Quần tụ là đúng, nhưng quần tụ thế nào? Thực ra chẳng làm gì có công thức chung cho khắp các dân tộc nhược tiểu trên thế giới. Mỗi nhóm quốc gia phải tự tìm lấy những tiêu chuẩn kết hợp riêng.
Ở trường hợp Đông Nam Á, nói đến một hình thức liên bang là điều quá lý tưởng và còn quá xa vời; nói đến một hiệp hội chỉ nhằm vào việc “hiếu hỷ” là điều không có lợi ích thiết thực. Một mẫu liên minh thuần túy về mặt quân sự như có người đã đề xướng sẽ chẳng đáp ứng được nhu cầu an ninh toàn vùng, vì khi hoà thì hợp, khi biến thì tan, động cơ nào thúc đẩy các nước vì nhau mà sống chết? Hay một thị trường chung như mô thức Tây Âu? Nghe ra không phải là một đề nghị dở, nhưng trên thực tế tình trạng và chế độ xã hội quá khác biệt làm sao mà đứng chung trên mặt trận kinh tế?
Vạch ra những điều trên, chúng tôi không nhằm chống nỗ lực kết khối, mà ngược lại, chỉ để thấy rõ những khó khăn hầu có thể tìm ra lối thoát chung.
Trước hết, phải chấp nhận một điều là không có tổ chức kết hợp nào được coi là bất biến, không có hình thức kết hợp nào được coi là duy nhất, độc tôn khi chưa hội đủ mặt các nước Đông Nam Á. Hiệp Hội ĐNA (ASA) có ba hội viên, tự cảm thấy chật hẹp nên đã giải tán nhường chỗ cho Hiệp Hội Các Quốc Gia ĐNA (ASEAN). HHCQGĐNA có năm hội viên cũng nên nghĩ đến một lúc nào đó phải có một tổ chức khác nếu muốn bành trướng rộng hơn. Đó là điều làm cho tất cả các hội viên đều cảm thấy mình là sáng lập viên, không có mặc cảm kẻ trước người sau và nhờ vậy sẽ tạo được chân bình đẳng ngay trong nội bộ.
Mỗi khi thay đổi hình thức tổ chức thì cũng phải nghĩ đến thay đổi mối liên hệ bằng cách thăng tiến lên các mặt hợp tác. Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh… đều phải được khai triển rộng rãi. Địa hạt này sẽ giúp địa hạt kia thoát khỏi bế tắc. Thí dụ những liên hệ văn hóa sẽ giúp cải thiện mô thức chính trị. Mô thức chính trị tương đối gần nhau (không đến nỗi trái nghịch như cộng sản với tư bản hiện giờ) sẽ tạo điều kiện cho các khung cảnh xã hội đỡ khác biệt. Khung cảnh xã hội có hòa hợp thì mới tạo được nền móng tốt cho hợp tác kinh tế v.v…
Tất cả những mặt kết hợp trên rất cần thiết nhưng chưa đủ. Công thức dẫu có, đơn chất trộn vào nhau dẫu đúng phân lượng, song vẫn không nảy sinh hiện tượng hóa hợp! Chung qui chỉ còn thiếu một chút chất xúc tác. Chất xúc tác ở đây là linh hồn của nỗ lực kết khối. Đó là tình anh em ruột thịt, là tình thương yêu đùm bọc lấy nhau. Đó là ý thức Đại Thái, ý thức Đại Mã, ý thức Đại Nam Hải, ý thức Maphilindo, ý thức Trăm Việt.
Các dân tộc Bách Việt đã điêu linh khốn khổ hàng ngàn năm, suốt từ Hoa lục xuống vùng đất Đông Nam Á vì mưu đồ tiêu diệt của Tàu, đã bị bóc lột đến tận cùng xương tủy hàng trăm năm dưới thời kỳ thống trị của Tây, đã đâm thuê đánh mướn cho các đế quốc hiện đại hàng chục năm đủ gây nên những đau thương tang tóc chưa từng có. Trước hoạ diệt vong chung, phải cùng đi tìm lẽ sống. Trên đường đi tìm lẽ sống còn đầy gian khổ, bỗng nhận ra họ hàng thân tộc; dù nội ngoại xa gần há lại chẳng nên đắp điếm đùm bọc lấy nhau mà cùng tiến tới hay sao?
