Tổng tập truyện ma của Người Khăn Trắng

CÁI CHẾT CÔ VŨ NỮ

Ông Phát Sanh gọi người quản gia tới hỏi lại lần nữa:

- Mọi việc chuẩn bị đã xong hết chưa?

Quản gia Bảy Thành tự tin đáp:

- Dạ bẩm ông, xong cả rồi.

- Vụ rước ban nhạc xong chưa?

- Dạ, chuyện rước dàn nhạc và các cô vũ nữ do cậu Hai lo, nhưng con biết chắc là đã xong hết rồi. Bởi lúc sáng cậu Hai gọi điện về nhờ con đưa xe lên đón mấy người đó. Con đã cho thằng Chín Sự đem xe đi, chắc chút nữa là về tới.

Ông Phát Sanh là người làm việc gì cũng cẩn thận, ông dặn lại:

- Tuy mọi việc đã coi như xong, nhưng để chắc ăn, mày coi lại lần nữa rồi có gì báo cho tao liền. Tao không muốn có một sơ suất nhỏ, bởi tối nay có tới gần chục người khách quan trọng, để họ phiền lòng là chẳng những tao mất mặt, mà cả công việc làm ăn của tao cũng tiêu đời luôn!

Chín Sự biết trong số khách mời có ông tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng, biện lý, ông cảnh sát trưởng, người hét ra lửa ở xứ này và nhiều quan chức khác. Ông Phát Sanh làm bữa tiệc mừng thọ cho mình lớn như thế này là có ý đồ, bởi nếu được sự hậu thuẫn của số quan chức kia, thì việc làm ăn của ông sẽ thuận buồm xuôi gió và lợi nhuận không biết cơ man nào mà kể cho hết!

- Thưa ông chủ, có khách muốn gặp ông.

Ông Phát Sanh cau mày:

- Khách nào vậy?

Người làm đáp:

- Dạ, một phụ nữ ăn mặc sang trọng, đi chiếc xe hơi đen đậu ngoài cổng.

Đúng ra ông không tiếp khách vào giờ này, nhưng nghe khách là nữ sang trọng, lại đi xe hơi, nên ông Phát Sanh bảo:

- Mời người ta vào phòng khách.

- Dạ, bà ấy đã đợi sẵn ở phòng khách rồi.

Ông Phát Sanh vừa bước ra phòng khách đã thấy một phụ nữ lạ, phục sức sang trọng, tỏ ra là một quý bà, đang ngồi nhìn ngắm khắp gian phòng.

- Xin lỗi, bà là...

Người phụ nữ vội đứng lên và rất lịch sự cúi chào:

- Kính chào ông chủ Phát Sanh. Xin tự giới thiệu, tôi là Anna Kiều, được ngài chánh án Robert Trần giới thiệu đến. Đại diện cho ông ấy để dự buổi tiệc hôm nay.

- Rất vinh dự cho chúng tôi, vậy xin mời bà ở đây chơi, bởi buổi tiệc đến bảy giờ tối nay mới bắt đầu. Hay là mời bà lên phòng trên lầu nghỉ, nhà có sẵn phòng cho khách.

Người phụ nữ rất tự nhiên:

- Thưa ông chủ Phát Sanh, tôi còn một số công việc phải làm, nên có lẽ tối nay đúng giờ tôi sẽ trở lại. Tuy nhiên, sở dĩ tôi ghé sớm là có một chút việc. Đúng hơn là có một món quà đặc biệt mà ngài chánh án gửi riêng cho ông, dặn phải đích thân tôi giao cho ông. Mong ông nhận cho!

Bà ta nói xong quay đằng sau phất tay ra dấu, người tài xế cùng một người nữa hình như đã đợi sẵn, nên vội khiêng một cái thùng giấy lớn vào.

Ngoài thùng có bao giấy và gắn ru-băng rất đẹp, đúng điệu là một gói quà, chỉ có điều là nó quá to, chẳng khác nào cái tủ lạnh.

Ông Phát Sanh hơi ngạc nhiên, nhưng không tiện hỏi, liền ra lệnh cho gia nhân:

- Bay đâu, nhận quà của bà đây, đem vào trong đợi một lát sẽ khui ra!

