Chương 12. CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ
Chúng ta có nên lo lắng về lợi ích chung
I
Tháng Một năm 2003, có 343 người được lựa chọn cẩn thận để đại diện cho một bộ phận dân Mỹ tiêu biểu tới mức gần như hoàn hảo đã tập trung ở Philadelphia để tham gia cuộc thảo luận chính trị vào cuối tuần. Chủ đề là chính sách ngoại giao của Mỹ, với những vấn đề từ mối đe dọa xung đột xảy ra với Iraq, sự phổ biến của vũ khí hạt nhân, đến đại dịch AIDS trên toàn cầu. Trước đó, trong tuần, người ta đã tiến hành thăm dò ý kiến các đại biểu để nắm được chiều hướng quan điểm của họ về các vấn đề này. Lúc đó, mỗi người được phát một tập tài liệu hướng dẫn, trong đó trình bày các sự kiện có liên quan một cách công bằng và thận trọng, và hướng thảo luận sắp tới về những vấn đề này. Khi tới nơi, các đại biểu được chia thành từng nhóm nhỏ dưới sự chủ tọa của những người vốn có kỹ năng tổ chức thảo luận và tiếp tục thảo luận kỹ những vấn đề trên vào cuối tuần. Bên cạnh đó, họ còn có cơ hội chất vấn các nhóm chuyên gia và các nhân vật chính trị đối lập. Buổi cuối cùng, các đại biểu được thăm dò ý kiến một lần nữa để xem những suy tính của họ khác nhau như thế nào.
Cuộc thảo luận này có cái tên rất dài: "Thăm dò ý kiến thảo luận về các vấn đề quốc gia" - sản phẩm trí tuệ của nhà khoa học chính trị James Fishkin ở Đại học Texas. Fishkin nghĩ ra cuộc thăm dò ý kiến này bởi ông thất vọng trước sự hạn chế của các số liệu bầu cử truyền thống và để thoát khỏi cảm giác cho rằng người dân Mỹ không có thông tin hoặc cơ hội để đưa ra những lựa chọn chính trị thông minh. Ý tưởng phía sau các cuộc thăm dò ý kiến - mà giờ đây chúng đã được tổ chức ở hàng trăm thành phố trên khắp thế giới - đó là tranh luận chính trị không nên và không cần thiết, chỉ giới hạn trong phạm vi các chuyên gia và giới tinh hoa về chính trị. Nếu có đủ thông tin và cơ hội thảo luận mọi việc với những người ngang hàng thì dân thường còn có nhiều khả năng hơn để hiểu những vấn đề phức tạp và đưa ra những lựa chọn có ý nghĩa về chính trị Theo nghĩa này, đề án của Fishkin là một vấn đề hết sức lạc quan, khẳng định niềm tin sâu sắc vào giá trị của cuộc thảo luận đầy đủ thông tin và khả năng làm chủ bản thân của những người bình thường.
Fishkin muốn cuộc trưng cầu ý kiến thảo luận trở thành một hoạt động thường xuyên trên phạm vi cả nước, hoạt động đó nếu không thay thế được các cuộc trưng cầu dân ý truyền thống thì ít nhất cũng hỗ trợ thêm cho chúng. Vì các cuộc trưng cầu ý kiến thảo luận phản ánh rõ hơn suy nghĩ thực của cử tri Mỹ đối với các vấn đề, do đó, theo ông, các chính trị gia Mỹ tốt hơn hết nên lưu ý đến chúng hơn là cách điều tra Gallup lấy ý kiến bình quân của bạn. Chắc chắn, đây là một đề án tương đối viển vông bởi lẽ việc trưng cầu ý kiến thảo luận tốn rất nhiều thời gian và tiền của nên khó có thể hình dung chúng lại trở thành một phần chính thức trong toàn cảnh chính trị Mỹ (Và trong mọi trường hợp vẫn hoàn toàn chưa rõ là các chính trị gia đương nhiệm có thực sự muốn các cử tri có đầy đủ thông tin hay không.). Nhưng nó vẫn chưa thể viển vông bằng một ý tưởng khác của Fishkin, cụ thể là ý tưởng "Ngày Thảo luận" (Deliberation Day"). Ngày Thảo luận do Fishkin và giáo sư luật của Đại học Yale, Bruce Ackerman đề xuất, có thể là một ngày nghỉ mới của quốc gia, ngày này cách các cuộc bầu cử lớn của quốc gia hai tuần. Vào hôm đó, những cử tri đã đăng ký có thể tụ tập cùng những người xung quanh mình thành những nhóm nhỏ 15 người và các nhóm lớn 500 người để thảo luận các vấn đề lớn đang bị đe dọa trong chiến dịch bầu cử. Những công dân tham gia và sau đó đi bỏ phiếu ở tuần tiếp theo sẽ được trả 150 đô la. Kỳ lạ nhất là việc Ackerman và Fishkin muốn cấm mọi công việc vào Ngày Thảo luận, "trừ những việc thiết yếu nhất". Công việc duy nhất cần làm vào ngày này là thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Giờ đây, Ackerman và Fishkin nhận ra rằng ý tưởng của họ là không tưởng - hay ở mức độ nào đó còn là lạc điệu. Nhưng họ lại biện luận rằng cần phải làm một việc gì đó có tính đột biến để ngăn chặn sự mài mòn của nền dân chủ Mỹ. Vì lý do này, người Mỹ đang ngày càng rời xa nhau và thờ ơ với hệ thống chính trị, việc thảo luận chung trở nên kém chất lượng hơn và ít thông tin hơn, và tinh thần lợi ích chung đang dần bị lu mờ trước việc chúng ta tôn sùng lợi ích riêng. Điều cần thiết là phải đưa người Mỹ trở lại với cuộc sống của một công dân, cho họ cơ hội vừa được nói lên quan điểm của mình trong một diễn đàn có ý nghĩa, vừa được học hỏi về những vấn đề này. Những buổi tụ tập thảo luận là một cách để làm được việc đó.
