Tổng tập truyện ma của Người Khăn Trắng

NGƯỜI VỢ HÓA KHỈ -Phần II

Ông Lợi vừa nghe vợ kêu tên Ngọc Lệ thì giật mình:

- Ai... ai là Ngọc Lệ?

Trả lời cho ông là một tiếng rú kinh người phát ra từ con người khỉ kia.

Đồng thời người ấy phóng mình thẳng qua cửa sổ và mất dạng sau cánh rừng tràm. Vị tu sĩ thảng thốt:

- Lệ, em đừng đi, phải ở lại đây đòi món nợ năm xưa!

Nhưng bóng người khỉ đó đã mất hút trong cánh rừng dày đặc. Cũng lúc đó, giọng nói như tiếng khóc của tu sĩ Lượng:

- Nó có thể giết chết hai người để trả thù, nhưng tính nó vốn vậy đó, không thể ra tay tàn ác được!

Ông ta ngừng lại một chút, rồi tiếp với giọng đầy uất hận:

- Đã hơn mười năm rồi, ngày nào nó cũng ra lộ cái mà ngồi, để chờ đợi người mà nó cho là đã gây ra cái chết của nó, hại cả đời con gái của nó. Vậy mà đã trên mấy chục lần rồi, nó đối diện với hai người, để rồi lại âm thầm quay về mà chẳng thể nào hoàn thành được tâm nguyện... Nó đã tha cho hai người bao nhiêu lần rồi và lần này, sau khi tôi giúp nó rửa được một phần mối hận, chỉ một chút nữa thôi là nó làm xong những gì hơn mười năm nay luôn canh cánh bên lòng.

Bà Mỹ Dung vội chen vào:

- Ngọc Lệ chắc là hiểu cho chúng tôi, ngày đó chúng tôi đâu cố ý. Chúng tôi chỉ...

Lợi cũng hùa theo vợ:

- Anh Lượng hiểu cho bọn này, mình đâu có ý hại Ngọc Lệ. Chẳng qua...

Bỗng giọng của vị tu sĩ đanh lại:

- Vậy ai đã cưỡng bức Ngọc Lệ với sự tiếp sức của con đàn bà lòng lang dạ sói này! Ai, hai người nói xem?

Cả hai tái mặt:

- Dạ... dạ...

- Tôi đã xuất gia tu hành sau cái chết tức tưởi của em gái mình. Tôi không muốn mang thù hận lâu dài... Nhưng chính các người đã khơi dậy lòng oán thù khi cho thằng rể phá cái miếu thờ nó, khiến nó không có chỗ nương tựa.

Bà My Dung ngơ ngác:

- Thằng Cò mi Thuận thì dính gì vụ này?

- Về mà hỏi nó coi, có phải nó mua miếng đất xây ngôi biệt thự nghỉ mát ở Kiên Lương rồi trước khi xây đã phá cái miếu âm hồn hay không?

Ông Lợi giật mình:

- Quả là có chuyện đó! Nhưng khi ấy nó đâu có biết là miếu của ai?

- Phá chùa phá miếu là tội tày đình mà lại phá ngay cái miếu mà tôi đã cho xây để tưởng nhớ con Ngọc Lệ. Thử hỏi...

Ông mở tung cánh của sổ, chỉ tay ra phía rừng tràm:

- Hai người có nhìn thấy ai đứng ngoài kia không?

Hai vợ chồng cũng nhìn ra và đều sửng sốt:

- Ngọc Lệ!

Ông ta lắc đầu:

- Ngọc Lệ là con khỉ màu xám, còn ở kia là... con khỉ màu trắng. Hai người không nhớ gì sao?

Bà Mỹ Dung kêu lên:

- Con Mỹ Tiên!

Ông Lợi cũng nói theo:

- Đúng là con khỉ đã về báo cho mình hôm qua!

- Làm ác thì gặp ác thôi! Em gái tôi bởi mấy người mà mạng vong, thì nay tới phiên con gái mấy người phải trả giá!

Bà Mỹ Dung gào lên:

- Con gái tôi! Anh đã làm gì nó hả Lượng? Anh quá tàn ác...

- Tôi không làm, nhưng đó là hậu quả tất yếu của việc mà vợ chồng bà đã gây ra mà thôi! Bà có nhớ cái đêm mưa gió tháng tám năm ấy không? Cũng ở một cánh rừng tràm như thế này...

Ông Lợi nghe tới đó thì bịt tai lại, rên rỉ:

- Đừng nói... xin anh đừng...

