A. P. Chekhov được xem là người đã nâng thể loại truyện ngắn lên một tầm cao mới trong không chỉ trong nền văn học Nga. Với cái nhìn trầm tĩnh, trung thực về những nhân vật, Chekhov thể hiện nội tâm và cảm nghĩ nhân vật của ông một cách gián tiếp, qua ẩn dụ thay vì miêu tả trực tiếp. Những kết cấu kết truyện thường rất đỗi giản dị, kết cục thường được để ngỏ. Những tác phẩm của Chekhov trong tập Truyện ngắn A. P. Chekhov biểu hiện cái nhìn sâu xa, ẩn lấp dưới bề mặt cuộc sống của những con người bình thường. Truyện nào cũng bộc lộ chiều sâu tâm lý rất lớn của Chekhov, lột tả rất xác thực và tinh tế nội tâm đặc trưng của các tầng lớp người Nga thế kỷ 19, nhất là thành phần thị dân, trí thức trung lưu và thợ thuyền trong các thành phố đang hình thành của nước Nga. Ngôn ngữ trong từng truyện ngắn Chekhov đã đạt đến độ chuẩn mực đáng ngạc nhiên. Vì tất cả những điều ấy, ông xứng đáng được ca tụng như một tác gia - người đã để lại ảnh hưởng rất lớn lên văn học và văn hoá Nga cũng như trong văn học thế giới.
Truyện ngắn A. P. Chekhov tập hợp 27 truyện ngắn, mỗi truyện đều mang một vẻ đẹp riêng biệt của đại văn hào người Nga. Có khi đó là sự chế giễu cuộc đời, con người hết sức hóm hĩnh, cũng có khi lại là những giây phút lắng lòng thật khẽ khàng về tình yêu, ký ức...
Em bé Valka (trong truyện Valka) mới lên 9 tuổi, mồ côi bố mẹ, ông nội cũng phải đi làm thuê, nên đành gửi cháu tới Moskva học đóng giày, nhưng thực chất là đi ở. Muốn thoát khỏi cảnh khổ, lợi dụng đêm Noel ông bà chủ đi lễ vắng, Valka viết thư van nài ông đón cháu về quê. Không rõ địa chỉ, Valka viết vu vơ: “Gửi ông nội ở nhà quê”, rồi nghe theo lời mấy bà hàng thịt đem thư nhét vào khe hộp thư ngoài phố, liền về nhà ngủ thiếp đi “mơ theo những hy vọng ngọt ngào...”.
Hình ảnh lớp viên chức, thị dân, nông dân, địa chủ... độc giả thường bắt gặp ngoài đường phố, trong các rạp hát, bệnh viện, trường học hoặc trên các trại ấp đều được ngòi bút Chekhov khắc hoạ hết sức đậm nét, không phải qua các chi tiết bề ngoài, mà đậm nét ở tâm trạng muôn hình nghìn vẻ của nhân vật. Bên cạnh hình ảnh cái chết của một viên chức thì chuyện “Anh béo anh gầy” thật gần gũi với nhiều độc giả, tạo nên tiếng cười hài hước không sao ngăn nổi đối với người đọc xuyên suốt hai thế kỷ. Không chỉ nỗ lực “nặn cho hết những giọt nô lệ trong bản thân mình”, mà Chekhov còn mang ước nguyện cháy bỏng là làm sao cho “con người Nga trong tương lai đều phải đẹp, từ diện mạo, áo quần đến tâm hồn, tư tưởng”. Không bị ràng buộc vào các giáo điều cũ kỹ, Truyện ngắn A. P. Chekhov chứa bao điều lạ lẫm lấy từ sinh hoạt hàng ngày của con người, kể cả “nước mắt mà người đời không thấy”, nhằm nhắn nhủ “Hãy nhìn lại mình, hãy nhìn xem chúng ta đang sống tồi, sống tẻ như thế nào?”
Chekhov không sơ lược cũng không lắt léo, trầm bổng theo kiểu bút pháp Tolstoi, Dostoievsky..., mà chú trọng vào hành động của nhân vật qua các chi tiết chính xác. Ông cho rằng “tốt hơn cả là tránh miêu tả tâm trạng các nhân vật mà cố gắng làm cho tâm trạng bộc lộ qua hành động”, gắn liền với các “mạch ngầm của tâm trạng”. Ngòi bút sắc sảo của Chekhov luồn lách khắp mọi nẻo đường đất nước Nga. Người đọc dù ở đâu cũng đều cảm thấy thú vị bởi sự phong phú trong hệ thống nhân vật. Cá tính sáng tạo nổi bật của ông nằm ở phương thức chọn lựa chất liệu từ sự thật đời thường, gắn liền với nguyên tắc ngẫu nhiên, đã đưa ông đạt tới tầm cỡ bậc thầy của thế giới nghệ thuật. Nhà văn M.Gorky khẳng định: “Trong truyện ngắn Chekhov, không có gì là không xảy ra trong đời sống. Sức mạnh của tài năng ông, chính là ở chỗ ông không bao giờ bịa đặt ra một điều gì, không mô tả những gì không có trên đời này, những cái gì có thể là tốt đẹp, có thể là đang mong ước. Ông không nói thêm điều gì mới, nhưng điều ông nói được diễn đạt một cách giản dị, thật hùng hồn sáng rõ, giản dị đến mức đáng kinh ngạc chân xác đến không thể nào phủ nhận được... Xét về mặt bút pháp viết văn, Chekhov là người khó ai vượt qua được...”