Trăm Việt trên vùng định mệnh

CHƯƠNG 12

Bản Chất Chiến Tranh

Tiến trình lịch sử của nhân loại chuyển qua chuyển lại từ hòa bình sang chiến tranh, chiến tranh sang hòa bình, chẳng có gì khác hơn là một chuỗi hành động bành trướng kế tục của đế quốc. Đế quốc có thể bành trướng uy quyền, bành trướng lãnh thổ, bành trướng kinh tế, bành trướng văn hoá, nhưng tiêu đích đều quy vào việc tranh đoạt quyền lợi từ nước ngoài, thường thường là quyền lợi vật chất. Nhìn vào toàn bộ cục diện thế giới, thời nào chúng ta cũng bắt gặp những bộ mặt đế quốc ấy. Chiến tranh đã phát sinh từ những hành động bành trướng. Khi đế quốc gặp sự chống trả của nạn nhân, chiến tranh sẽ bùng nổ trong một phạm vi nhỏ. Khi đế quốc đụng chạm quyền lợi lẫn nhau mà không giải quyết được bằng những phương thức khác, chiến tranh cũng sẽ bùng nổ nhưng trong một phạm vi lớn hơn. Khi từng tập đoàn đế quốc va chạm quyền lợi với nhau trên bình diện quốc tế, thế chiến sẽ xảy ra.

Từ sau thế chiến II, hai tập đoàn đế quốc lớn lao nhất trong lịch sử nhân loại đã thành hình: đó là tập đoàn cộng sản và tập đoàn tư bản. Cộng sản và tư bản va chạm nhau khắp nơi trên thế giới, nhưng cả hai bên đều tự chế để tránh thế chiến; vì thế chiến trong thời kỳ này sẽ không thể không dẫn đến chiến tranh hạch tâm làm huỷ diệt chính các trung tâm đế quốc. Tự chế thế chiến không có nghĩa là không có chiến tranh. Chiến tranh vẫn đã xảy ra và còn đang xảy ra ở nhiều nơi dưới nhiều hình thái khác nhau.

Hai hình thái thông thường nhất là chiến tranh uỷ nhiệm và chiến tranh cục bộ. Trong chiến tranh uỷ nhiệm, đế quốc giữ phần chỉ đạo và tiếp trợ bên ngoài, còn phần vụ lâm chiến do quốc gia nhược tiểu tay em đảm nhận. Trong chiến tranh cục bộ, đế quốc tham chiến trực tiếp nhưng chỉ đưa ra những sức mạnh giới hạn, cụ thể là giới hạn trong loại vũ khí thường, mặc dù đế quốc có sẵn vũ khí hạch tâm.

 

Bản Chất Chiến Tranh Việt Nam

Từ 1960 đến nay, trong cái thế nạn nhân của hai tập đoàn đế quốc, Việt Nam đã là thí điểm của hai hình thái chiến tranh uỷ nhiệm và chiến tranh cục bộ mà mỗi bên tung ra để tranh thắng.

Mặc dầu các đế quốc đã nhúng tay vào cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ nhất, nhưng thực tế cho thấy bản chất cuộc chiến thời đó là chiến tranh xâm lược và chiến tranh chống xâm lược, cụ thể là hành động tái chiếm thuộc địa của một quốc gia thực dân cũ và hành động đối kháng lại của một dân tộc muốn sống tự do. Vì vậy, nói đến chiến tranh thực sự do hai khối đế quốc chủ động là phải nói đến cuộc chiến tại Việt Nam từ 1960 về sau.

Gọi là chiến tranh của hai khối, vì những người đảm trách việc tiến hành cuộc chiến trong nước chỉ là những toán xung kích trên tuyến đầu của mỗi khối. Không được thúc đẩy bởi ý chí tranh thắng của đế quốc, không được đế quốc cung cấp phương tiện chiến tranh, chắc chắn không phe Việt Nam nào có thể tiến hành cuộc chiến được. Nói một cách khác, nếu đế quốc đôi bên thực sự đạt được một thỏa hiệp nào đó, chiến tranh sẽ mất lý do để tiếp tục.

