Truyện cổ Nhật Bản

Lông mi của chó sói

Ngày xưa trong một ngôi làng nọ có một người thợ rèn giàu có, ông ta sống với cô con gái độc nhất, tên là Akiko (Akikô). Vợ của ông thợ rèn chết sau khi sinh con và người chồng lấy vợ hai, vì ông cần có người trông nom nhà cứa. Nhưng khốn thay ông lấy phải người vợ hai không ra gì. Người dì ghẻ này keo kiệt mà lại còn độc ác, không có gì làm cho bà vừa lòng cả, và nhất là bà lại hay ganh ghét Akiko vì nàng luôn luôn tươi cười, mặc dù nàng đã chiều chuộng bà dì ghẻ hết mực. Cô gái càng lớn thì bà ta càng bắt cô làm nhiều công việc nặng nhọc, càng ngày bà ta càng đổ hết công việc nhà lên đầu cô. Bà dì ghẻ chỉ có việc ra lệnh, rồi ngồi chơi, nhàn rỗi, thế mà tối lại bà ta còn nói với chồng là Akiko lười biếng không chịu làm việc. Khi nghe thế ông chồng lại la mắng Akiko đến nỗi nàng phải khóc. Nhưng sáng mai, nàng lại vui vẻ và chăm lo làm việc lại. Nàng làm việc rất nhanh nhẹn, và gia nhân không ai nghe nàng than vãn một tiếng. Akikô đối xử rất dễ thương với mọi người vì cô biết thế nào là sự bất công, vì chính cô đã trải qua kinh nghiệm này rồi, cô lại còn rất tốt bụng với các nhà sư khất thực và những người ăn xin mà cô gặp trên đường làng: không ai vào vào nhà cô mà khi đi ra không có gì trong tay, thỉnh thoảng cô lại còn dúi vào tay những người học việc một đồng tiền, số tiền cô lo việc nội trợ còn dư. Mọi người thương mến Akikô. Khi tiếng hát vui vẻ của cô cất lên trong nhà, là mọi người cảm thấy hưng phấn và họ làm công việc nhanh tay hơn, thế là công việc làm ăn của ông thợ rèn cũng thêm phát đạt.

Thế nhưng, thái độ của cô gái làm cho bà mẹ ghẻ không vui lòng. Không có tối nào là bà ta không phàn nàn rằng: “Nó nói chuyện với bất kỳ ai, không ra vẻ con gái một gia đình gia giáo, nó sẽ làm cho ông mất hết khách hàng đấy!”

Hay là bà ta nói: “Nếu cứ tiếp tục làm ăn như thế này, chúng ta sẽ đi đến chỗ sạt nghiệp mất thôi. Nếu em mà không để mắt canh chừng là nó sẽ đem hết tất cả những gì nó có cho người ta hết thôi, tiêu pha tiền thì nó biết cách tiêu lắm, nhưng còn làm ra tiền thì nó không lo lắng gì hết. Nếu cứ tiếp tục như thế này thì có ngày chúng ta sẽ đi đến chỗ ăn mày thôi. Khi ấy thì ông sẽ thấy lòng tốt của con gái ông dẫn chúng ta đến đâu.”

Ngày nào bà ta cũng vu khống Akikô như thế, mãi cuối cùng người cha cũng tin. Ông ta làm việc cực nhọc mới có tiền, nên ông không muốn phung phí tiền bạc. Không bao giờ Akikô biện bạch trước những lời vu khống của bà dì ghẻ hết, cô chỉ buồn bã cúi đầu rồi lau nước mắt. Nhưng sáng hôm sau cả nhà lại nghe tiếng hát của cô vang

lên.

