Tokyo Hoàng Đạo Án

Chương 18

Đây đúng là một bài thuyết giảng huyên thuyên dông dài, nét mặt đờ đẫn của Kiyoshi đã nói lên điều đó. “Chậc, chắc khám phá khu vực đó sẽ thú vị lắm,” cậu lơ đãng nói.

“Thực tế đã có vài người khám phá hiện trường. Họ coi đấy như là một trong những trục thắng tích của nước Nhật.”

“A, trục thắng tích à? Giống trục thắng tích ở Anh quốc phải không?”

“Vậy là anh cũng đã nghe nói đến nó à?”

“Phải, dĩ nhiên rồi. Trục thắng tích là hiện tượng các địa danh cổ xưa nằm trên cùng một đường thẳng.”

“Chà, chúng ta cũng có hiện tượng tương tự tại Nhật Bản. Chẳng hạn, dọc vĩ tuyến 34o32’ Bắc, có nhiều đền thờ và địa danh cổ xưa sắp thành một đường thẳng chạy dài 600 km.”

“Hừm.”

“Cũng như vậy, ở đông bắc Hoàng cung tại Tokyo, có những đền thờ sắp thành một hàng, gồm Yasaki Inari, Hie, Ishihama và Tenso. Đây mới là chỗ bắt đầu thấy thú vị: có vài ngôi đền thờ các vị thần liên quan đến kim loại tọa lạc trên một đường bắc-nam nối Tsurugaoka Hachimangu ở Kamaruka và Toshogu ở Nikko.”

“A ha!”

“Người Nhật cổ, cũng như người Anh xưa, hẳn phải có một kiểu lý thuyết địa lý riêng để bố trí các thánh địa của mình.”

“Lão Heikichi điên rồ hẳn phải biết tất cả những điều đó.”

“Tôi đoán như vậy. Mà này, tôi nghĩ giờ tôi đã giải thích với anh tất cả mọi điều tôi biết về vụ việc rồi. Cùng với bằng chứng mới từ bà Iida, bây giờ tất cả những gì anh phải làm là giải quyết ba vụ việc…”

Quý vị có thể thắc mắc rằng điều gì khiến chúng tôi nghiêm túc với vụ án hoàng đạo đến vậy. Chà, mọi nguyên nhân bắt nguồn từ chuyến ghé thăm của một phụ nữ có tên Misako Iida. Vào một ngày đẹp trời, bà đến văn phòng gặp Kiyoshi.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Kiyoshi có nhiều khách hàng. Văn phòng của cậu luôn vắng vẻ, trừ khi sinh viên lớp chiêm tinh đến học. Nhưng cũng có một số khách hàng, chủ yếu là nữ giới, được bạn bè giới thiệu đã tới nhờ cậu đoán vận mệnh. Bà Iida là một trong số đó. Nhưng đề nghị của bà lại rất, rất khác thường.

“Chuyện này có thể rất lạ lùng…” Bà chậm rãi bắt đầu. “Tôi đến đây thực ra không phải để coi bói dù điều đó có thể giúp tôi một chút. Tôi đến vì chuyện chẳng liên quan đến tôi, mà là chuyện của cha tôi.”

Trông bà hết sức nghiêm túc. Kiyoshi vẫn ngồi im lìm như đang câu cá trong hồ. Cậu lộ vẻ uể oải, chẳng buồn khích lệ khách hàng nói tiếp, nhưng lại chờ bà lên tiếng. Giống như khoảng lặng lúc bạn châm một điếu thuốc, đợi cho người đối diện tiếp tục nói. Nhưng Kiyoshi lại là người cực lực phản đối thuốc lá, nên cậu chỉ ngồi ngây như phỗng.

“Xin nói thật với ông,” bà Iida tiếp tục, “Lẽ ra tôi nên báo việc này với cảnh sát, nhưng tình thế không cho phép chúng tôi… Ông Mitarai, ông còn nhớ cô Mizutani không? Tôi tin cô ấy đã tới gặp ông khoảng một năm trước.”

“Cô Mizutani à…?” Mắt Kiyoshi chớp lia lịa. “Ồ, vâng. Cô ấy đến chỗ chúng tôi vì bị mấy cú điện thoại quấy rầy.”

“Chà, cô ấy là bạn của tôi. Cô ấy kể với tôi rằng ông cực kỳ có tài, không chỉ là thầy bói mà còn là một thám tử. Cô ấy thật sự ngưỡng mộ ông.”

“À…” Kiyoshi tự cho phép mình phổng mũi.

Ngừng lại một lúc, bà Iida đột ngột nói, “Tôi xin phép hỏi tên của ông có được không, ông Mitarai?”

Kiyoshi vô cùng bất ngờ trước câu hỏi, đó là câu cậu rất ghét nghe. “Có mối liên hệ nào giữa tên của tôi và câu chuyện của bà ư?” Cậu nhướng mày.

“Không, chỉ có điều cô Mizutani thắc mắc tại sao chẳng bao giờ thấy ông nhắc đến tên của mình.”

“Bà Iida, có phải bà đến đây chỉ để hỏi tên của tôi?”

“Là Kiyoshi,” tôi xen vào rất nhanh. “Kiyoshi Mitarai. Theo Hán tự tên anh ấy là Thanh Ty, nghĩa là ‘cầu tiêu sạch’. Tôi nói nghiêm túc đó!”

Mặt Kiyoshi bực bội thấy rõ.

