Trò Chuyện Với Nhà Vật Lý Thiên Văn Trịnh Xuân Thuận

Phần 7

Ông đã sống với niềm vui đó như thế nào? Làm thế nào có thể giải thích được sự tồn tại của niềm vui ấy? Người ta có thể nói: xét cho cùng, thì chẳng qua là tìm ra lời giải cho một bài toán, chấm hết, chứ có gì ghê gớm đâu. Tuy nhiên, đúng là có một loại niềm vui dường như đạt tới cỡ siêu hình đó.

Niềm vui của sự phát minh, trước hết đó là cảm giác vô cùng nhẹ nhõm vì cuối cùng mình đã đạt tới mục đích, sau khi đã sống với bài toán một thời gian không xác định được. Đó là sự thỏa mãn to lớn về một công việc đã hoàn tất. Đó cũng là niềm kiêu hãnh lớn lao vì mình đã vén lên được một góc nhỏ bé của bức màn bí mật và là người đầu tiên hiểu được một khía cạnh nào đó của Vũ trụ mà trước đó chưa ai biết. Theo quan niệm này thì nhà khoa học có một vị trí đặc ân: hơn ai hết, anh ta biết đặt ra những câu hỏi đúng và biết trả lời cho những câu hỏi đó. Nhờ cái nhìn đặc biệt của mình, mà nhà khoa học có thể đánh giá tốt hơn sự xếp đặt kỳ diệu của Vũ trụ.

Ông có những “cây đàn muôn điệu” để thoát khỏi cảnh sống khổ hạnh của một nhà khoa học?

Tất nhiên. Cuộc sống sẽ quá là đơn điệu nếu đời tôi chỉ có thiên văn học. Và như tôi đã từng nói với ông, trong nghiên cứu khoa học có những thời điểm bế tắc, rơi vào ngõ cụt. Khi đó tốt nhất là bỏ bài toán đấy trong một thời gian, đắm mình trong một hoạt động hoàn toàn khác, rồi sẽ quay lại với nó sau, với một trí óc đã hoàn toàn được nghỉ ngơi. Thực ra, trong khi đó, tiềm thức vẫn hoạt động và lời giải tự nó sẽ xuất hiện.

Tôi rất thích đọc sách. Tôi đọc lướt các báo hàng ngày và tạp chí để nắm bắt tin tức thời sự về chính trị, nghệ thuật và văn học. Thực ra, toàn bộ hoạt động sáng tạo của con người tôi đều quan tâm. Tôi hết sức khâm phục tiểu thuyết của các nhà văn Mỹ La tinh như Gabriel Garcia Marquez hay Mario Vargas Llosa với bầu không khí đầy tính huyền thoại và siêu thực; hay đối với các tác giả Đông Âu như Milan Kudera, với cái nhìn ranh mãnh và mỉa mai về thân phận con người. Nhưng cái mà tôi thích đọc hơn, đó là các tiểu luận về khoa học để tôi nắm bắt được kịp thời sự phát triển của tư tưởng trong các lĩnh vực khác như sinh học (nhất là những thứ liên quan tới bộ não và trí tuệ nhân tạo), tâm lý học, y học hoặc vật lý.

Âm nhạc cũng mang lại cho tôi nhiều khoái cảm. Với những phát minh công nghệ tuyệt vời như đĩa compact, ta thực sự có cảm giác như cả một dàn nhạc ở trong phòng khách nhà bạn. Tôi đọc và viết thường xuyên trong tiếng nhạc của Mozart, Bach hay Beethoven. Và thi thoảng để thư giãn, tôi cũng rất thích thú nghe âm nhạc của những năm 60.

Ngoài ra, còn có tất cả các nghệ thuật thị giác. Nghệ thuật tạo hình, điện ảnh, sân khấu đã mang tới cho tôi những cảm xúc khác, cần thiết để làm thăng bằng cuộc sống vốn quá tập trung tâm trí của nhà khoa học. Đây cũng là những cách khác để tìm hiểu thế giới, chúng cũng làm cho thế giới giàu có thêm chẳng kém gì khoa học. Hội họa ấn tượng chủ nghĩa làm say lòng tôi bởi ánh sáng được dùng để đùa giỡn với hiện thực. Các bộ phim như Amdeus, trong đó những khoái cảm về thị giác và thính giác kết hợp với những khoái cảm tinh thần, trong đó ta có thể nhận thấy thiên tài âm nhạc ở trạng thái thuần khiết nhất, xứng đáng với cái tên “nghệ thuật thứ bảy” mà người ta dành cho điện ảnh. Còn kinh nghiệm sân khấu lớn nhất đối với tôi chắc chắn là vở Mahabharata của Peter Brook, đó là bản anh hùng ca hoành tráng của thần thoại Ấn Độ, tác phẩm đã thành công đưa lên sân khấu một cách thanh nhã và thơ mộng toàn bộ thân phận con người: sinh ra, sống và chết, chiến tranh và hòa bình, niềm vui và nỗi buồn, lòng cao thượng và sự ganh ghét.

Nhưng tôi không nghĩ rằng tôi chỉ có những niềm vui tinh thần. Tôi rất mê chơi tennis và thường xuyên có những cuộc đi bộ tuyệt vời trong dãy núi Appalaches, ở gần nơi tôi ở là thành phố đại học Charklottesville, bang Virginia. Thiên nhiên ở Hoa Kỳ quả thật là rất đẹp, người ta có thể phát hiện ra ở đó những ấn tượng tuyệt vời về không gian mà người ta hiếm thấy ở châu Âu quá chật chội.

Ngoài ra, tôi còn thích ăn ngon. Kỷ niệm đẹp nhất của tôi về ẩm thực là ở Point à Vienne.

Bây giờ chúng ta chuyển sang một chủ đề khác. Ông đã lớn lên ở Việt Nam và trong nền văn hóa Phật giáo. Nền văn hóa đó, khi ông còn trẻ, đối với ông, nó là một loại chủ nghĩa nhân văn hay còn là một cái gì khác, xa hơn? Khi tới Việt Nam, tôi đã đi thăm khá nhiều chùa chiền, ở đó có một đời sống tôn giáo khá là sôi nổi.

Tôn giáo chiếm ưu thế ở Việt Nam là Phật giáo, nhưng nó tồn tại song song cùng với đạo Khổng, đạo Lão được nhập vào từ Trung Hoa trong thời gian Bắc thuộc, cũng như cùng với phong tục cúng giỗ tổ tiên. Thiên Chúa Giáo cũng đã hiện diện ở đây. Những nhà truyền giáo người Pháp đã đưa tôn giáo này vào Việt Nam. Cứ 100 người Việt Nam thì có 9 người theo đạo Thiên Chúa. Tôi còn nhớ rõ ngôi nhà thờ rất đẹp ở trung tâm Sài Gòn và luôn luôn chật ních người vào dịp Noel. Nhưng phần lớn người Việt Nam có một đời sống tôn giáo rất sôi nổi. Hồi còn bé, vào những ngày chủ nhật, tôi thường đi chùa với mẹ tôi. Tôi còn nhớ những ngày lễ lớn của đạo Phật, như ngày Phật Đản (mồng 8 tháng tư âm lịch - ND), Tết hay năm mới của Việt Nam (không phải là ngày 1 tháng 1 dương lịch mà vào khoảng cuối tháng 1 hoặc tháng 2, vì nó dựa trên lịch tính theo Mặt Trăng chứ không phải Mặt Trời). Đây là một dịp trọng đại để đi cầu Phật sức khỏe, hạnh phúc và sự thịnh vượng trong năm mới.

