Trăm Việt trên vùng định mệnh

CHƯƠNG 9

Docsach24.com 

Trong vòng một phần tư thế kỷ độc lập vừa qua của Miến, nếu cần phải phân định giai đoạn thì tưởng không có gì tiện hơn là chia ra làm hai thời kỳ theo diễn biến tự nhiên của lịch sử: thời kỳ U Nu 1948-1962 và thời kỳ Ne Win, 1962 về sau. Mặc dầu trong giai đoạn U Nu, Ne Win có tạm thế hai năm, 1958-1960, nhưng đường lối chung vẫn là đường lối U Nu, không có thay đổi gì quan trọng.

U Nu, một phật tử rất sùng đạo và có tinh thần quốc gia cao độ, đã duy trì một chính sách tương đối cởi mở theo chế độ dân chủ đại nghị. Đối với cộng sản và loạn quân thiểu số, ông đã tìm các hàn gắn trong các cuộc đàm phán và thách đố họ hãy tranh đấu hợp pháp bằng lá phiếu trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, đường lối của ông đã hơn một lần thất bại. Năm 1961 là năm cuộc khủng hoảng nội bộ đã đe dọa trầm trọng liên hiệp Miến. Chính phủ tỏ ra bất lực trong việc điều hành phát triển kinh tế như đã dự liệu. Các nhóm thiểu số nhao nhao đòi tự trị. Các nhà lãnh đạo chia rẽ đến nỗi không còn có được một đường lối chung. Ngay cả đến đảng Thống Nhất của chính quyền (gồm những phần tử đứng về phe U Nu trong Liên Minh Nhân Dân Tự Do Chống Phát xít, Liên Minh đã bị U Nu giải tán từ năm trước) cũng bị phân hoá vô phương hàn gắn.

Tình trạng này đã dẫn tới cuộc đảo chánh của tướng Ne Win ngày 2 tháng 3 năm 1962. Cuộc đảo chánh đã chấm dứt chế độ đại nghị Miến và mở đầu cho một chính sách độc tài mà Ne Win gọi là tạm thời trong thời kỳ chuyển tiếp trên đường “tiến tới xã hội chủ nghĩa kiểu Miến.” Quốc hội bị giải tán, các đảng phái chính trị cũ bị cấm hoạt động. Tất cả các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều được tập trung vào tay một cơ quan tối cao: Hội Đồng Cách Mạng. Hỗ trợ cho Hội Đồng Cách Mạng về cơ chế và đường lối có một đảng duy nhất, đảng Kế Hoạch Xã Hội.

Hai thời kỳ, hai bộ mặt, với phương cách khác nhau, nhưng vẫn cùng theo đuổi những mục đích chung trong sự nghiệp kiến tạo đất nước. Những mục đích ấy có thể quy vào 3 chủ điểm, đồng thời cũng là ba trận tuyến mà nhân dân Miến đã phải đấu tranh nhằm:

- Giữ cho Liên HIệp Miến được toàn vẹn trước các mưu đồ phân ly nội bộ.

- Giữ cho quốc gia Miến đứng vững trong thế độc lập chính trị, tránh ra ngoài vòng ảnh hưởng đế quốc tư bản và cộng sản, đồng thời cũng thoát khỏi sự kiềm toả của Trung Hoa.

- Dành lại chủ quyền thực sự về kinh tế cho nhân dân Miến và đưa quốc gia tiến tới xã hội chủ nghĩa kiểu Miến.

Chống Phân Ly

Về lãnh thổ, các dân tộc thiểu số ở Miến choán một nửa diện tích đất đai (rải ra ở Nam và Đông Nam), nhưng về dân số chỉ chiếm 20%. Người Karen đông đảo nhất gồm khoảng ba triệu, còn những nhóm khác ít hơn như Shan (Thái) 1,5 triệu, Chin và Kachin một triệu.

Để giữ vẹn toàn lãnh thổ, chính phủ U Nu đã phải đối phó một cách khó nhọc với các phong trào đòi tự trị của các nhóm thiểu số. Mối đe dọa nặng nề nhất cho nền tảng Liên Hiệp là cuộc nổi dậy của người Karen. Lúc đầu được khuyến khích bởi chính sách của người Anh [1], dân tộc Karen đã nuôi sẵn mầm mống phân ly. Đến năm 1949, được Cộng Sản Miến hứa hẹn liên kết, người Karen liền võ trang đấu tranh đòi tự trị dưới danh hiệu Tổ Chức Quốc Phòng Karen.

