Trâm 2: Kẻ Yểu Mệnh

Chương 19: Phận loan mỏng mảnh

Rời khỏi tiệm ngựa Tiền Ký, Chu Tử Tần luôn miệng than vãn: “Chán chết đi được… Cứ phải nghe mấy chuyện lải nhải đó mãi, thi thể để ta trổ tài đâu rồi? Giây phút vụ án được vạch trần trong chớp mắt cũng ở đâu rồi?”

“Tra án vốn nhàm chán mà, giờ việc công tử cần làm là rút từ mớ bòng bong đó những manh mối quan trọng nhất, rồi sắp xếp lại mọi thứ.” Hoàng Tử Hà vừa nói vừa đi trên con đường trong chợ Tây.

Chu Tử Tần nhăn nhó hỏi: “Đi đâu đây?”

“Tiệm nhang đèn nhà họ Lữ.”

“Gì cơ? Lại tới hỏi han lão khốn đó à?” Chu Tử Tần dắt Tiểu Hà, hậm hực nói: “Có lúc ta thực muốn thay Tích Thúy cho lão một cái tát! Công công bảo, trên đời có hạng người khốn nạn đến thế ư?”

“Trước khi chân tướng hé lộ, kết luận gì cũng là quá sớm.” Hoàng Tử Hà đáp, đoạn buộc Na Phất Sa vào một gốc cây bên đường, đi thẳng vào tiệm nhang đèn.

Lữ Chí Nguyên đang làm bấc nến, những thân sậy thô có mảnh có, sau khi tước được xếp đều tăm tắp. Nghe tiếng bước chân người đi đến, lão chẳng buồn ngẩng lên, chỉ hỏi: “Cần gì?”

“Lữ lão trượng, làm ăn vẫn khá đấy chứ?” Hoàng Tử Hà hỏi.

Bấy giờ Lữ Chí Nguyên mới từ từ ngẩng lên nhìn cô, rồi lại cúi đầu tiếp tục tước sậy, “Ồ, là ngài.”

“Làm phiền lão trượng rồi, lần này lại có việc phải hỏi, xin lão chớ giận.” Thấy lão chẳng buồn nhìn đến mình, Hoàng Tử Hà bèn tự kéo ghế cùng Chu Tử Tần ngồi xuống.

Lữ Chí Nguyên vẫn cắm cúi làm, xong Hoàng Tử Hà cũng chẳng lấy làm điều, thản nhiên hỏi: “Nghe nói trước hôm Ngụy Hỷ Mẫn chết, từng đến tiệm nhà lão mua linh lăng hương?”

Lữ Chí Nguyên lầm bầm: “Tiệm nhà lão bán cả hương lẫn nến.”

“Lão có thể thuật lại tình cảnh hôm Ngụy Hỷ Mẫn đến không?”

“Tên lại cái trước đó từng đến đây đưa tiền đền bù của phủ công chúa cho lão. Lần này là do ông chủ Tiền dẫn đến, y vừa mở miệng đã đòi linh lăng hương, than rằng mình mắc chứng đau đầu, thường hay mất ngủ, dùng linh lăng hương mới đỡ phần nào. Chỗ lão cũng chỉ còn hai miếng, tổng cộng ba lạng bốn tiền, bèn bán cả cho y, lấy sáu trăm tám mươi đồng.”

“Bán xong thì sao?”

“Lão để ý đến y làm gì, khách đến nhà thì lão bán hàng, thu tiền xong là thôi, chứ làm gì nữa?”

Hoàng Tử Hà cũng chẳng tranh cãi, chỉ nói: “Tối hôm ấy, Ngụy Hỷ Mẫn mất tích. Người phủ công chúa tìm không thấy y, đến ngày hôm sau thì y chết cháy ở chùa Tiến Phúc.”

Lữ Chí Nguyên từ từ ngẩng lên, nhìn chòng chọc vào cô bằng đôi mắt đục ngầu: “Lẽ nào ý công công muốn nói lão có liên quan đến cái chết của y?”

Hoàng Tử Hà nhìn xoáy vào lão, không đáp.

“Một người đủ chân đủ tay, biết đi biết chạy, ngày hôm sau còn xuất hiện sờ sờ ở chùa Tiến Phúc, hôm trước đến tiệm nhà lão mua ít hương liệu thì liên quan quái gì đến Đại Lý Tự.” Lữ Chí Nguyên mặc cô ngồi đó, đứng dậy rút mấy sợi sậy dài nhất xoắn chặt vào nhau, bó vải ra ngoài, tạo thành một sợi tim nến khổng lồ.

Chu Tử Tần hỏi: “Cây nến lớn thế này là để bù vào cây bị cháy ở chùa Tiến Phúc phải không?”

“Phải, hôm nay làm thân nến, ngày mai sẽ dùng sáp màu quết lên thành hình rồng phượng hoa lá, sau đó rắc kim nhũ lên là xong.”

Xem ra làm một cây nến to có rất nhiều công đoạn rườm rà vất vả, nhưng vào tay kẻ lão luyện như Lữ Chí Nguyên thì lại rất nhanh. Hoàng Tử Hà ngẫm nghĩ, rồi nhìn sang từng thùng sáp nến la liệt, hỏi: “Lữ lão trượng thành thạo quá, hôm trước lão nói chùa Tiến Phúc gom góp bao lâu mới đủ sáp cho lão làm đôi nến, thế mà mới mấy ngày lão đã tự kiếm đủ rồi.”

“Lão sống đến từng này tuổi, chẳng dành dụm được bao nhiêu tiền, nhưng sáp nến thì cũng trữ được ít nhiều.” Lữ Chí Nguyên nói đoạn lệt sệt kéo sợi tim nến đi ra sau nhà. Chiếc nồi lớn phía sau đang đun sáp, bốc lên mùi gây gây.

Lữ Chí Nguyên nhúng sợi tim nến bọc trong lần vải vào nồi để nó ngấm dầu sáp, rồi lôi một khuôn nến cao bằng người ra, đồng thời bưng ra mấy chiếc thùng lớn có nhỏ có.

Lão trèo lên ghế, dùng cái muôi đồng đường kính đến một thước múc sáp lỏng từ từ đổ đầy khuôn và các thùng.

Hoàng Tử Hà thuận miệng khen: “Lão trượng khỏe thật đấy, sắp lục tuần rồi mà vẫn một mình làm việc nặng thế này.”

“Hừm, đám trẻ hiện giờ có đứa nào chịu được khổ đâu, mới học việc được hai hôm đã chạy mất tăm, lão cũng hết cách.” Lữ Chí Nguyên lạnh lùng tiếp, “Dạo còn trẻ, lão tòng quân, ở trong đội cung nỏ, một tay giương được cây cung nặng ba thạch ấy.”

“Ồ, thì ra lão trượng từng dốc sức cho nước nhà.”

Nói vậy nhưng Chu Tử Tần cũng chẳng mấy để tâm, lại quay về với chủ đề cũ, “Cái khuôn này hình như nhỏ hơn cây nến thành phẩm?”

