Trường An Loạn

Chương 6

Sáng
sớm hôm sau, tôi bước ra phố liền phát hiện thành Trường An có lệnh giới
nghiêm. Giới nghiêm tức là tất cả cửa hàng cửa hiệu đều phải đóng cửa, mọi
người không được ra khỏi nhà, không được phép ra vào thành, ai nấy phải ở yên
một chỗ. Trên đường chỉ có quan binh và một số người có việc quan trọng đi lại.
Tôi và Hỷ Lạc tì người lên cửa sổ nhìn ra ngoài. Hỷ Lạc hỏi tôi: Huynh đang
nghĩ gì vậy?

Tôi
nói: Nghĩ xem lát nữa đi lấy kiếm thế nào, có khi chúng ta bị lừa cũng nên.

Hỷ Lạc
nói: Muội cảm thấy huynh đã khác trước rồi.

Tôi
nói: Không thể nào. Chưa trải qua việc lớn nào thì làm sao đã khác trước được.

Hỷ Lạc
nói: Huynh khác so với hồi ở trong chùa.

Tôi
nói: Thực ra vẫn thế thôi.

Hỷ Lạc
nói: Huynh vẫn đau đáu với thanh kiếm đó, dù sao kiếm cũng chỉ là một thứ ngoại
vật thôi mà.

Tôi
nói: Huynh cảm thấy, khác với lời đồn đại, chúng ta là những người như nhau
thôi, có thanh kiếm đó bên mình, bản thân cảm thấy rất an toàn.

Hỷ Lạc
nói: Thì ra huynh cũng cần cảm giác an toàn.

Tôi
nói: Đúng thế, có thể nghĩ thế này, những người khác thực sự bạo dạn ra đường.
Còn huynh thì luôn cảm thấy mình là người tốt, sư phụ thì suýt bảo huynh là
chúa cứu thế, nhưng bản thân huynh hiểu rõ nhất chuyện gì đang xảy ra.

Hỷ Lạc
nói: Vậy lúc nào thì chúng ta đi lấy kiếm?

Tôi
nói: Ngay bây giờ.

Dọc
đường suôn sẻ, không bị quan binh ngăn chặn, tới căn nhà ở ngã rẽ, chúng tôi
đẩy cửa bước vào. Phát hiện trong nhà không một bóng người, tôi và Hỷ Lạc liền
kiếm tìm khắp chỗ, vẫn không thấy còn lại một thứ gì. Trong lòng tôi bất chợt
cảm thấy hẫng hụt. Tìm lại một lượt, phát hiện thanh kiếm ở đầu giường ông lão,
trên kiếm có khắc một dòng chữ, tôi và Hỷ Lạc cũng lúc cảm thấy có lẽ dòng chữ
đó đại loại sẽ là những câu kiểu như “giang hồ hiểm ác, thùy
chủ phù trầm”, ai ngờ nhìn kỹ lại thì là: Ta
đi một chuyến, gặp lại nhau sau.

Chúng
tôi vừa ra khỏi cửa lập tức vướng phải phiền phức, chạm mặt ngay hai tên quan
binh đang đi tuần đơn lẻ, trông thấy chúng tôi, họ đột nhiên thay đổi sắc mặt,
đoạn tiến lên chất vấn: Ngươi có biết ra đường không được cầm kiếm không hả,
giờ có lệnh giới nghiêm, còn không được phép dắt theo ngựa, con này tuy là con
lừa, song cũng cùng một giống, ngươi phải đi cùng chúng ta một chuyến rồi.

Tôi nói
rõ lý do tới đây, giống như lần ở cửa thành lúc trước. Song lần này lệnh giới
nghiêm quả nhiên nghiêm ngặt, dẫu nài nỉ thế nào cũng vô dụng, tôi đành nói: Xin
hai vị nương tay, chớ cản đường, tôi biết lần này tới đây ắt sẽ bị tù năm năm,
song tôi quả có việc quan trọng.

Hai
người đó cứ cố chấp không chịu khoan nhượng.

Tôi rút
kiếm, tới mũi kiếm liền lập tức thu lại, hỏi: Đã thấy rõ chưa?

Hai
người trợn tròn mắt nhìn, không hề phản ứng.

Tôi hỏi
Hỷ Lạc, đồng thời nói: Đi thôi!

Hỷ Lạc
nói: Nói cho rõ ràng thì hơn.

Tôi
gắng lôi Hỷ Lạc đi, được mấy bước, tôi liền nói, muội quay lại xem.

Hỷ Lạc
quay đầu lại, bất chợt cơ thể của hai kẻ kia bỗng đứt làm đôi, rơi xuống đất.

Hỷ Lạc
nôn ọe tại chỗ, kinh ngạc nhìn tôi. Chúng tôi lẳng lặng quay về quán trọ.

Hỷ Lạc
chất vấn: Sao huynh lại giết người hả?

Tôi
nói: Nếu không sẽ rất rắc rối, muội cũng thấy đấy.

Hỷ Lạc
nói: Nhưng huynh có thể đánh cho họ ngất.

Tôi
nói: Vậy thì đến khi họ tỉnh dậy, chúng ta muốn chạy trốn cũng không thoát
được.

Hỷ Lạc
nói: Bất kể thế nào, sau khi cầm thanh kiếm này huynh cũng đã khác trước.

Tôi
nói: Hỷ Lạc ơi, không phải vậy, giờ tình hình của ai cũng nguy hiểm cả, bên
ngoài giới nghiêm, chắc chắn đã có chuyện lớn xảy ra, huynh đoán huynh đệ Thiếu
Lâm ở các núi khác đã tập hợp lại báo thù rồi.

Hỷ Lạc
tới trước quầy nghe ngóng, tên tiểu nhị nói, không biết đã xảy ra chuyện gì,
chắc là có liên quan tới các bang phái. Trong dân gian quả có rất nhiều bang
phái, các phải nhỏ thì nhiều vô kể, kết bè kết cánh cũng nhanh hơn sức tưởng
tượng, ví như vụ thỏ và dưa hôm trước, trong chốc lát đã có hai bang phái. Phái
nhỏ không nói làm gì, phái vừa có bảy tám bang, bốn năm giáo đoàn, do triều
đình trước nay không cai quản, cho nên số người ngày một đông lên. Bang phái
lớn hơn một chút có Thiếu Lâm và Võ Đang, một bên Phật giáo một bên Đạo giáo,
sở dĩ trở thành bang phái lớn là bởi sau lưng có chỗ dựa tinh thần. Sự khác
biệt ở Phật và Đạo là ở chỗ, bên Phật thì nếu anh đánh chết tôi tức là anh đã
siêu độ cho tôi, còn bên Đạo, nếu anh đánh tôi không chết tôi sẽ siêu độ cho
anh. Tuy nhiên trên thực tế chẳng có ai bằng lòng để người khác đánh chết, ai
cũng muốn ở lại thế gian cực khổ, bởi thế gian vẫn có cảm giác quen thuộc hơn.
Sự việc diễn biến đến cuối cùng, sự khác biệt không còn quá lớn, vả lại sau
lưng đều có sự ủng hộ của triều đình. Ngoài ra, từ xưa đã có Cái bang, tức là
một bang phái do bọn ăn xin hợp thành, đám ăn xin vốn dĩ rất đông, không cần tổ
chức, trong khi trưởng lão của Cái bang tuy đức cao vọng trọng, song vẫn là một
tên ăn mày, vậy nên triều đình thường mặc kệ. Bất kể là việc gì cũng đều không
nên nghĩ nhiều, không cần thiết phải truy cứu sâu xa, bang phái này là bang
phái ăn mày tập thể, nghĩ đến đó là được, mà cũng là chính xác nhất.

Tôi cảm
thấy bên ngoài chắc chắn đã xảy ra rất nhiều việc, cần phải gấp rút ra khỏi
thành. Song khi nghĩ đến việc đã ra khỏi thành, thường lại cảm thấy trong thành
sẽ xảy ra nhiều việc, sẽ phải gấp rút quay trở lại. Hỷ Lạc nói: Hay chúng ta cứ
đợi xem sao đã!

Trong
khi chờ đợi, chúng tôi nghe được rất nhiều lời đồn đại, đầu tiên là việc ở Trục
thành bắt đầu có cuộc quyết đấu, các bang phái cần suy tôn ra một minh chủ.
Tiếp theo đó là việc sư phụ Huệ Cảnh ở chùa Thông Quảng lần trước bị thương nay
đã bị ám sát. Ngoài ra còn có lời đồn rằng hành vi của Võ Đang đã xúc phạm tới
trời, Quá Sa đã bị chôn vùi trong bão cát, vân vân. Lời đồn kỳ quái đến mức nào
cũng có. Nghe nói có người đã bắt đầu tích trữ lương thực. Tôi và Hỷ Lạc vẫn
quyết định rời thành là tốt hơn cả.

Cũng
may, lệnh giới nghiêm trong thành đến trưa là kết thúc. Tôi và Hỷ Lạc đi ra cửa
đằng Tây, phát hiện thấy có hai con đường, một đường tới Trục thành, một đường
tới Tuyết Bang. Tuyết Bang là một thành trì nổi tiếng cách Trường An mấy trăm
dặm về phía Bắc, vì gần tới biên giới nên rất nhiều bang phái lớn nhỏ đóng chốt
ở đây, nghe nói Võ Đang gần đây cũng chuyển tới đó. Có thể đoán rằng nơi đó đã
trở thành nơi ma quỷ tác oai tác quái. Bên cạnh Tuyết Bang là A Vệ Liêu, trước
vốn không thuộc Trung Hoa, về sau chẳng biết thế nào lại sát nhập vào bản đồ
mặc dù còn chưa động tới binh đao. Nay thì A Vệ Liêu là nơi trọng binh của
triều đình đóng quân, ngoài Trường An. Đây là nơi chúng tôi chưa từng tới, còn
Trục thành gần như không còn nghĩa lý gì nữa.

Vậy
thì, tới A Vệ Liêu để làm gì? Tôi luôn cảm thấy sứ mệnh của mình là báo thù cho
Thiếu Lâm, nhưng dường như mối thù đó tức khắc đã được báo trả, song có lẽ
không đơn giản như vậy, tóm lại tôi thấy vẫn chưa đủ, cần phải làm tiếp.

Con Lép
sau một thời gian cọ xát với thực tế, xét về phương diện tốc độ và độ bền bỉ,
nó đều có những tiến bộ đáng kể, vả lại còn học được cách giao tiếp với con
người, nó cứ chớp chớp mắt nhìn, với bộ dạng như thể sắp bị bắt nạt khiến Hỷ
Lạc yêu nó vô cùng. Tôi nghĩ việc tôi giết một lúc hơn bốn mươi người ở Quá Sa
chắc hẳn chưa được điều tra rõ ràng, hoặc giả triều đình có cách suy tính
riêng, bằng không nhóm ba người chúng tôi một lừa một trai một gái chắc chắn đã
bị tra hỏi cả vạn lần từ lâu rồi. Tôi nhớ lại vụ việc hai chiếc tiêu kỳ lạ
phóng về phía chúng tôi lúc ăn cơm lần nọ, đã gây sát thương cho người khác,
song đến giờ vẫn chưa rõ tình hình, vả lại quan binh dường như không suy xét
việc này, gần đây triều đình như thể đang bận bịu xử lý một cơ số việc riêng,
chỉ nghĩ đến thôi cũng đã thấy sợ.

Chúng
tôi đi chầm chậm tới Tuyết Bang, nơi mỗi lúc một lạnh. Hỷ Lạc chỉ muốn di
chuyển theo thời tiết, còn tôi thì chẳng có yêu cầu gì, dường như tôi lại thích
di chuyển ngược lại, ví như mùa đông thì đi lên phía Bắc, mùa hạ lại rời xuống
phương Nam là nơi không được coi trọng mấy, có lẽ bởi phía Nam giáp với biển
cả, chắc không còn đất đai gì nữa, trong khi phía Bắc cương thổ tựa hồ vẫn rất
bao la, không biết rốt cuộc xa xôi đến nhường nào, mười lăm năm trước triều
đình từng có một tiểu đội định thăm dò bí mật của miền cực Bắc và khả năng mở
rộng biên cương, hoàng thượng chờ đợi tin tức từ đoàn người ngựa đó, thế rồi
mười lăm năm qua đi, họ vẫn chưa quay lại, việc ấy thực sự khiến người ta cảm
thấy thần bí. Đi về phía Tây, với những mạch núi cắt ngang, đã tới tận cùng réo
dắt, mọi người đều cho rằng đầu phía đó là ranh giới giáp với trời, bởi địa thế
cao dần, cao đến mức không có đường thông tới, lại càng chẳng có ai đặt chân
đến được, muôn ngọn núi ngăn trở, tựa hồ vô biên vô tận, vả lại khác với Trung
nguyên nơi mỗi ngọn núi đều có thể ước tính được cao thấp, các ngọn núi ở đó
đều có tuyết trắng ôm đỉnh, rất khó ngước trông, lại hết sức choáng ngợp, cho
nên hẳn là giới hạn giữa trời và đất.

