Tổng tập truyện ma của Người Khăn Trắng

Hồn ma Đòi Chồng - Phần 1 (tt)

Bà Kim Ngọc cẩn thận đóng kín cửa sổ, gài chốt bên trong trước khi lên giường ngủ. Bà cảm thấy mệt và buồn ngủ đến nỗi hai mí mắt như bị trì kéo xuống. Sở dĩ bà cẩn thận như thế, bởi lúc chiều khi lên lầu thượng đốt nhang bà đã nhìn thấy bát nhang bị cháy và một vài hiện tượng khác thường. Linh tính báo cho bà một điều gì đó...

Kể cả bộ mặt của mấy đứa con riêng cũng làm cho bà khó chịu. Khi thấy bà trở về chúng chẳng những không chào mà còn vênh lên như thách thức và còn xầm xì những gì đó rất khả nghi... Bà Ngọc vốn là cây gai trong nhà, bà biết thế, nhưng với bà, bọn nhóc đó mới chính là những cây gai cần phải nhổ đi!

Trước khi nhắm mắt tìm giấc ngủ bà ta còn lẩm bẩm:

- Trước sau gì thì cũng phải đến...

Hơn mười hai giờ đêm...

Cả nhà im ắng, lặng như tờ. Bà Kim Ngọc cũng vừa đi vào giấc ngủ ngon. Chợt có âm thanh từ ngoài vọng vào, qua khe cửa sổ. Thứ âm thanh rất lạ, ban đầu nhỏ, rồi rõ dần... đó là tiếng khóc của một người phụ nữ.

Lúc đầu có lẽ chẳng ai trong nhà nghe được âm thanh đó, nhưng chỉ nửa phút sau thì người đầu tiên nghe được chính là bà Kim Ngọc! Bà ta vừa trở mình thì giật mình mở mắt ra ngơ ngác. Ai khóc?

 

Tiếng khóc càng lúc càng gần và hình như nhắm thẳng vào cửa sổ, nơi sát chiếc giường bà ta đang nằm.

Lúc này bà Ngọc mới hối hận là lúc chiều đã chọc giận ông Thiện, để ông ta sang phòng riêng ngủ. Nếu có ông ta thì dẫu sao bà cũng đỡ sợ hơn.

- Ông Thiện ơi!

Bà ta lên tiếng gọi đại để tự trấn an, chớ biết chắc là ông chồng không thể nghe được. Tuy nhiên tiếng khóc hình như không hề nao núng với sự lên tiếng của bà, mà trái lại, vừa khi ấy chợt có một tiếng động lạ và... giống như có ai vừa nhảy vào phòng!

Do có thói quen ngủ không để đèn, nên lúc này thuận tay bà Ngọc mới bật công tắc lên. Lúc ấy bà ta há hốc mồm chớ không còn kêu được nữa. Trước mắt là một bóng người đứng giữa phòng trong tư thế yên lặng, mặt quay đi hướng khác, nhưng vừa thoạt trông thấy dáng đứng đã làm cho bà Ngọc sửng sốt, run lẩy bẩy:

- Bà... bà là...

Lúc này bóng người kia mới từ từ quay mặt lại. Một phụ nữ với bộ mặt đầy máu tươi đang chảy xuống làm ướt đẫm cả bộ quần áo màu trắng đang mặc. Bà ta vẫn im lặng...

- Ông... ông...

Bà Ngọc cố gọi to hơn, nhưng chỉ được mấy tiếng rồi thì cổ họng như bị ai chận ngang, cảm giác đang nghẹt thở, sắp chết!

- Ô... n... g...

Bóng người kia từ từ bước đến gần giường hơn, hai bàn tay của bà ta vẫn bất động, nhưng càng lúc bà Ngọc cảm thấy như cổ bị siết mạnh và trước mắt tối dần, đầu óc quay cuồng...

Bà ta ngất đi chẳng biết là bao lâu, cho đến khi từ bên ngoài có tiếng bước chân dồn dập chạy rồi tiếng hỏi to của ông Thiện:

- Bà Ngọc ơi!

Gọi không nghe trả lời, ông vặn nắm cửa thì cửa khóa trong. Gọi lần nữa vẫn im lặng. Cuối cùng ông phải chạy về phòng riêng lấy xâu chìa khóa dự phòng sang mở. Vừa đẩy cửa phòng bước vào ông Thiện đã hoảng hốt khi thấy bà Ngọc nằm bất động trên giường mà chung quanh toàn là máu!

- Trời ơi!

Cứ ngỡ bà ta bị giết, nên ông Thiện không dám lại gần, ông kêu to cho hai con gái:

- Hoa ơi, Huyền ơi?

Hai cô gái đang ngủ ở tầng dưới vội chạy lên ngay và họ cũng khựng lại, ngơ ngác đứng nhìn từ ngoài chớ không dám bước vô. ông Thiện sợ hãi:

- Hình như bà ấy bị đâm chết!

Trước sự việc kinh khủng đó, ông Thiện phải điện báo cho cảnh sát. Đến khi xe cảnh sát tới, họ bước vào khám hiện trường thì lúc ấy mọi người mới vô cùng ngạc nhiên, bởi bà Ngọc không hề chết! Bà ta bò dậy, nhìn mọi người đến khi nhìn lại thân thể mình thì bà thét lên, rồi có lẽ vì quá sợ hãi, bà ngất đi lần nữa!

