Bộ tộc Lạc Việt đã lập quốc từ bao giờ và đã từ đâu thiên di xuống bình nguyên sông Hồng là một điều đã làm tốn khá nhiều giấy mực nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ.
Nếu chỉ bằng vào truyền thuyết thì chúng ta sẽ gặp ngay một trận hoả mù về thời gian với 20 vị vua họ Hồng Bàng nối tiếp nhau chia sẻ một chuỗi dài 26 thế kỷ, và với cái gốc tích cũng mù mờ không kém thời gian. Truyền thuyết Hồng Bàng không giúp được chúng ta một cách thiết thực trong việc xác định thời kỳ lập quốc. Nhưng, từ đó chúng ta có thể rút ba điểm căn bản làm những nét chữ đậm mở đầu trang sử Việt – ba điểm căn bản mà tiền nhân muốn nói lên trong truyền thuyết:
1. Dân tộc ta từ phương bắc thiên di xuống miền nam.
2. Các bộ tộc Bách Việt từ rừng sâu núi cao tới đất bằng bể lớn đều có liên hệ với nhau về chủng tộc.
3. Hùng Vương thứ nhất là người lập quốc của nhóm Lạc Việt.
Ngoài những điểm vớt lại được ở trên, những chuyện khác về sơ kỳ thời đại Hồng Bàng chỉ đáng coi là những huyền thoại tương tự như thuyết Tam Hoàng Ngũ Đế của Hán tộc. Vì vậy, từ Lạc Long Quân chuyển sang Hùng Vương cũng giống như từ Thuấn sang Vũ, dòng lịch sử đã nhảy vọt một bước dài từ những chuyện hoang đường mù mờ qua thời kỳ có thể tin được.
Thật ra thì đã từ lâu, người Việt vẫn mặc nhiên coi tổ hợp Lạc Việt sông Hồng hình thành từ Hùng Vương, cụ thể là đã thờ Hùng Vương trong ngai vị quốc tổ (chứ không truy lên tới Lạc Long Quân hay thần Nông). Thì Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Yên) kinh đô Văn Lang còn đó, đền Hùng còn kia, lẽ nào dễ mà phủ nhận cho được!
Nhưng cho dù có cùng chấp nhận như vậy thì chúng ta vẫn hãy còn kẹt ở niên đại Hùng Vương. Nếu chủ trương Hùng Vương đệ nhất lập quốc vào thiên kỷ 3 trước Công nguyên thì phải phủ nhận 18 đời Hùng Vương (có người đưa ra giả thuyết 18 dòng vua?). Nếu chủ trương chỉ có 18 đời Hùng thì phải lui ngày lập quốc xuống ít ra là 2.000 năm. Theo chủ trương sau, thử tính ngược lại 18 đời Hùng Vương với trung bình mỗi đời 25 năm, ta sẽ có một khoảng thời gian trên bốn trăm năm. Nếu kể từ khi Thục Phán thống nhất được Âu Việt và Lạc Việt (năm 257 trước Công nguyên) thì Hùng Vương thứ nhất lập quốc vào khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên. Nhận định này cũng ứng hợp với điều đã ghi trong Việt Sử Lược nói về một dị nhân ở bộ Gia Ninh, đời Chu Trang Vương, thu phục được các bộ lạc bằng tài ảo thuật mà làm nên nước Văn Lang và tự xưng là Hùng Vương [1]. Đời Trang Vương nhà Chu là khoảng đầu thế kỷ 7 trước Công nguyên (696-682). Đến đây vấn đề dường như hơi có vẻ sáng tỏ, nhưng khốn nỗi sử sách cũng lại còn ghi năm Tân Mão đời Thành Vương nhà Chu, tức 1109 trước Công nguyên, có nước Việt Thường ở phía nam xứ Giao Chỉ sai sứ đem chim bạch trĩ sang cống. Nếu y cứ vào điểm này thì lại thấy rõ ràng ít ra bộ tộc Việt ở đây cũng đã lập quốc từ thiên kỷ 2 trước Công nguyên.
