Trời vừa mưa xong, đường phố lầy lội. Bên cạnh những cửa hàng đầy tơ lụa màu rực rỡ, Sửu cúi đầu đi thong thả, hai con mắt đỏ ngầu và đầy rử nhìn thẳng ra trước, không để ý đến một vật gì. Trông hình dáng chỉ biết đó là một người nghèo khổ, chứ không hiểu thuộc về hạng nào. Có lẽ người đó đã làm đủ nghề: đi ở, kéo xe... nhưng hiện nay chắc không có nghề gì, vì người bẩn thỉu và ốm yếu quá. Hai con mắt nhìn một cách dại dột, mồm bao giờ cũng há hốc và hai bàn tay lúc nào cũng run run bảo cho ta biết rằng người đó chỉ còn có việc là đi hành khất để chờ ngày vào nhà điên.
Một cơn gió thổi mạnh, Sửu vội giơ tay lên giữ lấy cái mũ đội trên đầu, một cái mũ dạ màu xám rộng thênh thang đội úp xuống che gần khuất hai con mắt. Muốn tránh một người quét hè, Sửu đi rẽ xuống đường. Vừa lúc đó một người mặc âu phục rất sang, đầu tóc chải mượt và đôi giầy bóng loáng, đi vội ở trong một hiệu thợ cạo ra, giơ tay vẫy một cái xe cao su. Vì hai bên cùng vội cả, nên người ăn mặc sang trọng và người ăn mặc rách rưới đụng vào nhau một cái thật mạnh. Người vận âu phục kêu lên một tiếng to, dẩy Sửu ra, mắng mấy câu theo lệ thường, rồi toan bước lên xe. Nhưng đến lúc nhìn xuống thấy mũi giầy của mình bị bàn chân đầy bùn của người kia làm bẩn be bét, thì chàng ta không giữ nổi giận được nữa. Chàng giơ thẳng tay bớp tai người nghèo kia một cái, làm cho chiếc mũ dạ tung ra, rơi ngay vào cái xe tay, trên tấm thảm cao su để chân. Chàng cho thế là đủ giận bèn phủi tay, nhấc hai ống quần cho khỏi mất nếp, và ngồi lên giục phu kéo đi. Thấy cái mũ ngay dưới chân, chàng toan hất xuống trả, nhưng không biết nghĩ được một điều gì hay hay, chàng mỉm cười lấy cái mũi giầy còn sạch thọc vào mũ rồi đặt lên cái mũi giầy lấm bùn cọ đi cọ lại như người đánh giầy.
Chàng lấy làm khoan khoái, ngắm nghĩa mũi giầy bóng trở lại gần như trước. Nhìn cái mũ dạ dúm dó, bẩn thỉu, chàng hơi hối hận, nhưng vội tặc lưỡi nói một câu để tự an ủi:
- Chắc thằng cha mới ăn cắp được của ai... Đáng kiếp!
Rồi chàng bảo người kéo xe:
- Cho anh cái mũ này.
Sửu bị cái tát tai đứng lặng hồi lâu cho khỏi choáng váng, rồi lắc lư cái đầu tìm xem mũ mình rơi đâu. Một người tài xế thương hại bảo:
- Mũ rơi vào xe ông ta rồi còn đâu.
Sửu nhìn theo cái xe chạy đã xa, không hiểu và lẩm bẩm tự hỏi:
- Thầy ấy lấy mũ của tôi?
Rồi Sửu lại cắm đầu đi, mắt nhìn thẳng ra trước một cách dại dột, mồm há hốc và hai tay run run... Trong lúc đó thì ở đầu phố một thầy đội xếp thong thả đi lại phía Sửu, cầm cái gậy lỏng lẻo bằng hai ngón tay và nghịch đưa đi đưa lại như một quả lắc đồng hồ. Đó là cử chỉ thông thường của thầy mỗi khi thầy sắp có dịp ra oai. Đứng xa, tuy thầy đội không nhìn rõ, nhưng thầy đã "đoán" ra được hết. Thầy đoán rằng người ăn mặc rất sang kia vào hiệu mua hàng, lúc ra bắt gặp tên này ăn cắp mũ, liền bợp tai giằng lại cái mũ kia rồi tha... Nhưng thầy thì thầy không tha. Thầy không tha không phải vì bổn phận bắt buộc, nhưng thầy muốn tỏ cho mọi người biết rằng mình tinh mắt. Đến lúc nhìn rõ Sửu thì thầy không còn nghi ngờ gì nữa: những điều phỏng đoán của thầy đã hiển nhiên biến thành sự thực, sự thực có một không hai.
