Trong chớp mắt

Thuyết những lát cắt mỏng

Cách thu được kiến thức lớn từ những hiểu biết nhỏ

Vài năm trước, một cặp vợ chồng trẻ đã đến trường đại học bang Washington để tham gia vào thí nghiệm của chuyên gia tâm lý John Gottman. Họ trạc tuổi từ 20 đến 29, mắt xanh, mái tóc vàng để rối kiểu cách cùng cặp kính thời trang. Một số nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm cho biết họ là một đôi khá thích hợp – thông minh, lôi cuốn, khôi hài với cách nói chuyện châm biếm, điều này được thể hiện rõ qua cuốn băng video mà Gottman thu được từ cuộc thí nghiệm. Người chồng mà tôi gọi là Bill có phong cách vui vẻ dễ mến. Cô vợ, Susan là người hóm hỉnh, sắc sảo.

Người ta đưa họ đến nơi làm việc của Gottman, một căn phòng nhỏ trên tầng hai của tòa nhà 2 tầng. Ở đó, trên một bục cao, họ ngồi trên 2 chiếc ghế xoay cách nhau khoảng 1.5m. Cả hai cùng có các điện cực và bộ cảm biến gắn trên ngón tay và tai để đo nhịp tim, lượng mồ hôi và nhiệt độ da. Dưới ghế một “đồng hồ đo dao động” được đặt trên sàn để đo các cử động của mỗi người. Hai camera hướng vào từng người ghi lại tất cả những gì họ đã nói và làm. Trong vòng 15 phút, với chiếc camera quay xung quanh, họ được đề nghị để tranh luận về các chủ đề đã gây ra bất đồng trong cuộc hôn nhân của hai người. Đối với cả Bill và Sue thì vấn đề nằm ở con chó. Họ sống trong một căn hộ nhỏ nhưng gần đây lại vừa nuôi thêm một con chó rất to. Bill ghét chó trong khi Susan thì ngược lại. Trong 15 phút, họ tranh luận về những gì nên làm để giải quyết chuyện này. Ít nhất vào lúc đầu thì cuốn băng video ghi lại cuộc nói chuyện của Bill và Sue có vẻ giống với các cuộc nói chuyện hằng ngày của các cặp vợ chồng bình thường khác. Không ai nổi nóng, không có sự cãi lộn, không sự đổ vỡ. “Chỉ đơn giản là tôi không thích chó” là câu mà Bill bắt đầu câu chuyện, với giọng điệu hoàn toàn chấp nhận được. Anh ấy phàn nàn chút ít – nhưng là về con chó chứ không phải về Susan. Susan cũng vậy nhưng đã có thời điểm họ hoàn toàn quên rằng họ đang ở trong cuộc thử nghiệm. Chẳng hạn khi bàn đến mùi khó chịu của con chó thì cả hai lại mỉm cười và bình thường trở lại.

Sue: Anh yêu! Con chó chẳng có mùi gì hết…

Bill: Thế em đã thấy mùi của nó hôm nay chưa?

Sue: Em đã thấy rồi. Rất thơm. Em đã vuốt ve nó mà tay em chẳng có mùi khó chịu hay lem luốc gì cả. Và anh cũng thế, anh sẽ không thấy bẩn đâu.

Bill: Vâng, thưa bà xã.

Sue: Em sẽ không bao giờ để nó bị bẩn.

Bill: Vâng. Nhưng chó rốt cuộc vẫn chỉ là chó thôi.

Sue: Nó chưa bao giờ bị bẩn. Anh hãy cẩn thận với lời nói của anh đấy.

Bill: Không. Chính em mới là người cần phải cẩn thận.

Sue: Chính anh ấy. Đừng có bảo con chó của tôi bẩn.

Phòng thí nghiệm tình yêu

Bạn có thể thấy gì về cuộc hôn nhân của Sue và Bill qua cuộn băng video dài 15 phút trên? Liệu chúng ta có thể dự đoán mối quan hệ của họ có kéo dài lâu hay không? Tôi nghi ngờ rằng hầu hết chúng ta đều sẽ nói rằng cuộc nói chuyện về con chó không nói nên điều gì bởi quá ngắn ngủi. Cuộc hôn nhân nào cũng vậy, thường được đánh giá qua nhiều thứ khác quan trọng hơn như tiền bạc, chuyện chăn gối, con cái, công việc hay mối quan hệ với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ – đó là những yếu tố luôn ảnh hưởng đến cuộc sống lứa đôi. Đôi khi họ rất hạnh phúc nhưng đôi khi họ lại xung đột. Nhiều lúc họ cảm thấy sẵn sàng có thể giết chết người kia nhưng rồi lại cùng nhau đi nghỉ và thân mật như ngày mới cưới. Để hiểu rõ về một cặp vợ chồng, chúng ta dường như phải quan sát họ qua nhiều tuần, nhiều tháng và thấy họ trong mọi tình huống: hạnh phúc, mệt mỏi, tức tối, vui mừng, suy sụp tinh thần v.v… chứ không chỉ qua cuộc nói chuyện phiếm và thoải mái như của Bill và Sue. Để có thể dự đoán chính xác về một việc hệ trọng, chẳng hạn như diễn biến của một cuộc hôn nhân, chắc hẳn chúng ta phải tập hợp rất nhiều thông tin trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Nhưng John Gottman đã chứng minh rằng không cần phải nhiều đến như vậy. Từ những năm 80, Gottman đã tiến hành thử nghiệm trên hơn 3.000 cặp vợ chồng giống như Bill và Sue trong “phòng thí nghiệm tình yêu” nằm cạnh Đại học Washington. Mỗi cặp khi thử nghiệm đều được video ghi hình và kết quả được phân tích dựa trên cái mà Gottman gọi là SPAFF – có nghĩa là một hệ thống mã hóa có 20 mã riêng biệt tương ứng với mọi cảm xúc mà các cặp vợ chồng có thể biểu hiện trong suốt cuộc nói chuyện. Ví dụ mã số 1 biểu thị sự phẫn nộ, số 2 là khinh rẻ, giận dữ số 7, có thái độ tự vệ số 10, than vãn số 11, buồn bã số 12, bế tắc số 13 và không có biểu hiện gì số 14 v.v… Gottman đã chỉ cho nhân viên của mình cách nhận biết mọi sắc thái cảm xúc thể hiện trên khuôn mặt con người và cách để làm sáng tỏ những đoạn đối thoại có vẻ khó hiểu. Khi xem các đoạn băng, họ sử dụng SPAFF để mã hóa những cảm xúc

trong từng giây và như vậy một cuộc tranh luận dài 15 phút được chuyển thành một hàng có 1.800 số – 900 số dành cho chồng và 900 số cho vợ. Thí dụ, ký hiệu “7, 7, 14, 10, 11, 11” là một đoạn mã có chiều dài 6 giây, có nghĩa là một trong hai người đã giận dữ trong một thời gian ngắn rồi trở lại bình thường, có lúc tự vệ rồi bắt đầu than vãn. Dữ liệu lấy từ các điện cực và bộ cảm biến được đưa vào bộ mã hóa, chẳng hạn khi tim người chồng hoặc người vợ đập mạnh hoặc khi nhiệt độ cơ thể tăng hoặc khi một người có cử động trên ghế, tất cả thông tin đó được đưa vào một phương trình phức tạp.

Trên cơ sở các tính toán đó, Gottman đã chứng minh được một cái gì đó rất đáng chú

ý. Nếu ông ấy phân tích cuộc nói chuyện của một cặp vợ chồng kéo dài 1 giờ đồng hồ, thì ông có thể dự đoán rằng trong 15 năm tới một cặp vợ chồng còn sống chung với nhau nữa hay không với độ chính xác là 95%. Còn nếu quan sát trong 15 phút thì độ chính xác khoảng 90%. Mới đây, một giáo sư cùng làm việc với Gottman tên là Sybil Carrere, người đang nghiên cứu các cuộn băng video, khám phá ra rằng chỉ cần ba phút quan sát cuộc nói chuyện của một cặp vợ chồng, họ vẫn có thể dự đoán với độ chính xác khá cao cặp nào sẽ ly hôn và ai sẽ gây ra chuyện này. Kết quả của một cuộc hôn nhân có thể dự đoán trong thời gian ngắn hơn nhiều so với những gì mà con người ta có thể hình dung.

John Gottman – một người đàn ông trung niên, đôi mắt nghiêm nghị, mái tóc bạch kim, bộ râu được cắt tỉa gọn gàng, vóc dáng tầm thước và khá ưa nhìn. Ông luôn nói về những điều khiến ông hào hứng, những lúc như vậy mắt ông lại sáng lên và mở to hơn. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, ông đã từ chối nhập ngũ vì nghĩ rằng điều đó trái đạo lý. Trong ông vẫn còn đọng lại lối sống hippi của những năm 60. Thỉnh thoảng ông vẫn đội chiếc mũ Mao qua tấm khăn yarmulkecó dải viền. Được đào tạo để trở thành nhà tâm lý nhưng ông cũng nghiên cứu thêm toán học ở MIT và rõ ràng sự chính xác và tính chặt chẽ của toán học đã mang đến cho ông nhiều thứ khác. Khi tôi gặp Gottman thì ông vừa cho xuất bản quyển sách tâm huyết nhất của mình, một luận thuyết dày 500 trang có tên The Mathematics of Divorce (Toán học về sự li dị). Ông đã cố gắng giảng giải cho tôi về một hướng trong luận cứ của mình qua các phương trình viết tay về các đồ thị nguệch ngoạc mà không hề có sự chuẩn bị trước trên tờ giấy ăn cho đến khi đầu tôi không thể tiếp thu được nữa.

