Từ Đây, Hạnh Phúc Của Em Chính Là Anh

Chương 4

EDITOR: HANNAH

Anh muốn bên em đến bạc đầu giai lão

Dù cho bình phàm, đạm bạc cũng tốt

Mỗi ngày nghe em lải nhải bên tai

Anh vẫn ở bên cạnh em cười ngốc nghếch…

*****

Khi tiếp nhận bất kể thứ gì mới đều cần có thời gian thích ứng, thời kỳ quá độ, kiểu như thế.

Thân phận mới cũng vậy.

001.

Sau khi đăng ký, tôi vẫn gọi S là thầy S, nói là quen rồi nhất thời khó sửa. Thầy S chắc là cũng do nghe quen rồi nên không thấy có gì không ổn.

Tuy rằng việc kết hôn có hơi bị vội nhưng tuần trăng mật cũng không thể thiếu.

Chúng tôi chọn địa điểm rồi đi tới đó. Khi ra ngoài ăn cơm, chúng tôi gọi xe, thầy S ngồi bên ghế phụ lái, tôi ngồi ghế sau. Anh ấy hình như có thói quen ngồi chỗ đó, tuy rằng tôi đã nhắc anh ấy nhiều lần rằng ngồi ở vị trí đó tỷ lệ gặp tai nạn giao thông cao hơn, anh ấy vẫn ngồi như thế. Tôi cảm giác anh ấy thích vị trí đó, có lẽ vì tầm nhìn tốt, trả tiền cũng dễ.

Đi qua một bụi hoa cực kỳ đẹp, tôi duỗi tay vỗ vai anh, nói: “Thầy S, anh nhìn xem, hoa đẹp quá.”

Thầy S quay đầu liếc nhìn ra bên ngoài cửa sổ, cũng không kiệm lời đáp lại tôi: “Ừ.”

Vì thầy S không thấy thú vị nên đề tài này vốn nên hạ màn, không ngờ rằng chúng tôi lại gặp phải một anh tài xế taxi nhiều chuyện. Tài xế nghe xong đoạn đối thoại của chúng tôi, nhìn thầy S, hỏi: “Hai người đang đi hưởng tuần trăng mật à?”

Thầy S lại “Ừ” một tiếng, coi như là đáp lời.

“Anh là thầy giáo à?” Tài xế tiếp tục hỏi.

Thầy S lại tiếp tục “Ừ”.

“Cô ấy là học sinh của anh à?” Tài xế nói xong còn đặc biệt quay lại liếc nhìn khuôn mặt tôi, lần này anh ta không phải đang hỏi thầy S mà là trực tiếp suy đoán, không đợi thầy S trả lời đã nói tiếp: “Anh từng là thầy giáo của cô ấy à, hai người làm thế nào lại đến với nhau thế? Khi anh theo đuổi cô ấy, có ‘mở cửa sau’ cho cô ấy không? Lúc đầu cô ấy có từ chối anh không, anh có phải lấy điểm số ép cô ấy đồng ý không thế…”

Trí tưởng tượng của tài xế ngày càng “bay cao bay xa”, tôi nghe được mà toát mồ hôi, sắc mặt thầy S đã hơi khó chịu. Tôi cười haha ngắt lời tài xế: “Bác à, nghề nghiệp của anh ấy đúng là giáo viên, khi cháu quen anh ấy cũng gọi anh ấy như vậy, đây là do thói quen, sao bác chỉ dựa vào điểm này đã kết luận cháu là học sinh của anh ấy chứ.”

Tài xế nghe tôi nói xong thì hơi sững người, nghĩ nghĩ một lúc rồi nói: “Đúng nha, cô nói rất có lý, nhưng mà tôi thấy có vẻ tuổi anh ấy cũng hơn cô khá nhiều, những cô gái trẻ hay ngưỡng mộ, sùng bái thầy giáo của mình, có khi không quan tâm tới chênh lệch tuổi tác mà cười người ta…”

Tài xế còn đang thao thao bất tuyệt thì đã đi tới nơi rồi. Từ lúc tài xế mở miệng cho tới khi dừng xe, thầy S hoàn toàn không ngắt lời anh ta, chờ tới khi tài xế trả lại tiền thừa, anh mới nói một câu: “Bác à, tôi cảm thấy bác nên cân nhắc đổi nghề đi.” Nói xong anh đẩy cửa bước xuống xe, đứng bên cạnh xe, chờ tôi đi xuống lập tức kéo tay tôi rời đi.

Anh đi rất nhanh, tôi không theo kịp, liền kéo tay anh kêu lên: “Ai da, thầy S, anh đi chậm một chút, chậm một chút đi.”

Vừa kêu lên mấy tiếng, anh đột nhiên đứng khựng lại, trợn mắt hỏi tôi: “Anh già lắm à?”

Tôi nhìn anh, chớp chớp mắt, không nói gì. Phụ nữ so với đàn ông càng dễ trông già hơn mới đúng, thầy S hơn tôi sáu tuổi nhưng khi đó tôi thật sự không hề cảm thấy anh ấy trông giống một người sắp 30 tuổi. Tôi cũng không dám nghĩ, tôi của tuổi 30 trông sẽ như thế nào.

Anh ấy thấy tôi không nói lời nào, lại hung tợn trừng mắt lườm tôi: “Từ nay về sau không được gọi anh là ‘thầy’ nữa.”

“Thế gọi là gì?” Tôi hỏi, là ông bác tài xế đó chọc giận anh, anh lại tỏ thái độ với tôi làm gì, tủi thân quá đi! Chỉ là một cách xưng hô thôi mà, so đo làm gì chứ?

Thầy S kéo tôi đi, đáp: “Gọi là ‘chồng’.”

002.

Lên đại học mỗi lớp đều có nhóm chat riêng, tôi còn tưởng mong muốn thành lập ban đầu là để tiện liên lạc, gửi thông báo cho ai đó, kiểu như thế.

Sau khi tốt nghiệp, nhóm của lớp hơn phân nửa thời gian đều trong trạng thái yên tĩnh. Thi thoảng có người đăng tin, mở ra xem, thấy không có gì liên quan đến mình cũng mặc kệ.

Một hôm, thấy hình ảnh hiện thị góc phía dưới bên phải màn hình lóe sáng, tôi mở ra xem, chỉ thấy một đống tin nhắn spam…

“Thế rốt cuộc là ngã xuống hay là nhảy xuống, ai đó có thể cho tôi thông tin với?”

“Đúng nha, phòng 501 tòa * là nơi tôi ngủ suốt bốn năm, có phải tòa ký túc xá đấy sẽ bị phong tỏa không? Đến khi tôi trở về thăm chốn cũ còn có thể đi vào không?”

“Đúng rồi, nghe nói Tiểu Y lấy thầy S, chắc chắn cô ấy còn ở trong trường, gọi cô ấy ra trả lời đi!”

“Trời ơi, Tiểu Y lấy thầy S á, nhanh, ai nhận của tôi một lạy đi!”

