New York
Hẳn phải có một cái gì đó. Kí ức là gì?
Lẽ ra ông chỉ việc ngồi ngã lưng thoải mái trong ghế bành và hãnh diện về những gì đã thực hiện. Nhưng ngồi là chuyện xa lạ đối với ông. Người đàn ông lớn tuổi trong bộ âu phục màu xám với chiếc nơ ruồi đầy chấm xanh đỏ và đôi dây nâng quần lớn đứng thẳng mình như cây nến trong phòng làm việc. Ông có nét một nhạc sĩ hay một người giới thiệu chương trình ở Broadway của thời thập niên 50’ thế kỉ trước đây. Nhưng Eric Kandel không phải là nghệ sĩ sân khấu. Ông là nhà nghiên cứu Kí ức nổi danh nhất thế giới.
Căn phòng làm việc toạ trên lầu thứ 12, đơn giản nhưng khá ấm cúng. Không có gì thái quá. Trên kệ sách, có một cuốn dày cộm đã mòn, khổ lớn Principles of Neutral Science, cuốn sách chuyên khoa tiêu biểu đã đưa ông lên đài danh vọng. Trên thành cửa sổ, ông dựng những tấm hình gia đình và của những đồng nghiệp đã mất. Xuyên qua màn kính đục cửa số là quang cảnh phía bắc Manhattan, xa phía dưới đất xe cộ như mắc cửi ở Riverside Drive chạy xuyên qua những chung cư đen ngòm buồn bã với những dãy nhà tạm và những hàng dây thép gai giăng mắc. đã bảy năm rồi, từ ngày ông nhận „Giải Nobel về Sinh lí học hay I khoa“ với công trình để đời nghiên cứu về Kí ức với rất nhiều khám phá mới và nhiều gợi í lạ lùng. Nửa phần sau cuộc đời, ông đóng đô tại đây, trong tầng lầu này. Những phòng thí nghiệm đầy ắp dụng cụ hai bên lối đi tầng lầu xem ra không khác chi mọi phòng thí nghiệm đây đó trên thế giới. Nhưng Trung Tâm I Khoa Howard Hughes này thật ra là một trong những cơ sở quan trọng nhất trên thế giới về lãnh vực nghiên cứu não. Và ông già năng động 77 tuổi, người đã xây dựng nên Trung tâm, vẫn chưa chịu về hưu; ông vẫn là vị thống lĩnh một dàn lớn nhân viên lanh lợi, luôn vẫn là tâm điểm của chương trình nghiên cứu.
Không hiểu thế giới được xây dựng nên bởi các nguyên tử hay bởi các câu truyện? Dù sao, câu truyện của Eric Richard Kandel bắt đầu với việc Hitler tiến chiếm nước Áo. Ngày 7 tháng 11 năm 1938, sinh nhật chín tuổi, cậu Erich được bố, vốn là một thương gia Do-thái ở Wien chuyên bán đồ chơi trẻ em, tặng một chiếc xe mẫu màu xanh có thể điều khiển từ xa bằng vô tuyến. Erich hãnh diện vô cùng với món quà này. Hai ngày sau đó, có tiếng đập cửa mạnh vào buổi tối. đó là đêm khởi đầu cuộc tiêu diệt người Do-thái trong các vùng đất của đệ Tam Quốc Xã, mà Áo là nơi có mức độ tàn bạo hơn bất cứ mọi nơi khác. Mẹ và hai con trai phải rời khỏi nhà; bố bị bắt, bị tra khảo và làm nhục, sau mười ngày được thả về nhà. Một năm dài gia đình Kandel bị lính Quốc Xã hành hạ, cướp sạch gia sản, đuổi nhà. Bố thất nghiệp, gia đình sống nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đoàn Do-thái tại Wien, Erich mất hết bạn. Tháng 4, hai cậu con trai may mắn sang được Hoa-kì, sau đó bố mẹ cũng thoát sang được. „Không bao giờ quên!