Song
xét trên góc độ quân sự, không thể nào vì giới hạn giữa trời và đất mà coi như
xong chuyện, nhất định phải thăm dò, cho dù là phân giới của trời đất, mọi
người cũng đều rất muốn biết xem ở đầu đó rốt cuộc thế nào. Đoàn người ngựa ra
đi mười lăm năm trước, có lẽ vì vậy mà vẫn chưa thể quay về. Điều đó chứng tỏ,
mặt quân sự phía này về cơ bản có thể yên tâm, ngay đến người đi còn không thể
quay lại, huống hồ là quân đội xâm lược. Vậy nên mối họa tiềm tàng chính là
phương Bắc. Các thành trì ở phương Bắc nhìn chung đều có xu hướng to lớn, tường
thành cũng cao, chú trọng vào tính dễ phòng thủ, khó tấn công. Song có một việc
tôi vẫn chưa thể hiểu rõ được, vì sao nhất định cứ phải đánh hạ từng thành một,
thảng như có đủ binh lực, đánh thẳng một mạch vào Trường An chẳng phải xong
luôn sao? Trong khi phần lớn binh lính đều trấn giữ ở các thành trì khác.

Không
biết có phải do tác dụng tâm lý hay không, dọc đường tôi cảm thấy mỗi lúc một
lạnh. Hỷ Lạc nói, trời đã vào đầu đông rồi. Giang hồ thì chắc chắn không yên
bình như trước nữa, bởi dọc đường đi của chúng tôi đều rất yên bình, điều đó có
nghĩa là mọi người đều đang bận việc chính. Hỷ Lạc của tôi thì chẳng hiểu gì,
bản thân tôi lại không có người bạn giang hồ nào cả, cho nên không thể dò la
được tin tức, mọi việc đành gác lại chờ sau khi đến Tuyết Bang.

Mất mấy
ngày mơ mơ màng màng, đi ngang qua rìa sa mạc, ngang qua núi thẳm gò hoang,
ngang qua thôn làng hẻo lánh, ngang qua rừng sâu nước độc, ngang qua thị trấn
xác xơ, ngang qua đình chùa xiêu đổ, song chẳng biết có phải đường tới Tuyết
Bang hay không. Chúng tôi đã hỏi rất nhiều người đi đường, họ đều nói chỉ biết
phương hướng đại khái, chưa từng đi tới Tuyết Bang, bởi võ công không đủ cao
cường.

Hỷ Lạc
hỏi tôi: Sao huynh không nghĩ tới việc đi tới các ngôi chùa khác nhỉ, ví dụ như
chùa Huệ Tĩnh ở phương Nam, chùa Quảng An gần Trường An, toàn những ngôi chùa
lớn cả.

Tôi
nói: Huynh từng nghĩ rồi, nhưng tới đó làm gì chứ?

Hỷ Lạc
nói: Cũng phải, huynh có thể nhờ họ giúp tìm các vị sư phụ, hoặc giả hỏi xem có
biết tung tích phương trượng hay không.

Tôi
nói: Ở chỗ họ, muội và huynh chỉ là đệ tử thôi, những việc này có hỏi cũng
không rõ, huống hồ biết bố trí muội thế nào đây?

Hỷ Lạc
nói: Vậy không tới đó nữa.

Tôi
nói: Đúng, tới Tuyết Bang chắc sẽ biết thêm được rất nhiều việc.

Tuyết
Bang.

Tôi rất
lấy làm kinh ngạc khi chúng tôi lại đến được Tuyết Bang, hơn nữa tường thành ở
Tuyết Bang còn cao chót vót, hơn thành Trường An rất nhiều. Bên ngoài tường
thành chỗ cổng vào dán đầy những tờ cáo thị truy nã, phải đến hàng trăm tờ, Hỷ
Lạc nói: Đi, ra xem có huynh không.

Tôi
bước lên trước nhìn, thì ra những tờ giấy truy nã này trông tưởng loạn, nhưng
trên thực tế rất có quy củ, kẻ phạm tội nặng nhất được dán ở trên cùng, đọc từ
dưới lên, trang đầu tiên được viết thế này.

Đàn
ông, không rõ danh tính, nguồn tin cho hay, y cao chừng sáu thước, diện mạo
không rõ, mang theo một thanh loan đao cán lớn, trên đao có xâu một vòng sắt,
trên vòng sắt trổ một đôi uyên ương, cán đao làm bằng gỗ, sắc gỗ đen, có một
vết nứt, lưỡi đao có răng, tổng cộng một trăm linh năm răng, đao dài ba thước.

Vào
giờ Tý tiết Thu phân, y tới thôn Nhị Man trêu cợt hai nữ tử (từ “hai” có một
gạch chéo) Diêu Tú Hoa, mẹ Tú Hoa phát hiện, nói với bố Tú Hoa, bố Tú Hoa cầm
cây gậy gỗ đuổi theo, y rút đao chém loạn, đoạn dân làng phát hiện, y liền cướp
đường đào tẩu, đồng thời tiện tay cướp một con gà giống của nhà Tú Hoa, một con
gà giống của nhà Diệu Tam Căn, hàng xóm của Tú Hoa, mối ẩn họa thậm lớn, mong
những người biết tung tích báo quan.

Tôi và
Hỷ Lạc đứng ngây ra đọc, nín lặng cười thầm. Về sau án này nghe đồn không tìm
thấy người song lại tìm thấy thanh đao, bồi thường cho nhà Tú Hoa, song bởi
Diêu Tam Căn cũng mất gà, nhà Tú Hoa được đao mà Diêu Tam Căn lại không được
gì, cho nên không phục, định kiện lên quan. Sau đó quan phán cho Diêu Tam Căn
được sở hữu vỏ đao, Diêu Tam Căn vẫn không phục, cảm thấy hai nhà đều mất gà
như nhau, vì sao nhà Tú Hoa được đao còn nhà tôi chỉ được vỏ, ai ngờ quan mắng
ngay tại chỗ, rằng khuê nữ nhà ngươi chưa bị sờ soạng, khoản bồi thường đó là
bồi thường về việc mất danh dự, chứ không phải bồi thường vì mất gà. Về sau hai
nhà trở mặt, không qua lại với nhau nữa.

Đó là
việc nhỏ, càng lên trên cao tình hình càng nghiêm trọng hơn, song đều thuộc vụ
án đã hủy bỏ, bởi đầu giấy đều đánh gạch chéo màu đỏ.

Đàn
ông, họ tên Diêu Cần Thọ, mặt có hai nốt ruồi, lông mày rậm, mắt nhỏ, mũi rộng,
môi dày, cao sáu thước năm, ngực có vết thẹo, dài một tấc.

Y
sát hại gái lầu xanh đứng đường là Đào Hoa, cô gái số 6 lầu Vọng Xuân, dung mạo
đẹp, tận tình, tài nghệ tốt, biết đánh đàn, mặt mũi sáng mịn, lông mày lá liễu,
mắt to, mũi thuôn nhỏ, đôi môi anh đào. Thủ đoạn của y tàn nhẫn, dùng ám khí.
Có võ công nhất định. Đề nghị người biết tung tích báo quan. Nếu thông tin xác
thực, ma ma phòng số 3 lầu Vọng Xuân bằng lòng khuyễn mãi mười đêm xuân miễn
phí, không cần gọi số, tùy chọn bất kỳ cô nương nào rảnh rỗi.

Do điều
kiện hấp dẫn, vụ này nghe nói có rất nhiều người trình báo, chỉ cần phù hợp với
một số miêu tả về diện mạo của người đàn ông như lông mày rậm hoặc mắt nhỏ, họ
cứ báo quan trước, dù sao báo sai cũng không bị trách tội. Vụ việc này phát
triển về sau, hễ có người cao sáu thước năm đều bị người có chiều cao khác bắt
trói lại đem báo quan, có một thời gian, những người cao sáu thước năm ở Tuyết
Bang đều không dám ra đường, chưa đi được mấy bước đằng sau đã có tiếng gọi
lại: Gớm nhỉ, thì ra ngươi là Cần Thọ, sau đó chẳng biết tại sao một toán người
lao đến trói lại. Đây là lần duy nhất, chưa từng có trong lịch sử, lợi ích của
phụ nữ được coi trọng trong xã hội này. Một người bán thân bị giết, toàn dân
đều hành động. Về sau lệnh truy nã này bị hủy bỏ, bởi nó khiến xã hội động loạn.

Tiếp
tục nhìn lên trên cao nữa, còn có cáo thị truy nã nghiêm trọng hơn:

Đàn
ông, cao tuổi, kèm một chân dung. Dung mạo như trong tranh, cao năm thước rưỡi,
người này mang theo rất nhiều ám khí, trong một đêm sát hại cả nhà ông Vương Thạch
Sơn bán đậu phụ ở phố hàng Bạc, cả thảy năm người, đồng thời còn cướp đi một số
vàng bạc. Vụ án nghiêm trọng, đề nghị người biết tung tích báo quan.

Trên
nữa còn có một lệnh truy nã:

Đàn
ông, tội phạm đã có tiền án tiền sự, kèm một chân dung. Dung mạo như trong
tranh, cao sáu thước hai, người này phạm tội đã nhiều năm. Quen dùng ám khí, ra
tay hiểm độc, trong bốn năm tổng cộng đã ám sát hơn trăm người ở Trục thành,
Quá Sa, Tuyết Bang, Vụ Lưu, Đồng Điền, mối nguy hại cực lớn, đề nghị người biết
tung tích báo quan, không được tự ý bắt, phải giữ một khoảng cách nhất định.

Hỷ Lạc
than thở, vụ này quá lợi hại. Song thấy bên trên nữa vẫn còn một tờ, liền hỏi,
tờ trên cùng kia chắc chắn ghê gớm hơn, huynh xem xem đó là ai?

Tôi
kiễng chân nghển cổ nhìn, rất muốn xem tờ trên cùng thế nào, song cố gắng nhìn
mãi, cuối cùng đành phải cụt hứng nói với Hỷ Lạc: Thực sự không thể cố được,
bức tường này thẳng quá, dán quá cao, huynh chẳng thế trông thấy gì cả. Lẽ ra
phải dán ngược lại, không thể để tay trộm gà được dán dưới cùng được.

Hỷ Lạc
nói: Ai mà biết được, chắc những thứ quan trọng thường hay ở chỗ cao mà, kẻ đó
có khi giết phải đến nghìn người, thôi chúng ta vào thành đi!

Tôi và
Hỷ Lạc vội vã vào thành, tìm một lữ điếm trọ lại. Tôi phát hiện thấy Tuyết Bang
không hề hỗn loạn như tôi tưởng tượng, ở đây dường như rất có trật tự, phía xa
xa thấp thoáng có thể thấy một ngọn cô sơn dính phủ đầy tuyết.

Những
người vào thành dường như không bị kiểm tra, bầu không khí ở đây hoàn toàn khác
so với Trường An, tựa như chưa hề xảy ra chuyện gì cả, khác với lời đồn đây là
nơi các bang phái đóng quân. Song tôi nghĩ, các bang phái lớn cũng giống như
Thiếu Lâm, họ sẽ không đóng quân trong thành, triều đình mà ngứa mắt, muốn diệt
họ thì chỉ cần đóng cửa thành lại là xong, người bên trong không thoát ra được
mà huynh đệ bên ngoài cũng không vào được. Tương truyền Võ Đang cũng ở trong
một đạo quán trên đỉnh núi gần Tuyết Bang. Do nội quy trong chùa không cho phép
hỏi về việc này, nên tôi không biết cụ thể họ ở đạo quán nào, song tôi nghĩ
danh tiếng của nó sẽ được đồn thổi ra ngoài.

Tuyết
Bang không lớn, mất khoảng nửa ngày là có thể đi hết. Tôi và Hỷ Lạc đều ngạc
nhiên khi không thấy có bất kỳ ai giắt kiếm, dường như họ đều là những người
dân chất phác. Tôi phân vân hoài không rõ cái đám ngày thường vẫn đánh đấm loạn
xạ rốt cuộc đã đi đâu. Hay là màn đêm chưa buông xuống thì chúng chưa ló ra
hoạt động? Ở đây chẳng có chút không khí nào như lời đồn đại rằng hàng ngày
phải có mấy người thiệt mạng trên đường. Cảm giác nơi đây lại là một nơi rất
hợp để sinh sống.

Bỗng
nhiên, xảy ra một việc, một người cưỡi ngựa, lao gấp về phía chúng tôi, tình
thế y như lần trước, vẫn là Hỷ Lạc đang đứng ở giữa đường, tôi băn khoăn chẳng
hiểu sao cô nàng cứ nhất định phải đứng giữa đường, thế rồi tôi quơ tay kéo Hỷ
Lạc sang một bên, vốn dĩ bản thân tôi có thể nhẹ nhàng lánh ra, song tôi phát
hiện tên cưỡi ngựa đó rõ ràng thấy sắp đụng phải người đi đường mà vẫn không hề
có ý ghìm ngựa, hơn nữa con ngựa đó còn nhăn mặt, lè lưỡi, phồng mũi nhằm thẳng
vào tôi lao tới, bộ dạng rất xấu xí. Tôi né sang bên cạnh, rút kiếm từ trong
tay nải của Hỷ Lạc, nện thẳng vào chân ngựa, thế là cả người lẫn ngựa cùng đổ
rầm xuống đất.


Hỷ Lạc
lao tới nói: Huynh điên rồi à! Con ngựa đó có làm gì đâu, sao huynh lại chém
phăng bốn chân nó đi?

Tôi
nói: Hỷ Lạc ơi, huynh có chém đâu. Muội xem, nó vẫn dính vào thân đấy chứ?

Con
ngựa từ từ bò dậy trước tiên.

Hỷ Lạc
nói: Muội không tin, sau mấy giây nữa chắc chắn chân nó đứt.

Tôi
nói: Hỷ Lạc ơi, kiếm của huynh vẫn ở trong vỏ mà.

Hỷ Lạc
liếc nhìn, thở phào một tiếng.

Đang
nói thì vị huynh đệ cưỡi ngựa cứ luôn miệng rên xiết trên đường. Tôi bước tới
nói: Ngươi phóng như thế nguy hiểm quá, ta cũng chẳng qua bất đắc dĩ mà thôi.

