Buổi tiếp bệnh nhân kéo dài, và đáng ra vào một giờ, mãi tận gần hai giờ Vera Paplốpna mới dãn việc. Chỉ chải lại tóc - tóc chị bị xổ ra dưới cái mũ trắng của bác sĩ, xếp ống nghe, giấy mẫu kê đơn và các bệnh án vào cái túi xách, nhìn quanh, kiểm tra lại xem đã thu xếp mọi thứ chưa, liệu có quên gì không, và đóng cửa phòng làm việc lại, chị đến phòng đăng ký.
Đăng ký mời thăm bệnh hóa ra khá nhiều. Nhiều hơn là chị dự kiến, và thậm chí hơn cả những ngày thường. Vera Paplốpna hơi buồn phiên một chút, bởi vì kế hoạch của chị bị phá vỡ, tuy vậy chị không tỏ chút gì mình không hài lòng: mặc dù chị có đầy đủ quyền phẫn nộ: có mấy đăng ký mời thăm bệnh từ khu vực mà tạm thời chưa ai được phân công phục vụ. Đó là những ngôi nhà mới còn chưa có người đến ở hết. Các bác sĩ tại phòng khám bệnh đa khoa không đủ, vì vậy các đăng ký mời thăm bệnh “ngoại đạo”, phải được chia đều giữa mọi người.
Chị nhân viên đăng ký thông báo cho Vera Paplốpna các bệnh án, nói một cách thông cảm:
– Chị thật không may.
– Không sao. - Vera Paplốpna bác lại, thở dài. - Đúng hơn là cha mẹ những đứa trẻ ốm không may.
– Giá chị đến gặp Enaterina Ghuraximốpna thì phải. - Chị nhân viên đăng ký khuyên, có ý nói đến bác sĩ trưởng. - Quả thực thế là thế nào nhỉ? Bao giờ chị cũng phải gánh thêm công việc.
– Có người nào đó cần đến, trẻ con nào có lỗi gì. - Vera Paplốpna mỉm cười, xếp các bệnh án vào túi xách.
Chị nhân viên đăng ký lặng thinh, nghĩ bụng, dù sao đi nữa Vera Paplốpna quả là một phụ nữ rất lý thú và khó hiểu. Bao giờ cũng vui vẻ, yêu đời, thích bông đùa và không bao giờ than thở về chuyện gì hết, cứ hệt như chị không hề có điều gì phải lo lắng, không hề có những chuyện gì khó chịu. Không lẽ quả thực ở chị mọi cái đều tốt đẹp cả? Các bác sĩ khác hết nói về công việc nặng nhọc của mình, lại ca thán về lương lậu ít, rồi lại chê trách cấp trên, kể lể về chuyện nhà, chuyện cửa, nhưng Vera Paplốpna không bao giờ kể lể gì hết. Bao giờ chị cũng mang một nụ cười.
Chắc hẳn chị ấy hạnh phúc, chị nhân viên đăng ký nghĩ về Vera Paplốpna như vậy, hơi chút ghen tị, như ở mỗi người đàn bà mà cuộc đời riêng không ổn, ít ra thì chị cho là như vậy: chồng nghiện rượu nặng, còn bây giờ đến con rể cũng uống và hình như, còn chơi bời ít nhiều nữa. Kể ra cái đó cũng chẳng hề gì lắm, bởi vì anh đàn ông nào lúc trẻ chẳng chơi bời, nhưng tệ hại là con gái chị không muốn điều đó và định ly hôn.
Còn ở Vera Paplốpna, hình như không có những chuyện lo phiền như vậy. Và nếu đó là sự thật, thì tại sao chị ấy lại không hạnh phúc nhỉ? Sắc sảo, xinh đẹp, học vấn cao, lại thêm tính tình quả thật đáng gọi là vàng là ngọc - dịu dàng, không biết giận lâu và không độc ác. Không nói ai một lời gay gắt bao giờ. Tất nhiên chị còn trẻ, còn chưa mệt mỏi bởi cuộc đời như những người khác, những người đã sống nhiều hơn chị và đã thấy đủ mọi chuyện trên đời. Thôi thì, cũng cầu Chúa ban phước cho chị ấy, chị nhân viên đăng ký suy nghĩ, nói chung là không phải gặp chuyện gì tồi tệ, cầu Chúa ban cho chị hạnh phúc và niềm vui thú cho đến tận tuổi già, để cả con cháu chị cũng sẽ được hạnh phúc.
– Tôi đi đây, Vera Paplốpna.
