Hôm bữa dự thi mứt thanh long có 1 bạn gái nói con mới lớp 11 thôi, gia đình lo cho sang Mỹ học cấp 3 nhưng nửa đường thì hết tiền, nên con phải về. Nhưng bạn ý định xong 12 thì sang lại Mỹ, lần này quyết tâm lấy học bổng để gia đình khỏi lo lắng. Với các bạn muốn giật học bổng quốc tế, Tony giúp các bạn tí xíu. Nhưng chỉ là định hướng, còn lại các bạn tự lực nghen.
Ở Mỹ, nếu muốn vô ĐH nói chung (college), hạc sinh phải có điểm SAT 1, reasoning test, một số nước gọi là tú tài bán. SAT 1 sẽ kiểm tra khả năng suy luận, viết, toán cơ bản…để xem đứa đó có đủ trình độ nhận thức để làm sinh viên không. Bắt đầu làm, bài viết nó chạy ra, ví dụ 25 phút, đồng hồ cát trừ dần thời gian, xong thì bấm nút NỘP BÀI. Đề dễ ẹt, ví dụ: số tiếp theo là số mấy: 2,4,6,…nếu mình hẻm biết điền vào số 8 thì thiếu I-ốt quá, cho về quê bán phân phượng tím. Hoặc coi cái mẫu thư xin việc mà không biết có bao nhiêu lỗi chính tả trong đó, thì không làm sinh viên được, toàn là kiến thức nền, hầu như ai cũng biết nếu được học qua. Một năm thi SAT tới 6 lần, cứ 2 tháng 1 kỳ nên bạn nào chưa tự tin thì để đợt sau, chả căng thẳng gì. Nộp SAT1 và tiền, thế là trường nó nhận. Thường là các trường đào tạo theo hệ ứng dụng, nó chỉ cần như vầy.
Còn muốn vô ĐH hàn lâm, tức University, học sinh phải có thêm điểm SAT 2, subject test (tú tài toàn) là điều kiện cần. SAT 2 kiểm tra các kỹ năng toán lý hóa sinh sử địa, tới 18 môn, cũng trắc nghiệm online, độ khó tăng dần để phân loại. Để vô ĐH top, SAT 2 phải từ 2000 điểm trở lên, nhưng với sinh viên Việt Nam thì dễ như trở bàn tay, có bạn gì ở trường Trần Đại Nghĩa Tp HCM thi đạt 2390, còn thiếu 10 điểm nữa là tối đa. Rất nhiều nước bây giờ dùng kỳ thi SAT để tuyển sinh, vì thi online không tốn kém gác thi chấm thi này nọ.
Vô ĐH nổi tiếng hoặc muốn có học bổng để khỏi tốn tiền cha mẹ, HS phải có thêm bài luận, tức điều kiện đủ. Hồi xưa Tony cũng viết bài luận với nhan đề “Tony-không chỉ là đôi mắt đẹp” mà được Há Vợt nó nhận (có kèm theo hình bận quần bơi đỏ, cầm trái táo đỏ bên bờ hồ). Mình có lợi thế gì là phải trưng ra hết. Ví dụ biết chơi đàn, bơi lội, võ thuật, từng sản xuất kinh doanh, từng cứu
trợ, từng tham gia từ thiện xã hội, từng dạy cho trẻ em đường phố…nói chung là đứa nào sống đẹp là được nhận hết, nên muốn vô mấy ĐH nổi tiếng, các bạn trẻ phải sống đẹp với cộng đồng. Còn đứa nào chỉ Học và Học thì thôi, không có cửa vào ĐH top. Kiểu cha mẹ nói để mẹ rửa bát cho, con chỉ việc ngồi vào bàn giấy và học, thì dù SAT 2 có 2400, cánh cửa Harvard cũng hãy rất xa vời.
HS Trung Quốc hay xin tài liệu kiểu “500 bài luận vào trường X thành công” về tham khảo, nhưng tỷ lệ nhận thấp nhất vì câu nào cũng mang dấu ấn của ai đó. HS châu Âu được nhận với tỷ lệ cao nhất vì họ tự viết. Giám khảo họ có phần mềm anti-plagiarism (chống đạo văn), cập nhật liên tục. Bài của người nổi tiếng như Tony Tèo họ cũng dịch qua tiếng Anh, cập nhật. Mình mà bắt chước, kiểu “nước mắt lăn dài trên gương mặt thanh tú” thì họ biết ngay câu này là của Tony, nếu hẻm có ghi trích dẫn là quăng hồ sơ mình vô thùng rác. Nên các bạn phải soáng tộ. Nhớ nghen, phải soáng tộ.
Điểm thi SAT tới mấy ngàn điểm nên việc đánh giá chính xác hơn thang điểm 10 hay 20. Bây giờ SAT1, SAT2 nhiều nước áp dụng, mỗi nước có cục khảo thí sẽ xây dựng bộ đề riêng của mình. Các nước Sing, Mã, Phi, Thái…đều đã áp dụng cả. Giờ internet kéo về tận thôn xóm, bạn trẻ nào chả biết sử dụng máy tính, nên thi trắc nghiệm online kiểu vầy cho nhanh, từng huyện, từng tỉnh tổ chức luôn cho nó tiết kiệm. Khỏi có chuyện quay bài ném phao…vì riêng việc mở tài liệu hay nghe người khác chỉ bài, đồng hồ nó tự động chạy qua bài khác, điểm còn thấp hơn mình tự suy nghĩ, tự đánh máy. Trường ĐH lớn thì xét thêm bài luận để xem đứa trẻ này có chí lớn không, có thể gọi điện hay skype phỏng vấn online để tránh trường hợp ngáo ngơ bắt ớn mà bài luận thiệt hay do bố mẹ viết giùm.
Các bạn tự rèn luyện kỹ năng viết luận để áp-lai vô mấy trường nổi tiếng thế giới nhé. Tiêu chuẩn min 250 chữ, max 650 chữ. Chỉ một topic quen thuộc của mọi cánh cửa ĐH lớn “Tôi là ai. Who am I”.
Các hãng như Coca Cola, Boeing, P&G, Morgan, Citibank,…khi tuyển thực tập sinh quản trị (tức hạt giống lãnh đạo của hãng sau này) sẽ yêu cầu viết 1 bài mới “Who am I”. Họ sẽ xin lại bài luận cũ của năm 18 tuổi và xem dấu ấn đào tạo đã khiến bạn khác biệt như thế nào sau 4 năm.
Ở hãng Phượng Tím, mỗi đợt tuyển dụng, Tony phỏng vấn 10 bạn, tốt nghiệp toàn Bách Hóa, Ngại Thương, Kinh Tuế, thì đến 10 bạn không trả lời được câu hỏi “Tôi là ai”. Nói tưởng anh ra đề sin cos ô mê ga tê cộng phi thì tụi em giải được chứ hỏi vậy sao tụi em biết.
Ngồi phỏng vấn, tới câu hỏi "Tôi là ai", cả chục đứa nhìn nhau "Ủa, tao là ai mậy?"