Trúc Vàng Mùa Thu

Chương 5

San Trúc vào Sài Gòn, nhanh đến mức Hồng Vân kinh ngạc. Vân chạy xe qua nhà trọ của Trúc, cô hỏi bạn:

– Mày sao vậy Trúc? Gia đình mày thế nào? Về nhà, chẳng phải mày bảo phải hai, ba tuần mới vô à?

San Trúc buồn bã:

– Tao đang muốn chết đây.

Hồng Vân giật mình. Chơi vớI Trúc mấy năm nay, chưa bao giờ Trúc tỏ ra bi quan kiểu này, dù nhiều hôm mưa gió, nó hết tiền cũng tườI cườI như hoa, nhịn đói đến lớp. Hôm nay, nó chán chường, buồn bã, chắc chắn xảy ra chuyện gì nghiêm trọng thật rồi!

Hồng Vân nghĩ bụng, miệng vẫn nạt Trúc:

– Con khỉ chỉ giỏi nói bậy!

– Tao không nói bậy.

– Tại sao phải chết? Ngày thường mày luôn tỏ ra kiên cường lắm mà.

San Trúc nhắm mắt:

– Ba tao làm ăn thất bại, ổng đi vay nợ người ta. Nhà tao không có gì ngoài căn nhà và hai sào đất ruộng nuôi tôm. Ba tao muốn tao lấy chồng.

Hồng Vân toát mô hôi:

– Mày kể chuyện lằng nhằng gì thế, tao không hiểu nổi. Từ chuyện tôm cá, tự nhiên dính mày vô làm gì? Lấy chồng, mà lấy ai hả?

San Trúc ứa nước mắt. Thật lâu, Trúc mới kể được cho Vân nghe câu chuyện.

Hồng Vần hăng hái:

– Để tao nói ba mẹ tao giúp mày.

San Trúc chậm rãi:

– Đừng Vân! Những mấy chục triệu lận chứ đâu phải giấy lộn. Mày đừng làm ba mẹ mày ghét tao, cho rằng tao lợi dụng mày.

Hồng Vân lắc đầu:

– Thật sự, ba mẹ tao rất quý mày. Ông bà có ý định tài trợ cho mày ăn học, nhưng thấy mày nhiếu tự ái quá, mẹ tao sợ chuyện nói ra không thành, còn khiến tao và mày xa nhau, nên mẹ tao đã im lặng. Bây giờ có cơ hội giúp mày, tao nghĩ ba mẹ tao rất vui lòng đấy.

San Trúc vẫn nói:

– Tao biết. Nhưng tao không nhận những gì không do tao làm nên đâu. Tao sẽ cố gắng tìm thêm việc làm, hy vọng có tiền giúp ba mẹ tao. Tao không thể nhìn Nam Tiến đi phụ hồ. Tao muốn em tao vào đây để học đại học. Nó đậu khoa công nghệ hóa thực phẩm, Đại học Bách khoa, là ước mơ bao năm nay của nó. Bây giờ, lẽ nào...tao nhìn em tao thất học.

Hồng Vân từ tốn:

– Hay là ba mẹ tao cho mày mượn, sau này mày trả dần lại, đồng ý không?

San Trúc gượng cười:

– Mày cũng như tao, vẫn phụ thuộc gia đình. Tao còn ba ngày để suy nghĩ.

Tao nhất định tìm được cách. Néu cùng đường tao hứa nhờ mày và ba mẹ mày, được chưa?

San Trúc lại nói:

– Tao đói lắm, nhưng lười ra ngoài. Mày làm siêng, mua giùm tao hộp cơm đi Vân.

Hồng Vân nhìn Trúc:

– Ăn cơm hộp trong thời tiết nắng gay gắt thế này, mày nuốt nổi không hả?

– Tao dễ lắm, kiểu nào, tao cũng ăn được, miễn no bụng là được à.

– Nhưng tao muốn mày ngồi dậy và ra ngoài ăn. Tao không quen nhìn mày bèo nhèo thế này, nhìn thấy chán đời lắm, Trúc ạ.

San Trúc nhăn mặt, làu bàu:

– Mày đúng là chúa rắc rối. Bao được tô phở là hết "đát", hành người ta khổ, mày mới vừa lòng à?

Miệng cằn nhằn, nhưng rồi Trúc cũng bật dậy. Ngắm khuôn mặt mình trong gương, cô nuốt tiếng thở dài vào lòng. Con người ta, bình thường không sao, vừa đụng chuyện phải suy nghĩ là người đã xuống sắc thê thảm. Chẳng gì sung sướng bằng tâm hồn thanh thản, thoải mái. Điều này quả thật khó cho mấy đứa học trò nghèo như Trúc.

Rửa lại mặt mũi, thay quần áo, Trúc cùng Hồng Vân ra khỏi căn phòng trọ nhỏ xíu nóng như cái lò nướng bánh mì. Trúc không hề biết Hồng Vân đã lén gọi điện thoại cho Vĩ Khang.

HồngVân chở Trúc đến quán phở, vừa dừng xe, Trúc đã nghe tiếng gọi. Cô hơi bối rối khi nhận ra Khang.

Hồng Vân tỉnh rụi, miệng liến láu:

– Anh Khang! Sao bất ngờ quá vậy? Anh Khang cũng đi ăn phớ hả?

Khang cười:

– Anh vừa từ công ty về, nghe đói bụng, định vô ăn, dè đâu gặp hai em. Trúc vô khi nào, sao không điện cho anh?

San Trúc cắn môi:

– Em mới vào. Em không muốn làm phiền anh trong giờ làm việc.