“Mặc kệ cái lạy của cậu, Tiểu Y, cậu có đang online không, nếu có thì nói gì đi, em sinh viên ở phòng 501 tòa * thực sự là do cửa kính vỡ mà ngã xuống à? Tôi nhớ rõ ràng dưới cửa sổ còn có lan can bảo vệ mà.”

“Tiểu Y, Tiểu Y, mau ra đây! Phòng ký túc xá kia mình đã ở suốt bốn năm, tình cảm cực kỳ sâu đậm, mau nói cho mình biết sự thật đi.”

Tôi nhìn tên mình xuất hiện trong các khung thoại đủ lại màu sắc khác nhau, suy nghĩ một lúc rồi gõ bàn phím, ra vẻ thâm trầm viết: “Người mất đã mất rồi, mọi người đừng suy đoán tới tận cùng nữa.”

Kết quả tin nhắn vừa gửi ra, trong nhóm đã “nổi dậy”, có người hỏi thăm tôi, có người hỏi thăm thầy S, có người hỏi rốt cuộc tôi và thầy S sao lại thành ra thế này, có người nói tôi chắc chắn biết được sự thật, về sau, thái độ của mọi người đồng loạt nhất trí, ồn ào đòi tôi nói hết sự thật ra trước đã.

Sự thật cái gì? Sự thật là có một bạn sinh viên mắc bệnh trầm cảm nghiêm trọng, sau khi phát bệnh không có cách nào khống chế, lựa chọn nhảy xuống từ cửa sổ ký túc xá. Nhà trường có nỗi khổ của nhà trường, sợ chuyện tự sát như thế này có thể gây ảnh hưởng không tốt tới sinh viên nên tuyên bố với bên ngoài là do cửa sổ bị vỡ, không may ngã xuống.

Thấy mấy bạn ngày xưa từng ở trong căn phòng ký túc xá đó cứ truy hỏi tôi mãi trong nhóm, tôi không đành lòng mà đáp một câu: “Là tự sát, không phải tai nạn, bạn sinh viên đó mắc bệnh trầm cảm. Được rồi, đừng có đoán tới đoán lui nữa.”

Trong nhóm lại một lần nữa nổ tung, có người tiếp tục hỏi: “Trong phòng ký túc xã đó còn có ai ở lại không?”

“Có oán khí không? Tôi nghe nói nơi có người chết đều có.”

Tôi không biết phải nói thế nào, góc phía dưới bên phải màn hình lại có hình ảnh lóe lên, tôi cảm thấy bức ảnh này trông rất quen nhưng nhất thời lại không nhớ ra nổi người đó là ai.

Tôi nhấn vào bức hình, khung thoại mở ra, bên trong có một tin nhắn: “Tiểu Y, em nói trong nhóm cái gì đó?”

Tôi thật sự không nhớ nổi chủ nhân của tài khoản QQ này rốt cuộc là ai, xem thông tin QQ cũng vô ích vì thế hỏi một câu: “Bạn là ai?”

Rất nhanh người bên kia trả lời: “Tôi là Z**.”

Thấy cái tên này tôi thực sự rối trí, hóa ra lại là giáo viên chủ nhiệm lớp bốn năm của tôi. Tôi lập tức trả lời khách khí: “Thầy Z, thầy khỏe không ạ.”

“Ừ, thầy vẫn khỏe. Tiểu Y, em bây giờ cũng coi như là thành viên của nhà trường, phải chú ý giữ gìn hình tượng của trường, đừng nói lung tung.” Thầy chủ nhiệm nhắc nhở.

Đúng thật là như vậy, sinh viên tự sát trong trường, nhà trường dù thế nào cũng không thể trốn tránh trách nhiệm, ví dụ như quản lý không nghiêm.

Trán đổ mồ hôi, tôi nhắn: “Vâng, em biết rồi ạ. Tuy rằng em đã tốt nghiệp nhưng trước sau vẫn là thành viên của nhà trường, em sẽ không nói xấu trường.”

Thầy Z gửi một icon “mỉm cười”, sau đó lại gửi một tin nhắn: “Em là người nhà thầy S cho nên xem như thành viên của trường.”

Tôi nhìn chằm chằm hai chữ “người nhà”, một lúc lâu không phản bác được gì.

Vốn còn tưởng rằng chuyện này cứ thế qua đi, không ngờ khi thầy S tan lớp về nhà liền hỏi tôi: “Chủ nhiệm lớp cũ của em hôm nay tới tìm anh nói chuyện.”

Tôi thành khẩn nhận lỗi: “Vâng, trong nhóm có bạn hỏi em chuyện bạn sinh viên không may ngã khỏi tòa nhà, em không biết thầy Z có ở trong nhóm nên kể lại tình hình thực tế. Ui, từ nay về sau em sẽ không nói lung tung nữa.”

“Không nói lung tung nữa là tốt.” Thầy S khá hài lòng với thái độ của tôi, “Các em đều đã tốt nghiệp rồi, thầy Z còn ‘nằm vùng’ trong nhóm của lớp em làm gì?”

“Đúng nhỉ đúng nhỉ, anh cũng cảm thấy thầy Z ‘nấp’ trong nhóm đột nhiên nhảy ra dọa người ta đúng là ác đúng không?” Tôi gật đầu, sau đó nghĩ lại lại thấy có gì đó sai sai, vội vàng hỏi: “Khi thầy Z tìm anh nói chuyện, anh không nói với thầy ấy như thế chứ?”

Thầy S rất bình tĩnh gật đầu: “Ừ, anh nói luôn ông ấy nên ra khỏi nhóm đi, đừng làm ảnh hưởng tới việc các em liên lạc tình cảm với nhau nữa.”

Anh ấy cũng quá thẳng thắn rồi, tôi toát mồ hôi: “Thầy Z nghe anh nói xong chắc chắn rất tức giận.”

Thầy S nghĩ nghĩ rồi nói: “Chắc là vậy, khi ông ấy đi còn ra vẻ tiếc hận đứt ruột nói với anh: ‘S, tôi thật không ngờ, cậu là người bênh vực người nhà đến thế’.”

003.

Nếu các bạn cho rằng sau khi ** biết tôi và thầy S đăng ký sẽ hoàn toàn biết mất không còn tăm tích, vậy thì bạn quá sai lầm rồi.

Không lâu sau khi tôi và thầy S đăng ký kết hôn, cô ấy lại gọi điện tới.

Trùng hợp thế nào, lần này điện thoại của thầy S lại để trên bàn máy tính, mà tôi lại đang ngồi trước máy tính, thầy S đang ngồi một góc đọc sách. Tôi liếc nhìn cái tên hiển thị trên màn hình điện thoại, không nói gì với thầy S, bật luôn loa ngoài.

** lên tiếng trước, hỏi: “S, gần đây cậu đang bận gì thế?”

Thầy S để sách xuông: “Bận công việc thôi.”

** lại hỏi: “Cậu với Tiểu Y đăng ký rồi à?”

Thầy S đáp: “Ừ, nhớ chuẩn bị tiền mừng.”

Giọng ** đột nhiên cao lên the thé: “Nhà cậu còn chưa mua sao đã đi đăng ký rồi?”