Đúng, Tết là một ngày hội lớn của Việt Nam, một ngày hội rất vui.

Thực tế, trong nền văn hóa của chúng tôi, Tết có tầm quan trọng và ý nghĩa như Năm Mới ở Phương Tây. Mỗi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình, nhà cửa được sửa sang quét dọn đẹp đẽ và trang hoàng những bông hoa đẹp nhất. Người ta chúc nhau hạnh phúc và thịnh vượng. Ngày Tết là ngày thật đặc biệt đối với trẻ em: chúng có thể đốt pháo, nhận tiền lì xì trong những chiếc phong bao hồng, có nghĩa là sẽ gặp nhiều may mắn trong năm ấy.

Đối với một em bé Việt Nam thì hành trình tôn giáo của nó là như thế nào?

Trong Thiên Chúa Giáo, có lễ rửa tội (baptême), sau đó tới lễ thông công (communion) rồi đến lễ kiên tín (confirmation). Liệu trong Đạo Phật có một nghi lễ tương tự như vậy hay không? Có một sự gia nhập tôn giáo được tiến hành một cách trang trọng ở thời điểm đứa bé vừa mới ra đời không?

Theo tôi biết, trong Đạo Phật chỉ có một lễ khởi đầu duy nhất có tên là lễ “quy y”. Sự thụ lễ này diễn ra ở Chùa tạo đó tín đồ được nhận tên nhà Phật và cam kết một cách long trọng là mình sẽ theo các giáo huấn của nhà Phật: nghĩa là sẽ lấy Phật, kinh pháp của nhà Phật và trật tự tăng ni (có tên chung là Tam Bảo: Phật, Pháp Tăng) như là sự “quy). Lễ “quy y” này có thể được tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào của đời người, nhưng thường là vào tuổi trưởng thành, khi mà tín đồ đã cảm thấy sẵn sàng về mặt tinh thần. Một số bậc cha mẹ cũng đã dẫn con cái tới Chùa để “quy y” với hy vọng chúng sẽ được Đức Phật che chở suốt đời. Tuy nhiên, theo ý tôi, sự quy y ở tuổi còn quá trẻ là hoàn toàn không trung thành với ý nghĩa sâu xa của nghi lễ này: đứa bé còn chưa đủ trưởng thành để ý thức được đầy đủ những cam kết tinh thần của mình.

Điều này có nghĩa là, không nên nghĩ rằng để trở thành một phật tử, nhất thiết phải thụ lễ quy y. Ở Việt Nam chỉ có một số người thụ lễ này. Chính bản thân tôi cũng không thụ lễ đó.

Nói tóm lại là ông gắn bó với một tín ngưỡng hơn là một tôn giáo?

Đúng, đối với tôi, là phật tử có nghĩa là tự do đi theo một triết học về cuộc sống: đó là sự lựa chọn, hoàn toàn tự nguyện, sống theo một số nguyên tắc nhất định.

Đức Phật không phải là Đức Chúa. Ngài là người trần thế bình thường, như ông và tôi đây. Sinh ra ở Ấn Độ, trong một gia đình hoàng tộc, Ngài đã vứt bỏ tất cả để ra đi suy ngẫm về những nguyên nhân gây ra sự khổ đau của con người và làm thế nào thoát khỏi những khổ đau đó. Đó là một nhà triết học đã đắc Đạo. Với tư cách là một phật tử, tôi không phải đi theo một đấng thánh thần siêu đẳng nào mà là đi theo tư tưởng của một nhà thông thái sáng suốt.

Theo thời gian, các môn đệ của Đức Phật đã hệ thống hóa những lời răn dạy của người thành một tôn giáo, nhưng theo tôi, khía cạnh tôn giáo và lễ nghi của đạo Phật đúng hơn chỉ là một sự cải biên tư tưởng ban đầu của Đức Phật. Trong mọi trường hợp, ngay cả khi đã được hệ thống hóa, đạo Phật có rất ít những ràng buộc. Chính nhờ sự tự do rộng rãi như thế, tôi mới trở thành một phật tử mà không phải thường xuyên đi chùa. Tôi đã thấm đẫm triết học đó và sống theo nó.

Ông đã được nhận một nền giáo dục về Phật giáo qua mẹ ông hay một ai khác, một nhà sư của một ngôi chùa nào đó ở Sài Gòn, chẳng hạn?

Thuở ấu thơ, tất cả những lời răn dạy của Đức Phật mà tôi nhận được là do mẹ tôi. Bà vừa là một người có tín ngưỡng vừa là người rất chăm đi lễ. Bà thường dẫn tôi đi các chùa và nói cho tôi biết những lời răn dạy của Đức Phật. Ở nhà, mẹ tôi có một phòng dành riêng để thờ Phật. Tối nào mẹ tôi cũng tụng kinh ở đó và tôi cũng rất thích cùng đọc với bà, ngay cả khi tôi hoàn toàn chẳng hiểu gì. Việc đọc kinh thành tiếng đối với tôi như một loại thiền, nó cho phép xua đuổi những ý nghĩ linh tinh ra khỏi đầu óc. Vậy là nhờ mẹ tôi, tôi đã sống qua khía cạnh nghi lễ của Đạo Phật. Về khía cạnh triết học của nó, sau này, khi đã lớn, tôi học theo sách vở.

Theo ông thì tư tưởng nào có thể thâu tóm tốt nhất tinh hoa của đạo Phật?

Theo tôi thì đó là luật karma (nghiệp): chúng ta luôn gặt hái được cái mà chúng ta đã gieo. Cái đã làm ở những kiếp trước, bất kể tốt hay xấu, đều không bao giờ mất đi cả. Chẳng hạn, cuộc sống của chúng ta hiện nay là kết quả trực tiếp của những hành động, cả tốt lẫn xấu, của chúng ta trong suốt tất cả các kiếp trước. Khái niệm nghiệp chướng đem lại cho sự tồn tại của cái ác và của những khổ đau của trần gian một ý nghĩa. Những khổ đau này được nảy sinh bởi một nghiệp chướng xấu. Nhưng hy vọng vẫn còn: một khi những món nợ đã trả xong, mỗi người đều có thể với tới hạnh phúc. Về mặt triết học, tôi thấy rất hay là người ta luôn luôn phải gánh lấy hậu quả của những hành động của mình. Điều này gợi cho tôi tới chủ nghĩa hiện sinh của Jean Paul Satre!

Ông nghĩ thế nào về hiện tượng thác sinh (đầu thai) ở các kiếp sau?

Chuyện này thực sự là nằm ngoài khoa học và hoàn toàn là siêu hình. Người sẽ trả lời không phải là nhà khoa học, mà là người, thật không may, cũng lại không phải là người giải thích Đạo Phật.

