- (Anh Herbert). Well “Thế giới sử cương”
Batu và Trương Kế Nguyên liên tục thay bốn lượt ngựa chạy hai ngày một đêm thuận gió mới dồn được đàn ngựa lên tới bãi chăn trên mỏm núi tây bắc. Họ không còn lo đàn ngựa chạy ngược gió trở lại đường cũ. Hai người mệt đến nỗi đờ đẫn trên lưng ngựa, gần như không xuống nổi, phải hít mấy hơi dài rồi lăn từ yên xuống đất nằm sóng xoài trên bãi cỏ, mở ống tay áo cho gió lùa vào hong khô áo lót trong ướt đẫm mồ hôi.
Tây bắc là hướng gió núi thổi tới, đông nam là hồ nước nằm chính giữa thung lung. Đàn ngựa phân tán trên mỏm núi tròn vo, chúng sốt ruột, nửa muốn chạy ngược gió để đuổi muỗi, nửa muốn xuống hồ uống nước. Đàn ngựa mệt mỏi loay hoay đến ba vòng mà vẫn do dự chưa quyết, nghe tiếng hí vang của mấy con ngựa giống, mới từ bỏ ý định chạy ngược gió, chọn nước. Chúng đành chạy xuống hồ, hàng nghìn vó ngựa đánh động đàn muỗi bay lên bâu kín những con ngựa mình mẩy ướt đẫm, chọc vòi như kim máy dệt châm dày đặc. Đàn ngựa bị đau, nào cắn nào đá, tức tối mà không làm gì được, liêu xiêu như bị bệnh tâm thần.
Batu và Trương Kế Nguyên thấy đàn ngựa đã xuống nũi, liền lăn ra ngủ, không kịp cài khuy tay áo. Đàn muỗi bu tới đốt vào cổ, nhưng mặc cho những chiếc vòi to như mũi dùi, đốt mấy cũng không tỉnh. Hai người từ hôm muỗi về, liên tục bảy ngày đêm không hôm nào được ngủ liền một mạch ba tiếng. Nạn muỗi biến đàn ngựa thành ngựa hoang, ngựa ốm, ngựa điên, không nghe quát, không sợ roi, không sợ thòng lọng xiết cổ, thậm chí sói cũng không sợ. Lúc không có gió, chúng chạy hoắng lên đón gió; khi có gió, chúng chạy ngược chiều để rũ muỗi trên người. Mấy hôm trước, đàn ngựa suýt vượt biên, nếu không có chuyện gió đột nhiên đổi chiều thì bây giờ chắc hai người đang ở đồn biên phòng yêu cầu quốc tế phối hợp giải quyết. Có đêm hai người tốn bao công sức vừa dồn được đàn ngựa về bãi thì đàn muỗi tấn công, đàn ngựa hoảng loạn, phá vây theo nhóm dòng họ chạy biến. Hai người lại mất một ngày một đêm mới gom được mười mấy dòng họ lớn lại, nhưng đếm thấy thiếu một tộc hơn hai mươi con. Batu để lại Trương Kế Nguyên một mình trông đàn ngựa, còn anh thay một con ngựa khoẻ tìm đúng một ngày mới thấy chúng trên bãi cát cách 80 dặm, toàn bộ số ngựa choai trong đàn đã không còn một con. Đàn sói bị điên vì muỗi đốt, chúng ra sức giết ngựa để bổ sung số máu bị mất, Batu tìm móng và bờm ngựa nhưng không thấy, sói đã chén sạch.
Đàn ngựa muỗi bu đầy như cát bám trên người lao nhanh xuống hồ. Gần như bị muỗi hút kiệt máu, không còn mồ hôi để chảy, những con ngựa tranh nhau lội ào xuống nước. Chúng không vội uống, mà trước hết mượn nước đuổi muỗi, nước lút cẳng chân, cẳng chân không còn đau, nước lút bắp đùi, những con trùng hút máu trên bắp đùi cuốn xéo; nước lút bụng, những con muỗi không kịp rút vòi liền chết sặc, biến thành cung quăng. Đàn ngựa tiếp tục vùng vẫy, nước lút lưng, vừa mát vừa diệt muỗi, đàn ngựa phấn khởi hí vang, càng sục dữ trong nước, muỗi ác nổi trên mặt nước như trấu.
Đàn ngựa hả giận, bắt đầu uống ừng ực cho đến khi không uống được nưa, sau đó duy trì lớp nước bùn trên người, trở lại chỗ nước vừa chấm bụng ngủ gật. Không một tiếng động, chúng ngại cả hắt xì hơi. Cả đàn ngựa im lặng cúi đầu mặc niệm những thành viên trong gia tộc bị muỗi sói liên kết sát hại. Mã quan trên núi và đàn ngựa dưới hồ đều ngủ say như chết.