Bà ta đưa tay ngăn lại:

- Đây là quà đặc biệt dành riêng cho ông chủ, vậy phải để lúc ông vào phòng riêng và tự tay ông khui ra!

Ông Phát Sanh cười lớn:

- Chà, quà của quan chánh án có khác, nó đầy bí mật!

Bà Anna cười tươi:

- Như vậy mới gọi là quà quý hiếm chứ.

Nói xong, bà ta đứng lên ngay:

- Bây giờ xin kiếu ông chủ, đúng bảy giờ tôi sẽ trở lại.

Bà ta đưa tay ra bắt với vẻ sành điệu khiến ông Phát Sanh cũng phải nể nang. Khi bà ta đi rồi, ông buột miệng:

- Đúng là mẫu phụ nữ có tài giao tế!

- Phải chi ba có được bà đầm như bà này, giao cho bà ấy đi ngoại giao thì nhất trần đời!

Quay lại thấy thằng con cả nhà mình, ông Phát Sanh, điểm mặt anh ta:

- Cái miệng oang oang của mày mà lọt tới tai "bà chằn" má mày thì có mà cháy nhà!

Hai Sung cười tít mắt:

- Con chỉ nói đúng tim đen ba thôi mà! Vả lại, má con chỉ ru rú trong nhà, ba cũng phải kiếm một bà để thay mặt đi ngoại giao chứ!

Ông Phát Sanh nạt anh ta:

- Nín đi mày, thằng khỉ! Phải rồi, nếu gặp mày thì chắc mày quơ hết chứ chẳng chừa!

Hai Sung lại cười hô hố:

- Phải chi bà ta còn trẻ thì con xin ba nhường cho!

Anh ta nói xong thì định biến ra ngoài, ông Phát Sanh phải gọi giật lại:

- Vụ dàn nhạc và đám vũ nữ xong chưa?

- Thằng tài xế đang chở về. Có mấy con nhỏ ác chiến luôn, bảo đảm mấy cha quan chức sẽ híp con mắt, nhểu nước miếng ừng ực cho coi!

- Chừng nào đưa tụi nó về thì bảo tụi nó đưa vào nhà bên kia cho ở tạm, dọn cơm nước cho tụi nó ăn trước, nhớ đừng để cho má mày thấy và biết.

Hai Sung lắc đầu:

- Tiếp khách theo kiểu ba thì làm sao rước được đám này! Trên đường về con đã chiêu đãi cho cả bọn một bữa cơm trưa, hai cữ cà phê thuốc lá, và còn đưa trước cho mỗi đứa một ít để dằn túi nữa! Nếu không tụi nó đâu có chịu, bởi bỏ một đêm ở vũ trường tụi nó mất "sở hụi" biết bao nhiêu.

- Cậu Hai chịu chơi thì ráng móc tiền túi ra mà chi!

Hai Sung nheo mắt cười:

- Sao lại là tiền của con? Việc của ba thì ba phải chịu chứ! Con lấy tạm tiền thu nợ lúa được kha khá, nên con chi cũng bạo tay...

Ông Phát Sanh kêu lên:

- Trời ơi, mày xài hết tiền của tao rồi! Tiền đó...

Hai Sung thản nhiên:

- Thì trước sau gì cũng chi. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn mà!

Nói xong anh ta biến rất nhanh, để lại nỗi ấm ức của ông bố! Thằng con trời đánh này thật ra phá của ông gấp trăm lần hơn số đó, mà từ lâu nay ông nào có nói được. Nói ra thì chính bà vợ ông cũng bảo:

- Thì cha nào con nấy mà.

7 giờ tối...

Các quan khách tới rất đúng giờ. Tiệc được bày ở sân vườn rộng trên nửa mẫu tây của ngôi nhà, đèn đuốc sáng choang, chẳng khác một ngày hội lớn!

Đón xong các quan khách chủ chốt, đáng lý ông Phát Sanh đã yên lòng, nhưng chẳng hiểu sao ông lại bồn chồn, như còn chờ đợi mong ngóng một ai đó... Cuối cùng ông cũng phải buột miệng:

- Sao bà ta chưa tới?