– Vậy là anh có duyên với em thiệt rồi. Vào ăn luôn nhé, anh cũng đói lắm.

Quán ăn buổi trưa khá đông khách. Khi ba người đi vào, San Trúc bắt gặp nhiều ánh mắt nhìn theo.

Hồng Vân khịt mũi:

– Ê Trúc! Mày coi thử mặt tao dính lọ nghẹ không vậy? Tự nhiên sao bị người ta "chiếu tướng'' dữ thế?

San Trúc so vai, nói tự nhiên:

– Tại hôm nay mày xinh hơn, chứ không phải dính lọ trên mặt đâu, đúng không anh Khang?

Vĩ Khang chỉ cười cười. Đồ ăn được mang ra. San Trúc ăn thật vô tư tô phở của cô. Cay đến mức, cô cứ hít hà mãi. Hình như ánh mắt Trúc hôm nay rất buồn, miệng cười nói đó, mà mắt thì nặng trĩu ưu tư. San Trúc luôn biết đè nén tình cảm của mình.

Vĩ Khang hiểu, để bước được vào ngăn tim của cô, san sẻ với cô, không phải dễ dàng gì. Nhưng Vĩ Khang đã quyết định, anh muốn chấm dứt cái hợp đồng "yêu giá" bằng một tình yêu thật sự. Vì trái tim anh chỉ rung động trước San Trúc.

Ăn gần xong, Hồng Vân có điện thoại. Nghe điện thoại rồi, cô nói:

– Mẹ tao kêu tao về, chở mẹ đi công chuyện gấp. Mày cứ từ từ ăn, lát nữa anh Khang đưa mày về nhé.

San Trúc rùn vai:

– Mày bận cứ về đi, đừng lo cho tao, tao có chân có tay, đến được thì về được.

Nói thì thế, nhưng ăn xong, Vĩ Khang chở Trúc về. Dọc đường, tự nhiên Khang nói:

– Bây giờ về phòng trọ, em khó ngủ được lắm. Hay là anh đưa em đi uống nước nhé Trúc?

San Trúc chớp mắt:

– Không phải anh đang giờ làm việc à?

Khang cười cười:

– Nhưng bây giờ, anh có nhiệm vụ giúp em phục hồi tâm trí.

– Em đâu bị thần kinh mà cần anh hồi phục.

– Ý anh muốn nói là giúp em vui vẻ ấy.

San Trúc nhẹ giọng:

– Cũng được, nếu điều đó không ảnh hưởng đến anh.

Vĩ Khang chở Trúc về hướng Lái Thiêu. Cô im lặng nhìn đường phố không hỏi gì. Tới lúc Khang dừng xe trước một căn biệt thự nho nhỏ, nằm giữa vườn cây ăn trái, Trúc mới hỏi Khang:

– Anh Khang đưa em tới nhà ai vậy? Em không thích bị người nhà anh "phỏngvấn" tùm lum lúc này đâu.

Khang cười:

– Không có ai, ngoài anh và em. Căn nhà này, ba mẹ anh mua dùng làm nơi nghỉ cuối tuần cho gia đình. Hàng ngày không ai tới đây cả, trừ chị Thắm là người được ba mẹ anh nhờ trông nom căn nhà. Chỉ buổi tối, chị ấy mới qua ngủ, còn ban ngày, dọn dẹp xong, chị Thắm về nhà chị. Đang mùa chôm chôm, giờ này chắc chị ấy ở ngoài vườn. Chờ anh tìm chìa khóa mở cổng.

Một căn nhà rộng rãi, đẹp, đầy đủ mọi tiện nghi. Một căn nhà dư thừa của kẻ giàu có. San Trúc khẽ nhăn mặt. Cô thoáng xót xa khi nhớ đến hoàn cảnh gia đình cô. Chỉ là căn nhà xây không tô, không đóng trần, vậy mà nó đang tuột dần khỏi gia đình cô. So với ngôi nhà này, căn nhà nhỏ của cô không đáng giá chút nào cả. Đời đúng là bất công.

Thái độ im lặng của Trúc khiến Vĩ Khang lo lắng:

– Em đang nghĩ gì vậy?

San Trúc nhẹ lắc đầu:

– Không có gì quan trọng cả. Em thường hay nghĩ lung tung ấy mà.

– Em thích ngôi nhà này không?

San Trúc cười cười:

– Thích thì sao nhỉ? Nó đâu thể thuộc về em. Nhưng nói thật, ba mẹ anh mua nhiều nhà như thế rồi bỏ không, anh không thấy phí à?

Vĩ Khang nhìn xoáy vào Trúc:

– Em đang muốn chỉ trích anh, đúng không?

– Em không dám đâu.

Vĩ Khang bật lon nước ngọt được lấy ra từ tủ lạnh.

– Em uống được loại nước này không?

San Trúc so vai:

– Anh biết cách đẩy người ta vào thế đã rồi thật đấy. Anh bật nắp rồi mới hỏi.

Nếu em nói, em không uống được, anh sẽ bỏ đi, đúng không?

– Nếu em không uống, anh sẽ uống. Anh sợ em nói anh phí phạm lắm. Và em thì chắc chắn nói câu đó.

– Anh hơi hiểu về em đấy. Nhưng không sao, em sẽ uống chứ không chê đâu.

Tính em không quen đòi hỏi, cái gì có thể khắc phục dù khó một chút, em cũng cố vượt qua. Huống hồ em là con gái vùng biển, loại nước hơi "khó uống" như rong biển, nước yến, em cũng quen mùi rồi.

Chờ San Trúc uống nước và đặt xuống bàn, Khang hỏi:

– Sao em nói em về nhà có việc, vậy mà vừa ra tới đã vô ngay. Gia đình em gặp chuyện hả?