Hãy khai triển mối liên hệ họ hàng làm ngọn lửa tiêu biểu cho ý thức kết hợp. Thấm nhuần ý thức ấy, thù hận lịch sử sẽ tan biến. Xứ Lào nhỏ bé sẽ không còn e ngại người bên kia bờ sông Cửu, kẻ bên này dãy Trường Sơn mang binh quyền sang đổi chúa thay vua cướp nhà, xẻ nước. Dân Khmer sẽ thôi nuôi dưỡng mối “huyết thù” lịch sử với người Việt; nhờ đó cái cảnh cáp duồn vô nhân đạo sẽ không còn bao giờ xảy ra. Người Thái sẽ không phải lo lắng về mặt Tây biên và sẽ rộng lượng quên đi mối hận đốt kinh thành hàng trăm năm trước. Các sắc dân Miến, Shan, Karen… trên lãnh thổ Miến Điện sẽ cảm thấy gần gũi thương yêu nhau hơn; nội chiến vì phe nhóm sẽ không còn cơ hội tái phát. Người Việt Nam sẽ dứt bỏ giấc mộng Tây tiến xâm lược lân bang của các vua chúa thời phong kiến cũ. Indonesia và Mã Lai Á sẽ bắt tay tha thứ cho nhau về cảnh giành giựt đã từng làm ở Kalimantan khi trước. Phi-líp-pin sẽ tự trút cái vỏ tây phương kệch cỡm mà trởi lại với bạn bè cùng xứ. Tiểu quốc Brunei sẽ tự khước từ nền bảo hộ của mẫu quốc Anh mà trở về với gia đình Đông Nam Á.
Rồi ra, từ ý thức ấy, niềm hứng khởi cho sự tìm hiểu lẫn nhau sẽ bừng lên giữa nhân dân các nước. Biên giới trong vùng sẽ được mở tung cho các cuộc du khảo thăm hỏi. Ngôn ngữ nước này sẽ là sinh ngữ trong trường học nước kia. Các học giả sẽ ngồi với nhau tìm tòi chắt lọc lấy những từ ngữ có cùng gốc gác xa xưa mà định lại một số ngôn từ cơ bản, nếu chẳng đủ làm phương tiện truyền thông, thì ít ra cũng thắt chặt thêm mối liên đới tinh thần. Các lý thuyết gia chính trị sẽ bàn thảo với nhau để vạch ra con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa riêng của khu vực ngõ hầu phá tan bất công, thối nát và san bằng chênh lệch của xã hội hiện tại. Các nhà ngoại giao sẽ cùng vạch ra một đường lối thích hợp nhất, vừa giúp tạo được chính sách đối ngoại chung, vừa giúp bảo toàn được chủ quyền đối nội của mỗi quốc gia. Các kế hoạch gia sẽ đề cập đến những nhu cầu phát triển chung, những chương trình tạo tác đa phương để đem lợi ích cho nhiều người cùng hưởng. Các nhà kinh tài sẽ nói đến việc hình thành thị trường chung, việc lập những ngân hàng Đông Nam Á trong vùng và trên thế giới, cũng như việc phân phối, điều hợp tài nguyên, lợi tức giữa các nước để bảo đảm nỗ lực tự túc, tự cường. Các nhà quân sự sẽ phác họa hình thức một Bộ Tư Lệnh liên hợp, sẽ nghiên cứu các chiến lược, chiến thuật mới, sẽ tổ chức thao diễn hiệp đồng…, tất cả tuyệt nhiên không nhằm tranh bá đồ vương trên trường quốc tế, mà chỉ cốt sao đủ sức tự vệ tổi thiểu, không cần núp bóng bất cứ một cường lực nào.
Một khối quốc gia xây dựng trên tình anh em ruột thịt như vậy, chẳng biết ngày mai có trở nên sự thực phần nào hay vĩnh viễn chỉ là giấc mơ suông của người cầm bút?
[hết]
Đã đăng trên tạp chí Bách Khoa (Sài gòn –VN) trong những năm 1969 – 1974
Phạm Việt Châu (1932 – 1975)