Đầu hiên, về phía trông ra vườn, một cái vườn trồng toàn roi, Minh và Giao cặm cụi ngồi học.
Bấy giờ đã quá trưa. Trời trong biếc. Trên giàn thiên lý, mấy chùm hoa sẽ đưa trước gió, một vài tiếng gà gáy xa xa.
Giao đang học, tự nhiên thấy có cái cảm giác rất lạ, chàng không ngửng đầu lên mà biết chắc có người đứng nhìn chàng, Giao gấp sách lại, quay mặt ra phía vườn, thấy vợ bạn đương đăm đăm nhìn mình:
- Hú vía! Chị Minh! Tôi thoáng thấy bóng trăng trắng lại ngỡ là ma.
Người vợ trẻ của Minh hơi có ý ngượng vì thấy Giao bắt gặp mình nhìn trộm, mỉm cười nói chữa:
- Hai anh em học chăm quá, người ta đến gần mà không biết.
Lúc bấy giờ nàng đứng dựa đầu vào cái ghế dài, như có vẻ mỏi mệt, cặp môi hơi hé, cái gò má phơn phớt đỏ và đôi mắt trong trẻo, sáng sủa như ánh nắng rực rỡ mùa hè. Nàng có cái vẻ đẹp lộng lẫy quá, khiến Giao không dám nhìn lâu, nhất là không dám nhìn hai con mắt của nàng, hai con mắt huyền bí như có cái mãnh lực vô hình làm cho Giao rạo rực, náo nức cả trong lòng.
Nàng đưa ra mấy cành hoa nhài và bảo chồng:
- Này cậu, cây nhài hôm nọ tôi mua ở chợ về, có hoa rồi đấy, cậu lấy cốc cho nước vào để cắm hoa.
Minh, mắt vẫn để vào sách, nói:
- Tôi rất ghét thứ hoa nhài. Ngửi nó đâm ra nhức đầu.
Nhưng Giao thì không nghĩ thế. Chàng hiểu vì cớ gì người vợ Minh đem hoa đến, chàng cảm động. Từ hôm nói chuyện với Minh rằng ở trên đời chàng không thích hoa gì bằng hoa nhài, thì chàng thấy vợ Minh mua ngay cây nhài về trồng trong vườn, tưới xới săn sóc đến luôn luôn. Hôm nay cây nhài nở mấy bông hoa đầu, vợ Minh ngắt hoa có ý nghĩa gì, Giao đã hiểu.
*
* *
Đã hơn một tháng nay, Giao cố sức chống lại với cái sức mạnh của ái tình nó như ngọn sóng muốn lôi cuốn chàng đi. Chàng mới có mười bảy tuổi, cái tuổi còn non nớt lại gặp ngay một mối tình mãnh liệt mà éo le.
Tuy Minh hơn Giao những bảy tuổi mà hai người cùng học một lớp ở trường trung học. Giao trọ ở nhà một người quen trong làng N... nhưng vì bên nhà Minh có vườn mát mẻ nên thường hay sang cùng ngồi học với Minh, nhân tiện chỉ bảo giúp Minh, vì Minh học lực rất kém. Thế rồi ngày một ngày hai, khi đi lại, lúc ra vào, Giao cảm vì cái sắc đẹp rực rỡ của vợ Minh, mà xem chừng vợ Minh cũng cảm vì cái tình ngây thơ của một cậu học trò còn trẻ tuổi đối với mình.
Nhưng hai người cùng sợ, cùng rụt rè, không dám tìm cách để gần nhau, nhưng cũng không nỡ xa nhau, cứ để mặc cho cái mùi hương nguy hiểm của ái tình nó mê đắm cả hai người.
Giao biết, biết là có một ngày kia chàng sẽ phạm vào tội lỗi đối với bạn, chàng biết là sẽ làm một việc rất xấu, nên chàng hết sức chống lại. Có khi chàng cố giữ hai, ba ngày không sang nhà bạn nhưng cái vẻ đẹp kia, đôi má hồng, hai con mắt sáng kia như có sức mạnh bắt chàng không thể nào quên được. Giao lại sang, tự an ủi mình rằng ngắm một người đẹp đã tội lỗi gì đâu.
Cứ mỗi lần Giao sang ngồi học với Minh thì người vợ hay lân la đến chỗ hai người nói chuyện vơ vẩn. Một hôm Giao sang học bên nhà bạn, thấy cửa đóng, gõ thì người vợ ra mở. Nàng thấy Giao làm ra bộ ngạc nhiên:
- à, anh Giao! Tôi lại tưởng có người đến hỏi nợ, đã lo!
