“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” là… của tư duy khoa học và khoa học luận! Câu chuyện có vẻ không có gì thơ mộng, nhưng rất hệ trọng, vì nó liên quan đến đặc điểm, cấu trúc và hình ảnh của khoa học từ cổ đại sang cận đại và đến hiện đại. Cái nhìn hiện nay của ta về thế giới đã thay đổi và phong phú hơn nhiều. Nhưng, tất cả bắt đầu từ “cái thuở ban đầu” ấy.
Từ quả cam đến hình tròn lý tưởng
Là bộ phận của nhận thức luận, khoa học luận bàn về một dạng nhận thức đặc biệt: nhận thức khoa học. Đó là một mảng, một nhát cắt của thế giới chung quanh, thuộc cái phần chỉ có dùng đầu óc để suy nghĩ chứ không thể mắt thấy tay sờ. Thật thế, hai nguyên lý ban đầu của nhận thức khoa học là: khoa học không chỉ khẳng định sự kiện mà còn tìm nguyên nhân của chúng. Rồi không chỉ tìm nguyên nhân mà còn tìm các cấu trúc và quan hệ phổ biến của chúng.
Thế nhưng, nguyên nhân của sự kiện thường khó thấy được bằng mắt, còn cái cấu trúc và quan hệ phổ biến thì lại càng không thể! Ta thấy quả cam hình tròn rơi từ trên bàn xuống đất, nhưng làm sao thấy được hình tròn “lý tưởng” theo đúng tiêu chuẩn của hình học và thấy được định luật rơi của vật lý học? Đối tượng thật sự của khoa học té ra là vô hình vô ảnh, vì bản thân cái phổ biến, tức cấu trúc và định luật, là phi-vật chất. Từ đó ta có nguyên lý thứ ba: đối tượng đích thực của nhận thức khoa học là những cấu trúc và các mối quan hệ phi-vật chất của và giữa những sự vật, hiện tượng!
Khi dám đi sâu vào lĩnh vực xa xôi, tối tăm vượt khỏi tầm mắt như thế, lẽ ra loại nhận thức ấy phải bị xem là mơ hồ, võ đoán và không đáng tin cậy. Song, sự thật đã diễn ra ngược lại! Tất cả bắt nguồn từ một truyền thống xa xưa cả ở Đông lẫn Tây: biết về những nguyên nhân sâu xa và những bí mật của vũ trụ là công việc của những bậc “thánh nhân”, những nhà “tiên tri”. Cái biết ấy là vượt trội và phi thường, nằm ngoài vòng kiểm soát của người thường. Tri giác thông thường và kiến thức hàng ngày đương nhiên bị xếp xuống hàng hai, bởi chúng không chỉ không đạt đến được nền tảng của vũ trụ mà còn bị ràng buộc bởi vô số những bấp bênh và lầm lạc.
Thật khá nghịch lý và may mắn, quan niệm về chân lý còn mang dấu vết thần thoại này lại được hậu thuẫn bằng sự ra đời và phát triển của các bộ môn “khoa học” đầu tiên vốn không dính líu gì đến thần thoại: môn toán học với phương pháp chứng minh và môn lôgíc học với phương pháp phân tích và suy luận. Cả hai thoả ứng trọn vẹn ba nguyên lý nói trên: chúng quả thật là cái biết về các cấu trúc phổ biến, phi-vật chất và hầu như không phụ thuộc vào tri giác cảm tính của các giác quan.
Chính truyền thống triết học của Platon và Aristoteles đã là chỗ dựa cho mô hình khoa học luận cổ đại, vì nó đã xem toán học, hay nói khái quát hơn, xem việc lập luận bằng phương pháp phân tích và chứng minh là mẫu mực hay “hệ hình” của mọi nhận thức khoa học. Ta không quên rằng đây cũng là thời kỳ phát triển mạnh mẽ các ngành nghề thủ công. Nghề thủ công không chỉ đòi hỏi sự khéo léo hơn hẳn người bình thường, mà còn cần cả tri thức vững chắc và sâu sắc, tức, biết về những nguyên nhân và cấu trúc ngay cả khi chúng chưa hề được thể hiện thành sự vật vật chất.
