Tôtem Sói

Chương 17

Họ giống con sói - Tôtem của người Hung No (Tôtem - nguyên chú)

....

Chúng ta biết Đột Quyết tổ tiên người Mông Cổ cổ đại trong truyền thuyết là một con sói.  Theo "Mông Cổ bí sử", tổ thần của người Mông Cổ là con sói xanh.  Theo "Ucuxu sử ký", tổ thần của người Đột Quyết là con sói xám: "một sói đực to lớn xuất hiện trong ánh sáng chói lòa."

(Pháp) Pierre Renouvin "Đế quốc thảo nguyên"

Phán quyết của cơ quan cấp trên về vụ sự cố đàn ngựa chiến đã về tới mục trường Baolico vùng Ơlon.  Phán quyết, tuyên bố Ulichi, người phụ trách sản xuất của mục trường đã có sai phạm lớn, cách chức ủy viên ban lãnh đạo Ba Kết Hơp của mục trường, đưa xuống cơ sở rèn luyện lao động.  Hai mã quan Batu và Saxuleng đều có sai phạm lớn, cách chức đội trưởng dân quân của Batu.  Văn bản bổ nhiệm cũng đã về tới mục trường: Bao Thuận Quý đã làm xong thủ tục chuyển ngành, giữ vai trò chủ chốt trong ban lãnh đạo mục trường, phụ trách toàn diện cách mạng và sản xuất.

Ulichi rời mục trường bộ, Bao Thuận Quý và Trương Kế Nguyên đi cùng ông về đại đội chăn nuôi.  Hành lý của Ulichi là cái bạc đà nhỏ xíu, nhỏ hơn bạc cả đà của thợ săn.  Trước cách mạng văn hóa, Ulichi thích đặt văn phòng tại đội hoặc tổ chăn nuôi.  Ở đó, ông có áo dài và ủng gửi các bà giữ hộ, vá víu khi bị rách.  Nhiều năm nay, lên hay xuống thì ông vẫ ở cơ sở; có chức vụ hay không thì ông vẫn làm hết sức mình, uy tín và ảnh hưởng của ông vẫn thế.  Nhưng lần này thì tốc độ của ông giảm một nửa: Con ngựa bạch già ông cưỡi đã cuối xuân mà còn sợ lạnh, trên mình lông chưa rụng hết, chẳng khác một ông lão khoác áo đụp trong mùa hè.

Trương Kế Nguyên muốn đổi ngựa cho Ulichi, nhưng ông không chịu, ông giục cậu đi nhanh, khỏi cần mất thì giờ đi cùng ông.  Trương Kế Nguyên lên đại đội lĩnh pin cho mã quan, vừa ra về thì bắt gặp tân và cựu lãnh đạo, liền tháp tùng hai ông đi đường.  Khi biết tin ông Ulichi về ở cùng gia đình ông Pilich, cậu có phần yên tâm.

Bao Thuận Quý cưỡi con ngựa vốn là ngựa chuyên dùng trước đó của Ulichi, lông màu vàng, cao to khoẻ mạnh, lớp lông mới mượt như nhung, Bao Thuận Quý luôn phải gò cương cho chạy chậm lại mới sóng đôi với con ngựa của Ulichi.  Nó không ngừng nhai hàm thiếc chưa quen cách cưỡi của chủ mới, đôi lúc cố ý đi chậm, dùng mõm cà vào đầu gối ông chủ cũ Ulichi và khe khẽ cất tiếng hí buồn bã.

Bao Thuận Quý nói: Ông U, tôi đã cố hết sức giữ ông lại mà không được.  Tôi không hiểu về chăn nuôi, từ nhỏ đến lớn sống ở nông thôn.  Trên giao cho tôi cái mục trường lớn như thế này, tôi không biết xoay sở thế nào.

Ulichi luôn dùng gót ủng thúc ngựa, trán ông đã lấm tấm mồ hôi.  Cưỡi ngựa già mệt cả người lẫn ngựa.  Trương Kế Nguyên giúp ông vụt con ngựa già một roi.  Ulichi xoa đầu an ủi ngựa vàng, nói với Bao Thuận Quý: xử lý như vậy là có chiếu cố rồi, chỉ quy sự cố sản xuất, không quy động cơ chính trị.  Sự cố đàn ngựa có ảnh hưởng quá lớn, không cách chức tôi thì nói với trên thế nào!