Trước hết, tôi cần phải nói ngay rằng tôi thích thuật ngữ “tái sinh” hơn là từ “thác sinh”. Thuật ngữ thứ hai ngụ ý rằng người ta không tránh khỏi sẽ trở về dưới một cái vỏ xác thịt, nhưng thực tế không phải như vậy. Đạo Phật nói về sáu thế giới khác nhau trong đó “hồn” có thể quay về được, đó là các thế giới của quỷ, của ma đói, của thú vật, của con người, của những người khổng lồ và của các thần. Chỉ có động vật và người là có vỏ xác thịt.

Nhưng để trả lời cho câu hỏi của ông, ý tưởng về vòng luân hồi thực sự là rất hấp dẫn đối với tôi. Đạo Phật dựa trên ý tưởng về sự tiến hóa của linh hồn. Con người không thể thực hiện được đến cùng cuộc tìm kiếm hồn của mình chỉ trong một lần tồn tại duy nhất. Nó cần được một hoặc nhiều cơ may khác để đạt được tới mục đích. Để cho phép con người ý thức được bản chất thần thánh của mình và giải phóng mình khỏi cái bề ngoài vật chất, để hồn thoát khỏi bánh xe địa ngục của những ham muốn và đau khổ và để đạt tới niết bàn (nivrana), nó cần phải được tái sinh với số lần tùy theo mức độ cần thiết. Do vậy, nguyên lý tái sinh không phải là sự phục sinh lại cơ thể (giống như sự phục sinh của Chúa Giêsu) là sự chuyển ý thức từ một thế giới này sang một thế giới khác.

Chính đạo Phật đã nói rằng, có một hệ thống thứ bậc trong các thế giới. Nếu người ta ăn ở xấu trong cuộc sống hiện thời thì có thể sẽ thoái lui xuống thế giới thấp kém hơn của loài động vật và sẽ tái sinh, chẳng hạn, thành con rắn hay con sâu con bọ. Trái lại, nếu người ta ăn ở tốt, người ta có thể đầu thai lại thế giới con người, trong một môi trường thuận lợi hơn, thích hợp hơn với sự thăng tiến của linh hồn. Sự thăng tiến hay thoái lui chỉ phụ thuộc vào bản thân mình.

Đối với ông, niết bàn biểu hiện cái gì?

Trước hết, cần phải hiểu rằng niết bàn không phải là một địa điểm mà là một trạng thái của ý thức. Đạt tới niết bàn, tức là thực hiện được Chân lý, là diệt được hoàn toàn những ham muốn và thù hận, những ràng buộc với thế giới vật chất. Đó là sự giải phóng khỏi mọi khổ đau, là bình yên và thanh thản mãi mãi. Đức Phật nói về “sắc sắc không không”: “Kẻ nào rũ bỏ được sự ham sống đáng thương sẽ thấy mọi khổ đau rơi khỏi mình như những giọt nước rơi từ đóa hoa sen”. Đó cũng là phó mặc mãi mãi cho vòng luân hồi.

Cần phải nói chính xác thêm rằng niết bàn cũng có thể đạt được trong chính cuộc đời này, trước khi chết. Nhưng điều đó đòi hỏi được sự chín mùi về tinh thần tới mức ít ai có thể đạt được trong một cuộc đời như Đức Phật đã làm được. Nhưng tất cả chúng ta đã từng biết có những khoảnh khắc hiếm hoi trong đó chúng ta cảm thấy mình hòa làm một với Vũ trụ và thoát khỏi mọi ham muốn ích kỷ, trong đó chúng chỉ cảm thấy bình yên và thanh thản. Những khoảnh khắc đặc ân đó mang lại cho chúng ta hương vị phảng phất của niết bàn.

Ông dường như ít nhất cũng đã tán đồng cái phần khắc kỷ của Đạo Phật, tức là một loại tự kiềm chế mình và những câu thú của bản thân mình?

Đức Phật đã dạy một loại văn hóa tinh thần có tên là “thiền”, nó nhằm gạt bỏ khỏi đầu óc những điều phiền muộn và nuôi dưỡng những phẩm chất như sự tập trung, sự chú ý và khả năng phân tích ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất. Ví dụ, theo lời dạy đó, nếu có sự phê phán làm cho tôi nổi giận, thì thay vì mất tự chủ, tốt nhất là tôi nên lắng nghe và phân tích một cách khách quan nguyên nhân sự nổi giận của tôi. Nếu điều mà người đối thoại với tôi nói là đúng, thì tôi nên cảm ơn ông ta vì đã chỉ cho tôi thấy chỗ mà tôi cần phải hoàn thiện thêm. Còn nếu điều người đó nói là sai thì lời gièm pha của anh ta đâu có liên quan gì tới tôi. Vậy thì tại sao lại phải tức giận? Trong hai trường hợp đó, sự phân tích cơn giận của tôi đã làm cho nó nguôi đi. Vì vậy nói Đạo Phật giúp ta kiềm chế mình và những câu thúc của mình là theo nghĩa đó. Do đó, tôi không dùng từ “khắc kỷ” gợi cho tôi ý niệm về sự khổ hạnh, trong khi đó văn hóa tinh thần của Đạo Phật mà tôi mô tả trên lại mang đến cho con người sự bình yên, thanh thản và hạnh phúc.

Tôi cũng nghĩ rằng sự tự kiềm chế mình không chỉ có ở Đạo Phật, mà có ở cả Đạo Khổng mà nền văn hóa Việt Nam đã thấm đẫm. Cũng hoàn toàn như Đức Phật, Khổng Tử - một triết gia Trung Hoa sống vào khoảng năm 500 trước Công nguyên - đã nói về “Đạo trung dung”, một triết lý lên án mọi hình thức thái quá trong suy nghĩ, nói năng và hành động. Bộc lộ sự giận dữ của mình, đó là hành động của kẻ tiểu nhân - Ngài nói. Ngài cũng đã để lại những quy tắc hành xử được soạn thảo công phu, đề cập tới các mối quan hệ trong gia đình, vua tôi. Những quy tắc này đã có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Trung Hoa và thẩm thấu đến cả xã hội Việt Nam.

Song song với Phật Giáo, sự thờ cúng tổ tiên cũng đóng một vai trò rất quan trọng ở Việt Nam. Ông có thể giải thích vì sao không?

Việc thờ cúng tổ tiên dựa trên những tín ngưỡng có nguồn gốc khác với Phật Giáo. Mọi người công dân Việt Nam đều theo tục lệ này, bất kể tôn giáo của họ. Những người theo đạo Thiên chúa cũng thế. Tục lệ thờ cúng này dựa trên quan niệm cho rằng chết chưa phải là chấm hết tất cả, rằng chết chỉ liên quan tới cái vỏ xác thịt thôi chứ linh hồn tổ tiên thì vẫn còn mãi. Và để cho linh hồn của cha hay ông (nói chung, việc thờ cúng ông bà thường chỉ đến hai đời trước) được yên nghỉ, thì con trai trưởng hoặc cháu đích tôn phải có một bàn thờ ở nhà mình để thờ cúng tổ tiên. Đến ngày giỗ, toàn thể gia đình tụ tập để tưởng nhớ. Người ta làm những món ăn ngon nhất đặt lên bàn thờ để các cụ thưởng thức một cách tượng trưng, rồi sau đó mọi người hạ xuống cùng ăn. Do đó, những ngày giỗ là dịp để đoàn tụ gia đình kèm theo cỗ bàn, cúng bái.

