Trong lúc nhà Lê trị vì, văn học rất thịnh ở Kinh Bắc cũng như ở các xứ khác, những hạng học trò đã có đi khảo thi rất chuyên cần về việc tập văn.
Ngoài những kỳ văn của thầy ra cho, người ta còn rủ nhau từng bọn hoặc vài chục hoặc hàng trăn người nói với các ông danh sĩ trong xứ ra bài cho làm, rồi lại nhờ những ông ấy chấm cho. Việc tập văn ấy người ta gọi là văn hội, mỗi tháng hai kỳ hoặc ba kỳ. Chỗ làm văn không nhất định ở đâu, thông thường thì ở các đình các chùa. Văn hội nhóm ở đình chùa làng nào, người học trò ở làng ấy phải cung đốn những vật cần dùng ví như nước nôi, đèn điếu chẳng hạn.
Sau thời kỳ nhà Lê, trong nước rối loạn, việc học hoang phế, văn hội cũng bị tan hết. Gần đây thiên hạ đã yên, sự học đã bắt đầu hưng phục, ở Kinh Bắc cũng như ở các xứ khác, văn hội đã nhóm lên dần dần.
Bữa ấy nhằm kỳ văn nhật khắc, họp ở đình Đọ, những người học trò ở mấy phủ huyện gần đó, nhiều người đến dự. Xuân Hương nghe tin như vậy, nàng cũng náo nức muốn sang coi thử.
Mặt trời đã vượt lên khỏi nóc nhà láng giềng, ánh nắng chiếu xuống trước thềm thành một màu vàng thẳng, nàng nói qua cho bà dì biết, rồi dắt người con gái út bà ấy cùng đi với mình.
Đình Đọ ở ngay bên cạnh.
Trong ba gian đình thênh thang như ba cái chợ, học trò mỗi người một chiếu, gù lưng nằm khắp sàn đình.
Chừng như ông đồ Nghệ đã có nói trước, nên khi Xuân Hương bước đến giọt đình, hết thảy học trò đều nghểnh cổ nhòm ra, và họ thì thầm nói riêng với nhau:
- Mặt mũi cũng khá đấy nhỉ?
- Coi bộ cũng không có gì khác người, làm sao mà chua ngoa thế ?
- Có thế mới nên chuyện. Nếu cứ từ bi như vợ mình, em mình ở nhà thì còn có tiếng tăm gì!
Làm thinh, nàng dắt người em gái lên thẳng sàn đình và chắp tay chào vài người ở gần trước mặt.
Ông đồ Nghệ đứng lên giới thiệu:
- Thưa các ông, đây là cô Hồ Xuân Hương, con gái ông nghiệp sư tôi ở Nghệ, nhân qua xứ Bắc thăm người bà con, tiện nay có kỳ văn, nên cô sang chơi.
Rồi thầy đồ ấy ngoảnh lại nhìn mặt Xuân Hương:
- Tiện thể, hay là cô thử viết với chúng tôi một kỳ.
Xuân Hương nghĩ thầm: "Nếu họ không nhờ lão Nghè Đặng và lão Nghè Hoàng chấm văn, thì ta cũng viết chơi vài bài cho họ biết tay. Nhưng họ đã cậy hai lão ấy chấm thì ta không nên dính vào làm chỉ. Nàng liền trả lời:
- Tôi cũng muốn viết với các ngài cho vui, nhưng ở đây không sẵn giấy bút, và tôi bỏ đã lâu, bây giờ viết chắc chậm lắm, không thể theo kịp các ngài. Hơn nữa quá trưa bữa nay, tôi lại phải về Hà Nội, dẫu viết cũng không trọn quyển?
Các ông học trò ra ý cũng không đậm đà về sự mời nàng viết văn, hình như ai nấy đều sợ có một người lạ dự vào. Nhất là người ấy lại là con gái có tiếng hay chữ, thì văn của mình tự nhiên cũng hóa khó viết, vì thế, thấy nàng từ chối, không ai kèo nài thêm một câu nào. Vài người lớn tuổi đứng ra mời nàng vào chiếu giữa đình: ăn trầu uống nước, rồi họ hỏi thăm qua loa về chuyện học hành thi cử ở Hà Nội. Còn các người khác đều cặm cụi với quyển văn.