– Chúc chị nhân dịp năm mới sắp sang, Klapđia Ivanôpna! Sao cho mọi điều mong muốn của chị trong năm mới sẽ đạt được cả.
– Mong ước của tôi thì có gì. - Chị nhân viên đăng ký trả lời, hài lòng là Vera Paplốpna không quên chúc mừng mình. - Chúc chị, chị đáng yêu, mọi sự tốt đẹp.
Vera Paplốpna đã toan ra đi, nhưng lúc đó lại có chuông điện thoại, vậy là chị phải nán lại thêm. Chị nhân viên đăng ký khoát tay, ý giả, chị cứ đi đi, đăng ký mời thăm bệnh này không thuộc phận chị…
Ra tới ngoài phố, Vera Paplốpna đứng lại một lát, suy nghĩ xem có nên ghé vào quán điểm tâm ăn chút gì và uống một tách cà phê, chứ không ngày hôm nay chị hầu như chưa ăn chút gì, nhưng rồi chị lại quyết định không để mất thời gian, tốt hơn là làm sao xong công việc được sớm. Hóa ra chị khó lòng giải quyết xong công việc trước năm giờ. Vậy mà từ sớm đã tính kết thúc vào bốn giờ để kịp đến cửa hàng và có thể, còn bày biện cây thông tết, trước khi đón Irinca ở mẫu giáo về.
Vera Paplốpna đã mua cây thông từ trước, ngay tại sân nhà mình. Gặp được cây thông rất đẹp, đầy lá, xanh thẫm và không gai góc. Mùi nó tỏa ra dễ chịu, đầy vẻ rừng. Hệt như hồi bé, khi bố mẹ trang hoàng cây thông tết cho chị. Bây giờ thì chị trang hoàng cho Irinca. Cho mình thì chị hẳn chẳng tội gì bận bịu, còn cho con gái thì là cả một niêm vui.
Ngoài đường phố ấm áp không có vẻ mùa đông, lầy lội và đông đúc, như thường lệ vào những ngày trước tết. Các bà phụ nữ mang những cái túi xách nặng nê căng phồng, chạy hết cửa hàng này sang cửa hàng khác, và Vera Paplốpna bất giác nghĩ là mọi thứ mua kể ra có thể sắm sửa từ trước, không phải hối hả, chen đẩy, nhưng lại nhớ ra là chính bản thân chị chưa mua sắm được gì.
Sự thể vẫn thường như thế, những chuyện quan trọng nhất không hiểu sao cứ để nấn ná tới giây phút cuối cùng, khi không còn nấn ná được thêm nữa. Có thể, con người ta quả thực không đủ thời giờ, bởi cuộc đời hối hả như thế nào đó, mà có thể, con người ta lại lấy làm thích thú vì những lo toan vất vả trước ngày tết, bởi những cái đó lại như thể là bắt đầu của chính bản thân ngày tết.
Từ góc phố xuất hiện chiếc ô tô buýt, và Vera Paplốpna vội đi đến bến.
Khách khứa đông, chị vất vả mới len được tới chỗ đứng ở cửa trước, và anh lái xe liền lên tiếng quở mắng chị:
– Sao nhà chị lại leo cửa trước này?! Có chửa hay sao?
– Người ta trở nên càn rỡ quá thể. - Người đàn ông đứng tuổi ngồi ngay sau lưng anh lái xe cạnh buồng lái, lên tiếng ủng hộ anh ta. - Không còn trật tự nào nữa. Vậy mà là phụ nữ kia đấy.
Vera Paplốpna thấy xấu hổ, chị thậm chí muốn xuống khỏi xe nhưng từ phía sau người ta thúc tới đến mức không thể cựa quậy nổi, và bây giờ không còn cách gì khác là nghe lời càu nhàu của người đàn ông đứng tuổi.
– Còn ở xe điện ngầm ấy, - Ông ta tiếp tục nói. - bọn trẻ thì ngồi giãi thẻ ra, cứ như ở nhà không bằng, còn người già thì cứ việc đứng cho. Mà tất cả chuyện ấy là do đâu?…
Vừa lúc đó một người đàn bà cất tiếng khá to chào Vera Paplốpna:
– Chào bác sĩ. - Bà ta nói. Và quay sang người đàn ông chỉ trích. - Đây là bác sĩ của trẻ em khu vực, bác sĩ đang đi thăm bệnh, vậy mà ông càu nhàu. Ông không biết ngượng ư!