Người cha nghe cô hát hò như thế ông nhủ thầm:

Khuyên bảo dặn dò mấy nó cũng không xem ra gì. – Và với thời gian, lòng ông trở nên đanh thép với con. Cho tới lúc ngày cuối năm đến, trước thềm năm mới bà dì ghẻ khóc lóc than phiền rằng Akikô đang mang điều bất hạnh đến cho gia đình, bà ta nói rằng Akikô làm bánh cổ truyền cúng tết mà không làm bằng gạo nếp ngon lại làm bằng nếp gạo dự trữ lâu ngày còn lại, như thế là xúc phạm đến thần tài, người cha tức giận đuổi Akikô ra khỏi nhà.

Akikô buồn bã đi khắp làng. Khắp nơi người ta chuẩn bị đón năm mới, không ai để ý đến gia đình ông thợ rèn vốn lúc nào cũng vui vẻ Akikô thẳng đường sang làng kế bên. Cô lạnh và đói. Ước gì cô tìm được nhà nào để vào giúp việc kiếm miếng ăn và chỗ ở qua đêm, nhưng nơi nào người ta cũng lạnh lùng đóng cửa lại, không cho cô vào.

Akikô quá yếu, không đi được nữa cô bèn gõ cửa một quán trọ gọi một tách trà nóng.

Thưa ông chủ quán tôi không có tiền, nhưng tôi xin để cái áo độn bông này để cầm nợ, xin ông cho tôi cái gì nóng để ăn cho ấm.

Dễ dàng thế, – chủ quán đáp. – Bất kỳ ai đến cũng làm như thế được à? Tôi cho cô ăn rồi sau đó chẳng ai cho tôi cái gì để lấy cái áo của cô hết. Không được, cô đưa áo đây để tôi sai người đi bán cho, rồi sau đó hãy hay:

Akikô cởi chiếc áo khoác ra và ở trước nhà ngồi đợi, trên người chỉ mặc cái áo kimônô mỏng manh. Chủ quán sai người đi bán áo còn Akikô ngồi đợi anh ta đem tiền về, người run cầm cập vì lạnh.

Cô ngồi đấy thật lâu, khổ sở vì đói, lạnh.

“Khi anh ta đem tiền về, mình sẽ ăn cái gì cho ấm, chắc cũng còn chút tiền để lên đường. Có lẽ mình sẽ tìm được người nào đó có lòng từ tâm cho mình công việc để làm và cho mình chỗ trú chân”, nàng tự nhủ thầm như thế. “Chắc mình bị gian khổ như thế này cũng không lâu đâu; thế nào cha mình cũng biết lỗi và gọi mình về, vì trên đời này không thể có một chuyện bất công như thế.”

Aikikô đợi thật lâu, khách đi vào rồi đi ra, người giúp việc và gia công ra vào tấp nập, nhưng không ai để ý cô gái ngồi trên ngưỡng cửa hết. Cuối cùng không chịu nổi đói

và lạnh, Akikô rụt rè gọi chủ quán. Chủ quán liền nạt cô một trận:

Đừng quấy rầy tao chứ, đồ khố rách áo ôm! Đang còn nhỏ mà đã lang thang ngoài đường! Hãy đi khỏi đây ngay, mày làm tao mất khách hết!

Giọng run run, Akikô nhắc lại chuyện cái áo khoác mà mình đã đưa cho gã bán.

Đấy là cái áo khoác còn tốt, nó sẽ đem lại cho ông nhiều tiền hơn một bữa cơm cá và một tách trà ông dọn cho tôi mà.

Ha ha, nó còn dám nói là đã đưa cho tôi cái áo khoác nữa chứ, – chủ quán nói lớn rồi cười khinh bỉ, một cái áo khoác đẹp đáng giá cả một gia tài! Ha ha, sao mày không nói với tao là mày đã gởi cho tao một cái ví đầy tiền luôn? Không nói bây giờ mày muốn lấy lại luôn? Quí vị có bao giờ nghe ai ăn nói hỗn xược thế này không. Tôi mà đi bán áo khoác cho một con ăn mày. Nếu mày có một cái áo khoác đẹp, thì bây giờ mày thích ở nhà chứ đâu chạy lang thang như thế này. Chủ quán la to đến nỗi khách trong quán chạy ra để nhạo báng cô gái tội nghiệp.

