Trí Tuệ Do Thái

Chương 13: Làm Thế Nào Để Nhớ Được Những Việc Cần Làm, Các Loại Danh Sách Và Các Câu Chuyện Cười

Hóa ra Lisa và Joseph Hayim chẳng phải hai anh em lạc nhau từ lâu như tôi tưởng tượng. Thậm chí, hai người bọn họ còn chẳng có họ hàng gì với nhau. Schneiderman có thời học cùng với anh trai của Lisa là Mordechai, tại trường đạo ở Har Nof. Hồi còn ở Jerusalem và chưa chuyển đến Efrat, có một dịp cuối tuần, Schneiderman đã ở chơi nhà hai anh em họ. Vì thế, Lisa nhận ra cậu ta ngay.

Chúng tôi kể cho Lisa nghe về trí nhớ phi thường của Joseph Hayim, Itamar còn cho cô xem tờ giấy ghi bốn mươi thứ mà Schneiderman nhớ được hết. “Chỉ cần nói bất cứ số thứ tự nào, cậu ấy sẽ nói chính xác số đó là gì.” Itamar chỉ vào trang giấy.

“Tôi cũng biết thủ thuật này,” cô gái nói, “nhưng theo tôi nhớ thì Joseph Hayim là người ghi nhớ nhanh hơn cả.”

“Cô biết làm cách nào sao?” Jerome hỏi, có vẻ khá ngạc nhiên.

Lisa nhún vai. “Có chứ. Ai cũng làm được hết. Tôi vẫn thường dùng phương pháp này để ghi nhớ những thứ bất chợt xuất hiện trong đầu. Anh biết rồi đấy… có phải lúc nào cũng sẵn bút với giấy để ghi lại đâu.”

“Cô dùng phương pháp gì?” Schneiderman xen vào. “Hệ thống bảng chữ cái hay hệ thống số học?”

“Bảng chữ cái dùng dễ hơn nhiều,” cô trả lời.

Hai người cứ như hai nhà ảo thuật trao đổi chuyên môn với nhau vậy.

“Có lẽ hai người nên chỉ cho chúng tôi xem phương pháp này hoạt động như thế nào,” Itamar gợi ý, rõ ràng đang cực kỳ tò mò.

Schneiderman liếc nhìn đồng hồ. Cậu có vẻ hơi lo lắng. “Tôi rất muốn thế nhưng thực sự đến lúc tôi phải đi rồi. Mọi người đang đợi tôi ở lớp,” cậu xin lỗi.

“Vậy chúng tôi sẽ đi cùng với cậu. Trên đường đi chúng ta có thể trò chuyện,” Jerome đề nghị, đại diện cho cả nhóm, vừa nói vừa nhìn xung quanh xem mọi người có nhất trí như vậy không.

“Sao lại không nhỉ?” Itamar tán thành. “Ngồi lâu thế này rồi, đứng lên thể dục một tí cũng có chết ai đâu.”

Chúng tôi thu xếp đồ và rời khỏi quán. Những tia nắng cuối ngày đang sắp mờ dần, nhường chỗ cho bóng tối. Thầy Dahari xin lỗi và cáo từ. Chúng tôi thong thả đi tiếp trong khi Schneiderman giảng giải ngắn gọn về phương pháp cậu dùng để ghi nhớ.

Phương pháp “Hình-số”

“Rất khó để tưởng tượng ra các con số,” cậu bắt đầu. “Về cơ bản, tôi dùng hình ảnh để thay thế cho các con số. Nói cách khác, mỗi con số sẽ được biểu trưng bằng một hình ảnh nào đó khiến tôi liên tưởng đến con số đó.” Cậu ngừng lại để sắp xếp những suy nghĩ trong đầu mình. “Lần đầu tiên tôi đọc về phương pháp này là trong cuốn Lev Aryeh (Trái tim sư tử) của thầy Aryeh. Trong quá trình vận dụng, tôi đã tự sáng tạo ra những biến thể của riêng mình. Như thế này nhé…”

“Thay vì vất vả tưởng tượng ra số 1, thầy Aryeh đưa ra gợi ý là ta nên tưởng tượng đến một cái giáo hay một cái xiên bởi vì về mặt hình dáng, những thứ đó trông giống số 1. Mọi người hiểu ý tôi chứ? Đúng là giống số 1 không?”