Bao Thuận Quý nét mặt thành khẩn, nói: Ông U này, tôi về đây đã sắp được một năm, thấy lãnh đạo chăn nuôi khó hơn lãnh đạo nông nghiệp.  Nếu để xảy một hai sự cố, chắc cái chức chủ nhiệm của tôi cũng không còn.  Một số người cứ muốn đưa ông về đội xây dựng cơ bản, nhưng tôi kiên trì đề nghị đưa ông về đội Hai.  Tôi thấy ông rành nghề chăn nuôi, ở cùng ông Pilich tôi yên tâm, có chuyện gì cũng dễ gặp hỏi ý kiến ông.

Ông Ulichi tươi tỉnh ra một chút, hỏi: Chuyện đội Hai chuyển đến bãi chăn mới, ủy ban cách mạng đã quyết chưa?

Quyết rồi - Bao Thuận Quý nói - ban lãnh đạo quyết định tôi phụ trách chung, ông Pilich phụ trách cụ thể.  Khi nào chuyển, lều trại bố trí như thế nào, bãi chăn phân phối ra sao, đều do ông Pilich quyết.  Ý kiến phản đối cũng nhiều, đường xa, sói nhiều, muỗi nhieuef, trang thiết bị chẳng có gì, lỡ xảy ra chuyện, tôi chịu trách nhiệm chính.  Vì vậy tôi quyết định đi cùng các ông về đấy xem sao, và đem theo đội xây dựng cơ bản xây bể ngâm thuốc để chữa bệnh, kho chứa lông cừu, trụ sở đôi lâm thời và trạn thú ý, lại còn mấy đoạn đường cần sửa chữa...

Ulichi à lên một tiếng, thẳn người suy nghĩ chuyện gì đó.

Bao Thuận Quý nói: Chuyện này là công của ông.  Ông có tầm nhìn xa.  Cả nước thiếu thịt.  Năm nay trên lại giao thêm chỉ tiêu, bốn đại đội đều kêu thiếu bãi chăn, nếu không mở thêm bãi chăn mới, năm nay chắc không hoàn thành nhiệm vụ.

Ulichi nói: Cừu còn non, phải ít ngày nữa mới chuyển trại được.  Ông định làm gì trong những ngày này?

Bao Thuận Quý nói dứt khoát: Điều động thợ săn, tổ chức đội săn sói, tập trung huấn luyện xạ kích.  Tôi đã xin được rất nhiều đạn, dứt khót phải thanh toán nạn sói ở Ơlon.  Mới đây tôi được xem bản thống kê thiệt hại của mục trường trong 10 năm, quá nửa là do sói gây ra, hơn cả bão tuyết, hạn hán và dịch bệnh.  Muốn tăng số đầu gia súc, phải nắm hai việc, một là diệt sói; hai là khai thác bãi chăn mới.  Bãi chăn mới có nhiều sói, nếu không diệt được sói thì mở bãi chăn cũng không ích gì.

Ulichi ngắt lời ông ta: Không xong đâu ông ơi.  Sói gây thiệt hại, nhưng nếu diệt sói, mục trường không chỉ thiệt hại, mà là tai hoạ, sau đó bù đắp gì cũng không lại.

Bao Thuận Quý ngẩng nhìn trời, nói: Từ lâu tôi đã nghe nói ông và ông Pilich ra sức bảo vệ sói.  Hôm nay ông nói hết ra, đừng lấn cấn nữa...

