Truyện Ngắn Đặc Sắc Nga

Đâu Đường Phố Ấy, Đâu Căn Nhà Ấy

Vị tướng chỉ huy đã thưởng cho bốn chiến sĩ công binh có công giật đổ cái cầu một đợt đi phép.

Mennitsue lên đường đi về đâu đó miền Pôtavsina, Xkômôrôkhốp về Vôlôgđ, Garanhin về thị trấn Pletx, nằm trên sông Vonga, còn Visnhiakốp tuyên bố sẽ đi Xmôlenxcơ.

– Chà, cậu đi đâu kia chứ? - Trung đội trưởng Tsutkô toan can ngăn Visnhiakốp. - Cậu tứ cố vô thân…

– “Tứ cố vô thân, tứ cố vô thân!” - Visnhiakốp nhại lại. - Biết đâu đấy ở Xmôlenxcơ tôi có người bà con cũng nên.

– Về chuyện người bà con thì tất nhiên cậu bịa rồi, nhưng tôi cũng chẳng can ngăn cậu làm gì nữa. Rồi tự cậu khắc ân hận.

– Người ta đi đông đi tây cả, chòm chõm một mình tôi ngồi đây ư! Một khi đã được đi phép, nghĩa là, tôi có đầy đủ quyền ra đi! - Visnhiakốp vừa càu nhàu, vừa xếp túi đựng đồ.

Về chuyện người bà con, quả là Visnhiakốp đã bịa, nhưng thật chẳng muốn ở lại đơn vị những ngày này tí chút nào: chẳng nhẽ anh thua kém những người khác sao?

Ngoài ra, Visnhiakốp cho rằng, đồng chí trung đội trưởng can ngăn anh bỏ chuyến đi là có dụng ý - đồng chí ấy không muốn thiếu một người trợ thủ, không muốn phải bận bịu thêm trách nhiệm.

– Nếu tôi không tìm thấy người bà con, lập tức sẽ trở lại đơn vị ngay. - Visnhiakốp nói, xếp khẩu phần lương khô vào túi đựng đồ, anh giải hòa đưa cho đồng chí trung đội trưởng bao thuốc “Đeli” tặng phẩm của vị tướng chỉ huy.

Mãi đến khi Visnhiakốp đã an tọa trên chiếc xe tiện đường và trung đoàn đã ở lại xa phía sau, anh mới bắt đầu thấy phân vân. Có thể, Tsutkô đúng cũng nên? Tội tình gì phải đi khổ sở mấy ngày trời rồi quay trở lại càng thêm cô đơn hơn trước.

Xe càng đi xa trung đoàn bao nhiêu, anh càng cảm thấy côi cút hơn bấy nhiêu, chống chếnh hơn bấy nhiêu trong cái thùng xe chiếc xe đi nhờ.

Xmôlenxcơ đón anh bằng đám đông chen chúc ở chỗ tránh tàu. Cả hai phía của các con đường đều đầy xe cộ nối đuôi nhau. Người nào cũng nôn nóng chờ chiếc đầu máy nhỏ yên đi, thôi không còn lăng xăng chạy đi chạy lại, như các tay lái xe nghĩ, một cách vô nghĩa và vô ích nữa.

Các tay lái xe nổi còi inh ỏi, hành khách bực bội quát tháo cô gái bẻ ghi đứng bên thanh chắn, Visnhiakốp lấy túi thuốc ra, bình thản quấn hút. Riêng anh chẳng vội đi đâu.

Sau đó anh xuống xe, lịch sự cám ơn người lái và thư thả đi vào thành phố. Anh đi theo bên hè đường, cố tránh những vũng nước xanh trắng trong đó soi rõ vòm trời tháng tư.

Nửa năm trước đây, Visnhiakốp đã có dịp đến Xmôlenxcơ, khi tiểu đoàn anh là đơn vị đầu tiên vào phần bên sông của thành phố.

Từ đó sư đoàn anh mang tên sư đoàn Xmôlenxcơ, vì thế mà Visnhiakốp khi thu xếp lên đường đã có cảm giác là chỉ vì một lý do này thôi cũng sẽ thấy ở Xmôlenxcơ sẽ như ở nhà mình.

