- Con đi nhanh lên, sư cụ chỉ có thời giờ ít thôi, ông còn phải đi dự trai đàn ở xa mà cố gắng đợi mẹ con mình đó!
Hưng càu nhàu:
- Con nói rồi, chuyện cầu xin làm chi cho mất công, bề nào cũng...
Anh muốn nói điều gì đó, nhưng kịp ngừng lại. Bà Thái không để ý lắm, bà chỉ gấp gáp thôi:
- Nhanh chút nữa con!
Từ ngoài đường cái vào tuy là quãng đường đất khá xa, vậy mà chỉ mất chưa đầy năm phút là hai mẹ con vào tới nơi. Ngửi được mùi hương nhang từ trong tỏa ra, bà Thái vui hẳn lên:
- Sư cụ còn chờ mình trong đó!
Bà vừa dứt lời thì từ trong chánh điện đã có tiếng vọng ra:
- Mời bà và cậu vào trong này.
Bà Thái nói nhanh với con:
- Nhớ là phải lễ phép với sư cụ đó, không được hỏi lôi thôi!
Hưng bỏ giày ra rồi theo mẹ bước tới sau lưng vị sư già đang ngồi xếp bằng trước bàn thờ Phật.
- A di đà Phật, con kính lễ thầy!
Hưng cũng chấp tay xá theo chứ không nói được như mẹ. Lúc này vị sư già mới ngẩng mặt lên, quay lại. Ông cất tiếng hiền từ:
- Thầy tưởng phải chờ lâu.
Bà Thái mau mắn:
- Dạ, đã được thầy cho phép thì đệ tử đâu dám chần chừ.
- Không phải bà, mà là cậu đây...
Hưng giật mình, anh lí nhí:
- Dạ... con... con...
Nhà sư vẫn giữ nụ cười hiền hòa, ông vừa đứng lên vừa đưa tay chỉ ra sau:
- Mình ra ngoài nói chuyện cho thoáng mát.
Theo ông ra hoa viên phía sau chùa và không đợi bà Thái lên tiếng, sư cụ Chơn Phước đã chủ động nói:
- Sao, có chuyện gì hai vị cứ nói tự nhiên, thầy nghe.
Bà Thái nói liền:
- Bạch thầy, như đệ tử thưa với thầy hôm qua, thằng con trai của con nó có vấn đề...
Không để bà nói hết, nhà sư đã nói:
- Chuyện cái tâm không được an trước ngày lấy vợ phải không?
Bà Thái giật mình:
- Sao thầy biết?
Nhà sư nói mà không nhìn Hưng:
- Sắc diện cậu đây đã nói hết điều trong lòng. Cậu không hài lòng điều gì ở người con dâu mà mẹ cậu chọn?
Bà Thái định nói thay con, nhưng sư Chơn Phước đã chận lời:
- Thầy muốn nghe chính cậu đây nói thôi.
Bấy giờ Hưng mói thật sự lúng túng:
- Dạ... bạch thầy, con...
Bà Thái khuyến khích:
- Thầy đã hỏi thì con nói thật hết cho thầy nghe.
- Cậu không phải nói hết. Chỉ trả lời thầy tại sao cậu không thích người mẹ cậu chọn?
- Dạ... không phải con không thích. Nhưng... không dám thích thì đúng hơn!
Câu trả lời của Hưng làm cho bà Thái ngạc nhiên, trái lại nhà sư thì không, ông gật gù nói:
- Đây là lời thật lòng của cậu. Vậy điều gì khiến cho cậu sợ?
- Dạ...
Bà Thái lại chen vào:
- Con sợ cái gì? Con nhỏ này là con nhà gia giáo, nó lại nết na đằm thắm mà chính con cũng nhiều lần khen. Hơn nữa con và nó từng quen biết nhau nhiều năm, từng hẹn ước nữa...
Hưng chừng như không muốn mẹ mình nói ra những điều đó, anh hơi xẵng giọng:
- Chuyện đó là của con...
Nhà sư nghiêm giọng:
- Chuyện này không đơn giản đâu.
Nghe ông nói thế, bà Thái lo lắng:
- Có gì nghiêm trọng sao thầy?
Nhà sư lại nhìn Hưng:
- Thầy nói không đơn giản không phải về phía cô gái, cũng không phải từ đôi bên cha mẹ, cũng không phải do bản thân cậu. Mà do một nguyên nhân khác...