Kỳ ấy là kỳ kinh nghĩa. cũng đủ bảy bài, hai bài chuyện thì Luận ngữ và "Ngô kỳ vi Đông chu hồ", Mạnh Tử là: "Đương kim chi thế, xả ngã kỳ thùy", năm bài kinh thi: Kinh Dịch là "Uốn dĩ dưỡng chính, thánh công giã", kinh Thư là: "Việc nhược kê cổ Cao dao", kinh Thi là "Chu đạo như chỉ", kinh Lễ là "An dân tai" và kinh Xuân Thu là "Công tức vị". Nhìn qua đầu bài ở các quyển, nàng lẩm bẩm cười thầm: "Không biết những để mục này của lão Nghè Đặng hay lão Nghè Hoàng đã ra cho bọn học trò, hình như bài nào "kẻ ra" cũng có ngụ ý tự phụ, thật là khả ố". Rồi nàng mỉm cười hỏi thầy đồ Nghệ:
- Ông chuyên kinh gì?
Ông đồ Nghệ vênh vang:
- Tôi chuyên kinh Dịch?
Nàng vẫn mỉm cười và tiếp:
- Thế thì, đầu bài kinh Dịch hôm nay hợp với cảnh ông lắm. "Uốn dĩ dưỡng chính, thánh công giã", đó là cảnh ông chứ gì. Hay là các cụ Nghè biết ông đương vất vả với lũ học trò trẻ con, nên mới ra cái bài ấy.
Cả đình đều cười oà lên, ông đồ Nghệ vẫn ra vẻ tự đắc:
- Kể ra làm nghề gõ đầu trẻ cũng có khổ thật, rát hầu, rát cổ suốt ngày, thế mà đến khi chúng nó khá giả, ít đứa chịu nhớ đến mình.
Nàng lại cười cách chế giễu:
- Khi nào lại thế. Những kẻ làm nên, bao giờ cũng nhớ ông thầy khai tâm trước tiên.
Rồi nàng dẫn luôn một truyện cổ tích:
- Ông không nhớ chuyện cụ Trạng Cháy đấy à?
Ông đồ Nghệ vội vàng hỏi tắt:
- Cụ Trạng Cháy là ai nhỉ?
Nàng tủm tỉm:
- Là cụ Nguyễn Công Hằng, người ở làng Cháy, tên chữ là làng Phù Chẩn. Người ta nói rằng: Khi cụ mới đỗ Trạng nguyên, ở Hà Nội có người khách buôn góa chồng nhờ cụ khai tâm cho con trai mụ. Mẹ con đưa nhau cắp sách đến nhà, cụ mới viết cho tám chữ "thiên tích thông minh, thánh phù công dụng", và dạy cho học vài lượt, thì nhà có khách. Cụ cho nghỉ học, mẹ con lại đem nhau về. Hôm sau, cụ bận việc khác không dạy học nữa, chẳng bao lâu, mụ ấy đem con về Tàu, cụ cũng không hề nhớ rằng mình đã khai tâm cho một người Khách. Cách hơn mười năm...