Ý tưởng "dân chủ thảo luận" này dễ bị biến thành mục tiêu chỉ trích. Nó có vẻ dựa trên một khái niệm phi thực tế về ý thức công dân của con người. Nó khoác cho việc thảo luận những sức mạnh gần như ma thuật. Và nó mang vẻ hống hách ta đây của đàn bà. Dù bạn thừa nhận rằng thực tế mọi người đủ hiểu biết để nắm bắt được những lý luận chính trị phức tạp thì vẫn chưa rõ là họ có kiên nhẫn hay năng lực để làm được như vậy hay không, cũng không biết họ có muốn nghe người ta bảo rằng họ không thể làm việc vì đã đến lúc bàn về chính trị. Ví dụ, Thẩm phán Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ Richard Posner đã coi thường quan điểm cho rằng việc thảo luận sẽ biến chúng thành những hình mẫu của lý trí và đức hạnh. “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một xã hội thiếu văn hóa sâu sắc", ông viết: "Công dân Mỹ hiếm khi thích các khái niệm trừu tượng, ít có thời gian và không có thiên hướng dành nhiều thời gian rèn luyện bản thân để trở thành những cử tri hiểu biết và có tinh thần vì mọi người. Và trong mọi trường hợp, khả năng để tư duy xem "lợi ích chung” có thể là gì có lẽ vượt ra ngoài khả năng của đa số mọi người. "Việc hình thành quan niệm đầy đủ về lợi ích chung của xã hội nói chung khó hơn rất nhiều so với việc xác định xem lợi ích riêng của một người nằm ở đâu", Posner viết. "Không phải chỉ vì kết quả của lợi ích cá nhân là cái khó mà lừa được người ta; mà là việc lập luận về cách hành động hiệu quả nhất đối với một mục đích nhất định - lập luận công cụ, kiểu lập luận cần có khi hành động vì lợi ích riêng - dễ hiểu hơn nhiều so với việc lập luận về nhiều mục đích, dạng lập luận cần thiết để xác định điều gì là tốt nhất đối với cả xã hội nói chung."
Khi liệt dân chủ thảo luận vào loại Khái niệm 1, Posner cho rằng tốt hơn hết chúng ta nên cố gắng tận dụng điều tốt đẹp nhất của cái ông gọi là dân chủ theo Khái niệm 2, nó có vẻ khá giống với hệ thống chúng ta có hiện nay. Posner viết: "Dân chủ theo Khái niệm 2 khuyến khích sự thỏa hiệp, mua chuộc các nhóm người lợi ích hay đòi hỏi, duy trì hòa bình xã hội bằng cách dàn xếp những khác biệt về hệ tư tưởng - tức là khuyến khích loại công việc mà các nhà chính trị dân chủ thành thạo. Posner cho rằng, dựa vào tính vụ lợi của con người an toàn hơn dựa vào các ý tưởng của họ về điều tốt đẹp, bởi vì, như hành vi của chúng ta với tư cách là những người tiêu dùng cho thấy, mọi người có thể dễ thỏa hiệp về những quyền lợi của mình hơn là thỏa hiệp về các ý tưởng (Có thể bạn muốn chiếc xe Mercedes, nhưng lại mua chiếc Accord và việc đó có thể không làm bạn thất vọng.). Thực tế, Posner viết, "Khái niệm 2 mô tả nền dân chủ như một loại thị trường."
Sự phê bình của Posner về dân chủ thảo luận mang dáng vẻ lôi cuốn của thuyết duy thực với tư tưởng cứng rắn và Khái niệm 2 về dân chủ của ông hoàn toàn có giá trị khả thi (nó rất có ý nghĩa, căn cứ vào việc Posner rất tự hào về chủ nghĩa thực dụng của mình). Tuy nhiên, việc ông cho rằng dân chủ là gì đó giống như một thị trường có thể có một số hàm ý bất ngờ, nếu bạn đã nghiên cứu khá nhiều về điều này trong sách.
Đây là lý do tại sao. Chúng ta biết các thị trường giỏi (chưa hoàn hảo, nhưng giỏi) phối hợp tốt các hoạt động của mọi người - làm cho người bán và người mua, nhà sản xuất và người tiêu dùng, nhà cung cấp và khách hàng đi đến thỏa thuận được với nhau. Và sự phối hợp này có thể diễn ra ngay cả khi mọi người không có được mọi thông tin và không đặc biệt sành sỏi về kinh tế. Nói thẳng ra, miễn sao đối với một mặt hàng nào đó, người mua hành động như thể là họ muốn trả ít hơn và người bán hành động như thể họ muốn được trả nhiều hơn (và miễn là các thị trường tương đối cạnh tranh, v.v...), tất cả những hành động mua bán cá nhân đó khi kết hợp lại sẽ có hiệu quả. Và đây dường như là điều Posner đã nghĩ đến khi ông nói dân chủ như một thị trường. Thị trường không tạo ra kết quả lý tưởng cho tất cả mọi người - trong một thế giới lý tưởng, tôi có thể sử dụng truyền hình miễn phí, nhưng trong thế giới thị trường, tôi phải trả 60 đô la mỗi tháng để sử dụng - song nó tạo ra một kết quả phản ánh, theo cách nào đó, cái chúng ta muốn và chúng ta có thể chung sống. Và điều này xảy ra, dù mọi người thực ra chỉ lo cho công việc của mình, theo đuổi những lợi ích của chính mình, không lo lắng gì đến việc "kết quả" toàn cầu đó cần phải như thế nào.
Tuy nhiên, trong sách này, chúng ta cũng thấy là nếu bạn sử dụng các thị trường để tổng hợp nhiều thông tin về một vấn đề cụ thể - chẳng hạn như dự đoán kết quả của một cuộc bầu cử hay dự đoán doanh số bán máy in của một công ty trong quý tới bạn sẽ thường hay, thậm chí là luôn luôn, đi đến chỗ có được câu trả lời rất đúng. Và khi bạn sử dụng các thị trường theo cách đó, tất cả mọi người trong thị trường thực ra đều tự hỏi mình xem giải pháp như thế nào là đúng đối với vấn đề đặt ra. Chắc chắn, họ đang theo đuổi các lợi ích của bản thân - nếu họ dự đoán tốt, họ sẽ được lợi. Nhưng trong những trường hợp này, cách duy nhất để họ theo đuổi những lợi ích riêng là phải đưa ra được "ý kiến đúng tất nhiên, "ý kiến đúng" là một thuật ngữ khá tương đối, vì chúng ta biết rằng rất nhiều người trong các thị trường này không có được những dự đoán tốt thực sự). Và tập hợp những ý kiến đó - đúng, không đúng, nhầm lẫn hết sức, bất kể là gì - lại thường cho một câu trả lời xác đáng và vẫn cứ vậy cho dù một số người có chỉ số IQ thấp dưới 100 và không thích quan điểm trừu tượng. Và sự thật là, như chúng ta đã thấy, không có lý do gì để nghĩ rằng thị trường là cách duy nhất để kích thích trí tuệ tập thể. Những khuyến khích về tài chính rõ ràng giúp tập trung trí tuệ, nhưng theo lý thuyết, một hệ thống bỏ phiếu được thiết kế tốt có thể thực hiện công việc tốt giống như thị trường dự đoán tương lai hay thị trường cá độ.