Bấy giờ mọi người cùng đột nhiên nhao nhao lên tiếng, họ cho rằng các bác sĩ đi thăm bệnh tại nhà phải được xe riêng, rằng thế này quả thực là tồi tệ…
Người ta nhìn Vera Paplốpna với lòng kính trọng, còn chị vì thế càng thấy ngượng hơn, và chị không biết nhìn đi đâu. Chị cảm thấy rất bối rối vì những lời lẽ ấy và sự chú ý chung của mọi người, làm như thầy thuốc khu vực có trời biết là gì kia không bằng.
Tuy vậy, người đàn ông ngồi bên cabin không chia sẻ sự kính trọng đối với Vera Paplốpna.
– Làm như ghê gớm lắm ấy: - Ông ta nói. - bác sĩ - thầy thuốc! Họ chỉ là bọn lang băm chữa ngựa. Họ không chữa cho người ta, mà xua đuổi người ta vào áo quan trước hạn định.
Và ông ta kể lể dài dòng, với các chi tiết, và thái độ tức tối là gần hai năm trời ông ta đã đi đến hết bác sĩ này sang bác sĩ khác và họ chẳng tìm ra bệnh gì ở ông ta, mặc dù bản thân ông ta biết rõ là ông ta ốm, chỉ còn sống ngắc ngoải…
– Chẳng có vẻ như vậy. - Người đàn bà lúc nãy nhận ra Vera Paplốpna vừa cười vừa nói.
– Bây giờ thì chẳng còn vẻ như vậy, bởi vì những con người tốt bụng đã khuyên chữa theo cách riêng. Vẫn những bác sĩ đã tìm ngay ra chứng nhức đầu thể nặng.
– Nghĩa là các bác sĩ ấy đã chữa khỏi cho ông? - Một giọng của ai đó nói nhanh, và không thể hiểu là người ta hỏi một cách nghiêm túc hay bỡn cợt.
– Cứ như làm phép xua đi ấy. - Người đàn ông trả lời với vẻ hãnh diện.
– Ông bố ạ, cái chứng nhức đầu của ông ở cái dạng đặc biệt là khi làm thì lười, còn khi khác thì hăng hái! - Vẫn cái giọng kia nói.
– Anh cứ sống như tôi, anh sẽ biết cái đó thế nào. - Người đàn ông tức tối nói. Ông ta thậm chí đỏ mặt lên vì tức tối.
Và đến đây mọi người cùng nhao nhao bắt đầu bàn tán các vấn đề y học, tranh nhau kể lại đủ mọi “ca” trong đời và về bao nhiêu trường hợp nhờ các cây cỏ và những câu thần chú mà chữa khỏi một cách mầu nhiệm những căn bệnh hiểm nghèo không thể chữa được. Vera Paplốpna nheo mắt lại, cố không nghe ai nói cả và bắt mình nghĩ về chuyện cần phải mua sắm gì cho bàn tiệc đón năm mới.
Nhưng chính bởi vì chị không nghe riêng ai nói cả, thành ra buộc phải nghe tất cả cùng một lúc, vì thế mà đầu nhức lên. Nhưng có thể đầu đau vì đói. Dù sao đi nữa, Vera Paplốpna tự bảo với mình, cũng phải chạy vào quán điểm tâm ăn lấy cái bánh rán vậy. Nếu suốt ngày không ăn gì, có thể mắc bệnh loét dạ dày. Ý nghĩ về bệnh loét dạ dày làm chị buồn cười, chị nhớ lại bác sĩ quen, bệnh tật của họ, nhưng chả có một trường hợp nào có bác sĩ mắc bệnh ấy, chị chịu không nhớ ra nổi.
Trong khi đó, mải chuyện trò, mọi người đã quên mất chị, vì thế chị yên ổn đi được tới ga xe cần thiết. Chị khó khăn mới ra khỏi được đó, hỏi một bà đi qua đường số nhà sáu mươi bảy, vội vã theo lối mòn chạy đến các dãy nhà mới màu trắng, tay giữ vạt áo măng tô để khỏi hở cái áo bờ lu trắng ra. Chị chạy và cố hình dung ra cái cô bé Alenca Sepôvalôva, trong bệnh án của cô bé ghi là bị đi ỉa chảy nặng và nôn tháo…
Vera Paplốpna mới đến làm việc ở phòng khám này, nhưng trí nhớ của chị tốt, chị biết tất cả các trẻ con trong khu vực của mình và biết cả bố mẹ chúng nữa, nhưng Sepôvalôva Alenca lại ở vào khu vực khác mà hiện nay chưa ai phục vụ thường xuyên, vì thế chị mới quyết định bắt đầu đi từ đó, để kéo dài thời gian và sự chú ý hơn dành cho đứa bé chưa quen biết.