Người
đó chẳng nói chẳng rằng, cứ thế òa khóc.

Thấy
đàn ông khóc, tôi luốn cuống hỏi: Có chuyện gì vậy?

Người
đó nói: Chân ta e là gẫy rồi. Ta toi rồi.

Tôi
nói: Chân gãy thì vẫn có thể liền lại.

Người
đó nói: Ta không thể làm minh chủ của giang hồ được rồi.

Tôi
kinh ngạc nói: Có liên quan gì đến nhau nhỉ.

Người
đó nói: Chẳng lẽ người không biết?

Hỷ Lạc
cũng tiến lại gần, chúng tôi nhìn hắn, cùng lắc đầu.

Người
đó nói: Hôm nay là ngày võ lâm chọn ra minh chủ.

Tôi
hỏi: Chẳng phải có minh chủ rồi sao, Thiếu Lâm ấy?

Người
đó nói: Vụ lần trước không tính, lần này là chọn người chứ không chọn bang
phái, vả lại ngôi chùa lớn nhất của Thiếu Lâm chẳng phải đã bị giết sạch rồi đó
sao? Cũng chẳng biết do ai làm.

Tôi
nói: Vậy trận quyết chiến diễn ra ở đâu?

Người
đó nói: Ở Hạ Tuyết Sơn ngoài thành.

Tôi
nói: Ta biết rồi, ngươi dưỡng thương đi!

Người
đó nói: Ngươi muốn đi...

Hỷ Lạc
nói: Ngươi dưỡng thương đi, ngươi đi thì cũng lại có kết cục như thế này thôi.

Tôi và
Hỷ Lạc quất ngựa chạy thẳng tới Tuyết Sơn.

Chẳng
trách ở Tuyết Bang chỉ có bá tánh, thì ra đám nhân sĩ náo loạn kia đều đã tới
Tuyết Sơn tỉ thí võ công.

Dọc
đường không thấy bóng người, xem chừng tôi và Hỷ Lạc quả thực đi hơi muộn. Vả
lại chạy suốt hai giờ đồng hồ, tôi gần như tuyệt vọng, bởi ngọn Tuyết Sơn kia
trông vẫn thế, cơ hồ không có vẻ gì là đã tới gần, câu “...” có lẽ sắp ứng
nghiệm. Tuy nhiên, tôi dường như nghe thấy ở phía không xa có tiếng người nhốn
nháo, bất giác thấy hiếu kỳ lại gắng thúc ngựa tiến về phía trước, qua một cái
dốc nhỏ, tôi và Hỷ Lạc đều kêu lên kinh ngạc. Trước mắt có hàng vạn người vây
chặt một lôi đài, bên cạnh lôi đài chính là dịch trạm được gọi là Hạ Tuyết Sơn.

Hỷ Lạc
hỏi tôi: Chúng ta tới rồi à?

Tôi
nói: Tới rồi. Mau vào xem đi, hình như vẫn chưa quá muộn.

Đến
trước cổng vào được hàng rào quây kín, tôi, Hỷ Lạc và con Lép bị chặn lại, tên
gác cửa nói: Ngựa không được phép vào.

Tôi
thốt lên một tiếng “Ồ”, sau đó tiện tay cột con ngựa vào hàng rào, rồi bước
tới.

Tên gác
cửa bực nói: Không phải cột ở đây, cột ra đằng sau.

Tôi và
Hỷ Lạc dắt ngựa ra phía sau, chúng tôi lại được phen giật thót mình khi trông
thấy hàng nghìn con ngựa khác, ngoài con Lép của chúng tôi còn dễ nhận ra, các
con ngựa khác dường như chỉ có thể nhận dạng dựa vào màu sắc. Tuy nhiên chúng
đều là ngựa tốt cả.

Chúng
tôi quay lại cổng vào, tên gác cửa nói: Có vé vào không?

Tôi
nói: Không có. Ở đây còn đòi vé cơ à?

Tên gác
cửa nói: Đây là tổ chức chính quy, không vớ vẩn như bận trước, phải có vé mới
được vào, không có thì ra đằng kia mà nghe.

Hỷ Lạc
nói: Làm gì có cái lý nào đến để nghe hả ông anh, chúng tôi tới tham gia đả lôi
đài.

Tên gác
cửa hỏi: Ồ, đến tham dự đả lôi đài à, có vé không?

Hỷ Lạc
nói: Đả lôi đài cũng phải có vé à?

Tên gác
cửa nói: Không có thì bó tay, người muốn làm minh chủ quá đông, phải khống chế
số lượng, muốn tham gia đả lôi đài thì phải thông qua vòng sơ khảo trước đã,
sau khi đủ tư cách, cầm được vé thì mới được vào vòng trong.

Tôi
nói: Vậy tôi mua vé ở đây được không?

Tên gác
cửa nói: Không được.

Tôi
nói: Vậy cứ để tôi vào đã, tôi gửi anh trước một ít tiền được không?

Tên gác
cửa nói: Vậy lại càng không được, ngươi xem bên trong hàng bao nhiêu người, chỉ
sợ ngươi cố lao vào, bọn ta không phân biệt được ai vào với ai.

Tôi
nói: Đúng, cách hay đấy!

Nói
đoạn, tôi liền kéo Hỷ Lạc xông qua cổng, lập tức chui vào trong đám người hỗn
độn, khó khăn lắm mới lách được lên phía trước. Trên lôi đài có một lực sĩ lạ
mặt, hỏi ra mới biết là người đến từ Đông Dương, hắn chẳng biết nói câu nào để
người khác nghe hiểu được cả, không rõ nghe ngóng ở đâu biết nơi này có cuộc tỉ
thí võ công, đồn rằng hắn dò la biết được trận tỉ võ ở Trường An trước, sau đó
lên thuyền tới đây, bởi hắn nghe nói kẻ thắng cuộc trong cuộc tỉ võ này có thể
có được vàng bạc và hàng trăm cô gái trong thiên hạ. Những người bên cạnh đều
bàn tán lầm rầm, đồ rằng vị huynh đệ này liệu có nghe nhầm minh chủ thành hoàng
đế hay không.

Song
bất luận thế nào, hắn ta cũng có sức lực mà người thường không thể so bì được.
Nghe nói hắn đã đánh bại không ít người trên lôi đài, vả lại người bị bại đầu
tiên chính là nhị bang chủ của phái Phi Ưng, được gọi với cái tên Thiết thạch
xuyên vô địch thoái – Ngô chột.

Tôi
kinh ngạc hỏi: Ngay cả Ngô chột cũng bị đánh rớt rồi sao?

Ngô
chột là vị nhân sĩ giang hồ tôi thường nghe nói tới, từ nhỏ đã chột một mắt,
luyện võ chỉ luyện chân, luyện được đôi chân cứng chắc nhất, nhanh lẹ nhất
trong giang hồ. Bởi trước mấy ngày tôi chuẩn bị lên đường, sư phụ có nhắc tôi
một vài cái tên, bảo rằng, những người này có bản lĩnh thực sự, không nên đụng
vào. Trong đó có Ngô chột, người này căm thù Võ Đang và Thiếu Lâm, liền cùng
ông bố tổ chức ra Phi Oanh phái, có mấy chục người, nhưng tên tuổi chấn động
Tuyết Bang, ai ngờ sau đó đồn đến tai một bang phái lớn hơn là Phi Ưng phái,
phái này nghe nói có bang phái có cái tên na ná như phái mình, liền lập tức
muốn xông ra tiêu diệt, kết quả là, sau khi bắt chuyện với Ngô chột, hai người
nói chuyện hết sức hợp nhau, phái Phi Oanh của Ngô chột liền nhập vào phái Phi
Ưng, vậy nên Ngô chột trở thành nhị bang chủ.

Việc
này chứng tỏ, nhân sĩ giang hồ đều là những kẻ vô văn hóa, tên bang phái giống
nhau đâu phải ít. Thiếu Lâm và Võ Đang sở dĩ được coi là bang lớn bởi tên của
họ nghe là biết do người có văn hóa đặt ra. Ít nhất thì trong tên của hai bang
phái này không xuất hiện các loài động vật, nào là ưng, hổ, hạc, báo, ngưu
trâu, mã ngựa, thoạt nghe đã biết sẽ chẳng nên cơm nên cháo gì rồi. Đệ tử Thiếu
Lâm ngoài việc tập võ, tụng kinh, còn được truyền dạy những kiến thức sơ đẳng
như trong các trường tiểu học, kém nhất thì cũng đạt tới trình độ về cơ bản xóa
mù chữ. Bất luận thế nào, cũng rất hữu ích, bởi mấy vị đại hiệp đến sớm nhất,
nghe nói khi đi qua nơi đây đều không dừng lại. Nếu họ có thể đọc ra ba chữ “Hạ
Tuyết Sơn” treo cao trên dịch trạm này sẽ không phải băn khoăn vắt óc dưới núi
Tuyết Sơn không có lấy một bóng người kia.

Tôi bất
giác cảm thấy hiếu kỳ trước võ nghệ của vị lực sĩ Đông Dương này, đoạn nói: Anh
ta to lớn thế, lẽ nào có thể né tránh được các loại ám khí tinh hoa nhất của
nước ta?

Người
bên cạnh tôi nói: Đừng nhắc tới nữa, lần này không cho dùng ám khí, một là sợ
gây sát thương với người khác, hai là sợ cuộc tỉ thí kém thú vị, về sau sẽ
không có ai đến xem nữa. Suy cho cùng cũng phải có thu nhập để còn làm kinh phí
hoạt động chứ. Vả lại, võ công là đại tông phái, ám khí chỉ là một phân chi.
Nghe thấy bảo cuộc tỉ thí lần này phải tránh như lần trước, phải coi đại tông
phái làm trọng.

Tôi
nói: Chẳng trách, vậy lẽ nào Ngô chột không dùng cước pháp vô địch của y?

Những
người xung quanh đều là lũ lượt cảm thán: Đừng nhắc tới nữa, vì đại hội lần
này, Ngô chột hôm nào cũng dậy sớm luyện tập tới đêm, thế là tẩu hỏa nhập ma,
hôm trước đột nhiên không bị chột nữa.

Tôi và
Hỷ Lạc thốt lên: Cuối cùng thì hai mắt đều thấy rõ rồi à.

Người
kia vỗ đùi, ngậm ngùi nói: Giời ơi, mù cả hai mắt rồi.

Tôi
sững sờ, hỏi: Vậy làm sao mà lên đả lôi đài được?

Người
kia nói: Đúng vậy, đấy thì người lên đầu tiên chính là lực sĩ Đông Dương này,
người khác đều không lên, bởi thấy thân hình hắn to lớn quá, cho dù đánh thắng,
cũng tiêu tốn không ít thể lực, nội lực, vậy nên chẳng có ai lên, ai nấy đều
chờ nhau. Ngô chột không nhìn thấy gì, thế là lên đài, còn chưa chạm được vào
người ta, đã bị đánh rớt đài rồi.

Tôi và
Hỷ Lạc không ngừng chẹp miệng.

Tôi
hỏi: Vậy có còn ai lên đài nữa không?

Người
bên cạnh nói: Nhiều chứ, đánh liền tám người rồi.

Tôi
nói: Tám người. Có những ai vậy?

Người
bên cạnh nói: Những kẻ chưa có tên tuổi thì miễn bàn, múa may được mấy chiêu
rồi thằng thì rớt đài, thằng thì gãy chân tay. Có chút danh tiếng hơn thì có
Trương Hiến Long ở phái Liêu Sơn.

Tôi
nói: Trương Hiến Long tiền bối chẳng phải được gọi là Thiên hạ đệ nhất khoái
Long my bảo kiếm đó sao?

Người
bên cạnh trả lời: Đúng vậy.

Tôi lại
hỏi: Vậy sao lại thua nhỉ? Vị lực sĩ này di chuyển chậm chạp, Trương Hiến Long
lên thì tha hồ xẻo thịt, chẳng phải vậy sao?

Người
bên cạnh nói: Đúng vậy.

Hỷ Lạc
hỏi: Vậy tại sao lại thua?

Người
bên cạnh nói: Có trách thì trách cái bản thân ông Trương Hiến Long này. Ông ta
lên đài, lại nói với tên béo Đông Dương, “Ta nom ngươi không mang vũ khí, ta
cũng sẽ không dùng thanh kiếm bén nhất giang hồ của ta nữa, sẽ trực tiếp dùng
võ công của ta để lĩnh hội võ công của ngươi”. Thế rồi bị tên béo đè chết.

Tôi và
Hỷ Lạc kinh ngạc nói: Trời, chết rồi sao? Trương Hiến Long cũng có bị chột đâu,
làm sao lại để đè chết cơ chứ?

Người
bên cạnh nói: Đúng thế, có trách thì trách cái ông này quá nhiều lời, nói xong
lại còn quay xuống dưới khán đài, chắp tay nói: Tôi, Trương Hiến Long phái Liêu
Sơn, chưa nói dứt câu đã bị tên béo chết tiệt này tung chiêu Di Lặc nằm kềnh,
đè cho chết bẹp.

Tôi
hỏi: Tên này sao không có đạo đức nghề nghiệp gì cả?

Người
bên cạnh nói: Có trách vẫn chỉ có thể trách Trương Hiến Long nói nhiều, người
kia nghe có hiểu gì đâu, nói nhiều như thế người ta lại tưởng ông khiêu khích,
vậy thôi, nó xoay người đánh chết luôn.

Tôi
hỏi: Vậy sao không có vị dũng sĩ nào bước lên?

