Chúng tôi ngồi giết thời gian trong một quán cà phê bằng cách chậm rãi nhâm nhi ly nước hoa quả. Gần đến 5 giờ, Kiyoshi đột nhiên đứng lên và đi tới một máy điện thoại công cộng. Cậu nói chuyện một lúc rồi quay lại.
“Tôi nắm được rồi!” Kiyoshi chỉ nói vậy. Tôi vớ vội hành lý của mình và chạy theo cậu ra khỏi cửa.
Đường phố giờ tan tầm bắt đầu đông dần lên. Kiyoshi đi thẳng qua đám đông vượt qua cây cầu bắc qua sông Kamo.
“Thế ông ta sống ở đâu?”
“Ở Neyagawa, trên đường đi Osaka. Chúng ta có thể đón tàu tuyến Keihan từ đằng kia.”
Nhà ga ngay trước mặt chúng tôi.
Từ sân ga, chúng tôi trông thấy dòng sông đang từ từ đổi màu khi ánh chiều tà buông xuống.
Chúng tôi xuống ga Korien. Tiếng Trung Quốc của tên gọi này nghĩa là “Hương Lí Viên” cho nên tôi hình dung vùng này sẽ nhiều cây cối thật dễ chịu. Nơi này quả đúng như tôi đã hình dung. Tôi thấy có mấy quán rượu và hộp đêm nhỏ với những biển hiệu đèn nê-ông lòe loẹt vừa mới được bật sáng để đón chào những người khách đầu tiên của buổi tối. Một số nhân viên văn phòng chếnh choáng đi trên hè phố vì rõ ràng vừa kết thúc sớm chầu nhậu, còn vài cô tiếp viên phấn son lòe loẹt vượt lên trước chúng tôi để kịp giờ đi làm.
Khi chúng tôi tìm được địa chỉ Okawa đưa, trời đã tối mịt. Quản lý tòa nhà đi vắng, nên chúng tôi lên gác và lại bắt đầu gõ từng cánh cửa. Một phụ nữ trung niên nói chưa bao giờ nghe bất kỳ ai có tên Yasukawa ở đây cả.
Chúng tôi may mắn hơn khi gặp vị chủ nhà tiếp theo. “Mới hôm trước vừa có người dọn đi,” ông cho biết. “Tôi nghĩ tên ông ấy đúng là Yasukawa. Chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau, nên tôi không biết ông ấy chuyển đi đâu. Sao các vị không hỏi người quản lý.”
Kiyoshi không giấu được nỗi thất vọng của mình. Nhưng chúng tôi cố gắng tới văn phòng người quản lý lần nữa và ngạc nhiên thay, ông ấy mới quay trở lại sau khi giải quyết mấy việc vặt.
“Tôi không biết gia đình đó chuyển đi đâu,” ông nói với thái độ hết sức hợp tác. “Hình như họ không muốn cho ai biết và tôi cũng chẳng quan tâm. Gia đình có vẻ không vui vì cụ ông vừa mới qua đời.”
“Chết rồi ư?!” Kiyoshi và tôi cùng kêu lên.
“Ý ông là ông Tamio Yasukawa phải không?,” Kiyoshi hỏi.
“Tamio à? Ồ, phải, chính là tên ông ấy đấy.”
Vậy là Yasukawa đã chết ngay tại Osaka này. Tôi cảm thấy nản chí. Giờ chẳng còn cách nào tìm hiểu được cuộc đời của ông ấy nữa. Ông ấy từng sống ở Tokyo, tham gia chiến tranh, rồi chuyển đến Osaka. Cuộc đời ông cụ đã kết thúc trong một căn hộ cũ kỹ xung quanh bốn bức tường nứt nẻ.
Tuy nhiên người quản lý cung cấp cho chúng tôi một số thông tin mới ngoài mong đợi. Ông kể rằng Yasukawa không sống một mình, ngược lại còn có một cô con gái trạc ngoài 30 tuổi. Chị này lấy một anh thợ mộc và họ có hai đứa con.
Bóng đèn trong hành lang nhấp nháy, người quản lý ném cho nó cái nhìn khó chịu mỗi lần ánh sáng sụt xuống.
Tim tôi trĩu nặng một nỗi buồn ghê gớm. Tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ bị bắt quả tang phạm lỗi. Chúng tôi đang theo dấu một con người tội nghiệp không thể có được một cuộc sống hạnh phúc và vừa mới qua đời. Đây không còn là một cuộc phiêu lưu nữa. Có gì đó rất báng bổ khi cứ bới móc vào đời tư của ông già này - một hành vi báng bổ thiếu nhân đạo.
Kiyoshi dường như cũng chìm trong suy tư.
“Nếu các anh thật sự muốn biết họ chuyển đi đâu,” người quản lý tình nguyện, “tôi có thế hỏi công ty vận chuyển. Chỉ mới tháng trước họ còn ở đây, cho nên tôi nhớ tên họ. Hãng vận chuyển Neyagawa, trụ sở ngay phía trước ga Neyagawa.”
Chúng tôi cảm ơn ông quản lý và ra đi.
“Mấy giờ rồi nhỉ?” Kiyoshi hỏi.
“Tám giờ kém mười.”
“Vậy là chúng ta vẫn có thể hành động,” cậu hào hứng thấy rõ. “Chúng ta tới hãng vận chuyển Neyagawa!”
Chúng tôi đi bộ trở lại ga tàu và đón chuyến tàu tới Neyagawa.
Không khó để tìm được công ty này, nhưng đã quá muộn vì tan sở mọi người đã đi về hết. Căn cứ vào một tấm biển có ghi “DỌN NHÀ? HÃY GỌI CHO CHÚNG TÔI!” Kiyoshi ghi lại số điện thoại của công ty. Sáng mai cậu sẽ gọi. Sau đó chúng tôi quay trở về căn hộ của Emoto.
Và ngày thứ Sáu mùng 6 tháng Tư, kết thúc như vậy.