Nhưng vị tu sĩ vẫn nói:

- Em gái tôi lúc ấy đang là người hầu cho ngài thẩm phán mới được bổ nhiệm Lê Tấn Lợi. Hôm đó ngài đi săn khỉ cùng với người yêu tại cánh rừng Cà Bay Ngộp này, có con Ngọc Lệ đi theo để hầu nước nôi, và nửa đêm hôm đó thì xảy ra chuyện! Khi ấy ngài thẩm phán Lợi sau khi uống say với mấy tên quan Pháp trên chiếc ca-nô lớn, đã bắt cóc em gái tôi đem xuống chiếc xuồng nhỏ và đưa ra xa, nơi đó có một cái chòi lá và có cả cô tiểu thư Mỹ Dung nữa! Thì ra những con người giàu có ăn no rửng mỡ, họ bày ra cái trò chơi bẩn thỉu, tội lỗi, gọi là đạt được mục tiêu do lời thách đố của mấy tên quan Tây. Họ thách rằng, nếu thẩm phán Lợi mà không cưỡng hiếp được cô hầu gái xinh đẹp Ngọc Lệ thì chính bọn quan Tây kia sẽ hiếp cô vợ trẻ của hắn. Do vậy mà khi tên Lợi bắt cóc được Lệ đem tới chòi lá đó thì chính người yêu của hắn tiếp sức, để cho hắn thực hiện hành vi đồi bại, đốn mạt kia!

Bà Mỹ Dung hoàn toàn suy sụp, bà ngã quỵ xuống đất, thều thào:

- Ngày đó... chẳng qua tôi sợ... tôi sợ bị hiếp bởi mấy tên Tây say, nên mới...

- Mới trói tay Ngọc Lệ, để cho tên khốn Lợi làm chuyện tội lỗi. Mà phải vậy thôi sao. Sau khi thực hiện xong thú tính, hai người đã đem vứt xác em tôi ở giữa rừng, thay vì thả nó ở ngay chỗ đó thì nó còn có thể bò trở ra ngoài sẽ có người cứu giúp. Chính bởi bị bỏ rơi cho nên nửa đêm hôm đó, lũ khỉ đông đến hàng trăm con đã kéo đến. Bọn khỉ đực sẽ chẳng bao giờ hiếp con người nếu... người đó không trong tư thế lõa lồ, nhất là người ấy vừa trải qua cơn mây mưa dục tình, cái mùi dục tình sẽ khiến lũ khỉ đực ham muốn, và thế là...

Ngừng lại với tiếng nấc qua màn nước mắt, hồi lâu sau, vị tu sĩ mới nói tiếp được:

- Ngọc Lệ đã chết sau sự cưỡng hiếp tập thể của đàn khỉ, và tôi chỉ hay tin sau bảy ngày vong hồn nó về báo cho biết! Nói thật, lúc ấy tôi quá uất hận, đã cầm dao ra Rạch Giá đôi lần để quyết trả thù cho em gái mình! Tuy nhiên, cũng đôi ba lần, em gái tôi đã tìm cách ngăn cản, khi thì nó khiến cho hai người đi vắng lúc tôi đột nhập vào nhà, khi thì khiến xe đò tôi đi báo thù bị hư dọc đường, để rồi sau đó hai người không đến nơi thường ở. Sau mấy năm, cuối cùng tôi nghiệm ra rằng: lòng thù hận sẽ dẫn tới cuộc báo oán triền miên, rồi sẽ có thêm cái chết của hai người, và sau đó còn tiếp nối dài dài... Oan nghiệt chất chồng oan nghiệt! Bởi vậy cuối cùng tôi đã quyết định khoác áo nâu sồng và quên hết mọi chuyện...

Ông nói tới đó thì ngừng lại hơn nửa phút, đến khi tiếp lời thì giọng trở nên buồn thảm:

- Nhưng chuyện đời đâu như ý mình muốn! Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng. Bởi vậy khi Cò mi Thuận ủi sập cái miếu thờ thì tôi không còn ngăn cơn thịnh nộ của Ngọc Lệ được nữa!

Bà Mỹ Dung đã đoán ra chuyện ông ta sắp nói:

- Và con gái tôi đã bị hại?

Giọng vị tu sĩ bùi ngùi:

- Đáng tiếc, nhưng không làm sao hơn! Đêm hôm ấy, trời xui khiến cho xe của Cò mi Thuận bị hư ở gần đây, và cô vợ trẻ của anh ta đã bị cái vong của Mỹ Lệ xui khiến bước xuống xe, đi thẳng tới nơi này...

Vừa nghe tới đó, bà Mỹ Dung đã kêu lên:

- Vậy con tôi đâu? Ai đã làm gì nó rồi?

- Rất tiếc... đêm đó tôi đã hết lời khuyên mà Ngọc Lệ không nghe, nó quyết đưa con gái bà đi vào rừng. Và chuyện gì sau đó ắt hai người biết rồi...