“Tìm đâu ra khuôn cao đến một trượng chứ?” Lữ Chí Nguyên vừa múc sáp lỏng vừa đáp: “Phải đổ vào các thùng này cho sáp đông lại, rồi đổ ra ghép lại với nhau, gọt giũa những phần to nhỏ không đều, phết một lớp sáp ra ngoài để cố định, mới thành một cây nến hoàn chỉnh.”

Chu Tử Tần ngây ngô hỏi: “Thế làm sao cho được tim nến vào?”

Lữ Chí Nguyên lườm gã: “Phần sáp ở giữa đông chậm hơn, nên sau khi ghép lại, không gọt giũa vội, mà nhân lúc phần giữa còn mềm, buộc một chiếc kim sắt nung đỏ vào sợi tim nến rồi cắm vào khối sáp, cây kim sẽ xuyên thẳng xuống tận đế.”

“Ra là thế!” Chu Tử Tần trầm trồ, “Quả nhiên ba trăm sáu mươi nghề, nghề nào cũng có bí quyết.”

Hoàng Tử Hà đang nghĩ cách hỏi Lữ Chí Nguyên về Tôn ghẻ thì chợt nghe bên ngoài có người gọi toáng lên: “Này lão Lữ! Lữ Chí Nguyên!”

Lữ Chí Nguyên chẳng buồn để tâm, vẫn mải miết rót sáp.

Kẻ ngoài cửa xộc thẳng vào, giậm chân hét lớn: “Này lão Lữ! Con bé Tích Thúy nhà lão… sắp chết kìa!”

Lữ Chí Nguyên sững người, bàn tay đang cầm chắc chiếc muôi đồng chợt run bắn lên: “Gì cơ? Nó vẫn chưa chết à?”

“Chưa chết! Có điều lần này sắp chết thật rồi!” Nghe thấy câu này, cả Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần cũng ngẩn ra.

“Con gái lão đến Đại Lý Tự đầu thú rồi, khai rằng mình là hung thủ giết hoạn quan phủ công chúa và Tôn ghẻ!”

Đại Lý Tự.

Hễ đến giờ ăn trưa là Thôi thiếu khanh răm rắp về nhà dùng cơm với phu nhân, vậy mà hôm nay vẫn còn ngồi đó. Vừa thấy bọn Hoàng Tử Hà đến, hắn mừng rỡ chạy ra đón: “Tử Tần! Sùng Cổ! Tốt quá rồi, không mất tí hơi sức nào hung thủ đã tự ra đầu thú, mấy hôm chạy đôn chạy đáo cuối cùng cũng kết thúc rồi! Áp lực phủ công chúa đè xuống cũng được giải tỏa hết!”

Hoàng Tử Hà theo hắn vào trong, miệng hỏi: “Nghi phạm nhận hết rồi ư?”

“Nhận hết! Ả cầm một bức tranh tới tự thú, còn nói là thủ bút của tiên hoàng gì đó, nhưng ta nhìn mấy đường nét nguệch ngoạc ấy chẳng giống gì cả.”

Họ vừa đi vừa nói, chẳng mấy chốc đã ra phía sau đại sảnh của Đại Lý Tự. Đại Lý Tự không có nhà lao, chỉ xây vài gian phòng nhỏ đằng sau tạm giam phạm nhân.

Tích Thúy đang ngồi giữa một trong các gian phòng đó, thẫn thờ nhìn cành lá rung rinh theo gió ngoài cửa sổ.

Hoàng Tử Hà, Chu Tử Tần cùng người của Đại Lý Tự bước vào, khép cửa lại rồi gọi nàng: “Lữ Tích Thúy.”

Nghe gọi, Tích Thúy đứng bật dậy theo phản xạ, xong trông thấy mấy nam nhân trước mặt, nàng bất giác co rúm người lùi lại.

Hoàng Tử Hà biết nàng vẫn bị ám ảnh, vội trấn an: “Lữ cô nương, chúng tôi chỉ tới thẩm vấn theo lệ thôi, cô cứ nói thực là được.”

Lữ Tích Thúy cắn môi, nhìn cô hồi lâu rồi lặng lẽ gật đầu.

Hoàng Tử Hà ra hiệu cho nàng ngồi xuống, còn mình đứng một bên, quan sát hai vị tri sự Đại Lý Tự thẩm vấn.

“Tên họ, tuổi tác, quê quán?”

“Lữ Tích Thúy… Mười bảy tuổi, người trong kinh.”

“Tự thú về tội gì?”

Cặp mắt Tích Thúy vẫn còn sưng húp, nàng ngồi ngây ra đó vẻ hoảng hốt, thật lâu mới chầm chậm cắn môi, nặn ra mấy tiếng lí nhí: “Dân nữ đã giết người. Giết… hai người.”

Hai viên tri sự từ đầu đã biết nguyên nhân nàng tự thú nên chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, chỉ nói: “Cứ khai thực ra đi.”

Giọng Tích Thúy khản đặc, nàng chậm chạp kể đứt quãng: “Dân nữ đã giết… Ngụy Hỷ Mẫn, hoạn quan phủ công chúa, và… Tôn ghẻ… người phường Đại Ninh.”

“Sao lại giết người? Giết bằng cách nào?”

“Ngụy Hỷ Mẫn làm hại dân nữ, sai người đánh dân nữ đến ngất xỉu rồi vứt ngoài đường, khiến dân nữ bị…” Nói đến đây, gương mặt đờ đẫn của nàng lộ ra vẻ căm hận không giấu giếm, giọng kể cũng đanh hẳn lại: “Hôm ấy ở chùa Tiến Phúc, dân nữ đánh rơi mũ có mạng che, Trương Hàng Anh vừa cúi nhặt giúp thì dân nữ trông thấy Ngụy Hỷ Mẫn… Y mặc đồ hoạn quan, nhìn rất nổi bật. Đúng lúc ấy sấm sét giáng xuống, cây nến nổ tung, trong sáp nến có trộn nhiều chất tạo màu, rất dễ bắt lửa. Dân nữ… dân nữ cũng chẳng biết mình lấy đâu ra sức lực, cứ như phát điên vậy, khi Ngụy Hỷ Mẫn bị dòng người xô đến gần, dân nữ đột ngột đẩy y một cái, làm y ngã vào đống lửa đang cháy, cả người tức thì bắt lửa…”

Hoàng Tử Hà đứng bên cạnh, im lặng lắng nghe.

Tri sự lại hỏi: “Vậy còn cái chết của Tôn ghẻ?”

“Tôn ghẻ… tên cầm thú đó… Hắn vung tiền mua chuộc được cha dân nữ, nhưng dân nữ nhất quyết không tha cho hắn!” Tích Thúy đã phẫn nộ đến phát cuồng, giọng nói cũng the thé khản đặc, nghe rất đáng sợ, “Trưa hôm ấy dân nữ tới phường Đại Ninh tìm Tôn ghẻ, còn sợ mình là đàn bà con gái, không đủ sức giết hắn nên đã tẩm độc vào dao. Gã cầm thú đó nghe tiếng dân nữ bèn mở cửa, dân nữ lập tức xông vào đâm hắn hai nhát, hắn cuống quýt chạy vào đóng cửa lại. Dân nữ còn định bồi thêm mấy dao nữa, nhưng không đẩy được cửa, đành… bỏ đi.”

