Mở mắt ra nhìn thấy một lão nông trung niên ngồi trước mặt mình, Ba Tài chồm ngay dậy, hỏi liền:
- Vợ tôi đâu chú?
Đưa tay ra dấu cho Tài nằm yên, người chủ nhà nhỏ nhẹ nói:
- Kêu tôi bằng anh thôi. Tôi năm nay chỉ mới ba chín, chắc lớn hơn chú chút đỉnh thôi.
Ba Tài đâu còn nghĩ gì khác ngoài vợ mình:
- Kêu bằng gì cũng được, nhưng vợ tôi đâu?
- Vợ nào, tôi chỉ thấy có mình chú nằm chết giấc trên ghe nên đem về đây, chứ nào có ai khác.
- Nhưng vợ tôi nó... nó...
Chợt nhớ lại chuyện đã qua, Tài nhìn quanh rồi thảng thốt kêu lên:
- Người ta đã làm gì vợ tôi rồi? Chú... à mà anh có thấy ai ở chỗ ghe của tôi không?
Người đàn ông lắc đầu:
- Tôi đi giăng câu ngang qua vạt rừng đó thì nghe có tiếng hú, biết có chuyện chẳng lành nên tôi vội tới. Cũng may là còn kịp cứu chú.
- Anh có biết ai hú không?
- Kêu tôi bằng Hai Chà là được rồi. Còn ai hú thì làm sao mà biết được, ngoại trừ mình cũng là ma như họ!
Tài giật mình:
- Đó là ma sao?
- Tôi ở đây lâu đời lắm rồi, nhưng hiện tượng này chỉ mới có chừng hơn một năm nay. Ban đầu tôi cứ tưởng người điên nào đó, nhưng kiếm tìm hoài mà chẳng thấy ai trong khu rừng này cả. Rồi chắc chắn đó là ma!
- Một hồn ma nữ?
- Đúng. Đã nhiều đêm tôi nghe tiếng một người đàn bà vừa hú vừa khóc! Nhất là vào những đêm trời tối hay mưa gió, chỉ nội nghe tiếng hú thôi thì dẫu cho tim bằng đá óc bằng thép cũng phải rùng mình! Tôi nè, là dân làng chài mà nhiều lần đã phải thót tim khi nghe tiếng hú vừa khóc thê lương đó. Cậu mà nghe thì...
Chợt anh ta hỏi:
- Hay là cậu nghe rồi nên mới ngất đi phải không?
Ba Tài gật đầu:
- Chẳng riêng tôi, mà còn con vợ tôi nữa.
Anh đem chuyện mất tích của vợ mình và những gì đêm qua kể lại. Vừa nghe xong Hai Chà đã vỗ đùi:
- Đúng y như vậy rồi! Hồi năm ngoái có một cặp vợ chồng lấy củi ngang qua khu rừng đó thì cũng bị như vậy. Chỉ vì người chồng tên là Tài.
Ba Tài kinh ngạc:
- Tên Tài thì có gì liên quan tới hồn ma?
- Vậy mà có đó. Tôi để ý rồi, đã nhiều cặp vợ chồng hoặc đàn ông đi một mình hễ ai qua đó cũng bị hồn ma hiện ra quấy phá, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nữa, tất cả đều có tên là Tài! Ở xóm trên đã có ba người bị y như vậy!
- Đều tên là Tài!
- Đúng vậy. Chú mày biết tại sao không? Chỉ bởi hình như hồn ma đó có thù hận điều gì với một người tên Ba Tài!
Ba Tài giật bắn người, suýt nữa anh đã để lộ thân phận của mình, cũng may là Hai Chà đã nói tiếp:
- Tôi đã tìm thấy một cái gò đất cao giữa cánh đồng tràm, trên gò có một cây gáo cổ thụ, thân cây cỡ hai người ôm và trên đó còn ghi lại mấy chữ để giải thích vì sao có chuyện hận thù người tên Tài!
Ba Tài lắng nghe rất kỹ, thấy Hai Chà dừng lại hút thuốc, anh hỏi tới:
- Sao nữa anh Hai?
- Trên thân cây viết mấy chữ như vậy: Hận Ba Tài suốt kiếp. Đó, chú mày thấy chưa, chỉ vì hận Ba Tài nào đó mà oan hồn ấy hại bất cứ người đàn ông nào tên Tài vô phước đi ngang qua!
- Ở gò đất đó có nhà cửa gì không anh Hai?