Không rõ thời gian bao lâu, ngựa cũng như người sực tỉnh vì đói, cả hai mấy ngày nay chưa ăn miếng gì vào bụng. Batu và Trương Kế Nguyên chạy tới một lều bạt gần nhất uống no nước trà và sữa chua, ăn no thịt luộc, rồi tiếp tục ngủ như chết. Đàn ngựa đói quá lên bờ gặm cỏ, bùn đất trên mình ngựa khô rất nhanh dưới nắng gay gắt, đàn muỗi thừa cơ nhè kẽ nứt mà đốt. Cỏ bên hồ đã bị bò cừu gặm cụt, để khỏi chết đói, đàn ngựa phải trở lại bãi cỏ tươi tốt trên núi, vừa ăn cỏ vừa đương đầu với đàn muỗi.
o0o
Toàn thể cán bộ của đội họp tại nhà ông Pilich. Ông già nói: Mây không dày không mỏng, trời này chưa mưa được, đêm lại càng nóng, mấy ngày nay muỗi ăn thịt đàn ngựa. Các đàn gia súc thiếu người, đàn cừu vừa có chuyện, quả thực không còn người thay thế cho mã quan về nghỉ. Bao Thuận Quý và ông Pilich quyết định rút cán bộ mục trường đi chăn cừu, rút dương quan và cán bộ bán thoát li lên núi thay thế các mã quan nhỏ tuổi và thanh niên trí trức, nhất định cầm cự bằng được giai đoạn trầm trọng nhất của nạn muỗi nạn sói hiện nay.
Trương Kế Nguyên gần như suy nhược vì mệt mỏi, nhưng cậu ta bướng như con bò mộng, nói mấy cũng không lui về tuyến sau. Cậu hiểu, chỉ cần trụ nổi đại hoạ này,,từ nay cậu có thể trở thành mã quan đích thực, đảm đương một mặt của công việc. Trần Trận và Dương Khắc động viên cậu, cả hai đều muốn có một mã quan ưu tú trong đội ngũ thanh niên trí thức.
Quá trưa thời tiết càng ngột ngạt, mưa to thì không, mưa nhỏ cũng chẳng hi vọng gì. Thảo nguyên mong mưa nhưng lại sợ mưa. Mưa to muỗi không bay được, nhưng sau cơn mưa, muỗi nhiều thêm. Muỗi hút máu sói ngày càng nhiều, con cháu của những con muỗi này mang tính sói, thích quậy phá. Thảo nguyên Ơlôn biến thành địa ngục trần gian, Trương Kế Nguyên cũng quyết tâm xuống địa ngục, cùng các mã quan tiến vào trảng cỏ.
Ông già Pilich cùng Batu và Trương Kế Nguyên dẫn đàn ngựa lên dải cát vàng phía tây, cách chỗ cũ sáu bảy mươi dặm, nơi đó cỏ thưa nước hiếm, muỗi tương đối ít. Đàn ngựa trên khu vực đêm cách đường biên gần trăm dặm, ba đàn ngựa khác của đại đội cũng điều động theo cách của ông Pilich, từ nơi ở chia nhau di chuyển thật nhanh tới các bãi cát phía tây nam.
Ông già bảo Trương Kế Nguyên: Bãi cát tây nam vốn là đồng cỏ rất tốt của Ơlôn, khi ấy có một con sông nhỏ, có một bãi lầy, cỏ chăn nuôi rậm rạp, nhiều dinh dưỡng, súc vật rất thích ăn, gia súc không cần nhồi nhét mới béo. Ông già ngửa mặt than: Lâu la gì đâu mà đã ra thế này! Con sông mà bây giờ cái rãnh cũng không để lại, tất cả bị cát vùi lấp.
Trương Kế Nguyên hỏi: Vì sao đến nỗi như thế?
Ông già trỏ đàn ngựa, nói: Đó là do đàn ngựa huỷ hoại, đúng hơn là do người từ nội địa lên huỷ hoại… Hồi đó mới giải phóng, cả nước chưa có nhiều ô tô, nên quân đội cần ngựa, nội địa trồng trọt vận chuyển cần ngựa, đông bắc đốn gỗ vận chuyển gỗ cần ngựa, cả nước cần ngựa, vậy ngựa lấy ở đâu? Đương nhiên là từ thảo nguyên Mông Cổ. Để có ngựa tốt, mục trường Ơlôn theo lệnh trên, lấy tất cả những đồng cỏ tốt nhất nuôi ngựa. Người nội đia lên tuyển ngựa, thí nghiệm ngựa, mua ngựa, cũng tại mục trường này. Người qua ngựa lại, đồng cỏ biến thành trường đua ngựa. Mấy trăm năm trước có vương gia nào dám phí phạm cho ngựa ăn cỏ ở những đồng cỏ như thế này. Mấy năm sau đàn ngựa quả có đông hơn, nhưng đồng cỏ đã biến thành sa mạc. Giờ đây nó có cái tốt là ít muỗi, khi xảy ra nạn muỗi, đưa ngựa lên đây để tránh. Nhưng Ulichi đã có lệnh, chừng nào chết đến nơi mới được phép sử dụng bãi cát- cỏ này. Ông ta muốn thấy phải bao nhiêu năm mới hồi phục đồng cỏ ngày xưa. Năm nay hạn lớn, đàn ngựa sống không nổi nữa, lão U miễn cưỡng đồng ý cho đàn ngựa vào ăn.