Hoàng Tử Hà quan sát Tích Thúy thật kỹ, rồi chậm rãi nhíu mày: “Vậy thuốc độc cô lấy từ đâu ra?”

Tích Thúy nghiến răng đáp: “Trong tủ thuốc nhà Trương nhị ca có ô đầu*, huynh ấy từng dạy dân nữ phân biệt các vị thuốc.”

* Ô đầu là cây thuốc có độc, tất cả các phần của cây đều chứa độc chất, nhiều nhất là ở củ. Củ ô đầu rất độc, lượng độc có thể làm cho người tê cứng chân tay, tắc nghẽn mạch máu, đông máu và chết. Do cực độc nên trước đây một số người đã dùng nước của loại củ này tẩm vào đầu mũi tên khi săn thú rừng. Tuy nhiên, nếu được chế biến và sử dụng đúng cách với liều lượng vừa phải, thì lại là vị thuốc quý.

“Nhưng Tôn ghẻ chết trên giường mà.”

“Có lẽ… có lẽ sau khi bị thương, hắn chạy vào nằm trên giường, độc tính phát tác chết ngay tại đó.”

Thôi Thuần Trạm khẽ hỏi hai tri sự: “Những điều ả khai nhận có khớp với tình tiết vụ án không?”

Một tri sự gật đầu: “Vết thương khá nông, có thể xác thực là do nữ tử ra tay.”

Thôi Thuần Trạm gật đầu, quay sang hỏi nàng: “Lữ Tích Thúy, ngươi âm thầm giết chết hai người, vốn không ai hay biết, sao bỗng dưng lại đi đầu thú, tự tìm đường chết?”

Tích Thúy hít một hơi thật sâu, lấy hết can đảm nhìn thẳng vào Thôi Thuần Trạm: “Hai vụ án này làm náo động cả kinh thành, ắt sẽ khiến người vô tội bị cuốn vào. Dân nữ tuy là phận gái chân yếu tay mềm, nhưng vẫn biết lẽ ai làm nấy chịu. Huống hồ, dân nữ cũng muốn tất cả những kẻ tàn ác dưới gầm trời này hiểu rõ một điều, làm điều ác nhất định sẽ gặp báo ứng!”

Thôi Thuần Trạm nghe vậy cũng cảm động, gật đầu than thở: “Tình thực đáng thương, nhưng tội không thể tha được!”

Một viên tri sự hỏi lại: “Ngươi có biết việc phò mã gia bị thương trên sân kích cúc không?”

Tích Thúy cúp mắt gật đầu: “Dân nữ có nghe nói… Trương Hàng Anh, ân nhân của dân nữ, hôm ấy cũng ở đó.”

“Chuyện này có liên quan gì tới ngươi không?”

Tích Thúy lắc đầu, nhưng nghĩ ngợi một lúc lại gật đầu đáp: “Dân nữ tội đáng muôn chết… Nghe nói Trương Hàng Anh phải đấu kích cúc, nên hôm ấy dân nữ đã ở nhà cầu khấn, cầu cho đối thủ của huynh ấy ngã ngựa, để Trương Hàng Anh thắng… Dân nữ nghĩ, có lẽ lời cầu khấn của mình đã lọt đến tai Bồ tát…”

Trước lời giải thích này, Thôi Thuần Trạm đành bảo hai viên tri sự: “Không cần viết câu này vào nữa, chắc chẳng có liên quan gì đâu.”

Tri sự lại hỏi: “Ngươi cầm bức tranh kia đến đây là sao?”

“Đó là bức tranh ở nhà Trương Hàng Anh, hôm trước Đại Lý Tự đòi nhưng huynh ấy không tìm thấy… Thực ra là dân nữ lấy cắp, dân nữ cho rằng thù lớn đã trả, định rời khỏi kinh thành, xong không có lộ phí. Nghe nói bức tranh ấy là ngự bút của tiên hoàng, dân nữ nghĩ ắt là đáng tiền, bèn đánh cắp đem đi cầm, nào ngờ Đại Lý Tự lại tới tìm, làm náo động cả lên, nên dân nữ đành chuộc lại đưa đến đây.”

“Ngươi có biết trên đó vẽ gì không?”

Tích Thúy thẫn thờ lắc đầu: “Không biết… Dân nữ nhìn mãi chỉ thấy ba mảng mực đen, bèn… đem cầm lấy mười quan tiền.”

Tri sự quay lại bẩm Thôi Thuần Trạm: “Chúng thuộc hạ đã đến tiệm cầm đồ điều tra, quả có chuyện này. Người ở tiệm cầm đồ tuy cũng không hiểu tranh vẽ gì, nhưng thấy chất giấy chất mực đều tốt, lớp lụa bồi cũng không tệ, cho rằng lai lịch không phải tầm thường, nên bằng lòng xuất mười quan.”

Thôi Thuần Trạm vốn là kẻ thương hương tiếc ngọc, chỉ biết nhìn Tích Thúy lắc đầu thở dài rồi hỏi: “Lữ Tích Thúy, ngươi có gì muốn nói nữa không?”

Tích Thúy thẫn thờ quỳ ở đó, hồi lâu mới ngẩng lên nhìn Hoàng Tử Hà: “Phiền Dương công công giúp dân nữ chuyển lời cho Trương nhị ca, bảo huynh ấy rằng, kiếp này vô duyên, kiếp sau A Địch xin kết cỏ ngậm vành… đền đáp ân tình của huynh ấy.”

Hoàng Tử Hà xót xa gật đầu: “Được.”

Mọi người lại kéo vào đại sảnh. Một viên chủ sự trải bức họa ra bàn cho tất cả cùng xem.

Vẫn là ba mảng mực đen sì trên nền giấy gai vàng bồi lụa trắng, nhìn rất tinh tế trang nhã, nhưng không che đậy được sự thực rành rành: đường nét trong tranh rất vụng về nguệch ngoạc.

Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần dù sao cũng từng xem rồi, nên chỉ nhìn qua, khẳng định là bức họa lần trước, bèn đưa mắt nhìn nhau.

Trái lại, Thôi Thuần Trạm gần như dán mặt vào tranh, săm soi hồi lâu rồi cau mày: “Thứ này mà là ngự bút tiên hoàng á? Đúng là đại nghịch bất đạo, phỉ báng tiên hoàng!”

Các quan viên Đại Lý Tự cũng nhao nhao phụ họa, ra sức bỉ bôi bức tranh. Có điều nói thì nói vậy, nhưng đây vẫn là vật chứng, đợi mọi người lui xuống, Thôi Thuần Trạm bèn đích thân cuộn lại, toan cất vào kho.

Thấy trong đại sảnh không còn ai khác, Hoàng Tử Hà liền hỏi nhỏ: “Thôi thiếu khanh… có thể cho tôi mượn bức họa này được không?”

Thôi Thuần Trạm lộ vẻ khó xử: “Ôi, chuyện này à… Dương công công, đây là vật chứng quan trọng đấy. Tuy không biết có tác dụng gì, nhưng thường thì một khi bản án chưa định mà công công đã lấy đi, e là phạm luật…”

Hoàng Tử Hà bèn rút trong ngực áo ra một tấm lệnh tín, hai tay trình lên: “Thôi thiếu khanh, vậy cho tôi đặt cọc lệnh tín phủ Quỳ lại đây, mượn tạm thiếu khanh nửa ngày, sáng sớm mai nhất định đưa trả.”