Ông Ulichi dắng một tiếng, nói: Tôi lấn cấn là vì bãi chăn.  Ông cha để lại những bãi chăn tốt như thế, đừng phá đi.  Chuyện sói, tôi nói đã mười mấy năm nay, vẫn cứ phải nói nữa.  Tôi tiếp quản mục trường trên chục năm, số đầu gia súc chỉ tăng gấp đôi, nhưng số bò cừu nộp lên trên gấp hơn ba lần so với các mục trường khác.  Kinh nghiệm quan trọng nhất là bảo vệ bãi chăn.  Điều cốt yếu là khống chế được đầu gia súc, không quá tải nhất là số đầu ngựa.  Bò và cừu nhai lại, đêm không ăn cỏ.  Nhưng ngựa thì ruột thẳng, rất tốn cỏ, không ăn đêm, ngựa không béo.  Ngựa ăn suốt ngày, cả ban ngày lẫn ban đêm.  Một con cừu một năm cần hai mươi mẫu cỏ (1,3 hecta), một ngựa chí ít xài 200 mẫu, vó ngựa hủy hoại cỏ tệ hại.  Một đàn ngựa trú mươi mười lăm ngày ở một chỗ, chỗ ấy thành bãi cát.  Mùa hè mưa nhiều, cỏ mọc nhanh, trừ mùa hè ra, mỗi điểm chăn nuôi phải di chuyển mỗi tháng một lần, phải chịu khó chuyển chỗ, không được bám dính một nơi mà gặm.  Đàn bò cũng hủy hoại bãi chăn.  Chúng có cái tật là khi trở về không đi lẻ tẻ, mà xếp hàng rồng rắn đi về.  Thân nặng, móng cứng, chỉ vài ngày là chúng đi thành từng vệt, nếu không thường xuyên chuyển nhà thì xung quanh lều một hai dậm đầy rãnh lớn rãnh nhỏ.  Thêm vào đó ngày nào cừu cũng giẫm lên, chỉ trong một tháng, một hai dặm vuông quanh lều, không còn cỏ mọc.  Du mục là để cho bãi chăn dễ thở, thật ra bãi chăn rất sợ xéo nát, rất sợ quá tải, quá tải alf sói đến phá phách.

Thấy Bao Thuận Quý chú ý nghe, ông Ulichi nói tiếp: Còn nữa, kinh nghiệm xương máu là không được tận diệt sói.  Có nhiều kẻ hủy hoại cỏ trên thảo nguyên: Dữ dằn nhất là chuột, thỏ đồng, rái cá cạn và dê vàng.  Bốn loài hoang dã này phá hoại đồng cỏ tai hại nhất.  Nếu không có sói thì riêng chuột và thỏ đồng cũng đủ khả năng đào bới toàn bộ diện tích thảo nguyên.  Chỉ sói là thiên địch trị nổi chúng.  Có sói nên chúng không làm nổi chuyện tày trời nói trên.  Bãi chăn được bảo vệ, khả năng chống thiên tai của mục trường được tăng cường.  Thí dụ như chống rét.  Mục trường ta bị tuyết lớn nhiều hơn, các mục trường khác chỉ một trận, gia súc đã thiệt hại quá nửa, nhưng mục trường ta không thiệt hại nhiều.  Vì sao?  Vì cỏ nơi ta mọc khoẻ, sang thu là ta đã tích đủ cỏ khô.  Mấy năm gần đây ta còn có máy cắt cỏ do gia súc kéo, chưa đầy một tháng đã trữ đủ cỏ khô cho mùa đông.  Cỏ mọc khoẻ thường thân cao, nói chung tuyết không phủ kín; bãi chăn tốt thì nước không thất thoát, suối khe không cạn, gặp hạn lớn vẫn có nước uống.  Cỏ ngon bò cừu mới béo.  Những năm gần đây mục trường chúng ta không có dịch bệnh, sản xuất phát triển nên có điều kiện sắm sanh thiết bị, đào giếng đào ao, tăng cường sức chống hạn.

Bao Thuận Quý gật đầu lia lịa, nói: Có lý đấy!  Tôi nhớ rồi, bảo vệ bãi chăn là căn bản của chăn nuôi.  Tôi sẽ thường xuyên cùng cán bộ xuống các đội bắt họ phải định kỳ di chuyển, bắt mã quan theo đàn ngựa 24/24 liên tục di chuyển, không ở lì một chỗ.  Tôi sẽ kiểm tra bãi chăn hàng tháng, đội nào để gia súc gặm quá mức, tôi sẽ trừ công điểm.  Bãi chăn nào bảo vệ tốt, tôi sẽ thưởng hậu, bầu danh hiệu lao động tiên tiến.  Còn như dựa vào sói để bảo vệ bãi chăn thì tôi chưa rõ lắm.  Sói có vai trò lớn như vậy sao?