Ông già lắc đầu, nói: Người và máy kéo nhiều lên lại càng hỏng, chuẩn bị chiến tranh ngày càng khẩn trương, sắp tổ chức binh đoàn sản xuất thảo nguyên, rất đông người và máy kéo nay mai sẽ về Ơlôn.
Trương Kế Nguyên đâm hoảng, hào hứng xẹp quá nửa. Cậu không nghĩ cái tin binh đoàn xây dựng lại nhanh đến thế.
Ông già lại nói: Trước đây sợ nông dân, cái cuốc và lửa đồng. Giờ sợ nhất là máy ủi. Mấy hôm trước lão U bảo các mục dân liên danh viết thư cho Khu Tự trị, đề nghị không nên biến mục trường thành nông trường, chẳng biết có ăn thua gì không? Bao Thuận Quý những ngày này rất vui, ông ta bảo dải đất mênh mông thế mà để cho cỏ mọc chứ không trồng hoa màu thì quả thật lãng phí, sớm muộn phải đưa vào tích trữ lương thực rộng rộng khắp gì ấy…
Trương Kế Nguyên nhủ thầm, đến là khổ, thời đại máy ủi sẽ kết thúc mâu thuẫn sâu sắc giữa dân tộc sống nhờ cỏ và dân tộc dựa vào diệt cỏ để sống cuối cùng sẽ kết thúc, gió đông nam nông canh cuối cùng sẽ áp đảo gió tây bắc du mục (nhại câu “gió đông thổi bạt gió tấy”), nhưng cuối cùng thì bão táp cát vàng tây bắc tất phủ kín đông nam.
Bốn đàn ngựa tiến vào vùng cát Bâyincobi phương viên mấy chục dặm là cát ướt, đây đó mọc thưa thớt những cây lau, sậy cạn, tật lê, cây lông chông, rau sam, gai lạc đà, lô nhô rối rắm, cỏ dại lợi dụng mùa mưa cao vổng lên, lớn như thổi. Nơi đây hoàn toàn không còn gì là thảo nguyên, mà như một công trường dưới xuôi bỏ hoang đã lâu ngày. Ông Pilich nói: Thảo nguyên chỉ sống có một lần, cỏ ngon rễ chằng chịt ngăn cỏ dại, rễ chết, thảo nguyên trở thành địa bàn của cỏ dại và cát sỏi.
Đàn ngựa đi sâu vào trảng cát. Ngựa không ăn cỏ đêm không béo. Nơi đây không có mấy cỏ cho ngựa ăn, nhưng muỗi ít lạ lung, có thể cho ngựa nghỉ ngơi, ít mất máu do muỗi.
Bao Thuận Quý và Ulichi phóng ngựa tới. Ông Pilich nói với hai người: Chỉ còn mỗi cách này. Đêm để ngựa đói, đợi trời sáng khi sương giăng cho đàn ngựa ăn ở trảng cỏ, muỗi đến là ta dồn ngựa về nha à. Như vậy tuy ngựa không béo lên, nhưng đảm bảo không chết.
Bao Thuận Quý thở dài như cất được gánh nặng, nói: Phải nói là các vị có nhiều mưu mẹo. Thế là đàn ngựa sống rồi. Hai hôm rồi mình phát ốm vì sợ.
Ulichi vẫn nhíu mày, nói: Tôi chỉ sợ đàn sói đã đợi đàn ngựa ở đấy rồi. Người đã nghĩ tới chuyện ấy, sao sói không nghĩ tới?
Bao Thuận Quý nói: Tôi đã phát thêm đạn cho mã quan. Tôi đang buồn vì không gặp sói đây.
Trương Kế Nguyên đi theo ba ông già lên đỉnh dốc, quan sát tứ phía. Ông già Pilich tỏ vẻ e ngại, nói: Năm nay mưa nhiều, những cây cỏ lau chịu hạn này cao đủ cho sói nấp, rất khó đề phòng.
Bao Thuận Quý nói: nhất định phải bắt mã quan hò la nhiều, cử động nhiều, soi đèn pin nhiều.
Ông Pilich nói: Chỉ cần ổn định đàn ngựa không cho chạy lung tung là ngựa giống có thể đối phó được sói.
Hai cỗ xe ngựa nhẹ nhàng lướt tới. Tại trạm gác, các mã quan dựng hai túp lều, chôn nồi, đun trà, nấu mì thịt.
Trong đêm, trạm gác trên vùng cát mát mẻ, đàn muỗi do đàn ngựa đem đến đã bị các mã quan đập chết quá nửa. Không có muỗi bổ sung, đàn ngựa mỏi mệt được yên ổn. Trong bóng dêm, ngựa Mông Cổ giống như ngựa chiến trong thời chiến, hai tai chuyển động cảnh giác, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đàn ngựa như bộ đội dã chiến quân tinh nhuệ, gặp nạn liền tự động giảm bớt khẩu phần lương thực, không khảnh ăn, không ngán ăn, rau đắng mấy cũng ăn tuốt, ra sức nhét vào bụng rau cỏ nuôi sống người. Trương Kế Nguyên khi đi tuần đã phát hiện ra, một số ngựa giống hung hãn nhất và các mã quan bụng đã no căng.
