Trong rừng nho

Chương 4

Ba bốn hôm nay, tiếng tăm Hồ Xuân Hương ầm cả phố phường Hà Nội, nhất là các quán rượu, các hàng cơm, những chỗ có học trò đi thi ở trọ. Người ta nhắc lại việc nàng cải trang vào thi bị bắt và bị giam. Người ta truyền khẩu cho nhau cái bài tự tình của nàng đưa vào trường ông Nghè Hoàng. Người ta trách ông Quyền Chưởng Vệ Hà Nội sao lại vu cho nàng cái tiếng ái nam.

Rồi người ta phê bình đến phẩm cách của nàng.

Có người chê nàng đĩ lồng, có người bảo nàng tài tình, có người chê nàng đen đủi xấu xí, cũng có người khen nàng vừa đẹp, vừa giòn, làm cho trong đám học trò "đi thi" kẻ nào chưa biết mặt nàng, háo hức muốn đi xem mặt.

Lúc ấy trời đã xế chiều.

Mặt nước hồ Tây lóng lánh nhuộm vàng của ánh nắng.

Xuân Hương thơ thẩn đứng dưới gốc đa trên đường Cổ Ngư mơ màng nhìn đàn chim sâm cầm nhấp nhô bơi hụp.

Mặt trời chênh chếch nhòm vào đôi má đỏ hồng.

Bóng mây lồng dưới đáy nước long lanh in lên đôi mắt sáng quắc.

Xa xa nẻo chùa Trấn Quốc, bỗng có tiếng người cười nói khúc khích.

Nàng không để ý, vì nàng cho là bọn sư trong chùa bù khú chay với nhau.

Tiếng cười nói mỗi lúc mỗi to thêm, nghe rõ ra giọng một bọn sĩ tử. Bây giờ nàng lại đoán là họ đã bàn tán chế riễu đến mình. Tức thì nàng đi lật lẽo, cũng định chòng ghẹo chơi cho họ một mẻ.

Khi nàng đi đến gần chùa Trấn Quốc, thì một bọn độ năm, sáu người vừa lục tục kéo ra, té ra họ không biết nàng là ai. Qua trước mặt nàng, người nào người ấy hai mắt lấm lét, hình như muốn trông mà không dám trông. Cách một quãng xa, còn nghe thấy tiếng họ trò chuyện nổ như pháo ran, không biết họ nói những gì. Cao hứng, nàng lững thững dạo vào trong chùa Trấn Quốc, để xem mới rồi bọn đó làm gì ở đó.

Trong chùa, ngoài chùa quang cảnh vẫn như hôm qua, mấy chú tiểu đồng hí húi nhổ cỏ quét sân, mấy sư ông lố nhố châu đầu trọc gật gù nói chuyện trong nhà. Thình lình nàng nhòm lên vách đại điện, thấy có một bài tứ tuyệt mới đề, nét mực chưa ráo.

Nàng để ý ngắm, thì bài đó tả cảnh chùa trên hồ trời chiều. Coi rồi, nàng bỗng ôm bụng mà cười, các sư các tiểu đều lấy làm lạ, họ xúm lại xem, không ai biết là nàng cười gì.

Một lúc sau, nàng cố nhịn cười, và hỏi mấy sư ông:

- Mấy câu trên đây của ai viết thế?

Cung kính một sư ông chắp tay đáp:

- Bạch người, đó là thơ của mấy ông học trò vừa ở đây ra. Hình như ở dưới cuối bài đã có ghi tên tác giả thì phải.

Nàng vội nhìn lại, thì ra lúc nãy vì buồn cười quá nên không trông hết. Quả nhiên ở dưới cuối bài còn có năm chữ "Đặng Như Bích kính dề".

Nàng lại mỉm cười:

- Thơ là thơ tức cảnh mà cũng lạc khoản báng hai chữ "kính đề" không biết họ kính ai đây hay là kính mấy con vịt le trong hồ.

Rồi nàng bảo nhà sư cho mượn bút mực, để nàng đề luôn bài khác ở cạnh.

Một nhóm sư ông đứng ở đằng sau, có ý khoe mình là người nhiều chữ, nàng viết câu nào họ đọc luôn câu ấy khi nàng viết hết cả bài, một người cao giọng ngâm nga:

- Dắt díu nhau lên đến cửa chiền,

Cũng đòi học nói, nói không nên.

Ai về nhắn bảo phường lòi tói

Muốn sống đem vôi quét trả đền!

Chờ họ ngâm xong, nàng hỏi:

- Thế nào? Bài thơ của tôi mới đề có xuôi không?

- Bạch người, hay lắm, người nghĩ lanh quá, thanh hơn mấy ông ban nãy nhiều lắm.

- Các ông ấy vào đây từ bao giờ?