Nhưng lúc này đây đi ngang bên anh là những người xa lạ. Người nào người nấy đều vội vội vàng vàng, đều lo tâm bận trí, đều chăm chăm nhìn xuống, sợ giẫm phải vũng nước trên vỉa hè hỏng nát, chạy dài theo những dãy nhà bị tàn phá.

Visnhiakốp tưởng rằng đi hết đường phố bị tàn phá này, sau đó là mở ra trước mắt anh thành phố thực sự. Nhưng hết dãy đổ nát này tiếp đến dãy đổ nát khác, mà thành phố nguyên vẹn đang sống vẫn chưa hiện ra - vẫn những khối nhà bị tàn phá ấy, vẫn những cái hộp gạch đá trống không, trong lòng trải lớp tuyết đen bẩn còn chưa tan.

Trong một ngày ấm áp như thế này, khách bộ hành thường đi dọc ở bên mép hàng, bởi vì từ các mái nhà nước rỏ xuống và các ống máng xối nước ra. Nhưng trong thành phố này từ trên mái không có nước rỏ và ống máng như luôn luôn khô, bởi vì làm gì còn mái nhà nữa.

Visnhiakốp ngẩng đầu. Nền trời xanh trắng nhìn xuống anh qua mảnh tường thủng. Tít cao trên tầng gác ba treo lơ lửng một chiếc giường sắt cong queo vì lửa, bên cạnh đó là cái bếp lò gạch men trắng bám vào tường. Người ta bao giờ cũng tìm đến với hơi ấm, giường ngủ bao giờ cũng ghé sát bên các vách lò, vì thế cảnh tượng chiếc giường sắt cong queo bên cái bếp lò nguội lạnh làm cho trái tim đau thắt lại.

Do chỗ cái dãy nhà bị tàn phá và bầu trời nhìn qua các ô cửa sổ, phố xá có cảm giác rộng ra.

Con đường đi lên đồi cao. Hình như trước đây, trong cái ngày trận đánh - Visnhiakốp đã qua nơi đây nhưng khi đó đường phố này anh không cảm thấy lấy gì làm dốc. Anh nhớ là, khi đó anh bước đi, mang đầy đủ trang bị - cả súng, cả máy dò mìn - và ngày hôm ấy ấm hơn bữa nay, và trong một ngày anh đã đi qua biết bao nhiêu đường đất, vậy mà anh không thấy mệt: lúc băng lên thì núi cao nào cũng chỉ là đường bằng, lối đi nào cũng thẳng tắp.

Anh đi đến ngôi nhà ở góc phố, nơi có treo cái khung rỗng và han gỉ của chiếc đồng hồ đường. Ngày trước chiếc đồng hồ từ ngã tư đường này đã nhìn ra ba mặt, trong cái ngày đó Visnhiakốp có đi qua nơi đây không nhỉ? Anh không biết chính xác, nhưng anh thấy cái khung đồng hồ rỗng quen quen. Bấy giờ anh còn nghĩ là chắc hẳn các chàng trai và các cô gái vẫn hẹn hò nhau gần bên chiếc đồng hồ này.

Visnhiakốp rẽ vào góc phố, nhìn quanh, phải chăng đây là nơi ba người bọn anh, anh cùng Tsutkô và Xkômôrôkhốp đã tháo mìn trên mặt đường? Phải, tất nhiên rồi! Đây chính là ngã tư đường mà bọn anh đã tìm thấy quả mìn nổ chậm.

Anh bước đi dọc theo một con đường nhỏ vắng vẻ nằm giữa những rặng bạch liễu tán cành trơ trụi. Đâu đó ở nơi này Visnhiakốp nhớ là anh đã cứu được một căn nhà cũ kỹ khỏi bị mìn nổ. Bọn phát xít đã gài mìn trong căn nhà này trong lúc những người chủ của nó còn đang trốn ở nhà hầm, đợi hết trận đánh. Visnhiakốp nhớ rành rọt ván sàn trong căn phòng ở: những tấm ván ấy ọp ẹp cũng như những bậc tam cấp ngoài hiên cửa. Anh đã moi từ bếp lò ra một quả mìn, quả mìn thứ hai hẳn sẽ nổ một khi những người chủ trở về động đến cái ấm đun nước, cái ấm siêu tráng men màu xanh da trời có những vết đen ở chỗ tróc men.

