Trả hoa hồng cho đất

- 1 -

Docsach24.com

Rạch Giá,

Mùng một Tết

Vy đang sửa lại bình hoa trên bàn, chuẩn bị bánh kẹo để đón những người bạn đầu tiên đến nhà ngày đầu năm mới. Vy vừa thò tay định mở hộp bóc kẹo ăn thì nghe tiếng cô em út la lên:

- Chị Hai không được ăn, phải để khách mở trước!

- Cái gì mà ghê vậy? – Vy nhăn mặt. – Thì hồi nãy chị bóc kẹo bỏ ra hộp chứ ai.

- Không được ăn là không được ăn. Chị mà ăn thì cả năm sẽ không có ai đến thăm nhà mình đâu. – Con bé lắc đầu cương quyết. – Xui lắm!

Vy phì cười:

- Không đến thì đỡ tốn chứ gì mà xui?

- Tại chị không biết thôi. Chị đi biền biệt, mỗi ngày cha mẹ đi làm tới tối mới về. Chỉ có em và chị Mỹ thay phiên nhau vừa đi học vừa giữ nhà.. Ở nhà một mình buồn thấy mồ, lâu lâu có khách đến chơi cũng vui.

Nghe My nói, Vy thấy thương em quá. Ở nhà, hai đứa nhỏ đã gánh giùm cô bao công việc gia đình để cô có thể yên tâm xa nhà suốt bốn năm học đại học. Bây giờ mới học được một năm rưỡi mà cô đã thấy hai đứa em mình đã trưởng thành hẳn. Gia đình công chức, cha mẹ đi làm ngày tám tiếng, tối còn phải làm them. Hai đứa em của Vy chịu thương chịu khó chăm lo vườn tược, heo gà giúp cha mẹ. Vy không biết làm sao để đỡ gánh nặng cho hai em. Một năm cô đã mất hết mười tháng ở Hà Nội, thời gian được ở nhà quá ít ỏi. Về nhà Vy chỉ còn biết cố làm tất cả những gì có thể để cha mẹ và hai em cảm thấy vui. Vy cười khì bỏ viên kẹo trở vào hộp:

- Không cho ăn thì thôi! Trời đất, ai tô son cho My vậy? Son trèo hết ra ngoài vành môi rồi kìa. Thôi vô buồng bôi sạch đi chị ô lại cho!

Cô bé chạy tuốt vô buồng, vừa soi gương vừa cãi nhau chí chóe với chị Mỹ của nó. Vy phẩy tay kêu trời. Mùng Một Tết mà đã cãi nhau rồi, thật là không ra thể thống gì nữa! Cô đành đứng dậy đi vàô buồng dàn xếp cuộc đấu khẩu. Vy lấy khăn giấy lau hết son trên môi bé My rồi chọn màu son nhạt tô lại. Mỹ cũng chụm vào xem. Vy vừa trang điểm xong cho em thì nghe có tiếng xe máy dừng trước cổng. Cô bảo hai em tự đi thay quần áo rồi ra mở cổng.

Vy gật đầu chào người thanh niên dắt xe đi sau Uyên. Anh ta mỉm cười, gật đầu chào lại. Uyên nheo mắt nhìn hai người:

- Ủa có quen không mà nhìn nhau cười tươi vậy?

- Người chở chị đến thì chắc là bạn của chị rồi. Trước không quen thì sau cũng phải quen thôi.

Uyên cười khì chỉ tay vào người thanh niên, giới thiệu:

- Anh Huy. Còn đây là Vy mà em thường kể đó.

- Anh Huy! – Vy tròn xoe mắt nhìn người khách lạ.

Uyên nắm tay Vy kéo tuốt lên sa-lông, bỏ mặc người khách lạ tìm chỗ dựng xe.

Uyên với tay lấy hộp bánh lên ngắm nghía rồi mở nắp hộp bốc một cái bánh bột đầu, đưa lên miệng.