Hơi giật mình bởi câu nói, Hưng lần đầu tiên dám nhìn thẳng vào mắt nhà sư, nhưng mới vừa nhìn anh đã vội tránh đi ngay, bởi hình như trong ánh mắt ấy như có cái gì đó khiến Hưng phát sợ!
Thấy sự lúng túng của Hưng, sư Chơn Phước nhắc:
- Hơn lúc nào hết, giờ đây cậu cần phải bình tĩnh. Bởi việc cậu sợ có liên quan tới tâm linh, nên thái độ của cậu sẽ quyết định cả cuộc đời cậu!
Vừa nghe tới đó bà Thái đã kêu lên:
- Có gì nghiêm trọng sao thầy? Trời ơi, con tôi...
Nhà sư dịu giọng:
- Chuyện này chỉ có mình cậu đây giải quyết được thôi, xin bà cứ bình tĩnh. Mà thôi, để cho dễ cả hai mẹ con, xin bà tạm ra hậu điện ngồi uống nước. Thầy cần nói thêm với cậu đây vài câu...
Bà Thái đành phải tránh đi, nhưng vẫn hướng mắt đầy lo lắng về phía con trai. Trong khi đó sư Chơn Phước chỉ nhìn về phía Hưng, không nói gì, nhưng hình như đang khuyến khích anh nói. Và Hưng nói rất thật lòng:
- Con sợ một cái gì đó vô hình! Cụ thể là mỗi khi con có ý định tới gặp Diệu Hương, người mà mẹ con định cưới cho con thì y như là con bị cái gì đó hành xác con dữ lắm, đến nỗi có lần con đang ngồi trên xe mà bị rớt xuống đất lúc nào không hay! Mà không phải một lần, nó cứ xảy ra hoài mỗi lần con gặp hay nghĩ tới cô gái ấy. Lúc đầu con tưởng mình bị bệnh, nhưng sau này ngẫm lại con mới hiểu, nếu con không nghĩ tới ai khác phái thì không có chuyện gì... Con đã đi khám bệnh tâm thần, thầy thuốc không phát hiện bất cứ bệnh tật gì ở con. Con hoang mang quá, mà ngày mẹ con muốn con cưới vợ cũng không còn xa nữa. Vậy con phải làm sao?
Nhà sư trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Thầy không rành chuyện thần bí đó, nhưng nhìn khí sắc con ta đoán chắc con bị một ám ảnh gì đó lớn lắm. Ta hỏi thật, từ nào đến giờ con đã từng qua đời vợ nào chưa?
Hưng đáp ngay:
- Dạ chưa! Từ nào đến giờ con ở nhà cha mẹ, con đi học, rồi bây giờ mẹ con bắt đi lấy vợ. Con chưa hề...
Nhà sư lại thêm một phút trầm ngâm:
- Ta có nghiên cứu quẻ dịch, cho nên khi mẹ cậu và cậu chưa tới đây ta đã có bói một quẻ, ta lấy làm lạ là sao... cậu còn trẻ như vầy mà đã vướng chuyện tình trường?
Hưng lại chối bai bải:
- Không có đâu thầy! Năm nay con mới có mười tám, mà mấy năm trước con chỉ biết lo học hành...
Nhưng chợt anh khựng lại, bởi trong đầu Hưng dường như đang có một tiếng khóc nức nở của ai đó, lúc thì như vọng lại từ bên ngoài, lúc lại như đang ở trong đầu... đủ khiến cho Hưng vừa sợ hãi lại vừa như tò mò...
- Cậu sao vậy? Có phải...
Hưng đành thú thật:
- Con đang nghe ai đó khóc! Mà điều này cũng thường xảy ra! Người ta chỉ khóc văng vẳng thôi, vậy mà con nghe như triệu triệu lời trách móc, đay nghiến... Con làm sao bây giờ đây thầy?
Nhà sư đột ngột đặt tay lên giữa trán của Hưng trong vài giây rồi nói nhanh:
- Cậu mắc nợ ai đó một lời thề hay một lời hứa gì đó quan trọng lắm!
Hưng chợt thoát ra khỏi trạng thái đang mắc phải sau câu nói của nhà sư. Nhưng anh vẫn không thừa nhận:
- Con không hề có điều gì với ai hết! Hay là...
Trong đầu anh lại tiếp tục nghe những âm thanh như lúc nãy, điều này khiến Hưng hiểu rằng hễ anh chối bỏ điều như nhà sư nói thì anh bị... ai đó làm cho rơi vào tình trạng khó chịu này!