Trong những năm 1949, 1950, tình trạng an ninh ở Miến đã nguy kịch đến độ chính thủ đô Rangoon cũng bị uy hiếp. Các thị trấn lớn do chính phủ kiểm soát bị bao vây giữa sự hỗn loạn ở thôn quê như những cù lao cô lập giữa biển sóng. Bên bờ hố thẳm của đổ vỡ, U Nu đã nhẫn nại hàn gắn bằng cách vừa kiên quyết bình định từng khu vực nhỏ vừa tiến hành điều đình để mở một lối thoát danh dự cho lực lượng phân ly. Nhờ thế, đến ngày 1 tháng 7 năm 1954, cuộc nội chiến mới tạm giải quyết được một phần do sự hòa giải giữa chính phủ trung ương với những phần tử ôn hòa trong nhóm lãnh đạo Karen. Tuy nhiên, quân Karen chỉ thực sự tan rã trong chế độ Ne Win, nguyên nhân chính là vì sự chia rẽ nội bộ làm cho một số nhà lãnh đạo đã bỏ hàng ngũ trở về với chính phủ trung ương hồi cuối năm 1963.

Với Trung Hoa

Về điểm giữ cho Miến khỏi rơi vào vòng ảnh hưởng tranh chấp giữa hai khối, hay nói một cách là áp dụng chính sách không liên kết tích cực, cho đến nay Miến đã đi khá vững trên con đường đối ngoại đã vạch sẵn. Dầu sao, trên thực tế, nội bộ Miến cũng vẫn còn gặp nhiều xáo trộn trước các mưu toan bành trướng của Cộng Sản Miến.

Rút kinh nghiệm từ thế chiến II, các nhà lãnh đạo Miến nhận thấy sự tham gia vào các phe phái quốc tế để làm vật hy sinh cho đế quốc là một điều phi lý. Hơn nữa, với vị trí đặc biệt của các quốc gia vùng Đông Nam Á, tiếp nhận ảnh hưởng phe này chắc chắn sẽ bị phe kia phá hoại. Nhất là Miến lại ở sát nách Trung-Hoa và đã từng được dùng làm cửa sau của Trung Hoa thông ra Ấn Độ Dương trong thế chiến II [2].

Trung-Hoa, dù dưới thời đại nào, cũng vẫn là mối bận tâm quan trọng của Miến. Trong hai mươi năm độc lập, Miến đã hai lần đụng độ với quốc gia láng giềng khổng lồ miền Bắc, một lần với Quốc Quân, một lần với Cộng Quân.

Đầu năm 1950, bị Cộng quân đánh dồn xuống phía Nam, đạo quân Quốc Dân Đảng dưới quyền tướng Lý Mỹ bèn mở đường rút lui xuống Bắc Miến. Lúc đầu chỉ có 1.700 quân tiền đạo chiếm đóng tỉnh Kentung; sau tăng dần và tới 1952 thì lên đến 13.000 người trong đó có 8.000 quân chính quy. Tổng hành dinh của Lý Mỹ được đặt ở Mong Hsat, còn khu vực kiểm soát của Quốc quân thì mỗi ngày một lan rộng thêm, từ vùng Salaween xâm nhập sâu vào các tiểu bang Shan, Kayah và Kachin. Quốc quân cũng còn liên lạc cả với loạn quân Karen ở miền Nam để mưu tính liên kết.

Binh lính Quốc quân đã tới các làng mạc của người Shan thâu vét lương thực, phẩm vật và trả bằng trái phiếu có ghi chữ “Mỹ sẽ bồi hoàn”. Ấy là không để đến những hành động đốt phá cướp bóc xảy ra hàng ngày của Quốc quân khi gặp sự đối kháng của dân chúng địa phương [3].

