- Cậu đi theo hướng này khoảng ba trăm mét thì nhìn thấy một ngôi nhà ngói xưa bên tay trái, cậu rẽ vào đó nếu gặp người thì hỏi nhà ông Trùm đạo Hoàng Bửu, nếu không gặp ai thì cứ đi thẳng vào trong ắt sẽ gặp người cần hỏi.
Thuận cám ơn bác tài rồi xách vali đi theo hướng được chỉ. Khi nhìn thấy ngôi nhà, Thuận khá bất ngờ bởi sự to lớn của nó. Trong hình dung của Thuận thì nhà sẽ nhỏ hơn, bình thường như những ngôi nhà ngói xưa đơn sơ của vùng quê. Nhưng ngôi nhà này thì đồ sộ chẳng khác một dinh thự của các mệnh quan triều đình xưa.
- Thì ra nhà của ông Trùm Bửu là thế!
Trùm Bửu là tên ông nội của một người bạn thân, mà việc anh ta giới thiệu Thuận về đây cũng đầy bí ẩn, anh ta nói trước ngày Thuận lên đường:
- Nếu cần tìm hiểu về nghệ thuật cổ thì không nơi đâu tốt bằng nhà ông nội mình. Ngoài những tác phẩm cổ còn lưu giữ, nơi đó còn có những tài liệu bằng giấy mà chính mình cũng chưa biết hết giá trị của chúng.
- Cậu là Thuận?
Việc người quản gia già bước ra và hỏi đúng tên của mình đã khiến Thuận ngạc nhiên. Anh đáp:
- Dạ, đúng. Nhưng sao bác biết tên cháu?
Ông già cười hiền hòa:
- Có gì lạ đâu, lúc sáng nay tôi nhận được cái điện tín, báo là có người tên là Thuận sẽ tới ở lại nhà một thời gian. Do chữ trong điện tín không có dấu, nên tôi đã đoán già đoán non cả buổi mới quyết định gọi cậu là Thuận thay vì là Thuần hay Thuẫn, không ngờ lại đúng!
Thấy ông ta vui vẻ, Thuận cũng mừng, anh nói luôn:
- Cháu được anh Châu giới thiệu. Mục đích của cháu là ở lại đây một thời gian ngắn...
Ông quản gia cũng tự giới thiệu mình:
- Tôi là ông già Hai, còn có tên là Hai Bình, làm quản gia nhà này đã hai mươi năm rồi, kể từ thời cụ Trùm còn sống. Mà vừa rồi cậu nói do cậu Châu giới thiệu, nhưng sao điện tín gởi ra lại ký tên cô Hạnh. Mà nhà này sao lại còn có Hạnh nào nữa?
Thuận cau mày:
- Cháu đâu quen ai là Hạnh?
Chợt ông già Hai kêu lên:
- Phải rồi, đó là cô ba nhà này? Mà cô ấy đã... đi cách đây cả chục năm rồi làm sao đánh điện được! À, hay là cậu Châu đùa với cậu rồi...
Thuận thoáng thắc mắc, nhưng do phải vào nhà chào hỏi, rồi đi xem chỗ mới, nên sau đó ít phút thì hầu như anh quên bẵng chuyện cái điện tín.
Ông già Hai sau khi dẫn Thuận đi một vòng, ông chỉ dãy phòng trên lầu và bảo:
- Nguyên dãy này, có sáu phòng, đều đang bỏ trống, từ lâu không ai ở, mặc dù lâu lâu tôi có đến quét dọn, nhưng chắc khi cậu chọn phòng nào ở thì phải dọn cả buổi mới tươm tất được. Theo tôi thì cậu nên chọn cái phòng gần cầu thang này để dễ lên xuống, mà trong phòng ấy còn có sẵn giường còn mới và bộ ghế sa lông nữa, cậu có thể tiếp khách ngay trong phòng.
Thuận cười:
- Cháu lên đây là để tránh phải tiếp bạn bè một thời gian, nên chuyện tiếp khách chắc là không có rồi.
- Biết đâu. Cậu còn ở đây lâu mà. Có cậu tôi thích lắm, bởi lâu nay muốn kiếm một người để nói chuyện cũng không có, nhiều khi tôi cứ sợ vài năm nữa mình quên tiếng người quá!
Thuận bật cười với ông. Cuối cùng nghe ông, anh chọn căn phòng sát lối cầu thang. Quả là đầy đủ tiện nghi, còn vượt quá mong đợi của Thuận nữa!
Ông già Hai đi xuống dưới nhà lúc sau trở lên dặn:
- Trong phòng có cái tủ áo quần ngủ, ngày xưa khi ông thân sinh cậu Châu còn sống thì căn phòng này dành để đón khách xa tới ở lại, nên có sẵn một tủ quần áo mát mặc trong nhà, từ lâu khóa tủ để đó, không có ai rớ tới, chắc là còn nguyên, nếu cần thì cậu cứ lấy mà mặc. Mặc xong cứ bỏ vào giỏ để ngoài hành lang, tôi sẽ nhờ người giặt cho. Cả quần áo của cậu cũng vậy.
Ông đưa cả chìa khóa tủ. Thuận không có ý định mặc những loại quần áo đó, tuy nhiên lát sau anh lại có nhu cầu mang mấy bộ quần áo, nên nghĩ tận dụng tủ ấy cũng tốt và anh mở ra xem.
Trong tủ không hề có bộ đồ mát nào như ông già nói, có lẽ ông ta lộn với cái tủ ở phòng khác. Mà trong tủ lại toàn là giấy tờ, sổ sách và khung hình chất cả chục cái.
Một trong đống khung ảnh đó có một cái khi Thuận vô tình chạm vào đã rơi ra, đè lên chân của anh. Sợ nó vỡ, Thuận nhẹ tay cầm lên và giật mình khi thấy chân dung một cô gái, mà Thuận phải buột miệng khen:
- Đẹp!