Sư Chơn Phước bỗng đứng dậy, ông nói dứt khoát:
- Cậu về suy nghĩ kỹ lại coi, mình có phạm điều gì như thầy vừa nói không? Phải tìm ra căn nguyên thì mới hy vọng giúp cậu thoát qua trạng thái này.
Ông ra ngoài báo cho bà Thái:
- Bà đưa cậu ấy về đi, không có gì đáng lo cả. Nhưng theo thầy thì bà nên hoãn chuyện tính cưới vợ cho cậu ấy, cho đến khi nào tự cậu ấy thấy cần.
Bà Thái lo lắng định hỏi thêm, nhưng nhà sư đã lặng lẽ bước về chánh điện, bắt đầu buổi kinh sáng như thường lệ. Mà một buổi cầu kinh của thầy thì kéo dài đến giữa trưa, không gì làm cho ông bỏ dở buổi kinh...
Hưng giục mẹ mình:
- Mình về thôi, má!
Suốt trên quãng đường về dù bà cố dò hỏi, nhưng Hưng không hé răng nửa lời về buổi trò chuyện với nhà sư. Chỉ khi về đến gần nhà Hưng mới đột nhiên nói:
- Con muốn đi qua bà nội!
Bà Thái ngạc nhiên:
- Qua bên đó làm gì con, để bữa khác đi cho sớm, bây giờ gần giữa trưa rồi, đây qua đó đến hơn trăm cây số.
Nhưng Hưng vẫn cương quyết:
- Con có việc này cần lắm, con phải đi!
Chưa bao giờ bà Thái thấy con như vậy! Bà nghĩ có lẽ nhà sư đã nói gì đó nên Hưng mới gấp đi như thế. Bà đành phải chấp thuận, nhưng căn dặn:
- Nếu liệu không về sớm được thì con ở bên đó ngủ với nội, bữa sau về cũng được.
Hưng đáp gọn lỏn:
- Vài bữa con mới về!
Thấy cháu nội về bất ngờ, bà nội Năm đã ngạc nhiên, mà bà còn ngạc nhiên hơn khi Hưng hỏi:
- Nội nhớ ông giáo Luận không nội?
- Giáo Luận nào, phải ông giáo ngày trước dạy con và mấy đứa trong nhà rồi chết bất đắc kỳ tử đó không?
- Dạ, đúng rồi nội. Ông giáo chẳng biết tại sao chết, nhưng nội cấm tụi con không đứa nào được qua nhà đó nữa từ sau khi ông ấy chết!
Bà nội Năm gục gật đầu:
- Nhớ chứ. Mà sao tự nhiên con hỏi thăm nhà đó làm gì?
- Dạ... con muốn biết coi bây giờ còn ở chỗ cũ không?
- Còn. Nhưng con không nhớ lời nội dặn sao, nhà đó... có vong, không nên tới!
Hưng ngơ ngác:
- Có vong là sao nội?
- Là có người chết bởi... âm hồn, nên âm khí nơi đó nặng nề lắm!
- Thì ra chỉ vì chuyện ấy mà ngày trước nội cấm không cho tụi con qua đó, đến nỗi bây giờ con muốn quên đường qua nhà của thầy luôn. Mà nè nội, sao nội tin làm gì chuyện vong hồn gì đó. Thầy Luận là người tốt, thầy được học sinh kính yêu, rồi thầy chẳng may chết sớm, vậy có gì đâu gọi là vong với âm hồn?
Bà nội Năm hạ thấp giọng như sợ có người nghe:
- Chính vì ông giáo chết bất đắc nên người ta mới nói... Mà thôi, chuyện nhà đó đã lâu rồi không qua lại, con còn nhắc tới làm gì. Mà chuyến này con về là để lo việc gì, sao má mày đâu không về?
Hưng đáp khiến bà nội giật mình:
- Con về chỉ vì chuyện nhà ông giáo!
Bà nội trố mắt:
- Chuyện gì?
Hưng gấp gáp đứng lên:
- Để con đi xong việc rồi về chơi mấy bữa.
Anh đi thẳng ra cửa trước sự lo lắng của nội:
- Mà con đi đâu?
- Việc riêng của con mà!