Thôi Thuần Trạm trầm ngâm nhìn tấm lệnh tín, rồi quả quyết đặt cuộn tranh vào tay cô: “Công công phụng mệnh hoàng thượng tra xét vụ này, muốn cầm vật chứng liên quan đi nghiên cứu cũng là danh chính ngôn thuận. Cứ viết một mảnh giấy cho phòng vật chứng thôi.”

Lấy được cuộn tranh, Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần mới thấy bụng sôi ùng ục.

Cả hai ra cửa từ sáng sớm, chạy đôn chạy đáo gần nửa kinh thành, giờ đã quá bữa, cơm và thức ăn cũng chẳng còn, Thôi Thuần Trạm đành giục nhà bếp Đại Lý Tự làm mấy món đơn giản để họ lót dạ.

Ăn xong, ra khỏi Đại Lý Tự, Hoàng Tử Hà tiện miệng hỏi thăm người gác cổng Đại Lý Tự về vị Quỳ vương gia ngày lo trăm việc kia. Quả nhiên có người đáp: “Nửa canh giờ trước, xe ngựa của Ngự Sử Đài đi qua đây, đánh xe ghé lại uống trà có nói, Quỳ vương đang ở bên đó.”

Trong hoàng thành có rất nhiều nha môn, trước mỗi nha môn đều đặt một tấm bảng ghi rõ, hễ dưới thượng thư bao nhiêu phẩm đó đều phải xuống ngựa. Bởi vậy, Chu Tử Tần và Hoàng Tử Hà chẳng buồn cưỡi ngựa nữa, mà gửi lại Đại Lý Tự rồi đi bộ đến Ngự Sử Đài.

Chu Tử Tần vừa đi vừa nắm tay áo cô, uể oải nói: “Ta thật… bội phục Sùng Cổ đấy.”

Hoàng Tử Hà giơ tập hồ sơ cầm trong tay lên che nắng, quay lại hỏi: “Gì cơ?”

“Ta nói là, thật bội phục tinh lực của công công…” Chu Tử Tần nhìn cô đầy kính phục, “Chạy đôn chạy đáo hơn nửa ngày trời, ta mệt gần chết, thế mà công công vẫn thoăn thoắt chẳng cần nghỉ ngơi gì cả.”

“Sau khi vụ án xảy ra là phải giành giật từng chút thời gian, không thể bỏ lỡ một khắc.” Rồi như sực nhớ ra, cô vội thốt lên, “A phải, thi thể Tôn ghẻ giờ đang ở đâu? Công tử có nhớ hình dạng hai vết thương của hắn không?”

Nhắc đến thi thể và vết thương, Chu Tử Tần phấn chấn hẳn lên, hệt như được ăn một cục đá mát lạnh giữa ngày hè nóng nực vậy, hai mắt gã sáng rực: “Ta đã xem vết thương rồi, vẫn còn nhớ như in! Công công muốn hỏi gì, ta có thể giải đáp ngay!”

Hoàng Tử Hà quay lại hỏi: “Tôi muốn biết hình dạng cụ thể của vết thương cùng hướng đâm.”

“Một vết thương ở dưới xương quai xanh vai trái, một vết ở bên phải rốn, cả hai đều đâm chếch xuống từ trái qua phải…” Nói đến đây, Chu Tử Tần bỗng há hốc miệng ra, rồi đảo mắt nhìn quanh, hạ giọng thì thào: “Nói vậy là… Tích Thúy khai man ư?”

“Ừm.” Hoàng Tử Hà đáp khẽ, “Nếu Tôn ghẻ đứng trước mặt Tích Thúy, căn cứ vào cách cầm dao của cô ấy thì vết thương phải từ trên xuống, chứ sao có thể đâm xiên từ trái qua phải được? Chỉ khi đối phương đang nằm nghiêng mà ngủ mới có thể tạo thành vết thương như thế thôi.”

Chu Tử Tần hít vào một hơi, vẻ kinh ngạc pha lẫn nghi hoặc: “Nhưng… nhưng tại sao Tích Thúy phải ra đầu thú, vơ hết tội trạng vào mình? Cô ấy làm thế… là vì sao?”

Hoàng Tử Hà lặng lẽ nhìn Chu Tử Tần hồi lâu, mới hướng ánh mắt ra phía sau lưng gã.

Họ trông thấy một người đang quỳ dưới chân tường Đại Lý Tự.

Trương Hàng Anh.

Chẳng biết gã đã ngồi đó bao lâu. Chỉ thấy gã cứ cúi gằm mặt nhìn xuống đất, bất động, ánh mắt thẫn thờ tan tác.

Chu Tử Tần trợn tròn mắt há hốc miệng nhìn, mãi mới “ồ” lên một tiếng.

Bị hai người nhìn chằm chằm thật lâu, cuối cùng Trương Hàng Anh cũng cảm nhận được. Gã từ từ ngẩng đầu lên, nhìn về phía họ. Thật lâu sau, ánh mắt thẫn thờ của gã mới bình thường trở lại, dường như bấy giờ mới nhận ra bọn họ. Gã đứng dậy chào bằng giọng khản đặc: “Dương… huynh đệ…”

Chưa kịp nói hết câu thì đôi chân tê cứng vì quỳ quá lâu đã không nâng đỡ nổi thân thể nữa, gã loạng choạng ngồi phịch xuống đất.

Trên đầu là ánh nắng chói chang, dưới chân là mặt đất nóng như rang, cả người gã như bị nướng chín, chẳng còn cảm giác gì nữa, chỉ biết vịn tường run rẩy đứng dậy, tập tễnh đi về phía họ.

Hoàng Tử Hà đăm đăm nhìn gã, vẻ mặt phức tạp, Chu Tử Tần ân cần chạy đến đỡ gã. Trương Hàng Anh vóc người cao lớn, tuy Chu Tử Tần được coi la cao, xong vẫn thấp hơn hai ba tấc, lúc đỡ lấy họ Trương, Chu công tử cũng bị loạng choạng.

“Trương nhị ca sao vậy?” Chu Tử Tần vừa đỡ lấy gã vừa an ủi, “Huynh bình tĩnh đi!”

Trương Hàng Anh dựa vào người Chu Tử Tần, xong ánh mắt lại nhìn dán vào Hoàng Tử Hà, bờ môi nứt nẻ vì nóng mấp máy thốt ra mấy âm thanh khô khát: “Huynh nhất định phải giúp A Địch… Cô ấy không thể… Tôi biết cô ấy không thể giết người được…”

Hoàng Tử Hà cúi mặt, lặng lẽ gật đầu.

Thấy phản ứng của cô khá hờ hững, Trương Hàng Anh cuống lên, nhào tới tóm chặt lấy vai cô, vật nài như điên dại: “Cô ấy yếu đuối như thế, làm sao giết người nổi? Tôi, tôi không biết tại sao cô ấy lại đầu thú, nhưng… tôi van huynh, van huynh cứu cô ấy, tôi van huynh mà!”