Cảnh sát định chuyển bà ta đi bệnh viện thì bà tỉnh lại, hỏi bằng sự hoảng loạn:

- Bà ta đâu rồi?

Bà ta quay khắp nơi tìm kiếm, cuối cùng chỉ tay về phía cửa sổ, lắp bắp:

- Nó... nó chui qua...

Một cảnh sát tới cửa sổ quan sát rồi nói ngay:

- Cửa sổ cài chốt bên trong thì làm gì có người đột nhập vào qua chỗ đó.

Ông Thiện cũng nói:

- Lúc tôi mở cửa cái vào thì chốt bên trong cũng còn khóa nguyên. Như vậy...

Họ đưa mắt nhìn với sự hoài nghi. Nhất là khi sau đó họ phát hiện ra khắp thân thể bà Ngọc không hề có vết thương nào. Một người hỏi:

- Bà bày ra việc này nhằm mục đích gì?

Bà Ngọc ngơ ngác:

- Cái gì bày ra? Mấy người không thấy tui bị như thế này sao?

- Chỉ có máu vấy khắp giường chứ bà có thương tích gì đâu?

Quay sang ông Thiện, một cảnh sát hỏi:

 

- Bà ấy có bị tâm thần không?

Ông Thiện lắc đầu:

- Không, bà ấy vẫn bình thường.

Nhưng Huyền thì la lên:

- Bà ấy bị lên cơn đó!

Do bị nghi ngờ dựng chuyện nên bà Ngọc bị hạch hỏi đủ thứ và cuối cùng một viên cảnh sát đã cảnh cáo:

- Nếu bà còn giỡn mặt như thế này nữa thì chúng tôi không để yên đâu!

Mặc cho bà ta lớn tiếng thanh minh, nhưng các viên cảnh sát vẫn không tin. Đến lúc họ về rồi, bà ta lại trút giận lên chị em Huyền:

- Lúc nãy đứa nào nói gì?

Ông Thiện thì không muốn rầy rà trong nhà nên nói xuôi:

- Đã không có chuyện gì thì thôi, bà đi thay đồ đi.

Khác với trước kia lúc nào cũng lép vế, sợ sệt, lúc này tự dưng Huyền tự tin hẳn lên, cô trả treo ngay:

- Tôi nói bà lên cơn đó!

Từ ngày về nhà này bà ta là xếp, chưa từng nghe những lời lẽ chướng tai như vậy, nên bà ta trừng mắt nhìn Huyền:

- Con kia, mày vừa nói gì, nói lại tao nghe coi!

Huyền cũng quắc mắt:

- Từ nay tui miễn có sợ bà đi, tui nói...

Mụ ta quen thói đanh đá, không đợi Huyền nói dứt lời, đã nhào tới định chụp lấy cô bé. Tuy nhiên, bỗng dưng mụ khuỵu xuống và kêu thét lên như vừa bị ai đánh té! Từ khóe miệng bà ta trào ra hai dòng máu.

Phản ứng tự nhiên, ông Thiện kêu lên:

- Bà sao vậy?

Ông bước tới vừa định đỡ bà ta lên thì chợt kinh ngạc:

- Ai viết chữ gì trên ngực bà thế này?

Lúc này nhìn kỹ mọi người mới thấy ngay giữa ngực áo bà Ngọc có một dòng chữ rất sắc nét: "Hãy trả lại những gì đã cướp!".

Ông Thiện còn chưa lên tiếng thì Huyền đã reo lên:

- Đúng là mẹ rồi! Mẹ ơi, trả thù đi mẹ!

Cô bé quá kích động nên vừa chạy xuống lầu vừa la toáng lên:

- Ông trời có mắt bà con ơi! Bớ mọi người, hãy tới coi mẹ con trả thù mụ phù thủy nè!

Trái với thường khi, lúc ấy tuy vẫn còn tỉnh táo, nhưng mụ Ngọc vẫn không phản ứng gì trước những lời của Huyền. Trái lại, mụ ta lại co rúm người lại, vẻ sợ hãi tột độ!

Không muốn làm kinh động lối xóm, nên ông Thiện xuống nhà khuyên nhủ Huyền:

- Rồi bà ta sẽ trả giá, nhưng con làm quá lại không hay.

 

Hoa cũng nói:

- Coi bộ mụ ta phải một phen kinh hãi lắm rồi, kệ mụ.

Huyền vẫn còn phấn khích:

- Con đoán là vừa rồi mụ ta đã bị mẹ về trị cho một trận nên thân rồi, chứ không phải tự nhiên đâu. Ba có thấy dòng chữ trên ngực mụ ta không, nó giống hệt tuồng chữ của mẹ!

Ông Thiện cũng ngầm hiểu như vậy, nhưng không nói ra. Chỉ có Hoa là thắc mắc:

- Máu vấy đỏ trên giường và quanh người mụ ta là gì vậy, có đúng là máu không? Mà sao mụ ta không bị thương? Hay là...

Câu nói của Hoa làm cho Huyền giật mình:

- Không lẽ máu đó là của...

Hoa hoảng hốt:

- Mẹ bị bà ta làm bị thương?