Vy ngồi quan sát người thanh niên. Anh có một kiểu cười khóe môi hơi nhếch lên nửa thân thiện, nửa lạnh lung ngạo mạn. Nụ cười đó đặt trên một gương mặt sạm nắng. Cằm hơi dài với đôi lông mày rậm nhíu ở đầu, đuôi mắt ẩn dưới đôi mày ấy. Khổ người to cao với mái tóc dợn sóng - dân của miền biển. Chiếc áo sơ-mi màu nâu nhạt với những đường sọc đên nhã nhặn, đi kèm với chiếc quần may đúng mốt. Huy có vẻ hơi trầm lặng và kín đáo.

Bé My từ phòng trong ào ra mừng Uyên, tíu tít cười nói quên cả chào khách. Vy bảo em:

- Đi vô trong làm mấy ly nước ngọt đãi khách đi! - Đợi em đi khuất, Vy phân bua. - Bé My xem chị Uyên như người nhà nên hay đùa giỡn lắm, anh Huy đừng phiền.

- Đâu có gì mà phiiền, - Huy mỉm cười, - cô bé dễ thương lắm!

- Còn em thì sao? – Uyên vừa nhai bánh vừa hỏi – Hai mươi mốt tuổi rồi em dự định gì đây Vy?

- Xì, - Vy trề môi nguýt dài. – Hơn người ta chưa tới bốn tuổi mà ra vẻ quá vậy? Chị lo cho chị đi. Ăn nhiều tròn trùng trục coi chừng anh Huy chê bỏ đó.

- Huy không bỏ chị đâu – Uyên đưa cho Huy một miếng mứt bí trắng muốt – Anh đâu bao giờ bỏ Uyên phải không anh?

Huy mỉm cười gật đầu, cầm miếng mứt lên nhai. Qua lời kể của Uyên thì cô và Vy chơi thân với nhau đến mức có gì cũng kể hết cho nhau nghe. Giờ gặp Vy, anh không hiểu tại sao họ có thể chơi than vớii nhau như vậy. Uyên nhỏ nhắn, khuôn mặt bầu bĩnh phúc hậu. Đôi mày Uyên thẳng nhưng đuôi may nở rộng, đôi mắt lúc nào cũng mở to ươn ướt, mũi thẳng, môi đầy, da trắng, tóc thề. Yêu nhau năm năm, anh chưa hề thấy Uyên thay đổi tí nào về hình dáng của mình. Về tính tình thì càng không đổi, đầy nữ tính, thích được chìu chuộng, đa cảm và hơi yếu đuối. Uyên như một thiên thần bé nhỏ ngây thơ, đôi mắt trong veo chưa hề gợn chút ưu tư nào của cuộc sống bon chen. Cùng cảnh học xa nhà, Huy thành chỗ dựa của Uyên trong suốt những năm hai người được sống gần nhau. Anh chăm sóc cho Uyên từng bữa ăn, giấc ngủ đến việc xách từng xô nước cho cô tắm. Lúc chưa ra trường, kỷ luật của học viện Quân y rất nghiêm. Chín giờ tối là các học viên phải về phòng tự học, Huy chỉ mong trời mau sáng để được gặp Uyên. Huy ra trường được phân về Phan Thiết công tác. Uyên còn phải ở lại Hà Nội học đến hai năm, anh luôn phập phồng lo lắng không yên. Mới xa nhau hơn sáu tháng mà anh thấy dài như chục năm. Anh sợ đã quen sống trong một môi trường được bao biện từ bữa ăn đến chiếc áo mặc mùa đông, khi ra giao tiếp với xã hội, Uyên sẽ rất ngỡ ngàng và dễ vấp ngã. Còn một năm sáu tháng nữa bao nhiêu chuyện sẽ xảy ra? Không có anh, Uyên sẽ xoay sở ra sao?