Giọng gã khản đặc, mãi mới rặn trong họng ra được mấy tiếng van nài vỡ vụn, cơ hồ không nói nên lời.

Hoàng Tử Hà thở dài, vỗ vỗ vào tay gã trấn an: “Trương nhị ca yên tâm đi, tôi nhất định sẽ vạch trần chân tướng vụ này. Tới lúc đó, hung thủ không còn cách nào lẩn trốn, ắt sẽ bại lộ.”

Trương Hàng Anh trừng trừng nhìn cô hồi lâu, rồi như hiểu ra câu nói ấy, gã nặng nề buông cánh tay suýt nữa bóp gãy vai cô xuống, liêu xiêu lùi lại hai bước, đáp khẽ: “Được… tôi tin huynh… sẽ trả lại sự trong sạch cho A Địch.”

“Trương nhị ca, giờ huynh đã có thể quay về Tả Kim Ngô Vệ, ngày mai huynh đến báo danh được rồi.” Hoàng Tử Hà ngước nhìn gã, dịu giọng nói: “Đừng phụ kỳ vọng của A Địch.”

Ngự Sử Đài là nha môn nghiêm cẩn nhất, trang trọng nhất trong triều, nhưng khi họ bước vào, lại thấy mấy ông già ngự sử trung thừa, thị ngự sử, giám sát ngự sử ngồi quanh Quỳ vương đang tươi cười, hết kéo lại níu y, tựa hồ không hề nhận ra đã đến giờ tan.

Thấy Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần bước vào, Lý Thư Bạch bèn ra hiệu bảo họ đợi, rồi đứng dậy nói với mọi người: “Đây là Dương Sùng Cổ, hoạn quan bên cạnh ta, rất giỏi phá án, hiện cũng là một trong những người được thánh thượng chỉ định hợp tác với Đại Lý Tự. Hắn đến đây ắt để bẩm báo về tiến triển vụ án, bản vương đành phải cáo từ các vị thôi.”

“Cung tiễn Quỳ vương gia.” Người của Ngự Sử Đài niềm nở đứng dậy tiễn y ra đến cửa.

Rời khỏi Ngự Sử Đài, Chu Tử Tần không nhịn được ta thán: “Đám người ở Ngự Sử Đài này đúng là thiên vị hết sức. Lúc ta đến thì lão nào lão nấy hếch mặt lên trời, cứ như ta là mối nhục của triều đình không bằng, chẳng nỡ lấy thêm cho một đôi đũa nữa. Ấy vậy mà vương gia vừa đến thì, công công xem, một loạt gương mặt già quắm cười tươi như hoa cúc, nếp nhăn dãn hết cả ra!”

Lý Thư Bạch cũng không khỏi nhếch môi: “Hôm nay tâm trạng họ vui vẻ đấy thôi.”

“Ô? Người của Ngự Sử Đài cũng có ngày vui à? Chẳng phải ngày nào cũng vênh mặt giáo huấn người ta ư?”

Lý Thư Bạch quay sang Hoàng Tử Hà: “Vì chuyện cây trâm Cửu loan biến mất, hoàng thượng đã triệu tập mấy vị trọng thần lại, yêu cầu tam pháp ty: bộ Hình, Đại Lý Tự và Ngự Sử Đài cùng hội thẩm. Hai ty kia còn đỡ, nhưng mấy ông lão ở Ngự Sử Đài thì phản đối gay gắt, nói rằng tam pháp ty chỉ hội thẩm khi gặp phải vụ án lớn, liên can tới quốc gia xã tắc mà thôi, sao có thể vì công chúa mất một cây trâm mà làm rùm beng, kinh động đến cả tam pháp ty? Xong hoàng thượng lại nói vụ này đã có hai người chết một người bị thương, trước mắt có lẽ công chúa cũng gặp nguy hiểm, nhất định phải tra xét thật nhanh, không được thoái thác. Đôi bên đang tranh cãi thì Đại Lý Tự báo tin kẻ tình nghi đã tự ra đầu thú! Ngự Sử Đài thấy việc nhà của hoàng đế không biến thành việc công của cả triều đình, đương nhiên trên dưới đều hân hoan!”

Chu Tử Tần chau mày: “Nhưng… Tích Thúy không phải hung thủ…”

“Bất kể có phải hay không, giờ cô ta đã bước ra nhận tội, chẳng phải là cơ hội rất thích hợp ư?” Nói đoạn, Lý Thư Bạch liếc xéo Hoàng Tử Hà, “Ngươi muốn tiếp tục điều tra, hoàn thành nhiệm vụ hoàng thượng giao phó, hay dừng tay ở đây thôi?”

“Tích Thúy và nô tài cũng có thể coi là sơ giao, cảnh đời cô ấy đã thê thảm nhường ấy, nô tài không thể để cô ấy chết như thế được.” Hoàng Tử Hà nhíu mày, “Huống hồ, theo nô tài thấy, dù cô ấy đầu thú, chỉ e cây muốn lặng mà gió chẳng dừng.”

Lý Thư Bạch nhướng mày: “Ý ngươi là, có thể hung thủ vẫn chưa chịu ngừng tay?”

“Rất có thể. Vì người chết thứ ba theo như bức tranh vẫn chưa xuất hiện.” Hoàng Tử Hà đặt cuộn tranh vào tay y.

Lý Thư Bạch vừa đi vừa mở ra xem.

Chỉ liếc qua, bước chân y đã khựng lại.

Quỳ vương gia xưa nay điềm tĩnh, vậy mà lúc này đứng giữa hoàng thành, dưới bóng tường bao cao ngất quanh các nha môn, nhìn bức tranh nguệch ngoạc vụng về trong tay, thân hình bỗng sững lại một thoáng.

Trời trong vắt, nắng chói chang, gió lồng lộng cuốn tung ống tay cùng vạt áo ba người bay phần phật.

Hàng mi rợp bóng của Lý Thư Bạch cuối cùng cũng từ từ nhướng lên, y cuộn bức tranh lại đặt vào tay Hoàng Tử Hà: “Cất đi.”

Chu Tử Tần vội hỏi: “Vương gia có thấy cái chết thảm của ba người trong đó không?”

Lý Thư Bạch khẽ gật đầu, “Miễn cưỡng gán ghép thì cũng láng máng hình dung được. Nhưng chuyện hoang đường thế này, sao lại quy là thủ bút của tiên hoàng?”

Chu Tử Tần tức thì tiu nghỉu, đành đáp: “Gia nói rất phải.”

Đoạn gã len lén liếc trộm Hoàng Tử Hà, thấy cô ngày càng giống Lý Thư Bạch, lúc nào cũng ra vẻ bình thản kín đáo, không khỏi than thầm trong lòng rồi nói: “Vương gia, tôi cảm thấy việc Tích Thúy giết Tôn ghẻ còn nhiều nghi vấn, phải đến nghĩa trang xem sao, cáo từ trước vậy.”

Thấy Chu Tử Tần đã đi xa, Lý Thư Bạch bèn ra hiệu cho Hoàng Tử Hà lên xe.