Quân đội quốc gia Miến khi ấy dù đang vô cùng bận rộn trong việc tiễu trừ loạn quân Karen và Cộng sản, cũng đã mở nhiều cuộc hành quân chống lại quân Lý Mỹ. Nhưng dường như vì không tập hợp được các đơn vị lớn (chiến dịch bình địch đã phân tán mỏng quân đội Miến) nên Miến không đạt được kết quả nào đáng kể. Hơn nữa cái thế hai chân hai bên biên giới Miến cũng tạo điều kiện thuận lợi trong sự tránh né cho Quốc quân. Đã nhiều lần để tránh xung đột lớn với quân Miến, Lý Mỹ đã tản lực lượng sang Thái, nhưng ngay sau đó đợi tình thế khả quan, lại trở lại Miến và cướp bóc mạnh  hơn.

Cuối cùng Miến đã đưa vấn đề Quốc quân xâm lược Miến ra trước Khóa 7 đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1953. Rồi sau hàng năm điều đình, Quốc quân mới chịu rút khoảng 6.000 về Đài Loan, phần còn lại vẫn chiếm giữ bất hợp pháp một phần lãnh thổ Miến cho đến đầu năm 1961 mới bỏ hẳn đất này di tản sang Lào và Thái. Tuy nhiên cho tới nay miền Bắc Miến vẫn còn một số không nhỏ lính Tàu sống lẩn lút bằng nghề cướp bóc.

Ngay khi vụ Quốc Dân Đảng chưa được giải quyết, Miến đã lại có chuyện với Cộng sản Trung Hoa, điều mà chính quyền Miến vẫn luôn luôn e ngại. Miến đã làm mạnh trong vụ Lý Mỹ một phần cũng vì sợ Bắc Kinh mượn cớ đem quân sang can thiệp. Nhưng rút cục, dù không lấy cớ Quốc quân, Bắc Kinh cũng tạo ra cớ khác để đem quân xâm phạm đất Miến, một cái cớ khá kỳ cục: dùng quân đội để ấn định lại ranh giới Hoa Miến theo ý riêng của nhà nước Trung Hoa!

Vụ xâm phạm lãnh thổ trắng trợn năm 1956 này đáng lẽ đã có thể trở thành cuộc khủng hoảng quốc tế và có thể sẽ nguy hại cho chính sách trung lập của Miến, nhưng cũng may nhờ cuộc cách mạng Hungary và chiến tranh Suez quá ầm ĩ làm chìm khuất đi, nên tránh được việc nước ngoài lợi dụng khai thác. Miến đã cố làm cho tình hình lắng dịu bằng cách lờ đi cả đề nghị “đòi Liên Hiệp Quốc trừng phạt Trung Cộng” của Thái, và để thu xếp ổn thỏa, U Nu đã phải bay sang Bắc Kinh điều đình xin kẻ xâm lược lui binh.

Sau này, Ne Win đã ký một hiệp ước Hoa Miến về biên giới nên bề ngoài sự việc coi như đã dược giải quyết. Trên thực tế, càng ngày Cộng quân Trung Hoa càng quá lộng, chúng ra vào di chuyển trên đất tiểu bang Shan như di chuyển trên lãnh thổ Trung Hoa. Chúng mở cửa biên giới cho hàng hoá Trung Cộng ùa vào thị trường Tây Bắc Miến một cách bất hợp pháp để phá hoại kế hoạch xã hội hoá của nhà nước Miến ở vùng này.

Trong năm 1966-1967, nhằm can thiệp vào nội tình Miến Điện một cách trực tiếp hơn, Bắc Kinh đã chỉ thị tranh trừng tất cả các phần tử xét lại trong hàng ngũ Cộng sản Miến, và sau đó vũ trang tinh thần cho lực lượng này bằng các ra mặt ủng hộ để đảng có thể hoạt động hữu hiệu hơn trong cuộc chiến tranh nổi dậy chống Ne Win, người mà đài phát thanh Bắc Kinh thường gọi là “Tưởng Giới Thạch Miến Điện.”

Tình trạng bang giao Hoa Miến vốn đã sứt mẻ lại càng rạn nứt trầm trọng hơn trong hoạt động khởi đầu cách mạng văn hoá của học sinh Hoa kiều tại Rangoon. Hồi  mùa hè 1967, 200 học sinh Hoa kiều đã diễn hành với phù hiệu hình ảnh Mao Trạch Đông, bất chấp lênh cấm của chính phủ Miến. Dân thủ đô Miến phản ứng lại bằng các cuộc bạo động chống Hoa kiều. Hậu quả là âm mưu trải rộng cách mạnh văn hoá sang đất Miến đã bị dập tan, nhưng đồng thời Rangoon cũng bị Bắc Kinh lập tức hủy bỏ chương trình viện trợ đang và sắp thực hiện.