Đến cuối ngày, dù chị có xoay xở thế nào đi nữa, bao giờ cũng phải vội vã.
Thang máy không làm việc - người ta còn chưa mở điện - vì vậy Vera Paplốpna phải đi bộ lên tầng mười một. Chị bấm chuông căn hộ bốn mươi ba, một chị phụ nữ còn trẻ tức khắc mở ngay cửa, và Vera Paplốpna nhớ ra ngay Alenca, bởi vì chị nhận ra mẹ nó: hai mẹ con đã từng đến khám bệnh ở phòng khám đa khoa. Người mẹ rất lo lắng cho con gái, còn cô con gái bé nhỏ, nói chung, khỏe khoắn bình thường, chỉ tội nũng nịu vì được quá chiều chuộng. Nhưng cái đó là chuyện thường tình, có ai, có người mẹ nào lại không chiều chuộng con cái mình, đặc biệt nếu đó là đứa con đầu lòng trong nhà hoặc là đứa đầu lòng và con một! Ai cũng nuông chiều cả. Cả chị cũng nuông chiều Irinca mặc dầu cũng biết cái đó là xấu.
Nhưng có thể, nói chung cũng chẳng phải là xấu, như các nhà sư phạm nói về điều đó. Là một bác sĩ, chị chẳng thấy trong chuyện này cái gì đáng sợ cả. Trẻ con là con trẻ, chúng phải mang lại cho người ta niềm vui, nếu không hẳn không ai muốn có con cái, mà niềm vui đòi hỏi một tình cảm đáp lại. Chẳng qua là, Vera Paplốpna thầm nghĩ, các thầy giáo, các nhà sư phạm chỉ muốn mọi đứa trẻ giống như nhau, đều hiền lành và ngoan ngoãn, để chúng hành động đúng như điều người lớn muốn…
– Chúng ta có chuyện gì thế nhỉ? - Vừa cởi áo măng tô chị vừa hỏi mẹ cháu bé.
– Xin bác sĩ thứ lỗi cho việc chúng tôi làm phiền bác sĩ vào ngày như thế này. - Người mẹ nói, giọng biết lỗi. - Tôi lo cho cháu Alenca quá. Cháu bị buồn nôn nhiều và lạnh bụng.
– Thế nhiệt độ?
Vera Paplốpna vào buồng tắm rửa tay, còn người mẹ đứng bên cửa sổ cầm sẵn chiếc khăn mặt sạch, giải thích là nhiệt độ không thấy cao, nhưng cháu bé nhất định sốt nóng, đặc biệt là vào buổi tối.
– Hôn cháu, môi cứ nóng cả lên! Nhưng cái chính là, thưa bác sĩ, cháu buồn nôn.
– Chị cứ yên tâm. - Vera Paplốpna trấn an người mẹ. - Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp thôi.
– Bác sĩ cho là như vậy ạ? - Người mẹ hỏi với lòng hy vọng.
Alenca chẳng có gì đáng sợ, như chính Vera Paplốpna đã nghĩ. Đúng hơn cả là đứa trẻ ăn quá nhiều của ngọt, thế là sinh ra cái chuyện rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên chị không nói với người mẹ như vậy, biết rằng, dù cha mẹ có sung sướng khi con cái họ khỏe mạnh, nhưng dù sao đi nữa họ cũng vẫn cứ muốn là đứa trẻ của họ không khỏe hẳn. Đấy, ở phòng khám đa khoa các bà mẹ đến ngồi đợi lượt, thì mỗi bà đều cố công thuyết phục những người khác rằng chính đứa con của bà ta là đứa trẻ ốm yếu nhất. Tất nhiên là họ cố tìm sự thông cảm của những người xung quanh, cả sự thương hại nữa. Không phải đối với đứa bé, mà là đối với chính bản thân họ. Nhưng ở điểm này thì chẳng làm thế nào khác được, tất cả các bà mẹ đều giống nhau, và thầy thuốc phải tính đến điều ấy.
Chị kê đơn cho uống một hợp dịch, khuyên cho Alenca ăn kiêng khem trong vài ba ngày, còn hôm nay nói chung không cho ăn gì nữa, chỉ cho uống nước trà nóng, hay - tốt hơn là - uống nước vỏ sồi, nhưng nếu đi ngoài không cầm, sau tết lại cho mời bác sĩ đến.