Nói đến đây, nàng cầm khay cau nhón lấy một miếng bỏ vào mồm nhai, rồi tiếp:
- Cách hơn mười năm: cụ làm quan với chúa Trịnh, phải làm sứ thần đệ các đồ cống sang Tàu khi qua Quảng Tây vào nghỉ trong nhà một ông quan lớn ở ven đường. Thấy ở giữa nhà kê một cái sập thiếp vàng. Trên có bài vị khắc một dòng chữ "Nghiệp sư An Nam Nguyễn tướng công chi vị" và cạnh bài vị có cái biển con khắc rõ tám chữ "Thiên tích thông minh, thánh phù công dụng", dưới đó lại đề mấy chữ "nghiệp sư thủ bút". Cụ để ý nhìn, tám chữ kia chính là chữ mình, nhưng không nhớ viết từ bao giờ, và làm sao lại sang đến đây. Sau khi gặp ông quan là chủ nhà ấy, cụ nói tên họ của mình cho biết, ông ta liền thụp xuống lạy; té ra ông ấy chính là con trai mụ khách khi trước đã nhờ cụ khai tâm. Hỏi ra mới biết ông ấy đã thi đậu tiến sĩ, và đã làm đến tri phủ, vì có tang mẹ, phải nghỉ ở nhà. Rồi ông ta mời cụ lên ngồi ở giữa cái sập để bài vị đó. Sập ấy, mọi ngày ông ta chỉ để thờ vọng bóng cụ, nội tử người sang người hèn, không ai được ghé vào đó, bây giờ cụ ngồi là lần đầu tiên. Đó, đối với ông thầy khai tâm, chỉ viết chữ và dạy vài câu, người ta còn nhớ ơn đến thế, huống chi như ông ngày ngày rát cổ bỏng họng về học trò, lẽ nào học trò lại quên công ông. Chỉ sợ họ không làm nên mà thôi.
Ông đồ Nghệ biết nàng nói riễu, cắm đầu vào quyển văn không nói gì nữa. Nàng dắt người em gái đi lướt một lượt, tò mò liếc qua các quyển xem sao. Có quyển đã viết đến đoạn trung cổ, có quyển mới viết hai câu phổ thừa, có quyển lời văn cũng hay, có quyển giọng văn nhạt như nước ốc. Nàng lượn ra xung quanh đình dạo thăm phong cảnh, một lát, lại trở lên đình, định chào cả bọn rồi về, trông đi, trông lại nàng không thấy ông đồ Nghệ đâu cả.
Tới nhà bà dì, nàng bỗng ngăm ngăm đau bụng, muốn đi đại tiện, ra đến chuồng xí đã thấy một người ngồi ở bên trong, nàng phải bấm bụng cố nhịn mà về.
Bụng dần dần yên, nàng nằm trong màn nghỉ. Gần trưa, cơn đau bụng lại nổi và mót đi đại tiện, nàng lại chạy ra chuồng xí, người lúc nãy vẫn còn ngồi đấy, nàng vẫn bị bất như ý mà về. Nửa giờ sau bụng vẫn đau dữ, nàng ra đàng sau đứng nhòm trong chuồng xí vẫn thấy có người, và vẫn là người lần trước. Tức quá, nàng cầm hòn đá ném vào chuồng xí một cái đánh chát, một người ở trong tất tả chạy ra, chính là ông đồ Nghệ.
Thì ra ông ta đương lúc nghĩ văn mót đi đại tiện, ra tới nhà xí hứng văn nổi lên, làm cho ông ta mải miết để cả tâm trí vào văn quên bẵng đi rằng chỗ mình ngồi đó chính là nhà xí nên đã thôi đi đại tiện mà vẫn ở mãi đó chưa ra.
Thấy vậy, nàng vừa bực mình vừa buồn cười, sự liên tưởng khiến nàng bỗng nhớ đến chữ "tam thượng" của Âu Dương Tu, nhà tiên nho ấy tự nói bình sinh làm văn, chỉ có ba chỗ nghĩ được nhiều nhất, một là mã thượng, tức là khi ngồi trên ngựa, hai là chẩm thượng tức là khi nằm trên gối, ba là xí thượng, tức là khi ngồi trên cầu chuồng tiêu. Vậy thì trên cầu chuồng tiêu cũng là một nơi làm văn của cổ nhân. Nhưng làm văn như thầy đồ này ngồi trong chuồng tiêu từ sáng đến chiều, thật cũng quá đáng. Không biết có rặn ra được câu văn nào không. Nàng về thuật chuyện cho bà dì nghe cả nhà đều cười oà lên, làm cho người con gái út bà ấy cũng phải xấu hổ về thầy, nhất định không sang học ông đồ ấy nữa.
