Trong lịch sử cổ kim, không có ai tích luỹ nhiều tri thức trong thời đại mình bằng Aristoteles (384-322 tr. CN). Không chỉ tích luỹ, ông còn góp phần quyết định trong việc khai sinh ra chúng. Tri thức nhiều quá dẫn tới việc làm sao quản trị nó. Ngày nay, việc quản trị tri thức càng quan trọng và không chỉ đặt ra cho các công ty, xí nghiệp mà cho từng cá nhân và cả xã hội.
Vấn đề lớn nhất của sự quản trị tri thức là: những thông tin và sự kiện chỉ thực sự hữu ích khi được đặt trong toàn cảnh của một nhận thức tổng hợp, của những nhiệm vụ, mục tiêu của người sử dụng. Đâu phải là thời thượng khi trong hầu hết các nước, những “think-tank” liên tục ra đời, khi ngày càng nhiều những tổ chức, xí nghiệp thành lập bộ phận chuyên môn với các chức danh mới mẻ về quản trị tri thức. Quản trị tri thức đã trở thành một phương pháp quản lý hệ trọng. Một cá nhân, một xã hội cũng nhất định sẽ tụt hậu nếu không biết đến nó. Và nó cũng chỉ được đặt ra một khi số lượng tri thức trở nên quá lớn và phức tạp. Aristoteles có lẽ là người đầu tiên phải giải quyết vấn đề này, bởi hơn ai hết, chính ông đã… tạo ra nó!
Thanh xuất ư lam
“Màu xanh từ màu chàm mà ra nhưng xanh hơn chàm, băng từ nước mà ra nhưng lạnh hơn nước” Thanh xuất ư lam nhi thắng ư lam, băng xuất ư thuỷ nhi hàn ư thuỷ – người xưa thường dùng cách ví von ấy để khen trò hơn thầy. Đó đúng là trường hợp của trò Aristoteles với thầy Platon. Aristoteles là một “vạn thế sư biểu” của phương Tây về mặt tri thức. Suốt hàng nghìn năm, và ở nhiều lĩnh vực, chẳng hạn, sinh vật học, cho đến tận thế kỷ 19, phương Tây xem trọng những lời “Aristoteles đã dạy rằng” không khác gì “Tử viết” ở ta, kể cả những… sai lầm hiển nhiên!
Hầu như không có lĩnh vực khoa học và nghệ thuật quan trọng nào không được ông quan tâm hay góp phần xây dựng nên: vật lý, hoá học, sinh vật học, động vật học, thực vật học, tâm lý học, chính trị học, sử học, đạo đức học, lý luận văn học, tu từ học và nhất là logic học. Những nghiên cứu bao quát, vượt ra khỏi các chuyên ngành thì được gọi là siêu hình học, một môn học nền tảng của tư duy Tây phương. Từ đó ông cũng trở thành tiếng nói thẩm quyền trong cả tôn giáo và thần học.
Đức hạnh của lý trí và đức hạnh của tính cách
Tri thức là kinh nghiệm có tổ chức. Do đó, nó vừa xuất phát từ kinh nghiệm, vừa vượt lên trên kinh nghiệm: “Ta tin rằng việc biết và hiểu thuộc về “nghệ thuật” hơn là thuộc về kinh nghiệm, và ta xem người nắm vững “nghệ thuật” là thông thái hơn người dày kinh nghiệm, bởi chính sự thông thái mới mang lại cho con người thước đo của tri thức. Sở dĩ như vậy, là vì người thông thái biết rõ nguyên nhân, còn người chỉ có kinh nghiệm thì không. Người có kinh nghiệm chỉ biết cái như thế nào, trong khi người thông thái thì biết cả cái tại sao nữa”.
Ta có hai đức hạnh: đức hạnh của lý trí và đức hạnh của tính cách. Sáng suốt là kết hợp được cả hai trong những quyết định của mình.
