Trí Thông Minh Thực Dụng

Chương 8: Hiện Thực Hóa Lý Tưởng Của Bản Thân

“Bạn luôn phải vượt qua thất bại trên con đường tới thành công.”

– MICKEY ROONEY, HOẠT NÁO VIÊN VÀ DIỄN VIÊN ĐIỆN ẢNH MỸ ĐOẠT GIẢI EMMY

“Chỉ có một thành công duy nhất – là có thể sống theo cách của riêng bạn.”

– CHRISTOPHER MORLEY, NHÀ BÁO, NHÀ VIẾT TIỂU LUẬN VÀ NHÀ THƠ MỸ

Hiện thực hóa lý tưởng của bản thân đề cập tới những gì chúng ta đạt được trong đời so với những gì chúng ta muốn có. Khó có thể đánh giá chính xác và trung thực điều này. Nó đòi hỏi chúng ta phải đồng điệu với các cảm giác và mong muốn thật sự của mình. Nhiều người đã sống quá lâu theo quan niệm về thành công của người khác nên những mong ước của chính họ đã bị chôn sâu trong tiềm thức. Trong nền văn hóa của chúng ta, chúng ta được lập trình để quan niệm sự thành đạt theo góc độ chúng ta đã tích lũy được bao nhiêu tiền bạc của cải. Nhiều người coi việc hiện thực hóa lý tưởng của bản thân là họ làm tốt công việc hoặc sự nghiệp kinh doanh như thế nào, và họ đã quản lý tài chính của mình tốt ra sao. Thành công về tài chính có thể gia tăng rất nhiều sự tự do và các lựa chọn trong cuộc sống, cho phép chúng ta hưởng thụ và trải nghiệm một lối sống phong phú hơn nhiều. Nó cũng cho chúng ta cảm giác mạnh mẽ về thành tích và làm tăng sự tự tin của chúng ta. Tuy nhiên, thành công rộng hơn thế rất nhiều, bao trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, gồm quan hệ với những người khác, các sở thích và thú vui và cấp độ phát triển bản thân. Có những người đạt được nhiều hơn so với sự trông đợi của bất kỳ ai nhưng họ vẫn khổ sở, thiếu những mối quan hệ tốt đẹp với gia đình và mọi người, và không có được cuộc sống thỏa mãn bên ngoài công việc. Họ nhanh chóng thấy rằng, không thành công nào có thể bù đắp cho sự thất bại trong gia đình.

“Đây là thời kỳ tuyệt vời nhất trong lịch sử để sống.

Đây là buổi bình minh của một thế hệ mới, những con người sáng tạo, những con người tìm kiếm sức khỏe, sự thịnh vượng, những con người tạo ra hạnh phúc và biến đổi thế giới... những con người trí tuệ nhất trên Trái đất.”

– MARIANNE WILLIAMSON, NHÀ VĂN –

Thuật ngữ hiện thực hóa lý tưởng của bản thân do Kurt Goldstein – nhà lý luận sinh thể – nghĩ ra. Ông đề cập tới thuật ngữ này với vai trò là động cơ để chúng ta có thể đạt tới các tiềm năng của mình. Khái niệm hiện thực hóa lý tưởng của bản thân thường có liên quan tới lý thuyết thang nhu cầu của nhà tâm lý học Abraham Maslow. Theo lý thuyết của ông, có các cấp độ nhu cầu khác nhau, và chúng ta phải được đáp ứng các nhu cầu trong một lĩnh vực ở cấp độ này trước khi chuyển tới cấp độ tiếp theo. Ở tầng đáy là các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc và ở. Sau đó là nhu cầu được an toàn. Sau khi các nhu cầu vật chất cơ bản được đáp ứng, chúng ta chuyển tiếp tới các nhu cầu tinh thần như tình yêu và sự tôn trọng. Trên đỉnh của tháp nhu cầu là nhu cầu hiện thực hóa lý tưởng của bản thân. Đây là hiện thân của tất cả những phẩm chất cao cấp của con người như khả năng thiết lập những tình bạn sâu sắc, khiếu hài hước, sự độc lập và tự chủ. Có thể làm thay đổi môi trường thay vì chỉ cam chịu đối mặt, được coi là bước tiến cao nhất trong sự tiến hóa của loài người. Một số người cảm thấy nhân loại không bao giờ có thể đạt tới cấp độ này. Nhưng dù sao đi nữa, nó vẫn là một mục tiêu đáng phấn đấu. Nó là đỉnh cao của trải nghiệm loài người và nếu chúng ta không nỗ lực để đạt được điều này, tức là chúng ta đang tự làm cùn bản thân và yên ổn ở mức thấp hơn khả năng của chúng ta.