Thì ra ông đang ngóng đợi Anna Kiều!

Chợt quản gia Chín Sự hấp tấp chạy vào đưa ông một tấm danh thiếp:

- Thưa ông, có người gửi ông cái này.

Tấm danh thiếp ở mặt trước có dòng chữ: Anna Kiều - nguyên hoa hậu Sài thành. Còn mặt sau thì đầy chữ:

"Thành thật cáo lỗi cùng ông chủ,

Do có việc đột ngột phải quay về Sài Gòn ngay, nên không dự buổi tiệc của ông được. Xin chúc ông sống thọ trăm tuổi, sức khỏe dồi dào! Cũng xin nhắc ông, nên mở món quà ra ngay thời khắc khai mạc buổi tiệc. Chúc ông hài lòng!

Anna Kiều."

Bị hụt hẫng, ông Phát Sanh vụt đứng dậy, bỏ bàn tiệc đang có các yếu nhân và đi thẳng vào nhà, tự mở cửa phòng riêng và không nhờ một ai vào phụ.

Ông cắt dây buộc bên ngoài cái thùng giấy. Lòng tự dưng hồi hộp...

Cái thùng giấy được mở bung ra. Có tất cả hai lớp thùng, nên ông ta phải cắt hai lần dây thì mới tới lớp trong cùng. Và...

- Trời ơi!

Lão ta bật ngửa ra sau, mồm há hốc và suýt đứng tim! Trước mặt ông ta, nằm gọn trong thùng là... xác chết của một cô gái!

Trong phòng không có ai, nên việc xảy ra chỉ một mình ông ta biết. Mà sự biết lúc ấy cũng chẳng có nghĩa gì, khi chỉ sau tiếng kêu không thành tiếng thì ông chủ Phát Sanh đã không còn biết gì nữa...

 

Người đầu tiên phát hiện ra sự thể là quản gia Chín Sự. Số là do ông Phát Sanh vắng mặt khá lâu ở bàn tiệc, nên ngài tỉnh trưởng đã thắc mắc. Ông ta gọi quản gia lại và hỏi, Chín Sự lúng túng, nhưng nhờ kinh nghiệm nhiều năm phục vụ chủ mình, nên anh ta đã nói khéo rằng ông chủ bị đau bụng bất ngờ nên phải đi giải quyết...

Nói xong, Chín Sự vội đi tìm chủ và khi anh ta mở cửa phòng riêng thì gặp ông Phát Sanh nằm ngất trong đó! Anh ta vội đỡ chủ dậy mà chưa kịp nhìn vật trong cái thùng. Ông Phát Sanh nhờ vậy đã tỉnh lại. Ông ta bật dậy và hỏi ngay:

- Nó đâu rồi?

Chín Sợ ngạc nhiên:

- Thưa ông, ông hỏi ai ạ?

Nhìn thấy cái thùng còn đó, ông ta chồm lên và một lần nữa sửng sốt!

Nhưng lần này ông ta không ngất xỉu, mà trái lại đã kịp nhìn rõ mặt xác chết.

Một tiếng kêu thảng thốt:

- Kiều Mi!

Thì ra đó là một người quen của ông ta! Đúng hơn đó là một trong những người mà ông Phát Sanh đã quen biết... đã từng có quan hệ tình cảm!

Chín Sự lúc này mới chú ý tới thùng giấy, và anh điếng hồn khi nhận ra xác chết!

- Ai... ai vậy ông chủ?

Lần đầu tiên ông Phát Sanh hạ thấp giọng trước thuộc hạ của mình:

- Mày... mày đừng la lớn. Mày coi có cách nào...

Ông ta cố trấn tĩnh:

- Mày coi lại coi, có phải cô ta... chết thật rồi không?

Chín Sự hơi run, nhưng cũng không dám cãi, vội đưa tay lên mũi xác chết rồi hốt hoảng:

- Chết rồi!

- Mày... mày đừng nói cho ai biết! Mày ra ngoài và đóng chặt cửa lại...