Người
đó nói: Những tên lợi hại đều muốn lên sau cùng, không thể hiển lộ bản thân quá
sớm, bằng không có chiêu thức gì đều sẽ bị người khác biết hết.

Lúc này
tôi mới nghĩ đến sự lợi hại của việc không có chiêu thức mà sư phụ từng nói.

Bấy
giờ, vị lôi quản tiến lên phía trước nói: Còn có ai muốn khiêu chiến không?

Dưới
khán đài nhao nhao tiếng nói: “Có! Có! Có!”

Song
một hồi lâu vẫn không có ai lên.

Tên béo
Đông Dương cứ đi đi lại lại trên lôi đài, đồng thời không ngừng lớn tiếng càu
nhàu.

Lôi
quản lại hỏi lần nữa: Có ai không? Không có ai thì chúng tôi tuyên bố minh chủ
nhé!

Dưới
khán đài lại nhao nhao lên: Giết nó đi!

Một
người khác nhảy lên lôi đài, nói lớn: Tôi là Vương Trung Nhân phái Võ Đang, xin
được lĩnh giáo! Nói đoạn liền giở thế võ Thái Cực quyền.

Võ Đang
sớm có Thái Cực quyền, về sau dần mở rộng, mọi đường đánh đều trở nên thành
thục, song cái ngón Thái Cực này chỉ có người tập luyện công phu mới đánh được,
học hành không đến nơi đến chốn sẽ hết sức vớ vẩn, bởi lẽ Thái Cực chú trọng
vào việc dùng nhu khắc cương, song cái gọi là nhu, nhất định phải được xây dựng
trên cơ sở cương, bằng không đàn bà con gái đầu đường cuối phố đã đều tập Thái
Cực rồi. Vương Trung Nhân trong Võ Đang thuộc hàng nguyên lão, là một trong
những bậc thầy cấp cao của tất cả học trò, quyền cước xuất quỷ nhập thần, nên
đương nhiên không hề dè sợ tên tiểu sinh văn nhược này.

Nói
đoạn, anh chàng kia liền dùng một quái chiêu, chiêu thức chỉ có phái Nga My mới
có, Vương Trung Nhân không chú ý, bị dính một trảo, bất giác lùi sau ba bước.

Mọi
người kinh ngạc, rì rầm chỉ trích chàng trai trẻ tuổi nói năng hàm hồ, y rõ
ràng là người của phái Nga My, chàng trai nghe thấy vội giở thế Thái Cực, mọi
người lại kinh ngạc, không thốt ra lời nào nữa.

Công
lực của hai người gần như ngang cơ, khó phân cao thấp, khó có thể ức đoán, lúc
này, Vương Trung Nhân quát: Chắc chắn ngươi đã từng học ở Võ Đang.

Chàng
trai nói: Chưa từng, tại hạ chỉ cần nhìn là biết.

Vương
Trung Nhân nói: Nói láo, trọng tâm của Thái Cực là tâm thuật, tâm thuật không
thể học được.

Chàng
trai nói: Tại hạ thấy, tất cả võ công đều nằm ở độ nhanh chậm, tâm thuật là thứ
vô dụng.

Dưới
khán đài lại nhao nhao lên nói: Nói ít thôi, mau đánh nhau đi!

Hai
người quyết định dùng binh khí. Điều khiến mọi người kinh ngạc là, anh chàng
kia quyết định sử dụng côn Thiếu Lâm. Dưới khán đài một lần nữa bị kinh động.
Màn múa kiếm của Vương Trung Nhân quả không tồi, song vì một thời gian dài dạy
dỗ học trò, nên đã hình thành nên một thói quen không tốt, cứ sau mỗi chiêu
khó, ông ta lại dừng lại xem học sinh có thấy rõ hay không. Nhân sơ hở đó,
chàng trai vô danh lập tức nện cho ông ta ngất lịm. Mọi người đều hết sức
thương tiếc, song điều này chứng tỏ Vương Trung Nhân thực sự là một người thầy
giỏi từ trước tới nay đều không giành được thắng lợi trong các cuộc thi đấu
chính thức.

Sau đó
một học trò của Vương Trung Nhân lại nhảy lên, song chưa được mấy chiêu đã bị
đánh rớt xuống. Mọi người đều chờ đợi cao thủ thực sự xuất hiện.

Đột
nhiên, một luồng sáng đen bay vụt lên từ trong đám đông, vọt lên cao quãng sáu
trượng, nhảy thẳng lên lôi đài.

Tôi
chợt nhận ra, người đó, chính là sư phụ Huệ Nhân, vị sư phụ nổi tiếng nhất của
chùa Thông Quảng thuộc Thiếu Lâm.

Người
đã khơi dậy ký ức của tôi.

Hồi tôi
còn nhỏ, sư phụ Huệ Nhân chùa Thông Quảng thường tới chùa chúng tôi truyền dạy
tâm kinh. Bấy giờ mọi người đều được truyền dạy kỹ, bởi võ công của Huệ Nhân sư
phụ có thể coi là đại diện cho đẳng cấp cao nhất của võ công Thiếu Lâm, bất kể
quyền pháp, thoái pháp, côn pháp sư phụ đều tinh thông. Bấy giờ ở Trường An,
người thay mặt cho Thiếu Lâm ra nghênh chiến chính là Huệ Cảnh, đồ đệ của Huệ
Nhân sư phụ. Thiếu Lâm xưa nay đều cảm thấy xét về mặt võ công, Võ Đang quả
thực không thâm hậu, vậy nên mấy vị cao thâm lợi hại nhất đều không lộ diện. Ai
ngờ, lần này Thiếu Lâm xảy ra đại sự, đã bức vị sư phụ Huệ Nhân cả đời đạm bạc
này tới đây.

Công
phu nổi tiếng nhất trong giang hồ của sư phụ Huệ Nhân chính là khinh công.
Chúng tôi từ nhỏ đã được nghe nói đến, khinh công của sư phụ Huệ Nhân có thể
nói là chỉ cần nhún nhẹ chân, tòa lầu ba tầng tối với sư phụ chỉ là chuyện nhỏ.
Vậy nên chúng tôi rất hiếu kỳ về việc này, luôn bám riết sư phụ đòi học khinh
công, song đều không được toại nguyện, có lẽ do chúng tôi không đủ nhẹ. Sư phụ
tôi thường bảo với tôi rằng không có thuật khinh công đâu.

Song
tôi và sư huynh Thích Không vẫn tin chắc rằng khinh công có thật.

Nhắc
đến sư phụ Huệ Nhân là nhắc tới khinh công, trong giang hồ thì đồn đại ông chỉ
cần nhún chân một cái thì nhảy được độ cao tương đương ba tầng lầu là chuyện
nhỏ.

Rồi đến
một ngày, cuối cùng tôi cũng lấy hết dũng khí hỏi sư phụ Huệ Nhân xem có phải
như vậy không.

Sư phụ
Huệ Nhân cười ha hả nói: Đúng vậy. Họ nói không sai đâu.

Tôi
hỏi: Vậy sư phụ mất bao lâu thì nhảy lên được ạ?

Sư phụ
Huệ Nhân xua tay nói: Ồ, ý ngươi là nhảy lên à, ý ta là nhảy xuống là chuyện
nhỏ, nhảy xuống thì rất nhanh, vù một cái là xuống thôi, song phải tĩnh dưỡng
ba tháng mới nhảy được một lần.

Việc
này khiến giấc mộng khinh công thủa nhỏ của tôi tiêu tan, song sư phụ Huệ Nhân
quả thực chân nhẹ như chim én. Ông cũng là một vị nhân sĩ được truyền tụng
trong giang hồ, vậy nên vừa lên lôi đài đã khiến mọi người xung quanh ào ào bàn
tán.

Anh
chàng kia vừa thấy sư phụ Huệ Nhân lập tức gập người, nói: Tại hạ từ nhỏ đã xem
trưởng lão luyện võ, dạy võ, tự biết không phải đối thủ của tiền bối, nên xin
được chịu thua.

Chàng
trai lập tức nhảy xuống khỏi lôi đài. Hỷ Lạc nói: Anh ta quả là người thú vị.

Sư phụ
Huệ Nhân nói: Lão nạp tin rằng, mọi người cũng đều biết, Thiếu Lâm xưa nay
không gây thù kết oán, song lại bị tiểu nhân hạ độc thủ, nếu có đảm lược, lão
nạp hy vọng họ lên cả đây, lên cùng một thể cũng được.

Sư phụ
nói vậy, một hồi lâu không thấy ai bước lên.

Sư phụ
Huệ Nhân không ý thức được rằng, ông nói như vậy, khiến những bang phái muốn tỉ
thí võ không dám lên lôi đài. Sư phụ đứng trên đó hồi lâu, rốt cuộc vẫn giống
như tay võ sĩ Đông Dương. Sư phụ Huệ Nhân nói: Đội ơn các vị nhường nhịn, lão
nạp vì muốn chấn hưng Thiếu Lâm, chỉnh đốn giang hồ, nguyện ngồi ở vị trí này.

Vừa nói
hết câu, từ phía dưới lôi đài có một người nhảy lên, mọi người nhìn kỹ lại, thì
ra là Mục Thiên Ưng, bang chủ Thiên Ưng phái.

Mục
Thiên Ưng lên lôi đài khiến tâm trạng của mọi người bị đẩy lên tột độ. Trong
giang hồ, tuy địa vị của Thiên Ưng phái chỉ ở mức tầm tầm, song Mục Thiên Ưng
đích xác là một cao thủ trong các cao thủ. Từ rất sớm Mục Thiên Ưng và Vô Linh
từng có một trận đại chiến nổi tiếng, mọi người đều biết có người chi tiền để
lấy mạng của Mục Thiên Ưng, và sát thủ cuối cùng chính là Vô Linh. Hai người
đánh nhau từ lúc sẩm tối đến lúc trời sáng, mọi người đều vây quanh xem, song
sau cùng vẫn bất phân thắng bại, chẳng ai đả thương ai. Từ đó danh tiếng của
Mục Thiên Ưng mới thật sự lẫy lừng, bởi trong lòng mọi người, những người mất
tích hoặc đi xa một cách bí mật đều không phải người thường, trong khi ai nấy
đều có ấn tượng rằng Vô Linh có thể giết chết bất kỳ ai, vậy nên qua trận quyết
chiến có thể thấy được phần nào võ công của Mục Thiên Ưng.

Hai
người đứng sừng sững trên lôi đài hồi lâu.

Chường
đầu tiên Mục Thiên Ưng phóng ra, sư phụ Huệ Nhân nhẹ nhàng né được, song đòn
thế của Mục Thiên Ưng tuyệt đối hiểm độc, bởi tôi nhìn thấy bàn tay còn lại của
hắn đang thập thò chực xỉa vào chỗ riêng tư của sư phụ Huệ Nhân. Sư phụ Huệ
Nhân dĩ nhiên phát giác ra, lập tức tóm lấy tay y, khiến Mục Thiên Ưng nhất
thời không thể rút tay về được. Nếu sư phụ Huệ Nhân không phát hiện ra mà bị
dính đòn, ông chắc chắn sẽ rất oan ức. Là bậc trưởng lão đức cao vọng trọng,
giữ nghiêm quy củ của Thiếu Lâm, chỗ ấy mà bị dính đòn, thì hoàn toàn trái với
đạo lý ác giả ác báo, thiện giả thiện báo, ít nhất trong tình huống này là như
vậy. Tuy nhiên sư phụ Huệ Nhân đã ung dung chuyển hóa thành ưu thế cho mình.

Mục
Thiên Ưng giáp lá cà liền tung một cước, sư phụ Huệ Nhân nghiêng người tránh
được, Mục Thiên Ưng tưởng sư phụ Huệ Nhân phân tán tư tưởng, liền rụt mạnh tay
lại, song phát hiện ra sư phụ Huệ Nhân vẫn bắt chặt tay y.

Người
né được, nhưng tay không né được, bởi hai tay liền một khối, Mục Thiên Ưng tiếp
tục tung một trưởng đánh vào phía cổ tay sư phụ Huệ Nhân, sư phụ Huệ Nhân liền
buông tay đánh một chưởng vào ngực Mục Thiên Ưng. Mục Thiên Ưng cũng làm một
việc trái với lẽ thường là ngay sau khi sư phụ Huệ Nhân buông tay, hắn không
rút ngay tay về mà lập tức lao tới, đánh luôn một chưởng vào ngực sư phụ Huệ
Nhân.

Hai
người đều lùi lại một bước.

Những
người dưới lôi đài đều khen một tiếng “Hay”, bởi mọi người đều không nhìn thấy
rõ.

Mà Hỷ
Lạc lại nắm chặt lấy tay tôi.

Sau
chiêu đầu tiên, hai người lại giao chiến kịch liệt với nhau ít nhất phải mấy
tuần hương. Họ tung đòn tấn công rồi phòng thủ, mỗi người một vẻ. Quyền cước
của cả hai đều cực kỳ nghiêm cẩn.

Bên
cạnh tôi có một người nói: Ngươi xem, lúc này mà không dùng quyền cước là thắng
đấy.

Tôi
nói: Đúng thế.

Người
bên cạnh lại nói: Đó là lý do vì sao ta không dạy con những thứ đó.

Tôi
nói: Vâng ạ.

Hỷ Lạc
kéo áo tôi. Tôi đang tập trung cao độ vào diễn biến trên lôi đài. Tôi hỏi: Sao
vậy Hỷ Lạc?

Hỷ Lạc
nói: Huynh xem, là ai đây?

Tôi
nói: Huynh thấy chắc Thiếu Lâm thắng.