- Chỉ có một cái chòi nhỏ, nhưng có lẽ cất đã lâu ngày nên bây giờ dột nát hết rồi. Tuy nhiên, nơi đó còn có một vật sót lại, có lẽ đó là kỷ vật của hai người lúc còn mặn nồng với nhau.
Anh ta đi vào nhà lấy ra một chiếc lược làm bằng sừng trâu rất xinh xắn, đưa cho Tài xem:
- Trên chiếc lược này còn khắc mấy chữ, cậu đọc coi.
Tài vừa nhìn thấy chiếc lược đã giật mình run rẩy... bởi không cần nhìn kỹ Tài cũng biết trên cán lược có dòng chữ: Cho người thương không bao giờ xa cách!
Hai Chà đợi cho Tài đọc xong, anh ta mới nói:
- Tôi đoán giữa Ba Tài này với cô gái oan hồn vốn là cặp đôi với nhau, và từng có thời tới chỗ cái chòi đó để ở hay tình tự gì đó, cho đến khi...
Bỗng dưng Ba Tài thét lớn:
- Đừng nói nữa.
Rồi như một kẻ điên, anh lao người ra trước nhà và không làm chủ được bản thân, đã bước hụt chân ngã luôn xuống nước! Và có lẽ nước lạnh đã làm cho Tài tỉnh lại, anh vẫn đứng yên dưới nước, nhưng lại ôm mặt khóc nức nở, Hai Chà ngạc nhiên:
- Chú làm sao vậy?
Ba Tài không đáp, lẳng lặng leo lên ghe, mãi đến khi chống ra cách nhà vài chục thước mới nói với lại:
- Cám ơn anh Hai, tôi phải đi tìm vợ tôi!
Hai Chà đứng nhìn theo và lắc đầu:
- Thằng này số chết hay sao đây!
Anh lấy chiếc lược sừng đặt lên bàn thờ giữa nhà, thành kính khấn vái:
- Việc cô sai tôi chưa làm được, nhưng thằng đó sớm muộn gì cũng tới nộp mạng cho cô thôi!
Nếu ai để ý sẽ thấy bàn thờ kia chỉ có một bát nhang, không có ảnh thờ, nhưng lại có một lọn tóc phụ nữ khá dài. Giống y như lọn tóc mà Ba Tài đã thấy ở nhà đêm vợ biến mất!
Nén nhang đã tắt tự bao giờ, bỗng dưng sau lời khấn của Hai Chà nó vụt cháy trở lại. Bấy giờ Hai Chà lại tiếp tục khấn:
- Em yên tâm, dẫu em còn bị phán quan cấm cung, không thể ra ngoài đi báo thù được nhưng Hai Chà này nguyện vì em, sẽ làm cho kẻ đã gây ra cái chết oan uổng của em phải đền tội ngay trong mùa nước nổi này!
Anh ta khấn xong thì bước ngay ra ngoài, lên chiếc xuồng nhỏ bơi theo hướng Ba Tài vừa đi. Chiếc xuồng nhỏ nên lướt rất nhanh, và có lẽ thuộc đường, nên khi anh ta tới gò đất thì chưa thấy ghe của Tài.
- Ủa, anh ta phải tới đây mà?
Hai Chà chợt nhìn sang chỗ gốc cây cổ thụ, nơi có khắc dòng chữ và kêu lên:
- Anh ta dám làm chuyện này sao?
Gốc cây gáo, chỗ có khắc dòng chữ vừa mới bị ai đó dùng dao vạt bằng mặt, xóa hết những chữ khắc đã mấy năm qua. Dấu vết vạt còn mới nguyên.
- Thằng Ba Tài này dám sao!
Nhưng anh ta chưa kịp nổi cơn giận thì bỗng thấy ở phía bên kia gốc cây có một nấm mộ đất còn mới. Trên đầu mộ có cái bệ bằng cây tràm tươi vạt mặt, khắc mấy dòng: Mộ phần Lưu Mỹ Lệ.
Quá uất ức, Hai Chà lao tới dùng chân đạp mạnh vào đầu ngôi mộ, định xô ngã cái bệ. Nhưng bỗng anh ta rú lên một tiếng đau đớn rồi ngã lăn ra. Những ngón chân anh ta tóe máu ròng ròng, giống như vừa bị ai chặt đứt!
