Truyện trong lòng bàn tay

NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÔNG CƯỜI

Bầu trời trở nên sâu thẳm, trông như bề mặt của một món đồ sứ celaidon[1] xinh xắn. Từ giường, tôi nhìn ra sông Kamo nơi dòng nước nhuốm màu buổi sáng.

Đã một tuần nay đoàn làm phim phải làm việc đến quá nửa đêm vì diễn viên đóng vai chính dự định chỉ tham gia diễn trong vòng mười ngày. Là tác giả, nên tất cả những gì tôi phải làm là giám sát kỹ lưỡng việc quay phim. Nhưng môi tôi đã trở nên khô ráp và tôi mệt đến nỗi không thể mở mắt ra được, thậm chí ngay cả khi đứng bên cạnh những ngọn đèn cácbua tỏa ánh sáng trắng nóng bỏng. Sáng hôm ấy, vào lúc những ngôi sao bắt đầu biến mất, tôi đành quay trở về khách sạn.

Dù sao, bầu trời màu ngọc bích cũng làm tôi tỉnh lại. Tôi cảm thấy giấc mộng đẹp đẽ ấy sắp thành.

Đầu tiên, quang cảnh phố Shijo hiện ra trong tâm trí. Ngày hôm trước, tôi đã ăn trưa ở Kikusui, một nhà hàng kiểu phương Tây gần Ohashi. Rặng núi hiện ra ngay trước mắt tôi. Tôi có thể nhìn thấy màu xanh tươi mới của cây cối ở Higashigama bên ngoài cửa sổ tầng ba. Cảnh tượng ấy thật ngoạn mục, đặc biệt là với tôi, một kẻ mới từ Tokyo tới. Tiếp đó, tôi nhớ lại chiếc mặt nạ tôi đã nhìn thấy, được trưng ở tủ kính của một cửa hàng đồ cổ. Đó là một chiếc mặt nạ cổ đang mỉm cười.

“Mình phải có nó. Mình đã có một giấc mộng đẹp". Tôi thì thầm, vui mừng khôn xiết lấy mấy trang giấy trắng và viết ra giấc mộng của mình. Tôi viết lại cảnh cuối của kịch bản phim. Xong, tôi viết thêm một lá thư gửi cho đạo diễn.

"Tôi sẽ để cảnh cuối là một giấc mộng. Những chiếc mặt nạ mỉm cười hiền lành sẽ xuất hiện khắp màn ảnh, không thể hy vọng đưa ra một nụ cười rạng rỡ ở phần kết của câu chuyện buồn thảm này thì ít ra tôi cũng có thể chụp lên thực tại tấm mặt nạ mỉm cười, đẹp đẽ”.

Tôi cầm bản thảo đến trường quay. Thứ duy nhất ở văn phòng là báo buổi sáng. Người phụ nữ ở quán ăn tự phục vụ đang quét dọn mùn cưa phía trước phòng đạo diễn.

- Chị có thể chuyển giúp tôi cái này cho đạo diễn được không?

Bộ phim được quay tại một bệnh viện tâm thần. Tôi cảm thấy đau lòng khi chứng kiến cuộc sống bất hạnh của những người điên mà chúng tôi quay phim hàng ngày. Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình sẽ cảm thấy tuyệt vọng trừ phi bằng cách này hay cách khác có thể đưa thêm vào một kết thúc tươi sáng. Tôi sợ rằng tôi không thể tìm thấy một kết thúc có hậu bởi vì tính cách của tôi cũng đã quá u sầu.

Vậy nên tôi đã lấy làm phấn chấn vì nghĩ đến những chiếc mặt nạ. Tôi có cảm giác dễ chịu khi tưởng tượng mỗi một người ở cảnh cuối trong bệnh viện tâm thần đều đeo một chiếc mặt nạ đang cười.

Mái che bằng kính của trường quay ánh lên màu xanh. Màu của bầu trời đã sáng lên với ánh ngày. An tâm, tôi quay trở lại nhà trọ và ngủ ngon lành.