Khi Vera Paplốpna đi ra phố, mẹ Alenca ngó ra cửa sổ thông hơi và gọi với theo chị câu gì đó lời không nghe rõ, dù sao cũng cao quá, và chị đoán biết được hơn là nghe thấy, rằng người ta chúc mừng chị nhân dịp năm mới sắp sang. Vera Paplốpna cảm thấy dễ chịu bởi sự chú ý đó, và chị đâm ra ngượng là bản thân chị quên không chúc mừng Alenca cũng như mẹ cháu…
Chị còn vào thêm hai căn hộ nữa, ở lại không bao lâu. Đến căn hộ thứ ba, kể ra chị phải ở tới nửa giờ và lập bệnh án cho người mẹ, nhưng dù sao đi nữa, ở chị cũng có một tia hy vọng là nếu không xong hết việc được vào lúc bốn giờ, thì rồi cũng chỉ đến bốn rưỡi mà thôi. Như vậy chị kịp rẽ vào cửa hàng, còn cây thông hai mẹ con chị sẽ cùng về bày biện. Tất nhiên, có lẽ tốt hơn là ngược lại, bởi vì tiện hơn cả là trên đường từ mẫu giáo về chị sẽ rẽ vào cửa hàng, nhưng Irinca rất không thích đi các cửa hàng, không kìm được nước mắt đâu…
* * *
Đến căn hộ thứ tư liền một lúc hai đứa trẻ cùng bị ốm - hai đứa bé sinh đôi nhà Meseriacốp vừa được một tuổi. Người mẹ khóc lóc, nháo nhào khắp căn hộ còn chưa thu xếp dọn dẹp sau khi mới chuyển đến ở và chửi rủa đức ông chồng bằng đủ mọi lời lẽ “mỹ miều”. Ông ta vẫn chưa về, mặc dù hôm nay chị phải làm việc tới bữa trưa.
– Lại gặp những người bạn rượu nào đấy, thế là không còn trời đất gì nữa! Còn ở đây thì có chia năm xẻ bảy người ra, thậm chí đến đi hiệu thuốc cũng không biết nhờ ai. - Chị ta than thở.
Vera Paplốpna xấu hổ phải nghe những lời than vãn ấy. Chị nói chung không thích khi người khác chửi rủa lẫn nhau, bộc lộ quan hệ của họ ra, không dè người lạ, còn đến cái mức chửi rủa chồng mình như vậy thì…
– Lạy Chúa, cầu cho ông ấy lăn vào bánh xe điện cho rồi. - Người mẹ của hai đứa bé Meseriacốp tiếp tục chửi rủa, gạt nước mắt giàn giụa đầy mặt. - Người không còn biết xấu hổ, không còn có lương tâm. Bạn rượu còn quý hơn cả con đẻ, bác sĩ cứ thử nghĩ xem…
– Có thể bác ấy phải nán lại ở chỗ làm việc? - Vera Paplốpna nói.
– Công mới việc gì cơ chứ? Ông ta chỉ có mỗi một việc đá bóng, uống rượu và rồi khúc côn cầu. Giá có người nào bảo trước, này tại sao chúng ta, cái lũ ngu ngốc, lại đi lấy chồng làm gì nhỉ?…
– Chị đi đến hiệu thuốc đi! - Thở dài, Vera Paplốpna bảo người mẹ. - Còn để tôi trông các cháu cho.
– Sao lại làm thế được, bác sĩ? Không tiện…
– Cứ đi đi, đi đi! - Vera Paplốpna nhắc lại.
– Vâng thì, xin cám ơn bác sĩ. Quả thực là bác sĩ đã giúp tôi. Hàng xóm láng giềng chúng tôi còn chưa biết ai, chúng tôi mới chuyển đến được có mỗi một tuần, đành cứ là chịu chết. Tôi sẽ ba chân bốn cẳng một thoáng là về ngay.
Vera Paplốpna biết rằng không thể đi một thoáng được - hiệu thuốc ở xa, nhưng quả thực không thể nào làm khác được. Ai đi lấy thuốc được, nếu như chẳng có ai đó mà nhờ.