Cô gái trong ảnh còn rất trẻ, tuy ăn mặc theo phong cách xưa, nhưng gương mặt trái xoan, đôi mắt sáng ngời, đặc biệt là cặp môi chúm chím cực kỳ xinh xắn, mà bất cứ ai nhìn cũng phải tấm tắc!
Điều khiến cho Thuận càng kinh ngạc hơn là bên dưới cùng của bức hình có dòng chữ viết tay khá nắn nót:
- Ngọc Hạnh, năm mười tám tuổi.
- Hạnh? Đây là cô Hạnh?
Thuận kinh ngạc là bởi cái tên Hạnh trong bức điện tín mà ông già Hai vừa nói.
- Cô ta đã...
Không đợi đến chiều, sau đó vài phút Thuận đã cầm bức ảnh đi thẳng xuống nhà, tìm ông quản gia. Đưa cho ông xem bức ảnh, Thuận hỏi:
- Phải đây là cô Hạnh mà bác nói không?
Thấy bức ảnh, ông già Hai kêu lên:
- Cậu lấy đâu ra ảnh ấy?
- Dạ, cháu gặp trong phòng.
- Ủa, sao trong phòng đó lại có...
Rồi chợt nhớ ra, ông vỗ trán nói:
- Tôi lộn rồi, phòng cậu ở trước đây là của... cô Ba Hạnh. Lâu quá rồi nên tôi không nhớ.
- Bác nói cô ấy đã đi xa, mà đi đâu vậy?
- Lâu rồi. Năm đó cô ấy mới mười tám tuổi. Hình đó chụp trước lúc cô ấy đi vài tháng. Bây giờ đã ngót mười năm rồi!
Thuận trầm ngâm một lúc rồi quay lại phòng, ông già Hai nói với theo:
- Hay là cậu ngại thì đổi sang phòng khác.
Thuận xua tay:
- Dạ không cần.
Anh trở về phòng và đặt bức ảnh trở lại chỗ cũ. Như vậy là không có tủ để máng quần áo rồi. Đổi sang phòng khác thì Thuận lại không muốn. Cũng chẳng hiểu tại sao nữa...
Buổi cơm chiều chỉ có Thuận và ông già Hai ăn với nhau. Anh ái ngại nói:
- Để bác phải lo cơm nước cháu ngại quá. Hay là mai để cháu lo...
Ông già Hai chỉ mâm cơm:
- Cậu thấy tài nấu nướng của tôi chưa, chỉ có vài thứ mà tôi chế biến thành bốn món ăn, đâu thua gì mấy bà nội trợ giỏi!
Rồi ông nói thêm:
- Ngày trước khi ông Trùm còn sống tôi vốn là đầu bếp của ông, sau tới ông cụ bố cậu Châu thì tôi mới chuyển qua làm quản gia. Nghề cũ đâu dễ gì quên cậu!
Thuận phải tấm tắc khen:
- Bác nấu ăn ngon thật! Nhất là món sườn ram này, hương vị như nhà hàng Tàu!
Được dịp khoe, ông già gân cổ lên:
- Hồi trước anh em nhà cậu Châu người nào cũng khoái mấy món này! Có bữa cậu Châu ăn đến năm chén cơm chỉ với nửa dĩa sườn ram đó!
- Cô Hạnh gì đó có thích món này không?
Thuận cố tình nhắc tới người tên Hạnh, như chờ một sự tiết lộ thêm. Nhưng hình như ông già Hai có điều gì đó muốn tránh, ông vội nói lảng sang chuyện khác:
- Ngày mai tôi sẽ cho cậu ăn một món khác, ngon hơn!
Sau bữa cơm, Thuận tỏ ý muốn đi ra sau vườn thì ông già Hai khuyến khích một cách thật tình:
- Cậu nên đi lại để thư giãn. Đây là đất riêng của nhà mình bên ngoài không ai vào được. Tuy nhiên trời đêm xứ này khá lạnh, cậu không nên ở lâu bên ngoài nếu không mang theo áo ấm.
Thuận chỉ định đi một vòng ngắn rồi quay trở vào. Nhưng càng đi sâu vào khu vườn rộng, anh càng bị cuốn hút và cứ muốn đi nữa. Chung quanh anh có nhiều loại hoa rất lạ, có lẽ được trồng khá lâu và được cắt tỉa công phu, nên dù là ban đêm, Thuận cũng có thể thấy được cái đẹp của nó và phải buột miệng khen:
- Đẹp quá!
Qua hết con đường có nhiều luống hoa đẹp lại tới một khu chất những tảng đá lạ mắt, một cách rất mỹ thuật giống như những khu vườn Nhật mà Thuận đã từng thấy trên phim ảnh, sách báo. Anh thầm khen chủ nhân ngôi nhà, mà thì nghĩ có thể nó đã có từ thời ông nội của Châu.
Ngôi nhà đã rộng mà khu vườn còn rộng gấp nhiều lần, nên Thuận đã đi ngót nửa tiếng mà chỉ mới được một nửa. Anh vừa định đi tiếp nữa thì chợt nghe có một tiếng kêu rất lạ, cách đó không xa. Lắng nghe một lúc, Thuận nhận ra tiếng ấy là của một loài chim đêm.
Bước theo hướng có âm thanh ấy, bỗng Thuận giật mình khựng lại. Trước mặt anh là một con chó mực khá lớn đang hụt đầu xuống một ngôi mộ đá bị moi một lỗ to.
Thấy sự xuất hiện của Thuận, con chó mực quay lại nhìn, đôi mắt của nó tròn và sáng như hai ngọn đèn pha, khiến cho Thuận suýt kêu lên. Anh không dám lùi, bởi thường nghe nói gặp chó mà lùi thì nó sẽ tấn công!
Quả như vậy, con chó thấy Thuận nhìn chăm chú vào, nó không sủa, mà từ từ quay đi và bất thần bỏ chạy!
Nhìn kỹ chỗ nó vừa đào lên, Thuận kêu khẽ:
- Một cái sọ người!