- Bạch người, các ông ấy vào từ buổi sáng. Ngồi chơi một lát thì nói ngay đến chuyện làm thơ. Tức thì các ông ấy gọi lấy nghiên bút và giấy nháp. Chữa đi chữa lại đến mấy chục lượt. Hơn chục giấy bản các ông viết vừa hết, chúng tôi đã phải cung phụng mười ấm nước chè tầu và năm sáu ấm nước lão mai, các ông ấy mới làm xong được bốn câu thơ, và tấm tắc khen hay, ông nọ bảo ông kia không thể bỏ được chữ nào. Rồi các ông cũng cắt một người chữ tốt lấy bút "đề thơ" mà đề lên đó.

- Bạch người, tôi nghe bài thơ của các ông ấy cũng hay đấy chứ, sao người lại bảo là phường lòi tói.

- Bạch người, bốn câu thơ của người tuy có xuất sắc nhưng mà lời lẽ chua ngoa, tôi e đến tai các ông ấy thì các ông ấy không bằng lòng.

- Bạch người, hay là người cho xóa bài thơ của người, vì ông Đặng Như Bích, chính là con trai cụ Nghè Đặng, nay bị người chế riễu như thế, sợ rằng ông ấy quở trách đến bọn nhà chùa chúng tôi.

Xuân Hương cười nhạt:

- Được không hề chi, để tôi ký tên rõ ràng, nếu có sự gì lôi thôi, tôi sẽ chịu hết, không việc gì đến nhà chùa.

Tức thì nàng cầm bút viết thêm ba chữ "Hồ Xuân Hương" ở cuối bài thơ của nàng, rồi đủng đỉnh đi ra.

Mặt trời lặn. . ..

Trời xẩm tối.

Trong phường Khán Xuân dần dần thưa người đi qua.

Sáng hôm sau, nàng vừa ngủ dậy, mới uống cạn một ấm nước chè, bỗng thấy con nụ ở đường tất tả chạy về, hớt hơ, hớt hoảng, vừa thở nó vừa nói:

- Thưa cô . . . !

Rồi nó lại phải đứng im để thở. Nàng cũng ngạc nhiên về thái độ luống cuống của nó, liền hỏi:

- Cái gì thế! Giặc nổi ở đâu đây chăng?

Con nụ vẫn thở, một lúc nữa nó mới cất tiếng:

- Thưa cô, họ sắp đến phá nhà ta!

Xuân Hương sầm mặt:

- Họ là đứa nào? Đứa nào dám phá nhà này, chúng nó làm giặc hay sao! Im đi, không được nghe nhảm, nói càn !

Con nụ vẫn nói:

- Thưa cô, thật đấy! Không phải giặc, đó là một bọn học trò đi thi.

Nàng nghe câu nói của nó đã hơi có lý, liền gặng:

- Ai bảo mày thế ?

- Thưa cô, bà hàng bánh dầy ngoài đầu phố.

- Bà ấy nói sao?

Bà ấy bảo rằng: "Đêm hôm qua, khi đi bán hàng ở quanh mấy phố gần trường thi, đến chỗ nào cũng nghe thấy người ta ầm ầm bàn nhau, nhất định phải đến phá nhà của Hồ Xuân Hương. Bọn nọ rủ bọn kia, họ tính đến ngay ban đêm, nhưng vì trời tối, nên họ bảo nhau để đến ngày nay.

- Bà ấy chỉ nói thế thôi?

- Bà ấy còn bảo con chính mắt bà ta trông thấy một người học trò cụ Nghè Đặng và ông con trai cụ ấy đi rủ rê khắp các nơi, rồi đến mấy ông học trò cụ Nghè Hoàng cũng hùa theo.

- Chúng nó nói leo! Ta không biết họ cay gì ta, nhưng dù cay gì mặc lòng, qua một đêm hôm qua, chắc là cơn tức của họ nguôi rồi. Bây giờ có thưởng thêm tiền họ cũng không dám đến nữa. Vả, vô cớ phá nhà người ta, có sợ tội không! Chỉ có giặc mới dám như thế.

- Thưa cô, thật là họ chưa nguôi cơn tức, con cũng không biết họ tức gì cô, nhưng họ tức lắm. Bà hàng bánh dày nói rằng: Họ bảo cô làm nhục cụ Nghè Hoàng, cô làm nhục cả cụ Nghè Đặng, nhất định họ phải báo thù cho thầy, tức là hai cụ Nghè ấy. Một người bán hàng đậu phụ cũng nói với con: Sáng sớm hôm nay ở phường Đồng Xuân thấy có từng lũ học trò dúm dụm đứng ở giữa đường, bàn nhau họp lại một chỗ, rồi cùng đến kéo cho đổ nhà ta và bắt lấy cô mà đánh một trận thật đau, thì mới hả giận. Xin cô liệu cách đối phó. Không thì nguy đến nơi rồi.