Rồi nàng cười, cười tít đi, đôi má lại càng đỏ, hai con mắt lại càng trong, khiến Giao cuống quít, không biết nói làm sao. Nàng vừa cài then cửa vừa nói:
- Hôm nay anh Minh đi vắng!
Rồi nàng nhìn Giao như dò ý tứ. Giao vội nói:
- Thế chị để tôi về thôi, mai sang.
- Về nhà bức chết, anh cứ vào ngồi mà học... việc gì.
Rồi nàng nhìn lên cây, vỗ tay nói một cách ngây thơ như đứa trẻ vui mừng:
- Roi chín rồi, để tôi lấy sào chọc mấy quả anh ăn. Ngọt, giòn, mát như đường phèn.
Nàng vừa nói vừa chép miệng, rồi làm bộ như nuốt nước bọt thèm, nhìn Giao cười.
Giao nhìn lên cây roi thấy trong đám lá xanh mấy chùm quả nặng chĩu, sắc da mát và hồng, như muốn trêu giục người ta hái xuống ăn ngấu ăn nghiến, lại nhìn đến người đàn bà đôi má hồng, tự nhiên trong trí chàng nảy ra một sự so sánh, so sánh chùm quả ngon với người con gái đẹp. Trong lúc say đắm về cách cử chỉ của nàng, Giao không nghĩ gì cả, nhưng Giao sợ, sợ không thoát khỏi! Chàng biết chàng như con cá diếc con đã mắc vào lưới, không tài nào thoát, nhưng cũng giẫy giụa trước khi chịu khuất phục.
Giao cắm đầu đi thẳng vào trong nhà, ngồi giở sách ra xem, nhưng không tài nào đọc được một chữ.
Một lát thì vợ Minh đi vào, tay cầm một chùm roi, tóc xõa cả xuống má, nhìn Giao hớn hở.
Giao đứng ngay dậy, thì nàng cũng vừa bước lại gần sát bên cạnh; bốn mắt gặp nhau, Giao nhìn nàng thấy nàng đổi khác hẳn mọi khi: cặp môi nàng mấp máy, dưới tấm áo mỏng ngực nàng phập phồng, hai con mắt nhìn đăm đắm vào chàng có vẻ lẳng lơ, nồng nàn như đắm tình.
Một lát, nàng sẽ nói:
- Mời anh xơi roi...
Lúc bấy giờ Giao như người mất hồn, mặt nóng bừng, không nghĩ gì nữa, như bị hai con mắt đẹp huyền bí của nàng làm tê mê... Giao khẽ để tay lên tay nàng - tay nàng còn cầm chùm roi - nàng để yên không kéo ra, cúi đầu e thẹn. Bỗng tự nhiên, nàng giật mình, kéo mạnh tay ra, lùi lại một bước, kêu:
- Con sâu! Trong quả roi có con sâu...
Giao nhìn, quả nhiên thấy trong một quả roi to nhất, đẹp nhất, có con sâu từ từ bò ra leo lên tìm đường thoát. Giao vội vàng ném quả roi ra vườn. Nhưng từ lúc đó, chàng như người ngủ mê mới tỉnh: con sâu trong quả roi đã làm cho chàng biết rằng chàng sắp phạm một tội xấu xa mà trong lúc mê man vì sắc đẹp chàng không nghĩ tới. Chàng ném quả roi xong, quay lại thấy vợ bạn đương nhấc bức mành, bước vội vào nhà trong như người đi trốn. Giao thở dài, cắp sách về nhà trọ, và từ đấy, chàng không tới nhà bạn nữa.
*
* *
Bảy năm sau... trong bảy năm đó vì việc nhà, Giao phải cách biệt hẳn Hà Nội, phiêu lưu nay đây mai đó; trên đường đời, chàng đã gặp bao nhiêu là mỹ nữ, nhưng chàng không sao quên được người xưa.
Bảy năm sau, nhân về Hà Nội, chàng thuê xe xuống làng N... để thăm người bạn học mà chàng phải xa cách, mà nhất là thăm người mà bảy năm về trước có cái sắc đẹp đã làm rung động tấm linh hồn ngây thơ của chàng.
Tình cờ lúc đó lại vừa đúng tháng sáu, đúng mùa roi chín.