Từ không trung, bỗng vang lên tràng tiếng hú lạ lùng, ghê rợn. Mà nghe kỹ thì cách hú không hề giống với tiếng hú mà Ba Tài đã nghe. Vẫn của một người nữ, nhưng khác với tiếng hú mà Hai Chà đã biết:
- Út Sương, không phải là em, vậy ai đang hú?
Trả lời cho anh ta là một tiếng khóc dội lên từ gò mả cũ, đối diện với mả mới. Vừa nghe Hai Chà đã hốt hoảng:
- Sao em lại khóc, Út Sương?
Tiếng khóc càng lúc càng bi thương hơn, và Hai Chà hiểu việc gì đã xẩy ra.
- Có phải em bị người ta hại rồi phải không? Ai? Con Mỹ Lệ hay là...?
Hình như giữa anh ta và cái vong dưới mộ có thể truyền đạt ý nghĩ cho nhau, nên chỉ một lát sau thì anh đã gầm lên:
- Trời ơi, mình chậm mất rồi!
Anh ta hấp tấp rời ngay gò đất như chạy trốn. Và lúc này chiếc ghe của Ba Tài mới cập bến, Tài bước lên với dáng điệu thẫn thờ, nhưng khi đứng trước ngôi mộ mới thì anh vội ngồi thụp xuống và gào lên:
- Đừng bỏ anh Lệ ơi!
Rồi quay lại phía sau, anh mọp sát người xuống mặt đất, giọng van lơn:
- Út Sương ơi, anh tạ tội với em, xin em đừng làm như vậy tội cho cô ấy. Nếu có muốn trả thù thì anh đây, em cứ ra tay!
Tài nằm hẳn ra đất và chẳng buồn ngồi dậy. Anh chờ và chờ rất lâu. Vẫn không có gì xảy ra cho đến khi trời sẫm tối. Lúc này không phải Ba Tài ngồi, mà có ai đó kéo anh dậy, vừa nhìn mặt người đó, Tài đã run lên:
- Hai Chà! Anh... làm gì?
Trên tay Hai Chà cầm cây mác sáng ngời, mắt anh ta long lên:
- Mày phải chết!
Anh ta vung tay lên và chặt xuống. Phụp một cái!
Nhưng thay vì chặt trúng vào Ba Tài đang ngã ngồi dưới đất, cây mác lại nhắm thẳng vào thân cây gáo và mũi mác cắm phập vào đó, gần lút nửa cây mác!
Và từ trong thân cây có một dòng máu chảy ra, kèm theo một tiếng thét kinh hoàng!
- Út Sương!
Đó là tiếng gào của Hai Chà, và sau tiếng gào đó thì anh ta gục xuống ngay, miệng hộc máu tươi có vòi!
Ba Tài ngơ ngác nhìn, chưa hiểu tại sao anh ta lại như vậy thì anh nghe có tiếng từ dưới nấm mộ mới, vừa đủ cho anh nghe:
- Anh hãy rời đây ngay, không thì nguy đến tính mạng!
- Mỹ Lệ!
Tài quay sang ôm lấy nấm mộ, nhưng giọng nói kia lại thúc giục.
- Đi nhanh lên đi! Những giọt máu tươi này sẽ làm cho cô ả thoát ra được chốn giam cầm, và thế là anh chết ngay.
- Không, anh không đi đâu hết, anh sẽ ở lại đây vĩnh viễn cùng em.
- Đi đi.
Ba Tài bị đẩy mạnh một cái ra xa và nằm gọn dưới ghe!
Vừa lúc đó, có một chiếc xuồng nhỏ khác vụt tới và một người phóng lên ghe, cắp ngang người Ba Tài, nhảy gọn lên gò đất cao. Vừa đặt Tài xuống, ông đã dang tay tát cho anh hai cái liền và quát:
- Thằng khốn kiếp, quen thói trăng hoa thì sẽ nhận hậu quả thôi!
Bị đánh quá đau, nhưng thay vì kêu la, trái lại Ba Tài lại reo lên với tất cả sự vui mừng.
- Ba!
Trước mặt Tài lúc này là một người đàn ông lớn tuổi, nhưng còn khỏe, thân hình cao lớn, dữ tợn! Và người đó là cha của Tài!
- Ba! Sao ba ở đây? Ba là... là...
- Một hồn ma! Bởi ta làm sao là người được khi đã chết hơn mười năm rồi!
Rồi ông chỉ vào ngôi mộ cũ:
- Nó là mầm mống của mọi kiếp nạn mà con phải gánh chịu! Con còn nhớ trước khi ba chết, ba đã từng dặn con điều gì không?