Tất cả chúng tôi cùng gật đầu.

“Thay vì số 2, Thầy Aryeh khuyên ta nên tưởng tượng đến chiếc liềm vì trông nó giống số 2.” Cậu lấy ngón trỏ vẽ hình số 2 lên không khí.

“Đối với tôi, hình dung ra cái liềm thì hơi khó, nên tôi thay bằng một cái khác giúp tôi nhớ số 2 dễ hơn. Mọi người có biết khi nói đến số 2, tôi nghĩ ngay đến cái gì không?” Cậu ta nhìn chúng tôi. “Thực sự tôi hình dung ra con thuyền của Noah(32) bởi vì tôi nghĩ đến những cặp động vật trên thuyền.” Cậu lại im lặng lần nữa và quan sát chúng tôi để đảm bảo rằng những điều cậu nói đã đủ rõ ràng.

“Thế còn số 3 thì sao?” tôi hỏi.

“Một cái dĩa,” cậu trả lời. “Ba cái ngạnh chìa ra của số 3 chẳng phải trông rất giống răng của cái dĩa sao?”

Jerome nheo mắt cố tưởng tượng ra mối liên hệ giữa những thứ đó.

“Anh cứ tưởng tượng cái tay cầm rồi ở phía đuôi có một con số với những cạnh số vuông góc với nhau.” Cậu lấy tay vẽ một thứ giống như chiếc dĩa trong không khí.

“OK, tôi hình dung ra rồi,” Jerome nói.

“Số 4 là một cái cưa,” cậu sinh viên tiếp tục. “Thử tượng tượng anh nắm cái chân của số 4 và bắt đầu đẩy đi kéo lại. Anh có hình dung ra không?”

“Vậy, nói cách khác, cậu tưởng tượng ra một vật thể có mối liên hệ với một con số,” Itamar tóm tắt. “Số 5 là gì?”, Itamar hỏi, rồi trả lời luôn. “Có thể là một bàn tay chăng?”

Schneiderman bước lên phía trước Itamar và quay mặt lại, cười rất tươi.

“Xuất sắc,” cậu khen. “Tôi cũng dùng hình ảnh đó. Lòng bàn tay với năm ngón tay.”

“Còn số 6?” tôi thắc mắc thành tiếng, tôi cũng đang cố gắng tự tưởng tượng ra hình ảnh của riêng mình.

“Số 6 là một cái lưỡi câu. Anh biết đấy, cái loại to to mà đầu gập vào hình cung tròn ấy.”

“OK, nhưng làm thế nào cậu nhớ được cả danh sách?” Itamar hỏi, cố gắng nắm bắt điểm mấu chốt của vấn đề.

Schneiderman gật đầu. “Như thế này. Đầu tiên, điểm nhanh lại một lượt đã nhé. Số 1 là gì?”

Tôi biết câu trả lời ngay nhưng Lisa nhanh hơn tôi một bước. “Cái giáo.”

“Đúng rồi. Cái giáo tượng trưng cho số 1.” Schneiderman xác nhận. “Số 2 là gì?”

“Con thuyền của Noah,” Jerome trả lời.

“3?”

“Cái dĩa,” tôi xen vào.

“4?”

“Cái cưa,” Jerome và Itamar đồng thanh trả lời.

“5?”

“Bàn tay,” Jerome giơ tay lên và nói.

“Và số 6 là một cái lưỡi câu,” cậu sinh viên nói, tự cho phép mình trả lời câu này.

“Bây giờ, tất cả những gì ta cần làm là tưởng tượng ra mối liên hệ giữa con số và đồ vật. Mọi người có nhớ khi Itamar viết ra danh sách đó thì tôi đã yêu cầu anh ấy đọc to lên con số và đồ vật tương ứng với nó không? Tôi làm thế là bởi vì khi anh ấy nói số 1, tôi tưởng tượng ra một chiếc giáo. Rồi tôi đợi anh ấy nói ra tên của đồ vật. Itamar đã nói, ‘Cây.’ Ngay lập tức tôi hình dung ra cảnh mình phi một chiếc giáo và nó cắm chắc vào thân cây. Rồi Itamar nói 2, tôi tưởng tượng ra con thuyền của Noah. Ngay sau từ số ‘2’, anh ấy nói ‘quả bóng.’ Tôi nghĩ ngay đến cảnh những con vật trên thuyền tung chuyền bóng cho nhau.”