Xuân Hương mỉm cười, ngẫm nghĩ một lúc: nàng dặn con sen ở nhà coi nhà, rồi nàng trùm khăn vuông bịt lên đầu, lững thững cắp nón xuống gác và đi về nẻo Trường Thi.

Một tốp học trò chừng vài chục người xúm nhau ở một quãng đường giữa phường Thái Cam. Tiếng nói chuyện ồn ào như đám họp chợ.

Đánh bạo, nàng sẽ lảng vảng đi qua, xem họ nói gì. Con nụ nói đúng. Họ đương bàn tán về việc đến phá nhà nàng. Kẻ rằng phải đi bảo thù cho anh em, người rằng ai đội mũ lệch thì xấu người ấy, chẳng hơi đâu can thiệp chuyện người dưng, lỡ ra phải tội phải vạ thì ai chịu đỡ.

Qua một hồi bàn bạc phân vân, kết cục những người bàn ngang đánh đổ hết những câu nghĩa khí, mỗi người tản đi mỗi ngả. Đám học trò ấy giải tán.

Nàng lại cắp nón cứ đi.

Gần đến trường thi, xa trông đã thấy một đám người khác quần tụ ở dưới gốc cây. Bọn này nghe chừng hăng hơn và cũng đông hơn bọn kia. Nàng đứng cách một quãng khá dài, đã nghe rõ tiếng họ nói:

- Anh em phải biết cụ Nghè Đặng và cụ Nghè Hoàng tức là tiêu biểu của sĩ lâm ngày nay. Nó dám ngạo mạn với cụ Nghè Hoàng và chế riễu con trai cụ Nghè Đặng, tức là nó khinh sĩ lâm Bắc Thành. Con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, loài vật còn biết thế huống chi loài người. Chúng ta đã cắp sách đi học, được thấm nhuần tắm gội những cái nghĩa lý của thánh hiền dạy, thì chúng ta phải bênh vực lấy người đồng đạo, cho khỏi mất tiếng của sĩ lâm!

Người ấy nói dứt, một hồi vỗ tay vang một góc trời. Lâu lâu, tiếng vỗ tay đã im, đến lượt người khác nói tiếp:

- Chúng mình đã là người trong sĩ lâm, tuy không được hầu tiếp hai cụ Nghè, nhưng cũng tức như học trò các cụ ấy. Nó đã khinh các cụ, tất nhiên nó không vị nể gì chúng mình. Vả các cụ mà bị tiếng xấu, chúng mình cũng không đẹp mặt với ai. Cố nhiên đối với việc này, thế nào chúng mình cũng không thể nín, phải làm cho ra lẽ, để rửa cái nhục chung cho sĩ lâm.

- Nhưng làm bằng cách nào, rửa bằng cách nào, đó là một điều anh em phải bàn cho kỹ.

Một tiếng nói lớn bật ra trong đám đông:

- Anh ấy nói phải! Cố nhiên chúng ta phải bênh vực thể diện cho sĩ lâm Bắc Thành, nhưng bênh bằng cách nào. Không lẽ cả bấy nhiêu người kéo đến mà chửi vả với nó?

Trong đám đông lại đổi giọng nói:

- Việc gì phải chửi nhau? Chúng mình là kẻ đọc sách biết chữ, chứ có phải hàng rau hàng hành đâu? Cứ kéo cả đến mà đánh cho nó một mẻ?

- Không được! Bấy nhiêu con trai, đàn ông, đều là bậc thiếu niên anh tuấn trong nước, đâu lại đi đánh nhau với kẻ đàn bà con gái?

- Thế thì làm thế nào chứ?

- Kéo cho đổ nhà nó đi, chứ làm thế nào! Phải đấy! Chúng ta phải trừng phạt nó bằng cách ấy mới đáng tội. Nếu mà chửi nó thì không ra khi tiết của đấng trượng phu.

- Anh em hãy nghĩ cho chín, không nên nóng nẩy. Vô cớ kéo đến phá cửa phá nhà người thì còn luật pháp làm sao? Chúng ta có làm giặc đâu mà hoành hành như thế ?

- Ừ, chỉ có giặc cướp thì mới tự nhiên kéo đến nhà của người ta mà phá! Chúng ta toàn là hạng học trò trung vua, yêu nước, nếu như chúng ta làm bậy, quyết là các quan sở tại không để cho yên.

- Cái đó không cần, chúng mình làm việc nghĩa khí, chắc là các quan sở tại cũng phải phục. Huống chi quan nào thì quan, chẳng qua cũng xuất thân từ sĩ lâm mà ra, nó làm nhục sĩ lâm, tức là nó làm nhục cả các quan. Chúng ta rửa cái nhục ấy cho sĩ lâm, cũng là rửa nhục cho các quan. Các ngài chẳng giúp mình thì chớ, lẽ nào lại nỡ ngăn cản chúng mình.