Hãy đưa cuộc sống tới nơi bạn muốn nó tới

Hiện thực hóa lý tưởng của bản thân sẽ dễ xác định hơn đối với những người đã có những mục tiêu sống lâu dài và có định hướng rõ ràng. Những người khác không có mục tiêu, sẽ khó khăn hơn trong việc xác định mình đã tiến được bao xa trong hành trình của họ. Chúng ta cho rằng những người giàu có và nổi tiếng là những người đang theo đuổi ước mơ của mình và cảm nhận được thành tựu trong cuộc đời họ. Những gì họ có rất hữu hình và chúng ta luôn được nhắc nhở rằng đây chính là mục tiêu của chúng ta. Những kiểu thành tích khác mờ nhạt và kín đáo hơn. Ví dụ, ai đó đã đi quá lâu trên hành trình tìm kiếm ánh sáng tinh thần có thể cảm thấy là họ đã thực hiện được mục đích đời mình. Cách duy nhất để chúng ta thật sự biết có phải mình đang sống theo cách mình muốn hay không là hãy đi vào cảm giác bên trong. Vì chúng ta có khả năng tự lừa dối bản thân vô hạn về mặt trí tuệ, trí tuệ sẽ không cho chúng ta biết chính xác về việc chúng ta đã đi được bao xa trong hành trình của mình.

Chúng ta sẽ trở thành điều mà chúng ta nghĩ. Như đã nói lúc trước, cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay là kết quả của suy nghĩ của chúng ta từ quá khứ. Cách thay đổi tương lai là chúng ta chỉ nghĩ tới những điều chúng ta muốn.

Điều thách thức ở đây là, con người có hơn 60.000 ý nghĩ mỗi ngày. Chúng ta không thể theo dõi các ý nghĩ của mình cả ngày dài để đảm bảo rằng mình đang tập trung vào những ước muốn trong đời. Có một cách đầy sức mạnh để thấu hiểu các ý nghĩ sáng tạo là theo dõi các cảm giác của chúng ta. Cảm giác đồng nhất với ý nghĩ. Chúng ta không thể có các ý nghĩ tiêu cực khi cảm thấy yên ổn và ngược lại. Do đó, nếu chúng ta trải qua các cảm giác yên ổn, các ý nghĩ của chúng ta sẽ ở đúng hướng. Nếu chúng ta đang căng thẳng, giận dữ hoặc một cảm giác khó chịu nào đó, các ý nghĩ của chúng ta sẽ tiêu cực và ám chỉ rằng chúng ta đang lạc lối.

Trong cuốn sách Flow: The Psychology of Optimal Experience (Tạm dịch: Dòng chảy – Tâm lý trải nghiệm tối ưu), Mihaly Csikszentmihalyi nói về tình trạng nhận thức chúng ta đạt được khi hoàn toàn tập trung vào những gì chúng ta đang làm. Trạng thái này, ông gọi là dòng chảy, cho phép chúng ta vượt qua những vấn đề lo lắng hàng ngày và cảm thấy rằng chúng ta đã đạt tới khả năng cao nhất. Csikszentmihalyi nói rằng chúng ta không vô tình đạt tới trạng thái cuối cùng này mà đạt tới bằng cách đảm nhiệm những nhiệm vụ có tính thách thức nhưng không được vượt quá khả năng. Hãy nghĩ về cuộc đời bạn và xem liệu đã có lúc nào bạn cảm thấy mình đã trải nghiệm dòng chảy này chưa.

Cô bạn Julia của tôi đã trải nghiệm dòng chảy này khi cô chơi môn trượt tuyết tốc độ. Khi ở vào vị trí đỉnh cao của môn thể thao này và vượt qua nhiều đối thủ sừng sỏ, cô cảm thấy như mình có thể cất cánh bay và có thể làm bất kỳ điều gì. Sự tập trung làm tinh thần cô minh mẫn, cô hoàn toàn nhập cơ thể vào bộ trượt tuyết. Bộ trượt tuyết trở thành một phần con người cô và cô trở thành bà chủ trong thế giới của mình. Ở chân dốc, trong khoảnh khắc chờ cho cú nhảy lại đưa cô lên cao, Julia cảm nhận được ánh hoàng hôn ấm áp, một cảm giác hoàn toàn thanh thản và dễ chịu thẳm sâu trong cô.