“Số 4 là gì?” Schneiderman hỏi, cố tình bỏ qua một số.

“Ừm… cái cưa,” Jerome nhớ lại.

“Và trong danh sách của tôi thì số 4 là cái chổi. Làm sao cậu liên tưởng giữa cái cưa và một cái chổi được?”

“Dễ lắm,” Jerome mỉm cười. “Tớ cưa cán chổi làm đôi, thế là tớ có một cái chổi mini.”

“Chính xác,” Schneiderman xác nhận, có vẻ rất hài lòng. “Đồ vật thứ năm trong danh sách là bột mì. Anh có ý tưởng nào không?”

“Để tôi nghĩ đã nhé.” Jerome muốn tự mình vượt qua thử thách này. “OK, số 5 là một bàn tay. Tay và bột. Tôi nghĩ đến cảnh mình sục tay vào một bát bột. Thế là bàn tay trắng tinh toàn bột.” Hắn cười tự hào. “Đợi đã. Cái này còn hay hơn, tôi tưởng tượng mình cho cả bàn tay còn đang ướt đẫm mồ hôi vào bát bột. Như thế, bột sẽ còn dính chắc hơn nữa.”

“Tuyệt vời,” Schneiderman thốt lên, thán phục trước khả năng áp dụng nhanh chóng của Jerome.

“Vậy tiếp nhé,” Jerome hào hứng. “Số 7 là gì?”

“7 là một tuần,” Itamar đoán.

“Đúng, nhưng tuần thì tưởng tượng khó lắm. Vậy nên, ta sẽ hình dung ra bản kế hoạch làm việc hàng tuần.”

“8 là gì nhỉ?” Jerome băn khoăn.

“Anh nghĩ đến cái gì?” cậu sinh viên hỏi, cố hướng Jerome đến câu trả lời đúng.

“Số 8 khiến tôi nghĩ đến… ừm… tám đô-la mà Eran nợ tôi.” Hắn vỗ vào vai tôi. Rồi trong khi nhìn sang tôi và cười ngớ ngẩn, bỗng nhiên một hình ảnh hiện lên trong đầu hắn.

“Số 8 là cái kính!” hắn reo lên và chỉ vào mặt tôi.

“9?”

“9 tháng để sinh ra một em bé,” tôi nói.

“Chính xác,” hắn thán phục. “Số 9 sẽ là một phụ nữ mang bầu.”

“10?”

“Mười điều răn.”

Mọi người bỗng nhiên im lặng. Chỉ có tiếng bước chân chúng tôi vọng lên trên nền gạch.

“Cô cũng nói đến một phương pháp khác, Lisa.” Jerome nhớ lại.

“Đúng vậy.” Lisa trả lời. “Phương pháp ưa thích của tôi.”

Phương pháp chữ cái

“Về cơ bản, nó cũng tương tự như thế thôi nhưng thay vì tạo ra những hình ảnh từ các con số thì ta sẽ chuyển những con số thành các chữ cái tiếng Do Thái. 1 là aleph (A) -א, 2 là beth (B) ב- 3 là gimmel (C) ג và cứ tiếp theo như thế. Câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào để tưởng tượng ra các chữ cái? Đã có rất nhiều người viết về điều này trong đó có thầy Akiva và thầy Yehuda Leib Hacohen Rappaport ở thế kỷ XVIII. Họ thấy rằng những chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Do Thái là những bức tranh phản ánh cuộc sống của tổ tiên chúng ta.

“Chữ aleph trông giống con trâu có sừng ,א” Lisa giải thích. “Một con trâu chở trên lưng nó những thứ rất nặng. Trong tiếng Ả Rập, ‘alpha’ có nghĩa là một chiếc thuyền chở những hàng hóa rất nặng. Vì vậy, chữ cái đầu tiên, với tôi, aleph, được tượng trưng bằng hình ảnh một con thuyền.”