- Anh em làm việc nghĩa khí, anh em phải can đảm! Có can đảm mới làm nổi việc. Không sợ các quan bắt tội. Nếu bắt tội chúng mình, các quan ở với ai. Nhà vua còn trọng học trò nữa là các quan? Bây giờ chúng ta tuy là học trò, nay mai chắc đâu không là rường cột của nhà nước.

- Thôi, không phải bàn đi tán lại lôi thôi, cứ đến kéo đổ nhà con đĩ đi, tội đâu tôi xin chịu cả?

- Nhưng chúng ta chỉ có số bấy nhiêu người kéo sao cho đổ nhà nó?

- Thế thì phải đi rủ thêm mấy nghìn thí sinh hiện ở Hà Nội. Ai nghe chuyện đó mà không căm tức? Tôi chắc nhiều bọn đã họp nhau bàn việc này rồi. Nếu mình đến rủ một câu, tất nhiên nhiều người sẽ vui lòng theo.

Một số đông lại vỗ tay khen phải. Tức thì cả bọn chia làm mấy toán, mỗi toán rẽ đi mỗi phố.

Biết qua tình thế như vậy. Xuân Hương không muốn đi theo họ nữa, lật đật, nàng lượn qua chùa Quán Sứ để trở về phường Khán Xuân. Trong chùa cũng nghe thấy tiếng học trò ầm ầm, đại để họ cũng nói như các bọn kia.

Vừa đi, Xuân Hương vừa nghĩ: "Không ngờ sĩ phong ngày nay trẻ con đến thế, chỉ có một việc cỏn con như thế mà họ cố làm cho to chuyện. Không biết những khi nước mất nhà tan. Họ có hăng hái được như vậy hay không?" Càng nghĩ nàng càng căm cụ Nghè Hoàng, nàng cho việc này do cụ xướng xuất ra cho học trò cụ trước, rồi đến học trò cụ Nghè Đặng mới a dua theo. Rồi nàng lại tự an ủi: "Nhưng mà cũng chẳng cần gì. Ta chắc họ chỉ rủ rê bàn tán để lấy sĩ diện với nhau đấy thôi, quyết không anh nào, dám nhúng tay mà làm. Bởi vì họ hoàn toàn là hạng nhát gan như cáy, đâu dám hung hành đến thế! ! Đi một quãng nữa, nàng lại lẩm bẩm một mình: "Tuy vậy, ta không thể coi thường, chắc đâu trong bọn hàng nghìn con người, lại không có lấy mươi lăm đứa điên dại? Nếu mà những đứa điên dại ra mặt đứng đầu có lẽ những kẻ hèn nhát cũng phải đua theo. Như vậy chẳng những mang tiếng, mà ta còn bị tàn hại là khác. Thế thì bây giờ ta phải tìm cách ngăn ngừa, để cho việc khỏi xảy ra mới được..." "Nhưng mà, sự đã thế này, còn có cách gì ngăn ngừa được không?". Nàng cứ tự mình hỏi đi hỏi lại mãi một câu đó mà vẫn chưa tìm được câu trả lời. Lại đi quãng nữa, tình cờ qua cửa nhà ông Chiêu Bảy. đột nhiên nàng như mừng rỡ và reo lên rằng: "Được rồi, chỉ có lão này còn có cảm tình với ta, ta phải vào tìm lão ấy, chắc rằng lão ấy sẽ giúp ta được việc khó khăn này," rồi nàng lững thững tiến vào trong nhà.

May sao lúc ấy ông Chiêu đi chơi vừa về. Trông thấy nàng, ông Chiêu Bẩy ngồi ở trong nhà chào ra:

- Cô Hồ Xuân Hương! Mời cô vào chơi trong nhà.

Theo lời mời, nàng cung kính đi vào phòng khách.

Giữ lễ, nàng toan ngồi vào tràng kỷ bên cạnh, ông Chiêu Bảy không nghe, bảo ngồi lên chiếc ghế đối mặt với mình. Rồi ông Chiêu Bảy vừa cười vừa hỏi:

- Cô đến tìm lão, chắc vì những người học trò gàn dở đang rủ nhau sinh sự với cô.

- Thưa vâng! Tôi mới nghe tin việc đó. Không biết thật hư thế nào. Nếu họ làm thật, thì rất nguy hiểm cho tôi, trong đám phụ lão ngày nay. Tôi nghĩ chỉ có cụ hãy còn lượng thứ cho tôi, vậy tôi đến cầu cứu với cụ.