“ câu khẩu hiệu của những người Do-thái sống sót rồi đây sẽ đi theo cậu suốt đời. Trong khi cha mẹ vẫn còn chân ướt chân ráo, Erich – từ đây được đổi thành Eric – hội nhập rất nhanh, cậu vào Yeshiva, một trường ưu tú truyền thống của người Do-thái quận Flatbush ở New York, và sau đó vào trường trung học nổi tiếng Erasmus Hall ở quận Brooklyn. Cậu là một trong hai người của 1400 học sinh trong trường giật được học bổng vào đại học Harvard. Tại đây, Eric quen Anna Kris, con gái một gia đình hành nghề phân tâm. Eric yêu Anna một, mà say mê Phân tâm học mười, „một khoa học tuyệt vời chưa từng có“, „đầy sáng tạo, toàn diện mà đồng thời cũng thực nghiệm“. Eric chúi vào nghiền ngẫm sách của Freud và khám phá ra đó là „phương pháp đầy triển vọng duy nhất giúp ta hiểu được Tinh thần“. Nhưng muốn làm nhà phân tâm, phải học I khoa. điều này khiến cậu thở ra thất vọng, vì „đó là môn học chán không thể tả được“. Nhưng rồi mùa thu năm 1955, ông giáo Harry Grundfest, giáo sư môn Sinh lí thần kinh thuộc đại học Columbia, bàng hoàng khi nghe cậu sinh viên trình bày dự án nghiên cứu tương lai của anh: „Tôi sẽ tìm ra những cái „Es“, „Ich“ và „Über-Ich“ của ông Freud nói nằm ở đâu"!
Hôm nay đứng trong căn phòng làm việc này, chính Kandel phải bật cười. Âm thanh cụt ngủn của ba từ ngữ đức kia nghe ra chẳng phải tiếng người, mà như tiếng gọi của một loài chim lạ. Với lối kể chuyện lôi cuốn, pha lẫn nét quyến rũ của người dân Wien với giọng khôi hài dothái và thái độ tự nhiên của người Mĩ, ông kể cho tôi nghe về cuộc hồi tỉnh của ông, từ bỏ những cơn mơ để trở về với khoa học nghiêm túc. Theo yêu cầu của giáo sư Grundfest, mỗi lần thí nghiệm, ông chỉ được làm với một tế bào não mà thôi, và đó là tế bào của một con vật tương đối có cấu trúc đơn giản, có như thế kết quả mới dễ thấy. Cả Freud cũng vậy, ông đã bắt đầu như một nhà sinh học thần kinh và đã nỗ lực phát triển thuyết „guồng máy tâm thần“ của ông trên nền tảng Thần kinh học. điều trước đây Freud vì kiến thức giới hạn đã không làm được, nay Kandel hi vọng sẽ bổ khuyết. Ông bắt đầu với loài sên biển Aplysia, còn được gọi là „thỏ biển“, và sẽ ăn dầm nằm dề với chúng suốt hai chục năm tới, nhiều khi quên cả vợ. Trước đó, ngay lần thí nghiệm điện cực vi phân đầu tiên với tế bào thần kinh của loài tôm nước ngọt, Kandel đã bàng hoàng như lên đồng. Niềm hứng khởi đó nay vẫn còn hiện rõ nơi khuôn mặt và cử chỉ của ông. Ông dang rộng đôi tay, cất cao giọng: „Tôi nghe được những í nghĩ kín đáo thâm sâu của con tôm"! Nhưng Aplysia còn kì diệu hơn trên nhiều khía cạnh. „Nó lớn, ngạo nghễ, quyến rũ và thông minh“. Thỏ biển là loài có cấu trúc đơn giản, óc của nó chỉ có 20.000 tế bào, so với 100 tỉ nơi loài người. Một số tế bào của nó lớn gấp năm chục lần tế bào của các loài có vú và có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Kandel say sưa lao vào công việc.