Trên thực tế, việc thờ cúng tổ tiên nhấn mạnh tính liên tục của các thế hệ (đứa cháu đích tôn thờ cúng ông bà sẽ đến ngày lại được con trai hoặc cháu đích tôn của mình thờ cúng) và nhấn mạnh gia đình - cái trụ cột của xã hội Trung Hoa và Việt Nam.

Rõ ràng là, tục thờ cúng tổ tiên dựa trên những tín ngưỡng không phù hợp với kinh sách của Đạo Phật. Những kinh sách này nói rằng linh hồn có thể tái sinh dưới một dạng khác sau một khoảng thời gian tối đa là 49 ngày. Tới ngày thứ 49, một lễ cúng tổ chức tại chùa để cầu nguyện cho linh hồn người chết được sang một kiếp mới. Trong khi đó, tục thờ cúng tổ tiên lại cho rằng linh hồn người chết còn hiện hữu mãi mãi. Các phật tử Việt Nam làm thế nào có thể dung hòa được hai quan điểm rất khác nhau đó? Chẳng làm gì hết và điều đó chẳng hề đặt ra cho họ vấn đề siêu hình nào. Có thể điều này là khó hiểu đối với đầu óc của người Phương Tây vốn đã quen với tinh thần duy lý của Đềcác, nhưng đối với người Phương Đông, sự kề cận nhau của hai tín ngưỡng dường như mâu thuẫn nhau cũng chẳng có phiền hà gì.

Ông có ý kiến như thế nào về loại khó khăn, một sự vỡ mộng mà ai cũng cảm thấy rất rõ giữa cái ta muốn làm và cái ta có thể làm được. Liệu đó có phải là những khó khăn do tiền kiếp của mình không?

Trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi, tôi vô cùng may mắn là chưa bao giờ cảm thấy vỡ mộng đó. Tôi được làm cái mà tôi muốn và tôi thích: đó là khoa học vật lý thiên văn.

Điều đó có nghĩa là trong đời sống tôi cũng có những khó khăn như những người khác. Mặc dù với tư cách là một phật tử tôi tán đồng ý tưởng về karma (nghiệp), nhưng không phải lúc nào tôi cũng nhắc nhủ mình rằng tất cả những khó khăn mà tôi gặp phải đều là hậu quả không thể tránh khỏi của những kiếp trước mà tôi phải bó tay không làm gì được. Trái lại, những trở ngại lại càng kích thích và đòi hỏi tôi phải vượt lên cống hiến hết sức mình. Cái nhìn của tôi thường hướng tới hiện tại và tương lai hơn là quá khứ.

Tôi muốn quay trở lại vấn đề thuật ngữ: khi ông nói về Thượng đế, ông muốn gửi gắm điều gì sau từ đó?

Tôi không nói thượng đế theo nghĩa tôn giáo mà theo nghĩa một nguyên lý sáng tạo, nguyên lý sắp xếp và điều chỉnh Vũ trụ chúng ta đồng thời tạo ra sự thống nhất, vẻ đẹp và sự hài hòa của thế giới mà tôi cảm nhận được thông qua công việc thiên văn của tôi. Tôi không hề gắn bó với thuật ngữ đó Đức Phật hay Chúa Giêsu hay một nhân vật tôn giáo nào khác.

Đối với người theo đạo Thiên chúa, cuộc sống trên Trái đất chỉ là đoạn đường tiến tới Chúa mà người ta ngưỡng vọng. Đó chỉ là một giai đoạn quá độ, bước chuyển qua cái chết chẳng qua chỉ là thực hiện sự đối diện với Người. Toàn bộ cuộc đời được định hướng tới thời điểm đó; tất nhiên cuộc sống với ý nghĩa là một đòi hỏi tương ứng với Phúc âm, tức là tất cả không được cho ngay lúc đầu cuộc chơi, mà có một đòi hỏi cực kỳ mạnh mẽ. Nhưng hy vọng tối hậu là được nhìn thấy Người một cách đích thực và ở thời điểm đó người ta sẽ được hưởng một niềm vui hoàn hảo. Tôi không biết liệu ông có thấy điều đó có chút gì tương tự như đoạn đường cuối cùng của một Phật tử sau rất nhiều lần đầu thai và sửa mình liên tiếp hay không?

Cần phải hiểu rằng Đạo Phật không hề nói về một thượng đế cá nhân. Việc gặp gỡ với thần thánh không được thể hiện bằng sự đối diện với cá nhân Thượng đế mà bởi một trạng thái giác ngộ sau khi đã thoát khỏi vòng luân hồi và đạt tới niết bàn. Ở thời điểm đó con người đã gạt bỏ hết mọi ràng buộc với vật chất. Nó mất hết cá tính và hòa làm “một” với ý thức vũ trụ (phổ quát) và do đó tìm lại được bản thể thần thánh của mình.

Ngoài khía cạnh triết học đó, cũng còn có khía cạnh “tôn giáo” của đạo Phật: Đức Phật đã được thần thánh hóa và hình ảnh của Ngài dưới dạng các bức tượng hoặc tranh vẽ trong các chùa chiền là đối tượng để thờ phụng. Nhưng, như tôi đã nói, đối với tôi, khía cạnh tôn giáo đó đúng hơn chỉ là sự cải biên của Đạo Phật nguyên gốc: Đức Phật chưa bao giờ gán cho mình bản thể thần thánh cả.

Có một sự tác động qua lại giữa triết học Phật giáo của ông và công việc khoa học của ông không? Chúng ăn khớp với nhau như thế nào?

Khoa học khác với siêu hình học. Tôi có thể là một nhà thiên văn học rất tốt mà không bao giờ đặt ra loại câu hỏi như ông vừa nêu. Chuyện đặt ra một bài toán, đi tới Đài thiên văn, phát hiện ra các hiện tượng mới, rồi viết thành bài báo hoàn toàn không cần tới siêu hình học. Thực tế, rất nhiều đồng nghiệp của tôi là vô thần hoặc theo thuyết bất khả tri. Điều đó không hề ngăn trở họ hoàn thành tốt công việc của mình.

Tuy nhiên, rồi công việc của ông cũng sẽ dẫn tới chuyện phải đặt ra những vấn đề siêu hình học. Cuốn sách của ông rất có màu sắc tôn giáo. Cái hấp dẫn ở đó là cần phải đi vào lĩnh vực siêu hình học xuất phát từ lĩnh vực khoa học và ông đã mô tả điều đó rất tuyệt vời. Người ta đã bị cuốn hút hàng trang sách. Và sự cuốn hút đó chỉ có thể dẫn tới sự chiêm ngưỡng. Về một khía cạnh nào đó ông luôn luôn có một thái độ rất tôn giáo.