Tài hạ thấp giọng:
- Dạ, năm đó con mười sáu tuổi, lúc hấp hối ba có dặn con là đừng bao giờ dan díu với phụ nữ đã có chồng hoặc người đã có người yêu, bởi trong đời người có hai cái tội lớn nhất: thứ nhất là phá hại đời con gái người ta, thứ hai là lấy vợ người khác!
Ông già gằn giọng:
- Vậy con đã làm đúng chưa?
- Dạ...
Giọng ông già đanh lại:
- Con đã làm sai hết những gì ba dặn! Việc con dan díu với Út Sương khi cô ấy đã có chồng là Hai Chà, như vậy là sao?
Ba Tài lắp bắp:
- Dạ... con không biết... Đến khi biết thì đã lỡ rồi... Mà con cũng không biết Hai Chà là chồng của Út Sương... Cho đến khi...
- Con lớn xác chứ đầu óc chưa lớn! Con có biết gần ba năm trước, khi con đưa Út Sương trốn vào gò đất này để tránh tiếng đời dị nghị, con đâu có biết là mình đã vướng vào cái vòng oan nghiệt. Út Sương khi ấy đâu còn là người nữa...
Ba Tài kinh hãi:
- Ba nói sao? Sương là...
- Khi nó báo tin cho con biết đã có thai hai tháng và rủ con đi trốn vào rừng là đã có ý định giết con rồi. Một con ma nữ muốn giết người tình của nó đâu có gì lạ, nhưng lạ một điều là người chết tại đây năm đó không phải con, mà là nó. Con Út Sương?
Ba Tài có vẻ sợ hãi:
- Ba đừng nói chuyện đó!
Nhưng ông già vẫn nói:
- Ngày đó cũng may ta hay kịp nên tới cứu con đúng lúc. Thật ra cái chết của Út Sương đâu phải do con. Con đã bị hàm oan mà không tìm cách để minh oan, chưa chi đã vội đi lấy vợ tiếp, để cho người ta gán cho cái tội bội nghĩa bạc tình, tội giết vợ rồi chạy tội?
Ba Tài cũng không ngờ tình tiết này, anh ngơ ngác:
- Sao có chuyện đó ba? Chính con đã bỏ đi trong lúc Út Sương mang thai tới ngày sinh. Cô ấy sinh khó và chết ở chỗ này, trong lúc con bỏ về và không trở lại mà?
Điưa tay chỉ vào Hai Chà, ông nói:
- Cũng giống như lần này, lần đó chính anh ta đã bám theo con và Út Sương tới tận đây. Người mà hắn muốn giết là con, nhưng xui rủi sao, khi hắn ra tay thì lại nhằm vào Sương. Cô gái bị chết trước khi ngã xuống sông, nên con tưởng chính mình gây ra cái chết đó! Ba cũng cùng hoàn cảnh với con, nên ba cảm thông được nỗi khổ trong lòng mà con phải chịu oan, nên bấy lâu nay lúc nào ba cũng theo để che chở cho con. Nếu không có ba thì làm sao con thoát qua được cơn bão tố vừa rồi!
- Vậy sao ba để cho Mỹ Lệ phải chết!
Ông già thở dài:
- Con mới hiểu một mà chưa hiểu hai, ba. Mà ba hỏi thật với Mỹ Lệ, con có yêu thương nó không?
Ba Tài đáp nhanh:
- Điều này ba khỏi phải hỏi. Nếu không yêu thì con đâu có bỏ cả danh vọng ở chốn thị thành mà lên sống cùng cô ấy ở núi Ba Thê. Con cũng giống như ba, đã bỏ hết...
Ông già bỗng phá lên cười, giọng cười vừa chua xót vừa bi thương:
- Cũng chỉ vì đàn bà cả. Con ơi!
Rồi giọng ông chùng xuống:
- Cũng giống như con, ba đã lỡ vướng vào người phụ nữ đã có chồng và vì đó mà tiêu tan cả sự nghiệp và mạng sống. Ba đã vì chuyện ấy mà bỏ cả mẹ con ở lại, để rồi bà ấy chết vì chịu không nổi cảnh đời ngang trái...
Ông nói như sắp khóc, Ba Tài nói lảng chuyện khác:
- Ba, con muốn ở lại đây với vợ con được không ba?
Ông già gầm lên giận dữ:
- Thằng điên, bộ muốn chết sao chứ!