San Trúc cứ vẽ mãi ngón tay lên mặt bàn những hình tròn vô nghĩa. Tự nhiên trước mặt Khang, cô thấy mình yếu đuối đến mức như không côn chút sức lực. Vĩ Khang cầm tay cô, giọng anh nhẹ nhàng:

– Nói cho anh nghe đi, xem anh giúp gì được cho em không?

San Trúc lắc đầu:

– Không có gì đâu, anh Khang.

– Em nói dối! Ánh mắt của em, cho anh biết, lòng em đang rối rắm. Chúng ta tuy chỉ là bạn, nhưng chẳng phải em đã từng nói, khi nào có tâm sự, em nhất định san sẻ với anh à. Trúc! Anh muốn nghe chuyện của em. Vì anh linh cảm, em đang gặp điều gì đó, thật khủng khiếp.

Vừa nghe như vậy, bỗng nhiên Trúc thấy mình trở nên yếu đuối và nhỏ bé trước Khang. Cô thèm được tựa đầu lên vai an tìm sự chở che biết bao.

Cô nghen nghẹn:

– Trúc có thể nghỉ học anh ạ.

Khang chồm tới, gần như ôm lấy cô:

– Tại sao?

San Trúc khẽ né tránh Khang:

– Đừng làm em sợ? Emkhông quen thân mật thế này.

Cô rưng rưng:

– Ba em bị chết hết tôm, hai lần tôm chết, số tiền vốn vay nợ hơn năm chục triệu đồng, bây giờ không còn cơ hội trả. Em nghỉ học, lấy chồng để ba em có tiền.

Vĩ Khang kêu lên:

– Chỉ năm chục triệu đồng, anh sẽ giúp em.

San Trúc nhếch môi:

– Để làm gì? Em sợ nợ thêm tình nghĩa lắm. Vay của anh để trả người ta, số tiền ấy rốt cuộc vẫn là nỗi lo của gia đình em. Em phải quyết định, vì em còn thằng em vừa thi đậu đại học, nó phải được đến trường.

Vĩ Khang trầm tĩnh:

– Vậy còn em? Em thừa biết, năng lực học của em xuất sắc. Vài năm nữa, ra trường gặp cơ hội, em chắc chắn thành đạt. Hãy nghe lời anh, đừng bỏ học, nhé Trúc!

San Trúc thở dài:

– Khi chọn thi ngành Y, em đã luôn nghĩ đến việc những người nghèo bệnh tật, không tiền chữa bệnh để khi phân ngành, em đã theo học dược. Em nghĩ đến thiên nhiên của chúng ta vẫn còn ẩn giấu hàng ngàn loại dược thảo quý hiếm, có khả năng chữa khỏi rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo, mà chính y học chịu bó tay.

Đâu phải người Trung Quốc họ ảo tưởng khi dàn dựng phim, họ luôn dành sự may mắn cho nhân vật chính, chỉ cần tìm được thuốc quý ngàn năm... Tiếc rằng, em không thể tránh khỏi số phận.

Vĩ Khang bứt rứt:

– Người đàn ông muốn lấy em, là ai thế?

Giọng Trúc rưng rưng:

– Em quên mặt anh ta rồi. Chỉ biết anh ta là con trai một tiệm kim hoàn lớn nhất nhì thành phố Phan Thiết, và tai tiếng về anh ta hiện tại, khiến em ghê sợ.

Em sẽ kết thúc cuộc sống này nếu lấy anh ta.

Vĩ Khang chợt choàng tay ôm siết bờ vai San Trúc, giọng anh bặt đi:

– Anh không cho phép bất kỳ gã đàn ông nào làm đau trái tim em. Tại sao chúng ta không cưới nhau chứ?

San Trúc nghẹn ngào:

– Đừng như vậy Khang? Em không phải người con gái của anh. Chúng ta chỉ đóng giả thôi mà.

Vĩ Khang nồng ầm:

– Với em, có lẽ là thế, nhưng còn anh, không phải tự nhiên anh nhờ em. Thật ra, anh đã thích em ngay hôm đầu nhìn em bán hàng. Sau đó, mẹ anh đưa ra yêu cầu, anh liền nghĩ đến em, không ngoài ý định có thêm cơ hội gần gũi, tiếp cận em. Qua gia đình bé Hạnh, anh càng tin là cảm nhận của anh đúng khi anh chọn em. Bây giờ, từ “kịch” chúng ta hãy để nó thành hiện thực. Anh hứa chăm sóc em thật tốt và chỉ thật sự "yêu" em khi trái tim em chịu chấp nhận anh. Đừng tự ti mặc cảm không đúng chỗ, để rồi hủy hoại tương lai mình, Trúc ạ.

San Trúc bật khóc. Chưa bao giờ Khang rơi vào trường hợp thế này. Anh để yên cho cô khóc không an ủi hay dỗ dành. Một lúc, thì cô nín, chỉ còn tiếng nấc nhẹ.

Khang rút khăn giấy trong túi áo đưa cho cô, giọng anh nhẹ nhàng.

– Em thấy nhẹ được chút nào không?

San Trúc gật đầu:

– Cảm ơn anh đã hiểu em.

– Em không từ chối lời cầu hôn của anh chứ?

– Cho em được suy nghĩ trước khi trả lời anh. Em chỉ ngại ba mẹ anh.

Vĩ Khang cười rạng rỡ:

– Mẹ anh rất quý em. Cả tháng qua, ngày nào mẹ cũng nhắc anh gọi điện hỏi thăm em.

– Nhưng...

