Truyện Ngắn Đặc Sắc Nga

Cuộc Sống Đã Kịp Thời Bổ Khuyết

Sumâycô, phóng viên nhiếp ảnh một tờ báo thủ đô, bước xuống ga xép “Vùng mỏ” vào lúc trời đã chạng vạng tối. Anh lục tìm cuốn sổ tay trong tất cả túi áo nhưng đáng tiếc là không thấy đâu. “Chắc là mình quên không bỏ vào túi bộ quần áo đi đường mất rồi!” - anh nghĩ bụng. “Làm sao bây giờ? Đành phải liệu cách xoay xở vậy”.

Sumâycô nhận nhiệm vụ về một mỏ than, hình như mỏ “Trung tâm” thì phải. Mà cũng có thể là mỏ “Trung ương” cũng nên? Nhưng vấn đề đó kể ra cũng chẳng quan trọng lắm, vì anh biết rằng đây là một mỏ than tiên tiến của cả vùng, có nghĩa là bất kỳ một người dân địa phương nào cũng có thể’ chỉ cho anh được. Sumâycô có nhiệm vụ chụp một số ảnh cho bài phóng sự “Mùa xuân trên vùng mỏ Đônnhét”. Bài này đã viết xong, trên khuôn báo ra ngày mồng một tháng năm đã dành sẵn chỗ để đăng và còn dành cả chỗ cho những bức ảnh minh họa nữa.

Sumâycô làm theo đúng lời dặn của tác giả bài phóng sự mấy hôm trước đã đến đây. Anh rẽ ra một bãi trống bên cạnh nhà ga và tìm ngay được xe đi nhờ.

– Thế anh muốn về mỏ nào? - Người đánh xe ngựa ngồi trên ghế quay lại hỏi anh. Đó là một ông lão mặc áo mưa, đi đôi ủng nỉ mùa đông, phần dưới bọc một lớp cao su đỏ trông tựa giày mưa, mặc dù bây giờ đã là tiết tháng tư.

– Dạ, cháu muốn về mỏ “Trung tâm” ạ! - Sumâycô nói hú họa.

– Thật vừa dịp, lão là người ở đấy ra đây. - Ông lão đánh xe ngựa cầm roi chỉ về phía chân trời mờ mờ khói tỏa.

Ông lão quất ngựa và chiếc xe lao xuống bên rệ đường, rồi phóng băng băng trên con đường chạy qua thảo nguyên, đây đó rắc lốm đốm bụi than.

Ông lão đánh xe tỏ ra một người rất hay chuyện và hiểu biết nhiều. Ông liền kể rằng ông vừa mới chở “ông chủ” ra ga, tức là chở ông thủ trưởng của mỏ ra tàu để đi an dưỡng. Còn ông thì tên là Anicây Gavơrilôvích trước kia đã từng bốn chục năm liền làm thợ ở mỏ này, nhưng nay thì “được cử biệt phái ra coi ngựa”. Sau khi nói một vài nét ngắn gọn về bản thân mình, ông còn bày tỏ sự thông thái của mình về những vấn đề rộng hơn như: bàn về khối Bắc Đại Tây Dương, về năng lượng nguyên tử, về cuộc sống trên những hành tinh khác…

Sumâycô cũng trổ hết tài năng ra tiếp chuyện, sau đó anh lái câu chuyện sang chủ đề khác, bởi vì anh vẫn chưa vững tin là mình đang trên đường đi đến đúng cái mỏ than mà anh được cử tới. Anh khéo léo vận dụng một vài hiểu biết ít ỏi mà anh còn nhớ được, như một người hành hương lần mò đường đi của mình theo các vì sao để tiến dần tới đích.

– Bố ơi, - Anh hỏi. - gia đình ông Mácchiukhin hay là Alêkhin gì đó hiện nay sống thế nào? Bố có biết không, cái tổ đội lao động… của những thợ lò ấy mà… Ông bố là một công nhân mỏ tiên tiến, tổ trưởng đội lao động và hai người con trai cũng cùng làm việc với ông ấy mà.