Thì ra con chó đang đào mộ, lôi lên hài cốt của người chết! Chẳng Iẽ là người mới chôn?
Thuận liếc nhìn vào mộ bia, do trời tối nên nửa phần trên chỗ có tên người đã bị che khuất không thể đọc được, chỉ thấy dòng ghi ngày tháng tử: 14-4-1918
- Chết đã mười năm rồi!
Có nghĩa cái sọ kia đã là sọ khô lâu năm, chẳng hiểu sao con chó lại đào lên làm gì. Nó đâu có ăn được?
Tự dưng Thuận nghe bần thần, anh cứ đăm đăm nhìn cái sọ, trong lòng như muốn có một hành động gì đó như cầm nó lên hay chôn nó trở xuống huyệt!
Cảm giác đó chợt đến mà Thuận cũng chẳng hiểu sao mình lại bị cuốn hút vào đó như thế! Anh cảm thấy khó xử nên cứ đứng tần ngần ở đó hơn một phút. Chợt trời gầm to, sấm chớp liên hồi và có vài giọt mưa rơi xuống!
Lúc này Thuận như được ai đó tiếp thêm sức mạnh, anh cúi xuống nhặt cái sọ người lên, rồi chẳng cần suy nghĩ, đã nhẹ tay đặt nó xuống cái lỗ mà con chó vừa bươi lên lúc nãy. Anh lấp đất lại rất nhanh và còn cẩn thận lấy thêm hai tảng đá gần đó đè lên chỗ mới lấp!
Làm xong Thuận cảm thấy nhẹ nhõm, anh xoa tay đứng nhìn ra vẻ đắc ý. Trước khi bỏ đi anh còn chấp tay xá liền mấy cái.
Anh đi được chưa hơn chục bước thì con chó mực lúc nãy quay trở lại. Lần này nó không bươi đất nữa, mà chui tọt xuống mồ rồi mất dạng luôn!
Trong bóng tối như mực, Thuận quờ tay đụng một người nằm bên cạnh mình và chỉ cảm nhận được giới tính của người đó qua da thịt của họ, anh kêu lên thật khẽ:
- Một phụ nữ!
Bàn tay Thuận chạm vào cánh tay của nàng ta và giật mình bởi nó lạnh và quần áo hình như đang ướt đẫm.
Lần này Thuận lên tiếng rõ ràng:
- Ai đây?
Một ngón tay của nàng ta đưa lên đúng vào miệng của Thuận:
- Đừng nói lớn, em đang trốn!
- Cô là...
- Gấp lắm, xin cho em nương náu đỡ một lúc, em đang bị người ta đuổi bắt. Họ mà tóm được thì chắc là em chết mất! Em lạy người...
Giọng nàng ta tha thiết khiến Thuận cũng không nỡ, anh hỏi khẽ:
- Cô làm gì trong nhà này?
- Em... em ở xa lắm. Em tới đây do tình cờ và em bị người ta đuổi. Họ cho em là trộm, mà nào em có làm được chuyện đó đâu.
Thuận định ngồi dậy mở đèn thì nàng hoảng hốt ngăn lại:
- Đừng! Đừng! Nếu mở đèn lên thì thà giao em cho họ còn hơn!
- Nhưng... có ai trong nhà này ngoài ông quản gia và tôi? Cô bị ông quản gia truy đuổi hả, để tôi nói giúp cho.
Nàng ta tỏ ra sợ hãi hơn:
- Đừng! Ông ấy... à mà không, tôi bị... con chó mực!
Nghĩ tới con chó mực ở đầu mộ lúc đầu hôm, Thuận ngạc nhiên hỏi:
- Cô làm gì ở ngoài mộ mà bị con chó...
Anh ngừng ngang câu hỏi vì nguyên bàn tay cô nàng đã che kín miệng, giọng nàng như van lơn:
- Xin anh đừng hỏi nữa, em sợ lắm!
Bấy giờ Thuận mới cảm nhận được cái ướt từ thân thể nàng ta lan sang mình, anh hỏi:
- Sao người cô ướt hết thế này?
- Tại vì...
Nàng ta đáp chưa hết câu thì từ bên ngoài ông già Hai lên tiếng:
- Ngủ chưa cậu Thuận?
- Dạ...
Anh lại bị chận tay ngang miệng, nên tiếng vừa rồi chỉ đủ hai người trong phòng nghe. Bên ngoài ông già Hai không nghe đáp nên đã bỏ đi.
- Cám ơn anh.
Rất nhanh, cô nàng phóng khỏi giường, hình như tới ngồi ở ghế. Thuận muốn bước xuống theo thì nàng ngăn lại:
- Anh không nên lại đây. Tốt nhất là có bộ quần áo nào còn sạch thì làm ơn cho tôi mượn mặc đỡ. Tôi đang bị lạnh.
Đúng là nàng ta lạnh lắm, Thuận nghĩ vậy nên bước lần qua chỗ chiếc rương còn nguyên chưa mở từ khi tới đây. Anh bảo:
- Cô phải bật đèn lên giùm thì tôi mới lấy quần áo cho được chứ, tối quá.
Nhưng nàng cương quyết:
- Anh mò và lấy đại, quần áo gì cũng được, miễn là...
Nửa phút sau Thuận cũng lấy ra được một bộ pyjama, định bước tới đưa thì như đoán được ý của anh, cô nàng lại lên tiếng:
- Anh cứ ném nó sang đây, tôi đang ngồi ở bàn viết.
- Rồi anh ở yên đó, để tôi thay đồ!
Lâm vào hoàn cảnh toàn để phụ nữ sai bảo như thế này là lần đầu Thuận gặp phải, tuy nhiên anh lại cảm thấy thích thú, nên răm rắp nghe theo. Chỉ nghe tiếng xột xoạt của quần áo ướt bị cởi ra, vài phút sau nàng lên tiếng:
- Xong rồi đó, anh có thể mở đèn lên. Nhưng em nói trước, đã giúp em thì phải giúp cho trót, có ai hỏi thì anh không được nói có em trong này!