Huyền vụt chạy bay lên lầu, cô tông cửa vào phòng bà Ngọc, định sẽ truy xem bà ta đã làm gì mẹ mình. Nhưng khi cửa phòng vừa bật mở ra thì cô đứng sựng lại, trố mắt nhìn một cảnh tượng lạ thường trước mắt: Trên bốn vách tường quanh phòng đều có những dòng chữ đỏ như máu, giống hệt dòng chữ trên ngực bà ta: "Hãy trả lại những gì đã cướp của tao!".

Mụ Ngọc thì vẫn nằm yên dưới nền gạch...

 

Bà Mai bước thật nhanh sau khi phát hiện có người cứ đi theo sau mình hoài. Nhưng bà ta càng đi nhanh thì người phía sau lại càng bước nhanh hơn. Qua khỏi đoạn đường ngắn là tới một con hẻm dài hơn dẫn về nhà, bà Mai hơi yên tâm, bởi đây là xóm quen, có gì bà ta chỉ cần la lên một tiếng là có người tiếp cứu ngay. Nhưng tại sao bà ta lại sợ một người cũng là phụ nữ và cũng cỡ tuổi như mình?

Có lẽ do thói quen thôi. Đến khi cách nhà chừng vài chục mét thì bà Mai thở phào, bà bước nhanh, vừa ngoái đầu nhìn lại sau. Người kia không còn theo nữa.

- Có lẽ mình lo xa...

Bà Mai vừa lẩm bẩm vừa tra chìa khóa mở cửa. Đèn vừa bật sáng thì bà ta cũng kêu lên:

- Bà... tại sao...?

Trước mặt bà có một người phụ nữ ngồi sẵn ở ghế phòng khách. Trông bà ta giống y như người vừa đi theo ngoài đường, khiến bà Mai biến sắc:

- Bà... vừa rồi...

Người kia nhếch mép cười:

- Bà buộc tôi phải theo hơi mỏi chân. Hình như bà cố tình tránh mặt, trong lúc tôi chỉ muốn hỏi bà vài câu rồi thôi. Đành vậy...

- Bà là ai? Sao lại vô nhà tôi được?

 

Đó là chưa kể, chỉ mới thấy đó, sao bà ta lại đi quá nhanh và lọt được vào nhà trước cả chủ nhà! Bà Mai hơi run.

- Khách đến nhà sao không mời được ly nước sao?

Đáng lý phải hỏi cho ra khách là ai, nhưng tự dưng bà Mai lại dịu giọng:

- Tôi xin lỗi...

Bà bước vào phòng riêng với ý định dùng điện thoại riêng gọi ra ngoài báo tin cho ai đó. Nhưng ý định chưa thực hiện được thì đã nghe từ bên ngoài nói vọng vào:

- Báo tin cũng vô ích thôi. Tốt nhất là bà hãy ra nói chuyện với tôi vài câu. Tôi sẽ không ở đây lâu. Mời bà.

Giọng nói lịch sự của bà ta càng làm cho bà Mai rợn người hơn. Bà riu ríu bước ra như bị sai khiến.

- Bà ngồi đi cho. Ai lại tiếp khách mà đứng bao giờ.

Bà Mai cóng cả tay chân, phải vịn vào thành ghế mới ngồi xuống được. Trong giọng nói của người khách như có một ma lực gì đó ghê gớm, khiến cho người đối diện chẳng những không dám nhìn thẳng, mà thậm chí còn không chịu nổi âm thanh từ giọng nói của bà ta.

- Bà là tác giả của những thứ này?

Vừa nói người khách vừa ném ra trước mặt bà Mai một gói nhỏ toàn những tờ bùa chú màu vàng. Thoạt nhìn thấy bà Mai đã há hốc mồm, run rẩy:

- Tôi... tôi...

Bà khách cười khẩy:

- Hỏi bà vậy thôi, chớ khi tôi đã tới đây tức là đã xác định chính bà là tác giả của các thứ này rồi, phải không bà Mai Liên, Miên Lai!

Bà ta còn biết cả biệt danh của mình. Bà Mai càng run hơn:

- Tôi... tôi chỉ... chỉ làm chơi thôi.

Vị khách nghiêm giọng, gắt lên:

- Làm chơi mà để hại người, triệt linh hồn không cho người ta siêu thoát, ngăn không cho người ta bảo vệ con cái người thân yêu của mình sao!

Bà ta nói tới đó thì vụt kéo phăng mái tóc đang xõa trước trán xuống, hỏi to:

- Làm chơi mà suýt đâm thủng hai con mắt người ta như vầy sao!

Lộ ra hai lỗ thủng khá sâu ngay trên chân mày hai bên mắt của bà ta. Giọng bà càng trở nên dễ sợ hơn:

- Nếu không ngăn kịp thời thì giờ này bà và con mụ kia đã thực hiện được ý đồ lấy trọn gói tài sản của một người đã chết. Hành vi tội ác đó làm sao che mắt được ai, hả!

Rồi bà lại rít lên:

- Cái đêm ở ngôi nhà hoang đó, nếu bà và con mụ ác nhân kia thành công thì giờ này còn gì là cái gia đình vốn đã bị nát tan vì lòng dạ con mụ kia...

Bà ta nói tới đó bỗng vụt khóc òa lên, giọng nghe sắc lạnh và thê lương lạ thường! Bà Mai phát sợ, định bước lùi ra thì chợt bị bàn tay vươn ra chụp lấy. Như bị điểm huyệt, bà ta đờ người ra, trước khi bà khách ngừng khóc và hỏi:

- Ai bày cho mấy người cái trò ma quỷ hại người này? Có phải lão tài xế nhà ông Thiện không?