Gottman dường như là một minh chứng nữa minh họa cho quyển sách viết về các suy nghĩ và quyết định sôi sục từ tiềm thức con người. Không có một chút gì gọi là bản năng trong các phương pháp nghiên cứu của ông. Ông không đánh giá các sự việc một cách vội vàng. Ngồi bên chiếc máy tính và cẩn thận phân tích các cuộn băng 2 Yarmulke: loại khăn để phủ đầu, nhỏ, dạng vành tròn của người Do Thái, thường

được sử dụng trong các nghi thức tôn giáo. Video từng giây, từng giây một, công việc của ông là một ví dụ tiêu biểu về cách suy nghĩ thận trọng và tỉnh táo. Gottman đã dạy chúng ta nhiều điều về vai trò then chốt của sự nhận thức nhanh nhạy được biết đến qua thuật ngữ thin–slicing. Thin–slicing (chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng) ám chỉ đến khả năng tìm thấy các khuôn mẫu trong tình huống và hành động dựa trên những lát cắt kinh nghiệm của tiềm thức con người. Khi Evelyn Harrison nhìn vào bức tượng Kouros và thốt lên “Tôi rất tiếc khi nghe điều đó”, chính là lúc bà đang áp dụng phương pháp chia nhỏ vấn đề ra thành những lát cắt mỏng, và những người chơi bài trong thí nghiệm của Đại học Iowa khi có phản ứng căng thẳng đối với bộ bài đỏ chỉ sau 10 quân bài cũng ở trạng thái tương tự như thế.

Chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng giúp cho tiềm thức của con người trở nên sáng rõ hơn. Nhưng đó cũng là vấn đề mà chúng ta thấy khó hiểu nhất khi nghiên cứu về nhận thức nhanh nhạy. Làm sao tập hợp đầy đủ các thông tin cần thiết để đưa ra các đánh giá phức tạp một cách chính xác trong một thời gian ngắn? Câu trả lời là khi tiềm thức của chúng ta sử dụng phương pháp chia nhỏ vấn đề, những gì mà tiềm thức của chúng ta đang tiến hành giống những gì mà Gottman đã làm với các cuộn băng hình và các phương trình toán học. Vậy liệu một cuộc hôn nhân có thể được hiểu rõ chỉ trong một lần ngồi làm thử nghiệm? Vâng, có thể lắm và người ta cũng có thể áp dụng trong nhiều những tình huống có vẻ phức tạp khác nữa. Những gì mà Gottman đã làm sẽ chỉ rõ cho chúng ta cách thực hiện.

Hôn nhân và mã moóc

Tôi đã xem đoạn băng video của Bill và Sue cùng với Tabares, nghiên cứu sinh đang làm việc tại phòng thí nghiệm của Gottman, cô đã được ông hướng dẫn cách giải mã SPAFF thành thạo. Chúng tôi ngồi trong căn phòng mà lúc trước Gottman đã sử dụng để làm thí nghiệm với Bill và Sue, và theo dõi sự tác động qua lại giữa hai người qua một màn hình máy tính. Bill là người bắt đầu cuộc nói chuyện. Anh ta nói rằng anh ta vẫn thích con chó cũ và chẳng ưa gì con chó mới. Anh ta không hề giận dữ hay thể hiện bất kỳ thái độ chống đối nào. Có vẻ như Bill chỉ muốn thành thật giải thích những gì mình nghĩ.

Tabares lưu ý rằng nếu chúng ta theo dõi một cách kĩ lưỡng thì rõ ràng là Bill đang tỏ ra lo lắng vì sợ bị Sue chỉ trích. Theo ngôn ngữ của bộ mã SPAFF anh ta đang phàn nàn, phản đối lại và áp dụng sách lược “đúng vậy – nhưng mà” – ban đầu thì tỏ vẻ đồng ý nhưng sau đó lại muốn cãi lại. Thành ra bốn mươi giây của sáu mươi giây đầu tiên, Bill được đánh mã có thái độ tự vệ. Còn đối với Sue, trong lúc Bill nói chuyện, hơn một lần cặp mắt cô đảo rất nhanh, đây là dấu hiệu quen thuộc của sự khinh miệt.

Rồi Bill bắt đầu nói về sự khó chịu do chỗ ở của con chó gây ra. Sue trả lời bằng cách nhắm nghiền mắt lại và đối đáp với giọng điệu lên lớp của kẻ bề trên. Bill tiếp tục nói rằng anh không muốn có một tấm chắn ngay giữa phòng khách. Sue trả lời: “Em không muốn tranh luận về điều đó” và lại đảo mắt một lần nữa – đây là một dấu hiệu khác của sự khinh miệt. Tabares nói với tôi: “Nhìn kìa, sự khinh miệt càng thể hiện rõ ràng hơn. Chúng ta chỉ mới bắt đầu theo dõi mà đã thấy anh ta hầu như lúc nào cũng lo lắng vì sợ bị chỉ trích còn cô ta thì đã đảo mắt vài lần rồi.”

Rất nhanh khi cuộc nói chuyện tiếp diễn, một trong hai người đã biểu hiện những dấu hiện rõ ràng của sự thù địch. Tabares gợi ý tôi dừng đoạn băng lại để chỉ ra những chi tiết nhạy cảm chỉ diễn ra bất chợt trong một hoặc hai giây. Một vài cặp vợ chồng có thể giải quyết mẫu thuẫn bằng xung đột. Nhưng đối với cặp vợ chồng này thì không có nhiều biểu hiện rõ ràng. Bill phàn nàn rằng con chó đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của họ, vì họ luôn phải về nhà sớm do lo sợ con chó sẽ lục tung mọi thứ trong nhà. Sue trả lời điều đó là vô lý và cãi lại “Nếu nó muốn cắn thứ gì, thì nó đã có thể thực hiện mười lăm phút trước khi chúng ta kịp trở về rồi.” Bill có vẻ tán thành. Anh hơi khẽ gật đầu rồi nói, “đúng, anh biết chứ” và nói thêm rằng: “Anh đâu có ý bảo điều đó có lý. Anh chỉ không muốn có một con chó trong nhà thế thôi.”

Tabares chỉ tay về phía đoạn băng. “Anh ta bắt đầu bằng câu ‘đúng, anh biết chứ’. Nhưng đó chính là phương sách ‘đúng vậy – nhưng mà’. Mặc dù anh ta bắt đầu tỏ thái độ đồng tình với vợ, nhưng anh ta cũng tiếp tục nói rằng anh ta không hề thích chó. Thực sự thì anh ta đang lo lắng vì sợ bị chỉ trích. Tôi cứ nghĩ rằng anh ta chắc hẳn phải là người tế nhị. Anh ta thực hiện hết thảy mọi sự đồng tình. Nhưng rồi tôi nhận ra anh ta đang áp dụng phương sách ‘đúng vậy–nhưng mà’. Thật đúng là rất dễ bị đánh lừa.”

Bill tiếp tục: “Anh ngày một tiến bộ hơn. Em phải thừa nhận điều đó. Tuần này anh tiến bộ hơn tuần trước, tuần trước rồi cả tuần trước nữa.”

Tabares lại cho dừng đoạn băng. “Trong một nghiên cứu, chúng tôi theo dõi những người vừa mới lập gia đình, và điều thường xảy ra với các cặp kết thúc trong cảnh li dị là khi một trong hai người muốn có sự tán thành thì người kia không hề đáp ứng. Còn đối với những cặp hạnh phúc hơn thì người kia sẽ chú ý lắng nghe rồi hưởng ứng ‘Mình nói đúng’. Điều đó có lợi hơn. Khi bạn gật đầu tỏ ý tán thành và nói ‘ừ–hừ’ hoặc ‘có’, tức là bạn đang thể hiện dấu hiệu của một người ủng hộ nhưng ở đây Sue không bao giờ làm như vậy, dù là chỉ một lần trong cả buổi thí nghiệm, không ai trong chúng tôi nhận ra điều này cho đến khi chúng tôi thực hiện quá trình mã hóa.”

“Điều đó thật kì lạ,” Cô Tabares nói tiếp.” Khi họ mới đến đây bạn chẳng hề có cảm giác rằng họ là một đôi không hạnh phúc. Rồi khi họ hoàn thành cuộc thí nghiệm, chúng tôi đã hướng dẫn cho họ cách để xem xét cuộc tranh luận của chính mình, và họ nghĩ tất cả mọi chuyện diễn ra một cách vui vẻ. Về mặt nào đó thì dường như chẳng có điều gì bất ổn. Nhưng tôi cũng không hiểu nổi nữa. Họ cưới cách đây chưa lâu và còn đang trong giai đoạn mặn nồng. Trên thực tế Sue hoàn toàn không có ý định nhún nhường. Họ chỉ đang tranh cãi về con chó nhưng thực sự có thể nói là mỗi khi bất đồng ý kiến, cô ấy hoàn toàn không chịu nhân nhượng. Đó sẽ là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều điều tai hại kéo dài sau này. Tôi không biết họ có thể duy trì cuộc hôn nhân của mình trong vòng bảy năm tới hay không. Liệu khi đó cuộc hôn nhân của họ có còn đủ những cảm xúc tích cực không? Bởi vì trên thực tế những chi tiết có vẻ khả quan thì lại chẳng mang lại điều gì sáng sủa một chút nào.”