Bà Iida nhìn xuống một lát, cố gắng nén tiếng cười. “Ồ, thật khác thường!” Bà thốt và ngước nhìn lên. Hai gò má ửng đỏ.

“Người đặt tên cho tôi có khiếu hài hước khác thường.” Kiyoshi đáp lại lập tức.

“Là cha ông à?”

Nét mặt Kiyoshi càng thêm u ám. “Vâng. Ông ấy trả giá cho điều đó bằng việc qua đời rất sớm.”

Lại im lặng một lúc nữa, nhưng lớp băng dường như đã bị phá tan.

Với khả năng diễn đạt trôi chảy, bà Iida bắt đầu kể. “Câu chuyện có một số chi tiết đáng hổ thẹn đối với cha tôi. Ông qua đời tháng trước, và tôi sợ rằng mọi việc có thể biến thành trách nhiệm hình sự nếu giới trức bắt đầu hỏi đến sự liên can của ông. Chồng và anh trai tôi có thể cũng gặp rắc rối to vì họ là sĩ quan cảnh sát như cha tôi. Tôi không có ý nói rằng cha tôi là tội phạm. Ông là một con người trung thực. Cha tôi nhiều lần được cơ quan tuyên dương và khen thưởng, thậm chí khi ông về hưu, cơ quan tổ chức một bữu tiệc tri ân rất hoành tráng để chia tay. Cha tôi luôn đúng giờ và mẫn cán, chưa bao giờ vắng mặt ở văn phòng dù chỉ một ngày. Tuy nhiên, tôi tình cờ phát hiện một sự kiện rất tệ mà cha tôi có can dự cách đây một thời gian dài.”

“Tôi tự nguyện tìm đến đây. Chồng tôi là một người khá bảo thủ, giống như cha tôi, nhưng anh trai tôi thì không. Anh ấy sống khá hướng nội và lạnh lùng, mà cũng rất bốc đồng. Cứ nghĩ đến những gì cha tôi đã phải trải qua, tôi không tài nào để anh ấy xử lý việc này được. Vấn đề bản thân nó đã quá tồi tệ rồi. Nếu ai đó có thể giải quyết hết ráo mà không làm tổn hại danh dự của cha tôi thì sẽ là điều tốt nhất cho tất cả.”

Iida ngừng lại, hít một hơi thật sâu.

“Cha tôi bị tội phạm lợi dụng,” bà tiếp tục. “Tôi tin chắc ông đã nghe nói về Tokyo hoàng đạo án, một vụ án giết người hàng loạt xảy ra trước Chiến tranh Thế giới thứ hai.”

Kiyoshi nói cậu không hề hay biết vụ đó, làm bà Iida phải nhìn chằm chằm vào cậu với ánh mắt kinh ngạc. Bà không thể tin được, tôi cũng vậy. Vụ án không chỉ rất nổi tiếng mà còn liên quan đến chiêm tinh học.

“Tôi hiểu,” bà nói vẻ miễn cưỡng. “Vậy tôi sẽ kể cho ông nghe, được không ạ?”

Bà bắt đầu thuật lại câu chuyện về cái chết của Heikichi, nhưng tôi ngắt lời, nói rằng tôi biết khá rõ sự vụ và sẽ kể mọi chi tiết cho Kiyoshi sau. Iida nhất trí và chỉ nói khái quát câu chuyện.

Sau cùng bà thêm, “Tên thời con gái của tôi là Takegoshi. Tôi là con gái của Bunjiro Takegoshi, cha tôi sinh ngày 23 tháng Hai năm 1905. Khi ông Umezawa bị giết, cha tôi chỉ mới 31 tuổi và đang làm việc tại đồn cảnh sát Takanawa. Khi đó cha mẹ tôi mới sinh anh trai tôi, còn tôi chưa ra đời. Gia đình tôi sống ở Kaminoge khi cha tôi bắt đầu tham gia vụ án.”

“Sau ngày cha qua đời, tôi dọn dẹp giá sách và tình cờ thấy phần ghi chép này. Đây là thủ bút của chính cha tôi ghi trên giấy văn phòng chính thức, loại dùng cho các thanh tra thuộc sở cảnh sát. Đọc nó mà tôi vô cùng choáng váng, không thể tin rằng cha tôi lại làm một việc như vậy. Ông ấy vốn là một người rất ngay thẳng, bảo thủ. Hẳn ông đã phải chịu đau đớn khủng khiếp, tôi cảm thấy rất thương ông… Tôi quyết định phải làm gì đó. Trong phần ghi chép, cha tôi thú nhận lỗi lầm của mình, điều mà dĩ nhiên chẳng sĩ quan cảnh sát nào muốn mắc phải cả. Đó là lý do tôi có mặt ở đây. Xin ông hãy giải quyết vụ này để cha tôi có thể an nghỉ, được không? Phần ghi chép đó đây. Xin hãy đọc nó. Ông sẽ thấy rằng cha tôi chết trong hối hận, giận dữ và hổ thẹn… Nếu không thể giải quyết được hoàn toàn, ít nhất ông cũng cố gắng tìm ra một lời giải thích thỏa đáng cho sự can dự của cha tôi, được không?”

“Tôi hiểu,” Kiyoshi trả lời, chẳng nói gì thêm nữa.

Về phần tôi, không có từ nào diễn tả được sự phấn khích trong tôi. Tôi cảm tạ Trời Phật đã để cho mình quen biết Kiyoshi Mitarai.

Tiễn bà Iida về rồi, chúng tôi cẩn thận đọc phần ghi chép của cha bà ấy.