho trẻ  làm giảm cơn đau nghiêm trọng giai đoạn cuối:

Trẻ trên 1 tuổi dùng dạng muối HCl (hiếm khi có trường hợp này ở trẻ độ tuổi này): bạn dùng 0,35-3 mg/kg mỗi ngày truyền SC cho trẻ liên tục.

Liều dùng thông thường cho trẻ bị buồn nôn và ói mửa:

Trẻ trên 1 tuổi dùng dạng muối HCl (hiếm khi có trường hợp này ở trẻ độ tuổi này): bạn dùng 0,35-3 mg/kg mỗi ngày truyền SC cho trẻ liên tục.

Thuốc levomepromazine  có những dạng và hàm lượng nào?

Levomepromazine có những dạng và hàm lượng sau:

  • Viên nén: 25 mg, 100 mg;
  • Dung dịch tiêm: 25 mg/ml.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng  thuốc levomepromazine?

Bạn có thể gặp các tác dụng phụ bao gồm:

  • Buồn ngủ;
  • Yếu người hoặc mất sức (suy nhược);
  • Khô miệng;
  • Tụt huyết áp xảy ra khi nằm xuống, ngồi hoặc đứng, gây chóng mặt và nhức đầu nhẹ (hạ huyết áp tư thế);
  • Táo bón;
  • Phát ban da;
  • Tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng UV;
  • Cử động bàn tay, chân, mặt, cổ và lưỡi bất thường , ví dụ như run, co giật, căng cứng (hiệu ứng ngoại tháp). Những tác dụng phụ giống như bệnh Parkinson có nhiều khả năng xảy ra ở những người đang dùng thuốc với liều cao trong thời gian dài. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị các triệu chứng trên;
  • Gây biến đổi nhiệt độ bình thường của cơ thể ( phổ biến hơn ở những người lớn tuổi, có thể gây đột quỵ khi thời tiết rất nóng hoặc hạ thân nhiệt khi thời tiết rất lạnh);
  • Tăng mật độ glucose trong máu – hãy cho bác sĩ biết nếu bạn cảm thấy đói hoặc khát bất thường, hoặc cần phải đi tiểu thường xuyên hơn so với bình thường. Những người bị bệnh tiểu đường nên theo dõi lượng đường trong máu một cách chặt chẽ;
  • Giảm số lượng tế bào máu trong máu (giảm bạch cầu);
  • Vàng da – cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu bạn nhận thấy mắt hoặc da bị vàng trong khi dùng thuốc này;
  • Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim);
  • Chuyển động không theo ý nhịp nhàng ở lưỡi, mặt, miệng và hàm đôi khi có thể kèm theo cử động vô thức ở cánh tay và chân (rối loạn vận động tardive);
  • Sốt cao đi kèm giảm ý thức, da tái nhợt, vã mồ hôi và tim đập nhanh (hội chứng thần kinh ác tính) – bạn cần ngưng dùng thuốc và đi cấp cứu ngay;
  • Máu đông bất thường trong các mạch máu (huyết khối tĩnh mạch).

Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng trước khi dùng

Trước khi dùng thuốc levomepromazine  bạn nên biết những gì?

Trước khi dùng thuốc này, cho bác sĩ biết nếu bạn:

  • Dị ứng với phenothiazin hoặc bất kỳ thuốc nào khác (ví dụ như chlorpromazine) hoặc nếu bạn có bất kỳ dị ứng khác;
  • Bệnh về máu (ví dụ như số lượng hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu thấp);
  • Chấn thương não hoặc khối u;
  • Có một số vấn đề về hệ thần kinh (nặng) ( như suy nhược thần kinh trung ương nặng, hôn mê);
  • Ngộ độc rượu, ma túy, thuốc an thần hoặc các loại thuốc trầm cảm khác;
  • Có bệnh gan;
  • Bị sốc, bất tỉnh kèm huyết áp rất thấp.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thuốc này thuộc nhóm thuốc B đối với thai  kỳ. Bạn có thể tham khảo bảng phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai dưới đây:

  • A= Không có nguy cơ;
  • B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
  • C = Có thể có nguy cơ;
  • D = Có bằng chứng về nguy cơ;
  • X = Chống chỉ định;
  • N = Vẫn chưa biết.

Tương tác thuốc

Thuốc levomepromazine  có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ, đặc biệt là:

  • Barbiturates (như amobarbital, phenobarbital);
  • Benzodiazepines (như diazepam, temazepam);
  • Thuốc MAOI chống trầm cảm (như phenelzine);
  • Thuốc kháng histamin gây buồn ngủ (như chlorpheniramine, hydroxyzine);
  • Thuốc ngủ dạng viên nén (như zopiclone);
  • Thuốc giảm đau opioid mạnh (như morphine, codeine);
  • Thuốc chống trầm cảm tricylic (như amitriptyline).

Các tác dụng phụ như khô miệng, táo bón hoặc đột quỵ do nhiệt (trong điều kiện nóng và ẩm) có thể gia tăng nếu bạn sử dụng levomepromazine  chung với các loại thuốc khác có tác dụng kháng acetylcholin, bao gồm những thuốc sau đây:

  • Thuốc anticholinergic cho các triệu chứng Parkinson (như procyclidine);
  • Thuốc kháng histamin (như brompheniramine, chlorpheniramine);
  • Thuốc chống loạn thần khác ;
  • Thuốc trị bệnh khác (như promethazine, meclizine, cyclizine);
  • Thuốc chống co thắt (như hyoscine);
  • Thuốc chống trầm cảm MAOI (như phenelzine);
  • Thuốc trị chứng tiểu không tự chủ (như oxybutynin, Flavoxate, tolterodine, propiverine, trospium);
  • Thuốc giãn cơ (như baclofen);
  • Thuốc chống trầm cảm tricylic (như amitriptyline).