Tóm lại về thời điểm lập quốc, chúng ta hãy tạm coi còn là một nghi vấn lịch sử. Chỉ biết rằng người Lạc Việt đã có mặt ở bình nguyên sông Hồng hằng thiên kỷ trước Công nguyên. Đó cũng là lý do khiến chúng tôi xếp cuộc thiên di của bộ tộc Lạc Việt vào thời kỳ đầu tiên.
Thời đại Hùng Vương không để lại nhiều dấu vết đủ cho chúng ta suy cứ để có một hình ảnh rõ ràng về chặng đường tạo hình xã hội. Tuy nhiên, bằng vào những di vật ta đào được, ta có thể quả quyết về mặt văn hoá quốc gia cổ này đã tiến sâu vào thời đại đồng thau với một nghệ thuật tinh vi cao độ.
Kể từ khi văn hoá Đông Sơn được phát hiện (1924), các học giả Tây cũng như Đông không ngớt bàn tán xôn xao. Thực chất chói lọi của nền văn hoá này đã làm cho nhiều người thấy ngợp, và vì quá ngợp họ đã nảy ra sự nghi ngờ về những người đã tạo dựng ra nó. Thật thế, có lẽ họ đã không mấy bằng lòng khi khám phá ra rằng nhiều thế kỷ trước Công nguyên, đám dân hèn nô lệ kia (người Việt dưới thời Pháp thuộc) lại có thể làm chủ nhân ông một nền văn hoá rực rỡ đến thế, một nền văn hoá mà họ đã phải ví với văn hoá Hallstatt, LaTêne (Heine Geldern) hay Saint Acheul, Mas d’Asil (Victor Goloubew). Do đó họ đã tìm đủ cách chứng minh di chỉ Đông Sơn chỉ là một ngành của Hán tộc, như trường hợp V. Goloubew, Friedrich Hirth, Olov Janse [2] hay chỉ là tầm chót của cánh tay văn minh Tây phương vươn dài tới như H. Geldern, Callenfeis v.v…
Dầu sao, sự thật có bị bóp méo đến đâu rồi cũng vẫn là sự thật. Vì nền văn minh Lạc Việt không chỉ thể hiện ở văn hoá Đông Sơn mà còn tiềm ẩn ở khắp mặt sinh hoạt của quốc dân Việt từ mấy nghìn năm nay. Nhưng nếu chỉ bằng vào những vật liệu cụ thể, chắc chắn những người tỏ ý nghi ngờ tạo năng của nhóm dân này cũng đã phải sửng sốt trước những phát hiện mới. Thí dụ cụ thể là trống đồng Đào Thịnh (Yên Bái, 1960) với những hoa văn tuyệt vời không kém trống đồng Ngọc Lũ mà rõ ràng còn cổ hơn trống đồng này hàng thế kỷ.
Từ khi Âu Việt và Lạc Việt thống hợp, văn minh sông Hồng lại càng phát triển rực rỡ hơn. Thành Cổ Loa được xây dựng vào thời ấy đã là một công trình kiến trúc làm ngạc nhiên những người quan sát. René Despierres trong Cổ Loa, Capital Du Royaunme Âu Lạc đã cho rằng hình thể chung của thành ngoài còn sót lại (gồm ba lớp dài tổng cộng 17 cây số) không kém gì những công sự cổ của thành Paris cất sau nhiều thế kỷ. Đã thế lại còn “nỏ thần” được trang bị cho việc thủ thành. Năm 1959 dân công làm đường đã đào được trên một vạn mũi tên đồng đúc ngay dưới chân thành. Sự kiện này chứng tỏ truyền thuyết nỏ An Dương Vương là có thật, tuy rằng nó chẳng thần hôn thánh ám gì nhưng có thể đã là một thứ máy bắn một lần nhiều mũi tên, hoặc một phương thức bắn hàng loạt về cùng một hướng, vào cùng một đích, của nhiều đội cung thủ theo nhịp lệnh. Đàng nào cũng là một kỹ chiến thuật tiền tiến đương thời.
Cho nên, những người viết sử hôm nay, nếu thành thực với mình với người tất không thể nào phủ nhận được công trình xây dựng nền văn minh chói lọi nhất và cổ nhất Đông Nam Á của bộ tộc Lạc Việt. Dưới ánh sáng của khoa khảo cổ, người ta đã thấy những vết tích của nền văn minh này ở rải rác khắp Đông Nam Á, kể cả ngoài hải đảo. Do đó, đã một thời người ta đua nhau đi tìm đồ đồng Đông Sơn không những chỉ ở miền Bắc Việt Nam mà còn mãi tận Kampuchia, Indonesia, Phi-líp-pin.