- Ai bảo cô cứ hay trêu người ta. Bây giờ người ta trêu già, cô còn oán trách gi nữa?

Xuân Hương sầm mặt và nói bằng giọng nghiêm nghị?

- Thật ra như tôi có trêu ai đâu. Nhưng tôi không chịu nổi những thứ đạo đức giả dối. Những cái lễ giáo bó buộc, tôi phảì sống bằng tư tưởng tự nhiên của trời cho tôi, có động chạm gì đến ai đâu, vậy mà người ta không muốn khoan bước, đua nhau phao tôi tiếng này tiếng khác. Nín không được thì tôi phải kêu. Còn như việc đề thơ ở chùa Trấn Quốc, cố nhiên là tôi khinh họ. Nhưng mà những hạng dốt nát, tục tằn không có học thức gì cả, thế mà họ cũng lên mặt cử nhân, tài tử, thì ai còn tha thứ được.

Ông Chiêu vội vàng ngắt lời:

- Không, lão nói đùa đấy thôi. Những thứ đạo đức giả dối, lễ giáo bó buộc, chính lão đây cũng không chịu nổi huống chi một người như cô. Cô khinh họ. Cô chế họ, thật là phải lắm. Hôm nọ cái bài tự tình của cô. Chính lão cho đọc để trêu tiết cụ Nghè Hoàng đấy chứ ai. Không ngờ vì đọc bài ấy, bây giờ lại xảy ra sự lôi thôi cho cô. Vậy thì cô có cách ngăn cản được việc ấy chửa?

- Thưa cụ chưa, vì thế tôi phải đến nói với cụ.

- Cô với quan Tổng đốc Hà Nội có phải họ hàng gì không?

- Không có họ, nhưng ông ấy là bạn của cha tôi ngày xưa.

- Ông ấy có biết cô?

- Thưa có? Hôm nọ, tôi ăn mặc giả trai vào trường, chẳng may bại lộ, bị bắt, chính ông ấy gỡ cho tôi ra.

- Thế thì được. Bây giờ cô cứ đến nói với ngài, nhờ ngài phái một đạo lính đến phường Khán Xuân canh giữ, những người học trò thấy có lính tráng ở đấy. Tự nhiên không dám sinh sự với cô!

Xuân Hương lắc đầu:

- Thưa cụ, tôi những muốn như thế. Cái người cứ ỷ lại vào thanh thế hoặc di trạch của cha ông, đó là người rất hèn. Phụng chi mỗi việc đều cậy đến uy quyền của các quan thì còn ra thế nào nữa. Nếu cụ không có cách gì khác giúp cho, thì thà để cho họ đến phá nhà. Tôi cũng cam lòng, chứ vào nói với quan Tổng đốc thì tôi không nói.

Ông Chiều Bảy ra ý khen ngợi:

- Không ngờ cô lại kiêu ngạo tự phụ đến thế.

Ngẫm nghĩ một lúc, ông Chiêu Bảy lại hỏi:

- Bài thơ của cậu Đặng Như Bích đề chùa Trấn Quốc cô có nhớ không?

Xuân hương cũng cười sằng sặc:

- Thưa cụ. Nào nó có ra hồn thơ mà nhớ! Nhưng may tôi vừa mới coi hôm qua, có lẽ cũng chưa quên, để tôi nhớ xem.

Hồi lâu, nàng lại vừa cười vừa nói:

- Thưa cụ. Bài thơ ấy vui còn nhớ cả cụ hỏi làm gì.

- Thế nào: cô thử đọc cho lão nghe.

- Nhưng nghe loài thơ ấy chực cụ cũng không thể nhịn cười.

Rồi nàng đọc như dằn từng tiếng:

- Khen ai đổ đât đất dựng lên chùa

Một nếp lù lù ở giữa hồ

Mặt nước bóng chiều tà bảng lảng

Làm sao vẫn chưa thấy chuông khua

Ông Chiêu Bảy cười như muốn ngất người đi, một lúc lâu, ông ấy lắc đầu và nói:

- Chết chửa, thơ với thẩn, thế mà cũng dám viết vào tường cho thiên hạ xem, con trai cụ Nghè to gan thật. Người ta chửi cho cũng có, chăng những chế giễu mà thôi. Cụ Nghê không biết khuyên con, dạy con. Lại còn gỡ giọng để chữa thẹn, đáng ghét. Thôi, cô cứ yên tâm mà về, lát nữa, lão sẽ có cách giải vây cho cô.

- Cảm ơn ông Chiêu - Xuân Hương từ biệt trở ra.

Mặt trời lên khỏi ngọn cây, Xuân Hương mới về đến nhà. Con nụ vẫn luống cuống lo sợ. Sau khi đã hỏi qua nàng những chuyện nghe thấy ngoài đường, nó giục nàng phải kíp vào thành tanh quan tổngg đốc! Lắc đầu, nàng bảo nó đóng chặt các cửa rồi nàng lên gác, hé cứa đứng nhìn ra đường.