Ông ta cùng ra với Sự và cửa phòng được khóa chặt lại, nhốt trong đó một bí mật mà chính ông Phát Sanh cũng không hiểu...

Buổi tiệc bên ngoài vẫn tiếp diễn...

Chỉ có điều là suốt trong buổi tiệc đó, chủ nhân như kẻ mất hồn. Ông ta tiếp khách mà đầu óc cứ để đâu đâu, thậm chí còn ăn nói không đầu không đuôi, cứ quên trước, quên sau... Đến đỗi mấy khách lớn phải nói riêng với nhau:

- Lão này chắc bị lẫn rồi, đâu còn minh mẫn như trước đây nữa!

Họ bàn với nhau một lúc, rồi cùng nháy mắt ra hiệu và rút hết trong lúc chưa đến hồi kết thúc. Cái màn hấp dẫn nhất là khiêu vũ với mấy chục vũ nữ xinh đẹp rước từ Sài Gòn về vẫn chưa bắt đầu...

Không ai biết chuyện gì đang xảy ra...

Ngay trong đêm đó, khi bữa tiệc vừa tan thì quản gia Chín Sự đã phải làm một việc mà bản thân anh ta không hề muốn: chôn cái xác ngay trong vườn nhà!

Do bị ông chủ nghiêm cấm không cho bất cứ ai ngoài anh ta biết chuyện, nên suốt hơn một giờ đồng hồ, chỉ bằng cây cuốc chim mà Chín Sự đã vừa đào huyệt vừa kéo cái xác ra, chôn luôn cả xác và cái thùng giấy lớn.

Vừa làm xong, do quá mệt, anh ta ngả lưng đại bên nấm mồ vừa chôn.

Nhưng chưa kịp thở lấy hơi thì Chín Sự đã suýt kêu lên, bởi có một người xuất hiện lù lù trước mặt anh ta, chẳng khác một hồn ma! Người ấy cất tiếng thanh trong nhưng có phần đanh đá:

- Chuyện ai làm nấy lo, sao anh lại cáng đáng việc này?

Đến lúc này Sự mới nhận ra người đứng sát bên mình là một phụ nữ ăn mặc sang trọng, mà dù trong ánh sáng lờ mờ, Sự vẫn nhận ra đó chính là bà khách ban chiều!

- Bà... bà...

Lời anh ta chưa trọn câu thì giọng nói sắc lạnh lại vang lên:

- Gọi chủ anh ra đây!

Giờ này mà gọi ông chủ ra quả là việc khó. Bởi sau tiệc thì lão Phát Sanh đã rút vào trong phòng riêng với bà vợ già và đố ai dám gọi. Anh ta lưỡng lự thì người kia quát:

- Mày có muốn tao la ầm lên để mọi người cùng biết là mày đang giết người rồi chôn xác phi tang không?

Chín Sự đành phải vừa bước lùi vừa lắp bắp nói:

- Để... để tôi kêu!

- Mày mà trốn luôn thì sẽ như cái xác này, nghe chưa!

Sự riu ríu chạy đi và làm đúng như lời. Anh ta phải gõ cửa nhè nhẹ mấy lượt thì bên trong mới có tiếng càu nhàu của bà chủ:

- Chuyện gì mà làm phiền vậy?

Chín Sự phải dùng cách hù dọa:

- Có trộm leo tường phía sau, chúng nó đông lắm, ông dậy lấy súng săn ra đối phó ngay đi ông!

Bà chủ cùng chạy ra với ông, nhưng Sự nhanh trí nói:

- Cướp có vũ khí, bà đừng ra mà nên ở trong phòng khóa cửa lại, để con với ông đi thôi!

Ông Phát Sanh tưởng cướp thật nên run rẩy:

- Mày... mày lấy súng... bắn nó, chứ tao ra làm chi?

Chín Sự phải nheo mắt mấy lượt, lão ta mới hơi hiểu và dè dặt bước theo ra ngoài với khẩu súng hai nòng trên tay. Ra khỏi nhà, Sự mới nói nhanh:

- Không có cướp, nhưng có người muốn gặp ông!