Trong thời kỳ đầu bị người Tàu đô hộ, dân Lạc Việt vẫn còn bảo tồn trọn vẹn được nền văn hoá riêng biệt. Chỉ cho đến khi Mã Viện mang quân sang đàn áp cuộc nổi dậy do Hai Bà Trưng lãnh đạo thì nhóm Việt sông Hồng mới thực sự phải đương đầu với nỗ lực Hán hoá khốc liệt của người Hán. Những người Việt miền xuôi trực tiếp sống dưới sự cai trị của quan quân Tàu đã chịu một phần ảnh hưởng không nhỏ. Những người Việt chạy về nam đã tiếp nhận văn minh Ấn. Chỉ còn nhóm Việt lui về rừng núi (như dân Mường) là giữ được nền nếp sinh hoạt cổ truyền. Chính trong nền nếp sinh hoạt ấy mà sau này các động miền núi đã cung cấp cho dân tộc những bậc anh hùng cứu quốc vĩ đại nhất trong lịch sử như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi.
Lâm Ấp, Hạt Nhân Tái Sinh Ngoài Vòng Ảnh Hưởng Hán Tộc
Khi đại quân của Hai Bà Trưng tan vỡ ở Cẩm Khê (Vĩnh Yên) và thế bức hai bà phải tự tận (năm 43) thì bọn tuỳ tướng còn lại dẫn tàn quân chạy về quận Cửu Chân (vùng Thanh Nghệ). Sau Mã Viện đem quân vào đánh, một số tướng lãnh trong đó có Đô Dương bị thua đành phải ra hàng, còn một số khác phải lui về phía cực nam phối hợp cùng thổ dân (bộ tộc Chàm trong nhóm Lạc Việt) giữ huyện Tượng Lâm và tiếp tục kháng cự. Mãi 59 năm sau (năm Nhâm Dần đời Hòa Đế nhà Đông Hán, tức 102) nhà Đông Hán mới đặt xong nền cai trị ở đất này.
Tuy nhiên Tượng Lâm vẫn còn là đất quật khởi. Năm 192, dưới sự lãnh đạo của Khu Liên (Ch’u Lien hay K’iu Lien) [3], dân Tượng Lâm (Hsiang Lin) khởi nghĩa đánh chiếm huyện đường và giết được viên huyện lệnh người Hán. Sứ thử đất Giao Chỉ là Phàn Diễn thống lĩnh đội binh Giao Chỉ và Cửu Chân hơn một vạn người xuống đàn áp, nhưng quân sĩ không những đã không tuân lại còn tỏ ra ủng hộ phe khởi nghĩa và trở lại chống kẻ đô hộ. Trước tình thế cực kỳ rối ren, Hán triều đành cử Chúc Lương xuống làm Thái Thú Cửu Chân, Trương Kiều làm Thứ Sử Giao Chỉ lo việc bình định. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc giao tranh, quân Hán vẫn không lấy lại được phần đất phía nam quận Nhật Nam (Je Nan) do Khu Liên chiếm giữ.
Khu Liên những mong bắc tiến đoạt lại toàn thể đất Lạc Việt cũ, nhưng với một lực lượng quá nhỏ, mộng lớn không thành nên ông đành dừng lại ở phần đất bé nhỏ phía nam mà xưng vương. Vùng đất giải phóng được mệnh danh là vương quốc Lâm Ấp (Lin Yi) gồm huyện Tượng Lâm và một vài huyện khác cũng thuộc quận Nhật Nam bao gồm khu Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay. Sau khi xưng vương, một mặt Khu Liên lo chỉnh đốn nội trị để làm vững mạnh căn cứ, một mặt sắp đặt công cuộc thâu đoạt lại Giao Châu và truyền ý chí ấy lại cho con cháu.