Ông hớn hở kể cho tôi nghe những xúc động của thủa ban đầu: Eric in Wonderland. Với ông, đó là một thế giới chẳng có gì kì diệu hơn việc nghiên cứu não, hơn việc vẽ bản đồ cho một lục địa còn tinh khôi, có thể sánh được với khoa Vật lí thiên văn trong thế kỉ 17 hay với những chuyến hải hành khám phá trong thời Khai sáng. Trong thập niên 50’ và 60’ thế kỉ trước, nghiên cứu não cũng như là một cuộc du hành vào vùng đất hầu như hoang. Và con đường từ tế bào thần kinh của thỏ biển đến việc giải thích cảm giác, tư duy và động thái của con người hãy còn là một đoạn đường vạn dặm. Nhưng Kandel rất lạc quan. Sên biển hay người - nhìn về mặt sinh hoá, thì chất cấu tạo tế bào cũng gần như nhau. Phải chăng cả guồng máy vận hành tế bào, mà việc học tập và kí ức được đặt nền trên đó, của người và sên biển hay của mọi sinh vật vẫn không khác nhau, dù đã phải trải qua một chặng đường tiến hoá lâu dài? Bằng những kích thích điện từ nhẹ vào cuối đuôi Thỏ biển, ông tạo nên phản xạ nơi mang nó và quan sát phản ứng của những tế bào đã được chọn trước. Ông khám phá ra sự thay đổi dạng hình các tế bào thần kinh. Không lâu sau đó, ông nhận ra rằng, những diễn tiến quen thuộc, nghĩa là „những kinh nghiệm học tập“ trong bộ nhớ tạm trong óc Thỏ biển, làm tăng độ mềm của những đầu nối thần kinh: Chúng dãn ra. Những luận văn đầu tiên của ông viết về động thái học tập nơi con sên biển gây bàng hoàng nơi các đồng nghiệp. Kandel mỉm cười. Nụ cười hả hê của một đứa trẻ khi biết rằng, ngón xiệc của mình đã thành công. „đám cực đoan không biết phải hành xử ra sao nữa, vì họ tin rằng, những thí nghiệm kiểu đó chỉ áp dụng được cho loài có vú mà thôi“.
Chẳng có gì mơ hồ hơn lãnh vực mà Kandel đã dám liều lĩnh đi vào: Tìm hiểu Kí ức. Nhưng Kí ức (Gedächtnis) và Hồi tưởng (Erinnerung) là gì? Thật không dễ trả lời. Phải chăng Kí ức là thứ gì đó cũng giống như Căn cước của chúng ta? Nếu không có Hồi tưởng, ta sẽ ra sao? Không có Hồi tưởng, ta không những không có tiểu sử, mà cũng không có cuộc sống, ít nhất là cuộc sống í thức. Hiểu có nghĩa là đối chiếu được cái này với cái khác mà ta đã biết. Và ta chỉ Biết được những gì ta đã thu nạp vào óc. để hiểu những hàng chữ đang diễn ra trước mắt Bạn này, một đàng Bạn phải hiểu từng chữ, nghĩa là nhận ra chúng trở lại, và đồng thời nhận ra í nghĩa của toàn câu chữ. Và Bạn sẽ có rất nhiều lợi thế, nếu Bạn còn nhớ được những câu mà Bạn đã đọc trước đó, không phải nhớ từng chữ, nhưng ít nhất nhớ Í nghĩa căn bản. Tôi nhấn mạnh chữ Í nghĩa, là vì nó nói lên một điều rất quan trọng: Thông thường, ta không lưu nạp từng chữ hay từng câu vào trong não, nhưng chỉ giữ lại những gì căn bản, nghĩa là giữ lại í nghĩa của các sự việc đó đối với cá nhân ta mà thôi. điều này không chỉ có giá trị cho các mặt chữ, mà cả cho tất cả mọi thứ. Ta không thể dùng đầu mà vẽ ra được khuôn mặt của người thân quen, dù ta là một hoạ sĩ tài ba. Khi nghĩ đến người ông nội mà tôi rất yêu mến lúc còn nhỏ, tôi chỉ thấy ông hiện ra trước mắt trong những khung cảnh gây cảm xúc nào đó mà thôi. đó chỉ là những ấn tượng, không phải là một cuốn phim dài. Và khi tôi nghĩ về căn hộ của tôi, tôi không bao giờ
thấy tất cả mọi phòng hiện ra cùng lúc trước mắt, mà chỉ thấy từng phòng hay từng chi tiết một của chúng.