Hôm sau bà dì lại phải dỗ mãi, con bé mới lại chịu đi.
Ở đó vài ngày, bệnh nàng lại khỏi như thường. Vì đã mấy năm nàng mới sang chơi một lần, bà dì nhất đinh giữ lại không cho về vội. Nàng phải nấn ná ở đó đến hơn nửa tháng, ngày ngày cùng bọn em gái đi ra các sông, các núi thăm viếng những nơi danh lam cổ tích ở gần chung quanh.
Khi nàng về tới Hà Nội đã là trung tuần tháng một, bấy giờ hai kỳ thi đệ tam và đệ tứ đã xong từ lâu, Hà Nội đương đợi kỳ xướng danh.
Sáu năm mới có một lần, ngày xướng danh ở cửa trường thi cũng là một ngày vui vẻ của thành Hà Nội.
Chẳng riêng gì bọn sĩ tử là những kẻ có dự cuộc danh khôi đoạt giáp náo nức chờ đợi, những người vô sự ở các phường phố cũng nô nức muốn coi cho biết mặt mũi những ông tân khoa thế nào.
Đúng ngày xướng danh. Nàng cũng dậy từ gà gáy thứ nhất. Uống tàn ấm nước chè tàu, nàng liền vấn khăn mặc áo, cắp nón đi ra cửa trường. Tuy đối với việc thi cử khoa ấy, nàng không dính dáng mảy may, nhất là nàng không như những cô con gái nhà giàu, cốt ra nghe cho biết ai đỗ ông Đồ, ông Cống để rồi đánh tiếng lấy chống, nhưng với nàng, ngày ấy cũng như một ngày có hội, ở cạnh đám hội, lẽ nào lại không đi coi! Vầng trăng tà tà về tây, nàng xuống đến phố trường thi, trong khu đất giá rét như cắt, hàng xứ đã đến đông như kiến cỏ. Ngoài số sĩ tử được vào phúc hạch ra đó chờ nghe xướng danh, lại còn thân thuộc bạn hữu của họ, lại còn những người vô sự đi xem, đúng số được dự vào cuộc xướng danh, chỉ có độ ba chục người mà ở cửa trường có tới bảy tám trăm người cả thảy. Đêm nay cũng như các đêm vào kỳ đệ nhất đệ nhị, sự canh phòng vẫn cẩn mật, những cây đình liệu vẫn cháy đùng đùng.
Khác một điều là, những ông học trò không ai phải lếch thếch đeo lều đeo chõng, và bao nhiêu người đều dồn cả vào cửa tiền, những cửa vi giáp, vi ất, vi tả, vi hữu đều đóng im ỉm.
Gần sáng trên chòi canh dóng ba hồi trống ba hồi kẻng, đèn lồng, lọng xanh, cờ khâm sai, biển phụng chỉ, theo lệ rước các ông quan trường ra cổng trường. Các ghế tréo đã bày sẵn sàng, những ông khảo quan và những ông ngự sử, lần lượt leo lên mạt ghế với những ống hốt ngà voi, lại một hồi trống và một hồi kẻng dóng nhau điểm ở trên chòi, người lại phòng đứng cạnh viên chánh chủ khảo cầm sổ đọc cho người lính cầm loa, rồi người lính ậm ọe thét gọi:
- Giải nguyên Hoàng Đức Phu, Hà Nội, Đồng Xuân!