Đêm đầu tiên muỗi ít sói không, người ngựa được nghỉ ngơi. Lúc sương xuống, muỗi ướt cánh không bay được, đúng giờ mã quan dồn ngựa đến trảng cỏ. Đàn ngựa thích ăn cỏ giàu dinh dưỡng như điên. Sáng ra mặt trời lên, muỗi hoạt động, đàn ngựa lui về trạm gác. Đêm hôm sau cũng thế. Đêm thứ ba, Bao Thuận Quý cho xe ngựa chở đến hai con cừu lớn. Buổi chiều, các mã quan đã được ngủ bù, vây quanh nồi thịt cừu nhắm rượu, mọi người ăn uống ca hát, hò la ầm ĩ, vừa thưởng thức rượu thịt, vừa hù doạ đàn sói. Hơn năm nay Trương Kế Nguyên tửu lượng tăng lên, rượu ngà ngà hát bài “tửu ca”, cậu nhận ra giọng mình cũng du dương như tiếng tru của sói.
Sáng sớm hôm thứ tư, ngựa lưu tính của mục trường đến thông báo hai cán bộ của binh đoàn sản xuất đã đến bãi chăn mới, cần gặp Ulichi và ông Pilich tìm hiểu tình hình. Hai người đành rời đôi, trước khi lên đường, ông Pilich dặn đi dặn lại các mã quan không được sơ suất.
Hai nhân vật đáng nể của thảo nguyên vừa dời đội, các mã quan liền nhớ đến người yêu của họ. Buổi tối, hai mã quan trẻ phóng ngựa đi gặp các cô nương gác đêm ngoài trời cùng họ “gác đêm”. Từ “gác đêm” ở Ơlôn có hai nội dung, nhất thiết không được vừa cười vừa nói “gác đêm” với các cô gái, nếu không chưa chừng cậu sẽ phải đợi suốt đêm.
Đàn ngựa đông đúc đã gặm trơ cả rễ tất cả các loại cỏ cứng cỏ đắng. Nhưng ngựa giống giám sát thành viên trong bộ tộc như cai ngục gác tù, kẻ nào đi về phía đồng cỏ vài bước, lập tức bị ngựa giống gọi trở lại, cả đàn bị phạt đứng trong lúc đói, còn ngựa giống vẫn đi tuần trong lúc bụng rỗng không.
Những con sói nấp sau đám cỏ dại xa xa cũng đã đói vàng mắt, nhất là khi ngửi thấy mùi thịt từ trong nồi bay ra, đàn sói càng chịu không nổi. Nhưng đàn sói đến vùng ít muỗi này cũng đã được di dưỡng đầy đủ về tinh thần, đang lặng lẽ đợi thời. Batu đoán có đến nửa số sói thảo nguyên Ơlôn đã mai phục xung quanh đàn ngựa, có điều chưa dám liều lĩnh rat ay. Đám mã quan đông đảo súng ống trang bị tận răng, ngựa giống hung hăng bảo về vòng ngoài. Vài con ngựa giống sức lực có thừa không biết dùng làm gì, liên tục giậm chân quát tháo đàn sói phía xa, chỉ tiếc nỗi không ngoạm lưng sói mà quăng lên trời, đợi rơi xuống liền dùng chân giẫm đạp cho hả giận. Nhưng nhược điểm lớn nhất của đàn ngựa chăn thả dã ngoại là không có chó đi theo. Xưa nay người thảo nguyên chưa hề huấn luyện những con chó giữ nhà trung thành luyến chủ thành vệ binh của đàn ngựa.
Sau bữa cơm chiều, Batu dẫn theo Trương Kế Nguyên đi dò tung tích đàn sói tại một nơi khá xa có loại cỏ thân cứng. Họ đi theo một tuyến rộng hơn, vẫn không phát hiện dấu vết mới của sói. Batu không yên tâm. Mấy hôm trước trinh sát tầm xa, anh thấy có mấy bóng sói lảng vảng, vậy mà khi người ngựa đã lơ là đôi chút lại không thấy bóng con nào. Anh biết, trước khi phát động tổng công kich, sói thường chủ động lùi xa mục tiêu để người và gia súc mất cảnh giác.
Trương Kế Nguyên cũng cảm thấy một thứ căng thẳng không thể cắt nghĩa trước sự im ắng này. Cả hai cùng nghĩ tới thời tiết, bèn ngẩng đầu nhìn trời: Góc tây bắc không còn sao, mây đen dày đặc đang ùn ùn kéo về trảng cát. Hai người vội quay ngựa chạy về lều bạt, Batu phát hiện ba nhóm mã quan mỗi nhóm thiếu một người, hỏi mã quan lớn tuổi, người thì bảo họ về mục trường lĩnh pin đèn, người lại bảo họ đi khám bệnh. Batu tức điên, quát: Tôi biết họ đi đâu rồi, đêm nay mà có chuyện, mấy cậu trốn việc đó dứt khoát sẽ giao cho mục trường nghiêm trị. Rồi trỏ các mã quan và bảo: Đêm nay không ai được ngủ, thay con ngựa tốt nhất trực suốt đêm, nhất định phải quây chặt đàn ngựa không cho đến trảng cỏ, dứt khoát đêm nay sói về!