Làm sao để giải thích những đoạn phim mờ mờ ảo ảo đó. Bằng cách nào các thông tin biến thành các í nghĩa? Và ai quyết định sự chọn lựa? Tại sao tôi nhớ tên con chó của ông quản gia, nhưng lại quên gọi điện cho vợ dịp kỉ niệm ngày quen nhau? Dù rằng tôi vẫn biết rõ ngày đó và biết rõ bà xã, còn con chó kia vốn chẳng là gì cả đối với tôi. Tại sau 32 năm nay tôi chẳng nghĩ gì tới con chó, nhưng đúng lúc này tên nó lại trở về trong trí tôi? Như vậy, xem ra Hồi tưởng gần như là chuyện ta không tự mình quyết định được. Nó chợt đến và hiện ra mồn một trước mắt ta. Ta không thể kiểm soát chúng theo í mình, và ta cũng không thể cố í quên phắt nó đi được! Phải gọi là gì cái quyền lực vô danh của Hồi tưởng, cái quyền lực có thể lôi những hình ảnh trong kho quên tối tăm ra ánh sáng và bày chúng ra trước í thức của tôi? Có bao nhiêu phần vô thức và bao nhiêu phần í thức trong kho Kí ức của tôi? Ai hay cái gì có nhiệm vụ chuyên chở những kiến thức í thức của tôi vào vùng quên lãng của vô thức? Và ai thỉnh thoảng mang chúng ra lại vùng í thức? Một thí dụ: sau mười hai năm rời Berlin tôi bỗng thích thú ngửi lại được mùi quen quen của hầm xe điện của thành phố này, mùi mà trước đây tôi đâu có để í tới, nhưng nó vẫn làm tôi dễ chịu cách nào đó. Có phải chính tôi đang hồi tưởng, hay Hồi tưởng đang có một cuộc sống riêng của nó, mà tôi không thể xía vào được? Tôi là chủ thể của Hồi tưởng, hay có lẽ chỉ là đối tượng của nó?
Vì óc ta chỉ lưu nạp Í nghĩa, chứ không nạp dữ kiện như một văn khố hay một dĩa CD vi tính, nên việc tìm hiểu Kí ức và Hồi tưởng rất ư khó khăn. Chắc chắn một ngày nào đó những nhà nghiên cứu não sẽ mô tả được chúng về mặt di truyền, hoá học và điện sinh lí – nhưng liệu họ có hiểu được chúng không? Người ta hiểu gì về Kí ức con người, khi biết được những phân tử nào đó kết hợp với nhau? Như vậy xem ra việc nghiên cứu Kí ức, cũng giống như chuyện nghiên cứu Cảm giác và Vô thức, chẳng làm cho các triết gia và tâm lí gia đến nỗi phải thất nghiệp.