Cả hai đều kêu lên một lượt:

- Trời ơi!

Họ gục xuống. Trong khi ở bên ngoài cửa sổ có bóng một con khỉ trắng đứng lặng im...

 

Sau khi trở về từ Vàm Rầy thì hầu như bà Mỹ Dung đi vào hôn mê luôn. Các bác sĩ tây y đã chẩn đoán và kê toa đủ loại thuốc, nhưng bệnh tình của bà ngày càng tệ đi. Có người nói bà bị tâm bệnh hay một thứ bệnh của cõi âm gì đó, nhưng ông thẩm phán Lợi thì nhất định không tin.

Trong suốt thời gian bà nằm bệnh, thẩm phán Lợi bỗng dưng nổi cơn thèm muốn của đàn ông. Nếu bình tâm suy nghĩ một chút thì chắc ông thẩm phán đã sáu mươi tuổi sẽ không khỏi ngạc nhiên tại sao mình lại như vậy?

Trong khi chuyện ấy giữa ông và vợ đã ngừng từ vài năm rồi. Tuy nhiên, trong lúc này thì như một trai tơ, ông Lợi cứ rạo rực hoài và có nhu cầu như bao nhiêu đàn ông còn sung mãn khác. Ông lại giở chứng như cách đây trên mười năm...

Hôm đó là buổi chiều cuối tuần, thay vì ở nhà chăm sóc vợ, thẩm phán Lợi lại bảo tài xế riêng:

- Mày biết chỗ nào vui vẻ, chở tao tới đó coi!

Tài xế Hai là người lái xe cho ông lâu năm, kín tiếng và trung thành, nghe chủ nói anh ta đáp rất khẽ:

- Có chỗ này kín đáo lắm. Ông có thể tới được.

Nơi mà tài xế Hai nói thật ra anh ta chỉ biết hai hôm nay, do một người mới quen chỉ cho. Số là sáng thứ năm rồi, trong lúc chạy xe về nhà sau khi đưa chủ đi một vòng.

- Anh Hai!

Nghe kêu, tài xế Hai quay lại nhìn thì thấy có một người đàn bà tuổi trên dưới bốn mươi, đang đưa tay vẫy mình bên lề trái. Thấy không quen, Hai định chạy luôn thì chị kia chạy băng qua lộ, tiến sát anh, nói lớn:

- Em kêu anh đó, phải anh Hai Vĩnh không?

Cái tên Hai Vĩnh ít người biết, ngoại trừ thân cận. Nên anh phải tấp xe vào lề, rồi hỏi:

- Chị là ai mà biết tôi?

Người phụ nữ cười rất tươi:

- Mới mấy năm mà đã quên người quen cũ rồi. Phải rồi, bây giờ lái xe cho ông thẩm phán nên đâu thèm nhớ tới con Sáu Tuyết này nữa!

Hai Vĩnh nhìn sững chị ta:

- Phải Tuyết cơm tấm ở bến bắc không?

- Dữ hôn, giờ mới nhớ! Tuyết bắc Vàm Cống mà ngày xưa khi còn chạy xe đò, ngày nào anh cũng ghé ăn và... ghi sổ dài dài đây!

Quả thật Hai Vĩnh có biết một người như vậy, nhưng hình như chị ta thay đổi nhiều, nên anh chàng chỉ biết cười hòa và nói:

- Bận rộn quá đâu có nhớ. Mà sao cô lại ở đây, không ở Long Xuyên sao?

- Đâu có, em bán hàng ở bắc Vàm Cống, nhưng quê quán thì ở xứ này, nên sau khi nghỉ bán em trở về đây, chuyển nghề...

- Chắc lấy chồng giàu, làm bà chủ?

- Chồng con đâu mà lấy! Nhưng làm bà chủ thì có. Bà chủ nhỏ thôi...

Rồi chị ta cười tít mắt:

- Gặp anh, em mừng quá! Dẫu gì cũng là người quen cũ, vậy ghé ủng hộ em đi!

Hai Vĩnh ngạc nhiên:

- Em làm gì mà bắt anh ủng hộ?

Chị ta ghé sát tai Vĩnh nói nhỏ:

- Bán... bia có gái!

Hai Vĩnh giật mình:

- Cái vụ này tôi không hạp à nghen. Có bao giờ tôi ghé mấy cái quán loại đó đâu. Vả lại...

Chị ta nheo mắt rồi móc túi lấy ra tờ danh thiếp:

- Đây là địa chỉ quán của em. Anh không thích đi thì chỉ cho bạn bè hay... ông chủ anh đi. Bảo đảm với anh, ở chỗ em có một con nhỏ trẻ đẹp mà bất cứ đàn ông nào cũng phải mê.