– Đừng nhưng nhị gì nữa. Bây giờ anh chở em về nhà. Ngày mai qua nhà anh, chịu không?

San Trúc nhìn Khang. Cô bất chợt bối rối khi nhận ra trái tim cô đang đập loạn xì ngầu. Trời ơi! Là sao nhỉ? Không lẽ cô đã yêu Khang, tình yêu chợt đến từ khi nào?

Cô cắn nhé vành môi:

– Em là người có đạo, liệu ha mẹ anh chịu cưới con dâu theo đạo không anh?

Vĩ Khang cười cười:

– Điều này, anh biết lâu rồi. Và ba mẹ anh không áp đặt chuyện tôn giáo.

San Trúc cườI nhẹ. Vĩ Khang thật biết cách làm ngườI ta phục tùng anh!

Bà Kiều nhìn con trai. Hình như bà không tin vào điều bà vừa nghe. Vĩ Khang đồng ý cưới vợ. Nó không chờ bà hốI thúc, mà hôm nay, chính miệng nó đề nghị bà.

Vĩ Khang kêu nhỏ:

– Mẹ sao thế? Mẹ bắt đầu không thích con dâu rồi hả? Ôi trời! Biết thế con im lặng luôn, dù sao con vẫn thích độc thân hơn.

Bà Kiều mỉm cười:

– Ai nói con, mẹ không muốn con dâu chứ? Là con khiến mẹ bầt ngờ thôi.

Nhưng có đúng là con cũng thích có vợ không hả?

Vĩ Khang cười:

– Con luôn tôn trọng lời hứa với ba mẹ.

– Vẫn là San Trúc hả?

Vĩ Khang so vai:

– Mẹ không đông ý Trúc sao?

Bà Kiều xua tay:

– Ôi cái thằng này! Mẹ đang mừng hết lớn đây này. Mẹ vẫn nghĩ, con đùa mẹ, chứ San Trúc không phải bạn gái của con.

“ Kinh khủng thật! Mẹ không dễ bị qua mặt chút nào. Cũng may, mẹ thích San Trúc ngaytừ đầu, nếu không anh đã bị mẹ lật tẩy!”. Vĩ Khang nghĩ thầm.

Anh phục mẹ anh thâm trầm tinh ý. Hèn gì mẹ đã đóng vai trò “quân sư” cho ba anh hơn ba mươi năm. Ba anh không cần tuyển trợ lý, công ty chẳng hề gặp bất kỳ sơ suất nào.

Bà Kiều hỏi:

– Nghĩ gì vậy Khang? Chẳng lẽ mẹ đã nói đúng và con muốn mẹ lần này đích thân chọn vợ giùm con thiệt?

Vĩ Khang cười cười:

– Mẹ! Con không đùa đâu. Con thích San Trúc và cô ấy đã đồng ý cho con tiến tới. Có điều San Trúc là người theo đạo, mẹ ạ.

Bà Kiều chưng hửng:

– Có chuyện này ư? Mẹ chấp nhận cưới dâu nghèo, nhưng gia đình nội con, họ sẽ không đồng ý để con lấy vợ theo đạo đâu. Phải làm sao hả con?

Vĩ Khang ngây ngô:

– Mẹ không quá quan trọng vấn đề tôn giáo chứ. Đã lâu rồi, nhà nội đâu quan tâm đến chúng ta. Về đám giỗ, con vẫn nghĩ, đó là làm trọn bổn phận. Tôn giáo không thể ngăn cản hôn nhân của con và San Trúc. Mẹ cứ việc nói với ba con như thế nhé.

Bà Kiều vẫn dè dặt:

– Mẹ có thể lấy của ba con hàng trăm triệu để con cho bạn con. Riêng việc này, mẹ sợ mình làm không nổi. Bà nội con rất ấn tượngvới người theo đạo.

Con biết dó, dẫu thế nào, ba con cũng là trưởng họ và bản thân con là cháu nội đích tôn. Chắc chắn không ai đồng ý đâu. Ngoại trừ việc... - Bà Kiều ngập ngừng.

Vĩ Khang hỏi tới:

– Mẹ đừng khiến con lên ruột. Mẹ nói cho con nghe coi mẹ.

Bà Kiều chép miệng:

– Gia đình mình theo đạo Phật bao đời nay, có hẳn nhà thờ từ đường, am thờ phật Tổ, phật Bà. Bây giờ tôn giáo thoáng hơn, các cụ cũng dễ dãi hơn trong vấn đề “đạo ai nấy giữ”. Mẹ nghĩ, chỉ còn cách khuyên San Trúc theo đạo Phật.

Vĩ Khang nhăn mặt:

– Chuyện đạo, đời, quả thiệt, con chưa bao giờ quan trọng nó, càng không nghĩ, vì khác đạo mà con phải chia tay cô gái con yêu thương. Nhưng con nghe nói, người theo đạo, họ khó hơn chúng ta. Nếu San Trúc cố tình bỏ đạo là cô ấy phạm tội trọng, sẽ bị cả dòng họ không nhìn nhận. Mẹ! Hay là cứ cưới, rồi về nhà, đạo ai nấy giữ, được không mẹ?

Bà Kiều chậm rãi:

– Dù sao con cũng nên hỏi qua ý kiến San Trúc.

Cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con tạm dừng lại, vì ba của Khang về đến. Vĩ Khang bỏ lên phòng nằm. Anh không nghe được cuộc nói chuyện giữa ba mẹ anh.

Ông Việt bảo vợ:

– Chuyện hạnh phúc của thằng Khang, bà tính tới đâu rồi?