Lão Phát Sanh chưa kịp hỏi thêm thì đã ra tới chỗ chôn xác, lão vừa ngạc nhiên vừa sợ hãi đến bước đi không vững:

- Mày... mày đưa tao ra đây chi vậy?

Lão định tháo lui, nhưng vừa khi ấy giọng người đàn bà đã cất lên:

- Sao bạc tình bạc nghĩa đến vậy hả ông chủ? Đến người tình chết mà cũng không được ông đến nhỏ cho vài giọt nước mắt nữa sao!

Vừa nghe giọng nói là ông Phát Sanh đã điếng hồn. Ông lắp bắp:

- Bà... bà là...

- Anna Kiều xin chào tái ngộ ông chủ! Sao, không muốn tiếp tôi hả?

Ông Phát Sanh líu cả lưỡi:

- Tôi... tôi không hề làm chuyện này... Tại sao cô... cô đem cái xác này...

Bấy giờ, giọng bà ta trở nên sắc lạnh hơn:

- Chối tội thì tôi, ông hay anh quản gia này đều có thể chối được! Nhưng cái xác này chết ở đâu, ai đem chôn nó và chôn chỗ nào? Bấy nhiêu đó ông trả lời trôi hay không?

- Tôi... tôi không...

Hất hàm về phía Chín Sự, bà ta ra lệnh:

- Hãy đào thêm cái huyệt nữa!

Chín Sự cuống lên:

- Thưa bà... đào chi nữa?

- Để cho ông chủ của anh! Ông ta không muốn nhận cái xác này thì phải chôn ông ta theo với nó, may ra ông ấy sẽ hiểu việc ông ấy đã làm và tội của ông ấy tới đâu! Nhanh lên!

Chín Sự đủ sức để chống lại mụ đàn bà yểu điệu kia, nhưng chẳng hiểu sao anh ta lại ngoan ngoãn nghe lời, mà còn cóng tay chân trước bà ta nữa!

- Đào nhanh lên, và chính anh xô ông ta xuống huyệt, chừng nào ông ta không chịu lên tiếng nhận là mình đã giết cô gái dưới mồ này!

- Dạ...

Chín Sự vừa đào đất, thỉnh thoảng lại liếc về phía ông chủ mình... Bỗng nghe ông ta lên tiếng:

- Ừ... tôi chịu...

- Chịu là chịu thế nào? Dám ra trước nhà chức trách mà nhận tội giết người không?

- Tôi... tôi đâu có giết Kiều Mi? Tôi chỉ...

Bấy giờ bà ta mới rít lên:

- Không cầm dao cầm súng giết, nhưng lấy con người ta có thai, rồi ép người ta phá thai, trong lúc cái thai đã năm tháng tuổi, như vậy còn hơn cả tội sát nhân nữa! Bởi chẳng phải chỉ giết một mạng người, mà có đến hai mạng cùng chết!

Lúc này ông Phát Sanh mới hốt hoảng:

- Có... có chuyện đó sao? Kiều Mi... cô ấy...

Người phụ nữ phá lên cười đắc ý:

- Cuối cùng thì ông cũng đã nhận ra người chết rồi! Kiều Mi, cái tên đẹp giống như người, đẹp đến khách làng chơi đều phải ngẩn ngơ, thèm muốn. Vậy mà chẳng một ai sở hữu được người đẹp, chỉ vì lão trọc phú Phát Sanh đã độc chiếm, đã dùng đồng tiền mua đứt cô ta! Nhưng sao dám chơi mà không dám nhận hậu quả? Sao lại nhẫn tâm xúi người ta phá thai khi cái thai đã thành người! Đến đỗi cô ấy phải vong mạng...

Mỗi lời nói của bà ta như hàng vạn mũi kim xuyên vào thịt da lão, khiến lão Phát Sanh run lên bần bật:

- Đừng nói... đừng nói nữa. Tôi... tôi biết... tôi có tội...

- Vậy hãy đền tội đi!

Lời bà ta vừa dứt thì chẳng còn thấy bóng dáng đâu! Lão Phát Sanh thay vì mừng thì lại càng run rẩy hơn:

- Tôi... tôi không...