Năm 270, dòng dõi Khu Liên thất truyền, Phạm Hùng (Fan Hsiung) là cháu ngoại lên nối ngôi, lại khởi binh đánh phá Nhật Nam và Cửu Chân. Việc đã khiến cho Đào Hoàng, Thứ Sử Giao Châu, phải dâng sớ về triều đình nhà Tấn trình bày tự sự để xin giữ nguyên binh số khi nhà Tấn có ý định giảm quân ở các châu quận. Năm 349, Phạm Văn (Fan Wen) mang quân đánh vào tới tận miền nam đồng bằng sông Hồng. Nhưng không may ông mất trên đường hành quân nên thứ sử Giao Châu là Nguyễn Phu đã đoạt lại tất cả đất đai ông chiếm được. Năm 399, Phạm Hồ Đạt (Fan Hu Ta) mang quân chiếm Nhật Nam, Cửu Chân rồi đánh thốc vào Giao Chỉ, nhưng sau bị Thái Thú Đỗ Viện đánh bại. Năm 413, Phạm Hồ Đạt, một lần nữa lại tấn công Cửu Chân, song rốt cuộc cũng bị đánh bại và lần này bị Thứ Sử Giao Châu là Đỗ Tuệ Độ mang quân sang tận Lâm Ấp chém giết tàn hại (năm 420).
Sử dụng quân sự mãi không xong, đã có lần người Lâm Ấp dùng ngoại giao để xin lĩnh lại Giao Châu với Tống triều. Việc không những đã không đạt được kết quả lại còn gây thêm sự chú ý cho bắc phương, nên chẳng bao lâu sau quân Tống không dưng tiến đánh sâu vào nội địa Lâm Ấp, tàn sát, đốt phá khủng khiếp và cướp mất trên 100.000 cân vàng (năm 446). Từ đó Lâm Ấp không còn dịp nào gây rối được quân đô hộ nữa, những nhà lãnh đạo Lâm Ấp bèn tính đường tiến dần xuống phương nam. Xứ Lâm Ấp cũng có thời được gọi là Hoàn Vương (Huan Wang) nhưng từ năm 808 về sau thì đổi hẳn là Chiêm Thành (Champa).
Phù Nam, Cây Cầu Bắc Xuống Miền Nam
Nằm gần Lâm Ấp, choán hết miền nam lục địa Đông Nam Á là xứ Phù Nam. Theo tài liệu của Trung Hoa thì vương quốc Phù Nam được thiết lập từ thế kỷ 1. Sử sách hiện nay còn rất mù mờ về thời kỳ lập quốc của xứ này. Truyện truyền khẩu kể lại rằng ngày xưa có một người Ấn Độ đặt chân tới nơi đây cưới một công chúa địa phương là nàng Liễu Diệp (Liu Ueh) và cùng vợ lập nên vương triều mới. Thực ra chuyện này không có liên quan gì đến sự hình thành xứ Phù Nam, vì đó chỉ là chuyện vua Kaundinya và nữ thần Nagi Soma trong thần thoại Ấn Độ đã được dân gian hoá trong khu vực Phù Nam Chiêm Thành. Tuy nhiên so sánh với sử Lạc Việt thì ta thấy thời kỳ lập quốc của Phù Nam tương ứng với thời kỳ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Cuộc khởi nghĩa này do giai cấp quý tộc Lạc Việt phát động và lãnh đạo. Khi Hai Bà thất thế, nhiều nhóm quý tộc di tản về nam. Nhưng không lẽ một giống dân rất thạo nghề đi biển như dân Lạc Việt lại chỉ sử dụng đường bộ sao? Có thể có nhiều toán rút về nam bằng đường biển lắm chứ. Và nếu vậy biết đâu họ lại chẳng là những người sáng lập ra một tân quốc gia ở miền cực nam của bán đảo này? Sự tích lũy vàng bạc châu báu mà người Trung Hoa thường nói đến trong sử sách không những ở Lâm Ấp mà còn ở cả Phù Nam đã là một điều rất đáng chú ý khi nghĩ đến giả thuyết này.