Ông Ulichi thấy Bao Thuận Quý có vẻ chịu nghe, liền mỉm cười, nói tiếp: Ông không biết đấy thôi, một năm một con chuột ăn nhiều cỏ hơn một con cừu.  Sang thu, con chuột khuân cỏ vào hang dự trữ thức ăn cho mùa đông thường là dài hơn nửa năm.  Tôi đào hang chuột thấy nhiều bó cỏ lớn, đều là cỏ ngon và hạt cỏ.  Chuột đẻ khoẻ, mỗi năm đẻ bốn năm lứa, mỗi lứa mười mấy con, một năm một lứa thành mười lứa, ông thử tính coi, một lứa chuột cộng với lứa mẹ đẻ lứa con, một năm ăn hết bao nhiêu cỏ của cừu?  Thỏ đồng cũng vậy, một năm đẻ mấy lứa, mỗi lứa một đống con.  Hang rái cá ông cũng thấy rồi đấy.  Rái cá cạn có thể đào rỗng núi.  Tôi đã tính thử, bốn con này ăn trong một năm nhiều gấp mấy lần 10 vạn gia súc ăn trong cùng kỳ.  Mục trường ta lớn, diện tích tương đương một huyện trong nội địa, nhưng dân số chưa đến một nghìn người, nếu không có số thanh niên trí thức thì còn ít hơn.  Một nhúm người làm sao diệt nổi mấy triệu con chuột, thỏ đồng, rái cá cạn và dê vàng?

Bao Thuận Quý nói: Nhưng mấy năm nay tôi chỉ thấy lác đác vài con chuột.  Ngoại trừ chuột ở gần trụ sở mục trường hơi nhiều, những nơi khác tôi ít thấy chuột.  Rái cá thì thấy nhiều.  Riêng dê vàng thì quá đông, đàn lớn trên vạn con tôi thấy mấy bận, còn bắn chết bốn năm con nữa kia.  Dê vàng quả là đại họa, thấy chúng ăn cỏ mà xót ruột!

Ông Ulichi nói: Cỏ Ơlon mọc cao và rậm, che khuất bọn chúng, không quan sát kỹ không thấy.  Sang thu ông sẽ thấy những đống cỏ bé tí khắp nơi.  Đó là cỏ của chuột, phơi khô kéo vào hang.  Dê vàng chưa phải nguy hiểm nhất, chúng chỉ ăn cỏ, không đào hang đùn cát lên.  Nhưng chuột, thỏ đồng, thì vừa ăn cỏ vừa đào hang và lại đặc biệt mắn đẻ, nếu không có sói thì chỉ trong vài năm chúng ăn sạch cỏ, khoét rỗng núi trên thảo nguyên Ơlon, biến tất cả thành sa mạc.  Nếu ông cứ nhất định diệt sói thì chỉ vài năm thôi, chức chủ nhiệm của ông sẽ đi đứt.

Bao Thuận Quý cười hề hề: Tôi chỉ thấy méo bắt chuột, chim ưng bắt chuột, rắn nuốt chuột, chưa hề nghe nói sói bắt chuột.  Ngay chó bắt chuột nhắt cũng chỉ là chuyện đùa.  Sói mà làm những chuyện vặt như vậy sao?  Sói bắt cừu bắt ngựa để ăn, một tí thịt chuột chả bỏ dính răng!  Tôi không tin là sói ăn thịt chuột!

Ông Ulichi thở dài: Dân nông nghiệp các ông không hiểu được chuyện này.  Không điều tra nghiên cứu, các ông sẽ hỏng việc lớn.  Tôi lớn lên trên thảo nguyên, tôi hiểu sói.  Sói thích ăn thịt bò, cừu, ngựa, dê vàng, nhưng những con này đều có người trông coi, ăn được đâu có dễ, không khéo lại mất mạng ấy chứ.  Dê vàng chạy nhanh cũng khó bắt lắm, xem ra bắt chuột là hay hơn cả.  Xưa kia người nghèo ở Ơlon những năm mất mùa đều phải ăn thịt chuột mà sống qua ngày.  Tôi hồi nhỏ là nô lệ, lúc đói quá tôi bắt chuột ăn.  Chuột thảo nguyên, nhỏ thì một chẹt tay, nặng hai ba lạng, lớn dài gần thước, nặng hơn một cân, ăn ba bốn con là no.  Nhiều nữa ăn không hết thì lột da làm khô thịt, cũng rất ngon, để dành được.  Nếu ông không tin, đợi lúc rảnh rỗi, tôi đi bắt mấy con đem nướng để ông thưởng thức, thịt nó nhỏ thớ và mềm.  Xưa kia Tô Vũ, và Thành Cát Tư Hãn đều đã từng ăn thịt chuột.