Bà Kiều dò dẫm:

– Tự nhiên hôm nay ông hỏi tôi chuyện này, có phải ông ham lên chức ông nội rồi hả?

Ông Việt so vai:

– Ông Đức mới hỏi tôi chuyện Vĩ Khang. Hình nhự vợ chồng ổng nhờ bà nội thằng Khang đến ép chúng ta.

Bà Kiều buột miệng:

– Thế này, chắc chắn Vĩ Khang khó mà lấy vợ quá.

Ông Việt nhăn trán:

– Bà nói vậy là ý gì hả?

Bà Kiều bất mãn:

– Tôi dám ý kiến ý cò gì với má ông à? Nhưng khổ là khổ cho thằng Khang kìa. Nó đã không thương con Kim, tại sao ông bà Đức còn thích đeo mang chứ.

– Vậy, bà nghe thằng Khang nhắc gì đến việc cưới vợ chưa? Bà chả khen con bé San Trúc lắm kia mà. Hay là nó chỉ quen chơi bời rồi đến khi chán chê, lại ruồng rẫy người ta. Gì thì gì, chứ tôi cấm tiệt ba cái vụ yêu đương thất đức đó.

Bà Kiều chép miệng:

– Ông thiệt lạ! Ông làm cha, sao không thử hỏi con trai ấy, chuyện gì cũng bắt tôi gánh hết cả là sao? Nó muốn cưới con bé Trúc. Nó vừa thưa chuyện với tôi, muốn chúng ta chọn ngày ra ngoài đó xin bỏ trầu cau.

Ông Việt tươi cười:

– Vậy thì tốt rồI! Con nó ưng đâu, mình cướI đó. Nói thiệt, tôi càng lúc càng không ưa được tính con Kim. Sang bên này, nó ra vẻ lễ phép thế, chứ ở nhà nó, nó làm “chị Hai” trong nhà, coi cha mẹ chẳng ra gì đâu. Ngữ ấy cướI về, có mà nhà cửa suốt ngày ì xèo. Thế bà nói sao vớI thằng Khang?

– Tất nhiên tôi tán thành. Bộ thời buổi này dễ tìm được đứa con gái vừa đẹp người vừa đẹp nết như con Trúc chắc. Ngặt nỗi...

Thấy vợ tự dưng ngập ngừng, ông Việt gắt nhỏ:

– Lại cái vụ "môn đăng hộ đốí' à? Tôi đã nói rồi, nhà chúng ta giàu, thêm dăm ba đứa con nữa, ăn cả đời chưa hết của. Bà làm ơn quên cái chuyện "giàu nghèo" đó đi.

Bà Kiều gắt lại ông:

– Ông này, rõ thật vô lý ông đã nghe tôi nói gì mà phê phán, lên lớp tôi chứ?

Gia đình San Trúc theo đạo đấy. Tôi đang đau cả đầu, không biết gì đã trách tôi.

Ông Việt chưng hửng:

– Con bé là người có đạo à? Nhưng mà bây giờ đạo ai nấy giữ, không như hồi xưa, vợ chồng buộc phải bỏ "đời" theo đạo đâu.

– Đúng là chúng ta nghĩ đơn giãn thế. Nhưng ngộ lỡ con bé rơi vào gia đình đạo gốc, y như hồi xưa bà nội Vĩ Khang từng gặp phải thì sao?

Ông Việt khoát tay:

– Nếu sự thật như vậy thì coi như số Vĩ Khang kém may mắn. Bà cụ không bao giờ đồng ý cho con cháu lấy đạo người đâu. Vết thương lòng của má còn nóng bỏng à.

Bà Kiều thở dài:

– Tôi cũng biết thế, nên đã lo giùm thằng Khang đây. Chuyện đã tới nước này, có lẽ tối phải ra Phan Thiết trước, ông ạ, Ông Việt đồng tình theo ý kiến của vợ....

Ngày thứ ba, theo lời hứa với cha mẹ, San Trúc trở ra quê. Gặp lúc bà Kim Hoàng và Phú vừa đến nhà cô để hối chuyện hôn nhân. San Trúc thản nhiên bước vào nhà, cô từ tốn:

– Cháu chào bác! Em chào anh?

Phú mắt sáng lên. Anh ta rối rít:

– Lâu quá không gặp, mẹ nhìn xem, San Trúc của con, đẹp không mẹ?

Bà Kim Hoàng nạt đùa:

– Con ngồi im một chỗ đi Phú, để mẹ hỏi con nó vài câu.

Quay sang Trúc, bà nhẹ lời:

– Cháu ngồi xuống, cho bác hỏi vài chuyện.

San Trúc cắn môi:

– Cháu có chuyện gì để bác phải quan tâm ạ?

Phú liến thoắng:

– Tại em không biết đấy. Ở nhà, ba mẹ em đã đồng ý nhận anh làm con rể.

San Trúc so vai:

– Đúng là tôi không hề biết thật.

Bà Kim Hoàng chậm rãi:

– Cháu đi học nên không hiểu ở nhà cha mẹ đã gặp nhiều xui rủi trong kinh doanh. Và để sự giúp đỡ giữa bác dành cho gia đình cháu không còn bị dư luận gièm pha, bác đã hỏi ba mẹ cháu, cho cháu về làm dâu nhà bác.

– Làm vợ anh đó, San Trúc!

Ném cái nhìn đầy khinh miệt về phía gã con trai mặt quắt queo, môi thâm xì, San Trúc cao giọng:

– Cháu rất tiếc, khi phải trả lời bác, là cháu đã có người yêu rồi, thưa bác.