Tuy đã lâu năm, nhưng chàng nhận ngay được ngõ vào nhà bạn, cái cổng gỗ bây giờ đã cũ, mấy cây roi có to hơn, nhưng trong đám lá xanh mấy chùm quả nặng chĩu vẫn một sắc da mát và hồng như trước.
Chàng gõ cửa, thấy trong nhà có tiếng người đi ra. Cửa mở, một người đàn bà, tay bế con, thấy Giao, buột mồm kêu:
- Anh Giao!
Nàng nhận ngay ra được cậu học trò, bạn học của chồng trước.
Nàng mừng quá, chỉ nói được thế thôi rồi đứng nhìn Giao từ đầu đến chân. Nhưng Giao trông nàng lấy làm lạ, ngạc nhiên, hơi ngờ ngợ. Chàng lãnh đạm hỏi:
- Bác Minh có nhà không, bác?
Nàng vừa cài then cửa vừa nói:
- Nhà tôi đi vắng.
Giao bước vào thấy cảnh sắc vẫn nguyên như cũ: vẫn giàn thiên lý ở đầu nhà, dăm chùm hoa nở, vẫn cái án thư, hai cái kỷ ở đầu hiên, chỗ mà chàng vẫn ngồi học với Minh năm nọ.
Lúc ngồi nói chuyện, uống nước với vợ Minh, Giao có ý ngắm kỹ nàng vì Giao không rút rát như trước mà không dám nhìn lâu nữa - nhưng bây giờ còn đâu cái đẹp nồng nàn, còn đâu đôi má hồng, hai con mắt trong trẻo sáng sủa như nắng rực rỡ mùa hè...
... Tháng, ngày qua... sắc đẹp tàn...
Nàng thẫn thờ nói:
- Chóng thật! Mới ngày nào, bây giờ đã...
Nàng ngẩng nhìn lên tường thấy bóng mình in trong cái gương to để đấy, cái bóng một người đàn bà đứng tuổi, không có gì là vẻ thanh xuân, nàng chạnh tưởng tới cái sắc đẹp lộng lẫy khi xưa nay đã tàn. Nàng nhìn Giao, Giao nhìn nàng, hai người cùng một ý nghĩ như nhau.
Nàng buồn rầu, nhắc lại:
- Chóng thật!...
Rồi nàng cố gượng làm bộ vui tươi, bảo Giao:
- Bác đến may quá, vừa đúng mùa roi chín... để lấy mấy quả bác xơi.
Giao ăn roi nhìn người nói nửa đùa nửa thật:
- Roi vẫn ngọt, vẫn mát như đường phèn... nhưng bây giờ không có sâu nữa.
Rồi hai người cùng mỉm cười, cái mỉm cười chua chát, biết bao ý nghĩa như nhắc hai người ôn lại chuyện xưa. Giao bùi ngùi nhớ lại cái mơ mộng ngày trước, cái mơ mộng yêu một cách thiết tha và không chính đáng, một cái sắc đẹp mà bây giờ chàng mới biết là ảo mộng, mong manh không giá trị gì!
Chuyện vẩn vơ một lúc, Giao đứng dậy xin từ cáo. Nàng cũng tiễn theo ra.
Lúc đi qua chỗ ngồi học ngày trước, chàng thấy trên án thư một cái cốc trong có cắm mấy cành nhài mà lúc vào chàng không để ý đến. Mấy bông hoa nhài trắng như mấy cái nụ cười âu yếm nhắc lại trong trí Giao câu chuyện tặng hoa ý nhị năm xưa. Mấy bông hoa có lẽ vô tình cắm đó đã làm cho Giao có cái ảo tưởng rằng trong bảy năm nay, lúc nào nàng cũng còn nhớ đến cậu học trò, cậu học trò đã trót mê nàng vì cái sắc đẹp mà bây giờ không có nữa. Cái ảo tưởng ấy làm cho Giao man mác trong lòng.
Trước khi từ biệt, Giao nhìn thẳng vào mắt nàng như để tỏ lời cám ơn nàng trong bấy lâu vẫn để bên lòng một chút tình thương yêu chàng, chút tình ấy kín đáo hơn cái sắc đẹp kia, nhưng lâu bền hơn.
Tháng ngày qua... sắc đẹp tàn... nhưng cái hương thơm của tình thương yêu tuyệt vọng, u uẩn của nàng đối với Giao còn phảng phất, không bao giờ phai.
Rút từ tập truyện ngắn Anh phải sống,
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1934