Vấn đề khi đó là: Nếu việc ra quyết định tập thể là một cách giải quyết vấn đề thông minh giống như: "Đâu là ranh giới chiến thắng giữa đội Tampa Bay Buccaneer và đội Carolina Panthers trong trận đấu vào ngày Chủ nhật?", hoặc thậm chí táo bạo hơn (tuy nhiên cũng ít thành công hơn nhiều), như: "Giá trị hiện tại của các vòng quay tiền mặt trong tương lai của Microsoft là bao nhiêu? Tại sao nó không thể là một cách giải quyết vấn đề thông minh giống như: "Lợi ích của chương trình Medicare có tốt cho nền kinh tế Mỹ hay không?" Nếu Posner đúng, và dân chủ giống như thị trường, thì có lẽ điều đó có nghĩa là dân chủ còn có thể hiệu quả hơn rất nhiều trong việc đưa ra những quyết định tập thể đúng hơn mức chúng ta có thể nghĩ.
***
Tuy nhiên, vấn đề là có tiêu chuẩn để chúng ta đánh giá một quyết định chính trị là "đúng” hay "sai" có hay không? Các nhà dân chủ thảo luận cho là có - nó ẩn tàng trong quan điểm của họ về lợi ích chung - nhưng họ đôi lúc, hơi mơ hồ khi xác định nó như thế nào. Posner bóng gió nói đến điều đó khi ông viết về khả năng "xác định điều gì tốt nhất cho cả xã hội nói chung, nhưng sau đó, ông lại né tránh lập trường quan điểm đó, lập luận rộng ở một nước mang tính đa dạng và phân hóa như Hợp chúng quốc Hoa Kỳ thì ý tưởng về một lợi ích chung ít có ý nghĩa. Ngược lại, hãy xét tới chủ nghĩa tư bản. Chúng ta có cảm nhận tương đối tốt về việc chủ nghĩa tư bản hoạt động như thế nào và nó cố gắng thực hiện điều gì, có nghĩa là chúng ta có cảm nhận khá tốt về việc nó có hoạt động hay không. Thị trường, như chúng ta đã thấy, cần phải để đất nước xử lý thông tin kinh tế và phân phối một cách hiệu quả, từ đó cần phải hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Rõ ràng, có những chiều hướng khác đối với chủ nghĩa tư bản mà các nhà tư tưởng đặc biệt nhấn mạnh, bao gồm các lợi ích xã hội của việc quản lý tài sản cá nhân và lợi ích về đạo đức của sự tự do kinh tế. Nhưng khi bạn tìm cách nghĩ về thị trường với tính chất là một cơ chế giải quyết vấn đề và ra quyết định, thì những tiêu chuẩn bạn áp dụng để đánh giá nó lại khá rõ ràng.
Mặt khác, với nền dân chủ, thực sự không rõ là nền dân chủ ủng hộ cái gì. Có phải chúng ta có dân chủ vì nó mang lại cho mọi người cảm giác được tham gia và được làm chủ cuộc sống của mình và do đó góp phần vào sự ổn định chính trị? Có phải chúng ta có dân chủ vì các cá nhân có quyền điều khiển chính mình, dù là họ sử dụng quyền đó theo những cách lố bịch? Hay chúng ta có dân chủ vì nó thực sự là một phương tiện tuyệt vời để đưa ra những quyết định thông minh và khám phá chân lý?
II
Hầu tước Condorcel đã có lời giải cho câu hỏi đó: Dân chủ vốn có tiềm năng là một cách tốt nhất và đáng tin cậy nhất để đưa ra những quyết định xác đáng. Condorcet là một nhà trí thức thời Khai sáng, một học giả tham chính, người đã tin vào những khả năng vô hạn của lý trí con người. Condorcet bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một nhà toán học, nhưng công trình giúp ông trở nên nổi tiếng ngày nay là công trình nghiên cứu về việc bỏ phiếu và các cuộc bầu cử. Hồi giữa những năm 1780, Condorcet đã viết nên kiệt tác Tiểu luận (L’ Essai) của ông. Đó là một luận thuyết súc tích, thường khó hiểu, về xác suất và việc bỏ phiếu, nhưng ẩn chứa trong đó là những ý tưởng mà thậm chí cho đến ngày nay vẫn tiếp tục định hướng cho khoa học chính trị và học thuyết chính trị. Trong số những ý tưởng đó, có một ý tưởng thường được gọi là Định lý Ban hội thẩm, định lý này đã được Condorcet chứng minh bằng toán học trong Tiểu luận.
Định lý Ban hội thẩm đúng ra là một ý tưởng cực kỳ đơn giản. Hình dung một nhóm người đang cố gắng quyết định xem trong hai lựa chọn, cái nào là đúng (Ví dụ điển hình về việc này có thể là một ban hội thẩm mà có lẽ đang muốn kết án kẻ có tội và tha bổng người vô tội.). Chừng nào tất cả mọi người trong nhóm còn muốn có được câu trả lời đúng, Condorcet chỉ rõ, thì sự lựa chọn của đa số nhóm sẽ có khả năng đúng nhiều hơn so với lựa chọn của thành viên trung bình trong nhóm, và nhóm càng lớn, thì càng có khả năng câu trả lời của đa số là đúng. Thực ra, nhóm không nhất thiết phải quá lớn mới có thể chắc chắn có được câu trả lời đúng. Nói cách khác, định lý này là một loại bằng chứng cho thấy luận đề của cuốn sách này áp dụng được cho việc bỏ phiếu.
Condorcet sử dụng ví dụ về ban hội thẩm để lý giải luận đề của ông vì quyết định của ban hội thẩm là rõ ràng và dứt khoát theo những giá trị tương đối. Xét cho cùng chỉ có hai lựa chọn. Câu trả lời đúng và câu trả lời sai. Và mọi người, ít nhất là trên lý thuyết, đều quan tâm đến việc khám phá chân lý. Nhưng Condorcet không muốn giới hạn định lý này trong phòng xử án, vì nó có vẻ biện minh một cách xuất sắc cho nền dân chủ, ít nhất là trong những trường hợp các cử tri chỉ đứng trước hai lựa chọn (điều này, chắc chắn, không phải là một đặc tính thứ yếu). Tóm lại, nếu độ tin cậy trong quyết định của nhóm cao hơn khi nhóm đông người hơn thì nền dân chủ ở khu vực bầu cử rộng có vẻ sẽ có tiềm năng đưa ra được những quyết định đặc biệt đúng đắn. Condorcet tin rằng dân chủ có giá trị bởi vì nó đặt ra giới hạn đối với quyền lực không bị kiềm chế và bởi không có lý do gì để tin rằng kẻ có quyền và có tiền được độc quyền đối với trí tuệ. Thế nhưng, Định lý Ban hội thẩm của ông dường như còn hứa hẹn một điều rằng dân chủ có giá trị vì nó cũng có thể đưa ra những quyết định luôn luôn tốt hơn.