- Rồi, yên tâm.
Thuận bước tới bật công tắc điện lên, đèn sáng choang và...
- Ủa, cô ta đâu?
Ở bàn viết không có ai ngồi, chỉ trên đáy ghế có bộ đồ ướt vất ở đó thôi...
- Cô ơi!
Thuận kêu lên khẽ và bước khắp phòng tìm. Chốt cửa vẫn còn cài bên trong, như vậy chắc chắn nàng ta không ra bằng cửa ấy được. Mà cửa sổ thì vẫn đóng kín. Nghĩ là cô ta muốn đùa với mình, anh nhẹ bước tới gần tủ áo và bất thần kéo mạnh nó ra! Tủ trống không. Đứng thừ người một lúc Thuận mới có phản ứng. Anh chạy ra cửa gọi lớn:
- Bác Hai ơi!
Ông già quản gia ở nhà dưới, nghe gọi lên tiếng ngay:
- Gì đó cậu Thuận?
Thuận đã chạy bay xuống nhà, trên tay còn cầm bộ quần áo ướt, anh hớt hải nói:
- Cháu đang ngủ thì có ai đó vào phòng, cháu không thấy mặt, chỉ nghe tiếng nói, cô ấy mượn cháu bộ đồ thay rồi... biến mất, bỏ lại bộ đồ ướt này!
Vừa cầm bộ quần áo xem, ông già Hai đã kêu lên:
- Bộ đồ này hình như là của... của...
Ông định nói nhưng kịp dừng lại. Thuận hỏi dồn:
- Của ai vậy?
Ông già nhẹ lắc đầu bảo:
- Thôi, không sao đâu, chắc là ai chạy trốn...
Thuận nói liền:
- Đúng là cô ta đang chạy trốn ai đó. Hình như trốn con chó mực!
Ông già Hai lại một lần nữa giật mình:
- Cậu thấy con chó?
Thuận lắc đầu:
- Chỉ nghe cô ta nói.
Ông già lặp lại rất khẽ:
- Con chó Mi Nô, con mực ngày xưa...
- Bác biết con chó mực?
Không đáp thẳng, ông quay đi, giọng buồn bã:
- Nó vẫn còn bên cô ấy...
Thuận quá tò mò, anh hỏi:
- Bác biết cô ấy?
- Biết... Nhưng mà...
Ông đáp chưa dứt lời đã vội bước ra ngoài. Thuận định đuổi theo thì ông già xua tay ngăn lại:
- Cậu chờ tôi một lát.
Ông ta đi khoảng mười lăm phút thì trở lại, vẻ mặt bớt căng thẳng:
- Đêm qua cậu ngủ không được?
- Dạ không, cháu ngủ rất say, ngoại trừ lúc cô ấy vào giường cháu nằm và cháu giật mình!
Ông già chỉ thở dài, không nói. Từ phút đó dù Thuận có hỏi mấy ông ta cũng không nói lại chuyện liên quan đến cô gái có bộ đồ ướt. Trong suốt bữa ăn sáng ông toàn nói chuyện bâng quơ.
- Hôm nay cậu có cần đi đâu không, tôi thuê cho một người dẫn đường.
Thuận bật cười:
- Ở đây có chút xíu, cháu tự đi được rồi, đâu phải đi rừng đi suối gì mà cần hướng dẫn bác. Chỉ xin bác cho cháu mượn cây roi da mà cháu thấy treo ở phòng khách.
Ông già cười:
- Roi đó là của ông Trùm, ngày xưa nhiều người sợ chết khiếp mỗi khi thấy cây roi ấy. Bộ cậu cũng muốn làm... trùm sao?
Thuận vô tình nói:
- Cháu mượn cầm đi trong vườn thôi, phòng khi con chó mực.
Bỗng ông già sa sầm ngay nét mặt:
- Không được phép!
Thuận ngạc nhiên:
- Bác nói cháu không được phép mà phép gì ạ?
- Không được chạm đến con chó!
Ông vừa đáp xong đã bật đứng dậy ngay, nét mặt giận dữ! Thuận ngơ ngác chẳng hiểu tại sao. Cho mãi đến chiều tối hôm đó ông quản gia hầu như tránh mặt Thuận. Đến bữa cơm ông chỉ dọn để đó chứ không cùng ăn như hai bữa trước. Thuận áy náy lắm, nhưng cũng không chủ động tìm ông già để hỏi cho ra lẽ. Tối đó buồn tình nên anh đi ngủ sớm. Nhưng vừa đặt lưng xuống anh đã nghe tiếng ông già Hai ngoài cửa phòng:
- Tôi gặp cậu một chút, cậu Thuận!
Thuận ra mở cửa thì bắt gặp một ông già Hai say khước, đứng không muốn vững, anh phải dìu vào trong, vừa hỏi:
- Bác uống ở đâu mà say quá vậy, bác Hai?
- Ừ, tôi say... mà không say thì làm sao nói chuyện được với cậu! Cậu cho tôi nói không cậu Thuận?
Thuận đỡ ông nằm xuống giường, nhưng ông ta lại bật ngay dậy, bất ngờ ôm chầm lấy Thuận và oà lên khóc!
Quá bất ngờ trước hành động của ông, Thuận hơi lúng túng:
- Bác... bác sao vậy?
Ông già Hai cố trấn tỉnh, nhưng giọng ông cứ bị nghẹn lại. Phải mất hơn nửa phút sau thì ông mới nói được trọn vẹn ý của mình:
- Cậu có muốn nghe tôi nói không?
- Bác cứ nói, cháu sẵn sàng nghe. Nhưng trước khi kể bác để cháu lấy viên thuốc cho bác uống, nó sẽ giã rượu.
Ông già Hai kéo ghì Thuận lại:
- Khỏi, tôi đâu có say. Tôi chỉ buồn thôi...