– À, à… - Ông Anicây trả lời, phấn khởi vì cho mình đã đoán ra gia đình Pakhômốp. - Vẫn công tác bình thường, vẫn hăng hái. Hình như cậu con út mới tìm được người yêu thì phải. Có lẽ dịp nghỉ lễ này họ tổ chức đấy. Nghe nói người yêu là một cô gái có văn hóa… Gớm! Cái con ngựa chết tiệt này! Lại nhảy lên chồm chồm! - Ông Anicây càu nhàu và quất cho con ngựa một roi.

– Bố ơi, thanh niên ở mỏ ta hoạt động thế nào hả bố, họ tham gia câu lạc bộ và chuẩn bị cho ngày lễ đấy chứ?

– Gớm, cái con ranh này! - Ông lão càu nhàu mắng, khi nhận thấy con ngựa đi bên có ý khang khác. - Anh nói gì cơ? - Ông quay sang hỏi.

Sumâycô nhắc lại câu hỏi của mình.

– Bọn thanh niên họ còn phải làm gì nữa cơ chứ? - Anicây triết lý. - Họ chỉ múa và hát thôi. Giờ đây thì họ có điều kiện rồi. - Ngừng một lát, ông nói tiếp. - Đâu có phải như trước kia: có khi phải kéo xe than suốt mười hai tiếng đồng hồ liền hoặc đứng bổ cuốc chim mỏi rời cả chân. Còn bây giờ thử coi xem, họ đi lại đường hoàng chững chạc như thế đó. Tại sao vậy? - Anicây hỏi rồi quay lại phía Sumâycô để tin chắc là anh vẫn nghe ông nói. - Vấn đề hết sức đơn giản: nhờ có máy móc nên người thợ mỏ đã đứng thẳng.

– Ở mỏ ta có máy khai thác than liên hợp không hả bố? - Sumâycô hồ hởi hỏi, bắt đầu dần dần tin là mình đi đúng hướng.

– Sao lại không? Có chứ, mà không phải chỉ một chiếc đâu. Con ranh này, quay đi đâu thế?! Tôi nói là không phải chỉ có một. Chỗ nào cũng sục tới được cả. Loại máy lợi hại lắm.

– Thế còn sân vận động đã đến đâu rồi? - Anh phóng viên hỏi, muốn tỏ cho ông lão đánh xe biết sự am hiểu tường tận của mình về cuộc sống ở địa phương.

– Chẳng nói giấu làm gì. - Anicây buông một câu trong bóng tối. - Tôi là tôi không thích cái môn thể dục thể thao cho lắm. Chỉ thấy là người ta chở gỗ về và bà con cùng với anh em thanh niên vác cuốc xẻng đi làm, còn như ở đấy ra làm sao rồi thì tôi không có để’ ý.

Ông già lặng thinh, kéo căng dây cương và bắt đầu nhìn chăm chú xuống dưới bánh xe. Vó ngựa đập lộp cộp trên ván lát mặt chiếc cầu nhỏ bắc qua con suối hoặc một vực nước gì đó vì trời tối nên không thấy rõ.

Những đóm đèn xóm thợ ban đầu nhấp nháy mờ ảo ở phía xa, rồi mỗi lúc một tiến lại gần thêm và sáng hơn.

Thoang thoảng mùi chua chua của than xỉ. Sumâycô thấy ngôi sao năm cánh màu đỏ sáng rực trên đỉnh tháp cao và nó đã có tác động mãnh liệt đối với anh: giờ đây anh tin tưởng chắc chắn rằng đây chính là mỏ than mà anh cần phải tới.

Công nhân mỏ đón tiếp vị khách từ thủ đô về thăm với thái độ hết sức nhiệt tình. Sau khi được biết rằng khách chỉ lưu lại có một ngày, họ hết sức cố gắng giúp đỡ anh. Họ giới thiệu với anh những danh lam thắng cảnh của vùng quê họ, theo yêu cầu của anh, họ diện bộ quần áo đại lễ của công nhân mỏ vào, rồi lại thay quần áo lao động, cầm cuốc chim đứng trước đống than lù lù như trái núi để chụp ảnh, mặc dù biết rõ rằng người thợ mỏ chưa bao giờ phải dùng tới cuốc chim trên mặt đất này cả, họ để cho anh chụp cảnh họ đoàn tụ gia đình và làm việc ở dưới đất nữa… Ai cũng ngạc nhiên vì thái độ hối hả của khách.