Các mã quan vội thay pin mới, lắp đầy đạn, mặc áo mưa, phóng vội đến đàn ngựa chuẩn bị ứng chiến.
Gần nửa đêm, tiếng quát từ phía trảng cát vang lên, ánh đèn pin lấp loáng nhiều lên. Những mã quan dũng mãnh cùng những con ngựa giống quay chặt đàn ngựa, đám ngựa lớn hình như đánh hơi thấy mùi sói, len ra đứng vòng ngoài dùng xương thịt tạo nên mấy lớp tường vây, dành mảnh đất an toàn bên trong cho ngựa cái, ngựa con và ngựa choai. Ngựa choai bám ngựa mẹ không rời nửa bước. Trương Kế Nguyên hình như nghe thấy tiếng đập của hàng nghìn trái tim ngựa, hồi hộp không kém cậu lúc này.
Sang nửa đêm về sang, sau cơn cuồng phong, tiếng sấm dữ dội nổ tung bầu trời, phía dưới, đàn ngựa nhốn nháo như nổ kho thuốc súng. Trong khoảnh khắc đất trời rung chuyển, đàn ngựa sợ hãi hí vang, gần hai nghìn con ngựa bên trong náo loạn chỉ chực bỏ chạy. Tất cả những con ngựa giống đều đứng trên hai chân sau, mặt ngoảnh vào trong, dùng hai vó trước nện những con yếu bóng vía chực phá rào bỏ chạy. Các mã quan hò hét, vụt lia lịa giúp ngựa giống tử thủ phòng tuyến cuối cùng. Nhưng trên cao sấm rền vang, những tia chớp ngoằn ngoèo như dây thần kinh phóng thẳng xuống đất, ngựa như đập nước tròn khi động đất, vỡ tứ phía, loáng cái đã phá vỡ phòng tuyến ngựa giống và các mã quan, chạy như điên.
Tiếng sét át hết tiếng kêu ngựa hí và tiếng súng, ánh chớp xoá đi ánh đèn pin, trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, thấy rõ những con sói xám từ bốn phương tám hướng xông vào đàn ngựa. Các mã quan mặt tái nhợt. Trương Kế Nguyên hét to: Sói! Sói! lạc cả giọng. Cậu chưa bao giờ trông thấy một tập đoàn sói công kích dữ dội dưới sự trợ oai của sấm sét trên trời giáng xuống. Đàn sói như đạo thần binh thực hiện ý chỉ của trời, ra quân có mục đích thay trời hành đạo, trả thù cho thảo nguyên, tấn công dữ dội người ngựa, giết tên đầu sỏ phá hoại đồng cỏ: Ngựa Mông Cổ.
Đàn ngựa vừa sợ vỡ mật vì tiếng sấm, lại bị đàn sói hung dữ tấn công, tinh thần đồng đội nhanh chóng tan rã chỉ còn lại bản năng chạy trốn. Vỡ trận như núi lở, vỡ đàn còn hơn cả vỡ trận. Được sấm sét và bóng tối yểm hộ, đàn sói lao như tên vào giữa đàn ngựa. Đàn ngựa tan tác, sói dễ dàng tiêu diệt từng con.
Mục tiêu công kích số một của sói là ngựa choai. Chưa từng nghe thấy tiếng sét nổ, những con ngựa choai sợ đến tê liệt. Lũ sói cứ mỗi con một miếng, mỗi miếng một con, mau chóng cắn chết mười mấy con ngựa choai. Chỉ những con ngựa choai can đảm bám sát ngựa mẹ, hoặc nếu lạc mẹ, bám ngựa bố hung dữ mới thoát cuộc tàn sát.
Trương Kế Nguyên vội vã đi tìm “Nàng Bạch Tuyết” thân yêu của cậu. Cậu sợ trong đêm càng nổi bật càng nguy hiểm. Lại một ánh chớp, cậu trông thấy bốn con ngựa giống to lớn đang truy sát ba con sói bên cạnh con ngựa bạch, nào đập nào cắn, cực kỳ hung hãn. Ngựa bạch bám sát ngựa giống, thậm chí còn dám đá hậu mấy phát. Ngựa giống ra sức gọi ngựa cái. Trong đàn, trừ ngựa giống, chỉ ngựa cái là trầm tĩnh nhất, dũng cảm nhất trong việc bảo vệ ngựa con. Nghe tiếng gọi của chồng, ngựa cái vừa cắn vừa đá chạy về phía ngựa chồng. Ngựa giống hung hãn, ngựa cái dũng cảm đã nhanh chóng giữ vững trận thế trong lần hợp vây giữa sấm sét và sói, hơn nữa còn tập hợp được dòng tộc của mình.
Tuy vậy, quá nửa đàn ngựa tan vỡ. Từng con sói như những quả ngư lôi dấy lên những đợt sóng trên hồ. Đàn sói hiếu sát giờ đây không coi các mã quan là cái đinh. Đèn pin không bằng ánh chớp; thòng lọng ném trong đêm rất khó trúng; mã quan gào thét đến rách họng cũng bị tiếng sấm át đi, mất toàn bộ bản lĩnh giữ nhà. Sau nửa tiếng đồng hồ, ngay cả người liên lạc với nhau còn khó. Batu sốt ruột phát đi tín hiệu với các mã quan, hét to: Đừng để ý hướng đông nam, tập trung toàn bộ đuổi theo đàn ngựa phía tây bắc! Đề phòng ngựa vượt biên! Mọi người chợt tỉnh, rẽ sang hướng tây bắc đuổi theo đàn ngựa.