Nơi Hưng tìm tới đúng là ngôi nhà của ông giáo Luận. Lâu ngày không ghé qua, quả là có nhiều thay đổi, nên Hưng phải hỏi mấy lượt người ta mới chỉ cho:
- Nhà thầy giáo Luận từ khi ông ấy mất thì có nhiều thay đổi. Hồi xưa đường vào nhà thầy là đi bên cạnh đình làng, nhưng những năm trước người ta bít con đường đó, mở con đường mới đi từ bến sông lên gần hơn. Bây giờ cậu cứ theo lộ xe đây, đi tới chỗ bến đò, thấy có cái cổng xi măng đề mấy chữ: Từ đường ông Hội Đồng, cậu cứ theo đó mà đi chừng vài trăm mét, hỏi nhà giáo Luận ai cũng biết.
Hưng còn nhớ thời anh còn nhỏ đã từng đi qua ngõ này, nhà hội đồng Kinh lớn nhất vùng, có nuôi nhiều chó dữ, nên tuy con đường qua lại đã có từ lâu, nhưng bọn trẻ như anh không thích đi, bởi sợ chó. Mà người thường nhắc Hưng không nên đi lối này lại là một cô gái, bạn học với Hưng, mà lúc này Hưng đang chợt nhớ tới, Lan Huệ!
Chuyện Hưng trở về đây đột ngột là cũng bởi Lan Huệ. Cô bạn học này ngày xưa suýt nữa đã cùng với Hưng lên Sài Gòn học tiếp bằng Tú Tài, nếu không vì cái chết đột ngột của ông giáo. Rồi từ đó Hưng không còn liên lạc gì, dẫu khi học ở Sài Gòn trong mấy năm đầu anh cũng đã có gửi về năm sáu lá thư mà không thấy hồi âm...
- Cậu tìm nhà ai?
Thấy Hưng ăn mặc ra dáng công tử nên một chị gánh hàng rong lên tiếng hỏi. Hưng đã nhớ lối vào nhà thầy Luận, nên chỉ tay và đáp:
- Nhà thầy giáo Luận.
Chị đó buông gánh hàng xuống, nhìn Hưng một lượt rồi nói:
- Chắc lâu lắm cậu không tới đây phải không?
- Dạ đúng. Tôi học ở Sài Gòn...
- Thảo nào...
Hưng ngạc nhiên:
- Có gì vậy chị?
- Cậu biết ông giáo đã chết?
- Dạ biết. Hồi ông giáo chết tôi còn ở xứ này.
- Nhưng... những cái chết sau đó cậu có biết?
- Ai chết? Những cái chết nào?
Chị bán hàng chưa kịp nói thì bỗng Hưng vụt chạy về hướng ngôi nhà mà anh đang đi tìm. Trong đầu anh dường như đang có một linh tính gì đó...
Lúc đẩy cánh cổng cây đã mục nát Hưng mới chợt nhận ra sự hoang vắng của ngôi nhà. Ngoài cánh cổng mục, cái sân rộng cũng mọc đầy cỏ um tùm. Khi Hưng bước vào cửa trong thì đã hiểu ngôi nhà không có người ở từ lâu. Cửa đóng kín, khóa bên ngoài bằng một ống khóa to đã rỉ sét.
- Sao kỳ vậy?
Hưng đang tự hỏi thì chợt anh nghe tiếng bước chân từ phía bên hông nhà, cùng lúc có người cất tiếng gọi:
- Cậu tìm gì trong này?
Hưng quay lại bắt gặp một người đàn ông lớn tuổi, ăn mặc kiểu một nông dân vừa đi đồng về, trên tay ông còn cầm cây cuốc đầy bùn.
- Dạ, cháu muốn tìm nhà thầy Luận. Tìm... cô Lan Huệ?
Bỗng người nọ kêu lên:
- Cậu là cậu Hưng cháu bà nội Năm phải không?
Hưng ngơ ngác:
- Chú đây là...
Vị lão nông lột chiếc nón lá đang đội trên đầu xuống, lộ ra một khuôn mặt khá quen thuộc với Hưng:
- Cậu Sáu!
Thì ra người đang đứng trước mặt Hưng là cậu thứ Sáu trong nhà này, tức em vợ thầy Luận, mà hồi trước khi còn qua đây chơi, Hưng thường được cậu hái ổi cho ăn.
- Thằng bây giờ lớn đại! Mà sao tới bây giờ con mới về hả Hưng?
Trong câu hỏi dường như có sự trách móc. Hưng cũng cố ngượng:
- Dạ, do con đi học ở Sài Gòn, con có viết thư về cho Lan Huệ, mà không thấy trả lời.