Giữa hai phe đối chiến, Cộng Sản đã thi triển phương thức ủy nhiệm một cách hoàn hảo nhất, nghĩa là trong suốt cuộc chiến, trùm đế quốc không ló mặt [1]. Phe tư bản vụng về hơn, nên chỉ ủy nhiệm từng giai đoạn, giai đoạn đầu là thời gian 1961-1964. Từ 1965, Mỹ đã nhảy vào trực tiếp tham chiến, dù chỉ là tham chiến một cách hạn chế. Mức độ tham chiến của Mỹ càng gia tăng, Mỹ càng cảm thấy sơ hở do quyết định vụng về của mình gây ra, nên từ 1969, Mỹ lại xoay dần sang phương thức ủy nhiệm, nghĩa là giảm dần lực lượng Mỹ, tăng cường dần lực lượng VNCH. Phương thức này được Mỹ gọi là chiến tranh Việt Nam hóa.

Năm 1954, đại diện các phe lâm chiến trực tiếp ở Đông dương cùng đầy đủ đại diện các đế quốc lớn của hai tập đoàn Cộng sản và Tư bản đã gặp gỡ nhau trong hoà hội Genève. Hoà hội đã kết thúc bằng hiệp định Genève, một sản phẩm biểu lộ rõ rệt tính chất hoà hoãn tạm bợ của hai khối quốc tế và tự nó đã hứa hẹn một cuộc chiến tranh mới sẽ mở màn sau đó.

Xét về thể thức ngưng bắn, với tình trạng lúc ấy, người ta chỉ có hai phương cách để giải quyết nếu muốn có hoà bình: hoặc chủ trương thiết dựng một chính quyền thống nhất trong vòng một, hai năm sau thì phải thi hành ngưng bắn tại chỗ, với chính quyền tạm thời của mỗi bên ở các địa phương xen kẽ nhau, hoặc minh định duy trì tính chất độc lập của mỗi thực thể ít ra là hàng chục năm, chứ không phải hai năm.

Nay, một mặt người ta cắt đôi Việt Nam một cách dứt khoát, một mặt lại thêm rằng hai cái mảnh đã bị cắt dứt khoát ấy phải tự gắn vào nhau trong một thời gian ngắn ngủi là 24 tháng, một điều mà ai cũng thấy là không thể thực hiện được. Biết trước là không thể thực hiện được và vẫn ký thì có khác nào chấp nhận trước cái bế tắc của việc thực thi văn kiện đã ký. Bế tắc ấy là bế tắc chính trị. Và khi chính trị bế tắc không còn phương thức nào để giải thông thì chiến tranh phải xảy ra.

Chiến tranh đã thực sự nảy sinh từ cái bế tắc đã được dự liệu, nghĩa là từ ý dò tranh thắng mà mỗi bên đế quốc vẫn đeo đuổi. Còn những việc xảy ra sau đó chỉ là nguyên nhân nổi bên ngoài mà thôi. Những nguyên nhân nổi thường thấy nói đến chẳng hạn như nỗ lực diệt cán bộ CS nằm vùng ở miền nam của chính quyền Sài Gòn mà tiêu biểu là luật 10/59 ngày 6 tháng 5 năm 1959, hoặc quyết định “chiếu cố miền Nam” của cấp lãnh đạo CS Hà Nội từ 1959 mà sau này, ngày 5 tháng 9 năm 1960, đã được đại hội đại biểu đảng CS lần thứ ba chính thức thông qua.

 

Phân Định Chiến Kỳ

Trong suốt 13 năm chiến tranh, mỗi bên đã đưa ra hết mọi ngón đòn chiến lược, chiến thuật, trừ chiến tranh nguyên tử, để lấn nhau từng bước. Phân tích những diễn biến làm thay đổi cục diện chiến tranh, ta có thể thấy ngay đặc điểm chiến kỳ nổi rõ trong sự thay đổi phương thức tiến hành chiến tranh trùng hợp với nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, nghĩa là từng giai đoạn bốn năm.

Năm 1960, có thể lấy thêm cả một phần 1959, tuy là thời kỳ vũ trang nổi dậy của CS miền Nam, nhưng thực chất chỉ là giao thời giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Khởi sự từ 1961, các hoạt động vũ trang mới đủ mạnh để đáng gọi là chiến tranh.