“Beth cũng dễ thôi,” cô nói tiếp. “Beth thực ra có nghĩa là ‘ngôi nhà.’ Chữ cái gimmel trông giống một con lạc đà với cái bướu nhô lên ג. Daleth, chữ cái thứ tư, là một cánh cửa bởi vì khi viết ra, trông nó giống một ד, và bởi vì trong tiếng Do Thái cổ, hình dáng chữ cái này trông như một chiếc lều đang mở rộng cửa. Chữ cái tiếp theo, hay ה, tôi lấy từ ý tưởng của thầy Aryeh, thầy đã chỉ ra mối liên hệ giữa chữ cái và một người phụ nữ có bầu… Một hay trông như chữ raish thêm một nét gạch. Vậy nên haymang bầu. Tên của chữ cái tiếp, vav, như Joseph Hayim đã nói, có nghĩ là cái lưỡi câu; vậy nên hình ảnh đi liền với nó có thể là một cái cần câu hay bất cứ thứ gì dùng để ‘câu.’ Zion ז, chữ cái thứ bảy, là một thứ vũ khí, như một chiếc búa chẳng hạn bởi vì trông nó giống cái búa thật. Het, ח – ghế ngồi. Tet ט – giỏ đựng hoa quả. Yud – một thứ gì đó nhỏ bé.

“Đó là cách của tôi… Tôi chưa bao giờ cần đến mười ngăn khác nhau trong cặp hồ sơ bộ não để lưu trữ các loại thông tin.”

“Lưu trữ thông tin à?” Itamar cố hiểu. “Nó… cái gì… nó hoạt động thế nào?”

Lisa đóng cúc áo khoác và khoanh tay trước ngực.

“Chẳng hạn, sáng nay tôi nhớ là cần phải vào hiệu sách trong trường để mua vài thứ. Những thứ tôi cần mua là bút đánh dấu màu xanh và vàng, một cái cặp tài liệu và bút xóa. Tôi đã nghĩ đến những thứ đó khi ngồi trên xe bus. Tôi mở ‘cặp hồ sơ bộ não’ ra,” cô chỉ vào đầu, “rồi cho danh sách các thứ cần mua vào những ‘ngăn’ thích hợp; ngăn 1, 2 và 3. Cũng như Joseph Hayim làm, tôi ‘mở’ ngăn đầu ra, aleph, có biểu tượng là một con thuyền. Mọi người hiểu ý tôi chứ?” Cô dừng lại để chắc chắn là tất cả đều đang theo dòng suy nghĩ của mình.

“Rồi tôi tìm mối liên hệ giữa bút đánh dấu và con thuyền. Tôi tưởng tượng là mình đang tô màu cho một con thuyền, một con thuyền khổng lồ màu trắng được tô màu bằng những chiếc bút tí hon. Mọi người thừa biết sẽ mất bao nhiêu lâu mới xong, đúng không?”

“Đúng là ác mộng,” Jerome nói, tất cả chúng tôi đều có chung suy nghĩ như vậy. “Có lần, hồi còn trong quân đội, tôi đã gây một rắc rối nho nhỏ, tay thượng sĩ đã bắt tôi sơn cả cái hàng rào mà chỉ dùng bàn chải đánh răng. Thật hãi hùng. Cô mà làm thế thì chắc chắn là kiệt sức,” Jerome cười khùng khục.

“Tôi chỉ tô màu vòm thuyền thôi. Cũng không đến nỗi tệ lắm.” Cô cười lại với Jerome.

“Sau đó, tôi mở ngăn beth ra, ngăn này có biểu tượng là một ngôi nhà và tôi phải liên hệ nó với một cái cặp đựng tài liệu. Tôi tưởng tượng ra nhà mình, với hàng ngàn chiếc cặp giấy, vung vãi khắp nơi, khắp các phòng. Đến nỗi không còn chỗ mà bước nữa. Ngăn thứ ba, gimmel, là một con lạc đà. Món thứ ba tôi cần mua là bút xóa. Mọi người có nghĩ ra mối liên hệ nào giữa một con lạc đà với một cái bút xóa không?” Cô dừng lại để xem trí tưởng tượng đưa chúng tôi đến đâu.