Levomepromazine  có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp của các loại thuốc hạ huyết áp, bao gồm cả các loại thuốc dùng để điều trị tăng huyết áp (chống tăng huyết áp) và các loại thuốc có thể gây tác dụng phụ là chứng hạ huyết áp, ví dụ như benzodiazepines. Nếu bạn đang dùng các loại thuốc hạ huyết áp, bạn nên nói với bác sĩ nếu bạn cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu sau khi bắt đầu điều trị với thuốc này, có thể cần phải điều chỉnh liều dùng của bạn.

Ngoài ra, bạn nên tránh dùng thuốc làm tăng nguy cơ mắc chứng tim đập bất thường, như Hội chứng QT kéo dài trên điện tâm đồ kết hợp với  levomepromazine. Những loại thuốc này bao gồm :

  • Thuốc chống loạn nhịp tim (thuốc để điều trị nhịp tim bất thường) (như amiodarone, procainamide, disopyramide, sotalol);
  • Các thuốc kháng histamin astemizol, terfenadin hoặc mizolastine arsenic trioxide;
  • Atomoxetine;
  • Thuốc chống trầm cảm (như amitriptyline, imipramine, maprotiline);
  • Thuốc chống sốt rét (như halofantrine, chloroquine, quinine, mefloquine, riamet);
  • Thuốc chống loạn thần (như thioridazine, pimozide, sertindole, haloperidol);
  • Cisapride;
  • Dronedaron;
  • Droperidol;
  • Erythromycin tiêm tĩnh mạch hoặc pentamidine;
  • Methadone;
  • Moxifloxacin;
  • Saquinavir.

Việc sử dụng thuốc có thể làm thay đổi nồng độ muối (như nồng độ kali hoặc magiê trong máu) (như thuốc lợi tiểu furosemide) kết hợp với levomepromazine có nguy cơ gia tăng Hội chứng QT kéo dài.

Ngoài ra, nguy cơ sụt giảm số lượng tế bào bạch cầu trong máu có thể tăng lên nếu bạn dùng levomepromazine kết hợp với các loại thuốc khác có thể có tác dụng phụ này, chẳng hạn như :

  • Thuốc hóa trị liệu chống ung thư;
  • Carbamazepine;
  • Co-trimoxazole penicillamine;
  • Phenylbutazone;
  • Sulphonamides, ví dụ như sulfadiazine.

Levomepromazine có thể kháng tác dụng của các loại thuốc chống co giật được sử dụng để điều trị bệnh động kinh. Levomepromazine có thể làm tăng lượng đường trong máu và làm xáo trộn việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Những người bị bệnh tiểu đường có thể cần điều chỉnh liều thuốc trị đái tháo đường của họ.

Levomepromazine có thể kháng lại hiệu lực của các chất kháng dopamine được sử dụng để điều trị bệnh Parkinson, ví dụ như levodopa, apomorphine, bromocriptine, cabergoline, pergolide, ropinirole, Rotigotine.

Levomepromazine có thể kháng thuốc histamine (được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu) và không được sử dùng cho người đang điều trị bệnh này. Levomepromazine không khuyến cáo dùng cho những người đang điều trị bằng desferrioxamine.

Thức ăn và rượu bia có tương tác với thuốc levomepromazine không?

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc levomepromazine?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

  • Giảm chức năng thận;
  • Giảm chức năng gan;
  • Bệnh tim như suy tim, nhồi máu cơ tim, tim đập rất chậm (nhịp tim chậm) hoặc tim đập không đều (loạn nhịp tim);
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc chứng loại nhịp tim bất thường, có thể thấy được qua điện tâm đồ (ECG) với Hội chứng QT dài;
  • Người cao tuổi mắc bệnh mất trí;
  • Có các yếu tố nguy cơ bị đột quỵ;
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình có tình trạng máu đông (huyết khối tĩnh mạch) Có các yếu tố nguy cơ có máu đông;
  • Bệnh động kinh;
  • Tình trạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh động kinh hoặc co giật, ví dụ như tổn thương não hoặc cai nghiện rượu;
  • Tiểu đường;
  • Bệnh Parkinson;
  • Yếu cơ bất thường (nhược cơ);
  • Có tiền sử của bệnh tăng nhãn áp góc đóng;
  • Tăng sinh tuyến tiền liệt (phì đại tuyến tiền liệt);
  • Ung bướu tuyến thượng thận (phaeochromocytoma);
  • Dị ứng với các thuốc phenothiazine khác;
  • Mật độ kali, magiê và canxi trong máu thấp (hạ kali máu, hypomagnesaemia hoặc hạ canxi trong máu);
  • Mất nước;
  • Lượng chất lỏng trong cơ thể thấp, như do dùng thuốc lợi tiểu, lọc máu thận, tiêu chảy, nôn mửa, mất nước.

Trường hợp khẩn cấp/quá liều

Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.