Điều này phụ thuộc vào ý nghĩa mà ông gán cho từ “tôn giáo”. Nếu bằng từ đó ông muốn nói tôi có “ý thức về một nguyên lý vũ trụ siêu việt” thì tôi sẽ đồng ý với ông. Điều đó có nghĩa là, khi tôi bắt đầu viết cuốn Giai điệu bí ẩn, mục đích của tôi chỉ là phổ biến vũ trụ học hiện đại và chưa nghĩ tới tất cả những bàn luận mang tính chất siêu hình. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi buộc phải tổ chức những kiến thức của tôi một cách nhất quán và diễn đạt chúng bằng một ngôn ngữ giản dị và trong sáng để cho ai cũng có thể đọc được. Theo mức độ tiến triển của công việc, một số câu hỏi không tránh khỏi được đặt ra, đòi hỏi phải trả lời. Lẽ ra tôi có thể bỏ qua và chịu sự áp đặt duy lý, cấm nói chuyện siêu hình khi anh là một nhà khoa học. Nhưng tôi thấy thái độ như vậy là hơi hèn nhát. Vả lại, chính tôi cũng tò mò về câu trả lời mà mình sẽ cho. Và cuối cùng, như ông đã biết, tôi đã đánh cược cho Nguyên lý Sáng tạo. Tôi đã làm như vậy với tư cách là một con người chứ không với tư cách là nhà khoa học. Khoa học sẽ không bao giờ chứng minh được có sự tồn tại Thượng đế hay không.

Khi nghe ông, tôi có cảm giác rằng cái tình cảm tôn giáo đã từng có ở ông thuở ấu thơ nay lại thức dậy khi ông viết cuốn sách đó. Liệu tôi có nhầm không?

Tôi chọn trở thành nhà thiên văn không phải để nghiên cứu về Chúa hay để chứng minh sự tồn tại của Nguyên lý Sáng tạo. Tôi luôn luôn làm công việc khoa học của mình, được thôi thúc không phải bởi động lực lấy từ triết lý Phật giáo mà bởi niềm vui trí tuệ trong nghiên cứu thiên văn học. Trong công việc hàng ngày, tôi chưa bao giờ đặt ra những câu hỏi siêu hình. Đúng là chỉ khi viết cuốn sách, nó mới đánh thức nhu cầu phải đề cập tới những câu hỏi vượt quá khuôn khổ thông thường của khoa học: liệu vũ trụ có một ý nghĩa gì không? Chúng ta phải chăng hiện hữu là do ngẫu nhiên? Và sẽ là niềm an ủi to lớn khi thấy rằng có sự hội tụ giữa những cái mà tôi cảm thấy bằng trực giác, thông qua công việc của một nhà thiên văn có liên quan tới những vấn đề đó và triết học Phật giáo thuở ấu thơ của tôi. Nhưng tôi xin nhắc lại, tất cả những điều đó chỉ là tiềm thức trước khi tôi viết cuốn Giai điệu bí ẩn .

Ai là người đã cho ông ý tưởng viết cuốn sách đó?

Cuốn sách này ra đời do một sự quy tụ may mắn của hoàn cảnh. Tôi đã viết nhiều bài báo về vũ trụ học (Big Bang, sự tạo thành các thiên hà, v.v.) cho tạp chí La Recherche, một tạp chí phổ biến khoa học có chất lượng rất cao. Giám đốc văn học của tủ sách “Thời đại các khoa học” của nhà xuất bản Fayard đã đánh giá rất cao những bài báo đó. Ông đã liên lạc với tôi ở Mỹ, đề nghị tôi viết một cuốn sách điểm lại các lý thuyết về vũ trụ. Đề nghị của ông ta thật đúng lúc, vì tôi từ lâu đã có ý muốn phổ biến rộng rãi cho quảng đại quần chúng những phát minh kỳ diệu trong lĩnh vực vật lý thiên văn hiện đại. Tôi có hạnh phúc lớn là mỗi sáng thực dậy có thể đi làm việc và đem đầu óc sáng tạo của mình để tìm hiểu những vấn đề của Vũ trụ, và tôi muốn chia sẻ niềm hạnh phúc đó với những người khác, làm cho họ cảm thấy cái vẻ đẹp và sự hài hòa mà tôi đã cảm nhận được.

Thiên văn học là một nghề khá đơn độc. Khi tới Đài thiên văn, tôi chỉ đi một mình hoặc cùng với một sinh viên. Quan sát xong, tôi lại về trường đại học và việc phân tích, suy ngẫm chỉ làm một mình trong phòng làm việc. Sự đơn độc đó cũng có nhiều cái hay: khi tôi ở Đài thiên văn, tôi thực sự cảm thấy mình hòa nhập với Vũ trụ. Thiên văn học hiện còn là một trong số các lĩnh vực khoa học hiếm hoi, trong đó người ta còn có thể có một ý tưởng và một mình thực hiện nó mà không cần sự tham gia của một êkíp lớn. Tình hình sẽ rất khác, chẳng hạn với vật lý hạt cơ bản, trong đó mỗi thí nghiệm cần có sự tham gia của cả một êkíp tới hàng trăm nghiên cứu viên và khi đó người ta mất hết cá tính của mình. Dù sao thi thoảng tôi vẫn thấy nhớ sự tiếp xúc với con người. Mặt khác, cũng hơi thất vọng khi biết rằng một bài báo khoa học mà ta đã lao tâm khổ tứ hàng tháng, thậm chí hàng năm, chỉ được đọc bởi một nhúm các chuyên gia. Tôi nghĩ rằng một quyển sách phổ biến hay về thiên văn học có thể làm rung động một công chúng rộng lớn hơn và có thể, biết đâu đấy, còn tạo ra những chí hướng khoa học cho các độc giả trẻ tuổi.

Vài năm trước đó tôi có dạy một giáo trình cho sinh viên văn học của Đại học Virginia với tiêu đề” Thiên văn học cho các nhà thơ” và do đó tôi biết có sự tò mò rất lớn từ phía những người không theo nghiệp khoa học đối với những phát minh của vật lý thiên văn hiện đại như Big Bang hay lỗ đen. Ý tưởng viết một cuốn sách phổ biến khoa học đã từng thấp thoáng trong óc tôi từ nhiều năm trước, nhưng do bận nghiên cứu và giảng dậy nên không chủ động liên hệ với các nhà xuất bản. May thay, chính nhà xuất bản đã đến với tôi và tất cả đã được quyết định chỉ thông qua vài ba lá thư. Một điều kiện thuận lợi khác là trong năm tiếp sau khi ký hợp đồng, tôi được nghỉ dạy và sẽ tới Pháp. Vậy là tôi có hẳn một năm hoàn toàn không phải dạy, chỉ dành cho việc viết sách. Một điều thú vị là, mặc dù tôi là công dân Mỹ, nhưng tôi lại viết cuốn sách bằng tiếng Pháp: vì tôi ở Pháp và một nhà xuất bản Pháp đặt hàng tôi viết. Cuốn sách hiện đang được dịch ra tiếng Anh và sẽ được nhà xuất bản Oxford University Press ấn hành vào năm 1995. Cũng đã có một bản dịch sang tiếng Đức.