Jerome nhìn cô với vẻ mặt kinh hãi. “Không thể tin đươc!” Hắn đập tay lên ngực. “Cô… làm vậy với một con lạc đà sao?”

Lisa mỉm cười và gật đầu. “Tôi làm thế thật đấy.”

“Cô tẩy trắng cả một con lạc đà sao?” Itamar nhảy vào cuộc khẩu chiến.

“Anh điên à?” cô gái kêu lên. “Chỉ móng chân nó thôi,” cô nói thêm bằng giọng đã dịu đi một chút.

“Hay thật đấy,” Itamar lẩm bẩm với chính mình.

“Đúng là phụ nữ,” tôi trêu. “Chẳng gã đàn ông nào lại nghĩ đến việc biến nước tẩy trắng thành sơn móng cả.”

“Cậu ấy nói cũng đúng, cô biết đấy,” Jerome đồng ý. “Chính tôi cũng đã từng tưởng tượng tẩy trắng đuôi lạc đà.”

“Còn tôi tưởng tượng ra hình ảnh một con lạc đà với cái bướu chứa đầy nước tẩy trắng. Nó đi lang thang khắp sa mạc, giải cứu những nhà văn lập dị đang chết dí dưới những cây cọ, tay cầm những trang giấy đầy lỗi chính tả…” Tôi miêu tả hình ảnh tưởng tượng của mình.

“Đó là sự kỳ diệu của phương pháp này,” Schneiderman ngắt lời. “Ai cũng tự sáng tạo ra những mối liên hệ của riêng mình.”

Itamar đưa tay lên ôm đầu. “Tôi thực sự ngưỡng mộ hai người đấy,” cậu ta giận dữ với chính mình. “Trí tưởng tượng thật phi thường!”

“Sao thế? Anh thử xem đi,” Lisa khuyến khích Itamar, rõ ràng cô gái cảm nhận được cảm xúc của Itamar. “Thử xem, để biết nó hoạt động ra sao.” Cô đứng lại. Chúng tôi cũng làm theo.

“Được rồi. Anh bước vào một cửa hàng đồ dùng học tập, đứng đó một lúc và nghĩ, ‘OK, hôm nay mình định mua cái quái gì ấy nhỉ?’ Rồi anh mở tập hồ sơ của mình ra,” cô lại chỉ vào đầu, “cũng giống như mở vở, mở nhật ký hay giấy nhớ mà anh đã tự ghi ra thôi. Anh mở một ngăn trong đầu ra. Ngăn đầu tiên, aleph, có biểu tượng là một…?”

“Aleph… một con thuyền,” Itamar trả lời.

“Chúng ta liên hệ con thuyền với hình ảnh nào?”

“À, ừm, cái gì nhỉ?” Itamar có vẻ hơi căng thẳng một chút, nhưng rồi cậu ta nhớ ra ngay, “Ta tô màu cho con thuyền bằng những chiếc bút đánh dấu.” Cậu ta làm động tác như thể đang dùng chiếc bút tô màu.

“Rất tốt!” Lisa nói, cho Itamar một tia hy vọng.

“Thế là anh đi đến chỗ để bút nhớ, và bới tìm thứ mình cần. Tiện thể, anh tìm màu gì nhỉ?”

“Hình như cô nói là màu vàng với xanh thì phải.”

“ĐÚNG!” cô gái trả lời, có vẻ rất vui. “OK, ta cần mua gì nữa nhỉ?” Cô để cho Itamar phải nhớ danh sách các thứ cần mua.

Cậu ta im lặng, cố nhớ ra. Chỉ mất vài giây. “Ừm… beth là… ngôi nhà. OK, cho tôi một giây thôi. Trong nhà có gì nhỉ?”

Không ai nói một lời nào.

“Những chiếc cặp đựng tài liệu,” cậu ta gật đầu. “Những chiếc cặp giấy vung vãi khắp nhà.”

“Tiếp theo là gì?” tôi hỏi.

“Ồ, cái này dễ mà, đúng không?” Jerome thỏ thẻ.