Akikô khóc, cô đói và lạnh khủng khiếp, nhưng không có gì nhục nhã hơn khi nghe những lời quát mắng bất công bỉ ổi như thế này.

Này cho mày cái này đây, – chủ quán nói rồi ném cho cô một miếng bánh cứng và một cái bị rách tươm.- Để cho mày thấy tao nhân từ như thế nào và nhân ngày tết tao không muốn ai vào quán mà khi ra không có một cái gì, ngay cả một con ăn mày xấc láo như mày, bây giờ thì cút đi không tao thả chó ra đấy.

Akikô mang cái bị rách lên vai, mặt đỏ nhừ vì xấu hổ, cô chạy đi trước những tràng cười chế nhạo của thực khách. Cô chỉ còn có một ý nghĩ duy nhất trong đầu là bỏ đi! Cô chỉ dừng lại khi đến bìa rừng. Tuyết bắt đầu rơi, Akikô không biết mình đang ở đâu và sẽ đi đâu Quá thất vọng cô tự nhủ:

Thế giới này không dành cho ta cái gì tốt đẹp cả. Nếu mình phải chết đói chết lạnh đâu đó trên đường để làm đầu đề cho mọi người chế giễu, thì ta thà kết liễu đời mình cho rồi. Mình sẽ vào rừng để cho chó sói ăn thịt thôi.

Cô muốn thực hiện ngay ý định rùng rợn này nên liền rời đường mòn và đi vào trong đêm tối của rừng già.

Trong núi có rất nhiều chó sói, và mùa đông chúng thường đói meo. Chắc chúng sẽ nhai xác ta trong nháy mắt, làm ta hết đau khổ liền. Cô vừa đi vừa tự nhủ.

Lòng giao động trước những ý nghĩ ấy, cô đi ra một khoảng trống nhỏ giữa rừng, ngồi xuống một viên đá để đợi chó sói đến. Đêm tối dần, tuyết càng lúc càng rơi nhiều, rừng im lặng, không một ngọn lá lung lay.

Có lẽ đây không phải là chỗ chó sói đến,- Akikô tự nhủ vì cô không thấy bóng dáng chó sói đâu hết. – Mình chưa bao giờ vào rừng nên không biết chỗ nào có chó sói, mình phải đi tìm chúng thôi.

Cô đứng lên, tiếp tục đi. Cô vạch một con đường đi băng qua đám bụi cây rậm rạp, đi theo những con đường vắng vẻ cheo leo, vừa đi vừa gọi : “Sói ơi, hãy mau đến mà ăn tao, tao không muốn sống nữa”.

Cô đi bất định như thế thật lâu, bỗng cô nghe có tiếng cành cây gãy rắc rắc trong bụi rậm bên đường. Bụi cây mở ra, một con sói khổng lồ màu tím, hai mắt to đỏ lừ nhảy ra giữa đường, nó rạp mình tới như để lấy đà để nhảy tới, nhe hai hàm răng sắc nhọn ra nhìn chằm chằm vào Akikô.

Cô dừng lại ngay, đứng lặng im. Bây giờ cô mới thấy những cái răng sắc nhọn, cảm thấy hơi thở nóng hổi của con sói, cô hoảng sợ, nhưng cô cũng nhớ đến những nỗi nhục nhã mà con người gây ra cho mình, nhớ đến cảnh bất công mà cô đã chịu đựng, nghĩ đến cảnh đói khát đang rình rập mình, cô bèn quyết định đứng yên như thế.

Cô nhìn con chó sói, hoảng sợ, nhưng lấy hết can đảm nói với nó:

– Mày hãy ăn tao đi! Mọi người đối xử với tao không tốt đẹp gì đâu.