Tiếng loa vừa dứt, tiếp đến tiếng dạ ở ngoài xa xa, một người học trò trẻ tuổi áo the quần trắng cố sức lách qua đám đông tiến vào khu đất cửa trường. Người lính cầm loa lại bắc gọi lần nữa và người học trò trẻ tuổi cũng dạ một lần nữa. Lúc ấy bọn lính kiểm soát liền lĩnh một chiếc mũ đuôi én và một tấm áo lam ban cho người học trò ấy. Đội mũ mặc áo chinh tề, người học trò ấy lính xính chắp tay vào ngực đi vào trong nhà thập đạo. Người lại phòng cầm sổ lại xướng cho người lính cầm loa gọi đến tên khác. Ngoài cửa trường không thấy tiếng dạ, cái loa lại phải ậm ọe gọi mấy lần, vẫn không ai thưa, quan trường phải cho lính đi xuống đám đông hỏi xem có ai gặp ông tân khoa ấy không. Thì ra ông ấy ra bộ không nóng nảy về đường công danh, tuy nghe tin mình đậu hương cống, anh em họ Mạc đã mấy lần sai người về báo, ông vẫn ngất ngưởng đánh chén ở nhà trọ, chứ không thèm ra. Sau khi đã phái hình vào tận nhà trọ đòi gọi người học trò ấy, quan trường bảo người lại phòng đọc cho lính cầm loa gọi luôn người dưới.
Mỗi tiếng gọi là một tiếng dạ, môi tiếng dạ là một bộ mũ áo đưa xuống, xướng danh hết trên mười người không xảy ra sự gì cả. Người lính cầm loa cứ việc theo miệng người lại phòng gọi đến người mười bảy.
Không có người nào thưa thốt cả, nhưng ở ngoài tít đằng xa, có một ông học trò vào khoảng ngoài bốn chục tuổi bận áo nâu, vấn khăn vải, úp cái nón chóp sơn vào ngực, vừa đấm vào chóp nón, vừa nhảy chân sáo vừa reo:
- Sú lợn về ai? Thử xem sú lợn về ai?
Ông ấy Chinh là ông hương cống thứ mười bảy, bè bạn đứng cạnh, thấy người lính cầm loa ậm ọe gọi hoài, ông này vẫn không thèm thưa, mấy người liền vỗ vào vai và hỏi:
- Đã biết thủ lợn về ông, chứ về ai nữa, nhưng ông phải dạ một tiếng, rồi lĩnh mũ áo đi vào ăn yến, sao cứ để người ta gọi mãi?
Ơng ấy cũng không trả lời cứ việc nhảy chân sáo, đấm vào chóp nón mà thét:
- Sú lợn về ai? Thử xem sú lợn về ai?
Loa đồng gọi đã hết hơi, cái nón chóp sơn bị đấm đã bẹp, ông đó vẫn cứ chân nhảy choi, miệng reo thủ lợn về ai, không thèm thưa cũng không thèm vào.
Bực quá, quan trường phải bảo lính xuống tận nơi, hỏi thăm những người quen thuộc của ông ta, biết đích ông ta đậu thứ mười bảy, liền cho lính dẫn vào cửa trường, đưa mũ đưa áo cho ông ta. Không đội mũ, cũng không mặc áo, ông ta chỉ lảm nhảm nói hoài một câu "sú lợn về ai", lính phải cắp mũ cắp áo và đưa ông ta vào tận trong nhà thập đạo.
Người lính cầm loa theo người lại phòng gọi luôn bốn năm người nữa, rồi gọi đến Nguyễn Cao Đệ, Hà Nội, Khán Xuân, hương cống thứ hai mươi hai.
Cũng như ông cống thứ mười bẩy, Nguyễn Cao Đệ nghe thấy loa gọi tên mình, cũng không thưa dạ, chỉ nhảy chân sáo và reo thật to:
- Ý a! Ta đỗ rồi!
Thế rồi như ngựa đứt cương, Nguyễn Cao Đệ lồng tế một mạch từ khu cửa trường lên khu cửa Nam, quan trường cho lính đuổi theo không kịp.
Gọi nốt ba người dưới nữa, thế là xong cuộc xướng danh, khoa ấy lấy hai mươi nhăm hương cống cả thảy.
Các ông tân khoa và các quan trường đã vào trong nhà thập đạo hết rồi, bấy giờ cửa trường mới kéo bảng hương cống rồi kéo đến bảng sinh đồ. Có một vài ông mắc phải những tội thiệp tích, phạm húy, phạm trường qui đều bị nêu tên ra chiếc bảng con.