Michel làm bếp trưởng cho một nhà hàng hạng nhất ở một thành phố lớn. Các bài báo của anh được các tạp chí thực phẩm và nhà hàng lớn xuất bản. Khi sáng tạo ra một món ăn đoạt giải, Michel như rơi vào trạng thái bị thôi miên. Anh hay nói đùa rằng, có thể các nhân viên nghĩ rằng anh bị mất trí khi mọi người nói rằng trông anh xúc động đến nỗi giống một người điên vậy. Khi chế biến món ăn, anh tưởng tượng ra sự hoàn hảo và trọn vẹn hương vị mỗi lần một thực khách thưởng thức.

Hãy nghĩ về những khoảnh khắc trong cuộc đời bạn, khi bạn hoàn toàn chú tâm vào điều mình đang làm đến nỗi bạn quên mất thời gian, hoặc thậm chí quên mất mình đang ở đâu. Bạn làm gì với những điều bạn thật sự giỏi và có thể làm rất tốt? Điều gì có thể thách thức bạn một cách lôi cuốn và đòi hỏi mọi thứ bạn có? Những trải nghiệm dòng chảy này là biển chỉ dẫn trên con đường đi tới sự hiện thực hóa lý tưởng của bản thân.

Động lực bên trong

Môi trường sống có thể giúp chúng ta đạt tới khả năng nhưng cũng có thể tạo ra những rào cản và chướng ngại vật trên con đường chúng ta đi. Ngoài khả năng của chính mình, kiểu môi trường sống của chúng ta sẽ quyết định mục tiêu nào chúng ta đáng theo đuổi và mục tiêu nào thì không. Người – có cha là một doanh nhân giàu có, thành đạt – mong muốn kinh doanh thành đạt, sẽ nhận được nhiều hỗ trợ hơn so với người có cùng mong muốn tương tự, nhưng là con của một gia đình chỉ có cha hoặc mẹ và phải sống nhờ trợ cấp của chính phủ. Rõ ràng là để đạt được mục tiêu mơ ước, trường hợp thứ hai phải có nhiều nguồn nội lực hơn, đòi hỏi nhiều lòng can đảm, sự kiên trì và cống hiến. Những người bỏ qua yếu tố môi trường sống để theo đuổi các mục tiêu của mình phải dựa vào cảm giác thỏa mãn bên trong để tạo động lực cho mình. Thông thường, môi trường trước đây của họ sẽ không ủng hộ bước tiến của họ, và thế giới mới của họ sẽ không hiểu và trân trọng sự phấn đấu của họ do cách người ta nhìn về môi trường trước đây của họ. Câu nói “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa” không phải lúc nào cũng đúng. Trong một số trường hợp, con sãi có thể làm nhiều việc khác hơn là quét lá đa ở chùa. Sau đây là một ví dụ về một người đã tự tìm cho mình con đường ở rất xa nguồn cội.

Câu chuyện của Ted

Ted lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp, là con út trong gia đình có ba anh chị em. Anh trai Ted làm thương mại. Chị cậu làm cho một văn phòng tại thị trấn nhỏ gần nơi họ lớn lên. Trưởng thành, Ted lúc nào cũng coi mình khác biệt so với những người xung quanh. Cậu thường đùa rằng hẳn người ta đã đánh tráo mình với một đứa trẻ khác trong bệnh viện và kết quả là cậu được trao nhầm cho cha mẹ mình. Trong khi những đứa trẻ khác trong địa phương hứng thú với công việc của cha mẹ chúng và các hoạt động của khu vực thì Ted lại quan tâm tới các sự kiện thế giới. Cậu mua sách báo, trong khi những đứa trẻ khác ở tuổi cậu thích sửa ô tô đồ chơi. Ted dễ dàng đạt được điểm số cao ở trường mà không phải học tập nhiều. Cậu bé bẩm sinh sáng dạ, có trí nhớ tuyệt vời và nắm bắt thông tin mới rất nhanh.

Ở trường phổ thông, trong khi các cậu bạn cùng lớp dự định sẽ đảm nhiệm công việc của gia đình ở nông trại, buôn bán hoặc làm việc cho một nhà máy chế biến các sản phẩm từ sữa ở địa phương thì Ted lại suy nghĩ tới việc trở thành thầy giáo. Cậu không thật sự hứng thú với việc dạy học nhưng nghĩ rằng công việc này sẽ cho cậu một mức thu nhập tương đối và nhiều thời gian nghỉ và lúc đó cậu có thể theo đuổi các sở thích khác của mình. Lúc đó, cậu cũng không chắc chắn về điều mình muốn làm nhưng cậu đã quyết định rằng sẽ không làm công việc truyền thống.