Ngang qua cửa Đại Lý Tự, lính gác cổng tháo dây cương cho Na Phất Sa, nó liền cung cúc đi theo, ngoan đến nỗi khiến người ta phải tấm tắc.

Hoàng Tử Hà lại ngồi xuống chỗ ngồi quen thuộc, chiếc ghế thấp đối diện Lý Thư Bạch.

Y chìa tay ra, cô hiểu ý ngay, vội rút cuốn trục trong ngực áo trình lên.

Lý Thư Bạch trải bức tranh ra bàn. Chiếc bàn hơi nhỏ, nên một phần tranh thõng xuống đầu gối y. Cánh tay y chặn lên cuốn trục, ngón tay chầm chậm dò theo hình vẽ thứ nhất, một người bị lửa thiêu chết, “Lần trước ngươi nói, các ngươi cho rằng đây là hình một người bị lửa thiêu chết ư?”

“Vâng… Chúng tôi còn thấy nét mảnh này giống một tia sét từ trên trời giáng xuống. Nên hình vẽ này giống một người bị sét đánh trúng, lửa bùng lên bao phủ lấy người, đang giãy chết.”

“Người nhà họ Trương nói đây là ngự bút của tiên hoàng, ngươi có tin không?” Y hơi ngước lên nhìn cô.

Hoàng Tử Hà ngẫm nghĩ rồi chậm rãi đáp: “Tôi chưa từng thấy ngự bút của tiên hoàng, không dám khẳng định.”

“Ta thì có thể.”

Lý Thư Bạch điềm nhiên đặt tay lên bức tranh: “Loại mực này là Tổ Mẫn đặc chế cho tiên hoàng. Những năm cuối đời, tiên hoàng không được khỏe nên không thích mùi mực, nhà họ Tổ phải đổi công thức, ngoài những châu ngọc mài ra, còn phải pha thêm vào thỏi mực một loại hương liệu nước ngoài tiến cống, chỉ làm được mười thỏi, đã dùng bảy thỏi, dư ba thỏi đem tùy táng. Nay đã mười năm, mà vẫn còn thoang thoảng hương thơm.”

Hoàng Tử Hà cúi xuống ngửi thử, quả thấy một mùi hương cực nhẹ cực nhạt, khác hẳn bình thường.

Thấy cô ngẩng lên nhìn mình, Lý Thư Bạch lại tiếp: “Tiên hoàng viết chữ hay vẽ tranh, thường ướm thử mấy nét vào bên cạnh trước, đây là thói quen nhiều năm của Người, không phải kẻ thường xuyên cận kề thì không thể biết được. Ngươi xem này…”

Bên cạnh nét mảnh mà họ cho là tia sét, có một vạch mờ như sợi tóc, gần như không thể nhận ra.

“Nét này không như nét bên cạnh, rõ ràng không phải vết lông trên bút để lại, mà là phụ hoàng lúc đặt bút vẽ vô ý làm dây ra.”

“Tôi sẽ đến nhà họ Trương, hỏi cha Trương Hàng Anh về lai lịch bức tranh.”

“Cũng nên hỏi xem, vì sao phụ hoàng lại vẽ ra bức tranh này, hơn nữa còn ban cho một đại phu dân gian.” Lý Thư Bạch chậm rãi dặn.

Hoàng Tử Hà nhìn bức vẽ, lại nhớ đến phản ứng lạ lùng của Ngạc vương.

Quả nhiên, Lý Thư Bạch nói ngay: “Còn bây giờ, chúng ta phải đến phủ Ngạc vương. Chẳng phải ngươi kể, khi trông thấy bức tranh này, Thất đệ phản ứng rất lạ ư.”

Hoàng Tử Hà gật đầu, đang định nói một tiếng với A Viễn thì nghe thấy tiếng ồn phía trước, xe chạy chậm dần, rồi dừng hẳn ở giao lộ.

Hoàng Tử Hà hé cửa sổ hỏi nhỏ: “Viễn bá, sao thế?”

“Đằng trước náo loạn quá, tắc đường mất rồi.” A Viễn nghển cổ nhìn rồi đáp.

Vừa vén rèm trông ra, cô đã trông thấy Chu Tử Tần đứng ngay cạnh đó, nhăn nhó nhìn sang cô: “Sùng Cổ, ta bị tắc đường.”

“Để tôi xuống xem đằng kia có chuyện gì.” Nói đoạn, Hoàng Tử Hà nhảy xuống xe, xăm xăm chen lên trước.

Chu Tử Tần cũng hớt hải chen đến bên cạnh, mở đường giúp cô: “Nhanh lên nào, đằng trước náo nhiệt lắm, để ta dẫn công công đi xem!”

Hoàng Tử Hà ngán ngẩm: “Tử Tần, tôi không định xem náo nhiệt…”

“Nhưng đây là việc trọng đại của phường Bình Khang, trong kinh cũng hiếm gặp! Công công không xem thì tiếc lắm!” Dứt lời gã đã kéo cô chen vào đám đông.

Lý Thư Bạch lạnh lùng nhìn theo, rồi lệnh cho A Viễn: “Đi thôi.”

“Nhưng giờ không thể đi tiếp được nữa thưa gia.”

“Quay lại, đến Đại Lý Tự.” Thấy Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần sắp mất hút giữa biển người, y cũng dời mắt nhìn sang chỗ khác.

Hoàng Tử Hà theo sau Chu Tử Tần, luồn trái lách phải, cuối cùng cũng chen đến chỗ đông nhất.

Nơi này gần phường Bình Khang, đường sá trong thành Trường An xưa nay rộng rãi, nhưng vì hai bên đường đang nạo vét cống rãnh, lại thêm cây hòe lâu năm mọc chìa ra đường, khiến khúc đường bị choán mất quá nửa, đi lại khó khăn, còn được cả hai phường hát đặt sân khấu đối diện nhau ngay giữa giao lộ, ra sức phô trương thanh thế, tiêu sáo rộn vang, áo xiêm phấp phới, thu hút đám người vô công rồi nghề xúm xít đứng xem, làm tắc nghẽn cả lối đi.

Trong đám đông nhốn nháo ấy, Hoàng Tử Hà liếc thấy cỗ xe nạm vàng khảm ngọc của Đồng Xương công chúa đang dừng ngay giữa đường, không sao di chuyển được.

Bọn Thùy Châu, Lạc Bội, Trụy Ngọc, Khuynh Bích đều đi theo xe, mấy tên hoạn quan và thị vệ hộ tống còn bị người xung quanh chen lấn đến nỗi phải liên tục lùi lại, nhưng trước sau vẫn bám sát bên cạnh cỗ xe, không dám rời nửa bước.

Thấy họ bị vây giữa đám đông, cô bèn đi đến chào hỏi: “Thực khéo quá, công chúa cũng ở đây ư?”

Giữa đám đông chen chúc đến nỗi cựa mình còn khó, vậy mà Thùy Châu vẫn thi lễ đáp: “Thưa vâng. Công công hôm nay… cũng đi xem náo nhiệt với Chu thiếu gia à?”