Hàng xứ dần dần về hết, Xuân Hương ghé lại xem tấm bảng con, thấy có tên Đặng Như Bích, phạm lỗi "quyển viết không đủ. Nàng mỉm cười và đương nghĩ thầm "thế cũng đạo mạo lên mặt công tử? Bỗng ở đằng xa nghe có tiếng người ồn ào và sự ồn ào mới tiến gần lại. Giây lát, một bọn học trò độ năm sáu người, anh nào anh ấy rượu say bét nhè, vừa đi vừa gọi tên các ông quan trường chửi rủa inh ỏi. Thì ra những ông học trò ấy đều phúc hạch và bị hỏng tuột. Họ tự cho là văn họ đáng đỗ, vì quan trường không biết bẩm văn, đánh hỏng họ. Cơn cảm khái nổi lên, họ rủ nhau vào hàng đánh chén, hơi men hăng bốc, khí tức càng lên đùng đùng, họ liền kéo đến cửa trường mà chửi những người đã làm cho họ phải hỏng. Cổng trường đã đóng, những ông tân khoa và các ông quan trường đương vui vẻ trong tiệc lộc minh, chợt nghe ở ngoài có người gầm thét, quan trường liền cho lính ra hỏi chuyện gì. Sau khi đã biết là bọn học trò sinh sự, quan trường phải sai mấy người lại phòng ra đó vừa dọa nạt, vừa an ủi, cốt cho họ hãy im đi. Nhưng mà vô hiệu, bọn kia trước còn đứng, sau rồi ngồi, sau nữa thì lăn đành đạch xuống đất họ cứ réo tên quan trường chửi mắng một cách thậm tệ.
Chán chửi quan trường, họ lại chửi trời chửi đất chửi các vị thần thánh, chửi đến những người đứng xem ở chung quanh.
Một lúc sau, họ đều ù té đứng dậy và chạy đùng đùng ra phía bờ hồ Hoàn Kiếm.
Không biết họ định đến đó làm gì, hàng xứ lốc nhốc chạy theo để xem. Té ra họ định dắt nhau đến hồ tự tử, một dãy ngồi trên bờ hồ, anh nọ ra dáng can đảm bảo anh kia:
- Phải để cho tao chết trước.
Anh kia cũng ra bộ hăng hái và bảo anh nọ:
- Tao chết trước chứ, mày không được phép nhảy xuống trước tao!
Gió bắc ào ào, hơi nước kéo lên lạnh ngắt, cả bọn cùng thò một chân xuống hồ, rồi tức thì cả bọn lái rụt lên liền; hình như trong nước giá quá, cái chân bằng thịt không thể để lâu ở dưới ấy. Cuối cùng một người ra ý khoáng đạt bảo với mọi người:
- Muốn chi thì khó, chứ muốn chết thì có khó gì, định chết thì chết lúc nào chẳng được? Can gì phải chết trong lúc giá rét cho khổ thân, chúng ta hãy về nhà trọ chén thêm cái đã!
Mọi người đều khen nói phải, cả bọn đều đứng dậy và lại tất tả chạy về, ai nấy vẫn còn say dí say dì, loạng choạng, chân nam đá chân chiêu, lảo đảo như lên đồng trượng làm cho hàng xứ cười reo ầm ĩ.