Thầy S nghi hoặc hỏi: “Đăng ký kết hôn sao có thể giống mua nhà, mua nhà chứ có phải mua củ cải đâu, tôi định cùng Tiểu Y xem thêm mấy khu nhà rồi quyết định.”

** bật cười: “Luật hôn nhân mới cậu có biết hay không hả, nhà mua trước khi kết hôn là tài sản riêng, nghĩa là ai mua thì là nhà của người đó, nhà mua sau khi kết hôn là tài sản chung, tức là của cả hai vợ chồng. Nhà cậu mua sau khi kết hôn, sau này nếu có vấn đề gì sẽ không phân định rõ được.”

Lúc ấy tôi thực sự tức giận rồi, trừng mắt, chỉ tiếc không thể dùng ánh mắt của mình xuyên qua sóng điện thoại, tiêu diệt cái người ở đầu dây bên kia.

Thầy S nhíu mày, đó là biểu hiện không hài lòng. Tôi nhịn không lên tiếng, từ từ chờ đợi.

** đợi một lát, không thấy thầy S trả lời, lại tự mình nói tiếp: “Chuyện cậu đăng ký kết hôn cũng không bàn bạc với mình, mình còn có thể đưa ra lời khuyên cho cậu, không phải à?”

Thầy S dường như nghe không nổi nữa, đứng dậy đi đến bên cạnh tôi, không cầm điện thoại lên nhưng lại lớn tiếng hơn một chút: “Chuyện của tôi không cần người khác quyết định! À đúng rồi, không phải ai cũng giống cậu, còn chưa kết hôn đã suy tính tới đường lui sau khi ly hôn. Ít nhất tôi dự định cả đời này chỉ kết hôn một lần. Với tôi mà nói, nếu Tiểu Y cảm thấy nhà đứng tên cô ấy sẽ khiến cô ấy có cảm giác an toàn với cuộc hôn nhân này hơn, vậy chiều theo cô ấy là được. Được rồi, về sau cậu tự lo chuyện của mình trước đi, tôi cúp máy đây.”

Thầy S ngắt máy, quay đầu nhìn tôi, hỏi: “Em nghe chưa, luật hôn nhân mới quy định, chỉ cần anh mua nhà, em cũng được một nửa, vui không?”

Tôi cười: “Không vui, một nửa ít quá, nếu anh có tiền thì anh mua bao nhiêu em muốn bấy nhiêu, của em hết.”

S cười: “Ừ, của anh chính là của em, của em vẫn là của em.”

Từ đó về sau, ** mới hoàn toàn biến mất trong thế giới của tôi.

Không thể không nói, nếu người đàn ông của bạn quá xuất sắc, quá hấp dẫn người ta, lại không biết cách từ chối, bên cạnh mới có nhiều người để mắt đến vậy, quan hệ với bạn khác phái cực kỳ thân thiết. Nếu anh ấy thực sự quan tâm tới bạn, lập tức sẽ biết phải giữ khoảng cách, cũng sẽ dập tắt những khả năng mập mờ. Chỉ cần có tâm là có thể làm được. Nếu anh ấy đã không có lòng làm như vậy, thì những lý do anh ấy nói chỉ là để đối phó với bạn, làm cái cớ cho việc anh ấy không đủ yêu bạn mà thôi.

004.

Sau khi đăng ký được mười ngày, bố chồng tôi gọi điện thoại tới nói: “Bố xem rồi, ba ngày sau khá tốt, nhà chúng ta đã hai mươi năm rồi không mở tiệc mừng, lần này nhân hôn sự của hai đứa, làm một bữa tiệc đi.”

Thầy S cầm điện thoại nhìn tôi, hỏi: “Ba ngày sau làm tiệc được không?”

Tôi giơ ba ngón tay, hỏi lại: “Ba ngày?”

Thầy S gật gật đầu.

Tôi nhìn cuốn lịch để bàn bên máy tính, dùng bút đỏ khoanh vào con số cách ngày hôm nay ba ngày, là sinh nhật của thầy S, sinh nhật tuổi 30.

Thầy S nhìn tôi, không tỏ thái độ gì, liền nói vào điện thoại: “Bố à, để con và Tiểu Y bàn bạc đã, lát nữa sẽ gọi điện cho bố.”

Anh cúp điện thoại rồi hỏi tôi: “Em có thấy thời gian quá gấp không? Hay là chúng mình hoãn lại một chút.”

Tôi lắc đầu: “Ba ngày sau tốt mà.”

Thầy S khó hiểu: “Sao mà tốt?”

“Là sinh nhật của anh đấy.” Tôi nói, “Em còn nhớ trước đây anh từng nói, 30 tuổi là lúc cần đứng vững, 30 tuổi là lúc cần thành gia lập nghiệp. Công việc của anh ổn định rồi, chỉ chưa lập gia đình thôi, không lẽ anh không muốn kết hôn trước khi 30 tuổi sao?”

Thầy S nhìn tôi không nói gì.

“Ái dà, từ nay về sau tới ngày này, em sẽ vì anh mừng sinh nhật, anh lại vì em mà mừng kỷ niệm ngày cưới, anh nhận được quà sinh nhật, em nhận được quà kỷ niệm ngày cưới, niềm vui nhân đôi nha.” Tôi cười.

“Muốn nhận quà thì em cứ việc nói thẳng.” Thầy S đưa tay ôm lấy tôi, tiếp tục nói, “Anh vẫn luôn cảm thấy ngày chúng mình đi đăng ký mới là kỷ niệm ngày cưới, nhưng nếu em thích thì một năm kỷ niệm hai lần đi.”

005.

Vì ba ngày nữa phải tổ chức hôn lễ rồi nên chúng tôi vội vội vàng vàng mua nhẫn, quần áo rồi về nhà.

Thời gian chuẩn bị chỉ có hai ngày, mọi người thử nghĩ sơ thôi đã biết sẽ mệt như thế nào.

Sau khi về đến nhà, mẹ chồng nhìn tôi thu dọn vali hành lý, đến khi tôi lấy đồ trong vali ra, bà hỏi: “Tiểu Y, sao không thấy cái trang phục của con để mặc trong ngày kết hôn, cái gì trắng trắng ý?”

Trang phục mặc trong ngày kết hôn, lại còn trắng trắng? Tôi chỉ vào cái áo khoác đỏ trên giường, nói: “Mẹ, ngày kết hôn con sẽ mặc cái này.”

Mẹ chồng lắc đầu: “Mẹ thấy nhà người khác tổ chức tiệc cưới, cô dâu đều mặc cái váy trắng đó, gọi là gì nhỉ?”

Tôi bỗng hiểu ra: “À, là váy cưới.”

Mẹ chồng nói: “Đúng rồi đúng rồi, chính là váy cưới, vì sao không thấy váy cưới của con?”

Thời gian chỉ có hai ngày, tôi có thể mua được hai cái áo màu đỏ đã là không tệ rồi, một cái để mặc khi làm lễ, một cái để mặc khi mời rượu. Còn bộ vest của thầy S, chúng tôi thực sự chỉ đi vào một cửa hàng, chọn một bộ trông thuận mắt nhất, thử xong liền đi luôn.