Do đó, chiến tranh Việt Nam có thể phân ra làm ba giai đoạn rõ rệt như sau:

  1. Từ 1961 đến 1964 là giai đoạn chiến tranh nổi dậy về phía CS, chiến tranh chống nổi dậy từ phía VNCH và chiến tranh uỷ nhiệm tiêu cực của Mỹ (học thuyết Kennedy.)

  2. Từ 1965 đến 1968, giai đoạn chiến tranh cục bộ Mỹ (học thuyết Johnson) và chiến tranh chống chiến tranh cục bộ của CS.

  3. Từ 1969 đến 1972, giai đoạn chiến tranh Việt Nam hoá (học thuyết Nixon) hoặc uỷ nhiệm tích cực của Mỹ và chiến tranh chống chiến tranh Việt Nam hoá của CS.

Cuối mỗi giai đoạn, CS đều mở những trận đánh lớn, nổi tiếng là trận tổng công kích Mậu-thân đánh dấu kết thúc giai đoạn 65-68, và tổng công kích 1972 đánh dấu giai đoạn 69-72. Cuộc tấn công nông thôn trải mỏng trên hàng trăm xã ấp vào thời kỳ thực thi hiệp định đình chiến đầu năm 1973 chỉ được coi là hành động tự nhiên trong việc dành dân lấn đất khi có ngưng bắn tại chỗ; do đó không thể xếp chung vào tổng công kích 1972 mà trên thực tế đã xẹp xuống dần từ cuối 1972.

Về các loại chiến tranh, ngoài những tên gọi trên, ta còn có thể thấy những danh từ khác như khởi nghĩa vũ trang hay đồng khởi thay vì vũ trang nổi dậy, chiến tranh đặc biệt thay vì chiến tranh chống nổi dậy, chiến tranh hạn chế thay vì chiến tranh cục bộ. Về phía CS, trong những ấn phẩm cũng như trên đài phát thanh, người ta luôn luôn thấy chữ “nhân dân” đi kèm với chiến tranh ở khắp giai đoạn (chiến tranh nhân dân). Còn về phía Mỹ và VNCH, danh từ phiến động hay phiến loạn (insurgency) và chống phiến loạn (counterinsurgency) được dùng để thay thế cho nổi dậy và chống nổi dậy.

Nhìn dưới khía cạnh khác, ta có thể nói lúc đầu đôi bên đã tiến hành đấu tranh chính trị sang bán vũ trang, rồi vũ trang. Mức độ vũ trang của phía CS từ du kích sang vận động, và từ vận động sang trận địa. Hình thái chiến tranh từ không quy ước, sang bán quy ước đến quy ước. Tuy nhiên, không thể dựa vào khía cạnh này để phân định chiến kỳ rõ rệt như cách phân định y cứ vào sự thay đổi thế chiến lược ở trên. Vì, trên nguyên tắc tiến hành chiến tranh, CS luôn luôn kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp du kích với vận động chiến và trận địa chiến, kết hợp quy ước với không quy ước, v..v… Điển hình trong trận tổng công kích 1972, quy ước chiến đã được tiến hành trên các mặt trận điểm (Quảng Tri, Kontum, Bình Long), trong khi tại các mặt trận diện rải rác khắp nơi, không quy ước được coi là chủ yếu.

 

Từ Đấu Tranh Chính Trị Đến Đấu Tranh Vũ Trang

Hình thức đấu tranh chính trị của chính quyền miền Nam trong thời kỳ đầu được quy vào bốn chữ “quốc sách tố Cộng.” Gọi là quốc sách, vì nó quả là chính sách quốc gia thời ấy, nếu chính sách quốc gia được hiểu như những phương thức hướng dẫn chính quyền trong việc thực hiện các tiêu đích mà quốc gia phải đạt được. Tiêu đích mà quốc gia phải đạt đối với chính quyền lúc ấy không có gì khác hơn là tận diệt đảng viên CS nằm vùng tại miền Nam để kiến lập một nước VNCH đứng hẳn vào quỹ đạo tư bản và đồng thời làm tiền đồn ngăn cản làn sóng đỏ ở Đông Nam Á cho khối đế quốc này (theo thuyết “domino” mà các tổng thống Mỹ Eisenhower, Kennedy, Johnson đều tin tưởng).

Tuy tiêu đích thì như vậy, nhưng trong hành động, chính quyền VNCH lại thi hành theo thứ tự ưu tiên: đả thực, bài phong, rồi mới diệt cộng. Vì bản chất độc tài, độc tôn, phe cầm quyền đã vận dụng mọi phương tiện sẵn có trong tay để độc quyền cai trị, rồi sau đó mới chống cộng.