Khi hồi tưởng, ta nghĩ tới cái mà ta đã một lần nghĩ tới hay đã một lần cảm nhận được, những cái còn đang để lại dấu vết của chúng trong não. Chúng ta nghĩ và cảm lại một lần nữa, ít nhiều giống như lần mà ta đã nghĩ hay cảm đầu tiên. Ở đây có một luật trừ: Chỉ có một nhóm người rất nhỏ, gọi là các ông bà Savants „siêu năng“, họ có một khả năng kí ức về một lĩnh vực nào đó vượt bình thường, chẳng hạn như ông Kim Peek. Ông này là nhân vật mẫu cho cuốn phim Rainman, trong đó Dustin Hoffman đóng vai một Savant bị chứng tự bế (Autismus). Kim sống ở Salt Lake City; ông hiện thuộc làu từng chữ của 12000 cuốn sách và chỉ cần biết số thứ tự ngày trong tháng là có thể nói ra tức khắc ngày đó là ngày thứ mấy. Nhưng ông phải trả giá đắt. đã hơn năm mươi tuổi, Kim vẫn phải sống nhờ vào người cha, vì ông không tự mình bận áo quần được, không tự tráng trứng hay tự kẹp thịt bánh mì để ăn được. Một số nhà nghiên cứu não coi Savants là cánh cửa có một không hai để đi vào não bộ con người. Nhưng Savants là một trường hợp không bình thường. Nơi đa số những người này có sự khiếm khuyết phận vụ của một số vùng não, nên để bù trừ, các vùng não đã có những nối kết khác đi, khiến cho họ có những khả năng đặc biệt đến lạ lùng. Nhưng tại sao một Savant như Stephen Wiltshire, sau 45 phút bay trên bầu trời Roma, lại có thể vẽ lại đúng nguyên từng (!) căn nhà với số lượng (!) cửa sổ của từng nhà; tại sao ông không nhớ Í nghĩa – hay Ấn tượng -, mà lại nhớ những Thông tin cụ thể, điều này khoa học tới nay vẫn chưa có câu trả lời.
Cũng may chúng ta không phải là những Savants, để có thể nhớ được mọi thứ trong đời.
Các Hồi tưởng làm đẹp cuộc đời, nhưng chỉ có Quên mới làm cho cuộc đời có thể sống được. Nhưng Hồi tưởng và Quên diễn ra như thế nào? Các nhà nghiên cứu não ngày nay chia Kí ức ra làm hai: Kí ức động / hiện (deklaratives Gedächtnis) và Kí ức tĩnh / ẩn (nicht-deklaratives Gedächtnis). Sự phân chia này cũng giống như sự khác biệt giữa Í thức và Vô thức. Kí ức động có khả năng dùng í thức để lôi những cái đã sống qua hay đã nghĩ tới ra vùng ánh sáng, và người ta có thể bàn về điều được hồi tưởng. Kí ức tĩnh có liên quan tới những gì ta lưu nạp một cách vô thức, chẳng hạn như mùi quen quen của bến xe điện ngầm ở Berlin. Hai loại Kí ức này còn được phân thành nhiều loại khác nhau, cũng như nhiều loại cái Tôi và nhiều loại Vô thức. Kí ức động rõ ràng gồm ba yếu tố khác nhau: Kí ức chuyển tiếp (episodisches Gedächtnis), Kí ức dữ kiện (Faktengedächtnis) và Kí ức quen thuộc (Vertrautheitsgedächtnis). Kí ức chuyển tiếp đồng hành với ta trong cuộc sống í thức hàng ngày. Hơn mọi loại Kí ức khác, Kí ức chuyển tiếp ấn dấu mạnh nhất lên quan điểm và căn cước của ta. Ở đây, như nhà văn Max Frisch nói, ta „khám phá ra tiểu sử, mà rồi ta coi đó là cuộc sống của ta“.