Chín Sự thấy mụ kia đi rồi thì dừng tay, hỏi ông chủ:

- Bà ấy đi rồi sao ông không chạy đi?

Bấy giờ ông Phát Sanh mới chợt hoàn hồn, ông ta vừa định bước đi thì chợt có ai đó nói từ phía sau:

- Chờ em với chứ!

Nhìn lại không thấy ai chung quanh, ông Phát Sanh phát hoảng:

- Ai... ai vậy?

- Em lạnh lắm, sao để em nằm dưới này một mình? Xuống đây với em!

Chín Sự nghe rõ giọng nói đó vang lên từ dưới nấm mồ! Anh ta hốt hoảng nhảy lên khỏi hố huyệt đang đào và định bỏ chạy. Nhưng giọng nói kia lại cất lên:

- Khoan đã! Phải đẩy lão ta xuống rồi muốn đi đâu thì đi!

Lão Phát Sanh kêu lên:

- Kiều Mi!

Lão ta đã nhận ra giọng nói của người tình, nên càng sợ hãi hơn:

- Em... em đó sao, Kiều Mi? Em đừng...

Lão ta định bước lùi, nhưng chẳng hiểu sao lại luống cuống và ngã sấp người tới trước, gần rơi xuống cái hố huyệt Chín Sự đang đào, suýt nữa nhát cuốc của anh này bổ trúng vào đầu lão ta!

- Ông chủ! Ông đừng...

Chín Sự buông tay cuốc đỡ chủ mình dậy, nhưng vừa lúc đó anh ta đã nhận ra đang có một bàn tay chụp cánh tay lão ta ghì mạnh xuống lòng đất!

- Ông chủ!

Chín Sự chỉ kêu lên được mấy tiếng rồi người lảo đảo, mắt tối sầm lại...

Bà vợ ông Phát Sanh tiếp người khách mà bà hoàn toàn chưa biết mặt.

Một cô gái còn trẻ, nhưng dáng vẻ tiều tụy và già trước tuổi. Cô ta ngập ngừng bước vào phòng khách trong khi bà chủ nhà đang ngồi trên bộ ghế trường kỷ.

- Thưa bà, cháu tới để đưa thư của bà Phán Thơ ở Cà Mau.

Nghe tới tên người bà con mà lâu ngày chưa gặp lại, bà Sanh mừng rỡ:

- Vậy sao? Cháu là gì của chị Phán?

- Dạ, cháu là... cháu kêu bằng mợ. Bà Phán Thơ là vợ của cậu cháu.

Cô ta đưa một phong thư dán kín, bà Phát Sanh tiếp nhận và quay ra sau gọi lớn:

- Con Tư Lài đâu, ra đọc thư cho bà coi.

Con nhỏ giúp việc Tư Lài là đứa có học trong đám tôi tớ, nên mọi việc liên quan tới chữ nghĩa của bà chủ nó đều là đứa đảm nhận. Cầm lấy phong thư còn dán kính nó đưa mắt nhìn chủ thì được cho phép:

- Xé ra coi nói gì ở trong đó?

Con Tư Lài xé ra và đọc lớn. Thì ra trong thư bà Phán Thơ giới thiệu cô gái tên Ngọc Diện với một đoạn nói rõ:

"... nó là cháu ruột của chồng tôi, có nghề làm thuốc rất giỏi, mà ở quê thì không có điều kiện để làm nghề. Vừa qua nghe người nhà của chồng tôi đi về nói có quen biết với chị, bảo rằng chị bị bệnh thấp khớp nặng, đi đứng khó khăn, nên tôi mới mạo muội gởi con Ngọc Diện này lên, nó sẽ ở bên chị, giúp theo dõi bệnh, điều trị thường xuyên... Thù lao, công cán thì nó không cần đâu, chỉ ở giúp thôi. Mai này nếu được, chị cứ coi nó như con cháu, xem được mối nào thì tính chuyện chồng con cho nó luôn cũng được. Con nhỏ mồ côi đáng thương lắm!".