Về phía CS, mũi nhọn tuyên tuyền trong giai đoạn đấu tranh chính trị đáng lẽ chỉ tìm được khe hở “không chịu thi hành hiệp định Genève” của Sài Gòn, nhưng nhân lợi dụng được sai lầm nghiêm trọng của ông Ngô Đình Diệm trong việc triệt hạ các lực lượng quốc gia ở địa phương, CS đã triệt để khai thác bằng cách tìm thế liên minh chống lại chính quyền. Chính nhờ sự tiếp tay của nhiều phần tử vũ trang còn lại trong các tổ chức quốc gia bị chính quyền phá rã, đảng viên CS nằm vùng và cán bộ CS hồi kết (từ Bắc Việt) mới gây dựng lại được phong trào đấu tranh mới, mở màn cho đợt Đồng Khởi đầu tiên 1960-1961.

Đồng Khởi ở đây đã được dùng như một danh từ riêng để chỉ một giai đoạn mà lúc đầu vốn chỉ là một chiến dịch. Đó là giai đọan lấy vận động quần chúng làm chính, tiếp tục dùng ảnh hưởng kháng chiến còn lại để tuyên truyền xách động nhân dân đấu tranh. Trong đấu tranh, phần bạo lực chính trị được đặt nặng, còn vũ trang chỉ làm đòn xeo hỗ trợ. Do đó, Đồng Khởi chưa thực sự được gọi là chiến tranh mà chỉ có thể coi là cuộc nổi dậy có vũ trang.

Cộng sản đã tìm chỗ nhược nhất của VNCH mà tấn công: đó là hệ thống chính quyền xã ấp. Trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, người ta đã ước lượng có tới 1/3 cơ sở chính quyền xã ấp và đồn bót địa phương quân bị phá rã, phần lớn chỉ bằng khủng bố, ám sát, binh địch vận. Địa phương quân bị tiêu hao, Sài Gòn đã phải phân tán mỏng quân chính quy trám chỗ, làm cho lực lượng này suy yếu hẳn đi vì bị cầm chân, mất tính cơ động, không sử dụng được sức mạnh hiệp đồng binh chủng sẵn có.

Chính trong giai đoạn Đồng Khởi này, CS đã làm cho chính quyền Ngô Đình Diệm mất uy tín rất nhiều, đến nỗi đã gây bất mãn sâu đậm trong nội bộ và đưa đến cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11 năm 1960 và vụ dội bom Dinh Độc Lập ngày 26 tháng 2 năm 1961.

 

Sơ Lược Về Hình Thái Chiến Tranh

Sự bất lực của chính quyền Sài Gòn đã làm CS thêm tự tin trong việc phóng tay đốt mạnh ngọn lửa chiến tranh tàn phá đất nước này. Sự bất lực của chính quyền Sài Gòn cũng còn là cái cớ tốt cho Mỹ tìm cách nhảy vào Việt Nam.

Kennedy đã gửi phó tổng thống Johnson sang VN vào tháng 5 năm 1961 để ép ông Diệm “mời” người Mỹ giúp. Từ cuối năm 1961, với sự phục tòng của ông Diệm, Kennedy đã lặng lẽ tăng dân số cố vấn quân sự tại miền Nam lên và mở màn cho hành động can thiệp trực tiếp của Mỹ vào Đông Dương. Cũng từ đó, chiến tranh thực sự lan tràn khắp nơi, không cách gì kềm giữ lại được.

Trong hành động can thiệp, Mỹ nắm giữ phần chỉ đạo chiến tranh và cung cấp phương tiện chiến tranh, do đó hình thái vẫn còn trong phạm vi uỷ nhiệm và quân lực đối đầu hai bên vẫn đều là VN. Mở đầu, Mỹ tăng số cố vấn và nhân viên yểm trợ lên từ 2.000 tới 15.000, một mặt để trực tiếp theo dõi quân dụng Mỹ đến cấp thật thấp, mặt khác, quan trọng hơn, để chuyên viên quân sự Mỹ học hỏi phương cách chống chiến tranh nổi dậy hầu nghiên cứu áp dụng trên khắp thế giới trong chiến lược phản ứng linh hoạt toàn cầu của Mỹ.