Chị ta còn nói huyên thuyên đủ thứ chuyện, Hai Vĩnh chỉ ậm ừ cho qua rồi tìm cách thoát thân. Anh ta nghĩ bụng sẽ không bao giờ tới chỗ chị ta.

Nhưng mọi việc lại đổi khác khi bữa nay lại nghe chính ông chủ nghiêm khắc đề nghị đi vui vẻ!

Thấy Hai Vĩnh hứa hẹn thẩm phán Lợi hạ giọng:

- Đừng để ai nhìn thấy nghe mày!

Từ bữa được chào mời, bữa nay là lần đầu Hai Vĩnh mới tới. Tuy nhiên, anh không ngờ khi vừa cho xe đậu trước cổng ngôi nhà ngói cũ, anh đã thấy Sáu Tuyết từ trong cổng chạy ra đon đả:

- Em biết thế nào anh Hai cũng tới, mà lại tới với... ông lớn nữa! Vậy mời vào, cho xe vào luôn trong này, có chỗ đậu kín đáo lắm.

Chưa gặp chị ta bao giờ, nhưng tự dưng ông Lợi cảm thấy quen quen...

Ông được mời vào trong một phòng riêng, chỉ mỗi mình ông. Nhưng chờ không lâu, đã thấy xuất hiện một giai nhân, mà vừa thoạt nhìn thấy ông thẩm phán gần như hồn phi phách tán!

- Chào ngài thẩm phán!

Trốn đi chơi lén mà bị người ta phát hiện, gọi đúng chức vụ, đáng lẽ ông Lợi e ngại lắm, nhưng chẳng hiểu sao ông cứ tỉnh như không. Có lẽ tâm trí ông gần như bị hút vào cô gái có nhan sắc lạ lùng này!

- Ngài không vừa lòng em sao mà cứ ngây ra như vậy? Hay là để em nói bà chủ đổi người khác?

- Không, không phải... - Thẩm phán Lợi quýnh lên.

Ông ta như một chàng trai mới lớn, bị cô nàng làm cho ngất ngây, quên cả những lời tán tỉnh mà thường khi ông ta rất nhạy bén. Cô gái phải bẹo vào má ông, nũng nịu:

- Không thèm mời người ta ngồi gì hết hà!

Bấy giờ lão mới vụng về kéo tay nàng ta xuống, vô tình khiến nàng ta ngã gọn vào lòng lão!

- Ối, em xin lỗi!

Và khi lão ta vừa cúi xuống thì nàng ta đã bất thần kéo ghì đầu lão, rồi gắn chặt môi mình lên đôi môi đang thèm khát kia. Chỉ cần có thế, thật nhanh chóng để họ trở thành tri kỷ của nhau. Cho đến khi tuần rượu thứ hai đưa lên thì thẩm phán Lợi dõng dạc tuyên bố:

- Từ nay cô nàng tên Bích Liên này đã thuộc về ta!

Bà chủ quán xuất hiện đúng lúc và được vị khách sộp này móc ra một số tiền lớn đưa cho:

- Chị cầm lấy số này, coi như tiền ta chuộc Bích Liên.

Thấy chị ta có vẻ do dự, ông Lợi bồi thêm:

- Đây chỉ là tiền lót tay, rồi ta sẽ đưa thêm gấp đôi!

Dĩ nhiên là lời đề nghị hấp dẫn đó được chấp thuận. Cho đến khi tiệc tàn, thẩm phán Lợi ra lệnh cho Hai Vĩnh:

- Chở luôn nàng ấy về cho ta!

Hai Vĩnh lưỡng lự:

- Nhưng thưa ông...

Hiểu ý, lão ta chỉ tay về hướng ngoại ô thị xã:

- Mày đưa nàng về căn phố tao mới mua chưa ở. Từ nay cho nàng ở luôn nơi đó.

Bích Liên cảm động dựa đầu vào vai anh kép già, kín đáo nhoẻn miệng cười... Riêng Hai Vĩnh thì kêu thầm:

- Khổ tới rồi!

Rồi ngay tối đó, lão thẩm phán đã ở lại luôn với người đẹp tại ngôi nhà mà khi mua, lão từng nói là dành cho bà vợ làm chỗ thờ cúng, tụng kinh gõ mõ!

Hai Vĩnh cũng không ngờ ông chủ mình say mê cô nàng nhanh đến như vậy, cho nên anh ta cũng chưa tính được cách trả lời nếu bà chủ hạch hỏi.