Sau chớp giật, những hạt mưa to tướng rơi lộp bộp, lúc này đàn ngựa đã chạy đến trảng cỏ, mưa nặng hạt khiến đàn muỗi không thể tham gia bữa tiệc máu. Tiếng sấm xa dần, ánh chớp khi ẩn khi hiện phía chân trời. Trận gió ào qua, Batu lại thấy sao trên trời. Batu hét to với đám mã quan: Chặn ngay đàn ngựa lại! Nhanh lên! Muỗi sắp xông ra bây giờ! Mã quan vội quất ngựa lao lên.
Vào trận đã thắng khiến đàn sói nổi máu tham. Đàn sói một khi chộp đúng thời cơ, chúng khai thác bằng hết, mở rộng chiến quả lên cực đại. Đàn sói không chỉ sát hại những con ngựa chạy chậm hoặc lạc mẹ, mà còn sát hai cả những con ngựa hai ba tuổi. Đàn sói lúc đầu tác chiến cá nhân, sau liên kết bộ ba, cắn đứt động mạch cảnh, máu chảy như xối hạ gục từng con khiến đàn ngựa hoảng sợ chạy tan tác.
Giữa lúc nguy cấp, bỗng có ba con ngựa chạy tới từ hướng đại đội, ánh đén loé lên, ba cậu mã quan đi ăn mảnh nửa đường thấy thời tiết thay đổi liền vội vã quay lại chặn được đàn ngựa không người khống chế. Đàn ngựa thấy có người và ánh đèn pin, chạy chậm lại. Batu và các mã quan chạy tới kẹp chặt hai bên, cuối cùng bắt đàn ngựa quay về.
Tiếng sấm rất xa, chớp không còn nữa. Tiếng quát và ánh đèn của mã quan bắt đầu phát huy tác dụng dẫn dắt, kêu gọi đàn ngựa phân tán trở về. Các ngựa giống vươn dài cổ gọi gia tộc. Đàn ngựa chạy như bay về hướng nam, dọc đường, những binh si thất trận nghe tiếng người và ánh đèn pin lục tục nhập đàn. Ba bốn chục con ngựa giống cao to lừng lững tự động đứng xếp hàng trước đòn tấn công đàn sói hung thần ác quỷ, mặt ngựa đầu trâu. Đàn sói lập tức rút lui về phía đông nam như một cơn gió. Những con ngựa yếu, bị thương từ các phía chạy về đàn như gặp được cứu tinh, có nhiều con ngựa giống dẫn bầu đoàn sứt mẻ trở về. Trong đàn vang lên tiếng hí gọi con trai con gái, nhận cha nhận mẹ. Đàn ngựa tổ chức lại đội hình theo từng gia tộc trong khi hành tiến.
Đàn sói rất có trật tự khi tạm thời rút lui. Chúng không vội ăn thịt những con mồi đã bị thương hoặc chết, mà tranh thủ lúc mã quan và ngựa giống chỉnh đốn đội ngũ, chia nhau truy sát tàn quân phía đông nam. Batu và vài mã quan đến trứoc đàn ngựa đếm ngựa giống, thấy thiều một phần ba chưa dắt đàn về. Batu vội phóng ra phía sau đàn ngựa lệnh cho bốn mã quan chia hai tổ nhẳm hướng đông nam mở rộng phạm vi thu dung, những mã quan còn lại cấp tốc dồn đàn ngựa cho chạy thật nhanh, Batu phân công Trương Kế Nguyên nhằm hướng đông nam đuổi theo đàn sói.
Đàn sói từ phái tây bắc xuống, với tốc độ cao đuổi kịp đàn sói phía đông nam đang say sưa tàn sát. Một số tộc ngựa choai bị giết không còn một con. Sau khi hội sư, đàn sói bắt đầu giết ngựa già yếu bệnh tật. Người la ngựa hí phía tây bắc ngày càng gần, vậy mà đàn sói vẫn rất bình tĩnh xé thịt ăn. Trương Kế Nguyên thấy một mình không đuổi được đàn sói, đành quay về giúp đội ngũ dồn cừu. Thời tiết thảo nguyên và sói thảo nguyên hình như đang đợi thời cơ càng có lợi cho chúng.
Giữa lúc các mã quan dồn đàn ngựa còn cách trạm gác chừng ba dặm, đàn muỗi trong đám cỏ ướt bay lên như làn khói đen của bộc phá, vây chặt đàn ngựa. Đàn muỗi độc nhất năm nay, hàng triệu cái vòi cắm vào mình ngựa. Đàn ngựa chưa kịp hoàn hồn sau khi bị sấm chớp và sói công kích, giờ náo loạn lên vì muỗi đốt.