Bao Thuận Quý tỏ vẻ lúng túng.  Ulichi không nhìn ông ta, cứ nói tiếp: Một bận, có vị lãnh đạo người Quảng Đông xuống thịt sát trạm biên phòng.  Hôm ấy tôi cũng có mặt để bàn về công tác liên phòng.  Ông ta hỏi tôi chuột thảo nguyên có ăn được không?  Tôi nói ăn rất ngon.  Ông bảo, trưa nay các đồng chí đừng làm món khác, chiêu đãi tôi một bữa thịt chuột.  Tôi cùng một dân quân ra đồng tìm mấy hang chuột, đem theo một thùng nước đổ vào hang.  Một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã bắt được hơn chục con chuột to.  Lột da xong, thịt trắng hếu, vị lãnh đạo khen được.  Trưa hôm ấy ba người chúng tôi ăn một bữa thịt chuột nướng no căng bụng.  Cán bộ chiến sĩ cứ ngẩn ra mà nhìn.  Thịt thơm nhưng họ không dám ăn.  Vị lãnh đạo nói: Thảo nguyên sạch, cỏ càng sạch, chuột ăn cỏ non và hạt cỏ lại càng sạch.  Ông còn bảo, chưa bao giờ ông ăn một bữa thịt chuột thơm và ngon đến thế, ngon hơn thịt chuột Quảng Đông.  Thịt này mà đưa về Quảng Đông cứ gọi là tranh nhau mà mua.  Chỉ tiếc Quảng Đông xa quá, tàu hỏa không cho chuyên chở chuột sống.  Nếu không, hàng năm Nội Mông cung cấp chuột sống cho Quảng Đông, thảo nguyên vừa diệt chuột vừa được một khoản tiền lớn, còn giúp Quảng Đông thêm một món ăn cao cấp...

Bao Thuận Quý bật cười: Hay lắm, mục trường chúng ta cung cấp thịt chuột cao cấp cho Quảng Đông, rất có thể kim ngạch lớn hơn cung cấp len, thịt bò cừu.  Vậy, chuột khó bắt không?

Ông Ulichi nói: Rất dễ bắt, đổ nước, dùng thòng lọng, đào bằng xẻng, đơn giản nhất là huấn luyện mấy con chó săn chuột.  Chó thảo nguyên thích bắt chuột đem về cho con chơi, chó mẹ dạy con săn mồi, trước tiên dạy bắt chuột.  Chó thảo nguyên ăn thịt bò thịt cừu, không ăn thịt chuột.  Nhưng sói thì không kén chọn như chó về mặt ăn uống.  Chuột thảo nguyên vừa béo vừa to lại dễ bắt, nên trong ba vụ xuân hè thu, chuột là thức ăn chính của sói.  Có năm chúng tôi kiểm soát rất chặt, ý thức trách nhiệm của mục dân cũng cao, nên sói không còn dịp nào bắt ngựa cừu non của chúng tôi.  Sau đó chúng tôi chộp được mấy con sói thấy con nào cũng béo khoẻ thì rất băn khoăn, mổ bụng một con toàn là chuột, thịt nát hết, đầu và đuôi thì chưa.  Tôi đếm được tất cả 20 con chuột, 20 cái đầu, 20 cái đuôi và một cái đầu rái cá cạn.  Ông bảo, một năm một con sói ăn bao nhiêu con chuột?  Mỗi lần lạnh đạo Kỳ về, tôi đều trao đổi vấn đề này, giới thiệu sói là dũng sĩ diệt chuột trên thảo nguyên, nhưng các vị ấy không tin, thay đổi nhận thức của người làm ruộng về sói quả là khó.

Trương Kế Nguyên càng nghe càng hào hứng, không nhịn được nói chen vào: Hai năm là mã quan, cháu nhiều lần thấy sói bắt chuột, đuổi chuột tung lên từng đám bụi.  Sói bắt chuột giỏi hơn chó.  Bắt chuột sói nhằm chỗ nào nhiều chuột nhất mà chạy xiên ngang xiên dọc, gặp chuột liền vả ngã quay lơ khiến con chuột không thể chui vào hang rồi sói quay lại đớp từng con một, nuốt tởm.  Chạy vài lượt là bụng lưng lửng.  Hai là đào hang.  Sói là cao thủ đào hang trên thảo nguyên.  Trông thấy chuột chui vào hang, sói hè nhau con đào hang, con bịt các cửa, chỉ một lát đã lôi ra ổ chuột lên ăn thịt.