Aristoteles
Vì thế, cái tại sao hay học thuyết về nguyên nhân là trung tâm của học thuyết Aristoteles. Theo ông, mọi sự biến đổi và phát triển kỳ cùng đều có bốn nguyên nhân. Thứ nhất là nguyên nhân tác động, làm phát sinh một tiến trình. Tiến trình ấy diễn tiến như thế nào, lại phụ thuộc vào hai nguyên nhân khác: đặc tính cấu tạo của nó hay nguyên nhân vật chất, và hình thức biến đổi của nó hay nguyên nhân hình thức. Sau cùng là nguyên nhân thứ tư: nguyên nhân mục đích, xác định mục tiêu của tiến trình (theo nghĩa nguyên nhân và kết quả hay phương tiện và mục đích). Mọi tiến trình đều xâu chuỗi với nhau. Mục đích của tiến trình này lại là phương tiện cho một tiến trình khác để phục vụ cho một mục đích khác nữa. Quan niệm được gọi là “mục đích luận” ấy tất yếu phải đi đến chỗ giả định một nguyên nhân đầu tiên khởi động tất cả và một mục đích tối hậu mà mọi tiến trình đều hướng về. Nguyên nhân đầu tiên và mục đích tối hậu đồng nhất như một vòng tròn khép kín. Không chỉ có con người mới biết đặt ra mục đích, mà mọi sự vật đều có mục đích tự thân. Một tư tưởng độc đáo và sẽ ảnh hưởng sâu đậm đến tư duy về lịch sử vũ trụ cũng như lịch sử con người! Hegel rất tán thưởng tư tưởng này, trong khi triết học hiện đại nghi ngờ và phê phán nó!
Nếu toàn bộ giới tự nhiên là một sự phát triển từ chỗ chưa hoàn thiện đến chỗ ngày càng hoàn thiện, thì quy luật cơ bản được rút ra là: tự nhiên cũng như con người luôn ở trong một diễn trình hoàn thiện dần để thực hiện trọn vẹn đích đến hay sứ mệnh của mình. Nhưng, vì con người là sinh vật hướng đến xã hội, nên chỉ có thể đạt tới cấp độ hoàn thiện và hạnh phúc cao hơn ở trong cộng đồng với những con người khác. Tài năng cá nhân chỉ có thể tồn tại, phát triển và hoàn thiện trong một cộng đồng. Tuy nhiên, khác với thú vật, con người có nhiều khả năng lựa chọn để thi thố tài năng của mình. Nếu thú vật thường chỉ bị ngoại cảnh chi phối và cản trở, thì con người còn có thể bị chính bản thân kìm hãm và gây hại.
Vì thế, theo Aristoteles, để sống tốt và hạnh phúc, cần phải tránh những thái cực. Tiền bạc, quyền lực vừa có thể hữu ích và có giá trị, vừa có thể gây hoạ cho cộng đồng, gieo rắc sự thù địch và huỷ hoại. Xác định mục đích để sống một cách đúng mực ở “trung đạo” là quy tắc vàng của đạo đức học Aristoteles. Khoa học lý thuyết làm việc với “những chân lý không thể khác được”, chẳng hạn, toán học, vật lý học, logic học, siêu hình học. Trong khi đó, khoa học thực hành lại làm việc với thế giới nhân sinh, với “những gì có thể thay đổi và làm khác được”. Đạo đức học và chính trị học thuộc lĩnh vực này, và vì thế, đó là niềm tự hào cho sự tự do và quyền tự quyết của con người.
Như thế, theo Aristoteles, ta có hai đức hạnh: đức hạnh của lý trí và đức hạnh của tính cách. Sáng suốt là kết hợp được cả hai trong những quyết định của mình. Những quyết định lém lỉnh, vì lợi ích nhất thời không tự động là những quyết định tốt. Quyết định tốt là khi nó mang lại lợi ích cho cộng đồng về lâu dài. Muốn thế, quy trình lấy quyết định phải thoả ứng hai tính chất: khoa học và nhân bản. Aristoteles khiêm tốn và thiết thực hơn Platon: hãy tập quyết định sáng suốt từ những việc nhỏ! Ta học được gì từ Aristoteles cho sự quản trị tri thức ngày nay? Xin hẹn lần sau!
Bùi Văn Nam Sơn