Coi hết tấn hài kịch ấy, Xuân Hương lẽo đẽo cắp nón về phường Khán Xuân, giữa đường, nàng bỗng nhớ đến Nguyễn Cao Đệ. Vì ông đó với nàng cùng ở một phường và hai nhà cách nhau cũng không xa lắm, lý lịch ông ta nàng biết hết cả, ông ta tư chất khá, thông minh, học hành lại rất chăm chỉ, nhà nghèo, bố mẹ chết cả, không ai cấp dưỡng, không có lương ăn, ông ta phải đến nương nhờ nhà vợ, để hòng theo đuổi cho trọn nghiệp học. Bố vợ làm nghề hàng thịt, mẹ vợ vẫn thường bán thịt chợ Đồng Xuân. Cả hai tính nết cũng y như nhau, đều là hạng ăn phàm nói phũ và đều không ưa việc học. Lúc đầu ông ta mới đến ở rể, nhà vợ còn hơi kính trọng. Dần dần thấy ông ta chỉ ăn hại mà không làm lợi cho nhà ấy đồng nào, thì từ bố mẹ trở xuống đến đứa em vợ nhỏ nhất, đều có ý ghét, trước còn đá mèo quèo rể, sau thì họ nói thẳng vào mặt ông ta. Vợ tuy thương chồng, nhưng vì không kiếm được đủ nuôi chồng, nên cũng không dám bênh chồng, trái lại, nhiều khi chị ta lại phải đay nghiến ông ta để lấy lòng cha mẹ là khác. Ông ta đã mấy phen cắp gói ra về, toan tìm một chỗ dạy học độ thân, nhưng không tìm đâu cho ra, sự đói khó lại bắt ông ta cứ phải vác bộ mặt dầy trở lại nhà vợ. Từ đó bố vợ mẹ vợ lại càng khinh rể, mẹ vợ mỗi khi sắp sửa đi chợ lại gọi nheo nhéo: "Đệ đâu? Đi ra gánh thịt xuống chợ cho tao!". Còn bố vợ, những lúc say rượu, thường thường mắng chửi ông ta, bảo ông ta phải thôi học để đi khiêng lợn, mổ lợn. Tuy rằng từ lúc đi thi đến giờ ông ta đã được vào luôn mấy kỳ và lại được vào phúc hạch, bố vợ mẹ vợ cũng không nể mặt, họ vẫn thường chỉ vào mặt ông ta và nói: "Mày được vào thế, chẳng qua chó ngáp phải ruồi, chứ đậu đâu đến thứ những người như mày". Chính tối hôm qua, ông ta cao hứng nói với vợ rằng: "Sáng mai dậy sớm, để ra cửa trường nghe xướng danh" chẳng ngờ câu ấy lỡ lọt vào tai bố vợ, bố vợ liền nổi giận lôi đình và thét: "Đừng có làm bộ, điếc tai ông! Trong sự thi cử, ai đỗ phải có các vì tinh tú trên trời giáng vào người ấy. Mày thử nghĩ xem, tinh tú nào giáng đến mặt mày mà mày còn hòng nghe xướng danh! Sáng mai dậy sớm đi hốt phân lợn cho tao"! Ông ta thấy thế lại phải nín im phăng phắc, không dám thở mạnh, và rón rén vào giường nằm.
Từ mấy năm trước, Xuân Hương nghe chuyện cực nhục của ông ta, nàng đã mấy lần toan bỏ tiền ra giúp cho ông ta ăn học, nhưng vì nghĩ mình là gái chưa chồng, làm vậy hoặc giả đến tai ông bà cha chú trong họ không khéo lại xẩy ra điều nọ tiếng kia, vì thế nàng lại phải thôi. Lúc ở cửa trường, nghe loa gọi tên ông ta, nàng cũng mừng thay cho người học trò nghèo khó, từ nay chắc là không bị nhà vợ rầy rật như trước.
Khi thấy ông ta không thưa, không dạ, đùng đùng cắp nón chạy đi, nàng không hiểu là vì cớ gì, cho rằng ông ta căm tức bố vợ mẹ vợ, đã lâu, nay đã thi đỗ, thì về nói cho họ biết. Nàng để ý ngắm, từ thủy chí chung, không thấy ông ta trở lại cửa trường để lĩnh mũ áo, thì nàng lại có lòng ngờ, tưởng là ông ta phải cảm, đau bụng sao đó lúc trở về, vừa đì nàng vừa nghĩ thầm: "Chắc Nguyễn Cao Đệ mới bị bạo bệnh, nếu không sao hắn lại bỏ bữa yến vua ban." Khi tới đầu phường Thái Cam bỗng ở trước mặt có đám võng lọng, nghênh ngang, chính là cả một nhà vợ Cao Đệ, bố vợ khiêng một đầu đòn võng, mẹ vợ khiêng một đầu đòn võng, hai đứa em vợ vác hai cái lọng, còn vợ ông ta thì lõng thõng đi với chiến nón thúng quai thao cầm tay, Xuân Hương mỉm cười và hỏi:
- Thế nào! ông Ba, bà Ba, sao không về nhà bầy biện đồ đạc để tiếp khách mừng ông Công lại còn vác võng vác lọng đi đâu bây giờ?