Khi nhìn nhận lại sự quy tụ của hoàn cảnh đã dẫn tôi tới viết cuốn Giai điệu bí ẩn, tôi tự nhủ rằng tất cả những điều đó có thể viết không phải là sản phẩm thuần túy của sự ngẫu nhiên.

Tương tự như ông đã thấy có một sự sắp xếp trong Vũ trụ, ông có nghĩ rằng cũng có một sự sắp xếp, một loại dẫn dắt số phận của một chúng ta không?

Đây lại là một câu hỏi nằm ngoài khuôn khổ của khoa học. Tôi chỉ có thể phát biểu ý kiến của cá nhân tôi: đúng, tôi nghĩ rằng có một sự tổ chức trên những nét đại thể của số phận con người, mà không hề mất ý chí tự do của nó. Càng đi sâu vào đời sống, tôi càng nhủ thầm với mình rằng có một sự kiện không thể đơn giản chỉ là kết quả của sự ngẫu nhiên. Một số chuyện trong đời tôi quá ư khác thường khiến tôi không hề ngạc nhiên trước “sự sắp xếp” của nó.

Chẳng hạn ông liên tưởng tới chuyện gì?

Tới một chuyện có liên quan đến cha tôi. Như tôi đã nói với ông, sau sự sụp đổ của chính quyền miền Nam vào năm 1975, cha tôi phải vào trại cải tạo giống như nhiều nhân vật quan trọng khác của chính quyền cũ.

Tôi nhận được những bức thư tuyệt vọng của mẹ tôi, nhưng chẳng làm gì được vì Hoa Kỳ và Việt Nam đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao. Chúng tôi thực sự rơi vào ngõ cụt và tình hình đã trở nên bi đát vì sức khỏe của cha tôi xấu đi mỗi ngày.

Rồi sau đó diễn ra một loạt các sự kiện khiến tôi không ngừng ngạc nhiên bởi sự sắp đặt gần như thần diệu:

Một đồng nghiệp người Pháp có mời tôi tới làm việc một tháng tại Viện Vật lý thiên văn Paris. Tôi ngay lập tức nhận lời và nghĩ rằng quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Pháp và Việt Nam có thể sẽ giúp nhiều cho tôi. Tôi ngay lập tức chạy vạy ở Tòa Đại sứ Việt Nam, nhưng không tính tới sức ỳ của một bộ máy quan liêu. Chẳng có gì chuyển biến cả, mà cha tôi thì có thể chết đến nơi!

Và rồi số phận đã cho tôi gặp một nữ đồng nghiệp đồng thời là một người bạn, người đã giới thiệu tôi với một nhà vật lý thiên văn ở Đài thiên văn Meudon. Bạn tôi biết ông ta rất thân với ngài Thủ tướng của Việt Nam. Nhà vật lý thiên văn đã tiếp tôi rất nồng hậu và đề nghị sẽ giúp tôi bằng cách viết thư cho bạn ông yêu cầu để cho cha mẹ và em gái tôi được qua Pháp. Sau đó, ông chuyển lá thư đó cho tôi và dặn tôi chuyển nó tận tay cho Thủ tướng. Ông giải thích cho tôi rằng ông rất quen Thủ tướng của Việt Nam vì ông đã lo chuyện trao đổi văn hóa và giáo dục giữa Pháp và Việt Nam trong nhiều năm. Chính ông là người đã mang dấu ấn rất sâu sắc về sự chiếm đóng của quân Đức trên đất Pháp trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nên ông đã cố gắng giúp đỡ Việt Nam, một đất nước bị tàn phá nặng nề trong hai cuộc chiến tranh liên tiếp.

Đúng vào thời gian, một bà cô của tôi lên đường về Hà Nội. Tôi trao cho bà phong thư không mang quá nhiều ảo tưởng, bởi vì những bức thư loại này hiếm khi đến được tay người nhận!

Trong nhiều tháng sau, tôi không hề nhận được hồi âm. Lúc đó tôi đã trở lại Virginia tiếp tục công việc giảng dạy và nghiên cứu. Nhưng một ngày đẹp trời tháng 3 năm 1979 (ngày vẫn còn khắc sâu trong ký ức của tôi), tôi đã nhận được bức điện của cha mẹ tôi báo tin theo lệnh của Thủ tướng, nhà chức trách Việt Nam vừa mới cấp cho họ visa sang Pháp. Thật là ký diệu! Số phận đã đặt trên con đường của tôi một người duy nhất có thể giúp đỡ tôi!

Cho tới tận phút cuối cùng của đời mình, cha tôi cùng với mẹ đã sống một cuộc sống thật giản dị và thanh thản ở Paris, không một lời oán thán về những gì họ đã mất. Tôi vô cùng khâm phục đạo lý của họ trước cuộc sống.

Tôi luôn nghĩ rằng những cuộc gặp gỡ là do sự xếp đặt của thần thánh, chứ không bao giờ là do ngẫu nhiên cả. Bây giờ tôi rất muốn biết quan niệm của ông về cái ác và những đau khổ của nhân loại. Ví dụ, về những đứa bé ngay trong tháng đầu ra đời đã mắc căn bệnh không thể cứu chữa nổi và chết? Ông có phản ứng như thế nào trước cảnh ngộ đó? Ông có cảm thấy bất công không? Ông có phẫn nộ không? Hay là ông cho rằng đó là điều tất yếu, không thể tránh được và cần phải chấp nhận nó như một loại định mệnh?

Tất nhiên, sự khốn khổ của nhân loại luôn khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi không thể thờ ơ khi biết rằng có những đứa bé vô tội phải chết đói hay vì bệnh AIDS. Sự đồng cảm là một trong số những đức tính căn bản của một phật tử.

Đúng là có luật về nghiệp chướng (karma), nhưng trước nỗi đau của một sinh linh mà dùng thuyết định mệnh để nói rằng người đó đã phải trả giá cho những kiếp trước của mình, thì theo tôi, đó không phải là con đường đúng đắn của Đạo Phật. Trái lại, cần phải bao bọc người đó trong tình yêu thương và giúp đỡ người đó đương đầu với nỗi đau khổ và cái chết trong sự bình thản. Sự bình thản trước nỗi đau khổ là một trong số những bài học quan trọng của Đức Phật.

Nếu như tôi hiểu đúng, thì theo luật nghiệp chướng, sự tồn tại của cái ác là một phương tiện để làm trong sạch con người trong các cuộc sống kế tiếp nhau của nó. Do vậy, cái ác là một trải nghiệm bắt buộc và cần thiết. Và có lẽ thần thánh đã tìm ra phương tiện đó để làm cho con người lớn lên. Đó có phải là quan niệm của ông về vấn đề cái ác hay không?