Ông chỉ vào trong tủ áo:
- Cậu hãy lấy hết những khung ảnh trong đó ra đây, tôi sẽ chỉ cho cậu thấy...
Thuận ôm khệ nệ cả chục khung ảnh, có cái có ảnh cái không. Dĩ nhiên trong đó có ảnh chân dung của người mà ông già Hai nói là cô Ba Hạnh. Vẫn cầm riêng bức ảnh đó, ông già đưa trước mặt Thuận:
- Cậu gặp nó rồi phải không?
Thuận lắc đầu:
- Dạ chưa.
- Gặp rồi! Cậu gặp ngoài nghĩa địa và gặp cả ở đây. Bộ đồ ướt hôm qua là của cô ấy!
Thuận thảng thốt:
- Bác nói đó là cô Hạnh?
Giọng ông trầm hẳn xuống:
- Chính là cô ấy. Và cả con chó nữa, nó chính là...
Ông nói tới đó thì đột nhiên đôi mắt trợn trừng và ngã xuống sàn trước sự kinh ngạc của Thuận!
- Kìa bác!
Anh đỡ ông lên thì thấy hai dòng máu ứa ra ở hai khóe miệng. Đầu ông ta ngoẹo sang một bên. Thuận kêu lên:
- Bác Hai!
Nhưng ông ta đã không còn thở nữa.
Thuận không biết phải làm gì trước sự việc quá đỗi bất ngờ này, nên cứ ngây người ra. Phải một lúc sau anh mới chạy qua nhà lân cận cách đó hơn trăm mét. Những người này cùng chạy qua xem và lắc đầu nói:
- Ổng tuổi già, trước đây có tiền sử bệnh tim, từng mấy lần đi bệnh viện. Lâu nay bỏ rượu nên đỡ, sao bây giờ lại uống rượu lại. Tội nghiệp thân già không con cái, không gia đình riêng...
Họ làm chứng cho Thuận nên sau đó anh không gặp rắc rối gì về cái chết lạ lùng này. Thuận đứng ra lo ma chay cho ông và buộc lòng phải lưu lại ngôi nhà, bởi ngoài anh thì giờ đây không có ai khác.
Thuận dự trù ngày mai sẽ đánh điện tín cho Châu báo mọi việc rồi chờ Châu lên, lúc ấy anh mới về Sài Gòn.
Châu lên và chỉ ở lại đúng một ngày và anh ta đã năn nỉ Thuận hết lời, xin anh hãy tiếp tục ở lại. Châu nói:
- Ngôi nhà này là kỷ niệm cuối cùng của dòng họ tôi. Nghe nói trong các phòng trên lầu còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá, đáng lý tôi phải trực tiếp lên đây canh giữ hoặc tính toán cách bảo quản nó, tuy nhiên công việc kinh doanh của tôi dưới đó hiện đang rối rắm, tôi mà bỏ đi là loạn ngay. Cậu là bạn thân của tớ, vậy hãy giúp tớ trong lúc nguy ngập này. Nếu cần, mình sẽ tìm thuê cho cậu một người giúp việc. Cậu ráng ở chừng một tháng, được không?
Thuận đành phải chìu theo ý bạn. Anh cũng không hỏi gì về những điều kỳ lạ đã chứng kiến, bởi theo Thuận thì Châu chẳng hề biết gì chuyện ở ngôi nhà này, có hỏi cũng vô ích.
Châu về được nửa buổi thì Thuận khám phá một điều mà anh tiếc là nếu còn bạn mình ở lại chắc là phải ngạc nhiên! Số là trong số khung ảnh và tập vở cũ kia, Thuận tình cờ nhặt được một bức ảnh của Châu chụp chung với một cô gái nhỏ hơn anh chỉ vài tuổi, mặt cô gái này giống hệch như cô Hạnh trong ảnh kia.
- Chắc là anh em họ.
Nhưng khi lật phía sau ảnh thì Thuận giật mình! Có dòng chữ ghi: Không phải anh em mà sống như anh em, liệu rồi đây hai đứa sẽ ra sao khi phải chia lìa nhau.
Chữ viết là của một người có vẻ lớn tuổi. Hơi giống nét của một phụ nữ, phải chăng là của thân sinh ra Châu hoặc Hạnh? Mà tại sao họ không là anh em ruột? ảnh cô gái này có đúng là Hạnh hay là của một người khác? Biết hỏi ai bây giờ, khi mà ông già Hai và cả Châu đều không có mặt ở đây.
Khi xem tới một tập giấy bìa cứng, dạng nhật ký thì Thuận phải bàng hoàng kêu lên:
- Có chuyện này sao?
Trong quyển vở đó ghi vắn tắt mấy dòng: Tội nghiệp con Hạnh! Làm sao con nhỏ yếu đuối như thế mà chịu nổi trận đòn chí tử của lão Trùm. Lão ta sau khi hay biết việc Hai Bình cố tình gán ghép con gái mình cho thằng Châu thì đã nổi điên, nhốt thằng Châu vô hầm kín, còn con Hạnh thì bị trói vào cột dừa chịu liên tiếp nhiều trận đòn. Cây roi da ngày trước lão trùm dùng tra tấn nô lệ thì nay lại đùng để hành hạ đứa con gái liễu yếu, hỏi làm sao nó chịu cho nổi! Nếu không có con mực thì chắc con nhỏ đã chết ngay từ trận đòn đầu tiên!
Những dòng chữ chấm dứt ở đó. Nhưng cũng đủ cho Thuận bắt đầu hiểu sự việc. Anh lẩm bẩm:
- Thảo nào ông ấy cấm mình không được động tới con chó!
Thuận dọn dẹp hết những vật dụng vào tủ, chỉ chừa lại mấy bức ảnh của Hạnh và ảnh chụp Hạnh và Châu.