Tơi tả, người hàng thịt trả lời:
- Chào cô. Cô ra coi xướng danh đã về đấy ư, chúng tôi nghe tin ông Cống mới đỗ, nên phải mang võng mang lọng ra cửa trường để rước ông ấy về nhà.
- Sao ông bà không thuê người khác! Ai lại bố vợ mẹ vợ đem võng đi rước chàng rể?
- Có thế mới quý cô ạ! Thiên hạ dễ đã mấy người có rể để mà rước? Rể có thế nào thì mới rước chớ, công vợ chồng tôi nuôi cho ông cống ăn học trong bao nhiêu năm, thật là chìu hơn chìu cha chìu mẹ, bây giờ ông ấy làm nên thế này mình cũng bõ công! Có phải không cô?
Nàng lại mỉm cười và đáp:
- Phải! Ông bà đi rước ông Cống nghĩ ra cũng phải! Nhưng ông Cống không có ở trường, tôi tưởng ông ấy về nhà.
Vợ chồng người hàng thịt đều cười và nói:
- Thôi đì, cô đừng nói trêu chúng tôi, chúng tôi lại không biết rằng bây giờ ông ấy hiện đương ăn yến hay sao!
Rồi họ cứ khiêng võng, vác lọng rảo bước đi đến trường thi. Xuân Hương không muốn nói thêm, nàng bụng bảo dạ: "Người ta trở mặt chóng thế ! Vừa tối hôm qua còn là học trò, cả nhà coi như con chó, bây giờ đỗ lên một cái, họ đã còi như thần như thánh cả rồi, không trách những kẻ thông minh chỉ vùi đầu vào việc thi cử".
Nàng đi về đến gần phường Khán Xuân, thì thấy nhiều người nhao nhao nói chuyện với nhau:
- Ông Nguyễn Cao Đệ phát điên! Nghe nói ông ấy đã đậu hương cống đấy mà, đừng nói láo!
- Đến tai ông ấy thì có mà sống dở.
- Bây giờ người ta là ông Cống rồi, không phải là kẻ bạch đinh như trước mà anh nhờn!
- Thật đấy, ông ấy phát điên thật đấy! Chẳng điên thì sao trời rét thế này, mà lại cởi trần trùng trục; lăn hết các vũng trâu đằm!
- Ở đâu?
- Ở Ô Cầu Giấy chứ đâu, chẳng tin anh thử sang tận bên ấy mà xem?
Tức thì mấy người kéo cả sang Ô Cầu Giấy.
Xuân Hương lững thững về nhà, nàng biết là Nguyễn Cao Đệ điên thật, vì hắn khổ cực đã lâu, nay được thi đậu, sướng quá cho nên hóa điên.
Nàng lẩm bẩm cười thầm: "Mới đậu hương cống đã đến nỗi phát điên! Người đâu mà khí cục hèn đến thế!"
Về tới nhà, nàng vừa ăn xong bữa cơm, đã thấy ngoài đường tiếng khóc vang ầm, hỏi ra mới biết vợ chồng hàng thịt đón rể không gặp, vác võng vác lọng về không, cực thân mà khóc.
Một lát sau, lại thấy ngoài phố có tiếng ầm ầm, nàng mở cửa sổ trông ra, thì thấy độ bốn năm người lực lưỡng đương co kéo một người lấm như trâu vùi, người ấy chính là Cao Đệ, hắn bị co kéo sểnh sách đã không đủ sức mà cựa, vừa đi vừa nói lảm nhảm:
- Ý a! Ta đỗ rồi. Ý a! Ta đỗ rồi!