Hỷ Lạc
nói: Không phải, huynh xem bên cạnh huynh là ai kia?

Tôi
quay sang nhìn, suýt nữa thì choáng váng, tôi thốt lên: Sư phụ! Người...

Sư phụ
tôi nói: Lâu rồi không gặp, lâu rồi không gặp!

Tôi bấy
giờ hết sức sững sờ, không nói được nên lời. Tôi luôn tin chắc rằng sư phụ
không thể nào chết được. Chủ yếu là bởi không thấy xác của ông. Tôi vội hỏi:
Phương trượng và sư huynh đâu ạ?

Sư phụ
nói: Đều ổn, mọi thứ đều ổn cả. Tránh được việc này cũng là do vô tình mà thôi,
lát nữa ta sẽ từ từ kể cho con. Hỷ Lạc, con cũng tưởng sư phụ chết rồi sao?

Hỷ Lạc
nghe thấy vậy liền khóc òa.

Trên
lôi đài Mục Thiên Ưng đã dần dần lộ rõ thế yếu. Nếu không có điều bất ngờ xảy
ra, thực lực hai bên sẽ quyết định thắng bại. Sư phụ Huệ Nhân vẫn không đổi sắc
mặt, nhẹ nhàng ứng phó.

Tôi
hỏi: Sư phụ sao lại tới đây?

Sư phụ
nói: Bởi các bị tiền bối của Thiếu Lâm đều bàn rằng sẽ quyết định một số việc ở
đây.

Tôi
hỏi: Vậy cuộc tỉ thí lần này là thế nào ạ?

Sư phụ
nói: Con cũng thấy đấy, Thiếu Lâm đã xảy ra chuyện lớn, cuộc tỉ thí lần trước
thực ra chúng ta thắng nhưng không khiến người ta tâm phục, vậy nên mọi người
đều cảm thấy cuộc tỉ thí chọn minh chủ lần này do Võ Đang phát động.

Tôi
hỏi: Vậy sao Võ Đang lại nắm chắc phần thắng đến thế ạ?

Sư phụ
nói: Ta không biết, mọi người cũng đều cảm thấy kỳ lạ. Kẻ có võ công cao cường
nhất trong Võ Đang hiện giờ chính là Lưu Nghĩa, anh ruột của Lưu Vân, tuy võ
công của Lưu Nghĩa không tồi, song thực sự hắn không thể đứng ở vị trí thứ mười
trong số mười người đứng đầu trong giang hồ được, không rõ vì sao lại phát động
cuộc tỉ thí này.

Tôi
nói: Vậy ta càng cẩn thận trọng hơn nữa.

Sư phụ
nói: Đúng vậy, đây lại là địa bàn của Võ Đang. Không biết chúng định giở trò
thế nào.

Tôi
hỏi: Vụ việc ở Thiếu Lâm, rốt cuộc do kẻ nào gây ra ạ?

Sư phụ
nói: Hiện không tiện nói, mọi người đều bảo là do Võ Đang, ta thấy sự việc
không đơn giản như vậy đâu.

Tôi
hỏi: Có một việc con cần báo cáo, khi con đi ngang qua Quá Sa...

Sư phụ
ngắt lời nói: Ta biết vụ việc đó rồi. Con có thể nghĩ rằng con đã báo thù cho
Thiếu Lâm. Song về việc rốt cuộc có phải do toàn người đó thực hiện hay không,
con chớ nghĩ nhiều thêm nữa.

Tôi
nói: Con nghe chính miệng chúng nói ra mà, ở trong tửu lâu.

Sư phụ
nói: Việc chính miệng nói ra chưa chắc đã là việc do chính tay làm.

Tôi
nói: Vậy con chẳng phải đã giết oan họ sao.

Sư phụ
nói: Cũng không thể nói như vậy. Tóm lại, cứ xem diễn biến trước mắt đã.

Nói
đoạn, Mục Thiên Ưng bị trúng một chưởng của Huệ Nhân sư phụ, miệng thổ ra máu
tươi. Dưới lôi đài lại rì rầm bàn tán. Suy cho cùng, chẳng ai muốn việc gì cũng
do Thiếu Lâm làm chủ.

Song,
dường như không có cao thủ nào nắm chắc phần thắng.

Mọi
người đều xì xào bàn tán, không biết bao giờ Lưu Nghĩa mới xuất hiện. Bởi họ
tin chắc rằng, cuộc tỉ thí võ công lần này là do Võ Đang phát động, cho nên Lưu
Nghĩa chắc chắn đã luyện được môn thần công nào rồi.

Cuối
cùng thì Lưu Nghĩa cũng xuất hiện.

Mọi
người cảm thấy đây mới là trận đấu họ thực sự chờ đợi. Còn minh chủ lần này
chắc sẽ là một trong hai người họ.

Đám đệ
tử Võ Đang dưới lôi đài reo hò vang dội.

Lưu
Nghĩa rất ít khi xuất hiện trong các cuộc đánh lộn, chủ yếu do hắn phụ trách
công việc quản lý Võ Đang. Hồi còn trẻ, hắn từng có nền tảng võ công không tồi,
song tiếc rằng dường như chưa có ai thấy được bản lĩnh thực sự của hắn.

Lưu
Nghĩa chẳng nói chẳng rằng, vừa bước lên lôi đài liền tung một cước quét đất,
sư phụ Huệ Chân nhảy nhẹ lên, quả thực như thể khinh công, ông đứng giữa không
trung một lúc, rồi mới hạ xuống mặt đắt, sau đó tung một cú xoay mình đá hậu,
nhằm thẳng giữa mặt Lưu Nghĩa.

Không
ngờ tay trái Lưu Nghĩa đỡ chân, tay phải thuận theo thế trượt xuống, đầu cúi
gập lại, vác sư phụ Huệ Nhân lên trên.

Phía
dưới trầm trồ.

Sư phụ
Huệ Nhân dường như không phản kháng lại, cứ thế cưỡi lên vai Lưu Nghĩa, không
có bất kỳ động tác gì. Nghĩ cũng phải, dù chân bạn có đá lên cao đến mức nào đi
nữa cũng không đá tới vị trí đó, vả lại chỉ cần buông tay là sư phụ Huệ Nhân sẽ
hạ người xuống.

Lưu
Nghĩa bất ngờ thuận thế chồm xuống đất, sư phụ Huệ Nhân cũng bị hất xuống, song
vẫn đứng vững trên mặt đất. Lưu Nghĩa lại tung một cú quét đất, mọi người rất
kinh ngạc, việc sử dụng cùng một chiêu thức nhiều lần quả thực không thường
thấy ở các cao thủ.

Sư phụ
Huệ Nhân lại một lần nữa nhảy vọt lên cao.

Lưu
Nghĩa tung thoái pháp ra nửa chừng liền thu lại, tay chống đất bay vọt lên
không trung, khi đối diện với sư phụ Huệ Nhân liền đánh một chưởng. Sư phụ Huệ
Nhân nghiêng người né chưởng, đẩy tay Lưu Nghĩa ra, dùng trảo phóng vào ngực y.
Lưu Nghĩa cũng nghiêng người, cả hai nghiêng người nhìn nhau trong không trung,
rồi tiếp đất cùng một lúc.

Lưu
Nghĩa lại bất ngờ tung một cước quét đất. Lần này sư phụ Huệ Nhân không né
tránh, nghĩ không thể dùng một chiêu thức đến ba lần. Cú quét đất của Lưu Nghĩa
trúng bàn chân của sư phụ Huệ Nhân, bất chợt thời gian như lắng đọng, động tác
của hai người đều dừng lại.

Mọi
người đều nín thở, muốn biết xem trên lôi đài rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.

Việc
vừa xảy ra rất đơn giản, chân của hai người đều cứng, họ đều đau nhói một hồi
lâu.

Đợi sau
khi cơn đau tan biến, Lưu Nghĩa lập tức sử dụng Thái Cực. Thái Cực là một thứ
quyền thuật rất khó mô tả, hình dung. Đến giờ vẫn chưa có một thứ quyền lộ nào
có thể khắc chế được. Song với bản lĩnh của sư phụ Huệ Nhân, chắc chắn có thể
đỡ được từng chiêu, sau khi trông thấy chiêu thức liền nghĩ ra đối sách, trong
tình huống thực chiến, đây tuyệt đối là chiến thuật hữu dụng nhất.

Trên
giang hồ có một cách nói rất thịnh hành, tôi và sư phụ đều không thật tán đồng,
đó là quyền nọ khắc quyền kia, tỉ như tôi luyện Đường Lang quyền, song nghe nói
hầu quyền có thể khắc chế được Đường Lang quyền. Điều này tuyệt đối không có
căn cứ, nếu quả thật như vậy thì giang hồ không cần phải đánh đấm nữa, dùng
miệng nói là được, hai người gặp nhau, cùng thông báo quyền pháp, sau đó người
nói ra quyền pháp kém hơn phải chịu thua. Các loại quyền pháp đều là thứ dùng
để nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, song giang hồ là nơi ganh đua tốc độ,
sức mạnh và binh khí.

Sư phụ
tôi dạy quyền thuật, cũng có bài quyền, song cùng lắm là vài ba chiêu liền
nhau, như vậy mới có thể tùy cơ ứng biến, quyền Thiếu Lâm cũng được triển khai
ra nhiều loại quyền cực ngắn. Thái Cực của Võ Đang là một bài quyền dài, càng
ngày càng không thích hợp với các trận đấu hiện đại, song may mà ám khí của Võ
Đang phát triển rất nhanh, khiến Võ Đang trở thành một bang phái sử dụng ám khí
lớn mạnh nhất trong giang hồ, vậy mà lần này bản thân học lại quy định không
được dùng ám khí, thật là khó hiểu.

Trên
lôi đài, Lưu Nghĩa không ngừng dùng các đòn ngắn tấn công, song đều bị sư phụ
Huệ Nhân hóa giải.

Hai
người đánh nhau rất náo nhiệt, nhất thời khó phân cao thấp. Song sắc mặt sư phụ
Huệ Nhân càng tỏ ra ung dung tự tại. Đột nhiên tôi hét lên “Chết rồi!”

Hỷ Lạc
và sư phụ cùng lúc hỏi tôi xem xảy ra chuyện gì.

Tôi
nói, trúng ám khí rồi.

Sư phụ
hỏi: Ám khí của Lưu Nghĩa à?

Tôi
nói: Không phải ạ, từ phía dưới phóng lên. Rất nhanh, chuẩn xác và ẩn mặt, con
suýt không phát hiện ra.

Sư phụ
gật đầu, hỏi: Có độc không?

Tôi
nói: Con không rõ lắm.

Sư phụ
liền vỗ vai tôi, nhảy lên lôi đài.

Dưới lôi
đài lao nhao mắng nhiếc, ý rằng sư phụ tôi quá nóng vội, ít nhất thì cũng phải
đợi sau khi một người xuống đã rồi hẵng lên.

Sư phụ
tôi thì thầm nói với sư phụ Huệ Nhân mấy câu. Hai vị lão nhân cùng vội vã rời
khỏi lôi đài.

Bên
dưới bắt đầu hỗn loạn.

Lưu
Nghĩa đứng trên lôi đài, tỏ ra rất khó hiểu.

Một lúc
sau, lôi quản bước lên, nói, phái Lưu Nghĩa sử dụng ám khí nên mất tư cách thi
đấu.

Lúc này
bên dưới như thể mất kiềm chế, mọi người đều nhao nhao muốn lên tra khảo lôi
quản.

Lôi
quản nói: Chúng tôi phát hiện ra vết trúng ám khí trên người trưởng lão Thiếu
Lâm, vậy nên điểm số của họ đều không tính. Đả lôi đài bắt đầu lại từ đầu.

Cuộc tỉ
thí đã diễn biến đến mức độ này, nên không có ai dám lên.

Bấy giờ
có một nam tử mặc áo dài phong độ phi phàm bước lên lôi đài, tay chống nạnh,
cúi xuống nhìn mọi người dưới khán đài.

Hỷ Lạc
kinh ngạc kêu lên: Huynh trông kìa! Vạn Vĩnh đấy!

Tôi
ngẩng lên nhìn, quả nhiên là huynh ta. Đây là lần đầu tiên Hỷ Lạc thấy rõ sự
vật trước tôi.

Vạn
Vĩnh nói: Không có ai lên lôi đài sao?

Lưu
Nghĩa phái Võ Đang không tâm phục, lại nhảy lên lôi đài hỏi mọi người phía
dưới: Tôi là người thẳng thắn, tuyệt đối không dùng ám khí sát hại sư phụ Huệ
Nhân. Vậy nên tôi vẫn đủ tư cách tham gia!

Vô số
đệ tử dưới Võ Đang dưới khán đài đều gào to: Có, có chứ!

Lưu
Nghĩa và Vạn Vĩnh cùng chạm kiến, sau đó quyết định, lần này mọi người được sử
dụng binh khí.

Còn
chưa kịp định thần, hai thanh kiếm trong chớp mắt đã lìa khỏi vỏ.

Song
tôi nhìn thấy rõ, khi kiếm được rút ra, trên thanh kiếm của Vạn Vĩnh phun ra
một vài tia nước nhỏ.

Có độc.
Tôi nói với Hỷ Lạc.

Hỷ Lạc
nói: Cái gì có độc?

Tôi
nói: Trên kiếm của Vạn Vĩnh có độc.

Hỷ Lạc
nói: Thật bỉ ổi!

Giờ
phút này tôi đột nhiên cảm nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của Hỷ Lạc đối với
bất kỳ những gì tôi nói.