Việc trị bệnh phong thấp là gãi đúng chỗ ngứa của bà Phát Sanh. Bởi từ hơn ba năm nay, bà đã khổ sở bởi chứng bệnh này, thuốc thang thầy bà biết bao nhiêu rồi mà vẫn không khỏi. Tự dưng bà có cảm tình ngay với cô gái:

- Cháu biết trị bệnh sao không mở phòng mạch?

- Dạ, nhà cháu nghèo, nơi ở còn không có thì lấy đâu ra vốn liếng mở tiệm. Hơn nữa, cháu xưa nay chỉ chữa bệnh miễn phí. Giúp người chứ chưa ăn tiền ai.

Bà Phát Sanh càng mừng rỡ hơn:

- Đúng là tôi gặp được quý nhân rồi! Thôi được rồi, cháu cứ ở đây, coi như con cháu trong nhà. Ngoài việc trị bệnh cho thím, cháu không phải làm việc gì hết!

Cô gái mừng rơn:

- Dạ, cám ơn bà chủ. Con còn biết nấu ăn, may vá. Con sẽ phụ lo cơm nước cho ông bà. Mà nghe nói ông cũng bị chứng đau nhức nửa đầu nữa phải không?

Bà Sanh ngạc nhiên:

- Ủa, sao cháu biết?

- Dạ, cháu nghe mợ cháu nói.

- Ờ, chứng bệnh đó cũng làm cho ông ấy khó chịu lắm, lâu nay thầy ta thầy tây gì đủ thứ mà bệnh vẫn trơ trơ. Cháu mà trị được cho ông thì ông tôn làm sư phụ cho coi!

Chợt bà nhìn sắc diện cô gái và hơi yên tâm:

- Cháu không có nhan sắc mặn mà, chắc là được...

Cô gái không hiểu, hỏi lại:

- Bà nói vậy là sao?

Bà Phát Sanh muốn nói thẳng ra là bà mướn người trong nhà này đều lựa những người không có nhan sắc, hoặc người lớn tuổi, bởi từ ông cha cho tới thằng con trai, đều là những tay háo sắc!

Thấy bà có vẻ ngập ngừng, cô gái nói:

- Cháu mát tay lắm, trị bệnh cho ai là hết liền. Nhưng với một điều kiện, đã uống thuốc của cháu rồi thì không được uống bất cứ thuốc gì khác!

Bà Sanh chịu liền:

- Thím sợ thuốc lắm, chỉ cần uống một thứ thôi đã ngán, còn sức đâu mà uống cho nhiều! Mà thuốc bắc hả?

- Dạ không, của cháu là thuốc nam. Từ lá cây bông trái... nên rất dễ uống. Hơn nữa, cháu còn có cách trị bệnh mà không cần uống thuốc!

Nghe vậy, bà Phát Sanh reo lên:

- Có chuyện đó nữa sao? Trời ơi, đúng là Phật trời cử con nhỏ này tới giúp thím đây mà!

Bà ôm chầm lấy Ngọc Diện mà tưởng chừng như là con cháu ruột hay người thân thiết lâu đời! Bà bảo Tư Lài:

- Mày dẫn chị này ra chỗ dãy nhà khách, lấy căn phòng ở bìa ngoài cho nó ở. Nó là khách chứ không phải người làm trong nhà, nên tụi bay phải đối đãi như khách của tao vậy, nghe chưa!

Vừa đi, Tư Lài nói khẽ với khách:

- Chị là ngoại lệ đó, chứ trong nhà ít ai được như vậy lắm. Bà con của bà ấy dưới quê lên mà bà ấy còn cho ngủ ở nhà ngang dành cho bồi bếp!

Ngọc Diện chỉ cười không đáp.

Thế là từ một người hoàn toàn xa lạ, cô gái tên Ngọc Diện đã nghiễm nhiên trở thành một người trong nhà, lại càng lạ hơn nữa là chỉ sau một lần trị bệnh, bà Phát Sanh đã hết lời khen ngợi và tuyên bố thẳng với mọi người:

- Nó là con nuôi của tôi đó nghen!