Huy nhìn lướt Vy, cô gái có gương mặt hao hao giống hình trái xoan nhưng cằm hơi dài một chút, má cao, góc quai hàm nhô ra. Đôi long mày không rậm nhưng thẳng sắc như một nét vẽ. Mắt hai mí to kéo xéo lên ở đuôi mày. Cô có vầng trán cao khá đẹp. Môi đầy mọng, khéo trang điểm nên có một màu đỏ cam ngọt. Da của Vy không trắng, không đen mà là một màu ngà ngà rất lạ. Những chấm tàn nhang li ti làm cho người ta thoạt nhìn thì Vy rất trẻ trung nhí nhảnh với nụ cười lúm đồng tiền lúc nào cũng sẵn sàng mở ra. Nhưng nếu ai tinh ý thì sẽ nhận ra sự già dặn trước tuổi với ánh mắt bướng bỉnh lúc ẩn lúc hiện. Cuối cùng Huy kết luận cô gái kia không đẹp nhưng có một nhan sắc là lạ ưa nhìn.

Vy và Uyên không có gì giống nhau về hình dáng. Uyên tròn trịa, nhỏ nhắn. Vy mảnh khảnh cao và hơi gầy. Uyên hôm nay mặc chiếc áo đầm màu xanh lá cây may kiểu cách rất khéo và trang điểm cẩn thận. Vy chỉ đơn giản một chiếc quần jeans xanh mực ôm lấy đôi chân dài thẳng đẹp như một vận động viên bơi lội với chiếc áo sơ-mi vạt bầu màu lơ rất nhạt. Vy không đánh phấn, chỉ kẻ lông mày hơi đậm hơn, đôi môi được đánh son màu đỏ san hô rất công phu. Vy biết nhấn mạnh ưu điểm của mình. Qua hình dáng, tính cách, ăn mặc, trang điểm thì ai cũng phải công nhận Uyên và Vy là hai thái cực. Huy chịu không biết là họ “hạp” nhau ở điểm gì.

Thấy Huy cứ nhìn mình rồi lại nhìn Uyên, Vy nheo mắt hất mặt hỏi:

- Ê, sao cứ nhìn chị em tôi hoài vậy?

- Đâu có – Huy hơi lung túng trước ánh mắt chiếu thẳng của Vy. Anh chưa gặp cô gái nào có cái nhìn như xuyên thấu qua ý nghĩ của người khác như vậy. – Anh đang tìm cơ hội để xen vài lời mà.

Vy chợt nhớ ra nãy giờ cô với Uyên cứ huyên thuyên liên tục nên quên mất người khách lạ. Cô cười hỏi:

- Em xin lỗi! À, anh ở Phan Thiết xuống Rạch Giá đây bằng xe phải không?

- Ừ, đi xe hai ngày mới tới Rạch Giá – Huy nhíu mày hơi bực. Cô bé này hỏi trống không như cảnh sát hỏi cung phạm nhân. – Cô bé có định hỏi anh giá vé xe bao nhiêu không?

- Không – Vy không để ý tới thái độ khó chịu của Huy – Vậy anh được nghỉ tết mấy ngày?

- Bảy ngày.

- Ạ! – Vy nheo mắt trêu – Thảo nào chị Uyên đứng ngồi không yên, bí mật đến nỗi ăn không ngon. Nghỉ bảy ngày, mất bốn ngày ngồi xe, thăm người yên được ba ngày. Thật tuyệt vời! – Cô quay sang Uyên – Nè, em ghen với chị đó, có được người yêu hết ý. Hiểu tính mộng mơ của chị nên không tiếc sức để tạo niềm vui cho chị.

- Chọc chị hả? – Uyên thụi vào hông Vy mấy cái, mắt liếc nhìn người yêu hạnh phúc.

- Còn giả bộ mắc cỡ nữa – Vy cười – Thượng đế thấy hai người tình tứ như vậy cũng phát ghen luôn. “Anh đến thăm em đêm ba mươi, còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi. Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…” – Vy cười rúc rích – Lá vàng của anh Huy đâu?

Huy đưa tay đỡ giúp bé My cái khay đựng ba ly nước ngọt, tảng lờ không trả lời. Uyên trợn mắt:

- Lá vàng đây nè! – Cô thụi cho Vy them hai thụi – Chọc người ta! Vuốt mắt cũng phải chừa mũi thở chứ. Huy mới đến lần đầu, em tấn công quá, ai mà chịu cho nổi?

