TP HCM, ngày 22 tháng 9 năm 2011
Gửi con, thiên thần nhỏ của cô!
Sáng nay thời tiết Sài Gòn lạ lắm! Cái không khí se se lạnh hiếm có nơi đây lại cho cô cảm giác yên bình đến khác thường. Vẫn như mọi hôm, cô tranh thủ dậy sớm, nhấm nháp ly càfe và kiểm tra mail trước khi đến lớp. Mail mới. Nhỏ bạn thân gửi cho cô đề bài cuộc thi: “Hướng về biển đảo quê hương” do trường tổ chức. Cô đảo mắt nhanh nội dung và trong phút chốc ánh mắt cô đột ngột dừng hẳn tại hai chữ “Trường Sa” cũng là hai chữ kết thúc của đề. Bao kỉ niệm trong cô lại ùa về. Những kỉ niệm về con, về cô trò mình. Cô buồn. Và cô nhớ con!
Ba tháng. Ba tháng của một chuỗi ngày cô sống trong hoài niệm!...
Cô gặp con vào một ngày nắng nóng “thường trực” ở Sài Gòn, ngay sau khi cô đồng ý giúp mẹ con làm gia sư cho con. Gương mặt lanh lợi có pha một chút tinh nghịch của con đã cho cô ấn tượng thật đẹp về cô học trò mới lên 9 của mình. Con kéo cô vào nhà, mời nước như một người lớn thật thụ. Cứ thấy con chúm chím cười, miệng thì không ngừng hát vang những câu hát: “…chú ơi chú, chúng cháu hát, bài hát quê hương. Gửi theo những chuyến tàu đi xa…”, những câu hát con yêu say đắm mà cho dù có thắc mắc cô cũng không thể biết lí do!
Nhưng, rồi đến một ngày, cái thắc mắc “to tướng” ấy trong cô được tháo gỡ…
“Đơn giản lắm cô à! Chỉ vì con yêu Trường Sa thôi!” Con biết không? cô vẫn còn nhớ như in câu trả lời đầy hãnh diện của con khi cô gặng hỏi. Con nói với cô rằng: tình yêu Trường Sa trong con cứ lớn dần kể từ ngày con được tình cờ nghe bài hát: “Gửi chú hải quân” của nhạc sĩ Hoàng Ngọc Oanh. Thực sự lúc đó cô chẳng dám tin đâu. Cô đã nghĩ con còn quá bé!
Tình yêu Trường Sa trong con không trừu tượng, không quá lớn lao, kì vĩ. Đó đơn giản chỉ là tình cảm của một cô bé dành cho các chú hải quân ở tận đảo xa; là niềm vui, sự hân hoan khi một ngày nào đó con được đặt chân ra thăm các bạn cùng trang lứa. Nhưng con biết không?, chính tình yêu chân thành và mộc mạc đó của con đã truyền lửa cho cô. Cô biết Trường Sa – mảnh đất anh hùng, nơi có những con trai tôi luyện những viên ngọc quý cho Tổ quốc. Nơi hòa mình vào biển xanh bao la của quê hương mà gồng gánh bao khó khăn, vất vả. Nơi có lòng yêu thương, sự sẻ chia của cả dân tộc. Nơi có những con người mang lòng tự hào mà vươn vai với bạn bè quốc tế. Nơi có tình yêu của cô trò mình.
Con viết cho các chú hải quân những lá thư thật dài, và con làm theo cách của con, gấp chúng thành những chiếc thuyền, thả trôi xuống dòng sông cạnh nhà. Con gửi vào đó biết bao tâm tình và con nhờ dòng nước mang hộ tất cả ra biển Đông, vượt mấy trăm hải lý để đem hơi thở của con hòa chung với sự gian nan, cực khổ của mọi người.
Một ngày tình cờ bất gặp khuôn mặt hớn hở của con. Cái khuôn mặt khi con chìa đôi bàn tay nhỏ xíu ôm trọn lấy những viên đá đủ loại mà mình nhặt được ra trước mặt cô và thủ thỉ: “Cô ơi! Con sẽ nhặt thật nhiều đá để gửi cho các chú hải quân. Con cũng sẽ góp đá xây Trường Sa cô nhé!”. Ôi! Cô học trò bé nhỏ của cô. Cô khóc. Con đã thực sự làm cô cảm động bằng sự chân chất, thật thà của mình. Con à! Con có biết Trường Sa còn được xây bằng xương, bằng máu, bằng cả tuổi thanh xuân và những cuộc đời; nó còn được xây bằng tình yêu quê hương đất nước của dân tộc, và tất nhiên trong đó không thể thiếu một phần tình yêu của con.
Thời gian được hạnh phúc bên con trôi qua nhanh chóng. Hè đến. Cô quay về với gia đình, với người thân mang theo câu chuyện lí thú về cô học trò bé nhỏ của mình. Hẹn con một tháng sau cô trò mình sẽ gặp lại nhau. Nhưng…
Con và gia đình chuyển nhà. Con không cho cô cơ hội để được tiếp tục bên con, không cho cô lí do vì sao con đi nhanh đến như vậy, chỉ biết món quà quê cô mang cho con cứ vậy tụt khỏi tay cô. Cô đứng chết trân tại chỗ và chỉ kịp hoàng hồn lại khi bác hàng xóm khẽ trao cho cô lá thư con gửi lại. Những con chữ đều đặn chạy trước mắt cô cứ nhòa dần, chỉ còn đọng lại trong cô là dòng chữ con nắn nót: “Trường Sa đã gắn kết cô và con lại với nhau. Con sẽ mãi yêu cô như yêu Trường Sa!”
Và giờ đây cô cũng sẽ làm theo cách của con. Cô sẽ gấp lá thư này thành một chiếc thuyền nhỏ và nhờ dòng nước mang nó đến cho con. Có thể lá thư này chẳng đến được với con nhưng biết đâu trên đường đi nó lại gặp những lá thư dài ngoằn con viết cho các chú hải quân. Và nó sẽ giúp cô trò mình mang tất cả tấm chân tình này đến các chú ấy, mang cả những câu hát yêu thương của con nữa!...
“Biển dập dờn, nhấp nhô sóng biếc
Theo con tàu của chú ra khơi
Chú hải quân đêm ngày canh giữ biển
Cho quê hương mãi mãi yên bình…”
Mong gặp lại con – cô bé “Trường Sa.”
_____________________________
Đàm Hạnh