Cũng may là đêm đó cũng giống như mấy đêm trước, bà Mỹ Dung vẫn còn mê man...

Ở một góc tối ngoài vườn, có một bóng trắng đứng lặng nhìn vào nhà, đôi vai run run theo tiếng nấc... Người ấy đang khóc. Và nếu có ai nhìn kỹ sẽ nhận ra, bóng đó là một con khỉ màu trắng!

Nàng ta khóc và thỉnh thoảng khẽ kêu lên:

- Mẹ ơi!

 

Bà Mỹ Dung đã trị đủ loại thuốc, đủ loại thầy mà bệnh tình vẫn trơ trơ.

Vậy mà chỉ sau đêm hôm đó, khi tài xế Hai Vĩnh ngủ giữ xe ngoài hàng hiên nhìn thấy một bóng trắng to lớn phóng từ phòng bà ra ngoài, thì sau đó nghe tiếng bà ú ớ kêu vọng ra!

Không tiện vào phòng bà chủ, nên Hai Vĩnh đã báo động để những tôi tớ khác chạy vào. Lúc ấy bà đã tỉnh lại, đang ngồi trên giường và thốt nhiên hỏi:

- Con gái tôi đâu?

Ai nấy ngơ ngác:

- Thưa bà... cô Mỹ Tiên đã...

Bà gắt lên:

- Ai không biết nó đã chết! Nhưng... nó mới về đây, chính nó đã cứu tôi tỉnh lại. Nó đâu rồi?

Bà bảo mọi người cùng tìm khắp nơi. Hai Vĩnh đoán ra, anh nói riêng với bà:

- Con mới thấy một cái bóng trắng thoát ra từ phòng bà!

Bà Mỹ Dung bật ngay dậy, lâu ngày không bước xuống đất nên bà lảo đảo suýt ngã. Cũng may là sau đó bà lấy lại thăng bằng và quát to:

- Đưa tao đi!

Nhìn đồng hồ tay thấy đã hơn hai giờ sáng, Hai Vĩnh vừa chạy ra mở cửa xe vừa lắp bắp nói:

- Thưa bà, giờ này...

Bà ra lệnh:

- Đưa tao tới ngay ngôi nhà ở bên Vĩnh Thanh Vân!

- Thưa bà... dạ thưa bà... - Hai Vĩnh quýnh lên.

Bà lại quát to hơn:

- Sợ tao lột mặt nạ chủ tớ tụi bay ra phải không!

- Dạ... con đâu dám...

- Con gái tao đã nói hết rồi, đừng giấu nữa!

Không còn cách nào hơn nên Hai Vĩnh đành lái xe về hướng căn phố ở ngoại ô, nơi hắn đã đưa ông chủ tới đó hồi đầu hôm...

Tuy nhiên, vốn có ý bênh ông chủ mình, nên Hai Vĩnh cố tình như quên chỗ, lái xe đi vòng vòng và chạy thật chậm... Nhưng thật bất ngờ, tay lái như bị ai đó điều khiển, ga bị nhấn mạnh và chiếc xe lao tới vun vút! Đến nỗi Vĩnh phải la lên:

- Xe kỳ quá, tôi không điều khiển được nữa rồi!

Cũng may là chỉ một lúc sau thì đến nơi. Xe đã dừng lại trước cửa căn phố rồi mà Hai Vĩnh vẫn còn hoang mang ngồi yên trên xe. Lúc đó, bà Mỹ Dung tự mở cửa xuống và ra lệnh:

- Mày lùi xe lại đằng kia chờ tao! Mày mà báo động cho ông ấy chạy thoát thì mày thế mạng đó!

Bà hùng hổ bước vào trong. Cánh cửa do Hai Vĩnh khóa trái lúc đi ra theo lời dặn của thẩm phán Lợi, giờ đây chẳng hiểu ai đã mở sẵn! Bởi vậy, đến khi bà Mỹ Dung xông vào tận phòng trong rồi mà người trong ấy vẫn không hay biết!

Tiếng quát của bà khiến cho người nằm trên giường hốt hoảng bật dậy.

Đó là... một con khỉ đột to bằng người, bộ lông màu xám!

- Trời ơi!

Bà Mỹ Dung vừa kêu vừa cố bước lùi... Tuy nhiên, đôi chân của bà hầu như không cất lên được, trái lại như còn bị đẩy đi tới. Trước mắt bà, rõ ràng người đang nằm cạnh con khỉ là ông chồng thẩm phán! Ông ta còn ngủ say, chẳng hề hay biết gì. Trong lúc con khỉ bước xuống giường, tiến về phía bà Mỹ Dung. Miệng nó nhe ra, hai chiếc răng nanh nhô dài như chực cắn cổ người trước mặt! Bà Mỹ Dung thét lên một tiếng rồi đổ người xuống chờ chết...