Khi vào đại học, Ted thấy thật sự thích viết bài cho tờ báo của trường. Là một người có ý chí mạnh mẽ, Ted có ý kiến dứt khoát và không e ngại khi bày tỏ những ý kiến đó. Chủ đề càng gây tranh cãi, Ted càng thích viết. Dù Ted yêu thích những năm học đại học nhưng anh cũng nhận ra, nhờ kinh nghiệm dạy học thời sinh viên, rằng đây không phải là nghề dành cho anh. Dù vậy, anh vẫn dạy học bốn năm, đếm từng ngày cho đến kỳ nghỉ hè hai tháng để anh có thể làm những điều mình muốn. Trong hai tháng đó, anh đi du lịch, ghi lại những chuyến đi của mình, hình dung sẽ viết về đề tài du lịch trong tương lai. Lúc đầu, Ted không rõ lý do vì sao mình không thấy hạnh phúc với nghề dạy học. Anh thích dạy, yêu quý học sinh, và học sinh cũng thích phong cách cởi mở và chất vấn của anh, và anh thậm chí cũng không ngại chấm bài. Dù không giống các đồng nghiệp trong cách tiếp cận cuộc sống nhưng anh vẫn được yêu mến và kính trọng. Điều anh nhận ra là anh cần phải độc lập trong công việc, không phải trả lời ai ngoài chính bản thân mình. Lúc này anh nhận ra mình có một điểm chung với cha, người đã lựa chọn làm một người nông dân nghèo khổ nhưng độc lập chứ không làm thuê cho ai khác.

Khi đến lúc phải quay về dạy học năm thứ năm, Ted quyết định rằng mình không thể làm công việc này lâu hơn nữa. Tính toán chi ly, anh có thể tiết kiệm đủ tiền để sống tằn tiện trong một năm mà không cần làm việc. Anh quyết định bỏ ra một năm để đọc, viết và suy ngẫm về tương lai của mình. Khi đang đọc một cuốn sách nổi tiếng về stress, nghĩ rằng cuốn sách này quá nhàm chán và không sáng tạo, Ted quyết định mình có thể viết một cuốn sách về cách đối phó với stress hay hơn. Ted viết cuốn sách của mình mất sáu tháng. Khi gửi ý tưởng của mình tới các nhà xuất bản, anh nhận lại những bức thư từ chối, hết lần này đến lần khác. Không nhà xuất bản nào muốn đặt cược vào một tác giả vô danh, cho dù một số có viết lại là họ thấy các ý tưởng của anh khá thú vị. Một người bạn đại học vẫn luôn muốn viết sách nhưng không có khả năng nảy ra một ý. Anh ta sẽ cho Ted vay tiền nếu Ted muốn tự xuất bản. Ted quảng bá cho cuốn sách rất rầm rộ, tự đưa mình lên các chương trình talk show và thực hiện phỏng vấn với báo chí. Doanh số bán sách bắt đầu tăng và trong vòng sáu tháng người bạn của Ted đã nhận lại được số tiền của mình cộng thêm một khoản nho nhỏ vì đã đặt niềm tin vào khả năng của Ted.

Cùng lúc đó, Ted tiếp tục dùng mỗi phút của mình để quảng cáo và lập kế hoạch cho cuốn sách tiếp theo. Với doanh số bán khá lớn đối với một tác giả lần đầu xuất bản, cuối cùng anh cũng tìm được một nhà xuất bản quan tâm. Cuốn sách đầu tiên của anh đã trở nên khá nổi tiếng. Bị thu hút bởi văn phong hóm hỉnh và dễ hiểu của anh, các tổ chức và hiệp hội bắt đầu đề nghị anh thuyết trình trước các nhân viên của họ. Trong một vài năm sau đó, Ted rất bận rộn với việc viết và thuyết trình. Được đà từ cuốn sách thứ nhất, cuốn sách kế tiếp của Ted cũng có doanh số bán rất lớn.