Mãi tới 1971, khi Mao Trạch Đông chính thức đưa ra đường lối ngoại giao hòa hoãn với tư bản được mệnh danh là chính sách đối ngoại cách mạng, quan hệ Hoa Miến mới bình thường trở lại.

Trận Tuyến Kinh Tế

Song song với việc chống đỡ các trận tuyến trên, chính phủ Miến cũng không quên tấn công mạnh trên mặt trận kinh tế để thâu đoạt chủ quyền trong tay ngoại nhân. Tại Miến trước đây, nền kinh tế quốc gia nằm trọn trong sự lũng đoạn của các giới thương kỹ Anh, Ấn, Hoa. Trong thời chiến tranh, mọi hoạt đông công công nghiẹp đều sút giảm một cách thê thảm. Nhưng sau khi quân Nhật đầu hàng, guồng máy kinh tế lại bắt đầu vận chuyển trở lại ngay.

Trước cao trào đấu tranh của nhân dân Miến, giới tư bản Anh thấy không còn ngồi yên ăn lâu được nữa, họ bèn tìm đủ mọi cách khai thác gấp rút trong cảnh chợ chiều 1946-1948. Tài nguyên khoáng sản được thu vét xuất cảng một cách tối đa. Anh kim của Miến dự trữ trong các ngân hàng Anh bị giữ lại và chỉ cho chi hạn chế bốn triệu trong năm năm. Quyền phát hành giấy bạc được chuyển cho một Ủy ban ở Luân Đôn thuộc sự điều khiển của một ngân hàng Anh. Và sau hết Miến phải cam kết bồi thường xứng đáng cho những người Anh bị trưng dụng tài sản.

Về nông nghiệp, tình trạng lại dần dần trở lại thời tiền chiến như đã đề cập ở đoạn trên, nghĩa là các địa chủ Hoa Ấn rục rịch tiếp tục sống bằng mồ hôi nước mắt của nông dân Miến qua sự cho mướn ruộng, cho vay tiền!

Sau ngày độc lập, U Nu đã chủ trương tức khắc thi hành việc loại trừ thống trị kinh tế của ngoại nhân. Để xây dựng một nền công kỹ nghệ dân tộc, chính phủ đã đặt ra kế hoạch với các biện pháp thi hành sau:

- Quốc hữu hóa (có bồi thường theo cam kết) các xí nghiệp quan trọng của tư bản ngoại quốc.

- Cải tổ các công ty Anh còn lại thành công ty hợp doanh Anh Miến.

- Giúp đỡ tư sản dân tộc cơ hội phát triển trong địa hạt công kỹ nghệ.

- Xây dựng những công nghiệp quốc doanh mới.

Về mặt nông nghiệp, hành động đầu tiên của U Nu năm 1948 là tung ra sắc lệnh quốc hữu hóa ruộng đất, hạn chế đại địa chủ, chia đất cho dân cày. Thực tiễn hơn, năm 1953 chính phủ đã quyết định trưng mua 9,9 triệu mẫu Anh đất (số ruộng đất trồng trọt toàn quốc là 21 triệu mẫu Anh) của địa chủ có trên 50 mẫu Anh để phân chia cho những người nguyên là tá điền, mỗi nông bộ 10 mẫu Anh. Công tác này theo dự liệu sẽ hoàn tất trong 10 năm kể từ 1954, nhưng dưới thời U Nu, việc thực hiện gặp rất nhiều trở ngại nên phải đợi sau 1962, chính phủ cách mạng mới xúc tiến mạnh mẽ.

Trong địa hạt tài chánh, U Nu cũng đã lấy lại được chủ quyền phát hành tiền tệ từ Cục Quản Lý Ngoại Tệ ở Luân Đôn về ngân hàng Miến Điện.