Vậy Tabares đã tìm được gì trong cuộc hôn nhân này? Về khía cạnh kỹ thuật mà nói, Tabares đang đo đếm lượng cảm xúc tích cực cũng như tiêu cực, bởi vì một trong những phát hiện của Gottman là để có thể duy trì được một cuộc hôn nhân thì tỷ lệ giữa cảm xúc tích cực và tiêu cực trong cuộc thí nghiệm phải đạt được ít nhất năm trên một. Tuy vậy, thành thật hơn mà nói, qua cuộc nói chuyện ngắn ngủi của Bill và Sue, những gì Tabares đã phát hiện ra là nét đặc trưng trong cuộc hôn nhân của họ. Bởi vì theo các nghiên cứu của Gottman, tất cả các cuộc hôn nhân đều có nét đặc trưng riêng, giống như một kiểu DNA của các cặp vợ chồng vậy, nét đặc trưng đó nổi bật lên trong bất kỳ sự tác động qua lại có ý nghĩa nào giữa vợ và chồng. (DNA viết tắt của deoxyribonucleic acid: cấu tử cơ bản của tế bào di truyền). Đây là lý do tại sao mà Gottman lại luôn đề nghị các cặp vợ chồng kể lại câu chuyện về lần đầu tiên họ gặp gỡ, vì ông đã phát hiện ra rằng khi người chồng hoặc người vợ thuật lại tình tiết quan trọng nhất trong mối quan hệ của họ, thì ngay lập tức nét đặc trưng của cuộc hôn nhân được thể hiện.

Gottman nói: “Thật đơn giản để kết luận. Tôi vừa mới xem cuốn băng này hôm qua. Người phụ nữ kể lại, ‘Chúng tôi gặp nhau vào một buổi trượt tuyết cuối tuần, anh ta ở đó với một đám bạn bè, tôi cũng có một chút cảm tình với anh ta và chúng tôi đã hẹn hò. Nhưng sau đó anh ta đã nốc rất nhiều rượu, anh ta về nhà và đi ngủ, tôi đã đợi trong suốt ba tiếng đồng hồ. Tôi đã đánh thức anh ta dậy và nói rằng tôi không đồng tình với cái cách xử sự như vậy. Anh đúng là người đàn ông tồi. Anh ta trả lời: “Đúng thế đấy, mà này, anh đã thực sự phải uống rất nhiều.’” Luôn có vấn đề là nét đặc trưng trong mối quan hệ này, và một sự thật đáng buồn là điều này sẽ tồn tại mãi. Gottman nói tiếp: “Lần đầu tiên khi bắt đầu thực hiện những cuộc phỏng vấn như vậy, tôi đã nghĩ có lẽ nào chúng tôi lại đang mang đến cho những con người này một ngày nhàm chán. Nhưng tỷ lệ dự đoán chính xác là rất cao, và nếu bạn tiến hành thực hiện lại, hết

lần này đến lần khác bạn sẽ nhận được kết quả tương tự.”

Có một cách để hiểu những gì mà Gottman đang nói đến là sử dụng phép loại suy về cái mà những người sử dụng mã moóc gọi là chữ viết. Mã moóc được cấu thành từ các dấu chấm và các nét gạch, trong đó mỗi nét gạch có độ dài được qui định riêng. Nhưng không một ai có thể sao chép lại độ dài của nó một cách chính xác. Khi người ta gửi đi một bức thông báo – đặc biệt khi sử dụng những chiếc máy cổ làm thủ công như máy ghi âm nhỏ hoặc máy chữ – họ thay đổi việc để cách hoặc là kéo dài các dấu chấm, các nét gạch ra hoặc là gộp các dấu chấm, các nét gạch, và dấu cách lại theo một nhịp riêng. Mã moóc cũng giống như lời nói vậy. Mỗi người chúng ta đều có giọng nói khác nhau.

Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, quân đội Anh đã chiêu mộ hàng nghìn nhân viên – chủ yếu là phụ nữ – vào cái gọi là “đội quân những điện thính viên cơ yếu”. Công việc của họ là nghe ngóng điện đài của các sư đoàn Đức suốt ngày đêm. Tất nhiên, người Đức đã sử dụng mật mã để phát sóng, do đó – ít nhất là vào lúc bắt đầu cuộc chiến – người Anh không thể hiểu được. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau, chỉ bằng cách lắng nghe nhịp truyền, những điện thính viên cơ yếu đã bắt đầu nhận diện được từng ký tự mật mã đơn lẻ của điện báo viên Đức, và bằng cách làm như vậy họ đã biết được các thông tin quan trọng như ai đang thực hiện việc truyền tin. Nhà sử học của lực lượng vũ trang Anh Quốc, Nigel West cho rằng: “Nếu bạn lắng nghe những tín hiệu tương tự nhau gửi đi trong một khoảng thời gian nhất định, bạn sẽ bắt đầu nhận ra mỗi đơn vị có từ ba đến bốn điện báo viên khác nhau, làm việc theo ca kíp luân phiên nhau, mỗi điện báo viên có một đặc điểm riêng. Và lúc nào cũng vậy, ngoài phần nội dung chính ra, bao giờ cũng có những lời mở đầu, các trao đổi bị cấm. Hôm nay bạn có khỏe không? Người yêu của bạn dạo này ra sao? Tình hình thời tiết ở Munich như thế nào? Rồi bạn điền vào một tấm thẻ nhỏ, nơi bạn ghi chú mọi thông tin, và chẳng mấy chốc bạn sẽ có mối liên hệ về người điện báo viên đó.”

Những điện thính viên cơ yếu đã mô tả được chữ viết và văn phong của từng điện báo viên mà họ đang theo dõi. Họ phân chia theo tên gọi và tập hợp lại một cách công phu, tỉ mỉ thành các hồ sơ vắn tắt của từng cá nhân. Sau khi xác minh được người gửi thông tin, họ sẽ tiến hành định vị xem tín hiệu được phát ra từ đâu. Do đó lúc bấy giờ họ có thể nắm bắt được nhiều thông tin hơn nữa. Họ biết được ai đang ở đâu. West nói tiếp: những điện thính viên cơ yếu có cách xử lý các đặc tính truyền tin tốt đến nỗi họ có thể theo dõi các điện báo viên ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Châu Âu. Điều đó mang lại ích lợi rất lớn để đưa ra các chỉ thị cho cuộc chiến, vì từ đó họ sẽ xây dựng được một biểu đồ nhằm xác định vị trí và nhiệm vụ của từng đơn vị quân đội riêng lẻ trên chiến trường. Nếu tín hiệu của một điện báo viên tương ứng với một đơn vị đặc biệt

nào đó được định vị là ở Florence, và ba tuần sau tín hiệu lại được phát ra từ Linz thì bạn có thể kết luận rằng đơn vị đó đã di chuyển từ miền bắc nước Ý sang mặt trận phía đông. Hay khi bạn xác định được điện báo viên của một đơn vị sửa chữa xe tăng hàng ngày luôn bắt được sóng của họ vào 12 giờ. Nhưng giờ đây, sau một trận chiến lớn, nó phát sóng vào lúc 12 giờ, 4 giờ chiều và 7 giờ tối thì bạn có thể kết luận rằng đơn vị này đang phải hoàn thành một khối lượng lớn công việc. Trong những những tình huống khẩn cấp khi một vị có cấp bậc lớn trong quân đội hỏi: ‘Anh có hoàn toàn chắc chắn rằng đơn vị Luftwaffe Fliegerkorps [đội không quân Đức] đang ở bên ngoài Tobruk mà không có mặt ở Ý không?’ Khi đó bạn có thể trả lời: ’Vâng, đúng là Oscar, chúng tôi hoàn toàn chắc chắn.’

Điều then chốt về chữ viết là chúng tự hiện lên một cách tự nhiên. Các điện báo viên không cố ý phát ra các âm thanh có thể dễ phân biệt được. Họ chỉ đơn giản muốn kết thúc việc phát ra những âm thanh này, bởi vì phần nào đó trong cá nhân họ cứ xuất hiện là tự động và vô tình lộ ra giống như cái cách mà họ sử dụng mã moóc vậy. Một vấn đề khác của chữ viết là nó tự bộc lộ ra thậm chí ngay từ mẫu nhỏ nhất trong mã moóc. Chúng ta chỉ cần chú ý một vài ký tự là có thể nhận ra điểm đặc trưng của một cá nhân. Nó không hề thay đổi, không bị biến mất vì sự co giãn và cũng không lộ ra chỉ trong vài từ hay vài câu. Đó là lý do tại sao mà những điện thính viên cơ yếu của Anh có thể nghe qua một vài thông tin xuất hiện đột ngột rồi kết luận, với sự chắc chắn tuyệt đối, “Oscar, đúng là như vậy, dứt khoát đơn vị đó bây giờ đang ở bên ngoài Tobruk.” Chữ viết của một điện báo viên không bao giờ thay đổi.

Những gì mà Gottman đang nói đến là mối quan hệ của hai con người cũng có chữ viết riêng: ký tự đặc biệt mà tự nó hiện lên một cách tự nhiên. Đó là nguyên nhân mà một cuộc hôn nhân có thể được hiểu và được giải mã một cách dễ dàng, bởi vì phần nào đó trong hoạt động của con người – dù là việc đơn giản như gõ một đoạn tin bằng mã moóc hay rắc rối như việc thành hôn – đều có một khuôn mẫu xác định không thay đổi. Tiên đoán về việc ly hôn, cũng giống như việc đi tìm mã moóc của các điện báo viên vậy, là sự nhận dạng các khuôn mẫu.