Những phương tiện được đưa vào Nam VN là những phương tiện chống chiến tranh nổi dậy, quan trọng nhất là trực thăng, xe bọc sắt, giang thuyền vũ trang. Kế hoạch Taylor [2] vạch ra hai bước tiến hành: bước 1, ổn định phòng thủ (nhằm củng cố vững chắc việc phòng thủ, đẩy mạnh hành quân giải toả chung quanh các căn cứ quân sự và vùng đông dân cư); bước 2, đẩy mạnh tấn công (đánh vào căn cứ CS để tiêu diệt). Mục tiêu của kế hoạch này là bình định cấp tốc miền Nam VN trong vòng 18 tháng. Điểm chủ yếu của nỗ lực phòng thủ là chương trình lập ấp chiến lược theo kiểu các ấp tập trung dân ở Mã Lai. Về tấn công, Mỹ đưa ra hàng loạt các chiến thuật mới như chiến thuật thiết vận, trực thăng vận, bao vây tiêu diệt, diều hâu tìm mồi, v..v… với mức độ cơ động cao độ hầu đạt phương châm đánh mau, rút nhanh.

Phía CS, đang trên đà thắng lợi của đợt đồng khởi cũng đã phải khựng lại vì tổn thất nặng nề. Mặc dầu chiến thuật của CS lúc ấy dựa vào nguyên tắc tứ khoái nhất mạn [3], lấy đánh thần tốc làm tiêu chuẩn, nhưng nhiều khi chưa chuẩn bị xong đã bị khám phá ra và bị tấn công (tìm và diệt). Tình trạng này đã đưa CS đến chỗ phải quyết định thâm nhập ồ ạt quân đội từ miền Bắc vào Nam. Chiến trường sôi động thêm và CS phải lao hẳn vào một cuộc chiến không lối thoát. Dầu sao, Mỹ cũng đã không thể đạt đưọc mục tiêu bình định đã vạch. Hơn nữa, những xáo trộn về phía nội bộ VNCH trong những năm 1963, 1964 đã là yếu tố chính làm suy yếu nỗ lực của Mỹ và đã đưa Mỹ đến quyết định nhảy hẳn vào vòng chiến.

Trong năm 1964, Mỹ đã chuẩn bị thay thế chiến lược bằng cách vạch ra kế hoạch năm điểm (kế hoạch McNamara):

· Tăng cường mức độ chiến tranh ở miền Nam.

· Bình định có trọng điểm.

· Ổn định chính phủ Sài Gòn.

· Ngăn chặn Bắc Việt thâm nhập người và vật liệu.

· Chuẩn bị đánh phá miền Bắc.

Kế hoạch này đã được thi hành từ đầu năm 1965 với việc đem quân bộ vào đánh miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không lực ở miền Bắc nhằm tiêu diệt bớt tiềm lực quân sự của Hà Nội. Chiến tranh uỷ nhiệm đã được Mỹ thay thế bằng chiến tranh cục bộ. Trong chiến tranh cục bộ, hầu như Mỹ nắm hết phần tấn công, quân đội VNCH chỉ còn được giao phó công tác bình định nông thôn.

Để đối phó với sức mạnh hoả lực của Mỹ, CS chủ trương né tránh đánh trực diện, bảo toàn chủ lực và chuyển hẳn sang thế đánh lâu dài. Đánh lâu dài vốn là phương châm chiến tranh của Mao Trạch Đông và đã được CS Việt Nam triệt để áp dụng trong cả hai cuộc chiến. CS cũng chủ trương thực hành kết hợp chiến tranh du kích và chiến tranh quy ước. Đủ mạnh, tiến lên quy ước; còn yếu, lại lui về du kích. Chiến tranh không chiến tuyến làm cho Mỹ mất sở trường quy ước chiến. Nhưng sức mạnh hoả lực của Mỹ lại buộc CS phải lui về du kích. Du kích chiến, đúng như Mao đã nói, cũng giống như bùn lầy, có thể giữ cho khỏi thua nhưng cũng không thể thắng đối phương. Việc cầm cự lâu dài có thể làm cho Mỹ nản lòng và bỏ cuộc, nhưng cũng không làm thoả mãn Nga Sô là nước chi viện chủ yếu cho cuộc chiến về phía CS. Từ 1964 trở đi, Nga phải tăng quân viện đều đặn hàng năm. Tới năm 1967, Nga đã chuẩn chi cho cuộc chiến ở Việt Nam 790 triệu rúp (ruble), tương đương 710 triệu Mỹ kim; đó là số chi cao nhất mà Nga có thể chịu đựng được trong thời kỳ ấy.