Bà Mai lắp bắp:

- Tôi... tôi không...

 

- Khỏi chối. Trước khi tới đây tôi đã ghé thăm lão ấy ở Cát Lái, nơi mà bọn các người có cái am tu tiên giả hiệu, lừa bịp thiên hạ! Chỉ tội cho lão Thiện, chỉ vì khờ khạo, tin người mà bị bán đứng, suýt mất mạng!

Bị điểm đúng tim đen, mụ Mai chỉ còn biết ngớ người ra, chờ đợi điều tồi tệ nhất xảy ra. Tuy nhiên, chợt bà khách đứng lên:

- Màn chưa hạ ở đây đâu, bởi mưu ma chước quỷ của bọn các người đâu chỉ đơn giản thế này. Gieo bao nhiêu thì gặt bấy nhiêu, nhớ như vậy!

Bà ta nói xong bước thẳng ra cửa. Thoắt cái đã không còn thấy bóng. Mọi việc diễn ra quá nhanh khiến cho mụ Mai không kịp phản ứng gì...

- Có chuyện gì vậy?

Người hỏi và vừa bước vô là bà Kim Ngọc. Mụ Mai cứ tưởng người khách lúc nãy trở lại nên suýt kêu lên, chừng nhận ra người quen, bà ta dồn dập:

- Bà không tới sớm một chút, cùng tôi...

Bà Kim Ngọc hỏi:

- Chuyện gì sao bà gọi điện cho tôi rồi im lặng không nói gì hết, làm tôi lo quá nên chạy qua đây. Có chuyện gì vậy?

Phải định thần lại một lúc bà ta mới thuật lại mọi chuyện. Vừa nghe xong bà Ngọc hốt hoảng:

- Bà nói... người đó vừa mới ở đây ra?

- Chưa đầy một phút.

- Đúng là nó rồi.

- Bà nói nó là ai?

Bà Ngọc buông người xuống ghế, thất thần:

- Điều không mong đợi đã tới rồi!

Rồi nhìn không thấy ai khác trong nhà, mụ Ngọc vạch ngực áo ra chỉ vào đó:

- Bà xem thì biết!

Dòng chữ màu đỏ như máu, hiện trên da ngực rất rõ ràng: "Hãy trả lại những gì đã cướp của tao!", vừa nhìn thấy bà Mai đã sợ sệt ngồi lùi ra:

- Cái này...

Tự dưng bà ta cảm thấy ngứa ở ngực, vội đưa tay chụp lên đó và bằng đôi tay run run, kéo áo ra... và lần này mụ Ngọc kêu lên:

- Bà cũng có như tui!

Trên ngực người đàn bà này hiện lên dòng chữ: "Phải trả giá cho những gì đã làm!".

Hoảng quá mụ đưa tay chà lên dòng chữ hy vọng sẽ tẩy xóa chúng. Nhưng chỉ hoài công, bởi những chữ ấy chừng như đã nổi lên từ trong da thịt, càng tẩy thì nó càng rõ hơn và còn gây rát bỏng thêm!

Mụ Ngọc chép miệng:

- Tôi đã thử xóa rồi, nó như một vết xăm, không tài nào xóa được.

- Nhưng mụ ấy đâu có đụng vào ngực tôi, mà sao...

Chợt nhớ ra, bà ta kêu lên:

- Phải rồi, chắc là lúc con mụ ấy nắm tay tôi!

Bà Ngọc cũng thuật lại chuyện xảy ra ở nhà mình. Nghe xong mụ Mai sợ hãi, nhìn trước nhìn sau rồi nói rất khẽ:

- Chắc là phải chuyển chỗ ở ngay thôi, ở đây không yên rồi...

Mụ Ngọc thất vọng:

- Tôi đang tính qua ở tạm với bà, mà kiểu này thì không ổn rồi. Bà còn chỗ nào khác không?

Bà Mai suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu:

- Kể cả cái am tu tiên của tôi bên Cát Lái cũng bị phát hiện rồi, còn biết nơi nào là an toàn nữa!

Hai mụ đàn bà đầy mưu mẹo, vậy mà giờ đây đang lâm vào thế bất an. Họ bàn mãi, cuối cùng với bản chất gian xảo của mình, mụ Ngọc kề tai mụ kia nói gì đó một lúc. Cả hai tỏ ra đắc ý:

- Mình phải ra tay trước thôi!

Trước khi ra về, mụ Ngọc dặn kỹ:

- Bà đừng liên lạc với tôi tại nhà. Chuyện đó để cho Ba tài xế lo.

- Mà nè, mụ ta đã biết rõ chuyện làm của Ba tài xế rồi, không êm đâu.

- Vậy tôi sẽ có cách khác, bà cứ yên tâm.

Mụ Ngọc hấp tấp ra về. Bà ta cẩn thận nhìn trước nhìn sau rất kỹ trước khi đi vào con hẻm nhỏ, mãi đến khi ra tới đường lớn mới thở phào nhẹ nhõm. Chiếc xích lô chở mụ ta tới lúc nãy vẫn còn đậu chờ. Mụ hất hàm bảo:

- Chạy về ngay nhà tôi!