Con sói nằm rạp mình xuống thêm nữa, nheo hai mắt nhìn chòng chọc vào Akikô. Bỗng nó ngồi xuống trên hai chân sau và bằng giọng hiền hòa nói với cô, thật hoàn toàn bất ngờ:

Không, tôi không ăn cô đâu. Tôi không ăn thịt người, ít ra là những người chân thật. Mà cô quả là một người chân thật, nỗi bất hạnh của cô là do cô không có khả năng nhận ra những người chân chính. Cô quá tin người. Nhưng, để tôi giúp cô.

Nói xong, nó khéo léo nhổ hai sợi lông mi của mình rồi đưa cho Akikô và nói:

Khi cô muốn biết người đứng trước mặt mình ra sao, cô để hai sợi lông mi này trước mắt và nhìn cho kỹ. Lập tức cô sẽ biết ai là người đáng tin cậy, cô chi tin những người nào không thay đổi hình dạng sau khi cô nhìn thật kỹ qua hai sợi lông mi này. Chính với con người ấy cô mới tìm được hạnh phúc, còn những người khác thì cô đừng tin

tưởng, cho dù họ có làm bộ mặt dễ thương với cô đi nữa!

Akikô ngạc nhiên, cô cảm ơn con sói rồi quay trở về, vì quá ngạc nhiên nên cô quên cả đói lạnh, chẳng bao lâu sau cô ra khỏi rừng và đi vào một phố nhỏ.

Akikô đứng ở một ngã tư đường; chung quanh cô rất đông người. Nhiều người mang giỏ hay bỏ túi trên lưng, người thì dẫn ngựa ra chợ, kẻ khác lại mang thực phẩm đi về nhà, có rất nhiều bà trang điểm đẹp đẽ và cũng có rất nhiều ông mặt mày trang nghiêm cao quí. Tất cả đều có vẻ hẳn hoi thật thà. Làm sao cô không tin vào những người đàn ông này cho được? Akikô liến muốn thực hiện lời khuyên của con sói xem sao, cô bèn để hai sợi lông mi của con sói ra trước mắt để nhìn người qua lại. Cô ngạc nhiên biết bao khi thấy những người dân thành phố trông chân thật, cao quí đều biến dạng. Người đàn bà giàu có, cao quí, mặc toàn tơ lụa đang đi giữa đám gia nhân và một bà dạy trẻ tay dắt một bé gái; trên chiếc áo kimônô bằng lụa của người đàn bà giàu có lòi lên chiếc đầu của một con gà trống mổ tứ tung như đang đói lắm, đầu của bà dạy trẻ thì biến thành cái đầu cá, còn gia nhân thì toàn là đầu chuột và đầu gà mái. Xa hơn tí nữa một ông công chức đi với đoàn tùy tùng, trên cái cổ cứng của bộ kimônô mặc vào các dịp lễ, thò ra cái đầu heo, đầu heo có vẻ kiêu hãnh lắm. Trên một con đường bên cạnh, một thương gia đang đi đến gần ngã tư, ông ta mang một cái đầu cáo, cặp mắt ti hí của ông nhìn quanh, ánh mắt mưu mô xảo quyệt. Akikô nhìn quanh thật kỹ, đâu đâu cô cũng thấy những cái đầu thú vật gắn trên thân thể mặc áo quần cũ vá chằng vá đụp. Cô không thấy nơi nào có mặt người hết!

Akikô cảm thấy buồn bã quá, thì ra cả thế giới loài người đều như thế này ư? Chẳng lẽ khắp thành phố không có được một người chân chính hay sao?

Sắp hết hy vọng thì bỗng cô thấy một anh chàng bán than, áo quần nghèo nàn mang trên lưng một bó than thật lớn. Anh đi chậm rãi về phía ngã tư, nhìn anh thì biết anh đã đi một đoạn đường xa đến. Ngần ngại Akikô đưa sợi lông mi sói lên lần nữa. Lần này thì cô sắp thấy một con thú gì thay cho một mặt người đáng tin cậy đây? Cô chăm chú nhìn nhưng chàng bán than không thay đổi. Cô quay qua quay lại sợi lông mi, nhìn thật kỹ, chàng bán than vẫn giữ cái đầu người xinh đẹp trên mình.