Ông Ulichi nói: Sói mẹ và sói con rất thích ăn thịt chuột.  Trước khi cai sữa, sói mẹ dạy sói con bắt chuột mồi sống, cũng bắt đầu từ chuột. Sói mẹ khi còn nuôi con, nói chung không theo sói lớn đi săn.  Sói con lớn chừng một thước, vừa biết chạy rất sợ người.  Phát hiện sói mẹ dẫn đàn con đi ăn, thợ săn chỉ cần bắn chết sói mẹ là sói con không biết đằng nào mà chạy, có thể tóm từng con như bắt cừu non.  Vì vậy khi sói con còn nhỏ, sói mẹ thường dẫn đến nơi rất xa người và gia súc để sói con được an toàn, có điều không được ăn thịt, sói con sống như thế nào? Ngoại trừ sói bố đem về một ít thịt gia súc lớn, sói mẹ sói con chủ yếu sống bằng thịt chuột và rái cá cạn.

Ulichi ngoảnh nhìn Bao Thuận Quý, thấy ông ta không tỏ vẻ sốt ruột, liền nói tiếp: Thời gian này, sói mẹ dẫn con đến nơi an toàn không người, bắt chuột ăn, một là dạy con tập săn mồi, hai là cho con ăn no.  Sói con lớn chừng hai thước vẫn chưa thể đi xa vài chục dặm theo sói lớn săn mồi, mà vẫn phải ăn chuột.  Tôi từng trông thấy một đàn sói con săn chuột, sói con vừa đuổi theo vừa chơi, bụi bay mù trời, còn hấp dẫn hơn mèo đuổi chuột, khắp nơi nghe thấy chuột kêu khụt khịt.  Vào hè là lúc thỏ con biết chạy nhưng không chạy nhanh bằng sói, nên sói lại là cao thủ bắt thỏ.  Đàn sói bảy tám con, hơn chục con, cần ăn bao nhiêu chuột và thỏ mới thành sói lớn?

Còn nữa - Ông Ulichi nhấn mạn - không có sói, người và gia súc trên thảo nguyên sẽ rắc rối khi gặp đại họa.  Hoạ trắng (đại hàn) trăm năm, vài trăm năm mới gặp một lần, gia súc chết hàng loạt, sau khi tuyết tan, thảo nguyên chỗ nào cũng có xác gia súc, mùi thối xông lên nồng nặc, nếu không chôn lấp kịp thời, rất dễ xảy ra dịch bệnh, một nửa số người và gia súc khó sống sót.  Nếu như đàn sói đông, chúng sẽ xử lý gọn những xác chết, dịch bệnh không xảy ra.  Vì vậy từ lâu Ơlon không có dịch.  Thời xưa, thảo nguyên chiến tranh liên miên, sau mỗi trận đánh lớn, hàng ngàn hàng vạn xác người ngựa do ai xử lý?  Phải nhờ sói.  Người già bảo, thảo nguyên không sói thì người Mông Cổ chết vì dịch bệnh từ lâu.  Thảo nguyên Ơlon cỏ mượt nước trong là nhờ sói.  Không có sói, thảo nguyên Ơlon không thể phát triển chăn nuôi như ngày nay.  Một số công xã phía nam diệt hết sói, đồng cỏ cũng đi tong, chăn nuôi không thể khởi sắc...

Bao Thuận Quý trầm ngâm.  Ba con ngựa lên đỉnh dốc, trảng cỏ dưới chân dốc xanh mượt, hương cỏ hương hoa và cả mùi cỏ mục theo gió bay tới.  Con bách linh như đứng im giữa trời, bỗng rơi thẳng đứng xuống trảng cỏ, rất nhiều con bách linh khác lại từ trảng cỏ bay lên tận trời xanh, xoè cánh dừng lại giữa trời đối đáp véo von.

Ulichi hít một hơi dài, nói: Xem kìa, trảng cỏ đẹp quá, y hệt nghìn năm về trước.  Đây là trảng cỏ thiên nhiên đẹp nhất Trung Quốc.  Cuộc chiến bảo vệ đồng cỏ giữa người và sói hàng nghìn năm, mới để lại cho chúng ta trảng cỏ nguyên sơ như thế này, nó không được biến mất trong tay chúng ta.

Trương Kế Nguyên nói: Bác nên mở lớp cho số thanh niên trí thức, dạy cho họ thảo nguyên học và sói học.

Ông Ulichi buồn rầu, nói: Tôi là cán bộ về vườn, tư cách đâu mà mở lớp!  Các cậu hãy học dân du mục, họ hiểu biết hơn tôi nhiều.