- Bà không đi chùa như đã dặn lúc nãy?

- Thôi, tôi có chuyện này gấp hơn.

Mụ quá căng thẳng, nên xe vừa chạy một quãng đã nhắm mắt lại dưỡng thần. Lát sau khi mở mắt ra mụ ngạc nhiên hỏi:

- Chú chạy đi đâu vậy? Ở đây giống như...

Người phu xe không trả lời, có thể là không nghe, bởi lúc đó xe cộ chung quanh rất đông. Bà Ngọc phải lặp lại:

- Đây đâu phải đường về nhà!

Vẫn không nghe anh ta đáp, mà xe thì như được tăng tốc độ, vượt qua mặt nhiều xe khác. Cuối cùng rẽ vào một con đường nhỏ hơn, vắng vẻ. Lúc này mụ Ngọc mới nhận ra, mụ kêu lên:

- Vô khu nghĩa trang này làm gì?

Tay phu xe lúc này mới lên tiếng, giọng hơi lạ:

- Tới đây thăm người quen!

- Kìa, dừng lại!

Nhưng không còn kịp nữa. Chiếc xích lô phom phom chạy thẳng vào cổng nghĩa trang. Cho đến khi ngừng lại thì mụ Ngọc mới ngớ ra, bởi trước mặt mụ ta là hằng hà những ngôi mộ, chẳng biết đâu là đâu.

Rồi chẳng cần ai nhắc nhở, mụ ta bước thẳng tới trước, đi giữa dãy mồ mả. Đến một ngôi mộ xây, có tấm bia đề dòng chữ: Mộ phần của Ngọc Lệ. Lúc này mụ ta mới hốt hoảng:

- Mộ của...của...

- Của người đã bị mụ hại chết!

Mụ Ngọc ngẩng lên nhìn thì thấy người vừa nói chính là bác phu xe. Giọng bác trở nên sắc lạnh:

- Những toan tính xấu xa sẽ phải trả giá, càng để lâu cái giá sẽ càng đắt!

Mụ Ngọc muốn nói gì đó, nhưng hình như mụ ta không còn khả năng ứng khẩu. Rồi như một thân cây đổ, mụ ta khuỵu chân xuống, theo thế quỳ gối, đôi mắt nhìn thẳng vào tấm bia, mà hình như lúc ấy di ảnh của bà Ngọc Lệ đang long lên, đầy căm thù!

Người phu xe đã bỏ đi mất, nhưng mụ Ngọc vẫn quỳ đó, không dám nhúc nhích, cũng không hé môi lấy nửa lời...

Nghĩa địa giờ này vắng lặng như tờ, không có bóng ai khác, nhưng văng vẳng như có tiếng thì thầm của ai đó... Âm thanh càng lúc càng rõ hơn, lát sau chính mụ Ngọc điếng hồn khi nhận ra tiếng ấy phát ra từ dưới mồ!

Âm thanh không thành câu, nhưng những gì rót vào tai mụ Ngọc hầu như mụ ta hiểu hết, nên cứ thỉnh thoảng lại gật đầu và chốc chốc lại nói một mình:

- Tôi biết tội mình. Tôi biết...

- Chỉ vì lòng tham, chỉ vì ích kỷ muốn chiếm đoạt nên tôi...

 

Không nghe lời chất vấn, nhưng hết câu trả lời này đến câu khác, mụ Ngọc như tự thú:

- Tôi muốn chiếm đoạt cái tài sản đó. Tôi muốn giết chết hết họ bằng nhiều cách... mà cách tốt nhất là một cuộc lật xe có chủ tâm.

Mặt trời lúc ấy đã lên trên đỉnh đầu, nắng như đổ lửa, vậy mà mụ đàn bà ấy vẫn quỳ bất động, miệng thì không ngớt nói và nói...

Cho đến khi xế bóng thì cũng là lúc người bảo vệ nghĩa trang bước tới. Ông ta lên tiếng gọi:

- Bà ơi!

Gọi đến lần thứ ba chẳng nghe đáp, lúc ấy ông ta mới đưa tay lay nhẹ mụ Ngọc. Và, như một khúc gỗ, mụ ta ngã sõng soài trên đất.

Vừa định đỡ mụ ta dậy thì ngay sau lưng ông ta đã có người lên tiếng:

- Để tôi, bà ấy do tôi chở đến, có lẽ do bị huyết áp.

Người phu xe nhẹ nhàng bế xốc mụ ta lên, đi ra chiếc xích lô đậu sẵn. Và cũng như lúc nãy, lão ta cứ đạp thẳng một mạch về hướng mà chắc lúc tỉnh mụ Ngọc cũng không ngờ tới.

Khi ngừng lại trước ngôi nhà hoang phế thì người phu xe lại bế mụ Ngọc vào trong. Đặt mụ ta xuống giữa gian phòng ngập trong bóng tối, lúc ấy lão mới thở hắt ra, chừng như vừa trút được gánh nặng, mà cũng có thể là do đã ráng quá sức. Bởi vừa lúc ấy lão cũng đã giở chiếc nón rộng vành xuống, để lộ ra một khuôn mặt đàn bà, với mái tóc dài vừa buông xuống quá lưng!