Akikô sung sướng; nhưng làm sao đến gần người lạ được? Anh ta sẽ nghĩ gì về cô? Cô quyết định bí mật đi theo, thế nào cô cũng biết được chỗ ở của anh ta và trên đường đi có lẽ cô sẽ nghĩ ra cách gì để làm quen với anh.

Đến chợ, chàng bán than đổi than lấy trà, gạo và muối. Rồi không nghỉ chân, anh quay bước về phía núi. Akikô đi theo anh một đoạn khá dài, cô không để mất bóng

anh, chàng bán than đi nhanh khiến cô đi theo rất vất vả. Họ đi đến gần ruộng lúa rồi đi đến một con đường mòn dẫn vào rừng. Đến đây, chàng bán than mất dạng. Anh ta trẻ, khỏe mạnh, còn Akikô yếu vì đói khát và vì cô đã đi quá nhiều rồi. Nhưng may thay cô thấy từ xa xa có khói bay lên, có lẽ đấy là chỗ anh đốt củi để lấy than. Cô theo hướng cột khói mà đi tới, rồi sau một hồi, cô thấy giữa khỏang trống trong rừng, bên cạnh đống than là một túp lều nhỏ.

Akikô đi thẳng tới, cô nhìn vào trong nhà. Không có ai hết, nhưng trên đống lửa, cô thấy một cái ấm nước. Anh chàng bán than chắc không đi đâu xa. Akikô thấy mệt mỏi, cô ngồi xuống bên ngưỡng cửa để đợi anh ta. Một lát sau, chàng bán than từ trong rừng đi ra, anh dừng lại một lát trước mặt cô gái rồi nói:

– Này ma, cô theo tôi đến tận đây ư? Cô hãy đi đi, nhà tôi không có gì đâu.

Akikô đứng lên, kính cẩn chào chàng bán than, cô quả quyết với anh cô không phải là ma, mà là người thật sự, cuối cùng anh chàng bán than tin cô.

Tôi thấy cô theo tôi từ ngoài phố. Vì vậy nên tôi đã đi nhanh lên, thế mà cô cũng theo tôi đến đây được. Tôi nghĩ chắc cô là ma, vì một cô gái không bao giờ quen thói đi một mình trong rừng như thế. Cũng vì thế mà tôi không ở trong nhà, và tôi nghĩ rằng nếu ma đến đây không thấy tôi chắc nó sẽ đi thôi. Nhưng cô hãy cho tôi biết cô làm gì trong rừng như thế này? Cô có vẻ không phải là gái lang thang. Theo tôi thì ít ra cô cũng đã được sống trong cảnh sung túc, mới gần đây thôi chứ không lâu.

Akikô kể cho anh nghe chuyện bà dì ghẻ ác độc và chuyện bất công của cha, chuyện cha cô đã đuổi cô ra khỏi nhà vào đêm giao thừa. Cô cũng kể cho anh nghe chuyện cô muốn cho chó sói ăn thịt. Cuối cùng, cô hỏi anh chàng bán than có muốn cho cô ở lại với anh không.

Tôi biết nấu nướng và tôi sẽ chăm lo việc nội trợ cho anh. Tôi chắc anh sẽ hài lòng về tôi .

Tôi thì chắc chắn sẽ hài lòng rồi, nhưng không biết cô có bằng lòng ở nhà tôi không. Tôi chỉ là một tên bán than tầm thường, phải lao động vất vả mới đủ nuôi thân. Nhà tôi không như ở các nhà giàu có đâu.

Akikô không cần sống xa hoa. Cô sung sướng khi tìm được mái nhà để nương thân, cho nên ước ao duy nhất của cô là được ở lại nhà chàng bán than. Trước khi bước vào trong túp lều, cô nhìn xuống hai bàn chân mình, hai bàn chân dơ bẩn vì đi xa. Không, cô không thể vào nhà với hai bàn chân như thế này, cô hỏi anh chỗ rửa chân ở đâu.