Hoàng Tử Hà vừa gật đầu thì Đồng Xương công chúa đột ngột vén rèm xe lên nhìn cô. Hàng lông mày của công chúa vốn mỏng manh mà sắc sảo, giờ đang nhíu lại buồn bực, càng toát lên vẻ ngạo nghễ lấn lướt: “Dương công công cũng ở đây ư? Người của Đại Lý Tự đâu rồi? Sao không mau giải tán bớt đám đông đi?”

Nghe giọng điệu công chúa đầy tức giận, rõ ràng đang lạm quyền quá phận, chỉ huy cả người của quan phủ, Hoàng Tử Hà ngán ngẩm thưa: “E rằng công chúa phải thất vọng rồi, nô tài tới đây một mình, không dẫn theo ai cả.”

“Hừ, sớm không tắc muộn không tắc, đúng lúc xe ngựa của bản cung đi đến đây thì tắc đường! Lại phải hôm đi vội quá, chỉ đem theo mấy đứa vô tích sự này!” Đồng Xương công chúa vừa miệt thị đám tùy tùng, vừa quay sang mắng người đánh xe té tát: “Kể cả vào bằng cửa Phượng Hoàng, động đao động kiếm thì đã sao, lẽ nào bản cung chưa gặp thái tử bao giờ chắc?”

Tên đánh xe bị mắng sa sả, chỉ biết cúi đầu vâng dạ rối rít.

Nghe nói đến cửa Phượng Hoàng, Hoàng Tử Hà thoáng ngẩn ra, vội hỏi: “Công chúa mấy hôm nay khó ở, nên tĩnh tâm nghỉ ngơi cho khỏe, sao tự dưng lại muốn đến cung Thái Cực?”

Thùy Châu khẽ gật đầu, lo lắng nhìn dòng người phía trước rồi thì thào: “Thục phi đang đợi công chúa…”

Cung Thái Cực hiện nay chỉ có Vương hoàng hậu ở, vậy mà giờ Quách thục phi lại ở đó, còn hẹn Đồng Xương công chúa đến đó gặp, không hiểu là chuyện gì?

Cô sực nghĩ đến một chuyện, vội gặng: “Hoàng thượng có ở đó không?”

“Nô tỳ không biết… Thục phi chỉ sai người tới báo cho công chúa thôi.” Thùy Châu lấm lét đáp.

Hoàng Tử Hà hiểu ra ngay, hôm nay ắt là thời khắc quan trọng của Vương hoàng hậu, mà Quách thục phi gọi Đồng Xương công chúa đến, là muốn giáng cho hoàng hậu một đòn chí mạng.

Nhớ lại lần triệu kiến trước, Vương hoàng hậu từng thuận miệng nhắc tới việc hồi cung, hơn nữa có vẻ đã nắm chắc thắng lợi trong tay, ắt hẳn bà ta phải có một con cờ đủ sức đối phó với Quách thục phi, nhưng… liệu hôm nay có dùng được không?

Còn đang nghĩ ngợi thì tiếng nhạc rộn lên, ra là trận so tài giữa hai phường hát đã đến lúc quyết thắng bại. Nữ tử áo đỏ bên phải đang múa điệu Hồ toàn vũ*, cứ xoay tròn nhanh như gió, khiến người xem bên dưới luôn miệng hoan hô; còn nữ tử áo xanh bên trái lại cất cao giọng ca bài Xuân giang hoa nguyệt dạ, giữa những tiếng ồn ào huyên náo mà tiếng ca vẫn vang lên lảnh lót, đủ thấy giọng khỏe đến đâu. Lại vừa khéo hát đến hai câu:

Cùng nghe ngóng lúc nay chẳng thấy,

Muốn theo trăng trôi chảy đến chàng.

* Một điệu múa được du nhập từ Tân Cương vào triều đại nhà Đường, nhấn mạnh vào chuyển động của cổ. Vũ công đứng trên một tấm thảm lông tròn và nhảy múa, mỗi màn vũ đạo có hàng trăm tư thế khác nhau. Điệu múa này hiện vẫn tồn tại ở các nước Trung Á, Kazakhstan, Pakistan, Tajikistan, cũng như địa khu Tân Cương của Trung Quốc.

Ánh mắt Hoàng Tử Hà bất giác liếc sang Đồng Xương công chúa.

Xong công chúa dường như chẳng để tâm, vì còn đang cau có rủa xả: “Đám con hát đáng ghét này, lúc nào ta phải nói với phụ hoàng đuổi cổ tất cả bọn chúng ra khỏi thành Trường An mới được!”

Đoạn, nàng thả tấm rèm xe xuống đánh xoạch. Đám người ùn ùn chen lấn khiến hai con ngựa kéo xe kinh hãi, bắt đầu rục rịch di chuyển, làm thùng xe lắc lư.

Thùy Châu vội giữ lấy cửa xe hỏi vọng vào trong: “Công chúa không sao chứ?”

Chưa nói dứt câu, công chúa đã đẩy bật cửa ra nhảy xuống.

Nàng đang ốm, tính tình lại nóng nảy, lần này nhảy xuống quá nhanh, hai chân loạng choạng, suýt nữa thì ngã nhào.

Thùy Châu vội đỡ lấy nàng, mười mấy hoạn quan đi theo cũng xúm lại, rẽ đám đông ra.

Con phố đã chật cứng, mười mấy người này lại chen vào làm nhốn nháo cả lên, những người đang xem ca múa cạnh đó bị chen đến nỗi ngã dúi dụi, vài kẻ nóng nảy bèn quát: “Làm cái gì thế? Hoạn quan thì to lắm à? Hoàng thượng có đến cũng không thể cấm dân chúng xem ca múa được!”

Đúng lúc ấy, ánh mắt Đồng Xương công chúa bỗng sững lại giữa đám đông, nàng trợn tròn đôi mắt sắc lẹm, kêu lên thất thanh: “Trâm Cửu loan!”

Hoàng Tử Hà nhìn theo ánh mắt nàng, xong chỉ thấy đầu người lô nhô, có mấy cô gái làng chơi cài trang sức hoa lệ, nhưng màu sắc và tạo hình đều hết sức dung tục, đâu giống trâm Cửu loan đúc từ nguyên một khối ngọc.

Mấy ả thị nữ bên cạnh Đồng Xương công chúa cũng nhớn nhác nhìn quanh tìm kiếm, Thùy Châu buột miệng hỏi: “Công chúa thấy trâm Cửu loan ư? Nhưng… nô tỳ không thấy đâu cả…”

“Ở bên kia kìa, có người đang cầm đấy!” Đồng Xương công chúa trỏ về hướng Tây Nam, chân cũng dợm bước về phía đó.

Đám đông đang ùn lên, toán thị vệ phía sau chưa chen được đến, mấy tên hoạn quan lại đã bị đẩy ra ngoài rìa, chỉ còn mấy thị nữ ở cạnh công chúa, nhưng chẳng theo kịp.

Thùy Châu vội vươn tay níu nàng lại: “Công chúa cẩn thận đấy…”

Chưa nói dứt câu thì Đồng Xương công chúa đã bị tóm lấy cổ tay kéo mạnh, ngã chúi về phía trước. Thân hình nàng nhỏ nhắn, lại đột nhiên bị lôi vào đám đông, dòng người vừa tách ra đã nhanh chóng khép lại, chẳng khác nào một con thú dữ há hoác cái miệng to như chậu máu, tức thì nuốt chửng nàng.