Tuy nhiên, có một cái bẫy. Trước khi bạn có thể tin vào quyết định của một nhóm, có bốn điều kiện chính phải được thỏa mãn. Thứ nhất, các cử tri không được bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ coi là sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất cho họ mà phải là ứng cử viên mang lại nhiều lợi ích nhất cho tất cả mọi người. Thứ hai, các lá phiếu của họ cần phải độc lập với nhau, nghĩa là không chỉ mù quáng đi theo người dẫn dắt dư luận hoặc phương châm của đảng phái. Thứ ba, các cử tri phải tương đối có đủ thông tin. Cụ thể, họ phải có trung bình hơn 50% cơ hội tìm ra câu trả lời đúng cho câu hỏi. Rõ ràng điều này không phải là cái gì đó bạn có thể cân đo chính xác - đặc biệt khi không có ai thực sự biết đâu là câu trả lời đúng trong bất kỳ trường hợp cụ thể nào (Đó là lý do tại sao bạn phải hỏi "ban hội thẩm".). Nhưng nó đưa ra một kinh nghiệm hữu ích để đánh giá xem liệu một nhóm có đủ hiểu biết để đưa ra lựa chọn đúng hay không. Thứ tư, phải có một câu trả lời đúng. Cái đó không nhất thiết phải là "đúng" theo ý nghĩa bản thể học sâu xa nào đó mà chỉ là "đúng theo nghĩa đó là quyết định tốt nhất đối với cả nhóm nói chung. Và đây là chỗ chúng ta bắt đầu: nếu bạn nghĩ không có cái như lợi ích chung hay lợi ích cộng đồng thì Định lý Ban hội thẩm chẳng có tác dụng gì.
Đến lúc này chúng ta mới thấy đó là những điều kiện khá khắc nghiệt. Nhưng điều thú vị đó là, về một ý nghĩa nào đó, chúng nêu ra một số vấn đề quan trọng nhất để tìm hiểu khi suy ngẫm về cách thức các nền dân chủ hoạt động. Bởi vậy, ở những phần sau, tôi muốn xem xét từng điều kiện đó, có chú ý tới hai vấn đề: Các cử tri, ít nhất là ở Mỹ, thực sự đưa ra các quyết định như thế nào? Và: Có lý do nào để nghĩ rằng nền dân chủ hiện đại đã thỏa mãn được các điều kiện của Định lý Ban hội thẩm hay không (điều này dĩ nhiên nghĩa là dân chủ hiện đại có thể thông minh)?
III
Đầu những năm 1960, khoa học chính trị đã bị kinh tế học xâm lấn. Đặc biệt, nó bị xâm lấn bởi những nhà kinh tế học muốn áp dụng cùng một cách lập luận của họ khi nghiên cứu cách thức các thị trường hoạt động vào nghiên cứu cách thức chính trị hoạt động. Tất nhiên, điểm khởi đầu ngầm định đối với phần lớn phân tích về các thị trường là việc mưu cầu lợi ích riêng. Các thị trường hoạt động được, ít nhất phần nào là do gắn việc mưu cầu lợi ích riêng của cá nhân mọi người với những mục đích có lợi cho tập thể. Do đó, điều tự nhiên đối với các nhà nghiên cứu chính trị mới này là bắt đầu với tiền đề cho rằng tất cả những người tham gia chính trị - các cử tri, các chính trị gia, những người điều chỉnh - xét cho cùng đều bị chi phối bởi tính vụ lợi. Cử tri muốn bầu cho ứng cử viên nào quan tâm đến quyền lợi tài chính riêng của họ, chứ không phải là ứng cử viên quan tâm đến sự thịnh vượng của đất nước nói chung (trừ khi sự thịnh vượng của đất nước ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của cá nhân cử tri). Các chính trị gia muốn, trên hết, là được tái đắc cử và do đó, sẽ bỏ phiếu không theo cách mà họ nghĩ là tốt nhất cho quốc gia, mà theo cách họ nghĩ là có cơ hội tốt nhất để lôi kéo được cử tri, điều này thường biến thành trò chơi chính trị bằng tiền của chính phủ và đặc biệt chú ý tới lợi ích của các nhóm vận động hành lang mạnh. Những người điều chỉnh muốn giữ công việc của mình và bao quát được nhiều nguồn hơn, do đó họ luôn có động cơ để cường điệu hóa tầm quan trọng của việc họ làm và tìm cách mở rộng phạm vi nhiệm vụ của họ. Không giống trong thị trường, trong chính trị, tất cả hành vi vụ lợi này không nhất thiết biến thành các mục đích tốt cho tập thể. Thay vào đó, các nhà kinh tế này - gọi nôm na là "các nhà lý luận về sự lựa chọn của công chúng” - coi chính phủ là cái chỉ liên tục phình to ra (vì mọi người có được lợi ích riêng khi có thêm chút gì đó từ nhà nước và không ai quan tâm đến lợi ích tập thể), chỉ giải quyết ổn thỏa những công việc họ đang điều tiết và cho phép thực hiện chính sách kinh tế theo hướng phục vụ lợi ích của các nhóm có thế lực thay vì lợi ích của công chúng nói chung.
Học thuyết về sự lựa chọn của công chúng là một trong những hệ tư tưởng mà khi đó, theo trực giác, có vẻ như vừa đúng lại vừa sai.