Nhưng đâu đường phố ấy, đâu căn nhà ấy? Và trông nó thế nào nhỉ, cái căn nhà thoát khỏi ngọn lửa ấy? Visnhiakốp đi đến ngang căn nhà nhỏ nằm ở sâu trong sân. Không lẽ căn nhà ấy xấu xí vậy ư? Còn nhớ, căn nhà ấy cũng tựa vào một cây bạch liễu lòa xòa, và cũng một hàng rào ọp ẹp như thế này chạy dưới cửa sổ.

Anh đứng phân vân một chút, sau đó khoát tay và bỏ đi tiếp. Nhưng càng đi xa khỏi căn nhà anh càng cảm thấy tò mò và muốn quay trở lại. Mong muốn này chẳng mấy chốc trở nên day dứt, không cưỡng lại nổi. “Dù sao đi nữa cũng buộc phải vào xin nghỉ trọ nhà một người nào đó”, Visnhiakốp tự động viên mình.

Anh quay trở lại, bước lên những bậc tam cấp ọp ẹp, lên hiên và gõ cửa.

Cửa do một cô gái tóc màu hạt dẻ, mặc áo săng đay mở.

– Cô chủ nhà, xin cho phép tôi ghé nghỉ trọ độ đường. - Visnhiakốp lên tiếng hỏi.

Cô gái đưa con mắt nghiêm nghị xét nét người lạ mặt và vội vàng nói không lấy gì làm niềm nở:

– Thì mời anh vào nhà.

Visnhiakốp e dè, nghiêng người, lách vào cửa, lau kỹ chân giày, sau đó ngồi xuống mép chiếc ghế tựa và bắt tay vào cởi túi đựng đồ.

– Cô hẳn là người Xmôlenxcơ? - Visnhiakốp hỏi chuyện.

– Vâng.

– Như vậy, chúng ta là đồng hương.

– Thế trước đây anh sống ở phố nào?

– Nào có sống ở phố nào! Chúng tôi đã chiến đấu ở đây. Sư đoàn chúng tôi là sư đoàn Xmôlenxcaya.

– Ra là thế. - Cô gái đáp lại hững hờ, bộ dạng của cô tỏ rõ là cô muốn nói: “Người ta cho vào nhà - thế là đủ rồi. Còn cái việc chuyện trò cho khuây khỏa bất cứ người qua đường nào thì đây không có ý định làm đâu, và ở đây đừng có mà hòng tính cái trò làm quen một cách dễ dãi”.

Visnhiakốp thỉnh thoảng lại ngó nhìn cái bếp lò, sau đó chăm chú nhìn cái ấm đun nước tráng men xanh da trời có những vết sứt đen đen quen thuộc. Cô gái bắt gặp cái nhìn của Visnhiakốp, cô cau mày, bậm môi: “Mà sao lại đi ngó ngó nghiêng nghiêng vào bếp nhà người ta kia chứ? Đã thế đây phớt lờ không mời nước nữa. Cho biết tay, lần sau đừng có giở thói càn rỡ ấy ra”.

– Thế khi trận chiến giải phóng Xmôlenxcơ diễn ra, cô sống ở đây chứ?

– Mẹ tôi với đứa em gái nhỏ tôi ở đây. Còn tôi bấy giờ trốn ở nhà bà cô ở miền quê.

– Ra thế! - Visnhiakốp buông ra một lời lửng lơ và lại chăm chú nhìn cái bếp lò.

Anh vẫn đợi cô gái bảo anh cởi áo bađờxuy lính, lúc đó cô ta sẽ thấy rõ anh là con người có công tích, thuộc gia đình nhà lính cận vệ và đầy đủ huân chương, huy chương, chứ đâu có phải một gã ấm ớ nào. Nhưng cô gái, chăm chú công việc khâu vá và mải mê theo đuổi ý riêng chẳng nói, chẳng rằng. Trong sự im lặng của cô ta lộ rõ ý chờ đợi không nói ra lời: Bao giờ thì vị khách không mời mà đến này đi cho và để cho cô được yên.