Sự thật
đã chứng minh tôi nói không ngoa, chưa múa được mấy phát, kiếm pháp của Lưu
Nghĩa đã hỗn loạn, không còn ra đường hướng gì. Mọi người dưới khán đài đều cảm
thấy đúng là thiên ngoại hữu thiên. Lưu Nghĩa ít ra cũng đấu được với sư phụ
Huê Nhân không ít hiệp, vậy mà lúc này chưa đến hai hiệp đã bại dưới tay người
kia, đám đông bất ngờ hoảng hốt.

Vạn
Vĩnh nói: Được rồi, không có ai lên nữa sao?

Tôi
nghiến răng nói: Không ngờ hắn lại bỉ ổi đến vậy, ban đầu không nhận ra, còn
tưởng hắn là người tốt. May mà chưa có mối thâm giao.

Hỷ Lạc
nói: Huynh đừng có định lên đấy nhé.

Tôi
nói: Đúng, huynh định lên đó.

Hỷ Lạc
nói: Không được, huynh sẽ trở thành đích ngắm của hàng vạn mũi tên mất.

Tôi
nói: Không sợ, huynh cũng không muốn làm minh chủ gì hết, cứ lôi tay Vạn Vĩnh
này xuống rồi hẵng tính.

Hỷ Lạc
nói: Có phải lần trước huynh bất cẩn, bị thua một lần nên trong lòng hậm hực
không?

Tôi
nói: Không phải, huynh còn thua cả ông lão nữa mà. Chỉ cần còn sống, thắng thua
là chuyện nhất thời thôi.

Sư phụ
tôi xua tay nói: Đi đi, thứ gì của Thiếu Lâm thì sẽ vẫn thuộc về Thiếu Lâm.

Tôi
bước tới phía trước lôi đài, không biết phải lên từ đâu. Người bên cạnh nói:
Nhảy lên đi, mọi người đều nhảy lên cả. Tôi lăng người nhảy lên, Vạn Vĩnh trông
thấy tôi, hơi bất ngờ một chút.

Tôi
nói: Đã lâu không gặp!

Vạn
Vĩnh nói: Nghe nói huynh đệ vẫn thường qua lại các thành.

Tôi
nói: Việc đó quả thực do bất đắc dĩ. Lần trước đã lĩnh giáo, giờ mong được lĩnh
giáo lần nữa, so gì bây giờ nhỉ?

Vạn
Vĩnh nói: So kiếm.

Tôi
nói: Được.

Vãn
Vĩnh nói đoạn, chực rút kiếm ra. Tôi vung tay ấn chặt đuôi kiếm, nói: Đứng xa
ra đã, tôi sợ kiếm khí gây thương tổn tới mình.

Vạn Vĩnh
đưa mắt nhìn tôi với ngụ ý sâu sắc, tôi lui vào một góc.

Vạn
Vĩnh rút kiếm, tôi đột nhiên phát hiện, đó chính là Linh, thanh kiếm tôi và Hỷ
Lạc gán trong hiệu cầm đồ.

Tôi
nghĩ, phen này phải chú ý hơn nhiều đến ám khí rồi.

Vạn
Vĩnh từ từ tiến lại gần tôi, rồi nói: Rút kiếm ra đi!

Tôi
nói: Khoan đã. Kiếm tôi không cần rút khỏi vỏ.

Lúc
này, dưới khán đài có người nhận ra thanh kiếm Vạn Vĩnh dùng, tin tức lập tức
lan truyền trong nháy mắt. Thanh kiếm Linh thất lạc bấy lâu đã xuất hiện lại,
dường như vẫn có khí thế trấn áp như trước.

Vạn
Vĩnh nói: Vậy chớ có trách!

Nói
đoạn liền lao kiếm tới. Tôi đứng yên một chỗ, dùng vỏ kiếm hất đường kiếm đó
ra, hai thứ binh khí mài vào nhau không hề gây ra tiếng động lớn, chỉ lóe lên
những tia lửa.

Trong
đầu tôi chỉ nghĩ vì sao thanh kiếm Linh lại ở trong tay Vạn Vĩnh, tuy thanh
kiếm đã không còn mang ý nghĩa thiêng liêng trong trái tim tôi, xong quả thực
không muốn người khác cảm thấy thời đại đã tiến bộ, thần khí lừng danh thiên hạ
của Vô Linh năm xưa đã lạc hậu rồi. Điều đó sẽ khiến người ta có cảm giác như
thể một triều đại đã trôi qua. Hơn nữa nó thực sự khiến người ta cảm nhận được
sự vô thường.

Tôi hết
sức ung dung né tránh đường kiếm của Vạn Vĩnh, nói thực, kiếm pháp của hắn rất
thường, lần trước tôi thua chẳng qua chỉ vì người của hắn quá đông, tôi nhất
thời hoa mắt nên bị bất ngờ. Tôi nghĩ, nếu sớm biết thế này, trước kia hắn chắc
chắn sẽ không cứu tôi. Quãng thời gian tôi bôn ba bên ngoài không ngắn, song
dường như từ trước tới nay tôi chưa từng có ý muốn kết giao với các dạng nhân
sĩ giang hồ, ngẫm thấy việc này thực sự là một việc rất phiền phức, muốn phán
đoán xem người này là người tốt hay người xấu cũng phải mất nhiều năm, huống hồ
trong cái thời đại này, muốn làm rõ tốt xấu sẽ phải mất nhiều thời gian hơn
nữa.

Tôi vừa
nghĩ vừa bình thản đỡ kiếm của Vạn Vĩnh, trong lúc đó kiếm của tôi vẫn chưa rời
khỏi vỏ. Điều này khiến người xem rất sợ sệt. Tôi lại nhớ lại trận tỉ thí sư
phụ tôi từng kể vào nhiều năm trước, trận tỉ thí đó không phải vì chọn ra minh
chủ gì, chỉ là một lôi đài được dựng lên bởi một đám người giang hồ ngày thường
mua kiếm khua côn, nay muốn phân chia cao thấp mà thôi. Người đầu tiên bước lên
lôi đài là Vô Địch kiếm nổi tiếng giang hồ bấy giờ, dĩ nhiên do sự việc diễn ra
từ rất lâu rồi cho nên không rõ cái tên Vô Địch kiếm do người ta tự xưng hay do
người khác gọi nữa, vả lại những cái tên mà người khác gọi hầu hết đều do bản
thân mình ngầm gọi từ trước mà thôi. Người này quả nhiên kiêu dũng thiện chiến,
liên tục đánh bại hơn ba chục người, không ai địch nổi, song không may, cuối
cùng anh ta chết vì mệt.

Tôi
nghĩ, thực chẳng hiểu giang hồ lấy đâu ra lắm tay vô địch đến thế, đó là điều
thứ nhất. Điều khiến người ta ngờ vực hơn là, họ rốt cuộc chết thế nào.

Nghĩ
đến đây, Vạn Vĩnh dường như đã không còn thiết tha trận chiến, hắn nói với
những người dưới khán đài rằng, cứ thế này, chúng tôi đấu kiếm thật chẳng công
bằng, đối phương không rút kiếm, tôi cũng không dùng hết sức, nếu tôi thắng
cũng không vẻ vang gì, làm sao khiến giang hồ tin phục được. Chẳng thà, tôi
cũng không rút kiếm ra nữa, mà dốc hết sức tỉ thí với anh.

Nói
đoạn, Vạn Vĩnh chầm chậm thu kiếm vào trong bao, đồng thời giơ lên ngang ngực
cho mọi người dưới khán đài cùng thấy.

Tôi
nghĩ, thế này thì phải kết thúc thế nào đây? Bất đắc dĩ chỉ đành đánh thắng
hắn.

Khi Vạn
Vĩnh giơ kiếm lên trước mặt, đột nhiên có một ý nghĩ chạy vụt qua trong đầu tôi,
quả nhiên tôi trông thấy một cây trâm độc với tốc độ cực nhanh bắn vọt ra từ vỏ
kiếm, y hệt như lời ông lão nói. Tốc độ của nó nhanh đến nỗi chỉ thấy nó bắn
vọt ra, sau đó tựa hồ như mất hút. Không ngờ tên tiểu tử này nham hiểm đến vậy.

Tôi vội
nghiêng người né tránh, song do vận lực quá độ nên ngã xuống đất.

Mọi
người dưới khán đài lại được một phen ầm ĩ.

Ngẫm
thì phản ứng của khán giả như vậy cũng đúng. Vạn Vĩnh chỉ cầm thanh kiếm đưa
ngang qua mặt tôi, tôi liền trượt ngã xuống đất, trông bê bết như thể bị kính
chiếu yêu trong truyền thuyết chiếu lên người, bắt hiện nguyên hình vậy. Vả lại
tôi cũng không rõ trên người tôi có bị trúng ám khí hay không.

Vạn
Vĩnh lộ ra một nụ cười. Nói: Ban nãy mồ hôi của các vị đại hiệp đổ xuống như
mưa, trên lôi đài khó tránh khỏi trơn ướt, mong cẩn thận cho!

Trong
lòng tôi bất chợt phẫn nộ, muốn bò dậy bắt chước đúng chiêu của hắn để hắn nếm
mùi lợi hại, đoạn nói: Xem đây, ta cũng có.

Song
tôi lại nghĩ, sau này chưa chắc đã tìm lại được ông lão kia, bây giờ dùng công
năng này, dường như quá lãng phí, bởi vẫn chưa tới lúc ngàn cân treo sợi tóc.
Tôi phẫn nộ rút kiếm, đồng thời nói: Mau lại đây!

Bất
chợt, thanh kiếm Linh trong tay Vạn Vĩnh bị chém đứt đôi, rơi xuống nền thảm
đỏ.

Dưới
khán đài im lặng như tờ.

Vạn
Vĩnh trừng mắt nhìn tôi, đúng hơn là nhìn vào thanh kiếm của tôi, sau đó lại
nhìn vào thanh kiếm trên mặt đất, rồi lại nhìn vào chiếc dao găm trong tay
mình, sau đó lắc đầu bước xuống lôi đài.

Thực
ra, tôi chỉ định rút kiếm ra để bắt đầu quyết đấu, không ngờ vừa rút kiếm trận
đấu đã kết thúc, đành phải lập tức thu kiếm về.

Lôi
quản bước lên lôi đài hỏi những người dưới khán đài nhiều lần, trong một thời
gian ngắn hắn đã có tiến bộ, khi tuyên bố tôi chiến thắng hắn nấp vào một bên.
Tôi cảm nhận một cách sâu sắc rằng tất cả minh chủ đều là giả, bởi lẽ họ đều
không đánh thắng được tay rèn kiếm. Huống hồ, tôi cảm thấy bầu không khí xung
quanh lại có chút bất thường.

Tôi
quét nhìn tứ phía, rõ ràng trận đấu lần này tôi khá được lòng người, nhưng ám
khí từ bốn bên phóng về phía tôi bất quá có hơn ba mươi chiếc, tôi rút kiếm ra
chẳng thèm nhìn, khua vài đường ra phía sau lưng, bất chợt có không ít thứ bé
xíu kêu leng keng rơi xuống đất.

Tôi
nghĩ, thanh kiếm này quá ma mị.

Minh
chủ hẳn phải là thanh kiếm này.

Sau đó
là việc thay áo, người vô sự giải tán, tôi và các yếu nhân trong các bang phái
tụ họp lại trong một căn mật thất ở dịch trạm Hạ Tuyết Sơn. Cả thảy hơn ba mươi
người, sư phụ tôi và sư phụ Huệ Nhân đều có mặt. Tôi đi tới hỏi sư phụ tôi: Hỷ
Lạc đâu ạ?

Sư phụ
tôi nói: Yên tâm, Hỷ Lạc ở bên con ngựa nhỏ, đợi chúng ta ở bên ngoài.

Tôi
nói: Cô ấy không biết võ công, ở ngoài một mình có an toàn không ạ?

Sư phụ
nói: Ta đã bảo không ít đệ tử Thiếu Lâm đi theo, không sao đâu.

Đột
nhiên có tiếng mời răm rắp vang lên: Mời minh chủ nhập tọa!

Tôi
thấy ở chỗ cao nhất có một chiếc ghế rất lớn, phủ một tấm da lông mịn không rõ
tên. Tôi nhìn sư phụ, sư phụ nói: Lên đó ngồi đi. Tôi liền chậm rãi bước lên,
sau khi ngồi xuống liền vịn lên tay vịn, nhìn xuống phía dưới, họ dường như đều
là bang chủ của các bang phái lớn nhất trong giang hồ mà tôi có thể gọi tên
được, bỗng dưng tôi thấy nao lòng.

Tôi
ngồi thẳng người một hồi lâu, sau đó thốt ra lời đầu tiên sau khi trở thành
minh chủ: Cái chức minh chủ này là làm gì vậy?

Một ông
lão với giọng ôn tồn yếu ớt nói: Chức minh chủ này, từ xưa đã đặt ra, chẳng qua
gần đây giang hồ lòng người bất nhất, cho nên không thể tiếp tục duy trì. Một
nhiệm kỳ của minh chủ là một năm, năm tiếp theo mà muốn liên nhiệm thì phải tỉ
thí võ công và được tiến cử một lần nữa. Minh chủ phải khiến cho giang hồ động
lòng, khiến võ lâm phát dương quang đại. Minh Chủ đường nằm trên phố Hướng An
trong Tuyết Bang, minh chủ có thể ở trong tòa nhà đó, hàng năm các bang phái võ
lâm đều phải cống nộp kinh phí hoạt động tùy theo mức độ to nhỏ của tổ chức,
chỉ có minh chủ mới được điều động khoản tiền này, song cần phải ghi rõ lý do,
để năm sau mọi người vẫn phục.