Hai chúng tôi nhìn Itamar.

“Cậu nói đúng,” cậu ta cười toe toét. Nhưng trước khi Itamar kịp nói thêm lời nào, Jerome đã thụi vào sườn cậu ta.

“Gimmel là con lạc đà. Chúng ta lau tai nó bằng hai chiếc bút chì, phải không nào?”

Itamar sững sờ một lát nhưng rồi nhớ lại là mình đang nói chuyện với ai. “Cú này được đấy, nhưng tớ tin là tớ thấy một con lừa có những chiếc móng chân tô đầy nước tẩy trắng. Tớ không quên nhanh thế đâu.”

Itamar mở túi, lấy ra một cuốn sổ và gập nó làm đôi.

“Nếu mọi người không phiền, tôi muốn ghi vài điều về những thứ chúng ta nói hôm nay,” cậu ta nói.

“Vậy anh có nhớ anh ném cái giáo vào đâu không?” cô gái hỏi.

“Cái cây.”

“Còn số 2 thì sao? Con thuyền của Noah là gì? Bọn động vật trên đó làm gì?”

Itamar không nhớ chúng làm gì.

“Quả bóng,” Schneiderman gợi ý.

“Anh nên biết là,” Lisa giải thích, “nếu anh không nhớ được một thứ gì đó, như quả bóng chẳng hạn, thì có nghĩa là mối liên hệ mà anh tạo ra giữa hai thứ đó chưa đủ mạnh. Rõ ràng là hình ảnh những con vật chơi đùa quả bóng, với anh, hoặc là chưa đủ rõ ràng hoặc chưa đủ ấn tượng. Chỉ thế thôi! Không có lý do gì để có thể kết luận là phương pháp này không hiệu quả hay trí nhớ của anh có vấn đề,” cô gái cố gắng động viên Itamar. “Có nghĩa là anh cần phải tạo ra mối liên kết mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, cố tưởng tượng ra một đôi hươu cao cổ và một đôi hà mã chơi bóng chuyền với nhau. Một chiếc lưới rất cao được căng lên, chia đôi chiếc thuyền. Mỗi đôi đứng một bên sân. Các con vật khác ngồi ở ngoài sân. Tưởng tượng quả bóng màu đỏ tươi. Đó là một hình ảnh rất mạnh, đúng không?”

“Thế nếu quả bóng rơi ra ngoài mạn thuyền thì sao?” tôi thắc mắc.

“Nó màu đỏ nên sẽ dễ tìm thôi,” cô gái trả lời thích thú.

“Nhưng cô biết đấy, chơi như thế không công bằng. “Bọn hà mã làm sao mà có cơ hội chơi ngang với bọn hươu cao nghều đó được.”

Schneiderman đề nghị chúng tôi đi tiếp. Chúng tôi lại bước đi với tốc độ như trước khi đứng lại.

“Anh biết không, bằng cách sử dụng phương pháp này, tôi nhớ được hết những chuyện cười anh đã kể đấy,” cậu sinh viên nói với Jerome.

Bộ sưu tập chuyện cười của Schneiderman

“Để nhớ được những câu chuyện cười, ta cần phải xác định được chủ đề chính hoặc điểm mấu chốt của chúng. Anh có nhớ câu chuyện về anh chàng vào quán ăn, gọi một vại bia rồi đi vào nhà vệ sinh không? Khi anh ta quay lại thì cốc bia đã không còn giọt nào mà bên cạnh có một tờ giấy nhắn lại, ‘Cảm ơn – người nhanh nhất thế giới’ ấy.”

“Nghe có vẻ quen quen, nhưng tôi nhớ hình như là quán cà phê chứ không phải quán ăn đâu.”

“Sao cũng được,” cậu sinh viên không quan tâm đến chi tiết nhỏ nhặt đó. “Dù sao, tôi đã lấy từ bia và cho nó vào ‘ngăn’ thứ nhất, có biểu tượng là một cái giáo. Tôi tưởng tượng ra một anh lính say rượu cố phóng chiếc giáo về phía kẻ thủ, trong khi tay kia vẫn cầm chai bia, cả người anh ta lắc lư từ bên nọ sang bên kia.”