Vy không cười nữa mà chăm chăm nhìn Huy. Huy tránh ánh mắt dò xét của cô bằng cách bày mấy ly nước ngọt ra bàn. Vừa ngẩng lên anh đã thấy Vy chum chím cười, trong mắt đầy tia bỡn cợt:

- Uyên à, bồ của chị vừa hấp dẫn vừa lịch sự như vậy, chị mà không thích thì nhường cho em, chứ để người khác “cua” mất thì uổng lắm.

- Ê, quỉ sứ! – Uyên la lên, cung tay lên dọa – Muốn gì đây?

Vy bật ra khỏi chỗ ngồi cười khanh khách:

- Mới chọc chút xíu mà trợn mắt nhe nanh rồi, sợ quá đi! Em giỡn chơi đó. Em thà “cua” hết bồ của thiên hạ chứ không bao giờ “cua” bồ chị đâu. Mình là bạn than mà.

- Hết biết em luôn! Vậy cũng nói được. Em chọc một hồi anh Huy bỏ về bây giờ.

- Có không, anh Huy? – Vy nheo mắt hỏi.

- Không, anh không chấp đâu. – Huy hơi khó chịu. Anh không quen cách đùa sỗ sang và quá bạo dạn của Vy. Cô gái này không có chút tế nhị nào của nữ giới.

- Vậy thì tốt! – Vy không đùa nữa – Để em vào gọi điện cho “lũ chim choc” đến rồi mình đi chơi.

Vy đi vào trong. Uyên sà đến ngồi cạnh người yêu. Biết Huy đang bực, Uyên dịu dàng phân bua tính Vy ưa đùa, thích châm chọc người khác, có lẽ Vy đã xem anh như bạn than, nên mới đùa quá trớn như vậy. Thấy Huy vẫn lạnh ngắt, Uyên nhăn nhó:

- Anh không vui thì mình về! – Huy lặng thinh, Uyên hờn giỗi. – Em biết anh khó chịu mà, Vy nó không cố ý đâu.

- Đâu có, anh vui mà. Anh sẽ cố coi bạn của em như bạn của anh, được chưa?

- Được. Vậy anh cười đi!

Uyên chông hai cùi tay lên đầu gối Huy, ngẩng mặt nhìn Huy chờ đợi. Trong dáng điệu của cô như vậy Huy phải phì cười. Anh choàng hai tay qua vai kéo Uyên vào long, hôn nhẹ lên trán cô. Uyên đẩy anh ra thì thầm:

- Vy mà biết, cả ngày nay anh bị chọc đó. Ngồi xích ra đi!

- Nói gì tôi đó?

Vy ngồi xuống ghế nheo mắt cười:

- Cứ tự nhiên đi! Em không phải bà già cổ lỗ sĩ hay là tiểu thơ yểu điệu đoan trang đâu. – Thấy Uyên đỏ mặt cúi gầm, Vy càng trêu già – Làm gì mà mặt đỏ bừng vậy? Nãy giờ em đâu có mời rược hai người. Chà…chà…rượu tình chắc mau say lắm? Em mới vào gọi điện có năm phút mà hai người đã say men rồi.

Uyên mắc cỡ quá, nổi đóa quất:

- Đủ rồi nghe! Còn chọc chị nữa thì chị sẽ không đi chơi với em đâu.

- Phải rồi, đi chơi với bồ sướng hơn đi chơi với bạn. Chị mà bỏ em lúc này, tới lúc ra Hà Nội đừng trách em trở mặt tẩy chay chị.

Không biết nói sao, Uyên giơ hai tay lên kêu trời một tiếng. Cô biết có cãi nhau với Vy cũng chỉ có thua. Huy nhếch cười nhìn Vy hỏi:

- Cô bé có uống rượu tình bao giờ chưa mà bạo miệng quá vậy?

- Ai nói là em chưa uống? – Vy nheo mắt nhìn trả lại anh – Chị Uyên không nói cho anh biết gì về em sao? Vậy thì anh có dịp may để tìm hiểu rồi.