Thời gian này, ông Phát Sanh đang nằm bệnh viện. Sau vụ xảy ra đêm đó thì ông ta phát bệnh và nằm liệt một chỗ luôn. Các bạn bè khuyên nên đưa lên Sài Gòn, cho vào nằm bệnh viện Grall của Pháp. Người ta không tìm được chứng bệnh chính thức của ông ta là gì, chỉ ghi nhận là ông ta bị chấn động thần kinh bởi một nguyên nhân nào đó chưa rõ...

Ông ta nằm bệnh viện được mấy ngày thì sốt ruột hỏi đứa gia nhân nuôi bệnh:

- Thằng Chín Sự đâu không thấy?

- Dạ, chẳng hiểu sao anh ấy phát điên, quậy phá nhiều chuyện nên bà chủ ra lệnh không cho ở trong nhà nữa. Bây giờ chẳng hiểu anh ấy ở đâu!

Ông Phát Sanh lo ngại:

- Có ai biết nó đi đâu thì bảo đi tìm nó, cho tiền nó trị bệnh rồi bảo nó về trại ruộng dưới Phong Điền mà ở, chờ tao hết bệnh về sẽ tính.

Ông đưa một số tiền kha khá cho thằng Hai Xê, bảo nó đi tìm Chín Sự ngay.

Điều lo ngay ngáy trong lòng ông ta lúc này là cái miệng của thằng quản gia. Nó mà bép xép thì tiêu đời! Cũng may là nó phát điên...

Qua một tuần điều trị, chứng hoảng loạn trong ông đã có phần thuyên giảm, nhưng chứng nhức nửa đầu thì hình như có phần tăng thêm. Cứ nửa đêm thì cơn đau lại đến và hành hạ ông đến sáng. Ông Phát Sanh đã báo cho bác sĩ Tây, nhưng họ cũng chỉ làm cho ông cắt cơn đau tạm thời thôi, sau đó mọi việc lại như cũ.

Bỗng một buổi tối, khi ông đang nằm trong phòng bệnh một mình thì có một người đứng lấp ló bên ngoài, sau đó nhẹ bước đi vào. Nhìn lên thấy người lạ, ông giật mình hỏi:

- Cô là ai mà vào đây? Đi lộn phòng phải không?

Cô gái trùm kín mặt bằng chiếc khăn choàng theo kiểu dân nhà quê, nhỏ nhẹ đáp:

- Cháu theo lệnh bà ở nhà đem thuốc vào cho ông. Chứng bệnh đau nửa đầu của ông mà không trị kịp thời thì đứt mạch máu não mà chết đó!

- Nhưng... cô là ai?

Cô gái không đáp, chỉ đặt lên bàn cạnh đầu nằm của bệnh nhân một chén thuốc còn nóng và quay ra ngay...

Ông Phát Sanh gọi giật ngược lại:

- Cô kia, làm sao tôi dám uống thuốc này khi cô không nói rõ cô là ai?

Cô gái không dừng lại, chỉ nói với:

- Không uống thì nội đêm nay ông sẽ bị hôn mê!

Ông Phát Sanh muốn đứng dậy, nhưng nửa bên đầu của ông lại đau nhói lên, lần này đau dữ dội, chưa từng bị như vậy!

Rồi từ phút đó, cơn đau cứ gia tăng, đau đến độ không tài nào chịu nổi, định lên tiếng gọi y tá, nhưng cũng không làm sao gọi được! Mà lạ thay, mỗi lần hít được mùi thuốc từ chén thuốc nóng thì cơn đau có vẻ dịu đi trong chốc lát.

Đến khi không còn chịu đựng nổi nữa, lúc này ông ta mới chụp chén thuốc và uống đại, thuốc chỉ vào miệng được phân nửa, còn nửa kia thì đổ ra ngoài. Tuy nhiên, chỉ trong vài chục giây thì... như thuốc tiên, cơn đau nửa đầu của ông biến mất!

Chưa tin đó là sự thật, ông Phát Sanh bật ngồi dậy rồi đưa tay sờ đầu. Trước đó một phút thì chỉ một cơn gió lùa qua, tóc lay động nhẹ cũng đủ làm cho ông đau buốt tới tận óc! Còn bây giờ, ông thử lùa tay vào tóc mà vẫn chẳng có cảm giác đau đớn nào!