Lúc này hình phạt tàn khốc nặng nề nhất rơi lên đầu ngựa giống- thần hộ về của đàn ngựa. Ngựa giống xác to lông mỏng, da thịt nhăn nheo, cái đuôi bết máu tròn như gậy, giá trị sử dụng bằng con số không. Muỗi độc tập trung công kích ngựa giống, hơn nữa chuyên đốt mi mắt, bụng dưới, dương vật và bìu dái, những chỗ chí mạng. Ngựa giống bị đốt đến phát điên, mất cả lý trí và lòng trọng. Đúng lúc ấy gió nhẹ không thổi dạt được muỗi, đàn ngựa nảy ý chạy ngược gió để đuổi muỗi. Bị muỗi đốt không mở được mắt, những con ngựa giống chồm lên, bỏ mặc vợ con, chạy như điên.
Phần lớn mã quan từ trảng cát đến không đội mũ chống muỗi. Đầu mặt cổ và tay muỗi bu đầy; mi sưng vù, mắt nheo lại như một sợi chỉ, mặt “béo” ra như đang sốt cao, môi sưng vều, rất đau khi chạm phải; ngón tay to ra, đến nỗi không cầm chắc cán thòng lọng. Ngựa đang cưỡi không nghe lời chủ, chốc chốc lại đá hậu, chốc chốc dừng lại không đi, cúi đầu cọ gối gãi ngữa, lúc chạy ngược gió như điên; lúc không cần biết trên lưng có người cưới, định lăn lộn dưới đất gãi ngứa giảm đau.
Người ngựa hầu như mất sức chiến đấu, hoàn toàn tê liệt trước chiến thuật của đàn muỗi. Đàn ngựa chạy bạt mạng cũng không tác dụng, những con tản mát từ các hướng khác lại chuyển hướng, chạy như điên về phía tây bắc.
Đàn muỗi đốt như điên, đàn ngựa chạy như điên, đàn sói giết như điên. Sấm sét, gió, muỗi, sói, các vấn nạn chụp lên đầu đàn ngựa thảo nguyên Ơlôn. Trương Kế Nguyên một lần nữa cảm nhận nỗi khổ của dân tộc thảo nguyên, có lẽ không một dân tộc nông canh nào sống trong hoàn cảnh khốc liệt đến như thế. Cậu bị muỗi đốt phát điên phát cuồng, rất muốn lộn trở lại trạm gác nơi trảng cát. Vậy mà các mã quan người nào cũng dũng mãnh như kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn, không một ai bỏ chạy, xung phong hãm trận dưới làn tên dày đặc. Xung phong! Xung phong! Nhưng đêm tối mà xung phong là điều cấm kỵ, nó như người mù cỡi ngựa thong manh, một khi ngựa vấp hang chuột sẽ bị thương, thậm chí ngã chết hoặc bị ngựa đè chết. Batu mặt đen nhẻm, vụt cho những con ngựa khác chạy, còn con ngựa đang cưỡi thì vụt vào đầu cho nó quên đau do muỗi chích. Trương Kế Nguyên bị lôi cuốn trước cuộc quyết đấu sinh tử của các vũ sĩ thảo nguyên, cũng mạnh dạn xông lên.
Batu vừa đuổi theo vừa hét: ép đàn ngựa sang hướng tây! Ở đó có trảng cát. Ép đi! Ép đi! Dứt khoát không cho ngựa chạy lên đường biên phòng! Các mã quan hưởng ứng, hét to: A!...A!...A!... đầy khí phách. Trương Kế Nguyên nghe thấy tiếng kêu thảm thiết, một mã quan ngựa vấp hang chuột ngã bay lên phía trước, không ai xuống ngựa trợ giúp, các mã quan tiếp tục xông lên, tốc độ không giảm.
Thế nhưng, ngựa chở người không thể chạy nhanh bằng ngựa không chở gì. Các mã quan không ép được đàn ngựa chạy sang hướng tây. Không còn hi vọng gì nữa, nhưng Batu và các mã quan vẫn đuổi vẫn hò hét.
Đột nhiên từ một nơi rất xa phía sau dốc núi, vài ánh đèn pin loé lên. Batu reo to: Đội cho người đón chúng ta rồi. Các mã quan reo ầm lên, dùng đèn pin trỏ vị trí đàn ngựa. Đoàn người ngựa từ sau núi dàn hàng ngang tiến lên hò hét ầm ĩ, ánh đèn quét ngang quét dọc, như chiếc cửa đập chặn đứng đường đi của đàn ngựa. Đàn ngựa một lần nữa lại bị khoanh và không thể rút lui, mọi người có ý dồn chặt chúng, thân kề thân, bụng kề bụng, muỗi bị chẹt chết từng mảng.
Như một tù trưởng bộ lạc, ông dẫn đội quân tiếp viện đến đúng lúc, đúng chỗ, vào giờ phút quan trọng nhất, địa điểm quan trọng nhất, còn đội quân thì tinh nhuệ như đàn sói dưới sự chỉ huy như đàn sói dưới sự chỉ huy của sói chúa, đột nhập đàn sói. Đàn sói thấy xuất hiện tiếng la và ánh đèn pin thì sợ quá, hơn nữa hình như chúng nhận ra tiếng ông già Pilich. Và thế là sói chúa dừng lại dẫn đàn sói trở lui. Lần này mục tiêu rõ rang: Chúng tranh thủ đến bãi Một, nơi tàn sát đàn ngựa đợt một, ăn thật no, rồi nhanh chóng chạy lên núi.