Sumâycô lanh lẹn như một cậu bé trèo tót lên đỉnh một đống than ngắm nhìn quang cảnh chung quanh xóm thợ.

– Không, không được: từ góc độ này mây và vườn cây không ăn ảnh lắm! - Anh thất vọng nói với đồng chí bí thư đảng ủy mỏ đi hộ tống mà đồng chí này hoàn toàn không hiểu tí gì trong câu nói đó. Quả vậy: “Mây không ăn ảnh” nghĩa là gì cơ chứ?

Không hỏi ý kiến ai và coi thường cả những cơn gió đầu xuân thổi giật từng hồi, nhà phóng viên nhiếp ảnh lại trèo lên ống khói theo những bậc thang bằng móc sắt để ngắm nhìn quang cảnh chung quanh. Mọi người có mặt trong sân lúc đó đều lo lắng cho tính mạng của anh.

Sau khi tụt xuống đất, Sumâycô thất vọng nói với người bạn đường:

– Không có gì đáng chụp cả: cảnh hoang vu quá.

Sau đó anh lần từng bậc theo chiếc thang sắt nhỏ dẫn lên một cái tháp cao của mỏ. Lên tới chỗ những chiếc vành đai của cầu vận chính đang quay, Sumâycô ra hiệu ngừng hoạt động. Anh đưa máy ảnh về phía xóm thợ và chụp lia lịa.

Trước khi trời tối anh còn kịp chụp thêm quang cảnh sinh hoạt ở trường công nghiệp mỏ lại vườn, tại trại thăm dò địa chất nằm giữa thảo nguyên và cuối cùng, để lưu niệm lại cho trần thế, anh chụp ông lão đánh xe Anicây đầy vẻ hãnh diện và là người đưa anh ra ga đi chuyến tàu đêm.

* * *

Sumâycô về tới tòa soạn vào đúng lúc số báo kỷ niệm mồng một tháng năm vừa mới xếp chữ xong. Các bạn cho anh biết đồng chí tổng biên tập đang mỏi mắt chờ những tấm ảnh của anh. Trong lòng phấn khởi vì tin đó, anh giật mạnh cánh cửa phòng làm việc của đồng chí thư ký tòa soạn và cũng với một vẻ trịnh trọng như vậy báo cáo:

– Báo cáo, mỏ “Trung tâm” đã về.

– Không phải “Trung tâm”, mà là “Trung ương” kia. - Đồng chí thư ký thản nhiên đáp lại rồi vội vàng chìa một tay ra bắt, tay kia đưa lên sửa lại đôi kính đang tụt xuống.

– Tại sao lại “Trung ương”? - Sumâycô bối rối hỏi lại và vẻ mặt trịnh trọng của anh vụt biến mất.

– Bởi vì bài phóng sự của chúng tôi viết về mỏ “Trung ương”!

– Thế mà tôi lại đến mỏ “Trung tâm”. - Sumâycô nói với giọng của một cậu bé phạm lỗi.

– Anh bạn thân mến ơi! - Đồng chí thư ký kéo dài giọng đến nỗi Sumâycô cảm thấy sởn cả gai ốc. - Số báo của chúng tôi đã lên khuôn rồi! Lại còn chừa chỗ để in ảnh nữa kia chứ!

Ông nổi nóng, chạy đến chỗ đồng chí tổng biên tập. Sumâycô không biết làm gì hơn là ngồi xuống chiếc ghế bành và ngoan ngoãn chờ quyết định cho số phận của mình.

Khoảng mười phút sau đồng chí thư ký quay trở lại, cầm trong tay tờ báo in thử còn đượm mùi mực in hăng hắc.

– Chúng tôi sẽ nhét cái gì vào đây? - Ông giận dữ hỏi và bực tức xỉa ngón tay vào phần dưới của trang báo. - Chúng tôi cần bức ảnh chụp toàn cảnh hầm mỏ đang được phục hồi, anh lại mang về cho một tấm ảnh chụp cảnh mùa xuân vớ vẩn nào đó chứ gì?

– Ảnh cảnh để làm gì kia chứ? - Sumâycô tự ái đáp lại. - Tôi có ảnh chụp toàn cảnh không đến nỗi tồi.