Lại qua một con đèo nữa, cuối cùng Bao Thuận Quý mở miệng: Lão U này, không thể phủ nhận tình cảm của ông đối với thảo nguyên, càng không thể phủ nhận thành tích mười mấy năm nay của ông.  Nhưng tư tưởng ông đã lỗi thời, ông kể toàn chuyện cũ.  Thời buổi bây giờ khác rồi, thời Trung Quốc có bom nguyên tử mà còn dừng lại ở những vấn đề của thời đại nguyên thủy là rách việc rồi.  Tôi cũng suy nghĩ nhiều khi về mục trường này.  Mục trường chúng ta rộng hơn một huyện nội địa, nhưng dân số thì chưa đầy một nghìn, chưa đông bằng một thôn.  Lãng phí quá!  Muốn làm ra của cải cho đảng và nhà nước, dứt khoát phải kết thúc cuộc sống du mục nguyên thủy lạc hậu này.  Cách đây ít hôm tôi có làm một cuộc điều tra, phía nam mục trường ta có một số khoảnh đất đen, khoảnh vài nghìn mẫu, khoảnh trên vạn mẫu.  Tôi dùng xẻng đào thử, đất ở đó rất dày, chừng hai thước.  Đất thế mà để chăn nuôi thì phí quá.  Khi lên Minh (huyện) họp, tôi có tranh thủ ý kiến của một chuyên gia về nông nghiệp, ông ta bảo đất ấy hoàn toàn có thể trồng lúa mạch, chỉ cần diện tích không rộng, khai khẩn quy mô chỉ vài trăm mẫu, vài nghìn mẫu thì không bị sa mạc hóa.

Bao Thuận Quý thấy Ulichi không nói gì, lại nói tiếp: Tôi đã điều tra nguồn nước.  Nước ở đó không có vấn đề, đào một con mương nhỏ là có nước tưới ruộng.  Mục trường ta có bao nhiêu là phân bò phân cừu, đều là phân cao cấp.  Tôi dám nói rằng, nếu ta trông tiểu mạch ở đó, ngay năm đầu tiên sản lượng sẽ trên trung bình.  Không quá vài năm, giá trị sản phẩm nông nghiệp của mục trường ta sẽ vượt giá trị chăn nuôi.  Khi ấy, không những có thể tự túc lương thực và thức ăn gia súc, mà còn có thể chi viện cho đất nước.  Hiện nay lương thực trong nước căng thẳng, quê tôi nhà nào cũng thiếu ăn ba tháng.  Về mục trường, tôi thấy đất đen bỏ hoang, một năm gia súc chỉ ăn ở đấy có hơn một tháng cỏ thì tôi xót ruột lắm.  Thoạt tiên tôi định vỡ mấy mảnh để thí nghiệm, thành công thì làm tới.  Nghe nói mấy công xã phía nam thiếu bãi chăn, không duy trì được chăn nuôi, họ quyết định tách ra một phần đất làm nông nghiệp.  Tôi nghĩ, đó mới là lối thoát của thảo nguyên Mông Cổ.

Ông Ulichi biến sắc mặt, thở dài: Tôi đã biết từ lâu sẽ có ngày như thế.  Người quê ông không quan tâm sức tải của đồng cỏ, ra sức tăng số đầu gia súc, giết sói vô tội vạ, đến nỗi bãi chăn cỏ không mọc, biến thành ruộng lúa.  Tôi biết, mấy chục năm trước quê ông là vùng chăn nuôi, chuyển thành vùng nông nghiệp mới chỉ mười mấy năm nay, nhưng nhà nào cũng thiếu ăn.  Đây đã là vùng biên, tôi hỏi ông, mở theo hướng nào để biến cái mục trường đẹp đẽ này thành vùng nông nghiệp như quê ông?  Diện tích bị sa mạc hoá ở Tân Cương lớn hơn một tỉnh dưới xuôi, Gôbi hoàn toàn không một bóng người, ông bảo có lãng phí đất không?

Bao Thuận Quý nói: Điều này xin ông yên tâm.  Tôi sẽ rút kinh nghiệm quê tôi, phân biệt rạch ròi chỗ nào nên chỗ nào không nên khai khẩn.  Nông nghiệp tất không được, chăn nuôi tất cũng không được.  Nửa làm ruộng nửa chăn thả là tốt nhất.  Tôi sẽ gắng sức bảo vệ bãi chăn, phát triển chăn nuôi.  Không có chăn nuôi, nông nghiệp sẽ thiếu phân bón.  Lúa tốt vì phân, không có phân, làm sao có sản lượng?