Đúng lúc ấy, ở ngoài sân cũng vừa có một chiếc xe hơi ngừng lại. Lát sau một người đàn ông có tuổi, nhưng dáng vẻ khỏe mạnh, hai bên vai vác hai cái bao tải cột kín miệng, bước vào.

Người đàn ông đặt hai cái bao xuống vừa nhìn quanh và tỏ vẻ hài lòng khi thấy mọi bề yên ắng. Ông ta nhanh chóng mở miệng hai bao tải ra và nói một mình, nhưng đủ lớn, bởi không sợ ai nghe thấy:

- Yên tâm mà nằm đây đi, hai con quỷ cái, chỉ lát nữa thôi thì chúng mày tiêu ma luôn!

Thì ra trong hai bao tải là hai cô gái nằm bất động, nhưng thân thể còn mềm mại, chứng tỏ là chỉ ngất đi chứ chưa chết.

Lại nhìn trước sau lần nữa, xong xuôi lão ta quay ra, khóa chặt cửa bên ngoài. Cẩn thận hơn, lão ta đi một vòng quanh nhà, quan sát trước sau, thấy tất cả cửa nẻo đều được khóa cẩn thận.

Lúc ấy lão ta mới yên tâm lên xe, rồ máy chạy từ từ ra khỏi nơi đó. Để lại sau lưng những điều kỳ lạ mà chính lão ta cũng không ngờ tới...

 

Từ trong bóng tối của gian phòng ẩm thấp, mụ Ngọc choàng tỉnh dậy. Mụ ta ngơ ngác định lên tiếng thì chợt tay phải sờ đụng một thân thể của ai đó. Người bị sờ cũng bật dậy và hỏi:

- Ai vậy?

 

Nghe giọng quen quen, mụ Ngọc hỏi khẽ:

- Chị Mai hả?

- Ủa, bà hả Ngọc?

Họ còn định hỏi thêm, nhưng chợt bà Ngọc nghe bên trái mình có một tiếng động, đưa tay sờ thì hoảng hốt suýt kêu lên. Bởi cạnh bà chẳng biết tự lúc nào đã có sự hiện diện của một người đàn ông!

- Ai?

Cả hai mụ đều không hỏi thêm được tiếng nào thì đã nghe giọng rất khẽ:

- Tôi đây, Thầy Tám...

Mụ Mai ngạc nhiên:

- Sao ông ở đây?

- Tui cũng đâu có biết... Còn hai bà, sao lại...

Hai mụ đưa tay chận lại, không cho lão pháp sư trụ trì am tu tiên ở Cát Lái nói. Bởi vừa lúc ấy họ đã nhìn thấy ở phòng bên ngoài có khá đông người đang ngồi vây chung quanh một phụ nữ mặc toàn trắng, mà vừa trông thấy là cả hai đã điếng hồn.

- Là bà ta!

Vây quanh người phụ nữ vận đồ trắng gồm có ông Thiện, chị em Hoa, Huyền và nếu mụ Ngọc bình tâm có thể nhớ ra, đó là ông bảo vệ nghĩa trang. Ông ta hướng về người phụ nữ ngồi giữa nói một cách kính cẩn:

- Lúc đầu tui không để ý, nhưng qua lần sau thì tôi thấy có một chiếc xe hơi, giống hệt chiếc mà ông Thiện đây đi, do một người đàn ông lớn tuổi, khỏe mạnh lái, đậu phía ngoài cổng nghĩa trang, rồi tài xế đi thẳng vào đây. Ông ta đi thẳng vô chỗ ngôi mộ của bà Ngọc Lệ, sau khi quan sát không thấy ai thì bắt đầu dùng cưa máy loại nhỏ, thứ cưa có thể cắt đứt sắt, cưa đứt một góc ngôi mộ. Tôi là người duy nhất nhìn thấy nhờ đứng ở một nơi khuất, tôi định chạy tới hỏi, nhưng sau đó thấy ông không lấy gì trong mộ ra, mà lại nhét thứ gì đó vô trong mộ. Tôi còn đang ngạc nhiên, chưa biết phải làm gì thì lúc đó có cô đây chạy tới, trong khi người lái xe hơi vừa đi ra nên không hay biết. Chính tôi là người nhận giúp thuê thợ trám lại một chỗ bị vỡ cho cô đây.

Lão vừa nói vừa chỉ sang Huyền. Huyền gật đầu:

- Lúc ấy cháu cũng không biết bác là bảo vệ nghĩa trang, nên đã không kịp xin phép bác để đốt những thứ lấy ra từ trong mộ.

 

- Tôi nhìn thấy hết và cũng đã mục kích việc bức di ảnh của bà đây chảy máu mắt. Thú thiệt, đã từ lâu, đêm đêm tôi thường nghe tiếng khóc từ ngôi mộ đó. Tôi đoán là người chết có nỗi oan ức gì đó, tôi muốn tìm cách báo tin cho gia đình biết, nhưng ngặt nỗi là không biết họ ở đâu.

Ông ngừng nói, đưa mắt nhìn người phụ nữ trùm kín mặt nãy giờ vẫn ngồi im lặng. Vẫn chẳng có tín hiệu gì từ bà, trong lúc ông Thiện lên tiếng:

- Anh chờ một chút, người này tới rồi anh nhận diện xem có đúng là kẻ đã đào mộ không?

Khoảng 5 phút sau, có tiếng xe ngừng ngoài sân và liền đó một người đàn ông cao lớn bước vào. Huyền kêu lên:

- Chú Ba tài xế!