Vừa lúc ấy, cái bóng trắng quen thuộc lao nhanh vào, rồi bằng một động tác dứt khoát, người ấy cắp hai bên hai người, một là bà Mỹ Dung, còn bên kia là ông thẩm phán, nhảy vút ra ngoài và mất dạng!

Còn lại trong phòng, con khỉ xám điên tiết lồng lên! Nó đập phá đồ đạc chung quanh và hình như chưa hả giận, nó xé nát cái nệm giường, vừa ngửa cổ hú lên những tràng dài, kinh động cả một vùng!

Hai Vĩnh đậu xe cách hơn trăm thước, nghe được tiếng hú, anh ta hốt hoảng lùi xe lại nghe ngóng... Bất chợt anh ta nhìn thấy ngọn lửa bùng lên từ ngôi nhà, lửa càng lúc càng dữ dội mà không nhìn thấy ai trong đó chạy ra. Hai Vĩnh hốt hoảng kêu to:

- Ông bà chủ ơi!

Nghe tiếng anh ta la, nhiều người quanh đó bâu lại, họ hỏi dồn:

- Chuyện gì vậy?

Vĩnh đưa tay chỉ vào trong, quýnh lên:

- Cứu! Cứu giùm với... Có người kẹt trong đó!

Lửa cháy quá lớn, nên có người muốn vào cứu cũng không vào được.

Phải đợi hơn mười phút sau, khi có lính cứu hỏa tới thì họ mới phá cửa xông vào.

Cuối cùng, họ chỉ cứu ra được đúng một người. Nhưng khi mọi người nhìn thấy người đó thì thảy đều kinh hãi. Bởi đó là một người mà nửa phần trên là mặt và thân thể của một cô gái, còn nửa phần dưới là một con khỉ đột thật lớn!

- Trời ơi!

Ai nấy kêu lên và trố mắt nhìn. Tuy nhiên, chỉ hơn một phút sau thì thân thể ấy từ từ biến dạng... Cuối cùng chỉ còn lại một bộ xương trắng!

Mấy người lính cứu hỏa cũng không còn bình tĩnh, họ đặt hài cốt đó xuống sân rồi lo đi cứu lửa. Mọi người cũng tạm quên bộ xương, để tiếp tay lo dập lửa đang bắt đầu lan sang mấy căn nhà bên cạnh.

Đến khi họ chợt nhớ, quay lại thì chẳng còn thấy bộ xương đâu? Một người nói:

- Tôi mới thấy đây mà!

- Có ai dời đi đâu không? - Người khác hỏi.

Chẳng một ai biết. Hai Vĩnh cũng có mặt ở đó, anh cố chen mọi người vào trong nhìn. Khi thấy ngôi nhà của chủ tàn lụi theo ngọn lửa, anh ngao ngán lắc đầu rồi quay ra ngoài, giọng đẫm nước mắt:

- Cả hai ông bà đều ở trong đó!

Anh ta vừa mở cửa xe leo lên thì bất chợt nghe một giọng nói từ băng sau:

- Họ không chết đâu, đừng lo!

Hai Vĩnh giật mình quay lại thì bắt gặp vị tu sĩ mặc áo nâu, đang ngồi bên cạnh một bộ hài cốt. Quá đỗi ngạc nhiên, Vĩnh định hỏi thì vị đạo sĩ đã nói như ra lệnh:

- Đi đi, ắt gặp họ.

Vĩnh không hỏi là đi đâu, nhưng khi anh lái về hướng trước mặt, con đường dẫn về Hà Tiên thì người ngồi sau vẫn im lặng, có nghĩa là xe đi đúng hướng!

Cứ như thế, xe chạy với tốc độ nhanh, mất gần hai tiếng thì tới nơi. Đó là lần đầu tới đây, nên Vĩnh phải lên tiếng hỏi:

- Đây là đâu?

- Vàm Rầy. Anh không biết, chứ những người thân trong nhà chủ anh đều biết. Anh có muốn ngồi đây đợi hay vào trong đó giúp đưa chủ anh về?

Nghe nói thế, Hai Vĩnh mừng và reo lên:

- Chủ tôi còn sống sao?

Vị tu sĩ ôm bộ hài cốt trên tay, vừa đi vào phía am vừa đáp:

- Họ ở trong kia!

Hai Vĩnh chạy theo định giúp một tay, nhưng vị tu sĩ đã lắc đầu:

- Đây là hài cốt của một vong hồn, người trần đụng vào là không toàn mạng!