Cậu Sáu nhẹ thở dài, rồi chỉ tay ra sau bảo Hưng:
- Bây giờ cậu ở ngôi nhà phía sau vườn. Hồi xưa nó là phía sau, nhưng bây giờ trở thành cửa trước, bởi nhà không còn ai nên cậu đóng cửa trước này lại, chỉ ra vào cửa sau thôi. Qua nhà đi rồi cậu kể chuyện cho nghe.
Ông đi trước dẫn đường, đến khi lọt vào phía vườn sau, Hưng mới nhớ ra, hồi đó ở sau vườn này anh và Lan Huệ đã từng chơi đùa, hái trái và đôi khi còn tắm sông.
Ngõ sau này đúng là còn có một lối đi thông ra phía đình làng.
- Sao cậu ở một mình?
Không trả lời Hưng, chờ khi vào nhà rồi ông mới nói:
- Cậu bây giờ sống ở đây một mình để hương khói cho cả nhà.
Hưng hốt hoảng:
- Cả nhà nào?
Chỉ tay về tủ thờ lớn, cậu Sáu đáp, giọng buồn hiu:
- Cả nhà anh chị tôi đều chết hết cách nay hơn ba năm rồi!
- Trời ơi!
Hưng nhìn lên tủ thờ, anh còn sửng sốt hơn khi thấy có ảnh của Lan Huệ:
- Huệ... Huệ cũng... chết rồi sao cậu?
Giọng cậu Sáu chùn xuống:
- Sau khi ba nó chết đột ngột thì hơn một năm sau thì bỗng nửa đêm đến phiên chị tôi cũng chết theo. Tôi cứ tưởng là chuyện bình thường, nhưng vừa chôn cất chị tôi được vài tuần thì bỗng con Lan Huệ cũng lăn đùng ra chết mà chẳng có bệnh hoạn gì! Mà nào có hết, hai đứa chị của nó đi dạy học xa cũng bị tai nạn chết cùng lúc, sau đó chỉ mấy tháng!
Hưng không còn giữ được bình tĩnh, anh thảng thốt kêu lên:
- Trời ơi!
Cậu Sáu có lẽ lâu lắm không được kể với ai về chuyện nhà, một bi kịch mà vì nó hầu như cả làng này không còn ai dám lui tới nhà ông nữa:
- Đúng là những cái chết không bình thường. Một bi kịch mà không hiểu ông trời có ghét bỏ gì nhà này không mà lại rơi xuống thảm khốc như vậy! Từ đó nhà này tiêu điều luôn, tôi nhiều lần rao bán nhà nhưng chẳng ai dám mua, mà càng ngày càng xa lánh nữa. Tôi đành phải thui thủi sống một mình để nhang khói cho họ.
- Nhưng tại sao lại có chuyện bi thảm vậy, cậu Sáu?
Cậu đứng lên, đi lấy ra một hộp giấy nhỏ, trong đó chứa nhiều thư từ, giấy tờ cũ. Trong số này có cả mấy lá thư của Hưng, còn nguyên chưa được xé ra. Hưng hiểu ra, anh chép miệng:
- Thảo nào con chờ hồi âm mãi mà không có.
Cậu Sáu còn lấy ra một tờ giấy cũ khác đưa cho Hưng:
- Con có đọc được chữ này không?
Hưng cầm lấy xem qua rồi lắc đầu:
- Đây giống như chữ Cao Miên, con không đọc được.
- Đúng đây là chữ Miên. Tờ giấy này do một đạo sĩ người Miên, trong lễ an táng anh giáo Luận thì ông này ghé lại đốt nén hương trước quan tài và xin giấy bút, viết một hơi và bảo người nhà đi tìm người đọc và làm theo. Sau khi an táng anh rể tôi rồi do lu bu, vả lại xứ này có ai biết đọc chữ Miên, nên tờ giấy này phải hơn một năm sau mới được dịch nghĩa ra và... bi kịch đã xảy ra rồi!
Hưng giật mình:
- Trong giấy nói gì vậy?
- Đó là lời của vị đạo sĩ giỏi về bắt vong gọi hồn, ông ấy biết trước sự việc sẽ xảy ra sau cái chết của giáo Luận và khuyên người nhà nên cúng vái, ngăn ngừa... Nhưng do không đọc được tờ giấy này nên thảm họa đã xảy ra!
- Trong đó nói gì?
- Ông ta nói giáo Luận chết vì đúng giờ trùng, lại gặp đúng hung tinh tác động, nên từ một cái chết sẽ kéo theo nhiều cái chết nữa của người trong nhà, nếu không kịp ngăn ngừa!