°

Vào khoảng mười một giờ đêm hôm đó, người đàn ông đi mua mặt nạ trở lại trường quay.

- Từ sáng, tôi đã lùng khắp các cửa hàng đồ chơi ở Kyoto, nhưng không đâu còn lấy một cái mặt nạ tử tế.

- Để tôi xem anh kiếm được gì nào?

Tôi thất vọng khi mở gói đồ. Cái này ư? Vậy...

- Tôi biết. Họ không có. Tôi đã nghĩ là tôi có thể tìm được mặt nạ ở bất cứ chỗ nào. Tôi cam đoan đã tìm kiếm ở khắp các cửa hàng nhưng đây là cái duy nhất mà tôi có thể mua được trong ngày.

- Thứ mà tôi hình dung là một cái gì đó giống như một chiếc mặt nạ Noh[2] Nếu bản thân chiếc mặt nạ không có tính nghệ thuật, đơn giản nó sẽ trở nên lố bịch trong phim. - Tôi cảm thấy như thể sắp khóc khi cầm chiếc mặt nạ hề bằng giấy của trẻ con trong tay. - Vì một nhẽ, là cái này trông sẽ giống màu đen mờ khi lên ảnh. Và nếu nó không có một nụ cười dễ thương hơn với một làn da trắng rạng rỡ thì...

Cái lưỡi đỏ thè ra từ khuôn mặt nâu.

- Lúc này ở văn phòng người ta đang thử sơn trắng nó.

- Nếu không kiếm được chiếc mặt nạ nghệ thuật nào, thì tốt nhất chúng ta nghỉ quay, - một người đàn ông ở phòng kịch bản nói, có lẽ là thông cảm với sự thất vọng của tôi. - Chúng ta sẽ đi lùng mặt nạ một lần cuối cùng chứ? Mới mười một giờ, có lẽ ở Kyogoku người ta vẫn thức.

Chúng tôi lái xe đi nhanh dọc theo con đê của dòng Kamo. Ánh sáng rực rỡ từ những ô cửa sổ của bệnh viện bên bờ đối diện phản chiếu xuống nước. Tôi không thể tưởng tượng được rằng có rất nhiều bệnh nhân đang đau đớn trong một bệnh viện có tất cả các ô cửa sổ được chiếu sáng ấy. Tôi tự hỏi liệu có thể để các cửa sổ bệnh viện sáng rực không nếu chúng tôi không thể tìm được những chiếc mặt nạ phù hợp.

Chúng tôi lục tung hết các cửa hàng đồ chơi ở Shinkyogoku khi người ta bắt đầu đóng cửa. Chúng tôi biết là đã hết hy vọng. Chúng tôi mua hai mươi chiếc mặt nạ rùa giấy. Chúng đáng yêu, nhưng khó có thể gọi là nghệ thuật. Phố Shijo đã ngủ say.

- Đợi một lát. - Người đàn ông ở phòng kịch bản vòng xuống một con hẻm. – Ở đó có rất nhiều cửa hàng bán những đồ thờ Phật cũ. Tôi nghĩ họ cũng có cả đạo cụ cho kịch Noh.

Nhưng phố phường đều đã đi ngủ cả. Tôi ghé mắt qua khe cửa nhìn vào bên trong các cửa hiệu.

- Sáng mai, khoảng bảy giờ tôi sẽ lại đến. Dẫu sao thì tối nay chúng ta cũng đã cố hết sức rồi.

- Tôi cũng sẽ đi cùng. Nhớ đánh thức tôi. - Tôi nói.

Nhưng ngày hôm sau anh ta đi một mình. Khi tôi thức giấc, người ta đã sẵn sàng quay những chiếc mặt nạ. Họ kiếm được năm chiếc đã từng được dùng trong những buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển. Ý tưởng của tôi là sử dụng hai mươi hoặc ba mươi chiếc mặt nạ cùng loại, nhưng khi tiếp xúc với cảm giác bồng bềnh trong nụ cười dịu dàng của năm chiếc kia, tôi bình tâm trở lại. Tôi cảm thấy mình đã hoàn thành trách nhiệm với những người mất trí.