“Trong một mối quan hệ, con người ta được đặt vào một trong hai trạng thái,” Gottman nói tiếp. “Tôi gọi trạng thái đầu tiên là loại trừ thiên về tình cảm tích cực, ở trạng thái này những tình cảm tích cực sẽ loại trừ được tính dễ bị kích động. Bạn cứ tưởng tượng nó giống như một cái đệm vậy. Khi người chồng gây ra điều tồi tệ thì người vợ sẽ nói, ‘Ồ, anh ấy chỉ đang trong tâm trạng bất ổn thôi.’ Hoặc họ cũng có thể

ở trong trạng thái loại trừ thiên về tình cảm tiêu cực, trong trạng thái này thậm chí những điều tương đối mang tính trung lập mà người chồng (hoặc người vợ) nói ra sẽ bị nhìn nhận một cách tiêu cực. Trong trạng thái thiên về tình cảm tiêu cực, con người

ta thường đưa ra những kết luận khó thay đổi về nhau. Nếu một người có tỏ vẻ tích cực thì thực chất đó cũng chỉ là kẻ ích kỷ cố ý tỏ ra tốt hơn mà thôi. Rất khó khăn để thay đổi được tình trạng này bởi vì khi một người cố gắng hàn gắn mọi thứ thì người kia sẽ nhìn nhận hành động này hoặc như là sự sửa chữa hoặc như là sự lôi kéo mang tính thù hằn. Chẳng hạn, tôi đang nói chuyện với vợ thì cô ấy gắt lên: ‘Anh có thể im miệng lại để tôi làm nốt việc được không?’ Trong trạng thái loại trừ thiên về tình cảm tích cực, tôi sẽ trả lời: ‘Xin lỗi, em cứ tiếp tục công việc đi.’ Dù không cảm thấy vui vẻ gì nhưng tôi chấp nhận là người nhượng bộ, hàn gắn trước. Còn nếu trong trạng thái thiên về tình cảm tiêu cực, tôi sẽ bật lại: ‘Mặc xác cô, tôi cũng chẳng thể làm xong việc của mình. Đồ quỉ cái, cô làm tôi nhớ đến bà mẹ của cô.’

Vừa nói, Gottman vừa vẽ ra một đồ thị trên một mảnh giấy trông khá giống với biểu đồ thể hiện sự tăng giảm giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán trong một ngày bình thường. Ông giải thích công việc của ông là theo dõi sự thăng trầm trong mức độ cảm xúc tích cực dương và âm của các cặp vợ chồng, và ông đã nhận ra rằng không mất quá nhiều thời gian để luận ra được đường thẳng trên đồ thị đang đi theo hướng nào. “Lúc thì đi lên, lúc thì đi xuống,” Ông nói. “Nhưng một khi các đường thẳng này bắt đầu đi xuống về phía cảm xúc tiêu cực, thì chắc chắn 94% chúng sẽ tiếp tục đi xuống nữa. Các cặp vợ chồng bắt đầu đi vào một thời kỳ tồi tệ mà họ không thể làm gì để cứu vãn nổi. Tôi không nghĩ việc này sẽ chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là một dấu hiệu cho thấy các cặp vợ chồng nhìn nhận toàn bộ mối quan hệ của mình như thế nào.”

Mức độ quan trọng của thái độ khinh thường

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sâu hơn một chút về bí quyết để đạt được tỷ lệ thành công như của Gottman. Gottman đã khám phá ra rằng mỗi cuộc hôn nhân đều có một dấu hiệu riêng, mà chúng ta có thể tìm được bằng cách thu thập những thông tin chi tiết liên quan đến vấn đề tình cảm từ mối tác động qua lại giữa hai vợ chồng. Nhưng trong phương pháp nghiên cứu của Gottman còn có một chi tiết nữa rất thú vị, đó là cách ông giải quyết để đơn giản hóa công việc dự đoán. Tôi không hình dung ra mức độ phức tạp của vấn đề cho đến khi chính tôi thử áp dụng phương pháp chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng để đánh giá các cặp vợ chồng. Tôi đã lấy một trong những cuốn băng của Gottman, cuốn băng này có mười đoạn phim mỗi đoạn kéo dài ba phút ghi lại cuộc nói chuyện của các cặp vợ chồng khác nhau. Tôi được cho biết trước rằng trong vòng mười lăm năm sau khi cuộc nói chuyện của họ được quay phim, một nửa các cặp vợ chồng này đã ly hôn. Một nửa còn lại vẫn ở bên nhau. Liệu tôi có thể dự đoán cặp nào đã ly hôn và cặp nào vẫn duy trì được hạnh phúc không? Tôi khá tự tin là mình có thể. Nhưng tôi đã lầm. Kết quả dự đoán của tôi rất tồi. Tôi

chỉ trả lời đúng năm trường hợp, điều đó có nghĩa là kết quả mà tôi đạt được cũng chỉ như nhờ áp dụng phương pháp tung đồng xu sấp ngửa mà thôi.

Tôi gặp khó khăn khi vấp phải một thực tế là: trong những cuộc nói chuyện, bao giờ cũng có một người áp đảo người kia. Người chồng thường nói một cách thận trọng, e dè trong khi chị vợ lại trả lời hết sức bình thản. Một vài cảm xúc thoảng qua lướt nhanh trên khuôn mặt cô ta. Người chồng bắt đầu nói một điều gì đó rồi dừng lại. Cô ta quắc mắt nhìn với vẻ cau có. Anh chồng cười. Rồi trong phòng có tiếng lẩm bẩm, những cái cau mày xuất hiện. Tôi thường tua lại đoạn băng để xem lại lần nữa, và mỗi lần như thế tôi lại thu được thêm nhiều thông tin hơn. Tôi đã nhận ra dấu hiệu thoáng qua của tiếng cười hay những thay đổi rất nhỏ trong giọng điệu. Tất cả những điều đó đối với tôi là quá nhiều. Trong tâm trí, tôi đang cố gắng một cách điên rồ để xác định tỷ lệ giữa cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. Nhưng cái gì được cho là tích cực còn cái gì là tiêu cực? Qua đoạn băng của Bill và Sue tôi đã hiểu rằng có rất nhiều dấu hiệu được cho là tích cực nhưng trên thực tế lại là tiêu cực. Và tôi cũng biết trong mã SPAFF có không ít hơn hai mươi trạng thái cảm xúc riêng rẽ. Bạn đã bao giờ thử theo dõi hai mươi cảm xúc khác nhau trong cùng một lúc chưa? Bây giờ cứ cho rằng tôi không phải là nhà tư vấn cho các cặp vợ chồng. Nhưng khi đưa cho gần hai trăm bác sỹ chuyên khoa gia đình, các nhà nghiên cứu về hôn nhân, các chuyên gia giải đáp những vấn đề riêng tư, và các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, cũng như những người vừa mới cưới, những người vừa mới ly hôn hay những người đã trải qua cuộc sống hôn nhân hạnh phúc trong một thời gian dài – nói một cách khác tất cả hai trăm người này đều có nhiều kinh nghiệm về cuộc sống gia đình hơn tôi – cũng cùng cuộn băng đó, thì độ chính xác trong những dự đoán họ đưa ra cũng chỉ thấp hơn hoặc ngang bằng so với kết quả dự đoán của tôi mà thôi. Nhìn chung tỷ lệ dự đoán chính xác của cả nhóm này là 53,8%, con số này chỉ vừa vượt trên mức 50

– 50. Trên thực tế đã tồn tại một khuôn mẫu không mang nhiều ý nghĩa. Trong vòng ba phút đó có quá nhiều điều xảy ra rất nhanh chóng đến nỗi chúng ta không kịp tìm ra được khuôn mẫu cho chúng.

Tuy nhiên Gottman không gặp phải rắc rối như thế. Ông có thể áp dụng phương pháp chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng để đánh giá các cuộc hôn nhân hiệu quả đến mức, ông cho biết, chỉ cần ngồi trong nhà hàng và nghe lén cuộc nói chuyện của một cặp vợ chồng là ông có thể có phán đoán khá chính xác xem họ có nên bắt đầu nghĩ đến chuyện thuê luật sư và thống nhất về quyền chăm sóc con cái hay không. Vậy Gottman đã thực hiện điều đó như thế nào? Ông nhận thấy không cần thiết phải chú ý đến tất cả mọi yếu tố. Việc đếm các chi tiết mang tính tiêu cực đã lấn át những suy nghĩ trong đầu tôi, bởi vì dưới tất cả mọi góc độ tôi đều nhìn thấy những cảm xúc tiêu cực. Còn Gottman tuyển chọn kỹ lưỡng hơn rất nhiều. Ông cho rằng mình có thể

tìm ra nhiều thông tin cần thiết bằng cách tập trung vào cái mà ông gọi là Tứ Kỵ Sĩ (Four Horsemen) bao gồm: sự phòng vệ, bế tắc, chỉ trích, và sự khinh thường. Thậm chí trên thực tế , trong bốn trạng thái tình cảm của Tứ Kỵ Sĩ này, ông coi yếu tố khinh thường là quan trọng hơn cả. Nếu Gottman quan sát thấy trong cuộc hôn nhân, một trong hai người có dấu hiệu khinh miệt người kia thì đối với ông đó là dấu hiệu quan trọng nhất chỉ ra rằng cuộc hôn nhân này đang gặp phải vấn đề rắc rối.

Gottman nói: “Có thể bạn cho rằng sự chỉ trích mới là điều tệ hại nhất, vì nó là sự chê trách tổng hợp trong tính cách con người. Nhưng thái độ khinh thường lại mang những đặc điểm hoàn toàn khác hẳn. Tôi có thể chỉ trích vợ mình, ‘Em không bao giờ chịu lắng nghe gì hết, em thật vô tâm và ích kỷ.’ Khi đó, cô ấy sẽ phản đối lại để bảo vệ chính mình. Thái độ này sẽ không thể giải quyết được vấn đề của chúng tôi và cũng không phải là phương án hay để cải thiện mối quan hệ giữa hai vợ chồng. Nhưng nếu tôi nói với tư cách của kẻ bề trên thì mọi chuyện sẽ còn tệ hại hơn nữa, và thông thường thái độ khinh thường nằm ở những câu nói của kẻ bề trên. Trong nhiều trường hợp thái độ này còn được thể hiện qua những lời lăng mạ: ’Cô là con quỉ cái. Đồ cặn bã.’ Đó là sự cố gắng đẩy người bạn đời xuống một vị trí thấp hơn mình. Thái độ khinh thường chính là sự áp đặt của một kẻ luôn tự coi mình là người bề trên, kẻ luôn tự coi mình đứng trên người khác.”