Ông Pilich, Bao Thuận Quý và Ulichi dẫn mười mấy dương quan ngưu quan và thanh niên trí thức cùng các mã quan tập hợp đàn ngựa, nhanh chóng đưa về trảng cát nhập đàn, và cử hai mục dân chăm nom cậu mã quan bị thương. Trần Trận chạy đến bên Trương Kế Nguyên hỏi thăm sự việc xảy ra, và nói cho cậu ta biết ông già Pilich và Ulichi đã tiên liệu việc này, cho nên trước trở trời, ông già đã tổ chức đội viện binh, Trương Kế Nguyên thở hắt ra, nói: Nguy hiểm quá, nếu không đàn ngựa đi đứt.
Về đến trạm gác trảng cát thì trời đã sáng, những con ngựa thất tán đã tìm thấy, nhưng đàn ngựa tổn thất nặng nề. Đếm kỹ, ngừa già yếu bệnh tật bị cắn chết bốn năm con, chớm hai tuổi tử vong mười hai mười ba con, ngựa choai bị cắn chết nhiều nhất, khoảng năm sáu mươi con, tổn thất tổng cộng bảy chục con ngựa. Lần gieo hoạ này, sấm chớp gió muỗi đều là sát thủ, nhưng kề dao vào cổ vẫn là sói.
Bao Thuận Quý cưỡi ngựa tuần tra trảng cỏ ngổn ngang xác ngựa, tức quá chửi toáng lên: Tôi đã bảo công việc lớn nhất của mục trường là diệt sói nhưng các vị không ủng hộ. Giờ đã thấy chưa, đây là sự trừng phạt đối với chúng ta. Từ nay ai còn nói hay cho sói, tôi cách chức người ấy, phải đưa người ấy vào lớp học cải tạo, bắt bồi thường thiệt hại!
Ông già Pilich tay nọ nắm lưng bàn tay của tay kia buồn bã nhìn trời, môi run run. Trần Trận và Trương Kế Nguyên có thể đoán ông già nói gì. Trần Trận nói nhỏ với Trương Kế Nguyên: Điều hành thảo nguyên khó quá, những người chủ trì thảo nguyên rồi sẽ trở thành vật hi sinh…
Trương Kế Nguyên vội tới gần Bao Thuận Quý nói: Đại hoạ sức người không chống nổi. Theo cháu, thiệt hại của ta hãy còn ít, những công xã chăn nuôi vùng biên thiệt hại lớn lắm. Lần này vẫn bảo tồn được ngựa giống, ngựa lớn, ngựa mẹ và quá nửa ngựa con. Tất cả mã quan đều tận tâm với công việc, không ai bỏ chạy, điều này không dễ? May mà có sự điều tiết của bố Pilich và Ulichi, nếu cách đây năm hôm không chuyển tới trảng cát này thì đàn ngựa đi đứt.
Lanmutrăc nói: Nếu không có ông Pilich ông Ulichi thì đàn ngựa đã vượt biên, đợi vấn nạn qua đi, ngựa không còn được mấy con, mã quan thì ngồi tù, ông muốn làm Chủ nhiệm cũng không xong.
Batu nói: Hàng năm ngựa choai tổn thất quả nửa, ta chưa đến mức ấy. Từ nay ta phải chú ý hơn, cẩn thận hơn. Tính cả năm, tổn thất của ta chỉ bằng những năm bình thường.
Bao Thuận Quý gầm lên: Anh nói gì thì nói, những con ngựa này là do sói cắn chết. Muỗi ghê gớm đến mấy cũng không cắn chết nổi một con ngựa. Nếu như diệt sói sớm hơn, đại hoạ này đâu xảy ra? Thủ trưởng binh đoàn mấy hôm nay ở mục trường bộ, thấy ngựa chết nhiều thế này, ông ấy không cách chức tôi thì chớ kể. Lũ sói đáng ghét! Từ nay về sau phải nắm chắc khâu diệt sói, không tiêu diệt sạch đàn sói thì dân không thể sống yên. Binh đoàn thực sự sắp kéo về mục trường, các vị không diệt sói, tôi mời binh đoàn diệt giúp. Binh đoàn có rất nhiều xe tải, com măng ca, súng đạn…
Mục dân sắc mặt u ám, chia nhau xử lý bãi xác ngựa, cùng dương quan chất lên xe chở về đại đội chia cho các gia đình. Những con bị sói xé nát đành phải bỏ lại trên trảng cát. Sói thảo nguyên trong đại hoạ muỗi vẫn kiếm ăn được. Chỗ thịt ngựa là thịt cứu mạng của đàn sói trong mùa hè đói khát này.
Những con ngựa choai sống sót run rẩy khi nhìn thấy những xác chết. Bài học xương máu cho chúng. Lần sau gặp thiên tai phải cảnh giác hơn, dũng cảm hơn, bình tĩnh hơn. Nhưng Trần Trận giật mình tự hỏi: Lần sau, còn có lần sau không?