Câu nói đó làm cho Vĩnh sợ hãi, lùi lại phía sau. Đến khi anh ta theo vào được trong am thì vô cùng kinh ngạc, bởi trước mắt là ông bà chủ của anh đang ngồi ủ rũ trông rất thảm hại!

- Kìa, ông bà!

Anh ta lo cho họ, nhưng cũng mừng, bởi như vậy là họ không chết trong biển lửa như anh lo từ nãy giờ. Tuy nhiên, khi nhìn sắc diện của hai người thì Vĩnh không khỏi ái ngại, bởi da mặt họ vàng như nghệ, mà cặp mắt thì lờ đờ, không còn chút thần khí.

Vị tu sĩ đặt bộ hài cốt xuống trước mặt họ, giọng nhẹ nhàng:

- Lại một lần nữa nó thất bại.

Bà Mỹ Dung đang gục mặt đã vội ngẩng lên, ngơ ngác nhìn bộ xương, rồi giọng run run hầu như không thành tiếng:

- Tôi... tôi xin...

Vị tu sĩ nghiêm giọng tiếp:

- Em gái tôi dẫu thành ma nhưng vẫn không thể hại người! Nếu không thì ông chồng bà đã chết ngay từ đêm qua rồi!

Ông thẩm phán mới giương cặp mắt lờ đờ lên nhìn và hốt hoảng khi nhìn thấy bộ hài cốt, ông ta cố lùi lại, nhưng không cách nào nhấc người lên. Chỉ biết lắp bắp:

- Tôi... xin chịu tội...

Vị tu sĩ nhẹ thở dài:

- Em tôi giờ đây chỉ còn lại bộ hài cốt đó, thân xác trong lốt khỉ không còn, mà hồn phách cũng tiêu tan. Nó trả lại cuộc sống cho hai người đó...

Ông ta nói xong bước nhanh vào trong. Lát sau trở ra, ông đưa một cái quách nhỏ cho vợ chồng thẩm phán Lợi:

- Tôi biết sẽ có ngày này nên đã chuẩn bị. Vậy bây giờ hai người hãy chở hài cốt em tôi về nơi có cái miếu thờ chôn cất nó ở đó, tiện thì cất cho nó một cái am. Nó sẽ không đòi hỏi gì nhiều hơn đâu...

Vợ chồng thẩm phán Lợi riu ríu làm theo. Vừa làm mà trong lòng không yên, cứ lo chuyện chẳng lành sẽ xảy ra sau đó... Tuy nhiên, khi họ đặt bộ hài cốt vào quách xong thì nhìn lên chẳng còn thấy vị tu sĩ đâu. Bà Mỹ cất tiếng gọi thử:

- Thầy Lượng ơi!

Chẳng có ai trả lời. Sau nửa giờ chờ đợi, cuối cùng hai người cùng nhau khiêng cái quách ra xe. Hai Vĩnh chờ ở đó, anh bảo:

- Ông đạo sĩ vừa ra đây, ông dặn là không được chôn chỗ nào khác ngoài chỗ ông đã dặn.

Họ lẳng lặng khiêng cái quách lên xe và chỉ hướng cho Vĩnh:

- Về Kiên Lương, chỗ cậu Thuận xây cái biệt thự mới.

Đó là một ngôi nhà mát mới vừa hoàn thành, gần Hòn Chông. Dừng xe, nhìn thấy cổng không khóa, Hai Vĩnh ngạc nhiên:

- Sao cậu Thuận không khóa cổng lại, chưa ai ở mà để ngỏ như vậy tụi nó vào phá phách hết đồ đạc!

Nhưng khi họ bước vào trong rồi mới phát hiện là có người! Ở sân sau có một người đang quỳ gối trước một bãi đất đầy cỏ. Người ấy là Cò mi Thuận!

Ông thẩm phán kêu lên:

- Sao con về đây?

Thuận không ngẩng lên, mà lại hỏi:

- Sao tới giờ này ba má mới về tới? Vợ con nó chờ không được nên vào trong ngủ rồi...

Bà Mỹ Dung kinh ngạc:

- Vợ con... thế nào?

- Cô ấy ngủ trong kia.

Vừa buông cái quách xuống, bà mỹ Dung đã chạy bay vào trong, ở căn phòng mở hé cửa, khi nhìn vào bà đã há hốc mồm, kêu lên:

- Con... con...

Bà không biết phải gọi là gì. Bởi trước mắt bà, đang nằm trên giường là một con khỉ trắng cực to!

- Mỹ... Mỹ Tiên!

Bà thu hết can đảm gọi khẽ, con khỉ cựa mình rồi bật ngồi dậy. Giương đôi mắt nhìn. Bà Mỹ Dung không còn nghi ngờ gì nữa, bà gọi lớn:

- Mỹ Tiên, con của mẹ!