Gottman đã chỉ ra rằng, trên thực tế, sự hiện diện của thái độ khinh thường trong hôn nhân thậm chí còn có thể báo trước nhiều điều chẳng hạn như người chồng hoặc vợ bị cảm lạnh bao nhiêu lần; nói một cách khác nếu bạn yêu một người luôn có thái độ khinh thường đối với bạn thì bạn sẽ thường xuyên bị căng thẳng đến mức điều này có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể bạn. “Sự khinh thường liên quan mật thiết đến sự căm phẫn, và cả thái độ khinh thường lẫn căm phẫn đều có xu hướng hắt hủi, loại trừ con người ta ra khỏi cộng đồng. Khi biểu lộ cảm xúc tiêu cực thì ở hai giới có sự khác nhau rất lớn, phụ nữ thường hay chỉ trích hơn trong khi nam giới rất có nhiều khả năng sẽ dẫn cuộc xích mích giữa hai vợ chồng đi đến chỗ bế tắc hơn. Chúng tôi nhận thấy rằng khi phụ nữ bắt đầu đề cập đến một vấn đề thì người đàn ông sẽ tức tối bỏ đi, thế là cô ta lại càng chỉ trích, đay nghiến nhiều hơn nữa, và mọi chuyện trở thành một chiếc vòng lẩn quẩn. Nhưng nếu một trong hai phía tỏ thái độ khinh thường thì sẽ không có bất kỳ sự khác biệt về giới nào trong hành vi cư xử của cả người đàn ông và người đàn bà. Không có một chút khác biệt nào hết.” Thái độ khinh thường là trạng thái cảm xúc đặc biệt. Nếu bạn có thể đo được mức độ của nó, bạn sẽ không cần đến những thông tin quá chi tiết trong mối quan hệ của các cặp vợ chồng.

Tôi cho rằng đây chính là phương thức hoạt động của tiềm thức. Khi chúng ta nảy ra

quyết định hay khi xuất hiện linh cảm, tiềm thức sẽ thực hiện công việc giống như công việc của Gottman đang tiến hành. Trong khi chúng ta chú ý đến những điều thực sự quan trọng thì tiềm thức sẽ sàng lọc, phân tích tình huống diễn ra trước mắt, từ đó bỏ qua những chi tiết không liên quan. Và thật sự thì tiềm thức của chúng ta rất giỏi trong lĩnh vực này, nó hoạt động hiệu quả tới mức cách suy nghĩ theo phương pháp chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng thường đưa ra câu trả lời có độ chính xác cao hơn cách suy nghĩ kỹ càng và thấu đáo.

Những bí mật bên trong phòng ngủ

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang cân nhắc tôi vào một vị trí công việc nào đó. Bạn đã xem bản sơ yếu lý lịch của tôi và cho rằng tôi có đủ các kỹ năng cần thiết. Nhưng bạn vẫn muốn tìm hiểu xem liệu rằng tôi có đúng là người phù hợp với công ty của bạn hay không. Liệu tôi có làm việc chăm chỉ không? Có trung thực, sáng tạo không? Để trả lời những câu hỏi này, sếp của bạn đưa ra hai sự lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên là gặp gỡ tôi hai lần mỗi tuần trong vòng một năm – có thể là đi ăn trưa, ăn tối, hay đi xem phim – cho tới khi bạn trở thành một trong những người bạn thân thiết nhất của tôi. (Giả sử, trong trường hợp sếp của bạn là người đòi hỏi khá khắt khe). Lựa chọn thứ hai là tạt vào thăm gia đình tôi khi tôi không có nhà và dành ra khoảng nửa giờ để quan sát xung quanh. Bạn sẽ chọn phương án nào?

Câu trả lời có vẻ hiển nhiên là bạn sẽ chọn phương án thứ nhất: đây là lối suy nghĩ theo kiểu những lát cắt dày. Bạn càng dành nhiều thời gian tiếp xúc với tôi, càng thu thập được nhiều thông tin, bạn sẽ càng có cơ sở để đánh giá tính cách của tôi. Đúng không? Tôi hi vọng rằng cho đến lúc này chí ít thì bạn cũng phải có một chút nếu không muốn nói là đủ tin tưởng để hoài nghi cách tiếp cận này, bởi vì theo chuyên gia tâm lý Samuel Gosling, việc phán xét nhân cách một con người là ví dụ rất điển hình minh chứng cho hiệu quả không ngờ của phương pháp chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng.

Gosling đã bắt đầu tiến hành thí nghiệm của ông bằng một nghiên cứu về tính cách con người trên tám mươi sinh viên đại học. Để thực hiện thí nghiệm này, ông sử dụng một bản câu hỏi điều tra, được đánh giá cao mà ông gọi là Bản Kê Năm Yếu Tố Lớn (Big Five Inventory), bản kê này đánh giá con người qua năm khía cạnh:

Tính hướng ngoại. Bạn là người cởi mở hay kín đáo? Vui vẻ hay dè dặt?

Sự tán thành. Bạn là người dễ có niềm tin hay đa nghi? Luôn giúp đỡ mọi người hay giữ thái độ bất hợp tác.

Sự tận tâm, chu đáo. Bạn là người ngăn nắp hay bừa bộn? Kỷ luật, tự giác hay thiếu quyết tâm, ngại khó?

Sự ổn định của cảm xúc. Bạn là người lo nghĩ hay điềm tĩnh? Kiên định hay dễ dao động?

Sự cởi mở, tiếp thu cái mới. Bạn là người giàu trí tưởng tượng hay là người thực tế, không viển vông? Không lệ thuộc hay dễ thích ứng?

Sau đó Gosling để cho những người bạn thân của tám mươi sinh viên đó điền vào một bảng câu hỏi tương tự.

Khi bạn bè đánh giá chúng ta dựa trên Bản Kê Năm Yếu Tố Lớn, Gosling muốn biết độ chính xác của những đánh giá đó. Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ nhận xét khá chính xác. Đối với chúng ta, những người bạn này đã có một lớp cắt kinh nghiệm rất dày, và đã chuyển chúng thành những cảm nhận chân thực để phán đoán con người chúng ta. Sau đó Gosling lặp lại quá trình, nhưng lần này ông không tiến hành thí nghiệm trên những người bạn thân nữa mà sử dụng những người hoàn toàn xa lạ. Họ phải đưa ra nhận xét về các sinh viên thậm chí họ chưa từng gặp mặt. Tất cả những gì họ được tận mắt chứng kiến là ký túc xá của các sinh viên. Gosling đưa cho những người xa lạ đó các bìa kẹp hồ sơ và yêu cầu họ trong vòng mười lăm phút quan sát xung quanh trả lời một chuỗi các câu hỏi cơ bản về tính cách chủ nhân của căn phòng. Trong phạm vi các câu hỏi từ 1 đến 5 của Năm Tóm Tắt lớn các câu hỏi mà họ có thể nhận được là, người ở trong căn phòng này có vẻ là người lắm lời không? Có hay phê phán gay gắt không? Có cẩn thận, chu đáo không? Có là người lập dị không? Có dè dặt không? Có hay giúp đỡ mọi người mà không nghĩ đến lợi ích cá nhân không? v.v… Gosling cho biết: “Tôi đang cố gắng nghiên cứu những ấn tượng hằng ngày của con người. Vì vậy tôi đã tuyệt đối không cho họ biết mục đích của cuộc thí nghiệm. Tôi chỉ nói: ’Đây là một bảng các câu hỏi mà các bạn cần trả lời. Hãy vào trong căn phòng nghe ngóng, quan sát thật kỹ lưỡng. ‘Tôi thực sự muốn xem xét quá trình hình thành các phán xét mang nặng tính trực giác.”

Họ đã thực hiện công việc như thế nào? Gần như những người quan sát phòng ngủ không thể sánh được với những người bạn của chủ nhân trong việc đánh giá tính hướng ngoại… Nếu muốn biết một người có sôi nổi, hay nói, thoải mái hay không, thì rõ ràng phải trực tiếp gặp mặt người đó. Những người bạn cũng có những nhận xét chính xác hơn đôi chút khi đánh giá về sự tán thành – thái độ giúp đỡ mọi người và tỏ ra đáng tin cậy đối với người khác. Tôi nghĩ điều này không phải là không có ý nghĩa. Nhưng về ba đặc điểm còn lại trong Năm Tóm Tắt Lớn thì những người xa lạ với sự

trợ giúp từ chiếc bảng kẹp hồ sơ tỏ ra trội hơn. Họ tỏ ra chính xác hơn khi đo mức độ tận tâm, chu đáo, và chính xác hơn nhiều khi dự đoán về cả hai tính cách còn lại của sinh viên là sự ổn định trong cảm xúc cũng như thái độ cởi mở tiếp thu cái mới. Như vậy, sau khi cân nhắc kỹ càng, những người không quen biết với các sinh viên đã kết thúc công việc với hiệu quả cao hơn nhiều. Điều này cho thấy rằng một người chưa từng gặp mặt hoàn toàn có thể chỉ mất hai giờ đồng hồ hình dung, tưởng tượng cũng có thể hiểu rõ về bản chất con người chúng ta hơn những người mà ta đã quen biết qua nhiều năm. Nào, bây giờ thì bạn đã có thể quên hẳn cách tìm hiểu về người khác qua việc dành thời gian gặp gỡ và ăn trưa được rồi đấy. Nếu bạn muốn tìm hiểu xem tôi có là nhân viên tốt hay không thì vào một ngày nào đó, hãy tạt qua nhà tôi mà ngó nghiêng quan sát nhé.