Bà Hoàng chưa kịp phản ứng, Phú lại lần nữa rít lên:

– Có người yêu thì đã sao nào? Ở vùng Phan Thiết này, em đừng quên, ai mà được cậu Phú để mắt tới, là người đó có phước nhé. Và số tiền gia đình em cần, cha mẹ anh sẵn sàng trả cho em. Sẽ không tìm đâu thằng con trai chơi đẹp như anh Phú đâu, cô bác sĩ tương lai.

San Trúc chậm rãi:

– Tôi biết, và rất cám ơn những gì gia đình anh đã giúp cha mẹ tôi. Tôi không có phước lấy chồng giàu. Số tiền cha tôi vay ba mẹ anh, tôi hứa sẽ trả lại.

Bà Hoàng ngọt ngào:

– Bình tĩnh nghe bác nói đã cháu. Gia đình bác tiền bạc không thiếu, nhưng thực chất, bác rất thèm có được một người con dâu có học thức như cháu, về phụ bác kinh doanh. Hoặc như sau này cháu thành dâu con trong nhà rồi, cháu muốn làm kinh tế riêng, mở nhà thuốc, bác sẽ đầu tư tối đa cho cháu. Gia đình cháu không phải sống trong cảnh vất vả nhọc nhằn này nữa. Cháu đồng ý không Trúc?

Ông Vương nhìn con gái:

– San Trúc! Bà đây đã có lòng, con cũng đừng nên quá tự ti, mà sau này ôm hận con ạ.

San Trúc cắn nhẹ môi. Cô vừa thương vừa giận cha. Cô quyết định nói thẳng:

– Chuyện hạnh phúc đời con, xin ba để con tự quyết. Số tiền ba vay người ta, con hứa sẽ hoàn trả.

Bà Kim Hoàng giận dữ:

– Này, là do cô quá tự kiêu mà chuốc lấy đó. Cô muốn trả thì hãy trả cho tôi ngay đi.

San Trúc nhỏ nhẹ:

– Cháu đã hứa thì không nuốt lời, chỉ xin các cho cháu thư thả ít ngày.

Bà Hoàng nhếch môi:

– Cô tưởng tiền nhà tôi là rác chắc. Tôi cho cô biết, tiền nhà tôi đẻ ra được tiền đấy. Cô thích thì ngay chiều nay, hãy bảo cha cô trả đủ lời lãi và tiền gốc cho tôi. Chiều nay không có, đừng trách sao tôi ác à nghen.

Bà kéo tay con trai:

– Chúng ta về?

Phú kêu lên:

– Kìa mẹ! Làm gì mẹ nóng dữ vậy. Con muốn nói chuyện với Trúc.

San Trúc lạnh lùng:

– Cha mẹ tôi nợ tiền gia đình anh, tôi sẽ trả. Giữa tôi và anh không có chuyện gì để nói cả, anh về đi!

Phú bừng giận:

– Mày dám đuổi tao?

San Trúc nhếch môi:

– Nên nhớ, SanTrúc này dám từ chối anh, có nghĩa là nó đủ khả năng làm bất cứ điều gì nó muốn.

– Được, tao chờ xem, ngày mai mày lấy tiền đâu trả tao. Hay là đêm nay, mày bán thân cho một thằng già nào đó ngoài khu du lịch? Chắc là thế nên mày mới mạnh miệng chứ gì. Hừ, đồ con...

– Đồ con điếm phải không? Nếu là thế, tao vẫn bằng lòng chứ không ngu gì đâm đầu về làm vợ mày. Về đi, đừng để tao nổi giận!

San Trúc nghẹn đắng, mắt cô lộ hung quang.

– Khoan đã! Tôi có chuyện muốn nói với cậu.

Một giọng phụ nữ nhẹ nhàng cất lên. Mọi người giật mình nhìn ra cửa.

Người đàn bà đứng ở ngưỡng cửa mặc bộ đồ gắm đắt tiền, khuôn mặt người phụ nữ nhìn phúc hậu, sau lưng bà còn một người đàn ông, xách theo giỏ đồ.

San Trúc thảng thốt:

– Bác...

Bà Kiều (người đàn bà chính là bà Kiều), khẽ nói:

– Bác nghe hết câu chuyện nãy giờ. Xin phép ba mẹ cháu Trúc, cho tôi được nói vài lời với bà và cậu đây trước.

Ông bà Vương kinh ngạc nhìn hết người phụ nữ sang trọng, lại nhìn qua con gái. San Trúc hình như cũng bất ngờ như ông bà Vương.

Bà Kiều chậm rãi nói với bà Kim Hoàng:

– Bà đã cho anh chị tôi đây vay số tiền bao nhiêu, thưa bà?

Bà Kim Hoàng lưỡng lự:

– Bà là ai? Bà muốn gì đây?

Bà Kiều nhếch môi:

– Bà cần anh chị tôi trả tiền, hay bà cần biết tôi là ai?

Phú cáu kỉnh:

– Tất nhiên, họ phải trả tiền tôi. Ông ta vay mẹ tôi mười lăm triệu đồng. Con gái ông ta đã không biết điều, tôi đòi lại tiền trong ngày mai. Bà có đủ mười lăm triệu trả giúp họ không?

Ông Vương kêu lên:

– Cậu nói láo! Tôi vay mẹ cậu mười triệu đồng mới hơn hai tháng. Bây giờ cậu nói tôi vay mười lăm triệu. Cậu có tính lãi cũng vừa phải thôi chứ.

Phú gằn gằn:

– Tôi chưa tính sổ sòng phẳng với ông đâu. Nên nhớ, con gái ông không dễ thoát tay tôi đâu. Tiền nhà tôi mỗi ngày biết đẻ ra tiền đấy.