– Chỗ này cần phải đăng ảnh của đội lao động Alêkhin. Có ảnh của đội lao động Pakhômốp, cả ba người đều là những thợ mỏ tiên tiến. Còn đây đã dành chỗ cho sân vận động đang xây dựng.

– Sân vận động đã xây dựng xong rồi. - Sumâycô đáp, trong lòng thấy yên tâm hơn. - Đội thể thao đã luyện tập ở đấy rồi kia mà.

– Trong bài phóng sự có nói về một xóm thợ mới và cũng chừa chỗ cho ảnh kèm theo, ở đây này, ảnh hình bầu dục chạy suốt cả hai cột báo.

– Tôi cũng có cả ảnh chụp xóm thợ.

– Thế còn cái gì đưa vào đây nữa? Vào đây này? Ở đây phải là ngọn tháp với ngôi sao đỏ: mỏ này chả là đơn vị tiên tiến mà.

– Tháp cũng có! - Sumâycô đáp lớn.

– Thế thì đấy là mỏ nào? - Ông thư ký tòa soạn ngạc nhiên hỏi. Theo dấu hiệu thì đích là mỏ “Trung ương” rồi còn gì!

– Tôi cũng đã nghĩ như vậy, - Sumâycô phấn khởi tự thú. - nhưng hóa ra lại lầm đồng chí ạ.

– Thôi được! - Ông thư ký nói, giọng có phần dịu hơn. - Anh đi làm ảnh đi, hạ hồi ta phân giải. Đành phải tùy cơ ứng biến vậy. Có gì dùng nấy thôi. Nhưng chắc rằng anh sẽ không tránh khỏi bị khiển trách về tội thiếu trách nhiệm như vậy đâu đấy nhé.

Ngày hôm sau, lúc trời chưa sáng, người ta mang lại cho đồng chí tổng biên tập bản báo in thử để duyệt. Ông ngồi đặt cả hai ống tay áo đeo lần bao bằng vải xa tanh lên bàn, chăm chú đọc những cột báo in bài phóng sự “Mùa xuân trên vùng mỏ Đônnhét”. Bài này đăng kín mấy cột liền, không có ảnh kèm theo. Nhưng ở hai trang ruột báo, ở phần dưới có đăng thành một dãy dài một loạt ảnh có nội dung phong phú và nghệ thuật chụp khá đẹp: ảnh chụp toàn cảnh vùng mỏ, chiếc máy đào than liên hợp “Đônbát” đang làm việc dưới mỏ, dưới lò chợ, ảnh các em nhỏ đang vui chơi trong vườn trẻ, các nam nữ thanh niên cầm đàn đi dạo chơi… Và cái chính là dưới mỗi bức ảnh đều có lời chú thích ngắn gọn, sinh động và dí dỏm của chính tác giả những bức ảnh đó. Đây cũng là tùy cơ ứng biến, bắt một người từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa hề viết văn sáng tác thuyết minh cho những bức ảnh. Đồng chí tổng biên tập nghiền ngẫm cả tác phẩm văn học của Sumâycô.

Thư ký tòa soạn đứng bên bàn, nín thở lo lắng: Liệu ông ấy có bắt phải vứt bỏ những bức ảnh này đi và in lại trang ấy không?

Nhưng ông tổng biên tập lại đột nhiên hoan hỉ.

– Này, đồng chí có biết không. - Ông nói, rồi ngẩng bộ mặt quá mệt mỏi lên khỏi tờ báo. - Thật là tuyệt! Chúng ta chỉ mới biết được có một mỏ than tiên tiến, nhưng ở đó hóa ra còn có một mỏ nữa chẳng thua kém chút nào. Theo tôi, rất là đạt. Chính cuộc sống đã kịp thời bổ khuyết thêm. Còn đối với nhà nhiếp ảnh của chúng ta, - Ông nói thêm khi chợt nhớ tới Sumâycô. - nên biểu dương. Ai biết là đồng chí ấy có biệt tài như vậy? - Ông hỏi và đập đập bàn tay vào tờ báo. - Ông bạn ạ, anh ấy còn đóng góp cho chúng ta nhiều nữa. Ảnh của anh ấy khá lắm, khá lắm!

Nói xong, tổng biên tập đẩy lùi tờ báo ra xa một chút và lại ngồi ngắm nhìn bức ảnh chụp toàn cảnh khu mỏ.