Nếu bạn giống như hầu hết mọi người, tôi cho rằng bạn sẽ nghĩ những kết luận của Gosling khó có thể tin được. Nhưng sự thật đúng là như vậy cho dù người ta chưa biết về các bài học của Gottman. Đây chỉ là một ví dụ khác minh chứng cho hiệu quả của phương pháp chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng mà thôi. Những người quan sát đã xem xét các đồ dùng cá nhân riêng tư nhất của sinh viên, trong khi đó đồ dùng cá nhân của chúng ta lại chứa đựng một lượng lớn thông tin rất có giá trị. Chẳng hạn, theo Gottman phòng ngủ thể hiện ba manh mối về tính cách của chủ nhân căn phòng. Đầu tiên là sự khẳng định nhân dạng, đó là những ấn tượng khó phai về hình ảnh của bản thân mỗi người trong con mắt người khác, bản sao được đóng khung của Đại học Harvard là một ví dụ. Tiếp theo là mặt tiêu cực trong hành vi được xác định qua những manh mối về sự sơ suất, cẩu thả: thể hiện trong một số thói quen chẳng hạn quần áo bẩn chưa giặt vứt trên sàn nhà hoặc bộ sưu tập đĩa CD sắp xếp theo thứ tự abc. Cuối cùng là khả năng điều khiển ý nghĩ và cảm xúc, đó là những thay đổi chúng ta tạo ra trong không gian riêng tư nhất tác động đến cách chúng ta cảm nhận về nơi ở của mình: Chẳng hạn đặt một cây nến toả hương thơm ở góc phòng hay sắp xếp khéo léo chồng gối trang trí trên giường ngủ. Nếu bạn quan sát thấy bộ đĩa CD sắp xếp theo thứ tự chữ cái, treo trên tường là tấm bằng tốt nghiệp đại học Harvard, một nén hương trầm đặt trên mặt bàn và quần áo chưa giặt chất đống gọn gàng trong chậu, thì ngay lập tức bạn sẽ có những đánh giá chính xác về một phương diện nào đó trong tính cách của chủ nhân căn phòng, mà nếu chỉ bằng cách gặp mặt trực tiếp thì bạn không thể hiểu thấu đáo được. Như vậy một cái nhìn thoáng qua vào không gian riêng tư cũng nói lên nhiều điều – hoặc thậm chí còn hơn hàng giờ phơi mình ở nơi công cộng. Bất kỳ ai đã từng xem xét giá sách của người bạn trai hay bạn gái mới – hoặc nhìn vào trong tủ thuốc của họ – hoàn toàn có thể hiểu rõ vấn đề này.

Dẫu rằng những thông tin không thu thập được khi quan sát đồ dùng cá nhân của một người nào đó cũng rất quan trọng. Khi không gặp người nào đó trực tiếp, những gì

cần tránh là không để cho tất cả các mẩu thông tin không liên quan, khó hiểu và phức tạp đánh lạc hướng óc phán đoán. Hầu hết chúng ta sẽ khó tin rằng một ông trọng tài biên của môn túc cầu nặng 275 pao (khoảng 125 cân) lại có thể là người sắc sảo, sáng suốt. Nguyên nhân là ở chỗ chúng ta không thể tránh khỏi lối suy nghĩ dập khuôn của một cổ động viên ngờ nghệch. Nhưng nếu tất cả chúng ta quan sát giá sách và cách trang trí trên tường trong nhà ông ta, thì chúng ta đã không mắc phải những sai lầm tương tự như vậy.

Những gì mà con người nói về chính mình cũng có thể rất khó hiểu, vì một lý do đơn giản rằng hầu hết mọi người đều hơi quá lạc quan về bản thân. Đó là lý do tại sao khi đánh giá bản chất người nào đó chúng ta lại không hỏi họ một cách thẳng thừng xem họ nghĩ mình là người như thế nào. Chúng ta đưa cho họ một bảng các câu hỏi, chẳng hạn như Năm Tóm Tắt Lớn, rồi một cách cẩn trọng chúng ta cố gắng moi được những thông tin cần thiết. Đây cũng là nguyên nhân mà Gottman không lãng phí thời gian để yêu cầu các cặp vợ chồng trả lời trực tiếp các câu hỏi liên quan tình trạng hôn nhân của họ. Họ sẽ nói dối vì họ cảm thấy lúng túng ngại ngùng hay quan trọng hơn họ không muốn phải đối mặt với sự thật. Họ có thể đang phải lặn ngụp khổ sở trong mối quan hệ – hoặc cũng có thể đang tận hưởng những giây phút hạnh phúc đến nỗi họ không thể diễn tả chính xác về mối quan hệ của mình. Sybil Carreère nói rằng: “Đơn giản chỉ vì các cặp vợ chồng không ý thức được họ đang bị dò xét tình cảm, sau khi ghi lại cuộc nói chuyện của họ qua máy quay phim, chúng tôi chiếu lại cho họ xem. Trong một nghiên cứu chúng tôi vừa mới thực hiện gần đây, chúng tôi đã hỏi xem họ cảm nhận được điều gì qua cuộc thí nghiệm, và một số lượng đáng chú ý những con người này – ý tôi muốn nói là phần lớn bọn họ – đã trả lời họ thật sự ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh của bản thân hoặc đối xử ra sao trong suốt cuộc tranh luận. Một phụ nữ mà chúng tôi đánh giá là người rất dễ xúc động lại cho rằng mình chẳng bao giờ có bất kỳ khái niệm nào về cảm xúc này. Cô ta cho biết cô luôn nghĩ mình là người khắc kỷ và luôn giữ kín mọi chuyện mà không thổ lộ với bất kỳ ai. Rất nhiều người giống như vậy. Họ thường nghĩ về mình hoặc là quá lên hoặc là tiêu cực hơn so với thực tế. Chỉ khi xem xét đoạn băng họ mới nhận ra rằng mình đã sai lầm khi đánh giá về bản thân.”

Nếu như những cặp vợ chồng không ý thức được họ đang bị người khác dò xét tình cảm, vậy thì việc trực tiếp đặt ra cho họ các câu hỏi có mang lại nhiều hiệu quả không? Không nhiều, và đây chính là nguyên nhân khiến cho Gottam đã đề nghị họ tranh luận về những vấn đề liên quan đến cuộc sống vợ chồng – chẳng hạn về con vật cưng nuôi trong nhà – mà không phải trực tiếp về hôn nhân của họ. Ông quan sát tỉ mỉ hành động của các cặp vợ chồng này qua những tiêu chuẩn đánh giá gián tiếp như: dấu hiệu đáng chú ý từ những xúc động thoảng qua trên khuôn mặt từng người, tình

trạng căng thẳng thể hiện qua tuyến mồ hôi trong lòng bàn tay, sự tăng nhanh nhịp tim, hay sự thay đổi giọng điệu tinh tế ẩn chứa bên trong cuộc tranh cãi. Gottman phát hiện ra rằng cách tiếp cận vấn đề từ một phía sẽ mang lại kết quả nhanh hơn và hiệu quả hơn cách tiếp cận trực tiếp.

Những gì mà những người quan sát phòng ngủ đã làm đơn giản chỉ là một phiên bản dựa trên cơ sở các phân tích của John Gottman do những con người không chuyên thực hiện. Chẳng qua họ đang đi tìm “chữ viết” của các sinh viên đại học mà thôi. Bản thân họ sau mười lăm phút để nghe ngóng, quan sát và tự tạo cho mình các linh cảm về người khác. Họ tiếp cận vấn đề từ một phía, sử dụng những dấu hiệu gián tiếp thể hiện qua ký túc xá của các sinh viên, rồi từ đó đơn giản hóa quá trình ra quyết định: họ chẳng hề bị rối trí bởi các thông tin không liên quan, khó hiểu xuất hiện từ cuộc gặp gỡ mặt đối mặt. Họ áp dụng phương pháp chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng. Và chuyện gì đã xảy ra? Cũng giống như trường hợp của Gottman: những con người với tấm bìa kẹp hồ sơ đó thực sự có năng lực phán đoán rất giỏi.

Hãy lắng nghe giọng điệu của bác sỹ

Chúng ta hãy cùng nhau phân tích khái niệm của phương pháp chia nhỏ vấn đề thành các lát cắt mỏng sâu hơn một bước nữa. Hãy thử hình dung rằng bạn đang làm việc cho một công ty bảo hiểm chuyên bán bảo hiểm sơ suất y khoa cho các bác sỹ. Sếp của bạn yêu cầu bạn tìm hiểu lý do để giải thích xem người nào, trong số các bác sỹ nhận được bảo hiểm của công ty, có khả năng bị kiện nhiều nhất. Cũng giống như lần trước bạn có hai sự lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên, bạn xem xét quá trình đào tạo, năng lực cũng như kinh nghiệm của vị bác sỹ đó rồi phân tích hồ sơ của họ xem họ đã phạm bao nhiêu sai lầm trong quá khứ. Lựa chọn thứ hai là lắng nghe những mẩu thông tin rất ngắn, vụn vặt từ cuộc trao đổi giữa họ với các bệnh nhân.