- Nhưng ngăn bằng cách nào?
Ông nhìn thẳng vào mặt Hưng, giọng đầy lo lắng:
- Bất cứ ai có liên hệ đến người chết đều có thể bị nguy. Anh rể tôi chết vào giờ trùng, gặp hung tinh Bạch Hổ, nên vợ rồi con đều phải liên lụy, trong số những đứa con của anh chị tôi có con Lan Huệ, nó ẩn tuổi cha, lại cùng mạng hỏa với cha nó, nên khả năng gây họa của nó cao hơn hết trong nhà! Bởi vậy kể từ khi nó chết tôi đã rà soát trong nhà coi có ai có thể bị ảnh hưởng bởi sao xấu của nó không mà chưa thấy. Nghe nói, nếu khi còn sống mà con Lan Huệ có quan hệ tình cảm với ai thì người đó sẽ không yên.
Ông nói xong cầm mấy lá thư của Hưng trả lại cho anh ta:
- May là những lá thư này nó chưa đọc, chứ nếu không thì...
Bỗng ông giật mình kêu lên:
- Mà không xong rồi! Cậu có tên trong sổ lưu bút của nó, lại đứng đầu sổ nữa.
Ông chạy đi lấy ra quyển sổ lưu bút đã cũ, đưa cho Hưng xem:
- Đây nè, cậu xem!
Hưng nhớ ngay quyển lưu bút này. Hồi đó chính Lan Huệ đã đưa cho anh và còn nói:
- Trong sổ này em chỉ muốn anh và hai người bạn nữa viết thôi, em không thích cho nhiều người viết. Anh là bạn thân duy nhất của Huệ, còn hai người kia là anh họ xa, đều là những người thân thiết nhất của Huệ!
Hưng vừa nhìn vào và kêu lên sửng sốt:
- Anh Hòa, thằng Lương, cả hai người cũng lên Sài Gòn học với con và... cả hai đã chết hết rồi!
Cậu Sáu không kìm chế được đã run run thốt lên:
- Chỉ còn mình con...
Hưng lặng người đi. Anh đang nhớ tới những tiếng khóc kỳ lạ trong đầu, rồi những lần anh bị cản trở trong khi nghĩ tới người con gái nào đó, anh đứng bật dậy, trên tay vẫn còn cầm quyển lưu bút, anh chạy bay ra cửa. Cậu Sáu kêu theo:
- Con phải cẩn thận!
Kể hết mọi chuyện cho sư Chơn Phước nghe, rồi Hưng đặt quyển lưu bút xuống trước mặt ông, nói tiếp:
- Con nghĩ điều thầy nói con có quan hệ tình cảm với ai đó rồi bị người ta bám theo phá, có lẽ là người này.
Nhà sư nhẹ lắc đầu:
- Chuyện tà ma thì không có trong cửa Phật, nhưng tà ma ở chung quanh ta cũng không thể nào biết hết được. Tuy nhiên chuyện của con ta nghĩ cũng không quá nghiêm trọng, theo suy đoán của ta thì cô gái này tuy vậy vẫn còn lòng tin nơi con, nên những gì cô ấy báo ứng cho con thấy đủ biết là cô ấy không muốn hại con như những người khác.
- Vậy con phải làm sao bây giờ đây thầy?
Đưa trả lại quyển lưu bút cho Hưng, nhà sư bảo:
- Con thử đem đốt quyển sổ này xem, có thể nó có tác dụng gì đó...
Hưng lo lắng:
- Nhưng trong đó có ảnh của con. Có phải gỡ ảnh ra không sư thầy?
- Không cần. Con nên đốt luôn thử xem.
Ông còn nói thêm:
- Con nên thực hiện việc này ngoài khuôn viên chùa.
Hưng nghe lời, anh cầm quyển lưu bút đem ra bờ sông cách chùa hơn nửa cây số và châm lửa đốt.
Một làn khói xanh bay lên không trung và cứ quyện mãi theo gió, lâu lắm mới tan...
Không biết chuyện gì đã xảy ra. Chỉ biết rằng sau đó Hưng không còn thấy những hiện tượng kỳ lạ nữa. Cũng không còn nghe tiếng khóc mơ hồ kia nữa...
Sáu tháng sau thì cái tin Hưng cưới vợ chẳng những cha mẹ anh mừng, mà ngay như nhà sư Chơn Phước cũng vui trong lòng. Ít ra thì ông cũng đã giúp được một kiếp nạn được hóa giải...