Sửu thấy thầy đội xếp đến gần mình, theo thói quen, đi khép nép tránh sang một bên. Thầy đội chạy săm lại nắm lấy tay Sửu và nghiến răng bóp thật chặt. Thầy nhìn mặt Sửu thấy đáng ghét một cách lạ lùng và bóp chặt thêm một tí nữa cho bõ ghét.
- Về bóp! Hừ, quân bay bạo gan thực, dám giở thói ăn cắp ra trước mắt ông.
Sửu hốt hoảng, lúng túng nói:
- Thầy ấy lấy mũ của con...
Thầy đội trợn mắt, vụt một cái ngang lưng Sửu và nhếch mép cười nhạt:
- à, ra thầy ấy ăn cắp mũ của mày. Quân này to gan thật!
Cái trí khôn lu mờ của Sửu báo cho Sửu biết rằng phân trần không có lợi. Sửu bèn van lơn:
- Con lạy thầy, thầy tha cho con.
Thầy đội cười một cách đắc chí:
- Tha thế nào được, con ơi!
Người tài xế lúc này tiến đến gần nói:
- Ông đội tha cho nó, nó oan. Nó dẫm phải giầy ông kia, ông ấy cho nó cái tát cũng đã đáng đời lắm rồi. Nó lại mất thêm cái mũ... cái mũ khổ ấy mà...
Một vài người đứng gần đó cũng xin hộ.
Nghe mọi người nói, thầy đội lấy làm khó chịu vì mình đoán sai cả và thầy nhìn mặt Sửu càng thấy đáng ghét hơn trước. Thầy lấy ngón tay trỏ hất cằm Sửu lên và nói:
- Cái mặt gian chưa. Ngữ này thì thế nào cũng có ngày ông cho tù mọt.
Thầy đội quay ra nói với mọi người, vẻ mặt vui tươi để tỏ rằng mình sẵn lòng khoan dung:
- Lần này các ông các bà xin hộ thì tôi tha cho nó. Lần sau nó phải liệu mà chừa đi.
Bỗng thầy nhìn cái đầu bù tóc của Sửu, nghĩ ngay được một câu để che ngượng:
- Cái mũ ấy mà không ăn cắp của ai thì tao cứ đi đằng đầu. Cũng may phúc cho mày khi lấy cái mũ ấy lại không gặp tao... Bây giờ thì cút đi ngay.
Nói xong, thầy cầm gậy gõ mạnh vào đốt ngón tay Sửu hai cái. Sửu đau quá, nhưng không dám nhăn mặt, không dám kêu, vì Sửu sợ rằng biết đâu không vì một tiếng kêu mà thầy lại đổi ý kiến không tha nữa.
Thấy thầy đội quay lưng đi, Sửu mừng quá...
Yên lặng như một cái bóng, Sửu cắm đầu đi, mồm há hốc và hai tay run run, nhưng lần này hai con mắt Sửu không dại dột nữa... lại sáng lên một cách khác thường. Trong lúc mừng, Sửu luôn mồm lẩm bẩm:
- Suýt nữa thì vào bóp, may quá, gặp được thầy đội tử tế.
Sửu quên cả đau tay, quên cả mất mũ, chỉ nghĩ đến cái mừng được thoát khỏi bóp. Thấy có cái ngõ con, Sửu vội vàng rẽ vào, yên tâm rằng đã đi khuất mắt thầy đội. Sửu cười và nói một mình:
- Sao lại gặp được thầy đội tử tế đến thế!
Câu ấy vì nhắc đi nhắc lại mãi, dần dần biến ra:
- Sao người ta lại tử tế đến thế.