Bà Kiều từ tốn:

– Tôi đồng ý trả đủ số tiền trên. Mờì chị cho tôi coi giấy nợ!

Bà Hoàng bối rối:

– Tôi không có đem theo.

– Vậy chị và con trai chị hãy viết cho chúng tôi tờ biên nhận là chị đã nhận đủ số tiền mười lăm triệu. Tôi đọc cho chị ghi nhé. Chị cảm phiền, bút sa gà chết, tôi bỏ ra mười lăm triệu để chấm dứt nợ nần cho anh chị tôi, nên tôi phải làm đúng thủ tục và cả luật vay nặng lãi.

Bà Kim Hoàng thấy phong thái đầy tự tin của bà Kiều thì biết rằng bà đã gặp phải người trên "cơ" bà. Không thể tìm cách thoái, bà Hoàng đành viết giấy nhận tiền. Tờ giấy được trao lại cho bà Thủy giữ, sau khi lấy đủ chữ ký của từng người có mặt.

Bà Kiều lấy trong giỏ xách ra một cọc tiền loại giấy bạc năm trăm ngàn. Bà đếm đủ ba mươi tờ đặt trước mặt mẹ con bà Hoàng. Mẹ con bà Kim Hoàng ra về. Ông bà Vương lúc này mới quay qua bà Kiều:

– Xin bà nhận ở vợ chồng tôi lời cám ơn chân tình nhất. Bà đã giải cứu con gái tôi, đời này kiếp này, vợ chồng tôi nguyện làm kẻ ăn người ở cho bà.

Bà Kiều kêu lên:

– Ấy! Anh chị đừng làm thế, kẻo tôi khó mở lời lắm ạ. San Trúc, cháu hãy nói đi!

San Trúc thở dài:

– Bác! Anh Khang kêu bác ra đây phải không ạ?

Bà Kiều lắc đầu:

– Có lẽ glờ này nó mới biết bác đi đâu.

San Trúc quay vào cha mẹ, cô nói nhỏ:

– Thưa cha mẹ, đây là bác Kiều, mẹ của anh Vĩ Khang, bạn con trong Sài Gòn.

Bà Kiều chắt lưỡi:

– Ôi! Con bé này, phải nói rõ hơn chứ con. Anh chị tha lỗi cho sự đường đột của tôi. Vĩ Khang là con trai tôi, nó thương con gái anh chị. Cháu muốn tôi ra đây, xin phép anh chị cho chúng tôi được cưới San Trúc về làm dâu.

San Trúc hoàn toàn bất ngờ đến tình huống này. Cô định về thưa chuyện để ba mẹ rõ, sau đó mới gọi điện báo cho Khang. Cô đã suy nghĩ rất kỹ. Thà cô bị ba mẹ anh coi thường, rồi thời gian làm dâu, cô sẽ sống tốt để trả lại ân tình cho họ, còn hơn cô buông xuôi cuộc đời lấy Phú, gã đàn ông nghiện ngập, bệnh hoạn kia.

Bà Thủy bật khóc:

– Chúng tôi chưa nghe cháu nói gì. Chị thông cảm, nhà cửa chúng tôi quá xềnh xoàng. Con ơi! Làm cho mẹ mấy ly nước mát, mau nghen con.

Bà Kiều tươi cười:

– Con người ta hơn nhau ở tính nết. San Trúc nhà chị khiến mẹ con người đàn bà giàu có kia muốn cưới con bé. Rõ là may mắn cho con trai tôi, nó đã không chọn lầm bạn. Chú Tân, mau xách quà vô giùm tôi đi!

San Trúc vội vã chạy ra phụ chú tài xế xách đồ vào nhà. Tận lúc này, cô mới ngỡ ngàng nhận ra chiếc Mercedes của gia đìnhVĩ Khang đậu ngay đầu ngõ nhà cô, và trẻ con trong xóm đang hiếu kỳ bu đến.

Chỉ một buổi trưa mà có tới hai chiếc xe hơi sang trọng đến nhà ông Vương, khiến xóm nghèo vùng ven biển này như bừng lên chút sắc hồng hy vọng.

Sau tuần nước trà mờI khách, chị em San Trúc vào bếp lo cơm nước. Trên nhà, bà Kiều chậm rãi nói:

– Anh chị cho phép chúng tôi được cưới con gái anh chị về làm dâu chứ?

Bà Thủy bối rối:

– Kìa ông? ý ông thế nào?

Ông Vương xúc động:

– Còn thế nào nữa. Tôi đồng ý. San Trúc không phải bỏ học, đó là điều tôi lo lắng nhất. Tôi mong chị hãy thương con gái tôi thật lòng. Gia đình tôi vì gặp lúc hoạn nạn, bao nhiêu vốn liếng vay mượn ngân hàng đều đầu tư vô ao tôm. Nay tôm bị bệnh chết sạch, tôi quá bối rối, nghe người ta mách bảo, mới ra thành phố vay lãi cao. Cũng tưởng sau khi xuất ao, tôi sẽ đủ tiền trả lại họ, nào ngờ tôm vẫn tiếp tục chết... Họ ép tôi phải trả nợ, nếu không thì gã San Trúc cho con trai họ.

Ngừng một chút, ông tiếp:

– Tôi chưa biết con trai chị thế nào. Bình thường, San Trúc nhà tôi khó tính lắm, nó rất ghét đàn ông. Bây giờ nó chịu thương con chị, chắc chắn cậu ấy phảI là người đàn ông tốt.