Dù sao, tới năm 1954 tại Miến vẫn còn tới 17 ngân hàng ngoại quốc trong số 22 ngân hàng tư doanh. Và vì không có kế hoạch dài hạn lại gặp tình trạng loạn lạc rối ren, nỗ lực giành lại chủ quyền kinh tế của Miến có vẻ bắt đầu loãng dần. Chính sách U Nu tương đối cởi mở nên Nhật, Tây Đức, Thụy Điển, Anh, Mỹ, Nga, Trung Cộng đua nhau nhào vào khai thác thị trường xứ này. Nhưng sau 1962, Ne Win chủ trương cô lập triệt để cả trong địa hạt kinh tế với việc quốc hữu hóa tất cả các ngân hàng tư doanh còn lại và tung ra những biện pháp làm nản lòng giới thương mại, những tay buôn ngoại quốc lại phải lảng ra dần. Ấn kiều và Hoa kiều đã rút về nước hay đi xứ khác làm ăn một số đông trong những năm đầu Miến độc lập, nay lại là dịp kéo nhau đi nữa, đến nỗi người Ấn và Hồi hiện chỉ còn không tới nửa triệu, người Tàu cũng không hơn.

Sau cuộc đảo chính 1962, Hội đồng Cách mạng do Ne Win cầm đầu đã công  bố một bản tuyên ngôn minh định kế hoạch được mệnh danh là kế hoạch xã hội hóa nhằm tạo ra “một xã hội không còn cảnh người bóc lột người”. Bản tuyên ngôn “phủ nhận đấu tranh giai cấp”, vì cho rằng con người vốn không bình đẳng về tinh thần cũng như vật chất nên phải có sự chênh lệch, tuy nhiên, không thể chấp nhận những chênh lệch về lợi tức không hợp lý. Nhà nước xã hội vẫn chấp nhận quyền tư hữu, nhưng tư sản chỉ được tạo nên bởi chính sức cần lao của cá nhân chứ không bằng các hành vi mờ ám, gian manh”.

Cũng trong bản tuyên ngôn, Hội Đồng Cách Mạng đã cho rằng đem áp dụng chế độ dân chủ đại nghị ở các xã hội chậm tiến là không thực tế. Chính quyền cần phải tự dành một giai đoạn chuyển tiếp để hướng dẫn quần chúng. Tuy nhiên, Ne Win đã không minh định giai đoạn ấy là bao lâu.

Dựa vào ý niệm trên, nhà nước đã trực tiếp điều khiển tất cà các ngành sản xuất và phân phối yếu phẩm. Cho tới nay, đời sống dân chúng đã trở nên rất khó khăn vì dù nỗ lực đến mấy các xí nghiệp quốc doanh vẫn chưa thỏa mãn đủ nhu cầu tiêu thụ của quần chúng.

Các ký giả Tây phương vẫn thường chế nhạo cảnh tượng này bằng các kể những câu chuyện như “mua một cái bàn chải đánh răng cũng phải có giấy phép và phải chờ đợi lâu lắc”, hoặc “các quân nhân thiếu kinh nghiệm về hoạt vụ kinh tế đã tỏ ra vụng về trong việc lưu trữ và phân phối đến nỗi ở kho trung ương, thực phẩm hư thối phải đổ xuống sông Rangoon, trong khi tại các cửa hàng mậu dịch thì vơi xọp!” Dù chế nhạo như vậy họ vẫn phải công nhận “chắc chắn là Ne Win đã đạt được một trong những mục tiêu của ông ta là đoạt lại chủ quyền kinh tế vốn ở trong tay ngoại nhân như Anh, Ấn, Tàu từ bao nhiêu năm nay” [4].

Khúc Rẽ Phải Tới

Dấn thân vào “con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa kiểu Miến Điện” có thể nhân dân Miến đã phải sống trong tình trạng thiếu thốn về vật chất và tạm thiếu cả tự do, nhưng nếu muốn đạt được chủ quyền chính trị người ta phải trả bằng máu thì việc đạt được chủ quyền kinh tế đâu có phải trả bằng sự cam khổ nhất thời tưởng cũng chưa hẳn là quá đắt. Tuy nhiên, sự cam khổ không thể kéo dài mãi, nhất là sự kéo dài ấy lại chỉ do cung cách điều hành vụng về của giới lãnh đạo. Vì vậy mà gần đây mới có những vụ phản đối chính sách của chính phủ một cách khá ồn ào, quan trọng nhất là vụ quân loạn quân miền Đông (phe quốc gia do U Nu lãnh đạo) đấu tranh vũ trang nhằm lật đổ chính phủ. Phải chăng đó là những lời cảnh cáo sâu sắc nhất cho những người đương quyền! Từ sự việc này, những người quan sát tình hình Miến đều cảm thấy sớm muộn gì Miến cũng sẽ phải thay đổi đường lối sau khi đạt đưọc những mục tiêu đầu tiên.