“Con không chuẩn bị váy cưới, mặc cái này là tốt rồi.” Tôi giải thích, “Váy cưới phải đặt làm, không đủ thời gian.”

“Đặt làm cái đó có phải đắt lắm không?” Mẹ chồng tôi lại hỏi.

Tôi nghĩ nghĩ một lúc, thấy hình như cũng đúng. Tôi không nghĩ tới váy cưới, thứ nhất thực sự là vì thời gian quá gấp, thứ hai là tôi cảm thấy trời quá lạnh, mặc váy cưới “mỹ lệ khiến người ta cảm thấy lạnh lẽo”, tôi chịu không nổi. Còn về giá, vì không tìm hiểu nên tôi cũng không biết rõ lắm. Nhưng mà trên tivi thường nói, người này người kia kết hôn, đặt váy cưới hết bao nhiêu tiền, con số đó đúng là dọa chết người, thế nên theo bản năng, tôi cảm thấy chắc chắn là không tiện.

“Vâng, rất đắt.” Tôi đáp, dù sao cũng không thể nói là vì tôi sợ lạnh nên mới quyết định không mặc váy cưới được đúng không?

Vốn tưởng rằng mẹ chồng nghe tôi nói vì đắt nên mới không mua, sẽ khen tôi biết tiết kiệm, biết làm chủ gia đình. Kết quả là mẹ chồng dậm chân, rất tức giận nói: “Phụ nữ nữ cả đời chỉ kết hôn một lần, mặc váy cưới một lần, sao có thể chỉ vì đắt mà không mua? Bao nhiêu tiền một cái, mẹ mua cho con.”

Mẹ chồng nói xong liền đi về phòng, khi quay lại trước mặt tôi, trong tay bà cầm một xấp tiền rất dày. Chỗ tiền đó được xếp cực kỳ ngay ngắn, hẳn là mười tờ được buộc lại thành một tập, nhìn qua đã biết là tiền do mẹ chồng cất công gom góp được.

Sau đó tôi vẫn không mặc váy cưới, nhưng vì tấm lòng của mẹ chồng mà cho tới bây giờ, tôi đều không cảm thấy tiếc nuối.

006.

Ngày kết hôn có mấy chuyện ngượng ngùng.

Phù dâu nói với tôi khi xe hoa chuẩn bị xuất phát thì không tìm thấy chú rể đâu.

Mọi người tìm khắp nơi, một lúc sau thấy anh ấy đi ra từ một nhà hàng gần đó.

Tìm được người rồi, mọi người cũng không hỏi nhiều, chỉ lôi anh lên xe xuất phát.

Sau đó tôi hỏi thầy S: “Trước khi xuất phát đi đón dâu anh đã làm gì thế?”

“Đi ăn sáng.” S đáp.

“Ăn sáng?” Tôi hỏi lại.

“Anh nghĩ một lát nữa sẽ phải bế em từ tầng năm đi xuống nên phải ăn thật no cho đủ thể lực.” Thầy S nói.

Tôi: “……”

Khi trao nhẫn cho nhau, thầy S phát hiện ra tôi đeo nhẫn không vừa, thì thầm nói khẽ: “Vừa về được có hai ngày mà sao em đã béo lên rồi?”

Không ngờ đúng lúc đó người dẫn chương trình lại đưa micro lại gần miệng anh, tiếng thì thầm của anh trong nháy mắt bị phóng đại lên vô số lần, khiến mọi người ngồi bên dưới cười ầm.

Sau khi xong việc, anh trách người dẫn chương trình: “Sao đột nhiên lại đưa micro tới gần tôi?”

Người dẫn chương trình vô tội giải thích: “Trong cả sự nghiệp làm dẫn chương trình của tôi, khi các đôi cô dâu chú rể trao nhẫn xong, tôi đều đưa micro tới gần miệng chú rể, chú rể nào thấy thế cũng đều liếc mắt đưa tình, nói gì đó với cô dâu, hiệu quả lừa tình cmnl. Tôi làm sao ngờ được hai người trao nhẫn thôi mà cũng bị kẹt, còn không biết xấu hổ trách tôi.”

Thầy S: “……”

Tiệc cưới trong nước không thể thiếu nghi lễ dâng trà, tiệc cưới của chúng tôi cũng không ngoại lệ.

Tiệc cưới tổ chức ở nhà thầy S, nhà tôi cũng có mấy người tới.

Hai bên cha mẹ ngồi xuống xong, chúng tôi bắt đầu dâng trà. Sau khi dâng trà. Hai bên cha mẹ đều cho bao lì xì.

Người phục vụ bưng khay, khi chuẩn bị lui xuống đem khay đưa tới trước mặt thầy S, nói: “Chú rể cầm bao lì xì đi.”

Thầy S nhìn tôi, nói: “Em cầm đi, đều là của em hết.”

Bốn cái bao lì xì rất dày, tôi thực sự rất muốn cầm nhưng mà tôi ăn mặc long trọng, lại không có túi tiền, chỉ có thể lắc đầu: “Anh cứ cầm đi, em không có túi.”

Thầy S nhìn mấy bao lì xì, cầm hai cái để vào hai bên túi quần, sau đó cởi áo vest, để tiếp hai cái vào trong túi áo ngực.

Người dẫn chương trình chắc vì muốn gia tăng hiệu quả mà nói thêm một câu: “Chú rể hôm nay phát tài, túi tiền đều đầy cả rồi, tối nay đừng đếm tiền lâu quá, chậm trễ chuyện động phòng nha!”

Khi khách khứa về hết, chúng tôi mới được nghỉ ngơi, đã là 10 giờ tối.

Nhìn trên giường tân hôn đều là đậu phộng, táo đỏ, long nhãn các thứ, hai chúng tôi rất ăn ý bắt đầu thu dọn.

Thu dọn xong lại lần lượt tắm rửa, nằm trên giường nhìn quả cầu hoa treo bên trên, tôi thở dài: “Đêm nay chính là đêm động phòng hoa chúc đấy.”

Thầy S đáp “Ừ” một tiếng, “Một khắc đêm xuân giá ngàn vàng.”

“Giá ngàn vàng đấy.” Tôi cảm thán một tiếng, “Thế nên mau ngủ đi.”

Thầy S nói: “Được.”

Sau đó chúng tôi ngủ luôn.

Đừng hỏi vì sao chúng tôi lại ngủ nhanh đến vậy, gần hai ngày hai đêm gần như không chợp mắt, khó khăn lắm mới được nằm xuống, không gặp Chu Công thì gặp ai? Tôi muốn gặp ông ta chết đi được.

007.

Công ty tổ chức hôn lễ gửi đĩa ghi hình buổi lễ, tôi háo hức không chờ nổi lập tức bật lên xem.

Hình ảnh còn chưa hiện ra, giai điệu của bài “Hôm này là một ngày lành” đã vang lên, tôi nghe xong liền nói: “Không thể đổi nhạc nền được à? Bài ‘Wedding March’ cũng được mà.”