– Phía sau lò đốt than, ở bên kia rừng, có con suối đấy. – Anh bán than nói.

Con suối chất đầy gỗ. Akikô cúi xuống rửa, cô thấy nước lóng lánh như có ánh mặt trời chiếu xuống

– Nhưng trời tối rồi thì làm gì có ánh mặt trời chiếu xuống đây nhỉ?

Akikô tự hỏi và cúi nhìn gần hơn. Ở dưới đáy suối có nhiều đá và những hòn đá này đã chiếu sáng lên mặt nước. Akikô lấy lên một viên đá và xem thật kĩ. Rồi cô rửa chân, mặc dù cô thấy xấu hổ khi nhúng tay chân vào trong nước suối vàng này. Sau đó, cô cúi người uống nước chảy từ trong núi đá ra trên một ống tre.

Chắc anh chàng đốt than đến lấy nước ở đây để nấu ăn chứ gì, cô tự nhủ. Bỗng cô không uống, vẻ ngạc nhiên. Đây không phải là nước chảy trên ống tre, mà là rượu xakê ngon nhất. Akikô lấy một viên đá vàng, chạy nhanh về lều. Cô hỏi chàng đốt than:

Anh có biết đây là đá gì không?

Thì là đá bình thường chứ đá gì. Trong suối và quanh đấy có nhiều lắm. Đá rất đẹp, cô cứ xem nó óng ánh thì thấy. Ngay khi đã khô, chúng cũng óng ánh như thế, – chàng đốt than bình tĩnh nói.- Cô hãy nhìn xem kìa, tôi có trang hoàng ở lò sưởi đấy, và nếu cô muốn, tôi có thể lát trên đường ra suối cho cô đi nếu có đủ.

Không phải đá thường đâu mà là vàng nguyên chất đấy, – Akikô nói cho anh biết. – Ở phố người ta sẽ đổi cho anh bất cứ thứ gì anh muốn, và anh khỏi cần làm việc cực nhọc mà vẫn sống thảnh thơi.

Người ta có thể đổi gạo cho tôi để lấy đá này à? Chắc cô mệt quá quẫn trí rồi. Họ đổi than thì có, đúng vậy với than thì người ta sẽ đổi cái gì tôi cần, nhưng với điều kiện là tôi có nhiều. Chàng đốt than vẫn bình tĩnh nói tiếp.

Thế anh biết nước chảy trên ống tre từ nguồn ra là nước gì không?

Mà có chuyện gì xảy ra cho cô thế? – Chàng bán than càu nhàu. – Chỉ là nước tinh khiết thôi, tôi đã uống nước này nhiều năm mà chẳng có gì xảy ra hết.

Akikô không nín được cười, cô vui vẻ trở lại:

Nước tinh khiết! Anh không biết đây là rượu xakê hảo hạng, loại tôi chưa bao giờ được uống ư?

Rồi cô giải thích cho chàng bán than biết anh đang ở giữa một kho tàng quí báu như thế nào.

Ngày mai chúng ta sẽ đem vàng ra phố đổi lấy tiền bạc. Rồi ta gọi thợ đến, chúng ta sẽ xây một quán trọ gần suối xa-kê này. Anh sẽ kinh ngạc vô cùng trước việc làm ăn của chúng ta.

Chàng đốt than không tin tưởng gì hết, nhưng thấy Akikô hết buồn và hết mệt, nên anh không muốn làm cho cô bất bình. Ngày mai, họ đem vàng ra phố. Rồi sau một thời gian quán trọ “Lò Than Tắt” mọc lên giữa rừng.

Chẳng bao lâu, nhờ có rượu xa-kê ngon và bà chủ quán dễ thương mà quán trọ trở nên nổi tiếng khắp các vùng quanh đấy. Rồi xa gần khắp nơi, các thương gia và các võ sĩ đều rất thích đến nghỉ ngơi ở quán trọ. Có lần, quan đầu tỉnh cũng đến ở lại để uống rượu ngon chảy từ núi đá ra; rượu làm cho ngài thích thú vô cùng; kể từ đó, ngài cho đem rượu vào dinh để uống, và ngài không còn uống rượu xa-kê nào khác nữa.

