Trang Tử và Nam Hoa Kinh

PHẦN II

CHÚNG TÔI DỊCH RA SAO

 

Trước khi vào phần dịch, tôi xin có ít điều thưa trước:

 

- Ngoại thiên và Tạp thiên có nhiều bài tư tưởng nông cạn, bút pháp tầm thường, nhưng tôi cũng dịch hết, vì nghĩ rằng Trang tử là một tác phẩm quan trọng, nên có bản dịch trọn bộ để độc giả thấy rõ nó ra sao rồi mới nhận định đúng về nó được; nếu chỉ căn cứ vào một số bài hay thì không sao tránh được lầm lẫn.

 

Tuy nhiên, có hai đoạn trong bài XXIII.3 và 4, mỗi đoạn độ mười hàng, đọc kĩ năm bản tôi có trong tay (coi chương III) tôi vẫn không hiểu tác giả muốn nói gì, nên tôi dịch không nổi, phải bỏ.

 

- Trước khi dịch, tôi chia mỗi chương thành nhiều bài (hoặc đoạn) cho dễ kiếm. Nhưng tôi không đặt tên cho mỗi bài như tôi đã làm trong bộ Liệt tử và Dương tử, vì số bài quá nhiều, trên dưới ba trăm, mà nhiều bài rất khó đặt tên cho gọn và diễn được hết ý.

 

- Khi dịch, tôi không theo lời chú giải của riêng một bản nào. Nếu có nhiều cách chú giải khác nhau thì tôi sẽ lựa một và nếu cần, sẽ chép thêm nguyên văn phiên âm (chứ không có chữ Hán vì công việc ấn loát lúc này khó khăn và tốn kém)[1] với một hoặc hai cách giảng mà tôi đã bỏ, không theo.

 

- Tôi lựa theo những qui tắc dưới đây:

 

° Cách hiểu nào tôi cho là hữu lí hơn cả. Ví dụ câu đầu bài XXVII.1. nguyên văn là: “Ngụ ngôn thập cửu, trọng ngôn thập thất, chi ngôn nhật xuất, hoà dĩ thiên nghê”.

 

Liou Kia hway dịch là “ngụ ngôn chứa chín phần mười chân lí, còn chi ngôn thì xuất hiện mỗi ngày, theo luật tự nhiên”. Tôi không hiểu tại sao ngụ ngôn lại đúng hơn trọng ngôn (mà Liou Kia hway dịch là paroles de poids). Mà như vậy thì chi ngôn (paroles de circonstance) chứa bao nhiêu phần chân lí, sao không thấy nói. Theo phép làm văn, như vậy không ổn; đã so sánh thì phải so sánh cả ba.

 

Tôi đã theo cách hiểu của Vương Phu Chi: “Ngụ ngôn chiếm chín phần mười, trọng ngôn chiếm bảy phần mười trong chín phần mười đó – một phần còn lại là chi ngôn…”, vì trong bộ Trang tử, tôi thấy ngụ ngôn (gồm cả trọng ngôn) chiếm đại đa số, có thể tới 8, 9 phần 10 thật.

 

° có khi tôi lựa một cách giảng ra sao để cho đoạn văn khỏi mất liên lạc với đoạn sau, như tôi đã trình bày trong chương III về đoạn “Dã mã dã, trần ai dã, sinh vật chi dĩ, tức tương xuy dã…” ở đầu chương Tiêu dao du (I.1).

 

Một thí dụ nữa: bài XI.1, tôi đã theo ý tôi mà dịch câu “phi Đức dã nhi khả trường cửu dã giả, thiên hạ vô chi” là “Không giữ cái Đức mà sống lâu được, là điều không hề thấy” để chuyển xuống đoạn dưới.

 

° có khi có hai cách dịch đều chấp nhận được, tôi lựa cách nào mà tôi cho là có ý nghĩa sâu sắc hơn, như câu cuối bài XI.5, nguyên văn là: “Đổ hữu giả, tích chi quân tử, đổ vô giả, thiên địa chi hữu”. Hoàng Cẩm Hoành dịch là “Bậc quân tử thời xưa nhận rằng vật tồn tại; còn bạn của trời đất thì nhận rằng không có vật nào tồn tại”.

 

Tôi tiếp theo ý ở câu trên câu đó “Cái gì đã đại đồng thì “vô kỉ” không có cái “ta” riêng, đã vô kỉ thì làm gì còn tồn tại (riêng) nữa”. Mà theo Liou Kia hway dịch là: “Những người mà ta thấy còn tồn tại (riêng) đó chỉ là bậc quân tử thời xưa, những người ta không thấy tồn tại (riêng) nữa (nghĩa là vô danh), đó mới là bạn của trời đất (tức hạng trở về bản căn, đạt Đạo, hoà đồng với vũ trụ rồi)”.

 

° sau cùng có trường hợp nghĩa rất tối, ba nhà hiểu ba cách, cách nào cũng được thì tôi lựa cách dễ nhất, chứ chẳng vì một lí do gì khác, như câu “Phù sung nhất thượng khả, viết dũ quí, đạo cơ hĩ” ở cuối chương XXXIII (Thiên hạ).

 

Trước chúng tôi đã có hai bản Tuyển dịch[2] Trang tử. Sau chúng tôi chắc sẽ còn nhiều người dịch nữa, mà bản dịch nào cũng sẽ có nhiều chỗ không giống các bản khác. Trang tử không như Mạnh tử, chỉ có thể hiểu được một cách, trừ vài ba chữ không quan trọng. Tôi mong độc giả hiểu cho lẽ đó mà coi bản của chúng tôi may mắn lắm là có giá trị ngang các bản khác thôi.

 

Những chữ viết tắt trong phần dịch:

 

V.P.C. ---  Vương Phu Chi (Thuyền Sơn)

D.N.L. ---  Diệp Ngọc Lân

H.C.H. ---  Hoàng Cẩm Hoành

L.K.h. ---- Liou Kia hway

 

Chú thích:

[1] Trong sách tôi chỉ thấy có ba chữ Hán trong câu sau: “Về tên tự [của Trang tử], có sách bảo là Tử Hưu, có sách chép là Tử Mộc (Hưu 休 và Mộc 木 viết hơi giống nhau), trong Mạnh tử lại gọi là Tử Mạc (Mạc 莫 và Mộc đọc hơi giống nhau)”. (trang 15). [Goldfish].

[2] Một của Nhượng Tống, một của Nguyễn Duy Cần [Goldfish]