Người mẹ ra đi, hai đứa trẻ sinh đôi cũng thiếp ngủ và Vera Paplốpna, cảm thấy mệt mỏi quá và cơn đau đầu lại xuất hiện, chị ngồi ngay xuống ở chỗ bếp ăn. Chị thấy muốn ăn cái gì quá, thậm chí hơi nôn nao buồn nôn vì đói bụng, và không biết đến lần thứ mấy chị lại tiếc không ghé vào quán điểm tâm. Trong bếp ăn lặng lẽ, ấm áp và mùi xúp nấm tỏa ra hấp dẫn không chịu được, và Vera Paplốpna phải cố dẹp cái ý muốn cứ liều ăn vài thìa xúp ấy, dù một vài thìa thôi, để dẹp cơn đói ngấu nghiến. Cuối cùng thì nữ chủ nhà cũng chẳng nhận ra được chuyện gì, bởi vì có thể rửa thìa và để lại chỗ cũ. Vật lộn với ý muốn đó, bất giác chị thiu thiu ngủ, gục đầu xuống bàn. Tiếng chuông dài, dai dẳng gọi cửa đánh thức chị dậy. Chị bật đứng lên hoảng hốt, ngái ngủ không hiểu ra ngay là đang ở đâu, còn tiếng chuông gọi cửa vẫn cứ tí ti ti ti. Chị dụi mắt, nhìn quanh và nhớ ra là chị đã để mẹ của hai đứa bé đi hiệu thuốc. Vera Paplốpna đi ra mở cửa, nhưng ở ổ khóa thật kỳ dị thế nào ấy, chưa bao giờ chị từng thấy, đành phải loay hoay một hồi lâu mới mở ra được.
Ở ngưỡng cửa là một người đàn ông, hai tay ôm trước ngực một bọc giấy những trái cam. Vera Paplốpna ngạc nhiên, còn ông ta bối rối.
– Tôi, hình như tôi nhầm ạ?…
– Tôi không biết… - Nhún vai, Vera Paplốpna trả lời.
Bấy giờ người đàn ông lấy chân khoèo khép cánh cửa lại, nhìn xem số căn hộ và cũng nhún vai.
– Có vẻ như đúng cả… - Ông ta làu bàu.
– Tất nhiên rồi! - Vera Paplốpna cuối cùng đoán ra rằng đây là bố của hai cháu sinh đôi. - Tôi là bác sĩ.
– Bác sĩ nào?
– Các cháu của ông bị ốm.
– Bị ốm ư? - Người đàn ông bước vào lối vào nhà chật chội, lấy vai đẩy Vera Paplốpna sang một bên. - Tại sao lại ốm như thế này kia chứ?
– Sốt nóng.
– Maria! - Người đàn ông gọi to, đưa mắt nhìn quanh.
– Chị ấy không có nhà, chị ấy đi đến hiệu thuốc rồi. - Vera Paplốpna nói. - Sắp sửa về đấy.
– Đồ ngốc! Cô ấy lại để chúng nó lạnh. Đã nói với cô ấy bao nhiêu lần rồi, là đưa trẻ đi chơi thì đừng có mà ngứa mồm ngứa miệng! Lại đi chuyện mây chuyện gió, chuyện trăng chuyện đèn còn trẻ con thì phóng sinh phóng địa, muốn làm gì thì làm.
– Cái này không phải vì cảm lạnh! - Vera Paplốpna nói tránh. - Lũ trẻ bị cúm.
– Thế cúm do đâu, do nóng ư? Bác sĩ, xin bác sĩ thứ lỗi cho. Kể ra thì thật không tiện, thành thực là…
– Chuyện vặt.
– Mà tôi cũng ngu ngốc, đi xếp hàng hàng tiếng rưỡi đồng hồ để mua mấy quả vớ vẩn này cho các cháu… Xin mời bác sĩ. - Anh ta lấy trong túi giấy ra hai quả cam rõ to và đưa cho Vera Paplốpna.
– Không, không!
– Xin bác sĩ đừng giận. Tôi thực lòng mà.
Chị hiểu là không thể từ chối, nhận hai quả cam và cất vào túi.
– Cám ơn. Còn các cháu qua hai ngày nữa là khỏe, ông cứ yên tâm.
Xuống thang gác, Vera Paplốpna gặp mẹ hai đứa trẻ sinh đôi và dặn chị để chị đừng kể ra với chồng về chuyện cảm lạnh.
– Vâng ạ. - Người mẹ nói. - Thế anh ấy về có say hay không?
– Không. Ông ấy xếp hàng mua cam.
– Chúc bác sĩ năm mới! - Người mẹ sung sướng nói.