Khu rừng trồng giờ đây trở nên náo nhiệt, sau những khách danh tiếng là những khách bình thường ào đến, rồi cuối cùng những kẻ lang thang, những nhà sư, ăn mày nam nữ, nhưng bà chủ quán lúc nào cũng tươi cười với mọi người.

Nhưng trong thời gian này, có chuyện gì lạ xảy ra ở làng cũ của Akikô không?

Khi người cha đã đuổi đứa con gái đi rồi bà dì ghẻ rất hài lòng. Thế nhưng, từ đấy về sau bà ta phải một mình lo công việc nhà, cho nên sau một thời gian ngắn bà ta lại bất bình và gắt gỏng như trước. Tình trạng này kéo dài cho đến khi lương tâm bà cắn rứt đến chết. Người cha cũng không hơn bà dì ghẻ. Tất cả đều như bị ma ám. Những lỗi lầm của ông trước đây bị làng trên xã dưới nhắc đến, khiến cho công việc làm ăn của ông lụi bại. Ông muốn rèn cái rìu tốt thì nó lại thành xấu. Ông có la mắng hay đuổi những người học việc cũng vô ích. Xưởng thợ ngày càng xuống dốc, rồi cuối cùng, ông không con cách nào hơn là đi ăn mày. Thế là lời bà dì ghẻ tiên đoán trở thành sự thật, nhưng lại theo một lý do khác.

Một hôm người thợ rèn già cùng những người ăn mày khác đến quán trọ “Lò Than Tắt”. Ông không nhớ con gái nhưng ông ngạc nhiên ở chỗ thay vì người ta chửi mắng bọn ăn mày khi cho ăn, thì ở đây người ta lại cho ăn súp thật béo, hơn nữa còn cho thêm một chén rượu xa-kê hảo hạng. Lòng thương người đối với giới ăn mày ở đây

làm cho ông càng nhớ đến con gái dễ thương và có lòng nhân ái y như bà chủ quán trọ này. Chính lúc đó ông mới thấy cái từ “dễ thương” có ý nghĩa với một người đàn ông nghèo nàn mệt nhọc và đang gặp cảnh khốn cùng như thế nào, và ông hối hận vì đã hành động một cách thiếu suy nghĩ.

Akikô khốn khổ của tôi ơi, nó đã ra sao rồi? Có phải nó cũng đi lang thang khắp nơi ăn xin khốn khổ như ta, hay là nó đã chết rồi không biết? Ông già thở dài, nước mắt chảy ròng ròng xuống má.

Akikô phục vụ khách không xa những người ăn mày, nhưng vì tình cảm sâu đậm đã đưa cô đến chỗ những người nghèo khổ rách rưới này. Nhất là người ăn mày già mà cô thấy quen quen – cuối cùng cô cũng nhận ra cha mình. Cô ngần ngại một hồi lâu không dám đến nhận ông, vì cô cứ nghĩ đến những nỗi khổ trước đây của mình, nghĩ đến những lời ác độc mà cha đã nói khi đuổi cô ra khỏi nhà. Nhưng, khi thấy nước mắt hối hận của ông già rơi xuống vì nhớ con, cô lại quên hết lỗi lầm của cha, và cô đến gần ông, nói:

– Cha, cha đừng khóc nữa. Con là Akikô của cha đây.

Akikô, con gái của ta, ông thợ rèn khóc nức nở. – Con thấy trời đã trừng phạt cha vì tội bất công với con ra sao rồi!

Akikô gọi chồng ra, rồi cả ba đều khóc, kể chuyện cho nhau nghe. Ông già thợ rèn ở lại sống với con gái và con rể, họ sống hạnh phúc sung sướng. Và sau này, ông già thường kể cho các cháu nghe chuyện của ba mẹ chúng và quán trọ “Lò Than Tắt”.