Còn những gì trong đời sống không phù hợp với chính tôi như là nhân vật chính, hay không phù hợp với người khác như là những nhân vật phụ đối với tôi, thì sẽ chìm vào Kí ức dữ kiện. Những gì tôi đang viết về Kí ức lúc này đây đều xuất phát từ Kí ức dữ kiện, và rồi có lẽ chúng cũng sẽ đi vào trong Kí ức đó. Những công thức làm món ăn, số trương mục ngân hàng, giờ các chuyến xe lửa mà tôi hàng ngày vẫn đi, những kiến thức tôi biết về thế giới, tất thảy đều được lưu nạp ở đây. Nhưng Kí ức này hoạt động không phải vô điều kiện. để có thể nhận ra những sự việc trong cuộc sống của tôi, tôi phải biết là tôi đã biết chúng. Công tác (biết) này được thi hành bởi Kí ức quen thuộc. Kí ức này cho tôi hay, những sự việc kia là điều tôi đã biết rồi hay chưa. Thường thì Kí ức quen thuộc cho tôi biết ngay kết quả, chẳng phải đợi lâu và dễ dàng. Xem ra Kí ức này hoạt động một cách máy móc: Tôi biết, tôi đã gặp hay biết cái đó rồi hay chưa, và số lượng những điều đáng ngờ trong tôi chẳng có bao nhiêu. Kí ức quen thuộc hoạt động máy móc cũng giống như Kí ức ẩn (tĩnh). Cũng thuộc vào hai lãnh vực Kí ức này là những gì do sự hồi tưởng phản xạ mang lại; hồi tưởng phản xạ là những gì vượt ra ngoài mọi ảnh hưởng của Í thức hoặc bị Í thức tác động rất ít. Trong bài trước tôi có nói tới những ngón tay „biết“ lướt trên bàn chữ máy tính hay đôi chân „biết“ đường về của tôi. Rõ ràng các ngón tay nhớ mặt từng nút chữ và đôi chân nhớ đường rất giỏi, chúng chẳng cần đợi tới sự can thiệp hay tính toán của Í thức (đang say mèm). Một người lái xe thuần thục sang số xe „một cách tự động“ và lượng định tình hình giao thông „một cách phản xạ“. Và người cầu thủ giỏi chẳng cần phải suy nghĩ về đường banh, khi anh ta chỉ có nửa giây đồng hồ để quyết định sút banh. Trong khi anh thủ môn vươn cánh tay ra đón banh như một „phản xạ“. Những diễn tiến này được thực hiện bởi Kí ức ẩn của Vô thức chúng ta.
Nhưng vẫn còn một quyết định thứ hai của Kí ức nữa, đây là một trong những vấn nạn đầy bí ẩn và khó hiểu nhất. Ngoài việc quyết định đã biết rồi hay chưa, Kí ức còn phải quyết định xem điều đó quan trọng hay không quan trọng. Ta không thể nhận thức được mọi sự vật trong phòng. Nhưng khi có cái gì khác lạ, bất thường thì ta thường nhận ra ngay. Rõ ràng đối với chúng ta, những gì mới và lạ là những cái đặc biệt quan trọng. Và vì Kí ức chỉ nhìn ra những gì khá quan trọng mà thôi, nên những cái đó cũng được nó cố tình thu nạp vào bộ nhớ. Nhưng ai là kẻ quyết định về tầm quan trọng của sự vật? Nhân tố quyết định ở đây rõ ràng bắt nguồn từ cả Í thức lẫn Vô thức. Như vậy, trong trường hợp này, chẳng có một biên giới xác định giữa Í thức và Vô thức. Dù các nhà nghiên cứu não có đồng í về sự phân chia các loại Kí ức, thì mô hình phân chia đó cũng chỉ mang tính cách giả thiết mà thôi. Mà đúng như thế, càng nhìn kĩ, ta càng nhận ra những phân chia kia rất mơ hồ và đầy phỏng đoán. Mà thực ra việc phân chia này không phải là sản phẩm của chính khoa nghiên cứu não, nhưng là của Tâm lí học. Và nội dung xác thực của nó cũng không kém mơ hồ như các khái niệm của Freud: Es, Ich và Über-Ich. Chúng chỉ là những phân chia mang tính thực dụng và ít nhiều rõ ràng, nhưng chẳng có một nền tảng vững nào cả. Là vì thật ra chẳng có chỗ nào là địa điểm đóng đô của một phần cứng gọi là „Kí ức“ trong não cả. Không ai có thể mô tả được phần cứng đó ra sao, và các bộ nhớ phụ thuộc của nó mang những nhiệm vụ cá biệt nào. Chẳng có vùng nào gọi là „Kí ức ngắn hạn“ hay vùng nào cho „Kí ức dài hạn“ cả, và cũng chẳng có chỗ nhất định cho cả Kí ức hiện lẫn Kí ức ẩn. Trên bình diện sinh lí học, các nhà nghiên cứu não vẫn như đang lần mò trong đêm.