– Cả chị nữa, - Vera Paplốpna trả lời. - chị phải chú ý sao trong nhà không có gió lùa, và cho các cháu đi chơi ra ngoài trời luôn…
Chị còn đến hai địa chỉ nữa gửi một cháu gái, cháu Kachia Privalôva, đi bệnh viện. Cháu này có vẻ là viêm phổi. Phải mất thì giờ trấn tĩnh khá lâu cho đôi vợ chồng còn trẻ măng, chứng minh cho họ là chẳng có gì đáng sợ cả, rằng con gái họ chỉ qua mươi ngày là lại về nhà, trấn an và chứng minh không phải là dễ, bởi vì cháu bé gái rất yếu, nói chung là bệnh tật, và thêm vào đó nghe ở tim lại có tiếng gì ồn ào khó hiểu.
* * *
Mãi đến gần sáu giờ Vera Paplốpna mới xong hết công việc và bấy giờ mới nhớ rằng lớp mẫu giáo hôm nay làm việc tới năm giờ thôi. Còn may là gọi được một xe tắc xi, chứ chuyển qua hai ô tô buýt thì chị tới được lớp mẫu giáo phải mất gần một tiếng.
Ở lớp học không còn ai ngoài Irinca nữa và một bảo mẫu được phân ở lại chỉ vì Irinca. Vera Paplốpna cứ như thế cũng đã xấu hổ vì sự chậm trễ của mình rồi, mặc dù hình như chị cũng chẳng có lỗi gì, nhưng bà bảo mẫu vừa mặc áo giúp cho Irinca vừa trách móc.
– Mà làm sao người ta không hiểu là mỗi người đều có công việc của mình nhỉ? Ai cũng chỉ nghĩ đến chuyện tiện lợi của mình, còn người khác mặc cho có chết cũng chẳng động gì…
– Xin bác bỏ quá cho. - Vera Paplốpna xin lỗi. - Sự thể nó là thế, hôm nay nhiều đăng ký mời đến thăm nhà quá.
– Thì tôi cũng nói, mọi người đều có chuyện gì đó, còn ở đây thì cứ ngồi như bị tội ấy, vì sáu chục đồng lương. Tôi sẽ bỏ đi thôi, mặc xác họ hết. Tốt hơn là ra quán ngồi bán hàng.
Những lời ấy đẩy Vera Paplốpna tới ý nghĩ là cần phải trả thêm tiên cho bà bảo mẫu, cảm ơn bà, bởi vì quả thực là bà ấy có buộc phải ngồi đến tối với Irinca đâu. Bà ấy liên quan gì đến chuyện nhiều hay ít đăng ký mời đến khám…
Vera Paplốpna lục lọi trong túi xách, tìm ví tiên, lấy ra ba rúp đưa cho bà bảo mẫu:
– Bác nhận cho.
– Cái gì thế này?
– Vì bác phải ngồi lại…
– Cất ngay đi và đừng có bao giờ thò ra nữa! - Bà bảo mẫu nói. - Gớm nhỉ, nghĩ ra cái trò ấy kia đấy! Có thể là tôi nhận được còn nhiêu hơn của chị kia, mà với chị thì tờ ba rúp này còn cần đến đấy. Còn ngồi với cháu là công việc ư?… Niêm vui sướng ấy chứ, có thể nói vậy. Thôi đi về đi, chúc hai mẹ con một năm mới may mắn!
Ngoài đường phố đã tối. Băng giá không gắt lắm, sương muối đổ xuống, và các ngọn đèn đường chỉ tù mù chiếu sáng những vòng tròn nhỏ quanh các cây cột điện. Irinca cứ con cỏn chạy lên trước và hỏi đi hỏi lại vì sao mẹ đến chậm và ông già tuyết đã đến nhà chưa, trong lúc nó còn ở lớp mẫu giáo.
– Ông già tuyết còn chưa đến. - Vera Paplốpna trả lời. Vì mệt và đói, chị không muốn nói nhiều.
– Thế có đến không?
– Có đến.
– Ông già đến với tất cả mọi đứa trẻ con chứ, mẹ?
– Với đứa nào biết nghe lời người lớn thôi.
– Nhưng con thì chỉ không nghe lời có một tí một tẹo thôi, mẹ ạ!
– Thế thì đến với cả con.
Hai mẹ con vào cửa hàng, mặc dù Irinca đã phụng phịu. Đành phải bảo nó là nếu có ngúng nguẩy thì ông già tuyết sẽ nghĩ lại và không đến với nó nữa. Nhưng trong cửa hiệu nói cho cùng cũng chẳng còn gì để mà mua: Người ta đã mua hết cả lúc ban ngày rồi. Vera Paplốpna mua một ít kẹo vớ vẩn, pho mát và, sau khi ngẫm nghĩ, mua thêm một chai rượu nho thuần chất. Irinca đòi mua nước chanh, nhưng nước chanh cũng không còn, và Vera Paplốpna hứa sẽ làm nước quả ép, băng mứt phúc bồn tử cho nó.