Hoa nói khẽ:

- Chính chú đã vác tụi mình trong bao tải tới đây. Lúc ấy chị còn tỉnh, nhưng không dám kêu.

Nhìn thấy cảnh trước mắt, Ba tài xế muốn tháo lui, nhưng bỗng chân như bị ai níu lại, rồi như bị một lực hút mạnh, lão lao nhanh tới và quỳ xuống ngay trước mặt người phụ nữ? Vẫn không nghe người đó lên tiếng, nhưng tự động lão tài xế thành khẩn như thú tội:

- Dạ, xin bà chủ tha thứ cho thằng Ba dại dột này. Chính tôi đã cấu kết với con mụ Ngọc để hại bà. Ngay từ lúc bà và Ngọc còn là bạn thân thiết của nhau, khi lui tới nhà chơi mụ ta đã ngầm móc nối với tôi để tìm cách lừa bà vô một âm mưu đê tiện...

Nghe tới đó Huyền đã sôi máu, cô định lên tiếng thì lão Ba đã tiếp lời:

- Lúc bà bị bệnh nằm liệt cả tháng trời cũng là lúc tôi nghe theo sự sai khiến của mụ Ngọc, mỗi ngày khi đưa rước bác sĩ tới nhà khám bệnh, cho thuốc, tôi đã lén tráo thuốc, cho bà chủ uống những loại thuốc lấy từ lão pháp sư ở am tu tiên bên Cát Lái, do mụ Mai chủ mưu. Những loại thuốc bà chủ uống là độc dược, chỉ uống trong vài ngày là bị xuất huyết nội, dẫn đến cái chết không phương thuốc nào chữa khỏi! Bởi vậy bà chủ đã chết khi hai cô Hoa và Huyền đây chỉ mới bảy tám tuổi. Khi bà chủ chết được vài tháng là mụ Mai thực hiện ngay ý đồ, mụ ta tìm cách chèo kéo ông chủ, một bữa gài bẫy để ông chủ mắc mưu tới dự một tiệc rượu ở một khách sạn, khi ông chủ bị say do bị bỏ thuốc mê trong rượu thì mụ ta nhờ tôi dìu ông lên phòng và... ông đã vô tình ăn nằm với mụ ta. Khi ông chủ tỉnh lại thì mụ ta bù lu bù loa lên, nói mình bị làm nhục và buộc ông chủ phải có trách nhiệm với mình. Do không biết bị lừa, nên ông chủ đã chấp nhận cho mụ ta quan hệ và từ đó mụ dần dần thay thế vai trò bà chủ...

Lão ta ngừng nói, lần này nhìn sang ông Thiện, rồi tiếp:

 

- Sau khi đã thực hiện thành công âm mưu ban đầu, mụ Ngọc vẫn chưa hả dạ, mụ còn muốn tiến hành bước thứ hai là loại bỏ hai cô Hoa và Huyền, bởi sự có mặt của hai cô trong nhà khác nào cái gai trước mắt mụ. Đã ba lần mụ sai tôi chở ông và hai cô đi ra trang trại, xúi tôi tìm cách lái xe lao xuống vực, rồi nhảy ra khỏi xe, bỏ mặc cho ba cha con. Nhưng tôi chưa làm được. Rồi lần cuối cùng, mụ nghe theo mụ Mai và lão pháp sư Tám, định cho mấy cha con uống bùa điên, sau đó ếm cho vong của bà chủ không về báo oán được. Tôi cũng là người đứng ra thực hiện... Tôi đáng tội chết!

Huyền không kiềm chế được, đã nhảy tới chụp lấy lão tài xế, vừa đánh vừa gào thét:

- Quân dã man! Đồ giết người!

Ông Thiện thì trầm tĩnh hơn, ông chỉ chua xót nhìn người tài xế bao nhiêu năm của mình, thở dài:

- Tôi có bao giờ xử tệ với chú đâu, vậy mà...

Ba tài xế rên rỉ:

- Tôi vì tham tiền mà tối con mắt, tôi lạy ông chủ.

Ông ta lạy sâu nhiều lần, mặc cho Huyền liên tục đấm đá. Ông Thiện không đành lòng, liền nói:

- Thôi con, mọi việc có trời. Vả lại...

Ông định nói tới người phụ nữ ngồi trước mặt, nhưng hơi ngượng, nên thôi. Trong lúc Hoa nhỏ nhẹ lên tiếng:

- Mẹ, làm sao bây giờ?

Người mà Hoa gọi là mẹ vẫn yên lặng. Một làn gió nhẹ thổi qua lay động vạt áo của bà, lúc này những người đối diện mới nhận ra thân thể bà hầu như không có, giống như con bù nhìn khoác áo bên ngoài! Hoa kêu lên:

- Mẹ!

Huyền nghe gọi quay lại và cô òa lên khóc:

- Mẹ, sao mẹ như thế này!

Lúc đó thân thể bà vụt đứng lên và chẳng khác gì một bộ quần áo không người mặc, bay lơ lửng giữa không trung!

Ông Thiện giờ mới dám nói với bà:

- Tôi xin lỗi. Bà muốn xử sao tôi cũng chịu.