Người ta không biết khi lập quốc, vương quốc này có tên là gì, chỉ biết khi tiếp xúc với Trung Hoa (thế kỷ 3) thì tên nước là Phnom (người Tàu phiên ra là Phù Nam) có nghĩa là núi non. Di tích cổ nhất về Phù Nam được đào thấy ở Võ Cảnh gồm bản kinh Phật bằng chữ Phạn và một bản văn Nam Ấn vào tiền bán thế kỷ 3. Như vậy có nghĩa là Phù Nam đã tiếp nhận văn minh Ấn Độ vào trước thời kỳ này. Khởi đầu Phù Nam lập quốc ở vùng Đồng Nai và châu thổ sông Cửu Long, xong lan qua Biển Hồ (Tonlé Sap) rồi vòng sang tận Châu Thổ Chao Phraya xuống bán đảo Mã Lai. Trong suốt năm trăm năm, Phù Nam đạt tới mức độ cường thịnh nhất vào thế kỷ 5, nhưng sang thế kỷ 6 thì yếu dần và bị Chân Lạp thôn tính.
Chiêm Thành và Phù Nam ngày nay không còn đất đứng riêng trong tập thể Đông Nam Á. Người Chàm đã trở về với khối gia đình Lạc Việt, tức người Việt Nam hiện đại. Còn người Phù Nam đã đồng hoá với tộc Môn Khmer. Tuy nhiên vai trò của hai quốc gia này trong thời kỳ đầu Công nguyên thật là quan trọng, vì nó chính là gạch nối giữa tổ hợp vừa suy sụp (đế quốc Nam Việt) với những tổ hợp đang hình thành ở lục địa cũng như hải đảo để giữ cho giống dòng Trăm Việt còn mãi tiếp nối.
[còn tiếp]
Ghi Chú:
[1] “Chí Chu trang vương thời, Gia ninh bộ hữu dị nhân yên, năng dĩ ảo thuật, phục chư bộ lạc, tự xưng Hùng Vương, đô ư Văn Lang, hiệu Văn Lang quốc, dĩ thuần chất vi tục, kết thẳng vi chính, truyền thập bát gia xưng Hùng Vương.” (Việt Sử Lược)
[2] Trường hợp Olov Janse mới thật là kỳ khôi! Trong những bài đầu tiên khi viết về Đông Sơn sau các cuộc khai quật mà chính ông ta được đảm nhiệm, ông ta đã mô tả như nguồn cội nền văn hoá này là từ người Trung Hoa đời Hán (The Illustrated London News, ngày 13 tháng 7 năm 1935), nhưng rồi thời gian trôi qua, bị mê hoặc bởi những cuộc viễn chinh tưởng tượng của H. Geldern mà thực chất chỉ có thể làm hứng thú lũ trẻ nhỏ tiểu học, ông ta đã xoay ngược luận điệu lại mà cho rằng văn hoá Đông Sơn được tạo lập bởi ảnh hưởng của giống người Tocharéens từ vùng Pont Euxin miền Hắc Hải trên đường đông trinh trước Công nguyên. Ông ta đã tự mâu thuẫn ở mặt này, nhưng lại rất vững lập trường ở mặt khác; đó là sự quyết tâm phủ nhận giá trị chủ động nền văn hoá đó của bộ tộc Lạc Việt. Suốt trong bài diễn văn “Nguồn gốc văn minh Việt Nam” đọc tại giảng đường Viện Đại Học Huế đầu năm 1959 (bản dịch đăng liên tiếp trong các số Đại học 12, 13 và 14 do Viện Đại Học Huế ấn hành năm 1959 và 1960), ông ta đã bôi bác ra không biết bao nhiêu chuyện kỳ quái để cố nói lên một cách vụng về ảnh hưởng văn minh phương tây trong thời cổ đại ở đất nước này. Một thí dụ nhỏ: những nấm mồ kẻ chết đường ở Bắc Việt mà dân chúng thường cầu khẩn bằng cách xếp đá cục cho cao lên và thường gọi là Ông Đống, dưới mắt O. Janse nó chính là biểu tượng thần Hermès của người Hy Lạp mà dân Giao Chỉ đã tiếp nhận cách phụng thờ từ đạo quân viễn chinh ở Hắc Hải tới.
[3] Những chữ trong ngoặc được kê thêm để độc giả tiện kê cứu những sách viết về Lâm Ấp (Lin Yi) hoặc Chiêm Thành (Champa) và Phù Nam (Funan) của các tác giả Âu Mỹ.