Lúc đó cái óc tối tăm của Sửu như có ánh sáng chiếu rọi làm cho Sửu lần đầu tiên trong cuộc đời khốn nạn của mình nhận thấy một cách rõ ràng cái lòng tử tế của người đời!
- Suýt nữa thì vào bóp!
Nghĩ đến đó, Sửu vô tình quay nhìn lại...
Mấy hôm sau, Sửu bị bắt vì không có chỗ ở và nghề nghiệp nhất định. ở nhà pha được ít lâu, thầy thuốc khám nghiệm bảo Sửu có bệnh điên. Thầy thuốc chỉ biết rằng Sửu có bệnh điên là tại cha mẹ trước kia mắc bệnh giang mai. Không ai biết Sửu điên hẳn vì cái bớp tai của người mặc quần áo sang trọng làm cho khối óc đã yếu sẵn bị rung chuyển mạnh quá... hay nói cho đúng, chỉ vì đôi giầy bông bị lấm bùn.
Được cái bệnh điên của Sửu rất lành, không hại đến ai. Cả ngày, Sửu lúc nào cũng mỉm cười sung sướng và thỉnh thoảng lại lẩm bẩm nói một mình:
- Sao người ta lại tử tế đến thế!
Còn như người ta có tử tế như Sửu tưởng hay không thì đó lại là câu chuyện khác.
May quá
Nhiêu Tích ra tỉnh chơi, đương ngơ ngác ở một đầu phố thì có một người vận âu phục đi xe đạp phóng thật nhanh đâm sầm ngay phải. Cả Nhiêu Tích và người kia đều ngã lăn ra đường. Người hàng phố xúm lại xem đông.
Nhiêu Tích ngồi nhỏm dậy, sờ đùi, sờ vế chỉ thấy hơi đau vài chỗ. Nhưng Nhiêu Tích lo sợ phấp phỏng, thầm hỏi:
- Người ta đi xe đạp chắc là phải thạo luật đi đường lắm, nếu họ đụng vào mình thì tất là mình có lỗi. Xe đạp của họ gẫy thì mình bán gia tài đi mà đền.
Nhiêu Tích vừa nắn đùi vừa đưa mắt nhìn trộm người kia, dò la ý tứ. Nếu Tích thấy người kia không nói gì, hay nhìn mình mỉm cười thì tất người kia có lỗi; lúc đó Tích sẽ nằm lăn ra đường và kêu thật to rằng què chân không đứng dậy được. Nếu nhỡ xe người kia có gẫy thì mình không phải đền, vì mình đã bị gẫy mất chân.
Trong lúc những ý tưởng phức tạp ấy lộn xộn trong đầu Nhiêu Tích, thì những ý tưởng cũng phức tạp như thế lộn xộn trong đầu người vận âu phục. Chàng nhìn Nhiêu Tích ngẫm nghĩ:
- Trái thì lẽ cố nhiên mình trái, vì họ đi bên tay phải, mà mình thì quên không bóp chuông. Nhưng nếu giờ ta yên lặng thì lão này biết là ta trái, tất sinh sự...
Nghĩ vậy, chàng liền đứng lên, vẻ mặt hầm hầm tiến lại gần Nhiêu Tích, dang thẳng cánh tát cho Nhiêu Tích một cái thật mạnh. Không thấy người kia nói gì, tiện tay chàng tát luôn cái nữa.
Thấy vậy Nhiêu Tích biết ngay là mình trái, vội vã đứng lên, quên cả chân đau. Tích quấn lại khăn rồi cúi đầu đi thẳng. Đi được một quãng, Tích quay cổ lại và lấy làm mừng rằng người kia không đuổi theo. Tích lẩm bẩm sung sướng:
- May quá, xe thầy ấy lại không gẫy cái gì.
Người vận âu phục vẻ mặt hãy còn hầm hầm tức giận. Chàng vừa nhấc xe đạp lên xem xét vừa nói thật to:
- Rõ thật nhà quê lên tỉnh. Đi thì nghênh nghênh ngáo ngáo, có hai mắt cũng như không.
Tuy ngoài mặt giận dữ, nhưng chàng không khỏi cười thầm với mình.
Rút từ tập truyện ngắn Tối tăm,
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1936