Đêm đó anh ngủ một giấc khá ngon. Cho mãi đến lúc gần sáng... lúc ấy bỗng Thuận nghe có tiếng động bất thường từ dưới dãy phòng mà ông già Hai ở. Tò mò, Thuận cầm đèn soi đi xuống. Tới gần anh mới giật mình vì có tiếng khóc phát ra từ đó.
- Trong phòng của ông già Hai!
Từ hôm ông ta chết thì căn phòng riêng của ông được đích thân Thuận khóa lại. Vậy mà lúc này cửa phòng mở và bên trong có ánh sáng và tiếng khóc của ai đó!
- Bà là...
Thuận cất tiếng hỏi khi nhìn thấy một người phụ nữ tuổi trung niên đang ngồi xếp bằng dưới sàn, trước di ảnh của ông già Hai. Nghe hỏi, người đàn bà không nhìn lại, mà cất tiếng hỏi:
- Cậu là Thuận phải không?
- Sao bà biết tôi?
- Tôi biết cậu nên mới ngồi đây chờ cậu tới. Biết cậu nên mới để lão già này chết thay cho cậu!
Câu nói làm cho Thuận tròn mắt kinh ngạc:
- Bà vừa nói gì? Tại sao ông già Hai chết thay tôi?
Lúc này người phụ nữ mới quay hẳn lại, nhìn thẳng vào Thuận. Anh ngạc nhiên bởi nhan sắc khác thường của bà ta! Tuổi tác thì rõ ràng không còn trẻ nữa, nhưng sắc đẹp thì vẫn quyến rũ, chẳng khác những cô gái mười tám đôi mươi.
Thấy Thuận bàng hoàng khi nhìn thấy mình, người phụ nữ vội lên tiếng:
- Chỉ có cậu mới dám nhìn tôi lâu như vậy. Và cậu cũng là người đầu tiên nhìn thấy tôi mà không ngã ra hộc máu!
- Vậy bà là...
Bà ta nhắc:
- Cậu chưa quên cái chết của lão quản gia. Hôm đó cậu có mặt lúc lão ta chết, phải không?
- Đúng, tôi có chứng kiến...
- Vậy cậu có biết tại sao ông ta chết không?
Thuận ngập ngừng:
- Điều đó thì...
Bất ngờ, bà ta vung mạnh tay một cái, có một vật thể màu đen lao vút từ ngoài cửa sổ vào và đứng trụ ngay trước mặt.
- Con chó mực!
Thì ra vật vừa lao vào ấy là con chó mực to có đôi mắt sáng như hai ngọn đèn pha. Nó chiếu thẳng ánh hung quang vào Thuận như chực ăn tươi nuốt sống, khiến anh hơi nao núng.
- Cậu đừng sợ. Nếu hại cậu thì nó đã làm ngay từ hôm đầu tiên khi cậu nhìn thấy nó với chiếc đầu lâu ở sau vườn rồi! Chính vì hành động của cậu hôm đó, nên nó mới để cậu yên. Cậu nhớ khi cậu chôn chiếc đầu lâu không, đó là cậu đã cứu mạng con Hạnh lần thứ hai đó!
Thuận ngơ ngác:
- Chuyện ấy... là sao ạ?
Người phụ nữ trở nên dịu dàng hơn:
- Hôm ấy nếu không có cậu tới kịp thì lão đã thực hiện được ý đồ rồi và như vậy thì oan hồn con gái tôi đã vĩnh viễn bị bơ vơ, không nơi nương tựa, phải sống kiếp lưu đày trong cõi âm ty!
Thuận càng nghe càng không hiểu, phải đợi bà ta giải thích rõ:
- Cậu đã đọc những trang viết về thân thế của Hạnh rồi phải không? Cậu hiểu nó là con của lão già quản gia chứ gì?
Thuận gật đầu:
- Dạ, hình như là vậy, theo những gì trong nhật ký viết. Có phải bà là người viết những dòng ấy?
Bà ta gật đầu:
- Không sai. Nhưng là viết theo lệnh của lão ta.
- Ai ạ?
Bà ta rít lên.
- Lão quản gia chứ còn ai nữa!
Thuận thì ngơ ngác chuyển thành sửng sốt.
- Sao lại có chuyện đó?
- Vậy mà có đó cậu! Tôi là mẹ đẻ của Hạnh, là nàng hầu của ông Trùm nhà này. Cậu từng nghe nói về ông Trùm?
- Dạ, có nghe. Nhưng sao...
Thuận muốn hỏi về tuổi tác, bà ta tiếp liền:
- Cậu thắc mắc cũng phải, bởi khi làm hầu thiếp cho ông Trùm thì tuổi tôi chỉ mới có mười tám, mà ông ấy đã trên tám mươi! Bởi vậy mới xảy ra điều tệ hại...
Thuận bạo gan hỏi:
- Với người con trai ông trùm, tức cha của Châu...?
Bà ta lắc đầu:
- Anh ấy không hề để ý đến tôi, vả lại ba của Châu không ở chung. Người gây rắc rối cho tôi lại là... lão quản gia!
- Lão già Hai?
Bà ta gật đầu, ngừng một lát rồi kể tiếp:
- Cũng có nguyên nhân thế này, thuở mới tám tuổi tôi đã được cha mẹ vì nghèo nên đem ký thác cho nhà ông Trùm. Lúc ấy lão quản gia Hai Bình đã mười sáu tuổi, lão ta làm đầu bếp trong ngôi nhà này. Lão bắt đầu để ý tôi mà tôi không hề hay biết, cho đến một hôm khi tôi mười sáu tuổi, trong một buổi tối nằm ngủ trong phòng một mình tôi đã bị lão ấy cưỡng bức! Khi tỉnh lại tôi định la lên thì bị lão ta đe dọa, nếu la lão ta sẽ giết chết! Tôi bị làm nhục, đang có ý định tự tử thì may nhờ ông Trùm ra tay giúp đỡ cứu sống. Ông ấy ban đầu chỉ đơn thuần là cứu tôi thôi, nhưng chính tôi đã chủ động hiến dâng cho ông ta, chỉ nhằm mục đích trả thù kẻ đã lấy mất tiết trinh của mình! Lão Hai Bình sau khi biết ý định của tôi đã tìm cách hăm dọa rằng nếu tôi tố cáo thì lão sẽ giết cả nhà tôi chứ không riêng gì tôi! Tôi đành ngậm miệng trong uất hận, chờ ngày sinh đứa con đầu. Đứa con ấy chính là Hạnh. Dòng máu của...