Trên sân khấu hai bên, mấy chục nữ tử đang đồng ca khúc Xuân giang hoa nguyệt dạ, tiếng ca du dương uyển chuyển khôn xiết, đến cuối cùng thì át hết mọi âm thanh khác, chỉ còn tiếng ngân lảnh lót của ca nữ kia, chuyển âm ở chỗ cực cao chẳng khác nào băng qua vạn núi, quanh co khúc khuỷu, vút tận trời xanh.

Điệu Hồ toàn vũ đang vào hồi nhanh nhất, cả sân khấu đâu đâu cũng thấp thoáng bóng dáng yêu kiều mềm mại của vũ nữ nọ. Nàng dang hai tay ra, ngửa mặt lên trời, nhoẻn cười tươi tắn mà xoay tròn thật nhanh. Chiếc khăn chít trên đầu nàng, vạt áo nàng, gấu quần nàng, cùng mái tóc được tết thành cả trăm bím nhỏ đều xõa ra xoay tròn, như một dòng suối đủ màu.

Tiếng hét kinh hoàng của bọn Thùy Châu chìm trong tiếng nhạc rộn rã. Trước con mắt của mấy chục người, công chúa bị lôi vào đám đông, mà tất cả những kẻ bên cạnh nàng đều ngây ra không dám tin là sự thực, cũng không kịp phản ứng gì.

Hoàng Tử Hà định thần lại trước nhất, lập tức tách đám người chen vào.

Giữa đám đông chen chúc với đủ màu quần áo, đủ loại người, cô cũng mất phương hướng, cứ ngẩn ra không biết phải chạy về phía nào. May sao, đúng lúc này, có người tóm cổ tay kéo cô ra.

Hoàng Tử Hà quay lại thì thấy Chu Tử Tần. Gã khá cao, lại ra sức gạt đám đông, cuối cùng cũng tóm được cô.

Chỉ thấy gã nhìn trái ngó phải rồi hỏi: “Công chúa đâu? Công công thấy công chúa rồi à?”

Hoàng Tử Hà lắc đầu nhíu mày: “Mau lệnh cho hai đoàn ca múa kia rút đi, e rằng công chúa xảy ra chuyện rồi.”

“Lẽ nào lại thế, ở đây đông thế này, lại ngay trước mặt mọi người, có thể xảy ra chuyện gì được chứ?” Chu Tử Tần phản bác, nhưng cũng quay đi tập trung các thị vệ hoạn quan, để họ mau chóng giải tán đám đông.

Tiếc rằng người nhiều như thế, lại đang ầm ĩ hỗn loạn, trong chốc lát không thể giải tán ngay được.

Thùy Châu lo lắng: “Trước lúc biến mất, công chúa còn kêu lên thất thanh: ‘Trâm Cửu loan’, nên nô tỳ nghĩ nhất định có kẻ dùng trâm Cửu loan dụ công chúa đi. Công công… chúng ta phải đi đâu tìm công chúa đây?”

Hoàng Tử Hà bất giác đưa mắt tìm Lý Thư Bạch trong đám đông. Trí nhớ của y rất tốt, bốn đường lớn, mười sáu đường nhỏ, một trăm hai mươi ba ngõ ngách trong phường Bình Khang, hẳn y rõ hơn ai hết.

Nhưng lúc này Lý Thư Bạch không ở cạnh cô.

Bản thân cô lại không thông thuộc phường Bình Khang, đành bàn bạc với Chu Tử Tần, loại trừ các con đường tập trung nhiều phường nhạc kỹ, các phố có quán rượu đông người lắm tai mắt cùng các ngõ cụt đằng trước, chọn ra hơn mười con đường có khả năng nhất.

Tiếp đó, lại phân công đám hoạn quan và thị vệ phủ công chúa đang cuống cuồng như nhặng vỡ đàn tỏa ra tìm kiếm từng đường.

Xong xuôi tất cả, Hoàng Tử Hà ngoái lại, thấy các thị nữ hầu hạ công chúa chỉ còn ba ả, bèn hỏi: “Thùy Châu đâu rồi?”

“Hồi nãy Thùy Châu đuổi theo công chúa, cũng bị dòng người nuốt chửng rồi…” Trụy Ngọc chưa nói hết câu, chợt nghe thấy tiếng la đằng xa, sau đó là tiếng gọi kinh hoàng, lúc này, khi đám đông đã vãn, không gian yên tĩnh phần nào, nghe càng thêm thê thiết: “Người đâu… người đâu rồi…”

Là giọng Thùy Châu.

Chu Tử Tần và Hoàng Tử Hà phản ứng nhanh nhất, lập tức chạy ngay đến.

Sau bức tường bao, còn thừa ra đến ba bốn thước đất trống. Dây hoa sao tốt tươi bò tràn trên sân lên tường, từng mảng hoa đỏ thắm nổi bật trên nền lá xanh, trông như những vệt máu loang lổ.

Ở cuối mảng hoa lá dày rậm, thân hình Đồng Xương công chúa đang dựa vào tường, từ từ trượt xuống. Mắt nàng nhắm nghiền, xong thân thể vẫn không ngừng co giật.

Trên tấm áo đỏ thêu đầy bươm bướm ướt đẫm một mảng đỏ thẫm khác thường, chói chang dưới nắng.

Phía sau đám dây leo chằng chịt là cỏ dại um tùm, lúc này, chỉ có mấy nhành xác pháo trơ trọi rung rinh.

Thùy Châu liêu xiêu chạy đến, vấp phải dây leo ngã lăn ra, nhưng chẳng biết ả lấy đâu ra sức lực, vẫn vừa khóc lóc vừa lê đến bên cạnh công chúa, ôm chặt lấy nàng, sợ đến nỗi mặt mày tái ngắt không kêu nổi nữa, chỉ biết bịt chặt vết thương đang chảy máu xối xả trên ngực công chúa, tiếc rằng tay ả sao níu giữ nổi sự sống cho công chúa, đành trơ mắt nhìn sức thanh xuân của nàng trôi đi theo dòng máu tươi ấm nóng, thấm vào lòng đất đang bừng bừng nhựa sống rồi tiêu tan.

Vẻ mặt Thùy Châu đờ đẫn, như không thể đối diện với sự thực tàn nhẫn đau đớn trước mặt.

Chân Hoàng Tử Hà cũng ríu cả lại, cô loạng choạng chạy đến thì trông thấy cây trâm Cửu loan vốn đã biết mất đầy bí ẩn giờ đang nằm im lìm trên nền đất thấm đầy máu công chúa, giữa đám dây leo bị giày xéo giẫm đạp.

Máu tươi nhỏ xuống miếng ngọc chín màu kỳ lạ được chạm thành chín cánh chim loan phượng khoan thai bay lượn, trông càng lộng lẫy ấm áp khôn xiết.

Mà đuôi trâm được đẽo thành vành trăng khuyết, giờ đã gãy lìa, cắm ngay giữa ngực công chúa.

Máu tươi loang đỏ, càng làm nổi bật hai chữ triện cổ khắc bên trên.

Ngọc Nhi.