Theo cách học thuyết mô tả về chính trị vì các nhóm lợi ích. Cách nhìn nhận về mức độ các vấn đề lâu dài bị trì hoãn bởi những lý do chính từ trước mắt và nhất là hình ảnh mà nó dựng lên về việc nhiều quy định được đặt ra thực chất là để phục vụ lợi ích của các công ty được điều tiết, thì học thuyết này rất phù hợp với hình ảnh có phần gây buồn nản về tiến trình hoạch định chính sách ở Washington trong con mắt người Mỹ. Mặt khác, việc học thuyết cho rằng nguyên tắc cơ bản và lợi ích của công chúng không hề có chỗ trong chính trị, rằng các cử tri chỉ nghĩ đến những điều kiện riêng biệt của họ mà không nghĩ đến tất cả những vấn đề chính trị và xã hội lớn hơn khi đi bỏ phiếu và rằng các nhóm lợi ích gần như hoàn toàn nắm quyền kiểm soát đối với tiến trình lập pháp, nên rõ ràng nó đã bỏ qua điều gì đó quan trọng. Theo các nhà lý luận về sự lựa chọn của công chúng thì hiển nhiên là, như James Buchanan và Gordon Tullock đã nói: Một cá nhân bình thường hành động trên cơ sở của cùng một thang giá trị chung khi anh ta tham gia vào hoạt động thị trường và hoạt động chính trị." Nhưng đây mới chỉ là sự xác nhận đơn giản về thực tế chứ chưa phải là cái đã được chứng minh. Hơn nữa, có một điều dường như cũng hợp lý nữa là các hoạt động khác nhau thể hiện những giá trị khác nhau ở con người. Cuối cùng, chúng ta có thực sự đối xử với các thành viên trong gia đình mình giống như đối xử với khách hàng hay không?
Ý nghĩa chính không phải là tính vụ lợi không liên quan gì tới các cử tri. Chỉ nói điều rõ nhất là: cho dù ai đó có chọn ứng cử viên mà anh ta nghĩ là sẽ tốt nhất cho đất nước nói chung thì tính vụ lợi đương nhiên vẫn tác động đến những yếu tố anh ta nghĩ sẽ làm cho một ứng cử viên trở nên nặng ký hay nhẹ ký. Mục tiêu đạt được cách nhìn hoàn toàn vô tư, không tính đến triển vọng lâu dài đối với chính trị rõ ràng là vô ích. Nhưng điều đó không có nghĩa là tính vụ lợi định đoạt được các quyết định của cử tri. Sự thật đơn giản là người nào đó đã lo lắng đến việc bỏ phiếu, rốt cuộc, đều cho thấy là họ không đơn thuần bị tính vụ lợi dẫn dắt. Những lời than vãn về lượng cử tri tham gia bỏ phiếu thấp có thể là có tính chất bắt buộc trong các giới chính trị Mỹ. Nhưng theo quan điểm của các nhà kinh tế học, điều khó hiểu là chẳng có ai lo lắng đến việc bỏ phiếu cả. Xét cho cùng, lá phiếu của bạn thực sự không có cơ hội làm thay đổi kết quả, và đối với hầu hết mọi người, sự tác động của bất kỳ một chính trị gia nào - thậm chí là tổng thống - đối với cuộc sống thường nhật của họ là tương đối nhỏ. Nếu lá phiếu của bạn không quan trọng và việc lựa chọn người thắng cử cũng không mấy quan trọng, thì tại sao phải bỏ phiếu?
Các nhà lý luận về sự lựa chọn của công chúng đã cố gắng hết sức lý giải xu hướng bỏ phiếu của mọi người. Ví dụ, William Riker lập luận rằng thông qua việc bỏ phiếu, mọi người muốn khẳng định một thiên hướng đảng phái" và khẳng định tính có hiệu quả (của họ) trong hệ thống chính trị", chứ không phải là cố gắng tác động đến kết quả của một cuộc bầu cử. Nhưng cách lý giải tỉ mỉ hơn dường như có nhiều khả năng đúng hơn. Mọi người đi bầu cử vì nghĩ họ nên làm như vậy - các số liệu của Riker về các cuộc bầu cử từ những năm 1950 cho thấy "ý thức trách nhiệm của con người là yếu tố duy nhất tốt nhất dự báo là họ có bỏ phiếu hay không - và vì họ muốn có một tiếng nói, dẫu rất nhỏ, về cách thức hoạt động của chính phủ họ.
Lúc này, dù là người ta có chọn bỏ phiếu vì lý do nào đó khác với hành vi vụ lợi, thì cũng không có nghĩa là những lá phiếu thực sự của họ phản ánh điều gì đấy không phải là tính vụ lợi. Nhưng ở đây, một lần nữa, có những giới hạn đặt ra cho lập luận về tính vụ lợi. Trước hết, không có mối tương quan rõ rệt giữa tính vụ lợi, ít nhất là theo nghĩa hẹp, với hành vi bầu cử. Chỉ lấy một ví dụ rõ nhất đó là: phần lớn các cử tri Mỹ không phải là giàu có và sẽ không bao giờ giàu có. Tuy nhiên, ít nhất từ năm 1980, họ đã tỏ ra ít hoặc không quan tâm đến việc nâng mức thuế đánh vào người giàu và sử dụng thu nhập phục vụ cho các mục đích của chính họ. Mới đây hơn, trong hàng loạt nghiên cứu hồi những năm 1980, Donald Kinder và Roderick Kiewiet đã điều tra các cử tri và thấy rằng không có sự liên hệ giữa cách các cử tri nói họ đang làm theo cách riêng với các lá phiếu của họ. Thậm thí đáng chú ý hơn, các nghiên cứu của nhà khoa học chính trị David Sears còn cho thấy rằng hệ tư tưởng làm công việc dự đoán quan điểm đối với các vấn đề tốt hơn nhiều so với tính vụ lợi. Ví dụ, các đảng viên Đảng Bảo thủ không có bảo hiểm sức khỏe vẫn phản đối bảo hiểm sức khỏe quốc gia, trong khi các đảng viên Đảng Tự do, những người có bảo hiểm sức khỏe, lại ủng hộ nó.
Chẳng có điều gì ở đây biểu thị rằng cử tri Mỹ trung bình đi tới đó là để nghiên cứu kỹ các vấn đề và suy nghĩ thật thấu đáo trước khi bỏ lá phiếu của mình. Không hề như vậy. Rõ ràng, mọi người trước hết sẽ dựa vào hiểu biết cục bộ khi đưa ra quyết định của mình - phần nhiều giống như người ta vẫn làm trong một thị trường. Nhưng ở đó không có sự mâu thuẫn giữa cách nói quan điểm của mọi người về các vấn đề và về các ứng cử viên được định hướng bởi hoàn cảnh cục bộ và tính vụ lợi với cách nói cho rằng cử tri có thể vẫn còn quan tâm tới việc chọn ra người thích hợp nhất cho công việc, chứ không phải chỉ là người thích hợp nhất cho chính bản thân họ.
IV
Theo mô hình của Condorcet, nhóm những người ra quyết định mang tính đa dạng về các ý kiến và thu hút được nhiều nguồn thông tin khác nhau để đạt đến các kết luận của nhóm. Sự nhấn mạnh vào tính đa dạng như thế này rõ ràng rất phù hợp với tất cả những gì chúng ta đã biết về trí tuệ tập thể, về những hiểm họa của sự tuân theo và về giá trị của lối tư duy độc lập so với lối tư duy lệ thuộc. Nhưng nếu sự nhấn mạnh vào tính đa dạng có phải là một cách mô tả hiện thực về cách thức bầu cử của con người hay không? Có lẽ, một điều nữa là: nếu các cử tri có thực sự độc lập, hay đúng ra lại theo sự dẫn dắt của một nhóm người tạo dư luận nhỏ hơn nhiều?