Trước hết, cần phải hiểu rằng lý thuyết nghiệp chướng không có liên quan gì với ý tưởng về công bằng đạo đức cả. Đạo Phật không có khái niệm về một Thượng đế, người phán xử và trừng phạt hoặc ban thưởng một cách thích đáng. Lý thuyết nghiệp chướng là một lý thuyết nhân quả: một hành động tốt sẽ kéo theo một hậu quả tốt và một hành động xấu sẽ dẫn tới một hậu quả xấu. Hành động không cần phải được phán xử, nó có lôgíc riêng của nó. Cái ác, nếu tồn tại, đã chứa đựng trong nó những mầm mống của sự tàn phá riêng của nó. Chuỗi những đau khổ kèm theo cái ác cho phép xóa đi hoặc làm giảm bớt một nghiệp (karma) xấu, mở ra con đường đạt tới một trạng thái ý thức cao hơn và tiến tới niết bàn. Theo nghĩa đó, ta có thể nói rằng cái ác là một trải nghiệm bắt buộc.

Bây giờ tôi muốn đối chiếu tư tưởng vũ trụ học hiện đại với tư tưởng Phật giáo. Trong Đạo Phật, với các vòng luân hồi, người ta có thể hình dung rằng cần phải có một thời gian vô bạn mới có thể làm cho tất cả mọi người được thanh khiết. Nhưng ông làm thế nào có thể dung hòa điều này với thực tế là, như ông đã nói, Mặt Trời rồi sẽ biến thành một sao lùn trắng và do đó sẽ chết và chúng ta nữa, một ngày nào đó cũng sẽ chết, trước cả Mặt Trời và toàn thể Vũ trụ.

Về mặt khoa học, ta còn chưa biết Vũ trụ có cuộc sống hữu hạn hay vô hạn. Tôi đã nói với ông rằng có hai số phận khả dĩ cho nó: một là, sự giãn nở hiện nay sẽ tiếp tục mãi mãi trong tương lai và trong trường hợp đó Vũ trụ sẽ sống vĩnh viễn; hai là, một ngày nào đó, Vũ trụ sẽ đạt tới một bán kính cực đại, rồi tự co lại thành một vụ co lớn (Big Crunch) và trong trường hợp đó cuộc sống của nó là hữu hạn. Số phận này được quyết định bởi tổng lượng vật chất chứa trong Vũ trụ mà người ta hiện còn chưa kiểm kê hết, bởi vì, như đã nói, 90 đến 98% vật chất của Vũ trụ là tối, không nhìn thấy được. Và chừng nào vấn đề vật chất tối còn chưa được giải quyết thì ta còn chưa thể biết cuộc sống của Vũ trụ là hữu hạn hay vô hạn.

Đúng thế, nhưng ngay cả trong trường hợp một vũ trụ giãn nở vĩnh viễn đi nữa, thì sự sống như chúng ta từng biết cũng sẽ buộc phải biến mất.

Đúng như vậy. Trong khoảng thời gian rất dài (khoảng 1000 tỷ năm nữa), các ngôi sao sẽ hết nguồn dự trữ hiđrô và sẽ ngừng phát sáng. Các thiên hà cũng sẽ tắt và khi đó bắt đầu một đêm trường tăm tối kéo dài vô tận. Sự sống như chúng ta đã từng biết được cấu tạo bằng xương bằng thịt, bằng các phân tử hữu cơ và các chuỗi xoắn kép AND sẽ không thể duy trì được nữa và thiếu năng lượng.

Vậy thì còn có khả năng tái sinh nữa hay không?

Khoa học còn chưa có câu trả lời cho vấn đề này. Tôi chỉ có thể mô tả cho ông số phận của Vũ trụ vật chất mà thôi. Nếu Vũ trụ giãn nở vĩnh viễn, các thiên hà và các ngôi sao sẽ tự co lại thành các lỗ đen, đến lượt mình các lỗ đen bay hơi để trở thành ánh sáng. Trong tương lai cực xa đó, Vũ trụ sẽ chỉ còn là một đại dương mênh mông của bức xạ và các hạt cơ bản (nơtron, proton và electron) đây đó cũng có một số hạt bụi cực nhỏ ( khối lượng chưa tới 20mg), nhưng chúng không thể tự co lại để trở thành lỗ đen. Do vậy, đại dương mênh mông nói ở trên ngày càng trở nên băng giá, nhiệt được tỏa ra từ đó ngày một ít hơn. Tất nhiên, trong Vũ trụ thiếu năng lượng đó, dạng sống như chúng ta không thể tồn tại. Nhưng biết đâu, có thể có những dạng sống khác lại tồn tại được. Nhà vật lý người Mỹ gốc Anh Freeman Dyson đã có một quan điểm rất lạc quan: sự sống không phụ thuộc vào vật liệu tạo nên cái khung của nó mà phụ thuộc vào độ phức tạp của việc xếp đặt các vật liệu đó. Ông ấy hình dung một đám mây các hạt bụi li ti hoặc một đám mây dày đặc các electron hoặc proton như một cái khung vật chất của sự sống.

Thế còn trường hợp Vũ trụ sẽ tự co lại?

Trong trường hợp xảy ra sự co lớn, các ngôi sao và thiên hà sẽ hợp nhất lại và Vũ trụ sẽ kết thúc cuộc đời của mình trong sự tăng đột ngột không thể tưởng tượng nổi của ánh sáng và nhiệt, được tắm trong món súp các quark, electron, nơtron và các phản-hạt của chung và rải rác có nhiều lỗ đen. Toàn bộ sự sống sẽ không thể tồn tại được trong cái lò lửa địa ngục đó. Vậy phải chăng Vũ trụ sẽ chết trong một mật độ và nhiệt lượng vô hạn? Hay có một cơ chế mà ta chưa biết sẽ làm cho nó tái sinh từ đống tro tàn của nó, như con chim phượng hoàng, và bắt đầu một Big Bang mới?

Không ai biết điều đó bởi vì vật lý học sẽ không còn dùng được khi Vũ trụ trở nên nhỏ hơn 10-33 cm (số đầu tiên khác 0 nằm ở vị trí thứ 33 sau dấu thập phân), tức là 10 triệu tỷ tỷ lần nhỏ hơn kích thước nguyên tử, khi đó cái vô cùng lớn sẽ được chắp nối với cái vô cùng bé. Các nhà vật lý đang nỗ lực đột phá bức tường “tăm tối” đó bằng cách thử thống nhất thuyết tương đối - lý thuyết mô tả cái vô cùng lớn - với lý thuyết lượng tử - lý thuyết mô tả cái vô cùng bé, nhưng những khó khăn còn cực kỳ nhiều và con đường tới đích còn rất xa.

Trong Đạo Phật có khái niệm về một địa ngục, nơi quy tụ những linh hồn không gột rửa thành công không?

Trong Đạo Phật không có khái niệm địa ngục, nơi mà những linh hồn xấu xa bị lưu đầy vĩnh viễn. Như tôi đã nói với ông, Đạo Phật bàn về các thế giới phi vật chất, chẳng hạn như thế giới của các ma đói hay thế giới của quỷ mà chúng ta có thể bị thoái lui đẩy xuống. Nhưng hy vọng vẫn luôn luôn còn đó, bởi vì mọi sinh linh, ngay cả một ma đói hay một con quỷ, đều có cơ hội tiến triển và một ngày nào đó sẽ đạt tới cõi niết bàn: sự đầu thai của nó thành người cho phép nó bắt đầu lại trên một cơ sở mới.