* Chú thích: Bài “Hôm nay là một ngày lành”:

Bài “Wedding March”:

https://open.spotify.com/album/1ztRqaDhaOMZUJlsjH5F64?highlight=spotify:track:3lVNFhBqil0Yu2ys683WWm

Nhạc nền không hay, đoạn phim phía sau cắt nối biên tập cũng loạn xạ, cũng có thể là do kỳ vọng của tôi quá lớn nên thất vọng càng nhiều.

Thầy S chưa xem xong đã quay về phòng làm việc, da đầu tôi như căng ra chờ tới khi trên màn hình xuất hiện bốn chữ “Cảm ơn đã xem” liền tắt tivi, đến cả đĩa ghi hình cũng lười không lấy ra.

Mấy ngày sau, thầy S đưa tôi một chiếc đĩa mới, nói: “Em xem đi.”

Tôi nghi hoặc cầm lấy chiếc đĩa, hỏi: “Bên trong là cái gì thế?”

Thầy S cũng không úp úp mở mở, đáp: “Là đĩa ghi hình khung cảnh hôn lễ của chúng mình.”

Tôi nói: “Chẳng phải đã xem rồi sao?”

Thầy S nói: “Đây là phiên bản do anh cắt ghép.”

Lúc ấy tôi rất bất ngờ, thầy S và tôi cùng chuyên ngành, ngành này có thể học được không ít kỹ năng, cắt nối biên tập phim ảnh là một trong những kỹ năng hàng đầu, nhưng lúc ấy tôi không học hành cẩn thận, đến kiến thức cơ bản cũng chưa sờ đến.

Tôi nhảy nhót, cầm đĩa bật lên xem, giai điệu nhạc nền vang lên, là “Wedding March”, tôi bĩu môi, hơi thất vọng.

Nhưng bản nhạc này chỉ bật một lúc, trên màn hình tivi, khi đội ngũ đón dâu chuẩn bị xuất phát, tiếng nhạc ngừng lại, xe hoa lăn bánh, có giọng nam hát lên:

“Giấc mộng đêm qua thật đẹp thật kỳ diệu, đôi mắt đang cười như ngôi sao lấp lánh.

Nhìn em nằm trong vòng tay anh, nghiêm túc đếm từng nhịp tim của anh.”**

** Chú thích: Lời bài hát “Bạc đầu giai lão” của Kim Mộc.

Đây thực sự là lần đầu tiên tôi nghe bài hát này, bên dưới video có dòng chữ phụ đề, bất kể là giai điệu hay là lời ca, tôi cũng chưa cảm thấy có gì đặc biệt. Nhìn đội ngũ xe hoa bật đèn pha nhấp nhánh đi trên đường, tôi quay đầu nhìn vào mắt thầy S, vẻ mặt anh rất bình tĩnh, không có gì đặc biệt.

Giọng nam vẫn đang hát:

“Đêm qua anh mơ thấy cơn mưa sao băng vẽ nên biểu tượng tình yêu.

Anh ôm chặt lấy em, vòng tay chính là quỹ đạo tình yêu.

Anh muốn xuyên qua sự hư ảo của giấc mộng, đứng ngay trước mặt em tuyên bố thật to.

Anh muốn cùng em bạc đầu giai lão.

Dù cho bình phàm, đạm bạc cũng tốt.

Mỗi ngày đều nghe em lải nhải bên tai.

Anh vẫn ở bên cạnh em cười ngốc nghếch…”

Bài hát đến đoạn này, thầy S quay đầu nhìn tôi cười, tôi thực sự phải cố gắng kìm lắm mới không khóc.

008.

Sau khi cưới thầy S, điều khiến tôi khó có thể chịu đựng nhất chính là, mỗi khi gặp học sinh của thầy S, học sinh lại chào tôi: “Chào thầy ạ, chào cô ạ.”

Khi bạn học về trường họp mặt cũng hỏi: “Thầy S có khỏe không thế cô ơi?”

Ngay cả cô bạn thân cũng không buông tha cho tôi, gọi điện thoại nói: “Giấy chứng nhận cấp bốn của mình có rồi, vốn định nhờ cậu giúp đi qua trường lấy hộ, sau nghĩ lại, tìm thầy S càng tiện càng nhanh hơn, không cần làm phiền cậu. Em có phải rất tâm lý không hả, cô ơi?”

Cô, cô, cô…

Thân phận này vừa được nâng lên đã cảm giác như mình lập tức già đi hai mươi tuổi.

Tôi kháng nghị, muốn thầy S nghĩ biện pháp, ít nhất làm thế nào để học sinh của anh đừng gọi tôi là cô nữa.

Thầy S liếc nhìn tôi, rất bình tĩnh hỏi: “Chứ không lẽ gọi là đàn chị?”***

*** Chú thích: Trong bản gốc, mọi người gọi thầy S là “lão sư” tức là “thầy giáo”, gọi đùa tác giả là “sư mẫu” tức là “vợ của thầy giáo”. Thầy S hỏi tác giả nếu không muốn bị gọi là “sư mẫu”, không lẽ muốn được gọi là “sư tỷ”?

Tôi nghẹn lời, học sinh của anh ấy không biết tôi đã từng là học sinh của anh hả? Thôi bỏ đi, cô thì cô.

009.

Tôi cảm thấy có một câu miêu tả quan hệ giữa người với người cực kỳ chuẩn xác, đó chính là: khoảng cách sinh ra cái đẹp.

Trước đây chưa sống cùng nhau, tôi còn tưởng thầy S tuy rằng nhạt nhẽo nhưng xử sự khéo léo, kiên nhẫn, tính cách cũng không tệ lắm. Nhưng mà, sau khi sống cùng nhau, tôi phát hiện phán đoán của tôi đã sai rồi.

Thầy S thích sự tích cực mà tôi là người cứ mơ hồ. Khoảng cách quá thân cận, những khuyết điểm nhỏ như lỗ chân lông của mỗi người bắt đầu lộ ra.

Tôi là kiểu phần tử dạy mãi vẫn không sửa được, nhắc nhở nhiều lần rồi, thầy S cũng dần mất hết kiên nhẫn. Vì thế, cãi cọ chỉ là vấn đề sớm muộn.

Kỳ thực bây giờ nhìn lại những ngày tháng đó, đó chắc hẳn chính là thời kỳ đen tối của hôn nhân, thường là tôi kêu gào ầm ĩ, thầy S thi thoảng đáp lại hai câu nhưng lại khiến tôi nghẹn lời đến mức im miệng luôn. Đúng, đó phải gọi là đấu võ mồm thì thích hợp hơn.

Tôi từng viết một cuốn sách tên là “Nếu em mạnh khỏe”. Có bạn đọc hỏi tôi: “Chị Tĩnh Du, nam chính Mạc Hoài Viễn có nguyên mẫu không? Nguyên mẫu là thầy S nhà chị sao?”

Đáp án là… Đương nhiên không phải. Mạc Hoài Viễn đẹp trai, lắm tiền, si tình, biết quan tâm chăm sóc, có vô số ưu điểm. Thầy S không có điểm nào khớp cả, thật sự luôn.