Đôi mắt ấy bà làm sao nhầm lẫn được, nó là đôi mắt của con gái bà! Và nó đang... chảy nước mắt!

- Con ơi...

Bà tính lao tới, nhưng vừa lúc đó có giọng của Thuận ở phía sau:

- Cô ấy đã là người cõi âm rồi, mẹ đụng vào là vĩnh viễn cô ấy sẽ không hiện diện với chúng ta được nữa!

- Con ơi!

Bà gào lên, Thuận phải giải thích thêm:

- Mỹ Tiên đã cố sức cứu cha mẹ khỏi đám lửa hận thù của Ngọc Lệ, đưa ba mẹ về cái am của tu sĩ Thành Lượng, để ba mẹ có dịp thể hiện lòng thành của mình trước hài cốt của cô Lệ. Riêng Mỹ Tiên thì may mắn, không tiêu hồn phách tán như Ngọc Lệ, nhưng cô ấy không đủ sức nữa... Hãy để cho cô ấy nghỉ ngơi, hy vọng cô ấy còn ở lại với chúng ta.

Con khỉ trắng cứ ngồi khóc trên giường mãi, không nói được lời nào.

Thuận phải kéo cha mẹ vợ ra ngoài, rồi bảo:

- Con đã phạm tội khi san bằng ngôi miếu trên mảnh đất này nên mới gây ra chuyện, chứ thật ra oan hồn của cô Ngọc Lệ không ác. Tuy vợ con đã thay mặt ba má và con để chịu chết, hóa thành khỉ, nhưng dẫu sao ta cũng phải cám ơn cô Ngọc Lệ đã còn nương tay...

Anh dẫn cha mẹ vợ trở ra chỗ mảnh đất hồi nãy, định chỉ chỗ để cất lại ngôi miếu thì quá đỗi ngạc nhiên khi chẳng thấy cái quách đâu?

- Lúc nãy để đây cơ mà? Mà nãy giờ cũng đâu có ai vào nhà? - Ông Lợi kinh ngạc.

Nhìn thấy một mô đất gò lên, Thuận hiểu, anh nói:

- Cô ấy muốn thân xác được chôn ở đây, thay vì mình tính chôn chỗ bên kia.

Bà Mỹ Dung có ý:

- Tôi muốn lập một lúc hai cái miếu, một cái cho cô Ngọc Lệ, còn cái kia cho Mỹ Tiên...

- Chỉ một cái cho cô Lệ thôi, còn Mỹ Tiên thì đã có ngôi nhà này rồi... - Cò mi Thuận nói ngay.

Anh quay sang cha mẹ vợ nói nghiêm túc:

- Để chuộc lỗi, con sẽ xây lại cái miếu cho cô Ngọc Lệ thật khang trang. Còn Mỹ Tiên thì sẽ ở với con trong ngôi nhà này. Con cũng xin thông báo với cha mẹ, ngày hôm nay con đã xin nghỉ việc, để về đây sống vĩnh viễn với Mỹ Tiên.

Ông Lợi kêu lên:

- Con đã suy nghĩ kỹ chưa? Tuổi con còn trẻ, lại mới lên chức Cò mi, mai mốt còn lên cao nữa, dễ gì có được!

Nhưng Thuận đã dứt khoát:

- Nghĩa lý gì đâu khi không còn có vợ bên cạnh. Con quyết sẽ ở đây, cùng sống kiếp âm dương giao hòa với vợ con...

 

Thuận đã thực hiện được ước nguyện của mình. Từ đó, anh sống hẳn ở ngôi nhà mát gần Hòn Chông, hầu như quên hết chuyện thế tục chung quanh.

Riêng vợ chồng thẩm phán Lợi dù chẳng đau bệnh gì, nhưng vài tháng sau bỗng nằm ngủ rồi không dậy nữa.

Thuận chôn cất cha mẹ vợ chu đáo. Khi anh trở về nhà mình thì thấy trên giường ngủ có một mảnh giấy của ai đó, chữ rất lạ, viết: "Vợ anh chưa phải là một hồn ma. Cô ấy bị truyền máu ma khỉ từ cô Ngọc Lệ nên hóa khỉ. Tuy nhiên, hy vọng đến một ngày nào đó do gần được người, nhận được tình yêu nơi chồng thì cô ấy có thể hoàn lại kiếp người! Anh hy vọng đi...".

Thuận mừng hơn bắt được vàng! Anh ngóng trông từng giây từng phút cho đêm đến và Mỹ Tiên trở về để báo cái tin này...

Có đôi mắt khỉ nhìn anh âu yếm từ trong bóng tối...