Chính những khó khăn đó đã đưa chiến lược gia Võ Nguyên Giáp đến một giải pháp mới được ông gọi là một loạt những “vận dụng sáng tạo” hầu uyển chuyển hoá giáo điều cũ trên mặt tiến hành chiến tranh. Để “vận dụng sáng tạo”, phương châm “dựa vào sức mình là chính”, đại tướng họ Võ đã thêm “đồng thời ra sức tranh thủ chi viện quốc tế”. Cũng vậy, ông đã nối vào sau “chủ trương đánh lâu dài” cái đuôi “đồng thời ra sức sáng tạo thời cơ” để thực hiện điều mà ông gọi là “đột biến” [4], và những người dưới quyền ông ở miền Nam gọi một cách nôm na hơn là “làm một cú quyết định.”

Cái cú quyết định mà CSVN vừa mưu tính, vừa bị bắt buộc thực hiện ấy là cuộc tổng công kích Mậu Thân (1968). Chính cuộc tổng công kích này đã làm tiêu mòn phân nửa lực lượng CS ở miền Nam, nhưng cũng đã làm cho miền Bắc tạm thoát đưọc nạn oanh tạc [5]. Cuộc tổng công kích đã làm tiêu tan hy vọng tái ứng cử của Johnson, nhưng lại đưa Nixon, một nhân vật cứng rắn hơn, lên ghế tổng thống. Nghĩa là, nếu tiếp tục phân tích, chúng ta sẽ thấy hậu quả của vụ Mậu Thân đưa đến một chuỗi những điều lợi, hại lẫn lộn cho cả hai bên tham chiến, đến nỗi khó mà có thể xác định thắng bại một chiều.

Dầu sao, Mậu Thân quả cũng là một đột biến quan trọng làm thay đổi toàn bộ cục diện chiến tranh. Mỹ nhìn thấy rõ cái bất lợi của chiến tranh cục bộ nên lại tìm cách xoay về chiến tranh uỷ nhiệm. Đó là kế hoạch rút quân từ từ của Nixon, đi đôi với mức độ Việt hoá chiến tranh. CS cũng thấy rõ sai lầm trong việc đốt giai đoạn khi tình hình chưa đủ chín mùi. Hậu quả là bị tổn thất quá nặng nên CS bị buộc phải hạ cường độ chiến tranh xuống một bực.

Để hiểu rõ vấn đề này hơn, chúng ta cần trở ngược lại nguyên tắc tiến hành chiến tranh nhân dân. Trong chiến tranh nhân dân, tuỳ theo dân số quy tụ và địa thế, CS chia mặt đất ra làm ba vùng để tiện vận dụng; vùng nông thôn đồng bằng, vùng nông thôn rừng núi và vùng thành thị. Nhưng trong quy định chiến lược, CS thường chỉ đề cập tới nông thôn và thành thị. Trên đại thể, chiến tranh nhân dân phát khởi từ nông thôn và lấy nông thôn bao vây thành thị. Nhưng đến giai đoạn kết thúc, quân giải phóng lại phải làm ngược lại như lời Mao Trạch Đông đã nói trước hội nghị Trung Ương Đảng CS Trung Quốc ngày 5 tháng 3 năm 1949 tại Hà Bắc “Từ 1927 tới bây giờ, nông thôn là vùng hoạt động chủ yếu của ta; lực lượng ta tập trung ở nông thôn, ta dùng nông thôn bao vây thành thị để sau đó chiếm thành thị. Thời kỳ áp dụng phương thức hoạt động ấy nay đã chấm dứt. Từ nay, bắt đầu thời kỳ từ thành thị xuống nông thôn, lấy thành thị lãnh đạo nông thôn. Trọng tâm hoạt động của đảng ta cũng dời từ nông thôn lên thành thị. Ở miền Nam, giải phóng quân đánh chiếm thành thị trưóc, rồi mới toả xuống nông thôn sau.” [6]

Điều này cho thấy Võ Nguyên Giáp không hề đi ngược lại chiến lược Mao Trạch Đông. Điểm khác biệt duy nhất là thời cơ 1949 ở Hoa Lục và thời cơ 1968 ở miền Nam VN. Ước tính sai lầm về mức độ chín mùi ở VN cũng là sai lầm cơ bản của toàn bộ cuộc tổng công kích.