Nhưng tôi nhớ rất rõ, trong truyện có một đoạn thế này, Mạc Hoài Viễn nói với nữ chính: “Nếu chúng ta cãi nhau, em không cần đi, anh đi là được. Vì chỉ cần em còn ở đây, anh rất nhanh sẽ quay trở về.”

Tình tiết này thực ra có nguyên mẫu.

Tôi không nhớ rõ ngày hôm đó vì sao chúng tôi lại to tiếng, dù sao tính tình tôi cứ như một quả pháo, châm lửa một chút là nổ. Thầy S ngày hôm đó cực kỳ cố gắng tranh cãi, nói sự thật giảng đạo lý, nói tới mức bao sai lầm của tôi không cách nào che giấu được. Tôi rất nóng tính nhưng hay sĩ diện, cãi nhau mãi, cuối cùng tôi không nhịn được, đạp cửa mà đi.

Không nghe tiếng người đuổi theo phía sau, tôi càng đau lòng, bước ra cửa cũng mặc kệ đông tây nam bắc, chạy lung tung một hồi. Khi tôi ra khỏi nhà quá vội vã, hai tay trống trơn, không có ví tiền cũng không có điện thoại. Trời thì tối, trong trường có bảo vệ tuần tra, chắc chắn so với bên ngoài trường an toàn hơn. Tôi không dám đi quá xa, cuối cùng tìm cái ghế đá trống ngồi xuống.

Cũng may là mùa này không nóng quá cũng không lạnh quá, ban đêm ngoại trừ việc quá yên tĩnh thì không có bọn muỗi đáng ghét.

Tôi ngồi một mình như một con ngốc, cơn giận cũng từ từ tiêu tan. Tôi bắt đầu lo lắng cho tình cảnh của mình. Thứ nhất là không có tiền, thứ hai là ở thành phố này những người bạn mà tôi quen biết không nhiều, nửa đêm đi quấy rầy người ta chắc chắn không thích hợp. Về nhà? Không được, tuyệt đối không được, đi cũng đi rồi, nếu lại mặt dày quay về, sau này còn có tôn nghiêm nữa không…

Một loạt nhưng suy nghĩ giả thiết lần lượt hiện lên, tôi thực sự không có nơi nào để đi, trong lòng càng lạnh lẽo. Trong lúc đang đau lòng, tôi nghe có tiếng bước chân từ xa tới gần, sau đó là ánh đèn pin chói mắt.

Người đó đi đến trước mặt tôi, kéo tay tôi, giọng nói thật nhẹ nhàng thật dịu dàng: “Vợ à, đi thôi, chúng mình về nhà đi.”

Tôi không cử động, anh ấy kéo vài cái, thấy tôi không có phản ứng gì, cuối cùng thở dài: “Anh vốn đã chuẩn bị đuổi theo em rồi, nhưng anh lại sợ càng đuổi theo em, em chạy trốn càng nhanh, nhỡ đâu không cẩn thận vấp ngã thì làm sao? Thế nên anh quyết định cẩm điện thoại và chìa khóa đi ra.”

“Nhưng vừa xuống tầng dưới, tìm mãi cũng không thấy em, anh biết em chắc đã đi xa rồi, mà em lại chẳng mang theo cái gì cả, anh chỉ có thể đi tìm khắp nơi. Anh biết, em rất sĩ diện, nếu anh không tìm được em, chắc chắn em sẽ không chịu tự đi về. Sau này em xem thế này có được không, nếu chúng mình lại cãi nhau như vậy nữa thì em cứ đuổi anh đi, dù sao mặt anh cũng dày, vừa đi đã về luôn, không cần em phải đi tìm, vì chỉ cần em ở nơi nào, anh nhất định sẽ về nơi đó.”

P/S: Có đôi khi tiểu thuyết thật sự sinh ra từ đời thực, đương nhiên là hoàn mỹ hơn đời thực.

010.

Tình trạng đấu võ mồm này giằng co kéo dài một thời gian, sau đó tôi đột nhiên ngã bệnh phải nằm viện. Vốn dĩ bác sĩ yêu cầu phải ở lại sáu ngày, nhưng tôi thực sự không ở trong viện nổi nữa, một ngày trước đó liền xin xỏ bác sĩ trực ban cho tôi về nhà qua đêm, để sáng hôm sau lại tới tiêm, sau đó sẽ làm thủ tục xuất viện.

Khi về đến nhà đã là 7 giờ tối. Tôi ngồi trước màn hình máy tính lên mạng, S nấu cháo cho tôi, bảo tôi ăn một chút.

Ở viện đã nhiều ngày như vậy, truyền bao nhiêu chất lỏng vào cơ thể, tôi thực sự không có cảm giác đói nên nói: “Em không muốn ăn.”

S kiên trì khuyên tôi ăn một chút, tôi lại cảm thấy đã không muốn ăn lại phải cố mà ăn sẽ càng khó chịu hơn thế nên nhất quyết không chịu.

Vì việc này mà chúng tôi lại cãi cọ một hồi. Tôi không thèm để ý đến anh ấy, có lẽ cơ thể đang trong thời kỳ dưỡng bệnh nên dễ bị mệt, liền nằm lên giường ngủ mê man.

Cũng không biết tôi đã ngủ bao lâu, sau đó lại mơ mơ màng màng tỉnh lại, tôi muốn gọi thầy S nhưng lại phát hiện mình không có cách nào lên tiếng nổi, hơn nữa cả người không còn chút sức lực.

Tôi nằm trên giường kêu mấy tiếng “ư ư hừ hừ”, thầy S phát hiện tôi có gì đó không ổn, lại gần sờ trán tôi: “Á, sao lại nóng thế này!”

Tôi cố hết sức nói: “Em khó chịu quá.”

Thầy S lập tức đỡ tôi ngồi dậy: “Chúng ta tới bệnh viện.”

Tôi lắc đầu: “Em đi không nổi.”

“Anh gọi cấp cứu 120.” Anh vừa nói vừa cầm điện thoại.

Tôi lại lắc đầu: “Em không muốn tới bệnh viện, em vừa mới từ đó về, chúng mình cứ theo dõi thêm đã, có khi không sao đâu, ngày mai mình tới bệnh viện sớm một chút, được không?”

Thầy S do dự vài giây, cuối cùng cũng gật đầu: “Anh rót nước cho em, em uống nhiều nước một chút.”

Tôi nói “được”, sau đó lại kêu lạnh, kết quả đắp hai cái chăn lông dê vẫn không đỡ hơn.

Tôi bảo thầy S đi mua cho tôi thuốc hạ sốt nhưng anh ấy không chịu.

Tôi liền kéo tay anh ấy, bắt đầu nói gì đó. Không bao lâu sau, anh ấy buông tay tôi ra, nói là đi mua thuốc hạ sốt, sau khi ra khỏi nhà, cứ năm phút đồng hồ anh ấy lại gọi điện thoại cho tôi một lần.

Anh ấy đi ra ngoài đại khái khoảng hai mươi phút, trong hai mươi phút này, tôi cảm thấy mình dường như đã đi tới một nơi nào đó rất xa sau đó lại trở về, cũng cảm thấy khá hơn nhiều.