Về phương diện lịch sử, một trong những mối lo ngại lớn đối với nền dân chủ là việc công chúng rất nhạy cảm trước sự tuyên truyền và dễ bị dao động trước những lôi kéo thô bạo và phi lý. Trong tác phẩm kinh điển, Công luận (Public Opinion) của mình, Walter Lippmann đã coi sự vận động tư tưởng công chúng giống như việc xác định rõ đời sống chính trị, ông viết: "Trong đời sống của thế hệ nay đang nắm quyền kiểm soát các vụ việc, nghệ thuật thuyết phục đã trở thành một nghệ thuật tự giác và là một cơ quan thường trực của chính phủ. Không ai trong chúng ta bắt đầu hiểu ra các hệ quả, mà không có sự dự đoán táo bạo rằng việc biết cách tạo ra sự đồng thuận sẽ thay đổi mọi tính toán chính trị và biến đổi mọi tiền đề chính trị." Và chắc chắn những việc mà các đảng phái chính trị dùng để thay đổi các hình ảnh, tạo ra những lời phát biểu ngắn và kiểm soát việc đưa tin của các phương tiện thông tin đại chúng nói lên rằng các đảng phái cũng đều tin tưởng vào khả năng thay đổi công luận của họ. Thế nhưng, thật thú vị, ít nhất là trong nền chính trị Mỹ, bằng chứng về việc các quan điểm chính trị của người dân để hình thành một cách đầy ý nghĩa theo kiểu từ trên xuống dưới lại sơ lược nhất. Trong công trình nghiên cứu cổ điển về các cuộc bầu cử tổng thống từ năm 1940 - 1944 ở một thành phố thuộc bang Ohio, Paul Lazarsfeld nhận thấy tác động lớn nhất của các chiến dịch vận động là "sự củng cố, chứ không phải thay đổi". Có lẽ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, những người quan tâm chú ý tới các phương tiện thông tin đại chúng và các cuộc bầu cử nhiều nhất là những người đã có chiều hướng nghiêng hẳn về phía này hay phía kia và họ chủ yếu đọc và nghe những thông tin phù hợp với quan điểm của họ. "Những người dễ thay đổi nhất - những đối tượng mà người chỉ đạo trước vận động muốn vươn tới nhất - lại đọc và nghe ít nhất."
Rõ ràng, trong 60 năm kể từ khi có nghiên cứu đó, sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng quả là phi thường Nhưng, dù gì đi nữa, kết luận về "sự củng cố, chứ không phải thay đổi" vẫn đứng vững, thậm chí vững hơn, với tính chất là sự mô tả diện mạo lĩnh vực chính trị ngày nay nhờ có sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông hữu hiệu phục vụ cho mọi lợi ích chính trị. Người ta có thể cho rằng vấn đề thực tế ngày nay không phải là việc tuyên truyền thúc giục mọi người đi theo hướng này hay hướng khác, mà là để dễ hơn cho việc nắm bắt mọi thông tin và kiến thức từ một nguồn chung mang tính chặt chẽ về ý thức hệ. Về mặt lịch sử, điều này không phải là bất thường: trong thời kỳ cực thịnh của báo chí giật gân, mỗi phe phái đều có một tờ báo riêng và ý định của các nhà báo muốn đưa ra một bức tranh "khách quan" về thế giới có vẻ như ngớ ngẩn. Điều đó không nhất thiết gây tai hại đối với việc dân chủ ra quyết định, vì nó đẩy mạnh tính đa dạng, nhưng lại đưa chúng ta đi quá xa so với hình ảnh nhà tư tưởng có ý kiến độc lập của Condorcet.
V
Theo một cuộc trưng cầu dân ý của Trường Đại học Maryland thực hiện năm 2001, người Mỹ cho rằng nước Mỹ nên chi 1 đô la cho viện trợ nước ngoài so với 3 đô la cho quốc phòng (Tôi không thể hoàn toàn tin vào điều này nhưng đó là kết quả mà cuộc trưng cầu dân ý thể hiện). Thực tế, Mỹ - nước có nguồn ngân sách trợ giúp nước ngoài thấp nhất trong số các nước phát triển - chi 1 đô la cho trợ giúp nước ngoài so với 19 đô la chi cho quốc phòng. Tuy nhiên, khi bạn hỏi người Mỹ là liệu có phải chúng ta đang chi quá nhiều tiền cho trợ giúp nước ngoài hay không thì câu trả lời theo truyền thống là "có". Một lý do có thể là, như cuộc trưng cầu dân ý của Trường Đại học Maryland đã thể hiện, người Mỹ nghĩ rằng nước Mỹ đã chi 24% ngân sách hàng năm của họ cho trợ giúp nước ngoài. Sự thực là họ chi dưới 1%.
Cuộc trưng cầu dân ý đó không phải là ví dụ duy nhất. Hầu như chẳng khó khăn gì khi đưa ra bằng chứng cho thấy cử tri Mỹ biết ít tới mức nào. Chẳng hạn, một cuộc trưng cầu dân ý năm 2003 nhận thấy một nửa số người được điều tra không biết có sự cắt giảm thuế trong hai năm trước. 30% người Mỹ nghĩ rằng thuế An ninh xã hội và Chăm sóc sức khỏe theo chương trình Medicare là một phần trong hệ thống thuế thu nhập và 25% không biết có phải vậy hay không. Ở thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh lạnh, một nửa tổng số dân Mỹ nghĩ rằng Liên Xô là thành viên của NATO. Nếu căn cứ vào tất cả những điều này thì có thực sự đúng là tất cả cử tri Mỹ đều có trên 50% cơ hội đưa ra sự lựa chọn vì lợi ích chung hay không?