Trong phòng im ắng, chỉ có trên bếp cái ấm đun nước sắp sôi lên tiếng kêu xì xì. Visnhiakốp một lần nữa nhìn cái ấm đun nước, thở dài và thu dọn đường, bánh mì và mở cất trở lại vào túi đựng đồ, cô gái vẫn ngồi nguyên không ngẩng đầu lên. Bằng vào tất cả bộ dạng thì cô để hết tâm trí vào công việc khâu vá, nhưng Visnhiakốp nhận thấy là cô gái nhìn xuống mặt sàn. Vết giày ủng của anh in rõ trên những tấm ván sàn biết bao kỷ niệm đối với anh.

– Tôi mua việc cho cô rồi, - Visnhiakốp ân hận nói. - chùi đi chùi lại chân rồi đấy, vẫn cứ thế…

– Chuyện vặt. - Cô gái trả lời, nhưng lại cau mày khó chịu.

Visnhiakốp thu xếp và đứng dậy lên tiếng.

– Không dám phiên cô. Cám ơn cô.

Anh đã phật lòng, vì vậy mà lúc này càng tỏ ra lịch sự tợn.

– Không dám. - Cô gái đáp, giọng nhạt nhẽo.

Cô đứng lên để đồ khâu vá xuống và đi tiễn chân khách - cánh cửa vội vàng đóng lại ngay sau lưng khách.

Bước ra hiên cửa, Visnhiakốp cúi chào một cách kiểu cách rồi rảo bước đi ngang qua sân. Bên hàng rào, trẻ con đang chơi ở chỗ hè khô ráo tuyết đã được dọn sạch. Một em bé gái đội mũ kapô trắng và mặc áo bông thay cho áo lông cừu, chăm chú nhìn Visnhiakốp, bỗng kêu to lên và hối hả lao về phía anh:

– Chú ơi, chú đừng đi! Cháu biết chú!

Em bé gái cúi mặt vào tấm áo bađờxuy lính, ôm lấy chân Visnhiakốp, trong lòng Visnhiakốp lập tức cảm thấy vơi đi. Anh đưa tay gượng nhẹ vuốt mái đầu của em bé gái, sợ làm nhàu hay vấy bẩn cái mũ kapô của em.

– Cháu bé, làm sao mà cháu biết được chú nào?

– Thì chú chính là cái chú đã đi gỡ mìn. Chú quên rồi ư? Cháu với mẹ cháu cứ đứng mà đợi mãi. Sau đấy chú cho cháu đường… Chú quên rồi ư?

– Không, chú nhớ.

– Chị Luba, tìm thấy chú của chúng ta rồi! - Em bé gái kêu toáng lên, bíu những đầu ngón tay nhỏ xíu vào vạt áo bađờxuy lính: em bị vướng víu vì hai ống tay áo bông quá dài của mình. - Chú về nhà cháu đi, chú về nhà cháu! Mẹ cháu mà biết sẽ vui sướng phải biết.

Visnhiakốp ngoái lại liền nhận ra cô gái mặc áo săngđay đang đứng ở ngưỡng cửa: phải chăng suốt từ lúc ấy cô vẫn theo dõi anh hay nghe tiếng kêu mới vừa chạy ra. Anh kịp nhận ra là cô gái mặc áo săng đay rất giống em bé gái mặc áo bông này.

– Chú đã ghé nhà cháu rồi. - Visnhiakốp cố lựa giọng thật vui vẻ nói với em bé gái.

Nhưng em bé không chịu, cứ kéo anh về nhà.

– Đây chính là cái chú ấy! Chú gỡ mìn!

Anh cưỡng lại, nhưng không găng cho lắm và chẳng mấy chốc sau bối rối anh đứng mặt đối mặt với Luba, cô gái còn bối rối hơn anh. Cô gái với cái túi đựng đồ mà anh vẫn cầm tay và buồn phiền lên tiếng:

– Sao anh không nói ngay kia chứ? Bây giờ anh làm cho tôi phải đỏ mặt?

– Tôi lại làm bẩn sàn nhà mất…

– Gớm, anh nhớ dai thế. Thôi, xin anh thứ lỗi cho.

Luba kéo cái túi đựng đồ về phía mình, nhưng Visnhiakốp không chịu buông ra.