Lúc này, có lẽ bạn đang đợi tôi khẳng định rằng lựa chọn thứ hai là biện pháp hữu hiệu nhất. Bạn hoàn toàn chính xác, và sau đây là lý do giải thích tại sao. Dù bạn có tin hay không, nhưng nguy cơ các bác sỹ bị kiện do sơ suất rất ít liên quan đến số lần phạm sai lầm của họ. Những phân tích từ việc tố tụng các hành vi sơ suất y khoa chỉ ra rằng, có bác sỹ dù lành nghề nhưng vẫn bị kiện, có bác sỹ dù mắc phải nhiều sai lầm nhưng lại không bao giờ bị kiện. Đồng thời, rất nhiều người bị tổn thương về mặt thân thể do tính cẩu thả của các bác sỹ không bao giờ đâm đơn kiện họ cả. Hay nói một cách khác, bệnh nhân sẽ không kiện do những tổn hại gây ra bởi sự chăm sóc y tế yếu kém, mà họ kiện vì những hậu quả khác nữa xảy đến với họ.

Vậy những hậu quả khác đó ở đây là gì? Về khía cạnh con người mà nói, đó chính là

cách các bác sỹ đối xử với bệnh nhân. Không biết bao nhiêu lần, vấn đề được nêu lên trong các trường hợp bác sỹ sơ suất là bệnh nhân than phiền rằng họ phải trả một cái giá cắt cổ, không được chăm sóc chu đáo hoặc bị đối xử một cách tệ bạc. Nói như luật sư Alice Burkin, người đứng đầu văn phòng luật sư chuyên trách về các vấn đề sơ suất trong ngành y: “Chính xác là người ta không thể kiện các bác sỹ mà họ yêu mến. Từ lúc tôi dấn thân vào nghề này, tôi chưa bao giờ bắt gặp một khách hàng tiềm năng nào bước vào mà lại nói rằng: ‘tôi thực sự thích vị bác sỹ này, thích đến phát điên lên nhưng tôi muốn kiện ông ta.’ Bên cạnh đó cũng đã có người tới đây cho biết họ muốn kiện một bác sỹ chuyên khoa ra tòa và nhận được câu trả lời từ chúng tôi: ‘chúng tôi nghĩ bác sỹ đó không hề sơ suất, chính bác sỹ chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho anh mới là người phải chịu trách nhiệm.’ Vị khách hàng đó đáp lại, “Tôi không quan tâm cô ấy đã làm gì. Tôi rất có cảm tình và sẽ không kiện cô ta.”

Trước đây, có một nữ khách hàng bị một khối u ở ngực do không được phát hiện kịp thời nên đã gây ra di căn, đến văn phòng của Burkin để thông báo rằng cô ta muốn đưa vị bác sỹ nội khoa của mình ra tòa vì tội không chuẩn đoán kịp thời. Trên thực tế chính bác sỹ X–quang mới là người phải chịu trách nhiệm. Nhưng cô ta tỏ ra rất cương quyết. Burkin cho biết: “Trong lần đầu tiên tiếp xúc với chúng tôi, cô kể rằng cô ghét vị bác sỹ nội khoa này bởi vì bà ta không bao giờ dành thời gian để trò chuyện, không bao giờ hỏi thăm về các triệu chứng khác, cũng như không bao giờ coi cô như một con người bình thường… Khi kết quả khám sức khỏe của người bệnh có dấu hiệu xấu, bác sỹ phải dành thời gian giải thích điều gì đang xảy ra, và trả lời các thắc mắc của bệnh nhân – nghĩa là phải thể hiện phương châm “lương y như từ mẫu” khi đối xử với bệnh nhân. Những bác sỹ không bao giờ làm như vậy sẽ rất dễ bị khởi kiện.” Do đó để biết khả năng một bác sỹ phẫu thuật có dễ bị kiện hay không, không nhất thiết phải quan tâm quá nhiều đến cách ông ta thực hiện ca mổ như thế nào. Mà những gì bạn cần là tìm hiểu mối quan hệ của ông ta với bệnh nhân.

Thời gian gần đây, chuyên gia nghiên cứu y khoa bà Wendy Levison đã ghi lại hàng trăm cuộc nói chuyện giữa các bác sỹ và bệnh nhân. Trong đó có khoảng một nửa số bác sỹ chưa bao giờ bị kiện. Nửa số bác sỹ còn lại đã bị kiện ít nhất hai lần, từ đó Levison nhận thấy rằng chỉ cần dựa trên các cuộc nói chuyện này là bà có thể phân biệt hai nhóm bác sỹ trên một cách rõ ràng. Cuộc nói chuyện với bệnh nhân của những bác sỹ phẫu thuật chưa bao giờ bị kiện thường kéo dài lâu hơn ít nhất là ba phút so với cuộc nói chuyện của các bác sỹ đã từng bị kiện (18.3 phút so với 15 phút). Họ (các bác sỹ phẫu thuật chưa từng bị kiện) thường có khả năng hơn trong việc đưa ra những lời bình luận “định hướng”, chẳng hạn như “Đầu tiên tôi sẽ khám cho anh trước, rồi chúng ta sẽ cùng nhau bàn bạc để giải quyết vấn đề” hoặc “Tôi sẽ dành thời gian cho các câu hỏi của anh” – điều này sẽ tạo cho bệnh nhân có cảm giác rằng cuộc

thăm khám của bác sỹ sẽ hoàn hảo hơn và họ được khuyến khích đặt ra các câu hỏi. Các bác sỹ chưa từng bị kiện cũng có khả năng thu hút sự chú ý tích cực của bệnh nhân tốt hơn khi nói với bệnh nhân những câu đại loại như “Anh hãy tiếp tục kể cho tôi kỹ hơn về chi tiết đó,” họ cũng thường xuyên cười đùa và tỏ ra vui vẻ hơn trong cuộc nói chuyện với bệnh nhân. Một điều thú vị là, thông tin mà các bác sỹ truyền đạt cho bệnh nhân không hề có sự khác nhau cả về mặt số lượng lẫn chất lượng; các bác sỹ chưa từng bị kiện không hề cung cấp các thông tin chi tiết hơn về phương thuốc chữa bệnh cũng như tình trạng của bệnh nhân. Sự khác nhau biểu hiện hoàn toàn trong cách họ nói chuyện với bệnh nhân.

Trong thực tế, hoàn toàn có thể phát triển những phân tích này theo hướng sâu hơn. Chuyên gia tâm lý, bà Nalini Ambady khi theo dõi những cuốn băng của Levinson, đã chú ý đến những cuộc nói chuyện được ghi lại giữa các bác sỹ phẫu thuật với bệnh nhân của họ. Đối với từng bác sỹ, bà chọn ra hai cuộc nói chuyện. Sau đó, từ mỗi cuộc nói chuyện này bà lại lấy ra hai đoạn phim ngắn mỗi đoạn kéo dài mười giây, như vậy với mỗi một bác sỹ bà có một đoạn phim dài tổng số bốn mươi giây. Cuối cùng, bà đem chúng đi “lọc nội dung”, có nghĩa là xóa bỏ những âm cao tần trong lời nói để chúng ta không thể đoán ra những câu nói riêng lẻ. Những gì còn lại sau khi lọc nội dung là một đoạn băng bị bóp méo còn giữ lại ngữ điệu, nhịp điệu và cường độ âm thanh, nhưng phần nội dung thì đã bị xóa hết. Với việc sử dụng các đoạn băng đó – và chỉ những đoạn băng đó thôi – Ambady đã thực hiện các phân tích theo kiểu của Gottman. Dựa vào đó bà có cơ sở để xem xét các đoạn băng bị bóp méo qua những đức tính của con người như sự nhiệt tình, thái độ chống đối, sự độc đoán hay sự lo lắng, và bà đã nhận thấy rằng chỉ cần sử dụng những đánh giá đó thôi, bà cũng có thể dự đoán bác sỹ nào đã bị kiện còn bác sỹ nào thì không.

Ambady cho biết kết quả trên hoàn toàn làm cho bà cùng các đồng nghiệp cảm thấy hết sức sửng sốt, và không khó để giải thích điều này. Họ không hề hay biết gì về trình độ tay nghề, kinh nghiệm của các bác sỹ cũng như hình thức đào tạo mà các bác sỹ đã trải qua. Họ thậm chí còn không biết các bác sỹ đã nói gì với bệnh nhân của mình. Tất cả những gì mà họ sử dụng để dự đoán là giọng nói của các bác sỹ. Trên thực tế, thậm chí vấn đề còn đơn giản hơn rất nhiều: Nếu giọng điệu của vị bác sỹ nào được cho là có vẻ độc đoán, ông ta sẽ có chiều hướng bị xếp vào nhóm đã từng bị kiện. Ngược lại nếu giọng điệu bộc lộ ít sự độc đoán, mà thể hiện sự lo lắng, quan tâm thì ông ta được xếp vào nhóm không bị kiện. Liệu trong trường hợp này còn có lát cắt nào mỏng hơn không? Hành vi sơ suất của các bác sỹ thoạt đầu nghe ra có vẻ là một trong những vấn đề phức tạp, đa chiều nhiều khía cạnh. Nhưng rút cuộc thì nó chỉ là vấn đề có các chi tiết cụ thể, mà chi tiết cụ thể nhất được truyền đạt qua giọng điệu, trong đó giọng điệu tồi tệ nhất mà các bác sỹ thể hiện là sự độc đoán. Liệu Ambady có cần phải xem xét

toàn bộ câu chuyện của các bác sỹ và bệnh nhân để tìm ra giọng điệu đó không? Câu trả lời là không cần, bởi vì một cuộc hội chẩn cũng có nhiều đặc điểm giống với cuộc tranh luận của các cặp vợ chồng trong thí nghiệm của Gottman hay ký túc xá của các sinh viên. Đây là một trong những tình huống mà chữ ký đã dần hiện lên sắc nét và rõ ràng.