Ồ không. Nhưng sự thật đó không phải là vấn đề thực tế khi nói đến dân chủ đại diện. Trong một nền dân chủ đại diện, vấn đề thực sự là: Có phải các cử tri Mỹ có trên 50% cơ hội lựa chọn được ứng cử viên có khả năng đưa ra những quyết định đúng hay không? Về những giá trị này, dường như còn đáng tin cậy hơn mức họ có. Trước hết, tất cả những gì Định lý Ban hội thẩm thực sự đòi hỏi đó là, trung bình, người Mỹ phải có trên 50% cơ hội đưa ra lựa chọn đúng. Quan trọng hơn, việc mọi người không biết Mỹ chi bao nhiêu cho viện trợ nước ngoài không phải là dấu hiệu họ thiếu thông minh. Đó là dấu hiệu họ thiếu thông tin, mà bản thân nó đã biểu thị họ thiếu quan tâm đến các sự kiện chính trị. Nhưng ý nghĩa chính của dân chủ đại diện đó là nó chấp nhận cùng một dạng phân chia lao động theo nhận thức đang tồn tại trong phần còn lại của xã hội. Các chính trị gia có thể chuyên nghiên cứu và nắm được kiến thức cần thiết để đưa ra những quyết định sáng suốt và các công dân có thể giám sát họ để xem những quyết định đó thể hiện điều gì. Khi ấy, đúng là trong số những quyết định này có một số sẽ không bao giờ được chú ý và số khác sẽ bị hiểu sai. Tuy nhiên, những quyết định thực sự có tác động cụ thể đến cuộc sống con người, tức là những quyết định quan trọng nhất, sẽ không bị bỏ qua. Theo nghĩa này. một thành phần cơ bản của nền dân chủ vững mạnh là sự cạnh tranh. Cạnh tranh tạo nhiều khả năng hơn để các chính trị gia đưa ra quyết định đúng bằng cách tạo nhiều khả năng để họ dễ bị trừng phạt hơn khi không làm được như vậy.
Một phản ứng tự phát trước bằng chứng về những thất bại của nền dân chủ là việc khăng khăng khẳng định chúng ta có thể được cai trị tốt hơn bởi tầng lớp chóp bu theo chế độ kỹ trị, tầng lớp này có thể đưa ra các ra quyết định một cách vừa thản nhiên, vừa chú ý tới lợi ích chung như Condorcet có thể muốn. Tất nhiên, ở mức độ nào đó, với hình thái chính phủ cộng hòa và tầm quan trọng của những quan chức không qua bầu cử thì chúng ta đều nghĩ đến, chẳng hạn, Donald Rumsfeld hay Colin Powell trong đời sống chính trị. Nhưng tầng lớp chóp bu đó ít nhất cũng phải luôn để ý đến những gì mọi người muốn. Phải chăng họ không thể làm việc tốt hơn nếu họ thực sự độc lập?
Ở điểm này sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thấy tôi trả lời là không. Trước hết, nếu cho rằng đối với những vấn đề phức tạp, chỉ cần hỏi các chuyên gia là sẽ có được lời giải đúng thì điều này ngụ ý: lời giải của các chuyên gia đều thống nhất với nhau. Nhưng họ không thống nhất và nếu đã có, thì khó mà tin được rằng công chúng lại có thể đơn giản bỏ qua lời khuyên của họ. Các tầng lớp chóp bu chỉ theo đảng phái và cống hiến cho lợi ích chung không nhiều hơn so với cử tri bình thường. Quan trọng hơn, như Định lý Ban hội thẩm đã nêu, khi bạn thu hẹp quy mô của nhóm ra quyết định, bạn cũng thu hẹp khả năng đi đến câu trả lời đúng cuối cùng. Tóm lại, phần lớn các quyết định chính trị không chỉ là quyết định về cách thực hiện việc gì đó như thế nào. Chúng là những quyết định về việc cần làm, quyết định liên quan đến các giá trị, đến sự cân bằng thỏa hiệp và đến sự lựa chọn về hình thái xã hội cần thiết cho con người. Không có lý do gì để nghĩ rằng các chuyên gia có thể đưa ra những quyết định này giỏi hơn cử tri bình thường. Thomas Jefferson hẳn đã nghĩ rằng họ có thể còn kém hơn. "Lấy ví dụ một trường hợp mang tính đạo lý về người thợ cày và ông giáo sư, ông viết, người thợ cày sẽ quyết định đúng và thường đúng hơn giáo sư vì anh ta không bị những quy tắc do con người đặt ra làm cho lầm đường lạc lối."
Còn một thực tế nữa là nền dân chủ cho phép thường xuyên tiêm nhiễm vào hệ thống cái mà tôi gọi ở trên là "kiến thức cục bộ". Chính trị, suy cho cùng, là sự tác động của chính phủ đối với cuộc sống thường ngày của người dân. Vậy thì có vẻ kỳ lạ nếu nghĩ rằng cách thức làm chính trị tốt nhất lại là không dính líu đến cuộc sống thường ngày của người dân càng nhiều càng tốt. Cũng giống như cách một thị trường vững mạnh thường xuyên cần có luồng thông tin cục bộ thu thập được từ giá cả, một nền dân chủ vững mạnh thường xuyên cần có luồng thông tin thu được từ các lá phiếu của người dân. Đó là thông tin mà các chuyên gia không thể có được vì đó không phải là phần của thế giới họ đang sống. Và điều đó làm cho hệ thống này mang tính đa dạng hơn nếu không như vậy. Như Richard Posner đã phát biểu: "Các chuyên gia tạo nên một tầng lớp riêng biệt trong xã hội, với những giá trị và triển vọng khác một cách có hệ thống với những giá trị và triển vọng của những người "bình thường”. Tuy không cho rằng người ngoài đường cũng có những cách nhìn sắc sảo nào đó mà không cần tới khả năng chuyên môn, hoặc không bị chính sách mị dân tiêm nhiễm nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng điều đó một lần nữa khẳng định quyền lực chính trị là được chia sẻ giữa các chuyên gia và những người không phải chuyên gia, chứ không chỉ là sự độc quyền của chuyên gia.
VI
Giả dụ, nếu chỉ vì mục đích lập luận, thì thực ra dân chủ như chúng ta biết thỏa mãn được ba yêu cầu đầu tiên trong định lý của Condorcet. Nói cách khác, giả dụ các cử tri đang cố gắng chọn lấy một sự lựa chọn tốt nhất; các cử tri đều độc lập; và cử tri bình thường có khả năng không đúng nhiều hơn khi anh ta tìm cách chọn ra ứng cử viên thích hợp nhất cho chức vụ thì vẫn còn một vấn đề cuối cùng. Để nói rằng nền dân chủ thực sự đưa ra được những quyết định thông minh, bạn phải thừa nhận các vấn đề chính trị đều có câu trả lời đúng, theo nghĩa câu trả lời có giá trị trên thực tế cho tất cả mọi người. Trong một phiên tòa, có một câu trả lời đúng cho xã hội: nếu bên bị kiện có tội, hãy buộc tội anh ta; nếu anh ta vô tội, hãy để anh ta tự do. Nhưng có điều tương tự tồn tại trong lĩnh vực chính trị hay không? Nếu có, thì về một ý nghĩa nào đấy, nó có giống với lợi ích chung hay không?