Hàng phố hình như đã nhiều người nghe biết chuyện sẽ xảy ra cho nàng, những đứa trẻ con lêu lổng và những người đàn bà tò mò luôn đợi ở vệ đường, gốc cây và bờ hồ, có ý chờ xem tấn kịch của bọn văn thân sắp diễn.

Nửa giờ sau, ở phía đông nam chợt có tiếng người ầm ầm. Giây lát, quả nhiên một tụi học trò độ vài chục người tấp nập kéo đến trước cửa nhà nàng, ai cũng như nấy khăn quấn vành dây, quần rong quết gót, dáng bộ lượt thượt như lễ sinh sắp sửa vào tế văn miếu.

Mỉm cười, nàng nghĩ thầm: "lưng sức thế kia mà dọa kéo cho đổ nhà người ta, thì phỏng kéo làm sao nổi?"

Trong bọn bỗng có người gọi lớn:

- Bớ Hồ Xuân Hương, mau mau ra mà chịu tội!

Nàng toan mở cửa cho họ thấy mặt, thì ở dưới đường lại có tiếng thét dữ dội, giống như tiếng Trương Phi trong tấn tuồng đại náo Trường Bản kiền". Nàng bụng bảo dạ: "Có lẽ cơn nghĩa khí của họ đương hăng, ta chưa nên ra mặt với họ vội. Hãy để cho họ thét chán đi đã". Rồi nàng lại cứ khép cửa đứng im.

Dưới đường, học trò kéo đến mỗi lúc một đông thêm, dần dần có tới sáu, bảy chục người, những tiếng quát tháo làm bộ lại càng kịch liệt. Nàng vẫn không chịu trả lời.

Một ngươi đi đầu trong bọn hăng hái đứng ra nói lớn:

- Cửa ngõ đều đóng im ỉm thế này, chắc là nó vì sợ quá nên đã bỏ nhà đi trốn?

Người khác đón nói:

- Chúng ta đến đây, không phải là đến bắt nó, chỉ cốt để phá nhà nó. Nó trốn mặc nó, chúng mình cứ đập cửa mà vào.

Cả bọn lao nhao khen phải. Hồi mấy người hung hành xông lại, nắm tay đập vào cánh cửa thành thành.

Tức quá, Xuân Hương đẩy tung cửa gác, nhô đầu ra hỏi:

- Các ông làm cái gì thế...?

Trong đám đông, có tiếng sừng sộ đáp lại:

- Mày láo? Dám dùng văn thơ nhảm nhí làm mất thể diện của sĩ lâm Bắc Thành, chúng tao phá tan nhà mày để trị tội ấy.

Xuân Hương phá lên cười:

- Tôi tưởng các ông toàn là bậc văn nhân, đã có ít nhiều học thức, có giỏi ta đem văn chương đối địch với nhau. Chứ kéo từng đàn, từng lũ đến mà phá cửa, phá nhà người ta, thì là thủ đoạn của phường vũ phu, du côn. Khôngg phải thái độ của người quân tử!

Đám người ở dưới tức thì nổi cơn ồn ào:

- À nó giỏi! Nó đã vô lễ với sĩ lâm, chúng mình đến đây hỏi tội, nó không chịu lỗi, lại còn bảo chúng mình là phường vũ phu, du côn. Anh em! chúng ta không kéo đỗ nhà nó đi còn chờ gì nữa, dắt nhau đến đây mà chịu nhục à?

Tiếng nói chưa dứt, bỗng thấy đánh trát một cái, một hòn gạch nhỏ từ trong đám đông ném lên, nhưng không trúng cửa gác, nó dộng vào bức tường gác rồi lại rơi xuống dằn vào một người ở dưới.

Xuân Hương vỗ tay cười khanh khách. Làm cho những người đứng dưới càng tức, kẻ nhặt đá ném thêm.

Người vào đẩy cửa ùm ùm.

Giữa lúc đó, ông Chiêu Bảy ở đâu nhô ra, sấn vào đứng ở giữa đám và hỏi thật lớn:

- Các anh định phá nhà của Hồ Xuân Hương đấy à?

Mấy chục người đều ngẩng lên trông. Thấy ông Chiêu Bảy đạo mạo đội nón chống gậy đứng đó, ai nấy đều có ý kính trọng, năm sáu người đồng thanh trả lời.

- Vâng? Chúng tôi muốn phá nhà của con đĩ , vì nó đã dùng văn chương nhảm nhí làm nhục sĩ lâm, chúng tôi phải rửa cái thù ấy.