Jerome cười lớn, rõ ràng rất thích ý tưởng của cậu sinh viên.

“Một chuyện nữa anh kể là về đoàn người điên đi chơi và những chiếc nắp chai… Nhớ không, người phụ trách đoàn trả tiền cho chủ quán bằng cả một chiếc nắp thùng rác to đùng ấy?” Cậu bật cười khi nhớ lại chi tiết đó. “Câu chuyện đó rất buồn cười… Và từ chủ đạo, điểm mấu chốt của câu chuyện đó, là cái nắp thùng rác. Tôi liên hệ nó với ‘ngăn’ thứ 2 – chiếc thuyền của Noah. Tôi tưởng tượng ra ông trưởng đoàn đập hai cái nắp thùng rác vào nhau, như kiểu hai cái chũm chọe ấy, phát ra những tiếng inh tai và những con vật trên thuyền nhảy nhót phụ họa theo âm thanh đó. Tôi nhớ được câu chuyện là nhờ thế.”

Cậu ta dừng lại ở góc phố.

“Thôi, cảm ơn mọi người vì một ngày thật thoải mái.” Cậu hơi khẽ cúi đầu, ý bảo chúng tôi không cần đưa cậu đến hẳn trường nữa.

Chúng tôi nhận ra rằng sẽ rất khó xử cho cậu nếu có người nhìn thấy cậu đi cùng với một nhóm người trong đó có cả một cô gái hiện đại như Lisa nên chúng tôi tôn trọng mong muốn của cậu.

“Chúng tôi mới phải cảm ơn cậu chứ,” Jerome đáp và vỗ vai Schneiderman, thể hiện một tình bạn chân thành.

Cậu sinh viên chia tay chúng tôi, bắt tay Jerome, Itamar và tôi nhưng đến Lisa, cậu lại đút tay vào túi và nhìn về phía trước. “Rất vui được gặp lại cô, Lisa. Cho tôi gửi lời hỏi thăm đến Mordechai nhé,” cậu nói và mỉm cười hơi ngượng.

“Được rồi. Đi cẩn thận nhé,” cô gái trả lời và cũng nhìn chăm chăm vào chỗ mà khi nãy Schneiderman nhìn.

Chúng tôi quay lại Café Ladino. Ở đó, chúng tôi tạm biệt nhau và mỗi người đi một hướng. Trên đường ra bãi đỗ xe cạnh đường Belazel, tôi liếc nhìn qua vai. Jerome và Lisa đang ngồi trên ghế nói chuyện. Rõ ràng có một điều gì đó thật đặc biệt đang hé nở ở đó.

“Cô gái nhập cư và tên lập dị màu mè có vẻ hợp nhau đây,” tôi nghĩ.

Tối đó, tôi ngồi ăn tối với vợ tôi, Yael, cô ấy kể cho tôi nghe những việc diễn ra trong ngày. “Anh đã xem cái thư em gửi hôm qua chưa?” bỗng nhiên, vợ tôi hỏi. “Trong đó có mấy chuyện cười hay lắm.”

“Hai ngày nay anh đã kiểm tra hộp thư đâu,” tôi thú nhận và cố nhớ xem gần đây tôi có đọc được chuyện nào hay hay không. Tôi chả nghĩ ra cái gì trừ những chuyện cô ấy đã nghe cả chục lần rồi. Tuy vậy, Yael, một người phụ nữ tuyệt vời, luôn cười như thể lần đầu được nghe những câu chuyện cười của tôi vậy.

Tự nhiên tôi lại nghĩ đến phương pháp của Schneiderman.

“Chờ một phút nhé… Để anh sắp xếp lại cho có hệ thống đã,” tôi gần như là nói với chính mình.

‘1 – cái giáo – anh lính say rượu – bia – quán rượu – người chạy nhanh nhất…’

Tôi dựng lại câu chuyện cười và kể cho Yael nghe.

“2 – Noah – trưởng đoàn – hai cái nắp thùng rác đập vào nhau – nắp chai… những người điên trong quán café.”

Yael thực sự thích câu chuyện này.

Phương pháp của Schneiderman có hiệu quả thật.