– Tôi làm sao biết được anh chính là chú ấy? - Cô gái nói dịu dàng, nhưng lập tức đến đây liền chuyển sang tấn công. - Mà cũng tại cả anh nữa kia! Phải, phải, tại anh! Anh về nhà mà cứ như gặp người xa lạ. Trẻ măng thế này mà kín đáo thế! Không tốt nhé. Anh có biết tội anh phải làm gì không nào?

– Không. - Visnhiakốp mỉm cười. - Tôi không biết. Chuyện gì kinh khủng không đấy?

– Phải phạt anh, thế đấy! Bây giờ tôi là tôi sẽ hôn anh thay cho mẹ tôi, cho Aliônuska và cho tôi. Bấy giờ anh mới biết thân! Nhưng thôi, anh đừng sợ, tôi tha! Lần đầu tôi tha cho anh…

Và Visnhiakốp còn chưa kịp đáp lại ra sao cô đã kiên quyết giằng lấy túi đựng đồ của anh, lấy cả cái mũ lông bịt tai anh bỏ ra cầm tay. Visnhiakốp đứng ngây ra giữa căn phòng và bối rối không biết xử trí ra sao, anh đưa tay vuốt chỏm tóc.

Gương mặt anh cởi mở, hơi gân guốc. Hợp với những gương mặt như vậy là cặp mắt sáng và cái mũi cong. Mũi Visnhiakốp lại thẳng hơi gồ lên, còn cặp mắt thì lại màu nâu sẫm.

Aliônuska nhanh nhảu lấy chiếc lược đưa cho chú bộ đội, rồi lát sau đã leo lên đùi chú và bắt đầu kể huyên thuyên về những sự cố gì đó xảy ra trong sân nhà. Chú bộ đội nghe em bé thật chăm chú như thể chú đến đây mục đích chỉ để biết đầy đủ mọi chi tiết về những con chó con trong sân nhà.

Aliônuska đưa ngón tay sờ vào cuống chiếc huân chương sao đỏ và nheo mắt khoái chí.

Trong chiến tranh, Visnhiakốp thường đã từng thấy những đứa trẻ có những gương mặt suy tư như mặt người lớn, với những cặp mắt nhăn nheo, những cặp môi bậm lại; những đứa trẻ ấy đã nhìn thấy trong đời nó quá nhiều điều khủng khiếp đến nỗi không còn biết khóc, khó còn có thể’ lấy gì mà dọa nạt chúng nữa. Còn Aliônuska vẫn giữ được cái ngây thơ quý giá của trẻ con, trong cặp mắt to xanh da trời của em lấp lánh vẻ tin cậy non dại.

Lát sau bà Anna Feđôrôvna ở trường học trở về. Bà nhìn thấy người khác, đứng sững lại hồi lâu bên cửa, ôm ghì bó vở học trò bên ngực.

– Đồng chí đấy ư? Trời! Thật sung sướng quá! - Anna Feđôrôvna thốt lên ngay từ ngưỡng cửa. - Nào, con người thân thương, anh lại đây cho tôi ôm hôn anh.

Visnhiakốp tiến lại, hai người ôm hôn nhau.

– Ấy vậy mà mẹ ạ, anh Vaxili Iakôvlevits không muốn chào hỏi con như vậy đấy! - Luba tươi cười nói. - May mà mẹ về kịp. Chớ con vừa làm phật ý khách.

Anna Feđôrôvna bắt đầu nhớ lại mẹ con bà bấy giờ suốt ngày trời đã ngồi trốn ở căn nhà hầm bên hàng xóm ra sao, rồi sau đó đã sung sướng như thế nào khi thấy căn nhà của mình còn nguyên vẹn. Nhưng có một người Hồng quân đã chặn hai mẹ con bà ở sân bằng một tiếng quát nghiêm khắc và thậm chí còn đưa cây gậy có gắn cái vòng sắt và một cái hộp nhỏ ở đầu ra đe nạt. Anh Hồng quân đã thận trọng vào nhà, mất hút trong đó khá lâu, đến khi bước ra hiên cửa cầm trên hai tay mỗi bên một cái đĩa sắt đen đen. Anh cẩu thả ném chúng xuống đất và nói:

– Bây giờ thì có thể vào nhà rồi. Chứ không thì hẳn là bà chủ với cháu đã uống một bữa trà no đừ cả đời…

Aliônuska khệ nệ kéo theo một cái túi đựng búp bê, gương to phải bằng người em, và chú bộ đội đã đưa giúp em cái túi vào nhà, khi ra đi lại chia cho em đường để em khỏi khóc.