Giai đoạn chiến tranh Việt Nam hoá và chiến tranh chống Việt Nam hoá là giai đoạn vừa xảy ra trước mắt chúng ta. Tuy nhiên, phác định lại vài điểm làm tiêu mốc tưởng cũng không phải là vô ích. Đầu năm 1969, số lượng quân Mỹ ở VN lên đến trên nửa triệu (ngày 20 tháng 1 năm 1969: 549.500), tức là số cao nhất trong cuộc chiến. Sau đó Mỹ dần dần rút quân để thực hiện Việt Nam hoá. Như trên đã nói, đây là giai đoạn Mỹ trở về chiến tranh uỷ nhiệm; nhưng chưa hoàn toàn uỷ nhiệm như danh xưng, vì bộ binh Mỹ còn tham chiến mạnh mẽ tại khắp Đông Dương, nhất là vào năm 1972, năm có cuộc tổng công kích mới của CS.

Năm 1970, cuộc đảo chính ở Kam-pu-chia đã đưa chiến tranh VN sang một khúc rẽ mới: chiến trường mở rộng hơn, quân đội VN hai bên bị căng ra nhiều hơn, và lần đầu tiên trong lịch sử, những lực lượng lớn VN đã tìm diệt nhau trên lãnh thổ nước ngoài. Về phía Mỹ, việc vượt biên của các đơn vị VNCH là một thử thách mới với chương trình Việt Nam hoá. Tuy nhiên, thử thách ấy còn quá nhỏ bé, chưa chứng tỏ được khả năng tham dự chiến tranh quy ước mà Mỹ cho là cần thiết. Do đó mới có trận Hạ Lào 1971 (Lam Sơn 719).

Chính trận Hạ Lào đã tạo ra một niềm lạc quan mới cho phía CS về một khả năng đánh quỵ Việt Nam hoá bằng chiến tranh quy ước. CS đã thể hiện ý đồ ấy bằng trận tổng công kích mới khởi sự từ ngày 31 tháng 3 năm 1972. Lúc đầu, nhờ bất thần đánh tràn qua giới tuyến, CS đã đạt được những thắng lợi rất đáng kể. Dồn hết lực lượng vào Nam, kể cả toàn bộ cơ giới, bỏ ngỏ đất Bắc, đó là nước bài liều lĩnh của chiến lược gia Bắc Việt. Sở dĩ Hà Nội đi nước bài ấy vì tiên liệu bất cứ tình huống nào, Mỹ cũng không dám đánh thẳng ra Bắc. Điều này Hà Nội đã tính đúng, nhưng lại không ngờ đến chuyện Nixon có thể làm một hành động không kém táo bạo là phong toả các hải cảng cùng thuỷ lộ và oanh tạc dữ dội miền Bắc (ngày 8 tháng 5 năm 1972.)

Trên chiến trường, nhờ được trang bị tối tân, nên Cộng quân đã chiến đấu với tinh thần rất cao. Nhưng có lẽ không quen đánh quy ước, cán bộ chỉ huy đã tỏ ra hết sức lúng túng trong những trận hiệp đồng bộ, pháo, xa và hơn nữa đã không điều dụng nổi những chiến thuật quá mới mẻ, nhiều khi chỉ được học tập qua lý thuyết. Khách quan mà nói, CS cũng chẳng thể làm gì hơn được trong khi bị bó tay trên vùng trời.

Tổng công kích được diễn ra rầm rộ nội trong ba tháng và kéo lê thê được thêm ba tháng nữa, sau đó lại trở về với cường độ bình thường lằng nhằng như trước, nghĩa là trở về với tình thế không thắng không bại.

Tình thế ấy, hơn bao giờ hết, đã làm cho các đế quốc thầm cảm thấy chẳng thể lấn lướt được nhau bằng chiến tranh uỷ nhiệm cũng như chiến tranh cục bộ, nếu mỗi bên chưa mất ý chí tranh thắng. Tốt hơn hết là hoà để còn tính chuyện khác.