Về đối ngoại, Miến không thể tự sống bưng bít mãi, cũng không thể mở cửa đón một đại cường nào vì như vậy là trái với đường lối không liên kết của Miến. Liên hệ quốc tế nếu có chắc chắn cũng sẽ không ngoài mối liên hệ địa phương với các quốc gia Đông Nam Á Như báo Nhân Dân Lao Động, cơ quan ngôn luận chính thức của Miến, số tháng 4 năm 1968 đã viết “Thực tế chính trị quốc tế đòi hỏi phải có sự tổ hợp rộng lớn hơn giữa các quốc gia Đông Nam Á với nhau” [5].

Tuy nhiên cho đến nay, ngay cả cái việc bắt liên lạc với chính các quốc gia Đông-Nam-Á, Miến cũng chưa làm được. Vì như ai nấy đều thấy, hầu hết các quốc gia Đông-Nam-Á còn lại đều có liên hệ mật thiết với các phe đế quốc đang cầm chịch cho cuộc tranh chấp đẫm máu ở vùng này. Nên, nếu đã tránh không mở cửa cho đế quốc nhào vào xâu xé thì chắc chắn Miến cũng không dại dột móc nối với các đàn em đế quốc [6].

[còn tiếp]

Ghi Chú: [1] Nhóm thực dân Anh chủ trương chia cắt Miến Điện do D. Smith, nguyên thống đốc Anh ở Miến Điện cầm đầu. Nhóm này đã quy tụ trong một hội lấy tên là Hội Bạn Dân Miền Núi và đã chính thức đưa ra trước nghị viện Anh hồi đầu tháng 11 năm 1947, đề nghị chia cắt bằng cách thành lập nhiều nước tự trị chung quanh Miến Điện chính quốc. Nhóm này chủ trương sẽ lũng đoạn toàn vùng thuộc địa cũ qua các nước tự trị của các dân tộc thiểu số mà nhóm tin tưởng là sẽ nắm đầu được.

[2] Từ 1932 đến 1942, vì bờ biển Trung Hoa bị Nhật phong tỏa nên Anh Mỹ phải tiếp tế cho Trung Hoa qua đất Miến. Trong dịp này quân lính Quốc Dân Đảng và công dân Miến đã làm con đường từ Lashio (Tây Bắc Miến) đến Côn Minh tỉnh Vân Nam ngoằn ngoèo theo triền núi dài 1.100 km trong khi theo đường chim bay chỉ có 330 km. Trục lộ được đặt tên là Đường Miến Điện (Burma Road) và do tướng Cọp bay Claire Chennault bảo vệ.

[3] William O. Douglas, North From Malaya, Doubleday, New York, 1953.

[4] Hai tài liệu cơ bản về chủ nghĩa xã hội kiểu Miến do Bộ Thông Tin Miến Điện ấn hành. The Burmese Way to Socialism: The Policy Declaration of the Revolutionary Council (1962) và The Burma Socialist Progam Party Philosophy (1963).

[5] Bài “Why Ne Win Went Visiting” của Louis Kraar, Life, ấn bản Á châu, số 10, bộ 44, ngày 27-5-1968.

[6] Quan điểm về Đông Nam Á của Ne Win đã được biểu lộ qua lời phát biểu sau trong cuộc viếng thăm Mã Lai Á và Singapore năm 1968 “Dù hiện nay bóng đen của cuộc tranh chấp giữa các lực lượng từ ngoài vùng tới đã che phủ lên toàn thể sân khấu chính trị, người Miến chúng tôi vẫn tin rằng cuối cùng chỉ có lực lượng của chính vùng này mới thắng và mới đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn một hình thái cho ĐNA mai sau mà chúng ta sẽ sống. Về phần chúng tôi, chúng tôi nhìn trước thấy một hình thái ĐNA trong đó mỗi quốc gia sẽ tự do sinh hoạt theo lối sống riêng của mình. Chúng tôi tin rằng một cộng đồng các quốc gia như vậy cũng có thể giúp mỗi nước sống hòa bình và thân hữu với lân bang. Nhưng tình trạng đó sẽ không tự đến: tất cả các quốc gia trong vùng phải hành động để đạt tới” (chú thích 5.)