Ông Chiêu Bảy vừa cười vừa nói:

- Được? Anh em làm việc nghĩa khí, rất đáng ngợi khen. Tôi tuy tuổi già sức yếu, việc khác thì không dám can dự, nhưng việc này tôi phải ra sức giúp đỡ anh em.

- Vậy trước khi nhúng tay vào việc, tôi muốn anh em hãy cho tôi biết, kẻ thù của chúng ta đã làm nhục chúng ta bằng cách nào.

Mọi người lại đồng thanh trả lời:

- Thưa cụ, nó đã làm nhục sĩ lâm đến hai lần chứ không phải một. Lần trước, nó gửi bài văn chớt nhả, đến trường cụ Nghè Hoàng, và nói xỏ cụ ấy nhiều câu. Lần mới rồi, anh Đặng Như Bích đề thơ ở chùa Trấn Quốc. Nó dám đề một bài khác chế giễu anh ấy và bảo anh ấy là phường lòi tói. Như thế, chẳng phá nhà nó đi, còn để làm gì.

Ông Chiêu Bảy vẫn cười:

- Cố nhiên như thế. Nếu Hồ Xuân Hương quả có làm nhục sĩ lâm, lẽ nào chúng ta lại chịu nín im. Nhưng chúng ta là kẻ đọc sách biết chữ, đứng đầu tứ dân, dù muốn trừng trị người nào, chúng ta cần phải cân nhắc cho kỹ, không nên để oan người ta. Hai việc mà anh em buộc tội cho Hồ Xuân Hương, thì theo ý tôi việc thứ nhất oan cho nàng.

Mọi người đều tỏ vẻ tức giận, sắp sửa bẻ lại, ông Chiêu Bảy liền nói lấp đi:

- Trong bọn anh em ở đây, có ai dự cuộc bình văn ở trường cụ Nghè Hoàng hôm nọ hay không?

Trong đám đông, có tiếng trả lời:

- Hôm ấy, có tôi đến dự.

Ông Chiêu Bảy vội quay ra nhìn, người đó là Đàm Thận Trung, một người đã có tiếng tài hoa trong bọn sĩ tử. Ông Chiêu Bẫy liền hỏi:

- A bác Đàm đấy ư! Phải. Hôm đó quyển bác phê "ưu", được đọc. Bác đã dự cuộc bình văn hôm ấy thì bác có thể làm chứng cho Hồ Xuân Hương.

Đờm Thận Trung chưa kịp nói sao, ông Chiêu Bảy lại tiếp:

- Hiện có bác Đàm làm chứng. Cái việc đem đọc bài ca tự tình của Hồ Xuân Hương. Không phải ở nàng. Chính là ở tôi. Người ta không ái nam mà tự nhiên bị tiếng ái nam thì người ta phải kêu oan chứ. Suốt trong bài ấy không có câu nào xúc phạm đến cụ Nghè Hoàng, hay một người nào trong sĩ lâm, như vậy sao lại bảo là làm nhục sĩ lâm? Còn như những tiếng chớt nhả trong bài. Nó chỉ là tiếng chớt nhả. Không thể cho là nói xấu sĩ lâm. Tôi không hiểu vì sao mà cụ Nghè Hoàng lại ghét những tiếng chớt nhả đến thế. Sự thực ngay trong sĩ lâm chúng ta, còn nhiều câu văn chớt nhả bằng mười. Anh em chắc có đọc bài văn sách nôm của ông nào làm ra độ trước? "Bà vãi đánh trống long tong, nhảy lên, nhảy xuống, con ong đốt...", "con gái mười bảy, mười ba, đêm nằm với mẹ chuột tha...". Đó, các bậc tiền bối chúng ta chớt nhả là vậy.

Cơn giận hình như đã dịu, không ai phản đối câu nào. Ông Chiêu Bảy nghỉ một lát, rồi lại nói:

- Chúng mình có quyền làm văn bông đùa, thì cũng cho phép người ta được bông đùa bằng văn chương, không nên quá ư nghiêm khắc.

Một người học trò cãi lại:

- Chúng tôi không cấm ai bông đùa. Nhưng phải bông đùa ở chỗ khác, không được đem văn ô uế vào chỗ bình văn.

Ông Chiêu Bảy cười khanh khách:

- Cái đó là lỗi tại tôi, không phải tại Hồ Xuân Hương việc đó, bác Đàm cũng đã biết rõ, chính tôi giục ông Cống Thiều đem đọc bài ấy, anh em có muốn báo thù cho cụ Nghè Hoàng thì xin cứ việc vào phá nhà tôi, đừng phá nhà Hồ Xuân Hương. Nhưng, tôi trộm nghĩ, bài văn ấy của Hồ Xuân Hương có nhiều câu hay và rất tức cười, nếu không ai đọc cho nghe, tất nhiên cũng có nhiều người sẽ mượn mà chép lấy để rồi ngâm trộm đọc vụng với nhau, có phải thế không?