Thuận không dừng được, phải hỏi liền:
- Giọt máu của lão quản gia?
Người phụ nữ nhẹ lắc đầu:
- Không. Nó là của... ông Trùm!
- Sao lại...?
- Chính lão Hai Bình cũng nghĩ đó là giọt máu của mình, bởi lão ta chiếm đoạt tôi trước. Nhưng chính tôi mới hiểu rõ, khi lão ta cưỡng hiếp tôi thì đúng vào chu kỳ thường lệ của người phụ nữ, làm sao mang thai được? Tôi có học làm y tá do ông Trùm buột phải học để chăm sóc sức khỏe trong nhà, nên tôi hiểu về chu kỳ thụ thai, sinh nở. Tôi có thai với ông Trùm, sau khi sinh con tôi đã một lần nói rõ với Hai Bình, để lão không còn vọng tưởng nữa, nhưng lão ta cứ quả quyết đó là con mình và một hôm lão ta viết một lá thư nặc danh gửi cho ông Trùm tố cáo rằng tôi đã ngoại tình với ai đó! Tính của ông Trùm thì cả nhà ai cũng biết, nóng như lửa, không thể chấp nhận bất cứ ai phản bội mình, bởi vậy khi hay tin ấy đã ra lệnh trói tôi vào gốc cây trong vườn, bỏ đói khát trong hai ngày liền, cấm không cho ai tới gần để cứu giúp. Tôi bị chết trong lần đó, trong khi con Hạnh mới có năm tuổi!
Bà quá xúc động lúc kể tới đó, phải ngừng lại để lấy bình tĩnh rồi mới tiếp:
- Con Hạnh lớn lên trong nỗi khổ tâm vì bị ông Trùm ghét bỏ bởi sự gieo rắc nghi kỵ của Hai Bình. Khi nó được mười sáu tuổi thì lộ rõ ý đồ của lão ta, khi lão ta dùng thủ đoạn đê tiện, giả chữ viết của tôi, ghi vào sau bức ảnh chụp chung của Hạnh và cậu Châu, khiến ai đọc vào cũng nghĩ đó là người không phải cùng huyết thống.
- Mục đích là gì cậu biết không?
- Là để... hai người sau này lấy nhau và... Lão ta nhắm vào cái tài sản khổng lồ này sau khi ông Trùm và cả bố của Châu mất đi! Lão ta nghĩ rằng khi để Hạnh lấy Châu thì lão sẽ danh chánh ngôn thuận làm chủ cơ ngơi này, vì lúc ấy lão là cha vợ của Châu rồi.
Thuận buột miệng kêu lên:
- Nếu đúng lời bà kể thì làm sao để xảy ra chuyện ấy được!
Bà ta thở dài, chép miệng:
- Đúng là như vậy! Về huyết thống thì chính thức Hạnh vai cô của Châu, làm sao để chúng phạm tội tày trời được. Bởi vậy lúc ấy tôi mới nhờ đến con mực Mi Nô giúp ngăn chặn lão ta!
- Con chó mực.
- Đúng. Khi ấy do hồn phách tôi chưa thể hiện về để hành động, nên chỉ còn cách mượn con chó mà lúc sinh thời tôi nuôi và Hạnh cũng cưng yêu nó. Con chó rất khôn, nó có được linh cảm giữa hồn người chết và kẻ dương gian, nên ngày đêm nó theo sát con Hạnh, không để lão Hai ấy ra tay. Nó luôn gầm gừ và xua đuổi mỗi khi lão ta tạo cơ hội cho Châu tiếp cận với con Hạnh. Và nó đã thành công. Một lần kia, chính lão Hai Bình đã dàn cảnh để Châu vào phòng của Hạnh trên tầng lầu thượng, trong khi nhà đi vắng hết. Lão còn cho Châu uống rượu có hạ thuốc kích dục, quyết để Châu chiếm đoạt Hạnh cho bằng được, Hạnh bị Châu tấn công, suýt mất đời con gái thì bất thần con chó mực xuất hiện, nó lao vào cắn Châu để lôi ra. Trong lúc dằn co thì Châu trượt chân, sắp ngã ra ngoài lan can của lầu thượng, Hạnh cũng chới với ngã theo! Lão Hai nhào tới chụp lại, nhưng chỉ chụp được Châu, còn Hạnh thì rơi từ trên cao đó xuống đất, chết liền tại chỗ!
Bà ngừng kể, khóc sướt mướt như chuyện ấy vừa mới xảy ra. Hồi lâu sau mới tiếp lời được:
- Tội nghiệp con chó mực, thấy chủ bị như vậy nó lao từ trên cao xuống theo, và cũng mạng vong theo Hạnh. Hai Bình không ngờ sự thể tồi tệ như vậy nên chỉ biết ôm đầu rên rỉ. Trong lúc Châu thì hoảng sợ, tỉnh cả rượu. Cậu ta bỏ trốn khỏi nhà ngay sau đó. Và đó cũng là nguyên do khiến về sau này Châu không bao giờ dám ở trong nhà này lâu. Việc Châu khiến cậu về đây hình như là có ý muốn nhờ cậu khám phá chuyện bí ẩn trong dòng họ nhà mình. Và cậu đã làm được điều ấy.
Thuận vẫn chưa hiểu:
- Cháu đâu làm gì?