Mười năm sau, Ted vẫn tiếp tục viết và thuyết trình. Giờ đây anh đã xuất bản được bảy cuốn sách, năm cuốn được xuất bản ở nhiều nước khác nhau và Bắc Mỹ. Những bài giảng đã đưa anh đi khắp Bắc Mỹ và tới châu Âu vài lần. Trong những lúc ít bận rộn hơn, giữa các bài giảng và việc hoàn thành một cuốn sách mới, Ted dành thời gian tại một trong những địa điểm yêu thích của mình như Bali hoặc Mexico. Nhiều người anh biết ghen tỵ với thành công và phong cách của anh. Trong khi thừa nhận rằng mình có một chút may mắn trên đường đời, anh cảm thấy rằng thành công đến là do niềm tin của anh vào chính mình, không ngừng tập trung và làm việc để tiến tới những mục tiêu của mình. Mục tiêu tiếp theo của anh là có một cuốn sách nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của tạp chí New York Times. Theo Ted, có những ngày, anh như đang được sống một chương của Hòn Đảo Thần Tiên. Cuộc sống vẫn chưa hoàn hảo và anh cũng không trông đợi là nó sẽ hoàn hảo. Hiện thực hóa lý tưởng của bản thân, với Ted là một con đường, không phải một đích đến. Với anh, bản chất của cuộc sống là đặt mục tiêu và nỗ lực để đạt những mục tiêu đó. Anh triết lý rằng, nếu chúng ta đạt được tất cả những mục tiêu của mình, cuộc sống sẽ mất đi hương vị và năng lượng của nó, và không còn giá trị nữa.


“Tiền là gì? Một người thành công là người thức dậy vào buổi sáng, đi ngủ vào buổi tối và giữa hai thời điểm đó, anh ta được làm những gì mình muốn.”

– BOB DYLAN, NHẠC SỸ –

“Nếu thành công không cùng nhịp đập với bạn, dù nó có vẻ tốt đẹp với cả thế giới nhưng trái tim bạn không cảm thấy ổn, thì nó không phải là thành công chút nào cả.”

– ANNA QUINDLEN, NHÀ VĂN –

“Hình phạt của thành công là khiến những kẻ trước đây khinh rẻ bạn thấy chán.”

– NANCY ASTOR, NỮ NGHỊ SĨ HẠ VIỆN ĐẦU TIÊN CỦA ANH –

“Thành công thường đến với những ai quá bận rộn tìm kiếm nó.”

– HENRY DAVID THOREAU, NHÀ VĂN, NHÀ TỰ NHIÊN HỌC VÀ TRIẾT HỌC MỸ –

Kỹ thuật tăng cường khả năng hiện thực hóa lý tưởng của bản thân

Ø Hãy nghĩ về những điều quan trọng nhất trong cuộc đời bạn. Đó có thể là công việc, gia đình, giải trí, sở thích hoặc cuộc sống tinh thần. Có thể bạn phải nghĩ kỹ để tìm ra những điều này. Phải tuyệt đối trung thực với bản thân mình: Bạn thật sự muốn gì? (không phải những gì ai khác trông đợi ở bạn). Lập danh sách ba điều quan trọng nhất.

Ø Lập mục tiêu xung quanh ba điều quan trọng nhất trong đời bạn. Có phải bạn muốn đạt tới một cấp bậc nào đó trong công việc của mình? Bạn muốn có mối quan hệ gần gũi hơn với người bạn đời và những đứa con của bạn? Bạn muốn đi du lịch thế giới? Hãy đặt các mục tiêu cụ thể, vừa phải quanh ba lĩnh vực đó. Đặt mục tiêu cho một tháng, sáu tháng, một năm và năm năm. Dành ra một khoảng thời gian nhất định để xem xét lại những mục tiêu đó. Tôi xem xét lại các mục tiêu của mình vào mỗi mùa xuân và mùa thu trong chuyến đi lên núi được sắp xếp đặc biệt dành cho mục đích này.

Ø Đánh dấu vào lịch hàng ngày hoặc theo cách bạn theo dõi các hoạt động hàng ngày của mình, mỗi ngày dành 5 phút không làm gì ngoài việc nghĩ về các mục tiêu của mình.

Ø Lắng nghe các cuốn băng có tác dụng tạo động lực mỗi khi có dịp, ví dụ trên đường tới chỗ làm hoặc trong lúc rảnh rỗi.

Ø Nhờ ai đó thân thiết định kỳ nhắc nhở bạn về các mục tiêu và phản hồi cho bạn xem bạn đã tiến bộ được
bao nhiêu.

Ø Không bao giờ chia sẻ mục tiêu của mình với bất kỳ ai không ủng hộ hoặc ngay cả những người bạn nghĩ sẽ không ủng hộ bạn. Chỉ chia sẻ những mục tiêu mạnh mẽ và tương lai xa với những người thân thiết gần gũi và hoàn toàn ủng hộ bạn.