Trong đám đông nghe có tiếng cười khúc khích.

Ông Chiêu Bảy vẫn dõng dạc:

- Ai cũng muốn xem, ai cũng muốn biết, tôi bảo đọc lên, đó là chìu cái ý muốn của số đông người. Vậy thì anh em cũng không nên trách cái giọng chớt nhả của Hồ Xuân Hương!

Có người nói lớn ở phía ngoài:

- Vâng, chúng tôi theo lời cụ Chiêu xin miễn cho Hồ Xuân Hương cái tội thứ nhất, nhưng còn cái tội thứ hai quyết không thể tha.

Ông Chiêu Bảy nói đón:

- Phải? Một người con gái dám bảo con trai cụ Nghè là phường lòi tói, thật là vô lễ, chúng ta phải trị cho đáng tội, để răn kẻ khác. Nhưng trước khi trị tội người ta, tôi muốn anh em hãy cho nghe qua bài thơ của cậu Đặng Như Bích cái đã?

Hai ba người cùng nói một câu:

- Chúng tôi không biết bài ấy thế nào.

Mấy ông học trò cụ Nghè Đặng ngông nghênh đứng ra nó lớn:

- Các ông không biết, đã có người biết. Bài ấy hiện còn để ở chùa Trấn Quốc, chưa biến đâu mất.

Ông Chiêu Bảy vui vẻ nói:

- Chắc ông đã có coi qua xin đọc cho nghe.

Một người trong mấy người đó ra dáng đắc ý ngân giọng đọc bằng tiếng bình văn của thầy đồ xứ Nghệ:

- Khen ai đổ đất. . . dựng lên ch ùa. . .

Ông Chiêu Bảy mỉm cười khôi hài. Người ấy hình như không để ý đến, vẫn đọc một cách tự nhiên:

- Một nếp lù lù . . . ở gi ữa h ồ. . .

Mặt nước bóng chiều tà... bảng lảng

Trong đám học trò đứng đó nhiều người trông nhau lắc đầu, ông đồ đệ cụ Nghè Đặng càng lên cao giọng:

- Làm sao vẫn chưa thấy chuông khua

Ông Chiêu Bảy hỏi lại mọi người:

- Anh em nghe bài thơ ấy thế nào, có thể gọi là thơ chăng!

Đàm Thận Trung lên tiếng:

- Quê lắm? Nhiều chữ còn trẻ con quát! Nãy giờ Xuân Hương đứng im trên gác mặc ông Chiêu Bảy giảng giải cho bọn học trò. Không dám nói xen câu nào. Bây giờ nghe bài thơ của Đặng Như Bích.

Nàng không thể nhịn nổi, liền ngó cửa gác mà nói chõ ra:

- Thơ thẩn như thế, tôi bảo là phường lòi tói, còn oan lắm sao? Các ông lại chực hùa nhau đến phá nhà tôi ư?

Ông Chiêu Bảy vội vàng ngắt lời:

- Cô là con gái không nên quá dùng những giọng chua ngoa. Bác Đàm nói phải! Bài thơ của cậu Bích vừa quê lại vừa trẻ con. Không có câu nào nghe được. Như thế, người ta chế giễu cũng đáng chứ có oan đâu! Anh em nên thành tâm phục thiện, cái sự mình dở, sự mình phải biết là dở, thì sự học vấn mới có ngày tấn tới. Nếu cứ kéo bè kéo đảng, cố ý che lấp cái dốt cho nhau. Ấy là làm hại nhau đó. Vậy anh em có yêu cậu Đặng Như Bích, quý trọng thể diện của sĩ lâm thì nên nghe tôi, anh em đừng vì một bài thơ bông đùa mà chực phá nhà cửa người ta. `Làm vậy, một là anh em sẽ mắc tù tội, hai nữa, đời sau sẽ bảo sĩ lâm bây giờ, toàn là một phường trẻ con. Thôi nghe tôi anh em hãy giải tán, để dành nghĩa khí lại đó, chờ khi có việc đáng dùng sẽ dùng!

Nói chưa dứt lời, trong đám lố nhố, liền có mấy người hùa theo:

- Phải lắm, cụ Chiêu dạy thế phải lắm. Chúng ta hãy để dành cái nghĩa khí lại đó, không nên đem mà dùng vào một việc trẻ con. Đi! anh em ai về nhà nấy, để sức lo việc thi cử.

Rồi cả bọn ào ào kéo về, những người khác đều vui vẻ như thường, riêng có Đặng Như Bích và đám học trẻ của hai cụ Nghè thì đều ra ý xấu hổ, và rất căm ông Chiêu Bảy!