Bà Kiều nhún nhường:

– Anh chị thương mà dành cho cháu tình cảm tốt đẹp, chứ thằng Khang nhà tôi cũng cứng đầu lắm. Tôi định tự hỏi vợ cho nó đấy, ai dè nó lại dẫn San Trúc về nhà, vậy là tôi quên ngay ý định của mình. Tôi còn một đứa con gái, nó cũng mến San Trúc lắm. Anh chị đừng mặc cảm. Tôi sẽ giúp anh chị gầy dựng lại vốn liếng nhà cửa.

Bà Thủy từ tốn:

– Chị thương San Trúc nhà tôi, thật phúc đức cho con tôi rồi. Chúng tôi thật sự không dám nhận thêm bất cứ sự giúp đỡ nào của anh chị đâu ạ.

– Chị đừng nói vậy, tôi buồn. Không giấu gì anh chị, thằng rể tương lai của anh chị là tổng giám đốc liên doanh giày da, làm sao tôi có thể để sui gia của mình sống trong điều kiện thiếu thốn mọi tiện nghi chứ.

Bà Thủy vẫn kiên trì:

– Chị à! Được con trai chị thương tớI Sang Trúc nhà tôi, thiệt là may mắn cho con bé. Tạ ơn chúa! CuốI cùng con tôi cũng thoát khỏI cuộc hôn nhân kinh khủng ấy. Cả tháng qua, đêm nào tôi cũng mơ thấy ác mộng. Sáng tỉnh giấc, tôi vào nhà thờ xin cha ban cho phước lanh, nhưng vẫn không sao xóa được nỗI ám ảnh. Bây giờ, dẫu có nhà xiêu vách nát, vợ chồng tôi cũng không dám nhận gì hơn đâu, chị ạ.

Bà Kiều kiên nhẫn:

– Anh chị phảI cho tôi nói. Chúng ta không phải chỉ sống cho chúng ta, hãy vì con cái anh chị ạ. Hơn nữa, tôi còn một việc cần hỏi anh chị đây.

Ông Vương từ tốn:

– Xin chị cứ dạy bảo.

Bà Kiều nói:

– Tôi không dám nhận lờI anh nói đâu. Chuyện Vĩ Khang cho chúng tôi biết, gia đình anh chị theo đạo Thiên Chúa. Tôi muốn hỏI, nếu con tôi cướI San Trúc, nó có phảI theo đạo không?

Ông Vương nhìn vợ:

– Chuyện này... Kìa bà! Bà nói sao cho chị ấy hiểu đi bà.

Bà Thủy nhẹ giọng.

– Chị hỏi tới, tôi nói để chị rõ, Ngày xưa, chuyện lấy người ngoại đạo là việc khó khăn. Người ngoại đạo muốn lấy người có đạo, phải bỏ tôn giáo của mình mà theo về đạo, không được thờ phụng bất kỳ ai. Bây giờ thì dễ hơn. Đạo ai, người đó giữ, không còn bắt buộc nữa. Ông bà cha mẹ vẫn được thờ, thắp nén nhang để tỏ lòng hiếu thảo. Và mỗi tuần vào ngày chủ nhật, người lấy vợ (hoặc chồng) vẫn đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, xin cha ban phép, xưng tội. Tất cả đều thoáng hơn rất nhiều, vì thế anh chị đừng bận tâm.

Bà Kiều tươi nét mặt:

– Cám ơn anh chị! Như vây là con trai tôi có duyên phận, lấy được con gái của anh chị rồi. Thật ra tôi không phải khó khăn gì, chỉ tại Vĩ Khang nhà tôi mang trên vai bổn phận cháu đích tôn, nên cháu không thể từ chối bổn phận của mình. Bây giờ, tôi thật sự yên tâm rồi.

Sau cuộc nói chuyện của bà Kiều, chuyện đám cưới của Khang và San Trúc được bàn tính kỹ hơn.

Trước đám cưới, bà Kiều xây lại toàn bộ nhà cửa, ao hồ cho gia đình Trúc.

Vĩ Khang vừa phải lo việc công ty, vừa phải cố gẩng để học giáo lý hôn nhân.

Mọi thủ tục có thể giảm bớt, nhưng không thể lấy vợ đạo, mà không biết gì về đạo của vợ. Vĩ Khang thông minh, anh một lòng một dạ muốn lấy San Trúc, nên đã tự bắt mình học thuộc tấc cả giáo lý hôn nhân chỉ trong vòng... một tuần lễ.

Đúng là trên cả tuyệt vời khi trái tim đã hướng về điều gì, con người dễ dàng vượt qua mọi khổ luyện, để đạt tới đích.

San Trúc không còn gì để từ chối, chọn lựa, khi Vĩ Khang đã muốn lấy cô.

Được thoát khỏi cuộc hôn nhân đầy ác mộng bao phủ với Phú, Trúc tưởng như cuộc đời cô được hồi sinh và ân nhân cứu mạng của cô chính là người đàn ông từng năn nỉ cô, hãy đóng vai làm người tình bé bỏng của anh. Bây giờ không còn cảm giác lo lắng bị ba mẹ Khang phát hiện nữa, cô đang bước vào hào quang rực rỡ của cuộc hôn nhân do Khang quyết định.

Cô chưa yêu anh, chỉ mới chút chút rung động xôn xao mỗi khi đối diện anh, nhưng có hề gì. Tình yêu rối sẽ đến sau hôn nhân, nếu cô thật sự biết yêu thương tran trọng tình cảm vớI những người trong gia đình Khang. Cô nhất định hạnh phúc, bởi gia đình Khang, họ là những người giàu có trái tim nhân hậu. Cô tự hứa không phụ tấm lòng của Vĩ Khang. Mãi mãi là người vợ hiền thục của anh!