Tôi
nói: Vậy thôi sao?

Ông lão
nói: Để lão thở đã. Các hoạt động trên trăm người của các bang phái võ lâm đều
phải được minh chủ đồng ý thông qua, minh chủ còn cần phải xây dựng mối quan hệ
tốt với triều đình, khiến võ lâm được vẻ vang hơn...

Chẳng
biết nói trong bao lâu, mãi cuối cùng ông cụ mới kết thúc: Mọi người cùng hoan
hô minh chủ nào!

Những
người phía dưới đều hô to một tiếng “Minh chủ”, song mắt họ rõ ràng đều nhìn
chằm chằm vào thanh kiếm.

Tiếp
sau đó bắt đầu loạn xị cả lên, có người nói chúc mừng Thiếu Lâm, có người tới
nói lời khách sáo, lại còn có người lên bắt quen với tôi. Người của Phi Ưng hỏi
Lưu Nghĩa: Các ngươi chuẩn bị như vậy không được, sao lại tổ chức cuộc tỉ thí
này, rồi cuối cùng vẫn để Thiếu Lâm thắng?

Lưu
Nghĩa nói: Câu này của ngươi thiếu hiểu biết quá, minh chủ là người phải lo
nghĩ cho mọi người, là người có võ công cao cường nhất võ lâm, lại không phải
vì lợi ích của bang phái mình mà tiêu diệt bang phái khác, như vậy minh chủ lần
này cũng chưa thỏa đáng, huống hồ cuộc tỉ thí này cũng đâu phải do Võ Đang
chúng ta tổ chức.

Mọi
người đều vây lại hỏi: Lưu huynh, chẳng phải bảo cuộc tỉ thí này do Võ Đang tổ
chức sao, bảo phải khôi phục lại chế độ minh chủ của giang hồ trước đây còn gì.

Lưu
Nghĩa bất chợt nói ra mấy lời không ăn khớp với câu trước: Nếu là do Võ Đang ta
phát động, tại sao lại quy định không được sử dụng ám khí, vả lại ngươi thấy
chúng ta cũng đâu có thắng. Lần trước rõ ràng Võ Đang ta phát động đầu tiên, võ
công của tiểu đệ Lưu Vân còn ở trên ta, ám khí lại là thứ kỳ tuyệt trong giang
hồ, lần ấy thắng cũng có tính đâu. Có người chơi xấu đấy thôi.

Tên kia
nói: Sự việc đâu có giống nhau, lần trước chỉ có Võ Đang các ngươi và Thiếu Lâm
tỉ thí thôi. Lần này là toàn thể võ lâm, chúng ta cứ tưởng Võ Đang phát động
đầu tiên.

Lưu
Nghĩa lại nói: Ta lại cứ tưởng do Thiếu Lâm phát động trước, chẳng phải Thiếu
Lâm xảy ra việc lớn đó sao, người trong giang hồ đều bảo do Võ Đang ta gây ra,
ta lại cho rằng Thiếu Lâm làm như vậy do muốn chứng minh võ công của mình đệ
nhất thiên hạ.

Sư phụ
Huệ Nhân nói: Lão nạp xin nói một câu thế này, võ công Thiếu Lâm chỉ dùng để
tăng cường sức khỏe, những việc tụ tập giang hồ, chém giết lẫn nhau, quả thực
không phải do Thiếu Lâm làm. Vụ việc xảy ra vừa rồi ở Thiếu Lâm, bản tự đang
tra xét, vẫn chưa làm rõ được, chùa chiền còn cần phải trùng tu, làm sao nghĩ
ra tổ chức những việc thế này được.

Lưu
Nghĩa nói: Vậy nếu là do Võ Đang tổ chức, sao lại không chuẩn bị gì trước, dù
gì cũng phải đợi ta được luyện môn thần công nào đó mới được chứ.

Mọi
người nhìn nhau, hỏi: Vậy rốt cuộc ai đã dựng ra cuộc tỉ thí lần này?

Cuộc
họp minh chủ lần thứ nhất đã giải tán như vậy. Tôi và sư phụ ra khỏi dịch trạm,
tới nơi cột ngựa, ở đó tụ tập rất đông người, vả lại còn có không ít người đang
cãi lộn, tôi thấy kỳ lạ, liền tiến đến xem. Người cãi lộn phát hiện thấy tôi,
lập tức im bặt, mọi người lũ lượt gọi tôi là minh chủ. Tôi hỏi: Có việc gì vậy?

Họ nói:
Con ngựa kia rõ ràng là của tôi, nhưng hắn bảo là của hắn.

Tôi
nghĩ bụng tìm Hỷ Lạc là việc quan trọng, vả lại việc này thuộc kiểu án vặt vãnh
khó xử, đang định nói tôi cũng chẳng có cách gì, các vị cứ tiếp tục cãi nhau đi
thì bị sư phụ ngăn lại, hỏi: Tại sao lại nói ngựa này là của ngươi?

Người
đó nói: Ngựa nhà tôi màu đen.

Sư phụ
nói: Con ngựa kia cũng màu đen.

Người
đó nói: Đúng vậy, nhưng trông không giống.

Sư phụ
nói: Ngươi gọi con ngựa đó, nó không có phản ứng gì sao?

Người
đó nói: Làm sao phản ứng gì được, mới mua có hai ngày, còn chưa quen nhau nữa
là...

Sư phụ
nói: Vậy để người kia gọi ngựa xem.

Người
đó nói: Với người đó thì càng không phản ứng gì, mới mua được một ngày.

Sư phụ
nói: Hai con ngựa này đều là ngựa tốt, các ngươi tùy chọn lấy một con đi.

Nói

đoạn liền rời đi, tôi đi theo sư phụ, sư phụ liền hỏi: Con ngựa của con đâu?

Tôi
nói: Ở đầu kia ạ.

Tôi
thấy dọc đường mọi người đang lần lượt nhận ngựa của mình, sau khi trông thấy
tôi đều cung kính, ngưỡng mộ, lại còn chào tôi là minh chủ nữa. Tôi chào lại
từng người, đến đầu bên kia bãi cột ngựa, thì thấy con Lép đứng trơ trọi ở đó.

Tôi vội
chạy lên, dắt con Lép, quay ra nhìn bốn phía.

Mọi
người kinh ngạc thốt lên: Đây là ngựa của minh chủ á?


người nói: Minh chủ tuổi trẻ tài cao, ngựa của minh chủ cũng tuổi trẻ tài cao
thôi mà.


người nói: Ngựa của minh chủ thật là đặc biệt.


người nói: Con ngựa này chắc chắn không phải ngựa tầm thường, là loài ngựa mới,
chạy nhanh lắm đấy.


người nói: Con ngựa này khác với loài ngựa của người thường chúng ta. Thật
không hổ danh là minh chủ.

Tôi
chẳng rảnh tai nghe những lời tán tụng này, vội hòa vào đám người xem có Hỷ Lạc
không.

Sư phụ
cũng giúp tôi tìm kiếm. Tôi thấy trong tầm mắt tôi dường như không có Hỷ Lạc,
hễ thấy ai tôi cũng hỏi: Anh có thấy cô nương nào không?

Xung
quanh lại bàn tán xôn xao: Ở đây sao lại có cô nương nào được?


người nói: Minh chủ quả nhiên là người đa tình, vừa lên làm minh chủ đã bắt đầu
tìm cô nương rồi.


người nói: Minh chủ quả nhiên xuất thân ở Thiếu Lâm mà phi phàm hơn cả Thiếu
Lâm, đã bắt đầu tìm gái ở đây rồi.

Sư phụ
tôi thấy một đệ tử ở Thiếu Lâm cùng tới đây lúc trước, liền tóm lấy hỏi: Người
ta bảo các ngươi trông nom đâu rồi?

Người
đó nói: Sau đó có một người tới, bảo là minh chủ, sư huynh Thích Nhiên bảo để
cô ấy đi, vậy nên bọn con để người đó đưa đi.

Sư phụ
thở dài một hơi.

Tôi bất
chợt thấy hoang mang, nói: Là ai vậy?

Sư phụ
nói: Là người biết con đưa đi, chắc chắn sẽ không làm tổn thương tới con bé
đâu, con cứ yên tâm, người ta nhất định sẽ tìm con, bàn điều kiện. Con cứ đợi ở
đấy, đến lúc đó giải cứu cũng chưa muộn.

Tôi im
lặng. Ngồi trong phòng chờ mọi người giải tán hết.

Hiện
trường đã không còn một bóng người, chỉ có những bãi cứt ngựa.

Tôi
nghĩ, Hỷ Lạc là một cô gái, nếu như bị bắt nạt, màn kịch ở Quá Sa chắc chắn sẽ
diễn lại, minh chủ minh chiếc gì đều không còn quan trọng.

Tôi nơm
nớp âu lo, cùng sư phụ quay lại Tuyết Bang. Song Tuyết Bang lần này đã không
còn là Tuyết Bang lần trước, người mang kiếm đi lại khắp nơi, những tiếng chửi
tục văng ra đầy đường, vả lại bất cứ lúc nào cũng có thể bị ngựa đạp chết. Tôi
nghĩ, nếu tôi là lão bá tánh, chắc chắn tôi sẽ hy vọng ngày nào cũng có trận tỉ
thí chọn ra minh chủ. Tôi không ngừng lướt nhìn bốn phía, lần đầu tiên nhận ra
mắt mình không đủ dùng, bởi tôi vẫn hy vọng sẽ tìm được Hỷ Lạc trong biển người
rợn ngợp.

Tôi và
sư phụ tới một quán trà hẻo lánh. Tiểu nhị bưng hai cốc trà nóng hổi lên, hơi
nóng tức tốc tan đi trong làn gió lạnh khắc nghiệt thổi từ ngoài song cửa vào,
nghe tiếng gió có thể đoán rằng ngoài kia hình như có bão cát, tôi nghĩ, chắc
không còn đến một chiếc lá rụng nữa.

Tôi hỏi
sư phụ: Sư phụ ơi, con muốn biết, trong chùa rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.

Sư phụ
nói: Lần đó ta, phương trượng cùng sư huynh con vừa vặn đi tới một nơi khác,
lúc quay lại thì nhìn thấy cảnh tượng đó.

Tôi hỏi:
Nói vậy thì phương trượng và sư huynh đều vô sự ạ.

Sư phụ
nói: Đúng rồi, phương trượng đang dưỡng bệnh. Ông ấy bị đả kích quá lớn, đã
không thể vỗ về bằng kinh Phật được nữa rồi.

Tôi
nói: Làm sao mà lại có người có thể làm được việc đó chỉ trong một đêm được. Có
không ít tiền bối võ công rất cao cường ở đó mà. Trừ phi tên đó hạ độc.

Sư phụ
nói: Đúng rồi, do hạ độc. Thứ độc diệt thành kịch liệt hơn loại vốn có.

Tôi
nói: Hạ độc kiểu gì ạ?

Sư phụ
nói: Ta không biết. Triều đình đang điều tra.

Tôi
nói: Lần trước con nghe đồn có chuyện, liền cùng Hỷ Lạc...

Nhắc
tới Hỷ Lạc, lòng tôi bất chợt lại cảm thấy hoang mang, tôi nghĩ, lúc này không
biết Hỷ Lạc đang làm gì, không biết chừng cô nàng đang liều chết chống cự, bị
kẻ địch hết lần này đến lần khác hắt nước lạnh bắt tỉnh dậy, mà miệng vẫn nói
có đánh chết ta cũng không khai. Song, cô ấy có gì đâu mà phải khai. Chắc không
có chuyện đó đâu.

Tôi
tiếp tục nói: Lần này con cũng không biết, mãi mới nghe ngóng được trận tỉ thí
này, con chỉ muốn tới xem sao, tìm hiểu một số sự việc. Không ngờ lại có kết
quả này.

Sư phụ
đã nói: Đã gọi là “minh”, tức là một lòng, giang hồ có bao giờ một lòng đâu,
cho nên minh chủ không tồn tại.

Tôi
hỏi: Vậy vụ lần này do ai tổ chức ạ?

Sư phụ
nói: Mọi người đều cho rằng Võ Đang tổ chức, song nay xem ra dường như không
phải vậy, cũng không thể do tiểu bang phái nào khác, ta nghĩ đột nhiên có rất
nhiều việc trong giang hồ khó biết được chân tướng hơn so với trước kia, dường
như có một thế lực thần bí nào đó bắt đầu len lỏi vào bên trong. Ai mà biết
được.

Tôi
hỏi: Sư phụ, ban đầu, người muốn con xuống núi, con đã xuống núi, đã tới Trường
An, tới Trục thành, cũng đã bị không ít người truy sát, song con vẫn không biết
con phải đi để làm gì.

Sư phụ
nói: Không làm gì cả, chỉ là muốn thả con ra thôi.

Tôi
hỏi: Người dẫu sao cũng là sư phụ của con, vậy giờ con phải làm gì?

Sư phụ
cười lớn nói: Làm minh chủ chứ còn làm gì!

Tôi
cười lớn nói: Minh chủ có nghĩa lý gì đâu ạ. Khua vài đường kiếm thôi mà, sư
phụ.

Sư phụ
nói: Đưa ta xem kiếm của con!

Tôi đưa
kiếm cho sư phụ. Sư phụ tôi nhìn kỹ vỏ kiếm, nói: Do người đó làm hả.

Tôi
hỏi: Ai ạ?

Sư phụ
nói: Con chắc đã biết.

Tôi
nói: Vâng, là một ông lão, rất kỳ quặc, xong thân thủ rất tốt, xuất chiêu cực
mau lẹ. Dường như ông lão bàng quan với mọi việc, vả lại hơi lẩm cẩm.