Nhưng cái bóng như sương khói kia đã từ từ biến vào khoảng không ngoài vườn. Tuy nhiên, trước khi biến mất bà còn nói vọng vào phía trong:

- Ra đi!

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, từ trong phòng tối ba người lần lượt xuất hiện: Mụ Ngọc, Mai và lão pháp sư Tám - Họ khúm núm không dám ngẩng mặt lên và tới quỳ bên cạnh tên tài xế.

Không nói lời nào, bởi lúc ấy dù có muốn nói thì cả lũ họ cũng chẳng thể nào cất tiếng được, bởi nếu nhìn kỹ lúc ấy mới thấy họ đã mất lưỡi!

Mụ Ngọc đổ gục xuống trước, mụ há to miệng như để cho mọi người thấy cái miệng đầy máu, vô cùng ghê rợn của mụ ta!

Hai người kia lần lượt cũng làm như vậy. Nhìn cảnh tượng ấy, dù có phẫn uất tột độ, nhưng chị em Huyền cũng không thể lên tiếng. Ông Thiện quá đỗi kinh hãi, lùi lại định bảo vệ hai con, bỗng vấp phải cái chân của Ba tài xế, khiến ông suýt ngã và cũng nhờ thế đã phát hiện ra lúc ấy gã tài xế đang nằm bất động, miệng trào máu tươi lênh láng.

Hoa yếu bóng vía nên vừa run vừa bám chặt vào em gái. Huyền thì mím chặt môi, nhìn lũ người kia không chớp mắt, theo dõi mọi động tĩnh của họ. Nhưng thật ra lúc ấy cả bọn họ đâu còn gì nữa để mà dõi theo. Lão pháp sư Tám thường khi lắm trò, bày ra lắm thứ hại người, vậy mà bây giờ như một mớ giẻ rách, nằm lăn lộn, rên la.

Sợ Huyền manh động nên ông Thiện kéo tay hai con đi:

- Mình không cần làm gì hết, họ đã đền tội rồi còn gì.

Huyền lúc này mới nhớ đến mẹ:

- Không biết tại sao mẹ lại bỏ đi?

Hoa nhắc:

- Em không nhớ khi cùng chúng ta tới đây mẹ đã nói là mẹ luôn luôn ở bên cạnh mình. Chắc chắn mẹ không bỏ đi đâu.

Ông Thiện cũng nói:

- Mẹ con sắp đặt hết mọi chuyện này, nên có lẽ bà ấy biết phải làm gì. Ba nghĩ lúc này mình nên trở về nhà thì hơn.

 

Có bốn con người biến mất khỏi thế gian mà chẳng ai biết họ đi đâu. Đó là mụ Ngọc, mụ Mai, lão pháp sư Tám và tài xế Ba. Có rất nhiều tin đồn quanh họ. Một trong những tin đó là họ đi chung trong một chuyến hành hương rồi xe bị rơi xuống vực ở một đoạn đèo miền Trung, xe cháy mất xác.

 

Người nhà họ có đi kiếm tìm, cuối cùng đành phải chấp nhận giả thuyết trên.

Trong khi đó, thật sự họ đang có mặt ở ngôi nhà hoang. Không biết là họ còn sống hay đã chết, nhưng cả bốn người họ như những bóng ma, ban ngày biến mất trong ngôi nhà huyền bí thâm u đó, chỉ ban đêm mới thấy thấp thoáng bóng hình của họ. Nhiều người chung quanh đồn rằng đó là những hồn ma, nên càng ngày càng thêu dệt thêm nhiều chuyện ly kỳ.

Có điều chắc chắn họ là những người câm, tâm thần bấn loạn và thỉnh thoảng lúc nửa đêm thường cất tiếng kêu như chó tru.

Ngôi nhà hoang từ ấy hầu như không còn ai dám lui tới.

Trong khi đó...

Tại nhà ông Thiện mọi việc lại hoàn toàn trái ngược. Nếu mấy năm qua không khí trong nhà luôn căng thẳng giữa hai cô con gái với bà mẹ ghẻ, thì giờ đây một hoạt cảnh gia đình đầy ắp tiếng cười. Hai cô con gái luôn quấn quít bên cha và lúc nào họ cũng ngồi quanh bàn thờ của người mẹ quá cố. Huyền quả quyết:

- Mẹ không sống lại bằng xương bằng thịt được, nhưng mẹ đang có mặt trong ngôi nhà này. Mẹ sẽ về bất cứ lúc nào nhà này gọi mẹ!

Điều đó người ngoài không thể biết được và cũng khó tin, nhưng đang là sự thật! Hằng ngày đích thân Huyền nấu những món mà khi sinh tiền mẹ thích ăn, hoặc cúng những trái cây mà cha kể là mẹ khoái khẩu. Lúc còn con gái... Hầu như tất cả những món đồ cúng trên bàn thờ đều được ăn hết!

Do có những hiện tượng lạ như thế, nên nhà ông Thiện từ đó không thuê người ngoài vào giúp việc. Không một ai hay biết chuyện ấy...

Nếu tinh ý, vào những đêm nhà có yến tiệc, thường tổ chức trên lầu, thì từ dưới đường nhìn lên có thể thấy được vây quanh bàn tiệc luôn có bốn người: Ba cha con ông Thiện và một bóng người phụ nữ luôn ngồi giữa họ.

Có một người phụ nữ ở cõi âm đã đòi được chồng sống ở dương thế...