Lần tới, khi bạn gặp một bác sỹ, ngồi trong phòng khám và nghe ông ta nói, nếu có cảm giác rằng ông ta không chú ý đến bạn, lên giọng kẻ cả, hoặc tỏ thái độ không tôn trọng bạn, hãy chú ý tới những cảm giác đó. Tức là bạn đã áp dụng phương pháp chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng để phán xét ông ta và bạn sẽ dự đoán được rằng ông ta thiếu những đức tính nào.

Sức mạnh của cái liếc nhanh

Phương pháp chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng chẳng phải là khả năng siêu nhiên gì quá đỗi lạ lẫm. Nó là phần chủ yếu tạo nên phần “người” trong hai chữ “con người”. Chúng ta áp dụng phương pháp này ở mọi nơi: khi gặp ai đó lần đầu tiên, khi phải linh cảm tức thì về sự vật hay khi đối diện với một tình huống lạ lẫm. Chúng ta áp dụng nó bởi vì con người cần phải trông cậy vào khả năng này do có quá nhiều thế lực vô hình bên ngoài, có quá nhiều tình huống mà nếu chú ý cẩn trọng vào chi tiết của những lát cắt rất mỏng, chúng ta sẽ thu được những hiểu biết phi thường, thậm chí chỉ cần đến một, hai giây.

Chẳng hạn, thật kinh ngạc khi có bao nhiêu nghề nghiệp và môn học khác nhau có một từ diễn tả khả năng đặc biệt tin tưởng sâu sắc vào tầm quan trọng và ý nghĩa của những lát cắt kinh nghiệm mỏng nhất. Trong môn bóng rổ, vận động viên nào có thể hiểu và nhận thức được tất cả mọi tình huống xảy ra xung quanh mình được cho là người có “óc phán đoán của một quan tòa”. Trong quân đội, những vị tướng tài ba được đồn là sở hữu một “coup–d’oeil” – dịch từ tiếng Pháp có nghĩa là “khả năng liếc nhanh”: năng lực quan sát và nắm bắt tình hình trên chiến trường một cách nhanh chóng. Bản thân Napoleon sở hữu một “coup–d’oeil”. Patton cũng vậy. Nhà điểu học David Sibley kể lại rằng tại mũi Cape May ở New Jersey, có lần từ khoảng cách hai trăm thước ông đã phát hiện thấy một con chim đang bay và biết ngay rằng đó là con bồ câu áo dài, giống chim nhỏ quí hiếm sống ở nơi có cát ướt gần các dòng sông. Trước đó ông chưa bao giờ nhìn thấy một con bồ câu áo dài đang bay nào cả, và lúc đó ông cũng không có đủ thì giờ để có thể xác minh một cách cẩn thận. Nhưng ông có khả năng nắm bắt được nhân tố mà những người quan sát nhận dạng chim gọi là “giss” – đây chính là cốt lõi của vấn đề – và chỉ như vậy thôi cũng đủ. (giss là một thuật ngữ dùng trong ngành điểu học. Sau thành công vang dội của cuốn sách Trong

chớp mắt thuật ngữ này đã được sử dụng rộng rãi).

Tất cả các kỹ năng để nhận dạng loài chim đều dựa trên ấn tượng chủ quan của người quan sát như – cách con chim chuyển động, dáng vẻ của con chim khi nó xuất hiện tức thời ở các góc độ khác nhau, khi quay đầu, khi bay hay khi nó ngó nghiêng xung quanh,” Sibley cho biết. “Tất cả những nhân tố này kết hợp lại để tạo ra một ấn tượng duy nhất về con chim và ấn tượng này thực sự không thể phát biểu và diễn tả bằng lời được. Khi bạn bất ngờ phát hiện thấy một con chim thì bạn không thể có đủ thời gian để phân tích tình huống và nói rằng bạn thấy nó như thế này hay thế kia nên nó phải là loài chim này mà không phải là loài chim khác. Điều đó hàm chứa nhiều yếu tố mang màu sắc bẩm sinh và bản năng hơn. Sau quá trình luyện tập lâu dài, khi bạn quan sát loài chim sẽ gây ra trong bộ não bạn một sự thay đổi nhỏ, đột ngột. Và từ một cái nhìn thoáng quá, bạn sẽ nhận ra được sự vật ở trước mắt bạn.”

Nhà sản xuất phim của Hollywood Brian Grazer, người đã làm ra những bộ phim ăn khách nhất trong suốt 20 năm qua, chính xác chỉ dùng một thứ ngôn ngữ để diễn tả về lần đầu tiên ông gặp nam diễn viên Tom Hanks. Đó là vào năm 1983. Bấy giờ Hanks hầu như vẫn còn là nhân vật được rất ít người biết đến. Tất cả những gì anh ấy làm được là xuất hiện trong chương trình truyền hình mà ngày nay chẳng ai còn nhớ đến nữa có tên là Bosom Buddies. Grazer nói: “Anh ấy bước vào và đọc kịch bản phim Splash, ngay lúc đó, tôi có thể nói với các bạn là tôi đã mường tượng ra điều gì.” Trong khoảnh khắc đầu tiên ấy, Grazer đã nhận thấy Hanks là một con người đặc biệt. “Chúng tôi đã tuyển chọn hàng trăm người cho vai diễn trong bộ phim đó và những người khác đều khôi hài hơn nhưng họ không đáng mến bằng Hanks. Tôi cảm thấy như thể mình có thể sống trong con người Hanks, và các vấn đề của anh ta đều liên quan đến tôi. Bạn biết đấy, để làm cho người khác cười thì bạn phải là người thú vị và để là người thú vị thì bạn phải làm những việc tầm thường. Hài kịch phải bắt nguồn từ sự giận dữ, và sự thú vị cũng vậy, như thế mới không có cái mâu thuẫn. Nhưng anh ta rất có thể là một kẻ hèn hạ, bủn xỉn và bạn đã tha thứ, bạn cần phải sẵn sàng tha thứ cho bất kỳ ai khác, bởi vì suy cho cùng bạn cần phải hiểu được điều anh ta đang nói, thậm chí là sau khi anh ta vừa bỏ rơi cô bạn gái hoặc anh ta có những chọn lựa không hợp ý bạn. Tất cả những điều này không thể phát ra thành lời cùng một lúc. Đó là một kết luận mang tính trực giác mà chỉ sau về này tôi mới vỡ lẽ ra được.”

Theo tôi suy đoán thì nhiều người trong số các bạn đều có chung một ấn tượng về Tom Hanks. Nếu tôi hỏi các bạn Hanks là người thế nào, các bạn sẽ trả lời rằng anh ấy là người đứng đắn, đáng tin cậy, nhạy cảm, hài hước và có óc thực tế. Nhưng các bạn chẳng biết gì về Hanks cả. Các bạn không phải là bạn bè của Hanks. Các bạn chỉ nhìn thấy anh ấy trên phim ảnh trong đủ các típ nhân vật khác nhau. Tuy nhiên, từ những

lát cắt mỏng của kinh nghiệm này, bạn đã thành công khi rút ra được điều gì đó thật có ý nghĩa về anh ấy, và ấn tượng đó đã tác động sâu sắc tới cái cách mà bạn trải nghiệm các bộ phim của Tom Hanks. “Mọi người nói rằng họ không thể hình dung được Tom Hanks lại có thể vào vai một nhà du hành vũ trụ,”. Grazer nói về quyết định mời Hanks thử vai trong bộ phim ăn khách Apollo 13. “Tôi không biết Tom Hanks có thể là một nhà du hành vũ trụ được hay không nhưng tôi đã nhận ra khả năng này vì đây là bộ phim nói về một con tàu vũ trụ trong tình trạng nguy kịch. Và ai là người mà cả thế giới chờ đợi quay trở về nhất? Ai là người mà cả nước Mỹ muốn cứu sống? Câu trả lời là Tom Hanks. Chúng ta không muốn nhìn thấy anh ấy chết. Chúng ta quá yêu mến anh ấy.”

Nếu chúng ta không thể chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng – nếu bạn thực sự phải mất hàng tháng trời để làm quen với một ai đó mới có thể khám phá ra bản chất con người họ – thì Apollo 13 có thể đã bị mất đi kịch tính của nó và Splash sẽ không còn tiếng cười nữa. Và nếu chúng ta không nhận biết được những tình huống phức tạp trong giây lát, thì hẳn là môn bóng rổ sẽ bị xáo trộn, những người nhận dạng chim sẽ không thể thực hiện công việc của mình. Cách đây không lâu, một nhóm các nhà tâm lý học đã tiến hành làm lại thí nghiệm dự đoán việc ly hôn mà trước đó tôi đã thực hiện rất tồi. Họ đã lấy một số cuốn băng ghi hình những cặp vợ chồng của Gottman và đưa chúng cho những người không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này xem – Chỉ trong đợt thử nghiệm này, những người tham gia thí nghiệm mới nhận được một ít sự trợ giúp. Đó là một danh sách các trạng thái cảm xúc mà họ phải phát hiện ra khi theo dõi cuộn băng. Người ta chia cuộn băng thành những đoạn phim nhỏ, mỗi đoạn kéo dài 30 giây và cho phép mọi người xem trong 2 lần, một lần tập trung vào người chồng, và một lần tập trung vào người vợ. Và điều gì đã xảy ra? Những người quan sát đã dự đoán chính xác hơn 80% những gì xảy đến với các cặp vợ chồng.

Không tốt bằng Gottman nhưng kết quả này cũng khá ấn tượng – mà cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Vì chúng ta đã quá rành về phương pháp chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng rồi.

Chú thích:

1. Yarmulke: loại khăn để phủ đầu, nhỏ, dạng vành tròn của người Do Thái, thường được sử dụng trong các nghi thức tôn giáo.