Ở cửa lớn vào nhà, theo thói quen hơn là hy vọng nhận được thư, Vera Paplốpna mở hòm thư. Ở trong đó có cái gì thật. Cố ghìm xúc động, chị lôi ra một tờ giấy gấp hẹp, trên có đề chữ: “Ban quản trị GEK-21, hội đồng nhà cửa và ban chấp hành khu nhà chúc mừng gia đình nhân dịp năm mới sắp sang và chúc thắng lợi trong lao động, học tập và cuộc sống riêng! Xin tha thiết đề nghị gia đình đóng cho tiền nhà tháng chạp năm nay”.
– Thư của ba đấy mẹ? - Irinca hỏi, nghèn cao cổ lên nhòm. Vera Paplốpna âu yếm nhìn con gái và trả lời.
– Của ba.
– Ba lại bận công việc ở nơi công tác ấy?
– Ờ, con gái yêu ạ.
– Ôi, sao ba ở đấy lâu thế!
– Nghĩa là, cần thiết như vậy. - Vera Paplốpna nói.
– Ở chỗ ba, ở châu Phi ấy, cũng có ông già tuyết ạ?
– Mẹ không biết.
– Nếu không có thì dở quá. - Irinca nói và thở dài y hệt như người lớn. - Năm mới chẳng có ai đến với ba. Thế ông già tuyết của chúng ta có thể đi công tác đến đấy được không ạ?
– Ông chẳng có thời giờ đâu. - Vera Paplốpna mỉm cười.
Hai mẹ con leo lên tầng gác ba. Trong căn hộ của hai mẹ con sực nức mùi cây rừng. Irinca nhảy lên và vỗ tay reo mừng:
– Mẹ với con sẽ cùng bày cây thông đi, cây thông nhà ta đẹp nhất tất cả! Hôm nay mười hai giờ đêm con mới đi ngủ cơ!
– Con cởi bỏ áo mũ ấm ra và mang hộp đồ chơi đến đây. - Vera Paplốpna bảo.
Irinca nhanh nhẩu cởi áo mũ ra, dịch các ghế tựa vào gần bên tủ, với lấy cái hộp đựng giày đàn ông cũ vẫn dùng để đựng các đồ chơi trang hoàng cây thông tết.
– Mẹ ơi, bắt đầu bày cây thông tết đi, không có không kịp đâu.
– Ngay bây giờ đây, con gái của mẹ.
Vera Paplốpna chẳng muốn làm gì hết. Hôm nay chị đã mệt mỏi, mệt mỏi quá. Chị ngồi và nghĩ đến chuyện, giá mà được ngả người ra ghế đi văng mà thiếp ngủ đi, và ngủ rất lâu, rõ thật lâu, chừng nào chưa chán chê mê mệt. Nhưng không thể đi nằm được. Cần phải bày cây thông tết, chuẩn bị bữa ăn mừng năm mới, rồi thức đón chào năm mới. Chị với bé Irinca sẽ ngồi bên bàn tiệc, mà vào ngày tết mọi nhà đều bày biện ra trong phòng, và chị sẽ uống cái thứ rượu nho thuần chất không lấy gì làm ngon, bởi vì rằng chị không mua được thứ rượu nào ngon hơn, còn Irinca sẽ uống nước quả ép bằng mứt phúc bồn tử. Mừng hạnh phúc trong năm mới, không hiểu vì sao mọi người đều hy vọng rằng hạnh phúc nhất định sẽ đến chính là ở trong cái năm này…
Sau đó chị sẽ cho Irinca đi nằm, còn bản thân chị sẽ vào bếp và còn ngồi ở đó, hút một điếu thuốc, bởi vì con gái nhỏ của chị không biết được là đôi khi chị vẫn hút thuốc.
– Tại sao mẹ không thay quần áo đi, mẹ? - Irinca hỏi. - Đã là năm mới hẳn rồi mà…
– Mẹ thay bây giờ đây… - Vera Paplốpna bảo con. - Con chịu khó nằm một mình năm phút nhé, mẹ đi gọi điện.
Chị nhớ tới Kachia Privalôva, cháu bé bị viêm phổi mà chị đã gửi đi bệnh viện, và chị thấy rằng cần phải gọi đến phòng tiếp nhận hỏi xem cháu bé ra sao. Dù thế nào đi nữa, tim cháu bé nghe có tiếng đập mạnh.