Mặc dầu tiếng súng vẫn chưa lúc nào ngưng bắn, nhưng ít ra thì một văn kiện được gọi là “Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh và Lập Lại Hoà Bình ở Việt Nam” cũng đã được ra đời ngày 27 tháng 1 năm 1973.

 

Những Gì Còn Lại

Trong suốt 13 năm chiến tranh, từ hình thái này sang hình thái khác, điểm nổi bật nhất là mỗi bên đã thi thố những phương thức mới mẻ và rút tỉa được những kinh nghiệm thật quan trọng trên chiến trường thí nghiệm Việt Nam.

Riêng về mặt quân sự thuần tuý, những lối đánh có điểm, có diện, có chốt, có kềm, những chiến thuật đặc công, những trận bao vây công kích, bao vây chia cắt, v..v… của CS ở miền Nam, và nhất là nghệ thuật bắn máy bay ở miền Bắc đã làm cho toàn thể khối Cộng phải tìm học. Về phía Mỹ, chiến thuật trực thăng vận, trực thăng vũ trang, rồng lửa, lối đánh hiệp đồng quân binh chủng với sự yểm trợ không, hải pháo, nghệ thuật không chiến, tránh radar, tránh hoả tiễn, kỹ thuật điều khiển oanh tạc chiến thuật và chiến lược, v..v… đã đem lại cho Mỹ nhiều tiến bộ vượt bực so với thế chiến II và chiến tranh Triều Tiên.

Ngoài ra, CS còn đạt được một thành quả đáng ghi vào chiến sử về khả năng vận chuyển, thâm nhập. Trong khi Mỹ khám phá và áp dụng loại chiến tranh điện tử hoàn toàn mới mẻ mà nhiều phân tích gia chiến lược tin rằng có thể làm thay đổi hình thái chiến tranh trong tương lai.

Cuộc chiến cũng còn cho thấy rõ sở trường của khối Cộng nói chung là đấu tranh chính trị, tuyên truyền, ngoại giao, vận động đối phương; trong khi Mỹ có một sức mạnh hoả lực thật đáng e ngại và một tiềm lực chiến tranh gần như vô tận. Những sở trường này còn có thể làm xao động thế giới trong những năm còn lại của thế kỷ.

Trở về với nhân dân Việt Nam, ngoài việc mất mát vì thương vong hàng triệu đồng bào ruột thịt, ngoài cái gia tài rách nát còn lại, chúng ta đã được gì trong chiến tranh? Nếu nói rằng “nhờ cuộc chiến đau thương này mà người Việt đã giác ngộ đủ triệt để hầu thấy rõ sai lầm của mình trong sự dấn thân vào vòng tranh chấp của các đế quốc” thì có lẽ còn quá sớm và lạc quan!

[còn tiếp

 

Ghi Chú:

[1] Thực ra thì mâu thuẫn nội tại của khối Cộng đã là một yếu tố quan trọng không cho phép một đàn anh CS nào được lộ diện.

[2] Tướng Maxwell D. Taylor khi ấy là chủ tịch Bộ Tham Mưu Liên Quân.

[3] Tứ khoái (4 nhanh):

- Tiến quân nhanh.

- Xung phong nhanh.

- Thu dọn chiến trường nhanh.

- Rút lui nhanh.

Nhất mạn (1 chậm): Chuẩn bị.

[4] Ý nghĩ về những “vận dụng sáng tạo” này, về sau đã được Võ Nguyên Giáp tập hợp lại thành chương “Vận dụng sáng tạo phưong thức tiến hành chiến tranh nhân dân” trong tập Đường Lối Quân Sự Của Đảng Là Ngọn Cờ Trăm Trận Trăm Thắng Của Chiến Tranh Nhân Dân ở Nước Ta, Hà Nội 1969.

[5] Riêng việc ngưng oanh tạc ở Bắc vĩ tuyến 20 ngày 31 tháng 3 1968 còn do phần lớn ảnh hưởng vụ thất thủ căn cứ điều không Phou Pha Thi ở biên giới Lào-Bắc Việt (xin xem chương 11).

[6] Mao Tse Tung, Selected Works, Bộ V, International Publishers, New York, 1954, trang 363.