Có nhiều tiếng xa máy dừng trước cổng, Vy ra mở cổng cho đám bạn. Chưa vào đến nhà tiếng của Vy và đám bạn đã vang dậy. Uyên bước ra đón họ rồi kéo nhau vào đầy phòng khách. Không cần chủ nhà mời, năm chàng trai, hai cô gái mới đến túa lại vây chặt hộp bánh. Vy nhanh tay chộp hộp bánh giơ lên cao cười khanh khách:

- Đợi một chút! Mấy người thấy có khách không? Tham ăn như vậy không sợ mắc nghẹn sao? – Vy giới thiệu – Đây là đám bạn học ở ngoài Hà Nội với em. Người cao to tóc bồng bềnh nghệ sĩ – đó là anh Dũng. Người trắng trẻo đẹp trai kia là anh Lâm. Hai người này đang học ở Phân viện Báo chí và cùng làm ở báo Kiên Giang. Đây là Tuấn, Ngọc, Vũ học ở Đại học An ninh, cũng là lính như chị Uyên. Kiều học Trường đại học Luật, người yêu của Vũ đấy. Hoa học cao đẳng kiểm sát. – Vy chỉ vào Huy – Anh Huy, mới đáp xe từ Phan Thiết xuống tới đây lúc mười hai giờ đêm ba mươi Tết.

Vừa cố chịu đựng những câu chào hỏi trêu đùa chói tai, Huy vừa phải chịu đựng mười bốn ánh mắt ngó chăm chăm vào mình. Dũng chậm rãi đưa tay cho Huy bắt, cười than thiện:

- Tụi này mới ra Hà Nội học nên chưa ai biết anh, chỉ nghe Uyên kể và cho xem hình mà thôi. Anh là bạn của Uyên cũng là bạn của tụi này rồi..

Mọi người lần lượt bắt tay với Huy. Huy cười đáp lễ:

- Chỉ tiếc tôi ra trường trước không được làm quen với mọi người. Sau này có gì nhờ mọi người lo cho Uyên giùm.

- Anh không phải lo! – Người tên Lâm nãy giờ mới lên tiếng – Đã là bạn bè đồng hương thì tụi này phải quan tâm đến nhau chứ. Cả hội đồng hương chỉ có mỗi Uyên là bác sĩ quân y nên phải cưng nhiều chứ!

Uyên nhìn Lâm cười hài. Anh nhà báo điển trai này lúc nào cũng biết nói lời làm hài long người khác. Lâm cao lớn khỏe mạnh, da trắng, mặt chữ điền, mái tóc đen mượt, chải ngược ra phía sau khoe vầng trán rộng thông minh càng làm tăng sự hấp dẫn của Lâm. Quần áo đúng mốt, màu sắc hài hòa phù hợp với cả đôi giày đang mang. Từ con người Lâm toát lên một sức hút đặc biệt, một mẫu hình lý tưởng cho các cô gái thời nay. Huy rút bao thuốc lá mời Lâm và mọi người:

- Xong chưa? Tụi mình đi! – Uyên lên tiếng.

- Ừ. – Vy đứng vậy nói với mọi người – Mình đi một vòng chúc Tết hết nhà các bạn rồi ra Hoa biển quậy một trận.

- Đi vô Huyền Diệu chơi đi – Uyên gợi ý – Khu giải trí đó mới mở nghe nói vui lắm!

- Cũng được – Nhiều tiếng đồng tình.

- Mọi người ra trước. Vy dặn hai đứa em mấy tiếng rồi theo liền.

Cả đám kéo nhau đi hết. Căn nhà trở lại yên tĩnh. Dưới sàn nhà đầy vỏ bánh kẹo.