Sư phụ
nói: Không lẩm cẩm, không hề lẩm cẩm đâu, ông ta mà lẩm cẩm, thanh kiếm này đã
ở trong tay Vạn Vĩnh rồi.

Tôi đột
nhiên nhớ ra một việc, nói: Trên đường gần tới Trường An, con gặp Vạn Vĩnh, lúc
đó con đã dính một đòn của hắn, phải tĩnh dưỡng trong sơn trang của hắn mấy
ngày, con không nghĩ hôm nay sẽ như vậy.

Sư phụ
nói: Tên Vạn Vĩnh này có quan hệ mật thiết với triều đình, phụ thân hắn là yếu
nhân trong triều. Còn như mấu chốt của vấn đề là gì, thì chưa có ai nói rõ
được.

Tôi lẩm
bẩm nói: Triều đình...

Sư phụ
nói tiếp: Để ta kể cho con một việc hơn mười năm nay con vẫn chưa biết. Sự việc
liên quan đến sư huynh con, nó cũng chưa từng biết đến việc này. Giờ là lúc
chúng ta đều có thể biết.

Tôi
nói: Có lời đồn nói rằng huynh ấy là hoàng tử.

Sư phụ
nói: Đúng vậy. Câu chuyện phải bắt đầu kể từ rất nhiều năm trước đây, Thích
Không là con trai của đương kim hoàng đế và một bà ái phi. Bà phi này bị hoàng
hậu căm ghét. Khi Thích Không sinh ra, bà phi biết được kế hoạch của hoàng hậu
muốn đầu độc chết đứa con này, liền sai người đem nó đến phó thác cho chùa ta.
Hoàng thượng cũng biết việc này, song hoàng hậu là đại công chúa của lân bang,
cho nên hoàng thượng cũng không có cách nào cả, liền nói với thái y, tuyên bố
thai chết lưu trong bụng, vậy nên mới thoát được kiếp nạn đó. Hoàng hậu về sau
sinh ra toàn con gái, lòng luôn hậm hực, vả lại rất mong có con trai, cứ đòi
sinh mãi, nhưng kết quả vẫn là con gái, nghe nói về sau hoàng thượng phải gần
một năm không sủng hạnh, vậy mà vẫn sinh ra được một đứa, sự việc rùm beng lên,
liền mời một học sĩ tới, dám phán rằng hoàng hâụ được trời phù hộ, không phải
người phàm, không cần làm chuyện phòng the mà vẫn có thể tự sinh con, sự việc
sau đó được lấp liếm đi. Sau này lân bang suy bại, hoàng hậu mới bị phế truất.
Giờ là lúc đón Thích Không quay trở về rồi.

Tôi
nghe truyện đến mụ mị cả đi, chỉ nói: Ồ.

Sư phụ
nói tiếp: Sức khỏe của hoàng thượng đã suy yếu, có lẽ không còn sống được bao
lâu. Sư huynh con hiện tại là thái tử. Song cần phải có công tích mới được nối
ngôi, bởi hoàng tử cũng nhiều, huống hồ ngay từ nhỏ huynh con đã không lớn lên
trong cung, khó tránh khỏi điều dị nghị.

Tôi
nói: Chẳng trách ngay từ nhỏ huynh ấy đã khác chúng con, huynh ấy không thích
ăn rau, thì ra là thiên tử.

Sư phụ
nói: Thân thể của huynh con được chúng ta rất mực bảo mật, song khó tránh khỏi
những lời đồn đại.

Tôi
nói: Nhưng rất chuẩn xác, dường như ngay câu chuyện này, con cũng ngờ rằng sư
phụ nghe được ở đâu đó.

Sư phụ
cười nói: Đúng thế, đại để là như vậy, nên mới có lời đồn. Lời đồn chẳng qua là
những lời phóng đại về một sự việc mà thôi, thực ra nhiều khi bản chất vẫn tồn
tại. Huống hồ cũng đâu có phóng đại.

Tôi
nói: Vậy con có thể vào cung tìm sư huynh, nhờ huynh ấy tìm Hỷ Lạc được rồi.

Sư phụ
nói: Từ khi con còn nhỏ ta đã biết con không có tư chất làm minh chủ bang chủ
rồi. Làm mấy cái chức đó chỉ có thể trêu đùa phụ nữ, không thể bị phụ nữ điều
khiển được.

Tôi
nói: Vỗn dĩ con cũng không muốn làm mà, con vẫn luôn cảm thấy rất hoang mang.

Sư phụ
nói: Thân thế của con là thế này, chúng ta không biết bố mẹ con là ai, chẳng
qua dựa vào một số ghi chép trong kinh Phật mới tìm ra con. Lúc ấy con vừa được
sinh ra, chưa thể quy y Phật đàn, đó là định mệnh. Con có thể thay đổi được rất
nhiều việc, mọi người đều hy vọng có thể thay đổi được nhiều việc và không bị
người khác thay đổi.

nhìn
thấy được rất nhiều sự việc, là bởi thời không của con khác với người khác. Thời
không không phải là thời gian và không gian, mà là không gian sau khi đã loại
bỏ thời gian. Ở trong thời không đó con vĩnh viễn bất động, vĩnh viễn luân hồi,
vả lại trong thời không đó chỉ có một mình con, vậy nên nói, con là do số trời
sắp đặt. Khi vào trong thời không sâu hơn, con sẽ Tôi nghe sư phụ nói lại càng
thấy hoang mang.

Sư phụ
nói tiếp: Cuối cùng, con sẽ là một người không bị bất kỳ sự việc nào thay đổi.
Thiếu Lâm sẽ không sử dụng sức mạnh này, Thiếu Lâm tìm con, chẳng qua không muốn
các bang phái khác có được nguồn sức mạnh đó mà thôi. Mọi người bình yên vô sự,
ngày rộng tháng dài, dù sao vẫn tốt hơn.

Tôi
nói: Nói vậy thì...

Sư phụ
nói: Không có cái gì gọi là “nói vậy thì” cả. Con chính là do số trời sắp đặt.

Tôi
nói: Nếu con được sắp đặt bởi số trời, thì các sự việc khác chẳng phải cũng đều
được sắp đặt sẵn rồi sao?

Sư phụ
nói: Không phải, do thời gian không gian khác nhau thôi, sở dĩ con có thể thấy
được nhiều thứ hơn, con có thể nhìn thấy nội tâm của người khác, có thể nhìn
thấy thần thức của người khác, có thể nhìn thấy người vừa mới mất lớn tiếng
cười trước trước thi thể của họ, chứ không phải thi thể vừa chết cười lớn trước
bản thân họ. Phật chính là người ở trong không gian đó, và ngài có thể thay đổi
không gian khác bởi ngài có thể nói chuyện được với hồn ma. Con là người duy
nhất ở trong không gian chính giữa.

Tôi
nói: Vậy nếu con mù thì sao?

Sư phụ
nói: Ngay lúc này, con có thể móc mắt mình ra thử xem. Số trời đã định con
không thể mù nổi.

Tôi
nói: Nhưng con cảm thấy đây là việc con có thể khống chế được.

Sư phụ
nói: Đừng cố quá.

Tôi
nói: Con đâu có cố quá, chẳng qua con thấy bản thân mình là một người bình
thường, chứ không như những gì sư phụ nói, cũng không thần thánh gì cả. Sau khi
có được thanh kiếm này con thấy rất vui, giết không ít người nhưng không cảm
thấy áy náy, dường như chẳng khác gì với những kẻ lăn lộn trong giang hồ cả.
Nhưng con vẫn rất lo lắng về tung tích của Hỷ Lạc.

Sư phụ
nói: Từ từ, cứ từ từ rồi con sẽ biết thôi. Kể cả Hỷ Lạc cũng vậy.

Tôi
nói: Con và Hỷ Lạc rốt cuộc là...

Sư phụ
nói: Tình cảm nam nữ được chúng ta gọi là hồng trần, bởi nó không cụ thể, có
thể chia phôi, con và Hỷ Lạc không phải là tình cảm nam nữ, mà là sự ký thác.
Sự ký thác đó chưa chắc đã tốt, rất nhiều khi nó còn nặng hơn cả tình cảm nam
nữ.

Tôi
nói: Con không quan tâm nhiều đến vậy đâu. Con nghĩ, sư phụ à, sư phụ cùng con
tới Minh Chủ đường đi, con nghĩ, ở đó chắc có tin tức liên quan đến Hỷ Lạc.

Tôi và
sư phụ đi tìm Minh Chủ đường trên một con phố heo hút. Cảnh đồng bềnh bồng, gió
bấc se sắt. Tôi nghĩ, đã đến lúc phải mặc thêm quần áo. Thế giới này thật lớn,
lớn đến nỗi không thể tìm nổi một người. Tuyết Bang chắc sẽ có tuyết, nhưng
không biết hôm đó cảnh vật quanh tôi sẽ thế nào. Tôi nghĩ không dự đoán được
tương lai thực là đau khổ, tôi cam tâm tình nguyện làm một nhà tiên tri, có thể
biết được mọi sự việc.

Sư phụ
nói, tiên tri là người chẳng có bất kỳ lạc thú nào cả, kể từ hôm trở thành tiên
tri, anh ta chắc chắn sẽ làm một việc, người ta luôn bị tính hiếu kỳ hại cả một
đời mà. Khi nhà tiên tri đó không may thực hiện rồi đồng thời tiên tri
được hậu quả của sự việc đó, cuộc sống của họ thực ra chỉ còn đợi cái chết đến
mà thôi.

Tôi
hỏi: Làm việc gì cơ ạ?

Sư phụ
nói: Trước đây con đâu có ngây ngốc như vậy nhỉ. Đúng là con mang nhiều tâm sự
quá rồi.

Tôi
nói: Nhà tiên tri chắc chắn sẽ dự đoán lúc nào mình chết, sư phụ nhỉ?

Sư phụ
nói: Đúng vậy. Đây cũng là lý do vì sao tiên tri dẫu có thần thánh mấy đi nữa
cũng vẫn ở lại thế gian này, và đây cũng chính là một bước duy nhất nhà tiên
tri không bắt kịp thần tiên.

Tôi
hỏi: Vậy vị đại sư mà sư phụ muốn con đi tìm thì sao?

Sư phụ
nói: Con chỉ có việc đi tìm, vậy là được.

Tôi
nói: Vậy ông lão rèn binh khí có được coi là tiên tri không ạ?

Sư phụ
nói: Ông ta không phải là tiên tri, mà cũng không phải bậc đại sư, ông ta là kiến
trúc sư.

Tôi
hỏi: Vậy ông ấy ở thành phố nào?

Sư phụ
nói: Ông ta chờ con ở mọi nơi.

Tôi bắt
đầu mơ hồ. Trong chớp mắt, tôi cảm giác, thanh kiếm của tôi là tỉnh táo nhất.

Chúng
tôi cứ vậy bước đi, cuối cùng cũng tới Minh Chủ đường. Ở đó đã có người đứng
canh cửa. Tôi và sư phụ cùng bước vào, hai tên canh cửa cung kính chào tôi. Vào
trong phòng, tôi phát hiện ra ở chính giữa đại sảnh có một chiếc ghế rất lớn.
Bên cạnh là quần áo mùa đông. Tôi hỏi: Có đồ chuẩn bị cho phụ nữ không?

Một
người vội chạy lên thưa: Dạ, vì chưa bao giờ nghĩ minh chủ là phụ nữ nên chưa
chuẩn bị ạ.

Tôi
nói: Vậy phiền ngươi đi kiếm thêm mỗi thứ một chiếc tương đương, loại cho phụ
nữ mặc.

Tên đó
nói: Dạ vâng, thưa minh chủ, à mà minh chủ có một bức thư ạ.

Tôi vội
mở thư ra xem, chỉ thấy trên giấy viết:

Muốn
tìm nữ tử của ngươi, tới Vĩnh Triều sơn trang tại Trục thành.

Tôi lập
tức nói với sư phụ: Sư phụ ơi, con phải đi đây. Tới Trục thành.

Sư phụ
nói: Được, ta yên tâm rồi. Mệnh của con đã được viết trong sách. Lần này nhất
định sẽ vô sự. Ta ở lại đây, phải đi lo việc xây cất lại chùa. Đợi con đưa Hỷ
Lạc quay lại Tuyết Bang, sư phụ sẽ ra đón.

Tôi cảm
tạ sư phụ, sau đó khoác áo đông, cưỡi con Lép định đi.

Đột
nhiên một bàn tay ngăn tôi lại nói: Minh chủ! Tiểu nhân biết võ công của minh
chủ cao cường, song mọi thứ phải xứng với khí độ phi phàm của minh chủ, triều
đình đặc biệt gửi tặng một thớt ngựa Hãn Huyết, được gọi là Mã vương.

Tôi cảm
động không nguôi, song nghĩ đến việc đi cứu Hỷ Lạc, muội ấy nhất định sẽ rất
vui khi trông thấy con Lép, cho nên tôi đành khước từ nói: Thôi để lần sau vậy.
Tôi quen cưỡi con ngựa nhỏ này, đổi con cao lớn hơn, tôi e không điều khiển
được.

Kẻ
thuộc hạ nói: Mong sau này minh chủ đổi cách xưng hô, không nên xưng là tôi
nữa, mà xưng là bản minh chủ.

Tôi
nói: Được, bản minh chủ sợ cưỡi ngựa lớn, ngựa nhỏ đủ dùng rồi vậy.

Dưới
màn đêm giăng đầy sao, tôi chạy thẳng tới Trục thành.