Thầy S giúp tôi đo nhiệt độ cơ thể, vừa cầm nhiệt kế vừa xốc chăn lên khỏi người tôi, mới phát hiện cả chăn và ga trải giường đều đã ướt đẫm. Tôi có cảm giác như người mình đang bốc khói vậy.

Đo nhiệt độ cơ thể, 39 độ 7, người đã ra đầy mồ hôi mà còn sốt cao đến thế. Sau đó, thầy S giúp tôi lau mồ hôi, thay quần áo, dỗ tôi ngủ thêm một lúc. Ngày hôm sau đi bệnh viện, khi đi ngang qua phòng khám của trường, bác sĩ của phòng khám rất thân với tôi, nhìn thấy tôi liền chạy ra hỏi: “Tiểu Y, cô thế nào rồi? Tối qua chồng cô hoảng muốn chết luôn, gọi tôi tới nhà hỗ trợ xem cô thế nào, nhưng chỗ tôi nhiều người bệnh quá đi không nổi.”

Tôi không nói gì, thầy S cũng im lặng.

Bác sĩ tiếp tục nói: “Tôi thấy anh ấy lo đến mức hai mắt đều đỏ cả lên nên bảo anh ấy đút cho cô uống nhiều nước vào, chú ý quan sát phản ứng của cô, nếu thấy có gì không ổn lập tức gọi cấp cứu 120…”

Có xe taxi đi tới, thầy S vẫy xe. Trên đường đi tôi vẫn ngồi im không nói gì, tối hôm qua cứ hai mươi phút tôi lại uống một cốc nước, vào nhà vệ sinh vô số lần, nửa đêm gần sáng nhiệt độ cơ thể ổn định 38 độ 5, thầy S vẫn luôn sợ điện thoại di động có phóng xạ nên có thói quen tắt máy khi ngủ, để điện thoại bên gối, trông tôi cả một đêm.

Tới bệnh viện, thầy S nhìn phòng khám một lúc lâu rồi đột nhiên nhẹ nhàng nói: “Có bác sĩ y tá, cuối cùng anh cũng có thể yên tâm một chút rồi.”

Tôi nhìn anh, anh lại cười nói: “Tối hôm qua em kéo tay anh nói mê sảng, em nói nếu em chết đi, anh có thể tìm một người vợ khác, nhưng mà phải tìm một người tính tình tốt, tuyệt đối đừng động tí là cãi nhau với anh, chỉ cần anh đừng quên em là được.”

Tôi thực nghi ngờ người nói những lời đó tuyệt đối không phải là tôi, nếu không sao tôi có thể không có chút ấn tượng gì được.

Thầy S thấy tôi đang cố gắng nhớ lại, lại nói: “Sau khi anh nghe xong cảm thấy cực kỳ khó chịu, anh nghĩ chỉ cần em không sao, sau này chúng ta cãi nhau, bất kể ai đúng ai sai, anh nhất định sẽ xin lỗi trước, chỉ cần em ở bên cạnh anh, em mãi mãi là người đúng.”

Sau đó thầy S thực sự làm như vậy, bất kể chúng tôi vì chuyện gì mà khắc khẩu, chỉ cần cãi nhau xong, không lâu sau đó, anh ấy sẽ không cần thể diện, lại gần dỗ dành tôi. Tôi cũng không phải người không biết điều, người ta đã cho tôi bậc thang, tôi cũng tự nhiên đi xuống.

Môi và răng gắn kết như vậy mà còn thường có lúc xảy ra va chạm, cãi cọ này kia, cuộc sống này chính là củi gạo dầu muối tương dấm trà, các kiểu hương vị hòa quyện mới có thể muôn màu muôn vẻ, nhưng mà, tấm lòng phóng khoáng một chút thì sẽ càng dễ dàng hạnh phúc hơn một chút.

Khoảng mấy năm sau đó, tôi mở ra xem lại nhật ký điện tử đã viết lúc trước, bên trong có ghi lại mấy chuyện giận dỗi giữa bọn tôi, trong lòng rất cảm động. Đêm hôm đó, tôi hỏi thầy S: “Ngay từ đầu anh vẫn luôn cãi cọ với em, làm thế nào mà đã sửa lại, hơn nữa còn nhanh như thế?”

Thầy S nằm bên cạnh tôi, nghĩ nghĩ nói: “Thực ra khi đó, những gì em không thích anh đều từ từ sửa, chỉ là em không phát hiện ra mà thôi.”

Tôi bất ngờ hỏi: “Anh có sửa sao?”

Thầy S cười: “Có sửa. Ví dụ như, em không thích anh thức khuya, vì thế anh bắt đầu cùng em ngủ sớm dậy sớm; em không thích anh vừa lên giường đã ngủ say như chết, anh bắt đầu cùng em nói chuyện phiếm; em không thích anh tự ý mua những đồ mình thích, thế nên khi anh muốn mua đồ gì trong nhà liền hỏi ý kiến em trước. Đại khái chính là những chuyện linh tinh như thế.”

Tôi nghĩ lại, thấy những gì anh ấy nói đều đúng, chỉ là trước kia tôi cảm thấy những việc đó đều là lẽ thường tình cho nên không phát hiện ra tâm ý của anh: “Anh không cảm thấy vì một người mà thay đổi bản thân là thiệt thòi, đáng thương sao?”

Thầy S cười to: “Sao có thể như thế? Khi em yêu một người, em làm gì cũng đều cam tâm tình nguyện, sao có thể thấy thiệt thòi? Có thể vì em mà thay đổi, trong mắt anh, rõ ràng là niềm hạnh phúc thực sự.”

011.

Năm đầu tiên lấy chồng, tôi trải qua Tết Âm lịch ở nhà thầy S, tôi đã lớn như vậy nhưng đó là lần đầu tiên đón Tết Âm lịch xa nhà.

Vì hai nhà không ở cùng một tỉnh, tập tục cũng không giống nhau. Tôi không quen lắm lại vì nhớ nhà nên hơi rầu rĩ không vui.

Thầy S mua rất nhiều pháo hoa, trong sân của khu nhà cũng náo nhiệt hẳn lên, anh dắt tôi xuống, cùng mọi người xem pháo hoa, cũng tự mình đốt một ít. Khi chơi xong, lúc đi lên lầu, tiệc đem giao thừa cũng đã gần kết thúc.

Đến 12 giờ, thầy S vội vàng chúc tết bố mẹ, tôi cũng cùng anh chúc năm mới bố mẹ.

Bố mẹ chồng vui vẻ tươi cười hớn hở, mỗi người cho tôi một bao lì xì, thầy S cũng có.

Khi anh ấy nhận bao lì xì, còn cười nói: “Có Tiểu Y nên con cũng được thơm lây, đã bao nhiêu năm rồi con đâu có được nhận bao lì xì. Được rồi, Tiểu Y, chúng mình chúc tết bố mẹ đi.”