Ông thẳng chân đạp một cái thật mạnh, Ba Tài bị hất tung xuống ghe, còn nhanh hơn hồi nãy, kèm theo tiếng quát:
- Một mạng của ba đủ rồi!
Tài vẫn cố nói:
- Nhưng còn vợ con nằm đó, con không đành...
- Con vợ mày... Mà thôi, tao bảo đi là đi!
- Vợ con ba ơi!
- Đi nhanh lên, rồi... mày sẽ gặp nó! Đi đi!
Lúc đó, cây gáo cổ thụ bỗng chuyển động giống như bị ai đó cưa sắp ngã. Cùng lúc, những tiếng hú kinh người cất lên vang động cả khu rừng. Nằm trên ghe mà Ba Tài có cảm giác như mình bị quay tròn như chiếc bông vụ.
Chóng mặt và muốn ói, Tài chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi chiếc ghe như bị lôi đi vùn vụt...
Tuy không nhìn thấy, nhưng lúc ấy Ba Tài nghe rất rõ tiếng gầm lên như con hổ bị thương của cha, cùng lúc có những tiếng thét lên kinh hoàng của phụ nữ.
Mọi thứ đã ở lại sau lưng Ba Tài. Anh ngất lịm...
Ngay đêm trở về nhà ở Ba Thê, Tài đã chứng kiến một việc rất lạ. Tuy anh vắng nhà đã bốn năm ngày, nhưng nhà cửa vẫn sạch sẽ, tươm tất. Và lúc về vì quá mệt, Tài đã nằm ngủ một giấc dài... đến khi tỉnh dậy đã thấy một mâm cơm ai dọn sẵn còn nóng sốt.
Cứ tưởng Dì Mười bên cạnh thấy tình cảnh đơn chiếc của anh nên lo giúp bữa ăn, tuy nhiên khi mở mắt ra nhìn thì thấy cửa anh đã chốt bên trong, làm sao bên ngoài đưa cơm vào được. Trong lúc Tài còn đang hoang mang thì một giọng nói quen thuộc đã cất lên mà không thấy người:
- Thắp nhang cho ba đi, rồi ăn cho lại sức!
Tài bàng hoàng:
- Mỹ Lệ! Em...
- Đừng nói lớn, người ngoài nghe được họ tò mò. Em bây giờ chỉ về được với anh qua đêm như thế này thôi. Đó cũng là nhờ ba đã hy sinh cứu em thoát được thảm kịch vừa rồi.
Ba Tài ngơ ngác.
- Chuyện gì đã xảy ra?
- Sau khi anh đi rồi thì một cuộc tàn sát đã xảy ra, mà người phát động là Út Sương! Cô ấy bị ba và một số oan hồn khác bắt nhốt ở gò đất cây gáo đó từ nhiều năm, chỉ có thể nhờ người chồng còn sống là Hai Chà đi trả thù giùm và đáng lẽ cô ấy còn bị giam cầm ở đó mãi mãi… Nhưng vừa rồi lúc Hai Chà chém anh thì mũi mác đá vô tình lạc vào thân cây, mà thân cây gáo chính là nơi giam vong hồn của Út Sương, thế là máu chảy tuôn ra và hồn cô ta theo đó mà thoát! Điều đó có nghĩa là Út Sương sẽ trực tiếp đi theo anh và sớm hay muộn thì anh cũng phải đền mạng!
Trong lúc Ba Tài đang căng thẳng đầu óc, thì giọng của vợ anh lại tiếp, trấn an anh:
- Nhưng bây giờ thì không sao rồi. Chính ba anh đã phải hy sinh cái mạng sống ở cõi âm, quyết sống mái một trận với Út Sương, cuối cùng cả hai cùng tan hồn! Anh yên tâm, Út Sương giờ đây đã vĩnh viễn tiêu diêu cùng cát bụi...
- Ba anh!
- Ba thì cũng vậy. Và nhờ có ông mà anh sẽ được sống.
Rồi cô hạ thấp giọng:
- Nhưng sống như thế nào mới là quan trọng!
Ba Tài hiểu ý:
- Em vẫn sợ anh lăng nhăng nữa chứ gì!
- Không sợ sao được khi mới ngần này tuổi mà anh đã qua hai đời vợ! Ai mà biết được là sẽ còn bao nhiêu đời nữa...
- Anh sẽ...