– Thế mà không hiểu sao tôi cứ nghĩ là anh phải già hơn kia, Vaxili Iakôvlevits ạ. - Anna Feđôrôvna nói, đẩy đĩa khoai tây nghi ngút hơi về phía Visnhiakốp.

– Đấy là do hôm ấy mặt mày tôi ám khói với lại râu ria không cạo. - Visnhiakốp vội giải thích, như thể phân trần.

Sáng hôm sau, Visnhiakốp quyết định cùng với Aliônuska đi thăm thú thành phố. Trong thành phố chẳng có gì thay đổi kể từ ngày hôm qua, nhưng những đống đổ nát không còn đập vào mắt quá nhức nhối. Chỉ đến bây giờ Visnhiakốp mới nhận ra những dấu hiệu của một cuộc sống mới. Cuộc sống này đã trồi lên qua đổ nát, tro tàn, bụi bặm, như thể ngọn cỏ non xuyên qua mặt đá dăm.

Căn cứ vào những ngọn khói bay lên từ những ống khói thì biết là người ta đang phải sống trong các hầm chứa đồ của những nhà bị đốt cháy, đôi chỗ người ta sống trong những căn phòng của tầng một còn lại một cách thần tình của những tòa nhà bị tàn phá. Các mặt tủ hàng ở các cửa hiệu chất đầy gạch, những ô cửa sổ nhỏ bằng cửa thông hơi còn giữ được, và sau những ô cửa sổ nhỏ ấy cũng có người đang sinh sống. Ở trước một ngôi nhà không có người ở có treo một hòm thư; người đưa thư đi đến hòm thư ấy dốc thư vào túi thư.

Visnhiakốp đi ra bờ sông Đneprô và nhớ lại chuyện anh đã vượt con sông này trong cái đêm tháng chín ấy ra sao. Khi rút lui bọn phát xít đã giật tung đoạn giữa cầu và đốt cháy hai đầu cầu. Lửa lan theo các thanh gỗ, dầm cầu đến tận mặt nước ào ạt phía dưới đầu những ván hồng lay động. Khi lửa chạm đến mặt nước thì con sông dập tắt lửa ở các thanh dầm cầu, còn lúc đó có cảm giác như ai đó lao các cây đuốc ấy thẳng xuống mặt nước đen ngòm. Dầm, ván cầu bấy giờ cũng đỏ hồng, ánh hồng rung động xôn xao trên mặt nước màu đen, và cảm tưởng không phải dòng sông mà là dòng máu chảy.

Lúc này bên lối lên cầu là một cô nữ điều vận, người to béo nhưng nhanh nhẹn, hai má xanh xám. Mỗi khi xoay người, cô gái điệu bộ nện ủng trên mặt ván cầu và vung lá cờ vàng nhỏ một cách duyên dáng, làm cho Visnhiakốp nhìn ngây ra một lát.

Vaxili và Aliônuska đi qua cầu, rồi chen vào chợ. Anh mua một lọ mật ong và tình cờ mua lại được một cây bút chì xanh đỏ to tướng. Các thứ ấy tiêu mất cả ba tháng sinh hoạt phí của người lính, nhưng điều đó không làm Visnhiakốp băn khoăn vì anh chẳng cần gì tiền: thậm chí anh đã mất cả thói quen tiêu tiền, vì vậy anh thích thú tiêu hết số tiền tiết kiệm cho Aliônuska.

Khi đi sang qua đường, Visnhiakốp dắt tay em bé gái. Xe cộ qua lại thưa thớt nhưng anh thích thú được nắm những ngón tay nhỏ tin cậy và dịu dàng của bé Aliônuska, những ngón tay của bé tụt sâu trong ống tay áo bông. Bốn ngày sau Visnhiakốp mới lên đường trở lại đơn vị. Luba đi tiễn khách cho đến trạm kiểm soát ở ngoại ô, nơi anh em bộ đội chờ xe tiện đường.