Tóm lại, không chỉ nhận thức về vũ trụ và toán học mà cả kiến thức kỹ thuật và công nghệ cũng tỏ ra đáp ứng cả ba nguyên lý trên đây và củng cố giá trị “cao cấp” của nhận thức khoa học. Từ đó, dẫn đến nguyên lý thứ tư: nhận thức khoa học là đúng đắn, bất di bất dịch và (hầu hết là) có thể chứng minh được.
Tại sao có thể chứng minh được? Trước hết, từ khi lôgíc học ra đời, người ta dần dần hiểu được thế nào là một chứng minh toán học: từ hai tiền đề được giả định là đúng thì kết luận được rút ra một cách hợp lôgíc. Và vì lẽ từ hai tiền đề đúng thì không thể rút ra kết luận sai, nên kết luận ấy quả đã được chứng minh là đúng. Rồi mô hình này được chuyển từ toán học sang cho khoa học nói chung, và ta lại có thêm một nguyên lý thứ năm của khoa học luận cổ điển: nhận thức khoa học nghiên cứu về các nguyên lý và rút ra những kết luận về sự kiện (quan sát được) một cách lôgíc từ các nguyên lý ấy. Ngày nay, ta vẫn còn sử dụng cách phân biệt hai loại khẳng định trong một ngành khoa học: loại thứ nhất là các tiên đề, tức các nguyên tắc được tiền giả định là đúng, còn tất cả mọi khẳng định còn lại, gọi là những định lý, được rút ra từ các tiên đề ấy một cách hợp lôgíc. Ta có hình ảnh và mô hình về một nền khoa học tiên đề hoá, hạt nhân của khoa học luận cổ đại.
Lại cần đến quả cam?
Khoa học luận cổ điển dựa trên sáu nguyên lý: truy tìm nguyên nhân; nhận thức về cái phổ biến; nhận thức về cấu trúc và các quan hệ phi-vật chất; tính chân lý bất biến, phổ quát và tất yếu của khoa học; tiên đề hoá các lý thuyết khoa học; tri giác được rèn luyện như là khởi điểm để tiến tới nhận thức về nguyên lý.
Một khó khăn nghiêm trọng đặt ra cho mô hình cổ điển này: tại sao các nguyên lý (các tiên đề) là đúng và không thể suy suyển được, trong khi điều này không thể chứng minh? Thế là buộc phải cầu viện đến kinh nghiệm và tri giác thường nghiệm: quả cam vốn bị khinh thường là tri giác cảm tính trước đây lại trở thành cơ sở cho mọi nhận thức khoa học? Đó là cách hiểu theo phương pháp quy nạp: từ những mệnh đề về từng trường hợp, ta xây dựng mệnh đề về mọi trường hợp. Tuy nhiên, như thế là phá huỷ tính phổ quát và tất yếu của chân lý khoa học theo lý tưởng cổ điển. Vì thế, từ “inductio” ngày xưa không được hiểu theo nghĩa là suy luận “quy nạp” theo cách hiểu ngày nay, mà có nghĩa là “chuyển dần lên”. Chuyển từ cái gì lên? Thưa, đó là từ nhận thức thực hành có tính tiền khoa học, tiền lý thuyết (chẳng hạn từ kinh nghiệm hàng ngày của người thợ thủ công, người thầy thuốc…), trải qua rèn luyện rồi đến một lúc chín muồi nào đó, đột ngột và bằng trực giác, đi đến được nhận thức khoa học về các nguyên lý bất biến. Cái sau không phải là kết quả mà vẫn cứ là cơ sở và điều kiện của cái trước!
Biện luận như thế là nhằm bảo vệ giá trị phổ quát (nghĩa là: không có ngoại lệ) và tất yếu (nghĩa là: không thể khác được) của khoa học, nhưng cũng thật khó thuyết phục bởi tính luẩn quẩn của nó: từ đâu biết được những tiêu chuẩn cho một thứ tri thức lão luyện nếu không phải từ tính chân lý của những nguyên lý đã được tiên đề hoá? Khó khăn cơ bản có tính hệ thống như thế đã làm rung chuyển mô hình biện minh cho nhận thức khoa học cổ đại. Chính sự mâu thuẫn và hoài nghi ấy sẽ dẫn đến việc ra đời của mô hình mới: mô hình khoa học cận đại. (còn tiếp)
Bùi Văn Nam Sơn