Anh ấy lại nói “bố mẹ”, tôi biết anh đang nói bố mẹ tôi. Chúng tôi mở video, cuộc gọi vừa thông, tôi liền nhìn thấy bố mẹ, em trai ngồi trước máy tính, mũi đã sụt sùi. Tôi nghĩ bọn họ trong lòng hẳn cũng khó chịu, sống cùng nhau đã hơn hai mươi năm nay, nói rời xa liền rời xa, tôi kìm lòng không khóc.

Thầy S nói, ngày mùng hai sẽ đưa tôi về nhà chúc tết, bố mẹ tôi liền nở nụ cười. Lại nói thêm vài câu, trong lòng tôi cũng thấy dễ chịu hơn nhiều, đêm đã khuya, chúng tôi chuẩn bị đi ngủ.

Tôi thu dọn xong, lên giường nằm, thầy S lại gần, lấy bao lì xì từ trong túi áo túi quần, khi đang chuẩn bị cất bao lì xì vào ví, tôi liền xốc chăn nhảy dựng lên, đứng trên giường chắp tay hành lễ với anh, nói: “Chồng à, chúc anh cung hỉ phát tài, cho em bao lì xì nào.”

Tay anh khựng lại, khi quay đầu nhìn tôi, tay cầm bao lì xì đã đưa cho tôi: “Thôi được rồi, dù sao em cũng không có bao lì xì này, cho em cả đấy.”

Tôi vui sướng nhận lấy rồi lại giơ hai tay về phía anh, nói: “Chồng à, cho em bao lì xì nào, cái của riêng anh ý.”

Thầy S dở khóc dở cười, liền mở ví ra, có mấy tờ liền đưa tôi hết, còn khẽ nói: “Sao tôi lại cưới một người tham tiền thế này…”

012.

Tôi bị cảm nặng, trong tầm tay không có khăn giấy, đành đi đến phòng làm việc, nhìn thấy bên cạnh máy tính của thầy S có khăn giấy, liền lấy một tờ, bắt đầu xì mũi.

Âm thanh kia vừa vang lại vừa kéo dài, xì một hồi, tôi sảng khoái, lúc này mới phát hiện ra thầy S vốn còn đang vùi đầu soạn giáo án đã ngẩng đầu lên, nhìn tôi ngơ ngác.

Chắc là do từ khi kết hôn tới nay, tôi chưa bao giờ để lộ vẻ mặt này trước mặt anh, khiến anh ấy có phần choáng váng.

Lúc ấy tôi rất xấu hổ, cười ha hả hai tiếng, muốn nói gì đó hòa hoãn bầu không khí. Có lẽ do tôi quan sát phản ứng của thầy S một cách quá nghiêm túc, thời gian nín thở kéo dài hơi lâu, chờ đến khi tôi muốn nói gì đó, tôi lại phải thở ra một hơi trước.

Kết quả, không hiểu sao tôi lại xui xẻo tới mức trong lỗ mũi vẫn còn nước mũi, nước mũi này còn rất thích thể hiện, biến thành một đường dài ngoằng thò lò ra khỏi mũi tôi, vì thể tích quá lớn mà “bẹp” một tiếng, văng đến nửa mặt tôi.

Trong khoảnh khắc đó, tôi thực chỉ muốn đâm đầu chết đi cho xong, ngược lại thầy S sắc mặt lại thản nhiên, nhìn tôi nói: “Hồi học đại học, có một buổi tối anh ăn mỳ gói, bạn cùng phòng của anh đem theo thương tích về phòng. Anh hỏi cậu ấy làm sao, cậu ấy nói cậu ấy muốn ăn thịt chó, quyết định đi bắt chó, đã không bắt được còn bị chó đuổi theo đến nửa đêm, chưa hết, còn ngã mấy lần mới về được đến nơi. Anh cười cậu ta ngu ngốc, muốn ăn thịt chó thì ngoài chợ có bán, đi bắt chó làm gì, kết quả anh cười không khống chế được, một sợi mỳ liền phun ra từ trong mũi. Ừ, từ mũi phun ra bong bóng không đáng sợ, phun ra sợ mỳ mới đáng sợ.”

Tôi tưởng tượng dáng vẻ từ trong lỗ mũi thầy S thò lò ra một sợi mỳ, cười nghiêng cười ngả, cảm giác xấu hổ lúc trước cũng không còn.

Sau đó, tôi đọc được trên mạng một truyện cười tương tự, cố ý nhắc đến chuyện đó để chê cười thầy S, nói: “Chồng ơi, anh xem này, còn có người làm chuyện ngu ngốc giống anh này.”

Thầy S đọc truyện cười trên mạng rồi nói: “Cái này vốn dĩ chính là truyện cười, anh dựa theo đó bịa ra thôi, em lấy anh lâu như thế rồi, có từng bao giờ thấy anh ăn mỳ gói chưa?”

Thầy S thực sự không thích ăn mỳ gói, nói là khi vào đại học gặp phải cơn bão lớn, không có cách nào đi ra ngoài, ở trong ký túc xá suốt bốn ngày liền chỉ toàn ăn mỳ gói, từ đó về sau anh ấy không còn đụng vào mỳ gói nữa.

Tôi lại bị anh ấy lừa, nhưng nể tình anh ấy dùng câu chuyện trên mạng ra dỗ tôi, tôi cũng không so đo với anh ấy.

013.

Xem xong một bộ phim truyền hình, tôi bị anh nam chính đẹp trai trong phim mê hoặc, khi phim hết còn hơi nuối tiếc, tâm trạng cũng vì thế mà tụt dốc.

Thầy S thấy có gì đó không ổn, hỏi: “Sao thế?”

Tôi đáp: “Phiền lòng.”

Thầy S có lẽ thấy khó hiểu, hơn một tiếng trước tôi còn chia cho anh ấy món kem mà tôi thích nhất, sao xem xong mấy tập phim mà đã thay đổi thế này? Anh lại hỏi: “Vì sao phiền lòng?”

Tôi đáp: “Không có cơ hội nên phiền lòng.”

Thầy S: “Không có cơ hội gì? Em muốn có cơ hội gì?”

Tôi: “Không có cơ hội lấy nam thần.”

Thầy S càng thấy khó hiểu: “Ai không có cơ hội lấy nam thần?” Đường cung phản xạ của anh ấy khá dài, hơn nữa còn tự tin cho rằng trong lòng tôi chỉ có anh ấy, cho nên không hiểu ra vấn đề.

Tôi: “Em, em không có cơ hội lấy nam thần, vì em đã lấy anh rồi.”

S cuối cùng cũng hiểu ra, liếc nhìn tivi, thong thả nói: “Dù không lấy anh thì em cũng không có cơ hội lấy nam thần đâu.”

Tôi: “Vì sao?” Tôi tổn thương rồi nha.

Thầy: “Vì em xấu.”

Tôi thực sự muốn xắn tay áo lên liều mạng với anh ấy: “Em xấu à, thế sao anh còn nhất nhất đòi cưới em?”

Tôi vốn cho rằng anh sẽ nói “Do mắt mù”, “Nhất thời bị che mắt” kiểu thế, tiếp tục chọc tức tôi, kết quả anh lại lắc đầu nói: “Tình nhân trong mắt hóa Tây Thi.”