Aliônuska cũng muốn đi tiễn chú bộ đội.

– Xa lắm, em sẽ mỏi chân. - Luba bảo.

Cuốc bộ đến tận trạm kiểm soát quả là xa thật nhưng ngoài ra, Luba còn muốn được chia tay với Visnhiakốp, riêng chỉ có hai người.

Ở trạm kiểm soát, hai người đứng với nhau khá lâu, cùng chờ xe, và mỗi người trong thâm tâm đều rất hài lòng là mãi vẫn không có xe.

– Thế anh đã ghi lại địa chỉ của nhà chưa? - Luba hỏi.

Visnhiakốp giật mình vỗ trán đánh bép.

– Tôi quên khuấy mất. Tìm thì tôi tìm ra, còn địa chỉ lại không ghi lại. Lần trước thì vẫn còn treo những cái biển chỉ dẫn của Đức, còn lần này thì tôi lại không để ý.

Luba sợ hãi vung hai tay lên và tự cô gái ghi địa chỉ nhà vào một mẩu giấy.

– Thôi bây giờ thì ta chia tay. - Luba lên tiếng, khi cuối cùng một chiếc xe tiện đường đã đến. - Thay cho mẹ em, cho Aliônuska còn đây là thay em.

Và hai người ôm hôn nhau ba lần.

Visnhiakốp nhảy lên bánh xe, nhẹ nhàng vượt qua thành xe, chiếc xe lập tức chuyển bánh, nhưng Luba còn kịp trao cho anh một bọc giấy. Visnhiakốp đã biết đó là bọc bánh rán nhân bắp cải.

Anh để ra hai chiếc bánh khi về đến đơn vị chia cho Tsutkô.

– Kiếm đâu ra món quà này thế?

– Người nhà tôi ở Xmôlenxcơ cho.

– Vậy mà cái thằng tôi tội lỗi lại cứ nghĩ quả thực là cậu chẳng còn ai thân thích. Mình nghĩ bụng là chẳng qua cậu hứng lên đi nên bịa ra.

– Từ cha sinh mẹ đẻ tôi có bịa bao giờ, vậy mà lần này bỗng nhiên…

– Thôi, cậu bỏ qua cho, nếu mình có làm cậu phật ý. - Tsutkô nói, nhai nốt miếng bánh rán.

– Ấy đấy. - Visnhiakốp xuê xoa nói.

Từ bữa ấy anh bắt đầu chờ đợi chiến sĩ đưa thư, cái điều mà trước đây anh không hê bận tâm, chẳng bao lâu thư của Luba gởi tới. Cũng trong phong thư ấy Aliônuska gởi vào cả một bức vẽ của mình - căn nhà màu đỏ với những cửa sổ xiêu vẹo cao lên tận mái nhà, một làn khói xanh kỳ dị bay lên từ cái ống khói màu đỏ.

– Còn đây là công trình của ai thế này? - Tsutkô tò mò hỏi ngó qua vai Visnhiakốp.

– Con gái tôi, Aliônuska gởi đến đấy. - Visnhiakốp nói bịa, mủm mỉm cười.

– Thế mà mình không biết là cậu lại có cả con gái nhỏ đấy. Cháu mấy tuổi rồi?

– Bảy.

– Thế kia ư! Sắp có rể rồi. Vậy mà mình không nghĩ là cậu lại có con gái lớn đến thế. Mặc dù cái thằng tội nợ như mình cũng lấy vợ sớm.

Visnhiakốp cẩn thận giữ gìn tờ giấy mà Luba đã ghi địa chỉ. Thật ra thì, tờ giấy ấy đã nhòe phai hết đến mức không còn đọc ra tên phố cũng như số nhà. Nhưng điều ấy chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì Visnhiakốp đã nhớ thuộc lòng địa chỉ ấy và biết rõ đường phố ấy ở đâu, ở đâu căn nhà nhỏ bên cây liễu ấy, căn nhà thân yêu, ở đó bây giờ là niềm mơ ước của người lính về gia đình, về hạnh phúc khi được đưa những bước chân nhẹ bổng lâng lâng dạo trên những tấm ván sàn ọp ẹp…