- Bây giờ anh đừng hứa hẹn gì cả. Khi em còn sống thì em ghen theo kiểu người sống, anh có thể chống đỡ được, còn hiện tại thì em là một oan hồn, mà anh biết rồi đó, oan hồn hành động ai mà lường được! Em sẽ ghen cho anh coi!
- Mỹ Lệ, anh hứa mà...
- Thì cứ sống cho đàng hoàng đi, em hứa sẽ là người vợ phục vụ anh hết mình, hết kiếp âm này luôn!
Rồi nàng hạ thấp giọng, sợ có người khác nghe:
- Em chỉ về với anh vào ban đêm, còn ban ngày anh chỉ nghe tiếng em nói mà không thể nhìn nhau được. Vậy anh có dám hứa là cho đến hết kiếp dương trần của anh, anh sẽ không bao giờ lấy người con gái nào khác nữa không?
Ba Tài nói không cần suy nghĩ:
- Sao lại không hứa! Anh bảo đảm với em rằng Ba Tài này sẽ không bao giờ mơ màng tới phụ nữ nào khác.
- Chắc không?
- Chắc trăm phần trăm!
- Vậy thì ăn hết phần cơm kia đi, em mới tin.
Bụng đang đói cồn cào nên không đợi nhắc lần thứ hai, Ba Tài đã ngồi vào ăn ngon lành. Giọng nói của vợ vẫn đều đều bên tai:
- Từ nay em sẽ lo cơm nước cho anh, sẽ lo hết mọi việc trong nhà này, nhưng để mọi người không nghi ngờ, em sẽ đem về đây cô em gái bà con...
Vừa nghe, Ba Tài đã la lên:
- Sao được! Đã nói là anh không bao giờ quen ai nữa kia mà!
- Cái này là do em cho phép. Em sẽ cho đứa em về đây thay em, sống với anh như vợ chồng.
- Không! Anh không thể...
Giọng nàng nghiêm túc:
- Không phải anh sống với nó như lấy người khác đâu mà không với chịu! Xác của nó mà hồn là của em, anh hiểu rồi chứ.
Rồi nàng nói rõ hơn:
- Đứa em của em nó vắn số, năm sau thì chết, lúc đó em sẽ nhập hồn vào nó và... về ở với anh! Còn từ đây đến đó anh vẫn cư tang vợ, vẫn phải sống âm thầm cùng em như thế này.
Tài lúng túng:
- Anh... anh không biết tính sao...
- Không trăng sao gì hết, cứ nghe em mà làm. Sáng mai làm một bữa tiệc, mời chòm xóm tới thông báo việc em bị chết và cúng cơm.
Nàng nói xong thì biến mất. Ba Tài có hỏi thêm gì cũng không nghe trả lời...
Hơn một năm sau...
Một hôm, bỗng có một cô gái khuôn mặt giống y như Mỹ Lệ, từ dưới triền núi đi lên, trên tay xách nguyên một va li quần áo, giống như đi về nhà chồng. Cô vừa bước vào cửa đã hỏi ngay Tài:
- Sao vợ về mà không ra đón?
Tài ngơ ngác, bởi giọng nói thì hoàn toàn là của... Mỹ Lệ! Anh lắp bắp:
- Anh... anh chưa biết em là...
Nàng cười như thân quen tự bao giờ:
- Em là vợ anh từ hôm nay, sao còn đứng đó?
Nàng ta đưa va li cho Tài một cách tự nhiên và sau đó bước vào nhà, đi thẳng ra sau bếp, giống như người đã sống trong nhà từ lâu!
Trưa hôm đó theo ý của Lệ, Ba Tài dọn một tiệc nhỏ, mời đầy đủ hàng xóm và chính thức giới thiệu:
- Giới thiệu với bà con, đây là cô em họ của vợ tôi, thấy hoàn cảnh tôi đơn chiếc, nên từ nay cô ấy về đây giúp đỡ...
Dì Mười là người nhanh nhảu, nói thẳng ý mình:
- Con chị chết rồi, sao không bắt con em thế vai? Còn ai bằng chính con em mình, chắc vong hồn con Lệ cũng vui lắm!
Thấy Ba Tài không nói gì, còn cô gái thì bẽn lên cúi đầu, mọi người cùng vỗ tay:
- Đẹp đôi quá rồi, vậy thì nhân bữa nay ta coi như lễ cưới đi!
Vậy đó....
Nhờ bữa tiệc nhỏ ấy mà từ đó cô em vợ Mỹ Lan đã chính thức trở thành nội tướng của Tài. Hơn một năm sau thì họ có đứa con đầu.