- Tôi phải thuê chúng vì mua thì quá đắt. Cẩn thận đấy, nếu anh làm bẩn, người ta sẽ không nhận lại đâu.

Sau câu nói của người phụ trách kịch bản, tất cả các diễn viên đều rửa tay và cầm mặt nạ lên bằng đầu ngón tay, nhìn chúng chăm chú như thể đang nhìn một thứ của quý.

- Nếu bị rửa, màu sẽ tróc hết, đúng không?

- À, vậy thì tôi sẽ mua chúng. Tôi thực sự thích những chiếc mặt nạ ấy. - Tôi mơ mộng như thể đang chờ đợi cái tương lai khi thế giới trở nên yên bình và tất cả mọi người đều mang khuôn mặt dễ thương như những chiếc mặt nạ kia.

Vừa về đến nhà ở Tokyo, tôi đến thẳng phòng bệnh của vợ tôi.

Bọn trẻ đang cười đùa vui vẻ, đeo hết chiếc mặt nạ này đến chiếc mặt nạ khác. Tôi cảm nhận cảm giác mơ hồ về sự thỏa mãn.

- Bố, đeo cái này vào đi.

- Không.

- Bố đeo đi.

- Không.

- Đeo đi.

Thằng con trai thứ hai của tôi đứng lên và cố ấn cái mặt nạ lên mặt tôi.

- Thôi đi! - Tôi quát.

Vợ tôi cứu tôi thoát khỏi rắc rối này:

- Đưa đây, mẹ sẽ đeo.

Trong tiếng cười của bọn trẻ tôi trở nên tái nhợt.

- Anh sao thế? Anh ốm rồi.

Thật khủng khiếp khi nhìn thấy chiếc mặt nạ đang cười nằm trên giường bệnh của nàng.

Khi vợ tôi tháo mặt nạ ra, hơi thở của nàng trở nên khó khăn. Nhưng đó không phải là điều làm tôi khiếp sợ. Khoảnh khắc tháo chiếc mặt nạ, khuôn mặt nàng không hiểu sao lại hiện ra xấu xí. Tôi sởn da gà khi nhìn khuôn mặt hốc hác của nàng. Tôi đã bị sốc bởi lần đầu tiên khám phá ra nét mặt vợ mình. Khoảng ba phút nàng đã được che trong vẻ xinh đẹp, dễ thương và nụ cười của chiếc mặt nạ, vì thế bây giờ tôi mới thấy sự xấu xí của khuôn mặt nàng. Nhưng không, còn hơn cả xấu xí, đấy là vẻ đau đớn của một người đã bị bất hạnh giày vò. Sau khi được che giấu trong chiếc mặt nạ xinh đẹp, gương mặt nàng đã lộ cái phần đen tối của kiếp cùng khổ.

- Bố, đeo nó đi.

- Bây giờ đến lượt bố. - Bọn trẻ nài ép tôi.

- Không - Tôi đứng lên. Nếu tôi đeo chiếc mặt nạ vào rồi lại tháo ra, thì đối với vợ, tôi sẽ giống như một yêu ma xấu xí. Tôi sợ mặt nạ đẹp. Và sự sợ hãi đó đã thức tỉnh những nghi ngờ trong tôi rằng gương mặt dễ thương luôn mỉm cười của vợ tôi có lẽ tự nó đã là một chiếc mặt nạ hoặc nụ cười của vợ tôi có thể là kỹ xảo, giống như chiếc mặt nạ.

Mặt nạ không tốt. Nghệ thuật không tốt.

Tôi viết một bức điện gửi đến trường quay ở Kyoto.

“Cắt cảnh mặt nạ".

Rồi tôi xé bức điện ra thành từng mảnh vụn.

[1] Celaidon: màu ngọc bích, men gốm được xếp vào màu từ hơi xám đến hơi xanh

[2] Mặt nạ Noh: loại mặt nạ diễn viên đeo khi biểu diễn kịch Noh, một loại hình sân khấu truyền thống của Nhật Bản.

(1929)

ĐÀO THỊ THU HẰNG dịch