Bản thân Condorcet đã tin là có. Ông không tin là người ta có thể tự nhiên đồng ý với những gì là chân lý - nếu có tin, tại sao còn cần đến các buổi thảo luận và các cuộc bầu cử? - cũng không tin là người ta luôn tìm được con đường dẫn đến chân lý (Một số cuộc bầu cử, rốt cuộc, vẫn không thỏa mãn được các tiêu chí của ông.). Nhưng ông không nghi ngờ là trên lý thuyết, những điều đó đều có thể. Một phần, đó là do ông nghĩ rằng, xét về tổng thể, đa số mọi người trong xã hội "đều có ít nhiều nhu cầu giống nhau... thị hiếu giống nhau", do đó, có khả năng một số chính sách nào đó thực ra lại tốt hơn cho tất cả mọi người nếu so với những chính sách khác. Nhưng mặt khác, do ông vẫn có niềm tin vững chắc vào mối quan hệ giữa lý trí con người và trật tự xã hội. Như một câu nổi tiếng mà ông từng phát biểu, một câu nói mà cảm quan hiện đại sẽ cho là hơi "sến": "Tạo hóa liên kết chân lý, hạnh phúc và đức hạnh với nhau thành một chuỗi không thể tách rời."
Condorcet cho rằng lợi ích chung có tồn tại và chính phủ đã tìm ra một nơi đã sẵn sàng ở Mỹ. Nhà khoa học chính trị Norman Schofield thực sự cho rằng công trình của Condorcet có ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng của James Madison, ông cho rằng những đại biểu đã được chọn để giữ vai trò phụng sự theo hình thức của ban hội thẩm, lựa chọn những chính sách phù hợp nhất với lợi ích chung. Lời mở đầu trong Hiến pháp Hoa Kỳ thực ra đã xác định mục đích của văn kiện này phần nào là "thiết lập công lý" và "thúc đẩy phúc lợi chung”. Và Madison, trong cuốn "Người chủ trương lập chế độ liên bang, bài số 51 (Federalist 51), đã viết rõ ràng là có hai yêu cầu đối với một chính phủ tốt đẹp: "Thứ nhất, lòng trung thành với mục tiêu của chính phủ, tức là hạnh phúc của nhân dân; thứ hai, nắm được các cách thức để đạt được mục tiêu đó." Trong khi đó, mối lo ngại về các "đảng phái" là dựa trên quan điểm cho rằng các đảng phái khiến cho chính phủ khó tìm được "lợi ích chung cho công chúng". Mối lo ngại đó tồn tại cho đến tận ngày nay trong bài phê bình quen thuộc về quyền lực của các nhóm lợi ích và những người vận động hành lang, điều đó khuyến khích chính phủ ủng hộ các lợi ích đặc biệt riêng hơn là lợi ích chung lớn hơn. Và những lời phàn nàn của các chính trị gia về tính đảng phái xấu xa ở Washington chỉ tạo ra tiếng vang đối với các cử tri bởi lẽ mọi người có cảm tưởng hoạt động chính trị vẫn diễn ra theo cách tốt nhất đối với đất nước nói chung. Trên thực tế, như chúng ta đã thấy ở phần thảo luận về các cử tri vụ lợi hiếm có chính trị gia nào lại không tỏ ra mình là người phục vụ cho lợi ích chung, dù không rõ ràng. Ngay cả khi chúng ta biết rằng thực tế ở Washington bị khống chế bởi những lợi ích đặc biệt và hoạt động chính trị bằng tiền của chính phủ, thì chúng ta vẫn bị mê hoặc trước quan điểm cho rằng chính phủ cần phải có khả năng vượt qua những mối quan tâm thiển cận.
Có điều gì đó được đoán chắc lại một lần nữa trong ý kiến cho rằng, có một lợi ích chung, bởi lẽ lợi ích đó làm cho xã hội dường như có ý nghĩa lớn hơn, chứ không chỉ là một tập hợp hổ lốn những lợi ích liên hệ lỏng lẻo với nhau. Và mặc dù Margaret Thatcher từng phát biểu một câu nổi tiếng là: "Xã hội không tồn tại", thì nó vẫn tồn tại. Giá như nó chỉ tồn tại trong khát khao của chúng ta về nó mà thôi! Vấn đề là trong thuật ngữ chính trị, lợi ích chung dường như không thể xác định. Nhà lý luận dân chủ Robert Dahl cho rằng: theo định nghĩa truyền thống, lợi ích chung có thể là một điều gì đó giống như "hòa bình, trật tự, sự thịnh vượng, sự công bằng và cộng đồng”. Theo thuật ngữ rộng nhất, người ta có thể nói rằng các nền dân chủ, ít nhất là ở phương Tây, đã làm rất tốt việc bảo đảm những lợi ích đó. Nhưng sự thực là những phạm trù này mơ hồ tới mức khó có thể gắn cho chúng một ý nghĩa nào. Và khi các định nghĩa về lợi ích chung trở nên quá cụ thể, nhiều người sẽ dễ dàng nhận thấy chúng không hề miêu tả các lợi ích chung. Một trong những vấn đề đối với thuyết dân chủ thảo luận trong thực tế đó là, chẳng hạn, kết luận "đúng" thường được đánh giá là kết luận tiên tiến theo truyền thống như thế nào?
Khi đó, có thể không có cái giống như quyết định sáng suốt mang tính tập thể tồn tại trong chính trị. Và nếu thực tế đúng như vậy thì việc đánh giá dân chủ là phương pháp để đưa ra các quyết định đúng sẽ không thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, đây mới là điểm thú vị. Nếu không thể đưa ra được những quyết định chính trị sáng suốt mang tính tập thể thì tiêu chí duy nhất để đánh giá một hệ thống chính trị là đạo lý và dân chủ - được hiểu là để bảo vệ các quyền cá nhân, cho rằng tất cả các công dân đều đáng được tôn trọng như nhau và trên hết, cho phép con người làm chủ bản thân - sẽ vượt trội hơn bất kỳ hình thái chính phủ nào khác về các giá trị đạo lý, tôi cảm thấy chắc chắn khi lập luận như vậy. Mặt khác, nếu có tồn tại cái chúng ta có thể gọi là lợi ích chung thì dân chủ là hệ thống duy nhất có thể dựa vào để tìm ra lợi ích chung đó. Cuối cùng, dù thế nào chăng nữa, dân chủ vẫn có tác dụng.