- Có! Chuyện cậu chôn cái sọ trở xuống huyệt và việc cậu khám phá những trang viết, những bức ảnh trong phòng đã giúp giảm nỗi nghi ngờ từ lâu. Chính hành động đó của cậu đã khiến vong hồn tôi bấy lâu bị giam kín ở đáy mộ, được trở về đây hôm nay và có dịp nói lên hết sự thật!
Thuận ngỡ ngàng:
- Thì ra là như vậy...
Anh hơi ái ngại đưa mắt nhìn người đàn bà. Hiểu ý, bà ta nhẹ giọng nói:
- Có những oan hồn chỉ hiện ra để làm việc minh oan như tôi. Chứ không phải hồn ma nào cũng dữ, cũng ác. Mẹ con tôi xin cám ơn cậu nhiều và từ nay mong cậu hãy ở lại đây cùng chúng tôi.
Thuận hơi yên tâm, anh nói thật lòng:
- Xin phép bà, tôi chỉ ở lại một thời gian ngắn giúp cho Châu thôi. Nơi này không thuộc về tôi.
- Không, bây giờ nó đã thuộc về cậu rồi. Tôi và Hạnh nguyện sẽ ủng hộ cậu, giúp cậu định cư an lành chốn này. Không phải cậu cần một nơi để làm chỗ đón tiếp bạn bè, các nhà khoa học chuyên về khảo cổ sao? Nhất là cậu sắp phải đón cô người yêu thích phong cảnh thiên nhiên trở về từ nước ngoài sao? Cô ấy đang muốn cậu cưới ngay và tìm một chỗ ở yên tĩnh như thế này, đúng không?
Thuận quá đỗi ngạc nhiên:
- Sao bà biết?
Bà ta cười hiền hòa:
- Người cõi âm biết được nhiều chuyện trước người sống mà. Cậu tin lời tôi đi, nội nhật ngày hôm nay cô Ái Vân đó sẽ tìm tới tận đây cho coi!
Nói tới đó đột nhiên bà ta biến mất. Cả con chó cũng không còn...
Việc ngoài dự kiến của Thuận. Quả đúng như lời người đàn bà nói, chiều hôm đó Ái Vân xuất hiện khiến Thuận kinh ngạc! Cô giải thích chuyện mình tới được chốn này:
- Liên tiếp mấy đêm qua em đều mơ thấy một người con gái trẻ, rồi một phụ nữ lớn tuổi báo cho biết em phải tới ngay ngôi nhà này, kẻo chậm chân thì có nguy cơ sẽ mất anh! Lúc đầu em không tin, cho rằng chỉ là mộng mị, nhưng sáng qua, lúc em đang ngủ thì có người gõ cửa phòng, em ra mở cửa thì chẳng thấy ai, chỉ nhận được một mảnh giấy ghi rõ địa chỉ ngôi nhà này cùng lời ghi vắn tắt: Hồn ma không biết nói dối. Nếu cô không tới thì người con gái tên Hạnh sẽ về sống với Thuận như cuộc tình âm dương! Nghe và hoảng quá nên em lên máy bay về nước liền. Từ phi trường em đi thẳng lên đây!
Thuận ngồi thừ người ra, khiến Ái Vân phải sốt ruột:
- Có chuyện anh sẽ... lấy cô Hạnh nào đó không? Cô ta là ai vậy?
Thuận phải kể lại đầu đuôi câu chuyện dài cho Vân nghe và cuối cùng đề nghị:
- Anh với em ra mộ cô ấy thắp nén hương. Cô ta là một oan hồn tốt, một con người đáng kính trọng.
Tuy ngại, nhưng nghe theo Thuận, Ái Vân theo ra sau vườn. Chính Thuận phải ngạc nhiên khi thấy con chó mực đang nằm phục trước mộ, nó đưa mắt nhìn hai người khách. Thuận sợ, nên đứng áng ngang trước Ái Vân, vừa chấp tay vái:
- Xin bác và cô Hạnh chứng giám cho chúng tôi. Ái Vân tới đây theo sự cho phép của bác và chúng cháu...
Con chó mực đột nhiên phóng về phía sau ngôi mộ và biến mất trước sự ngạc nhiên của hai người. Thuận giải thích:
- Nó là con vật trung thành với chủ, nó chết theo và bây giờ là vật bảo vệ họ.
Chỉ một lúc sau bỗng con chó trở lại. Nó ngậm một chùm hoa thật đẹp, đặt ngay trước mặt Thuận và Ái Vân.
Trong lúc Ái Vân chưa hiểu gì thì Thuận reo lên:
- Nó tặng hoa cưới cho chúng ta!
Lời của Thuận vừa dứt thì con chó cũng nhảy vụt đi và biến mất bóng! Thuận nói một mình:
- Cám ơn cô Hạnh.
Ái Vân cũng nói theo:
- Mong cô giúp chúng tôi. Chúng tôi nguyện sẽ là những người nhang khói mãi mãi cho các vị.
Thuận và Ái Vân chia hai bó hoa, đặt trước hai ngôi mộ và khấn:
- Đây là lòng thành của chúng cháu. Xin bác và cô Hạnh hãy nhận.
Nắng chiều sắp tắt, đột nhiên mặt trời nhô ra từ đám mây và le lói ánh thái dương chiếu xuống. Ái Vân buột miệng khen:
- Trời hoàng hôn đẹp quá!
Họ vái thêm mấy lạy nữa rồi nắm tay nhau song bước vào nhà...
Họ sống trong ngôi nhà mà tưởng chừng như là cơn ác mộng, nay trở nên yên ắng, bình an. Thuận dọn khỏi căn phòng đang ở, chuyển xuống bên dưới nhà. Còn căn phòng đó anh cho đặt một tủ thờ, lấy ảnh của Hạnh cùng một bức ảnh khá cũ anh tìm được trong đống khung ảnh cũ mà anh cho là ảnh của mẹ Hạnh. Đặt hai ảnh lên tủ thờ và ngày ngày nhang khói.
Không hề có bất cứ hiện tượng ma quái nào xảy ra kể từ sau đó...