Ulichi nổi cáu: Nông dân mà thấy đất này thì có trời ngăn.  Cứ cho là đời ông ngăn được, nhưng đời sau có ngăn nổi không?

Bao Thuận Quý nói: Đời nào có việc đời ấy, đời sau tôi không quản nổi.

Ulichi hỏi: Vậy ông vẫn diệt sói chứ?

Bao Thuận Quý nói: Chính vì ông không kiên quyết nên mới sai lầm lớn.  Tôi không thể đi theo vết chân ông.  Nếu như lại để sói hạ sát đàn ngựa nữa, tôi cũng về vườn như ông.

Đã nhìn thấy khói bếp trên các nóc lều.  Bao Thuận Quý nói: Mấy người trên mục trường bộ cũng bụng dạ hẹp hòi, cho ông con ngựa già, mất hết thì giờ.  Rồi quay lại bảo Trương Kế Nguyên: Chú Nguyên, chú đổi cho ông U một con ngựa tốt, nói với Batu là tôi bảo thế.

Trương Kế Nguyên nói: Về tới đại đội không ai để ông trưởng bãi cưỡi con ngựa tồi!

Ba Thuận Quý nói: Tôi nhiều việc quá, xin đi trước.  Tôi đợi ông ở nhà ông Pilich, ông cứ tà tà không vội.  Nói xong, ông ta lỏng dây cương, con ngựa lao đi.

Trương Kế Nguyên gò cương đi bên con ngựa bước thủng thẳng, nói với Ulichi: Ông Quý đối xử với ông tốt đấy.  Cháu nghe một ông trên mục trường bộ nói, ông ấy mấy lần điện thoại lên trên, đề nghị vẫn để ông trong ban lãnh đạo mục trường.  Có điều ông ấy là con nhà lính, tác phong ít nhiều nhiễm thói quân phiệt, ông đừng giận ông ấy.

Ông Ulichi nói: Ông Quý nhiệt tình công tác, đã nói là làm, luôn đứng trên tuyến đầu, nếu như ở vùng nông nghiệp thì ông ta là cán bộ giỏi.  Nhưng về vùng chăn nuôi thì ông ấy càng hăng hái, thảo nguyên càng nguy hiểm.

Trương Kế Nguyên nói: Nếu như lúc cháu mới lên thảo nguyên, nhất định cháu ủng hộ quan điểm của ông Quý.  Nông thôn dưới xuôi rất nhiều người chết đói, còn thảo nguyên thì bấy nhiêu đất bỏ không.  Rất nhiều người trong đám thanh niên trí thức ủng hộ ông Quý.  Nay thì cháu không nhìn vấn đề như thế nữa.  Cháu cũng cho rằng ông có tầm nhìn xa.  Tộc nông canh không hiểu sức tải gia súc của thảo nguyên, không hiểu sức tải về người của đất đai, càng không hiểu quan hệ giữa sinh mạng lớn và sinh mạng bé.  Trần Trận nói, hàng trăm năm nay thảo nguyên có một logic đơn giản, phù hợp với quy luật phát triển khách quan.  Cậu ta cho rằng chính sách thảo nguyên của nhà Mãn Thanh thời kỳ đầu và giữa rất sáng suốt, không cho nhiều người thâm nhập thảo nguyên, nếu không sẽ phải trả với cái giá rất đắt.

Ulichi rất khoái cái từ "lôgic thảo nguyên", nhẩm mấy lượt cho thuộc.  Ông nói tiếp - Thời kỳ cuối, chính sách thảo nguyên không cản nổi áp lực dân số, việc thực hiện bị lơ là, thảo nguyên co dần lại, sau đó lại co về phía tây bắc, tiếp nối với sa mạc Gôbi.  Nếu như bắc Trường Thành trở thành sa mạc thì Bắc Kinh sẽ ra sao, người Mông Cổ cũng sốt ruột.  Xưa kia Bắc Kinh là thủ đô của người Mông Cổ, cũng là thủ đô của thế giới ấy...

Trương Kế Nguyên thấy đàn ngựa đang uống nước ở một cái giếng liền cho ngựa chạy tới.  Cậu muốn đổi cho ông Ulichi một con ngựa tốt.