Như vậy thay vì sự phân chia thành địa ngục - thiên đường, trong triết lý Đạo Phật có sự phân chia thành tăm tối - giác ngội (hay niết bàn).

Ta hãy hình dung rằng ta đang ở điểm tận cùng của thời gian và tất cả chúng ta đều đã đạt tới niết bàn. Ông có nghĩ rằng ở đó chúng ta sẽ gặp lại Hitler, Staline, Néron, Lycurgue... và một số các nhân tàn ác khác mà loài người còn sẽ sinh ra?

Nếu Hitler tới được cõi niết bàn, thì y không còn là Hitler tàn ác trong ký ức mà chúng ta đã biết. Qua vòng luân hồi, y có lẽ đã đạt tới Chân lý Tối hậu và sẽ tràn đầy một tình yêu vũ trụ và một lòng tốt thuần khiết. Khi đã mất hết cá tính, y sẽ hòa nhập làm một với ý thức vũ trụ. Nói tóm lại, Hitler ở cõi niết bàn là tất cả, trừ là Hitler.

Thừa nhận sự vĩnh cửu của linh hồn trong Đạo Phật liệu có tương thích với sự đột nhập của thời gian trong lý thuyết Big Bang không?

Vũ trụ học hiện đại thực sự nói rằng thời gian cùng xuất hiện với Vũ trụ, từ Big Bang. Sẽ là vô lý nếu tự hỏi rằng cái gì xảy ra “trước” Big Bang, bởi vì “trước” là không có nghĩa chừng nào thời gian còn chưa xuất hiện. Thời gian chỉ được đo nhờ một số phương tiện vật chất, như dao động của các nguyên tử, sự quay của Trái Đất xung quanh Mặt Trời hay chuyển động dao động của con lắc. Nếu còn chưa có gì tồn tại, thì không thể nói về thời gian, vì nó không thể đo được.

Nhưng cần phải thấy rằng vật lý học mà chúng ta đã biết không thể lần ngược theo thời gian tới tận điểm zêrô. Nó không còn dùng được nữa ở 10-43 giây, một thời gian ngắn không thể tưởng tượng nổi (số khác 0 đầu tiên đứng ở vị trí thứ 43 sau dấu thập phân) và xác định bức tường “tăm tối” mà tôi đã nói ở trên. Sau bức tường đó, Vũ trụ có thể có tới 10, thậm chí 26 chiều thay cho 3 chiều không gian và một chiều thời gian của Vũ trụ hôm nay. Người ta thậm chí không thể nói về các ngọn sóng thời gian nữa. Quá khứ, hiện tại và tương lai hoàn toàn mất ý nghĩa. Thậm chí, cũng có thể một khoảng kéo dài vô tận được dấu sau bức tường đó cũng nên. Khoảng thời gian 10-43 giây chỉ là kết quả ngoại suy từ các định luật này không còn dùng được nữa sau bức tường “tăm tối”, nên chẳng có gì là chắc chắn cả. Nếu một ngày nào đó vật lý học có thể lần ngược theo thời gian tới được điểm zêrô và chứng minh được sự đột nhập của thời gian thì tính vĩnh cửu và Big Bang sẽ là không tương thích được với nhau.

Theo như tôi biết, thì Đức Phật không nói về tính vĩnh cửu của linh hồn. Mà, trái lại, một trong những nguyên lý cơ bản của Đạo Phật là tính tạm thời. Trước niết bàn, mọi chuyện đều tạm thời, đều thay đổi, chuyển động và tiến hóa không ngừng: cái chết tiếp sau sự sống lại dẫn tới sự sống, sau mưa bão là trời quang mây tạnh, sau nỗi buồn là niềm vui...

Phải chăng Phật giáo, về một phương diện nào đó, đã không giải quyết vấn đề thời gian, nói ông đừng giận, bằng cách lảng tránh khi nói rằng các vật đều không có bản thể và lại càng không có một bản thể riêng và trên quan điểm chân lý tuyệt đối thì chúng chẳng là gì hết? Thực tại chỉ là cái bao ngoài của tư tưởng và nếu hiểu được điều đó, thì có nghĩa là lúc đó ta đã là cái mà người ta gọi là Ngộ. Khi ấy, xét cho cùng, thế giới chỉ là một ảo tưởng? Tôi muốn biết ý kiến của cá nhân ông: ông sẽ ngả về phía khoa học hay phía Phật giáo? Nghĩa là: ông đứng về phía hiện thực hay ảo tưởng?

Đức Phật không hề nói thế giới chỉ là ảo tưởng theo nghĩa mà ông đã nghe nói, tức là mọi vật đều không có bản thể riêng của nó và hiện thực chỉ là cái vỏ bao ngoài của tư tưởng. Khi Ngài nói về đặc tính ảo tưởng của sự vật là Ngài muốn nhấn mạnh tính tạm thời, tính biến đổi và tiến triển của chúng chứ không muốn nói tính phi thực của chúng. Khái niệm tiến hóa và biến đổi này hoàn toàn tương thích với điều mà vũ trụ học hiện đại đã nói: không chỉ Vũ trụ mới có lịch sử, mà tất cả những gì nó chứa đều thay đổi và tiến hóa thường xuyên: những ngôi sao cũng như con người, chúng sinh ra, sống cuộc đời của mình và chết trong các vòng luân hồi liên tiếp.

Tôi là một nhà khoa học, do đó tôi chỉ có thể nghiêng về phía hiện thực! Hoạt động của toi trong thiên văn học sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu tôi lại tin rằng mọi thứ mà tôi quan sát qua kính thiên văn chỉ là ảo tưởng, rằng thế giới chỉ là một giấc mơ như Shakespeare đã nói rất hay. Không, tôi tin một cách vững chắc rằng Vũ trụ, các ngôi sao, các thiên hà đều là hiện thực có thể sờ mó được, độc lập với sự tồn tại của tôi, chúng hoàn toàn không phải là sản phẩm của những tư tưởng hay trí tưởng tượng của tôi. Thực tại đó tôi có thể quan sát và phân tích để phát hiện ra những qui luật chi phối nó. Tất nhiên, tôi chỉ nói về thực tại mà các dụng cụ đo của chúng ta, như các kính hiển vi và thiên văn, có thể tiến cận được. Để giải thích một số thực trạng của các nguyên tử, một số người, như nhà vật lý người Pháp Bernard d" Espagnat, đã nói về một thực tại bị che giấu mà các dụng cụ đo của chúng ta không thể tiếp cận được.

Khoa học và tôn giáo là hai cách tìm hiểu thế giới hoàn toàn khác nhau. Tôn giáo xây dựng trên đức tin và mang tính chủ quan, trong khi đó khoa học dựa trên suy lý, trên những kiểm chứng thực nghiệm chặt chẽ và khách quan. Với tư cách một nhà khoa học, nếu có sự mâu thuẫn giữa hai cách mô tả thế giới của Đạo Phật và khoa học, thì tôi sẽ chọn cách thứ hai.

Hết