*

Vy, Uyên và Huy ngồi hóng gió đợi xem mặt trời lặn xuống biển. Khu vực này được đặt tên là Hoa Biển cũng đúng. Một dãy bờ kè cao chạy dọc cả mấy cây số bao lấy bãi biển. Mỗi chiều người dân Rạch Giá thường rủ nhau xuống bãi biển này để thả diều, hóng gió, xem mặt trời lặn, xem thuyền vào cảng, xem song vỗ bờ. Mùa biển động, từng đợt sóng vỗ bờ làm tung tóe ra bao nhiêu là bọt trắng – những bông hoa muôn thuở của biển cả.

Suốt ba ngày nay, Huy bị cuốn vào cơn lốc vui chơi của đám bạn Uyên. Đi chúc tết đến nhà nào cũng phải uống no các loại nước giải khát, bánh kẹo, dưa hấu. Nếu đến nhà nào gặp bữa là phải uống rượu, ăn cơm với đủ loại thức ăn chất ngồn ngộn. Đám bạn của Uyên ai cũng uống rượu khá. Lần nào Huy cũng là người xin nghỉ trước. Họ cho Huy nghỉ, nhưng cũng buộc Uyên phải uống thế phần của anh. Uyên không uống được, bao nhiêu rượu Uyên dồn hết cho Vy. Vy chỉ cười rồi uống cả phần của mình và phần của Uyên. Huy để ý Vyy uống rượu không bao giờ nhăn mặt hay kêu ca gì. Nhiều lần Huy đã ngà say, Vy vẫn còn tỉnh queo đề nghị để cô chở Uyên và người khác chở anh.

Chín giờ tối nay anh đã phải lên xe về Phan Thiết họ mới tha cho anh ở nhà ăn bữa cơm chiều với gia đình Uyên. Vy cũng đến cùng ăn với gia đình. Ba mẹ Uyên rất quý Vy. Vy cũng tự nhiên như nhà của mình, xông thẳng vào bếp cùng nấu nướng, cùng đùa giỡn ầm ĩ với đám em của Uyên. Huy chợt nhận ra cô gái này đi đến đâu là không khí ở đó nóng lên. Tiêng cười của Vy dường như có sức lan truyền rất nhanh đến người xung quanh. Huy tìm mãi chẳng thấy nét đáng yêu nào trong con người của Vy. Anh vốn không thích những cô gái ồn ào. Sau bữa cơm, chỉ kịp xếp mấy bộ đồ và vật dụng vào túi xách, Huy đã bị Uyên kéo ra bãi biển chờ xem mặt trời lặn. Uyên cho rằng nếu không xem được cảnh này thì Huy sẽ uổng cả chuyến đi. Lúc họ ra khỏi cổng, mẹ Uyên dặn phải về sớm để chuẩn bị lên đường.

Mùa này biển rất êm, chẳng có bọt sóng để xem. Huy đành phải xem những con tàu đang về bến trong lúc chờ mặt trời lặn. Biển ở quê anh đẹp hơn ở đây nhiều. Bãi cát trắng với những hàng dương xanh mướt, nước biển xanh trong vắt đẹp như ngọc bích. Còn biển nơi đây một màu lơ lơ, không có bãi cát, không có cây cối trông thật trơ trụi. Ba người kéo ghế sát mé bờ bao để chờ đợi “giây phút thần tiên” như Uyên nói. Người bồi bàn bưng nước giải khát ra cho ba người. Huy trả tiền luôn cho anh ta. Bãi biển chiều nay khá đông người, ai cũng muốn chụp vài tấm ảnh mặt trời lặn vào đầu năm mới. Uyên ngồi sát vào người yêu. Huy choàng tay qua vai cô, hai người thủ thỉ với nhau đủ thứ chuyện. Hồi lâu, Huy mới nhận ra Vy ngồi bất động mắt nhìn ra biển, dường như tất cả tâm trí của cô đã bay theo những cánh hải âu. Ly đá trên bàn đã tan mất một nửa mà Vy cũng chẳng hề biết. Huy lấy ly đá, đổ hết nước rót nước ngọt vào ly cho cô. Vy khẽ giật mình khi bị Huy khều nhẹ vào tay. Cô quay lại nhìn anh. Huy thấy trong mắt cô có một sự ngỡ ngàng như vừa tỉnh cơn mơ. Vy đưa tay vuốt những sợi tóc dài đang bay rồi cầm lấy ly nước Huy đưa cho. Huy hơi ngạc nhiên, dường như người ngồi trước mặt anh không phải là Vy. Cô gái ngồi trước mặt anh quá ư trầm lặng, một nỗi buồn bất tận nào đang ngự trị trong cô. Con người hoạt bát, láu lỉnh biển đâu mất trong khoảnh khắc này Huy thầy được một cô Vy khác, một cô Vy như từng trải khổ đau, như già trước tuổi vì nỗi buồn sâu kín nào đó. Trong chớp mắt con người đó biến đâu mất. Vy khẽ cười trêu:

- Sao khhông nói chuyện nữa đi? Quên hết cả trời đất! Hai người cứ nói chuyện đi, kẻ thứ ba này tự tìm nguồn vui cho mình.

Vy bỏ ly nước xuống bàn, đứng dậy đi dọc theo bờ biển. Huy nhìn theo hỏi:

- Cô bé của em sao vậy?

- Tức cảnh sinh tình, nhớ người đi xa – Uyên nép sát vào anh. Huy vòng tay kéo cô vào long – Em chỉ biết Vy thương một người bạn cùng học phổ thông, nhưng cậu ta con một gia đình đi biển, ít học hành. Cha mẹ Vy không thích và cho là Vy còn quá nhỏ phải lo học hành trước nên ngăn cấm. Anh chàng kia ôm hận theo người ta đi vượt biên, ba năm rồi không tin tức. Mỗi lần ra đây chơi, Vy lại có những giây phút như vậy. Chắc nơi đây Vy có nhiều kỉ niệm lắm. Anh có tin đó là tình yêu đầu đời của Vy không?

Uyên kể cho Huy nghe từ nhỏ Vy đã phải giúp cha mẹ trong việc kiếm sống. Vy từng mua gánh bán bưng cuốc đất trồn rẫy, nuôi heo nuôi gà, cực khổ gì cũng đã trải qua. Một quãng đời tuổi thơ của Vy đã phải mất đi nụ cười và cha mẹ của Vy phải bạc tóc sớm để đánh đổi cuộc sống tạm gọi là đầy đủ bây giờ. Huy ngẫm nghĩ có phải cái bề ngoài của tiếng cười lạc quan, hình dáng trẻ trung kia làm mọi người lầm lẫn Vy là cô gái của sự hồn nhiên. Huy thấy tội nghiệp Vy. Thảo nào cô già dặn và sắc sảo hơn đám bạn cùng lứa.

- Anh nghĩ gì vậy, Huy?

- Anh nghĩ chắc đó chỉ là một sự cảm mến đầu đời khó quên thôi chứ khônog phải tình yêu như Vy lầm tưởng. – Huy trầm tư.

- Em không biết – Uyên cười dịu dàng – Vy không nói gì ngoài những gì em đã nói cho anh nghe. Trên bàn học ở ký túc xã của Vy có tấm ảnh bán thân chàng trai, bao giờ bên cạnh cũng có một lọ cắm mười hoa hồng quế. Chàng ta khá đẹp trai, đôi mắt sáng như sao đêm ba mươi. Sau bức ảnh có câu thơ do chính tay Vy viết: “Nếu không yêu anh, hoa hồng kia xin trả về cho đất…”. Có lần em hỏi,, Vy chỉ cười khì nói bài thơ đó là tâm sự của tác giả Hoài Thu, đọc thấy hay nên chép ra, chứ không có ý gì. Anh thấy có nên tin không?

- Không nên tin. – Huy cười gõ lên mũi người yêu. – Khờ như em dễ bị người ta gạt lắm. Không nói chuyện đó nữa, đầu năm em chúc gì cho em?

Uyên đặt hai tay của mình vào tay Huy, thủ thỉ:

- Trước tiên chúc cho hai bác sức khỏe dồi dào, gia đình nhiều may mắn. Chúc anh mau lên chức, mau có nhiều người đẹp theo anh.

- Thật không?

- Không thật.