Nhưng nếu không có chỗ nhất định cho Kí ức, thì làm sao Eric Kandel đã có thể nghiên cứu „Kí ức ngắn hạn“ nơi loài Thỏ biển và đã có thể quan sát được sự dãn nở của các tua tế bào thần kinh (Synapse), khi Thỏ biển đang cảm nhận một kinh nghiệm nào đó? Câu trả lời: Các thí nghiệm của Kandel cho thấy có sự hiện diện của một phản ứng sinh hoá nơi rất nhiều tế bào thần kinh khác nhau. Ta chỉ phải tìm ra, xem thần kinh nào có liên hệ với nhiệm vụ cơ thể nào, để có thể làm được những thí nghiệm tương ứng. Thí nghiệm của Kandel cho thấy, mỗi kinh nghiệm đều để lại một dấu vết trong não, đó là sự đổi dạng của các Synapse. Công lao quan trọng quyết định đầu tiên của Kandel là đó. Nhờ sự dãn nở thay hình đổi dạng của Synapse mà các kinh nghiệm có thể được lưu nạp nhanh chóng. Mà quả đúng như thế, Synapse của mọi con vật đều đổi dạng liên tục tuỳ vào các kinh nghiệm chúng nhận được, ngay cả trong khung cảnh các khả năng dãn nở của chúng bị giới hạn. Dĩ nhiên, các tế bào thần kinh không thể học được tất cả mọi thứ, vì độ đàn hồi của chúng có giới hạn. Kandel được đề nghị giải Nobel, khi ông thành công dùng thí nghiệm của Alplysia (Sên biển) áp dụng cho loài chuột. Qua các thí nghiệm này, trong thập niên 80’, Kandel khám phá ra chất Protêin CREB. Khi bơm CREB vào một tế bào thần kinh não, ông thấy có sự gia tăng số lượng các điểm nối kết của Synapse. Và mỗi lần như thế, ông nhận ra rằng, các Synapse trở nên hiệu năng hơn trong việt thu nạp Kí ức ngắn hạn. Kí ức dài hạn, trái lại, không hình thành do sự cải tiến phẩm chất trong các Synapse, nhưng do sự gia tăng số lượng các điểm nối nơi các Synapse, được tạo ra bởi CREB. Khám phá này đưa Kandel tới thành công chung cuộc – lần đầu tiên có một lí thuyết về sự hình thành các kí ức dài dạn đáng được luận bàn. Năm 2000 Kandel được phát giải cùng với hai nhà khoa học khác, Arvid Carlsson người Thuỵ-điển và Paul Greengard người Hoa-kì. Carlsson tìm ra các nền tảng kiến thức quan trọng cho việc ngăn chận bệnh Parkinson. Greengard khám phá ra cách thức làm sao các chất đưa tin Prôtêin có thể làm thay đổi các phản ứng tế bào trong não, đây cũng chính là một nguyên tắc cơ bản giúp cho Kandel nghiên cứu Kí ức dài hạn.
Kandel hiểu rằng, ông thực ra cũng chỉ mới cào tới „bề mặt“ của Kí ức dài hạn mà thôi; ông đúng là người tiên phong, nhưng chắc chắn không phải là người cuối cùng trong lãnh vực này. Là vì còn vô số vấn nạn chưa có được câu trả lời. Ông dốc sức thí nghiệm vùng
Hippocampus của chuột, là một trong những vùng có liên hệ với khả năng định hướng. Mỗi lần chuột học cách tìm đường thoát ra khỏi mê cung, Hippocampus của chúng tiết ra CREB. Nhưng chất này cũng đồng lúc được tiết ra trong một số vùng não khác, mà như ta biết cho tới nay, các vùng này chẳng có liên hệ gì cả tới việc học tập và hồi tưởng. Như vậy, việc tiết ra CREB trong tế bào thần kinh chỉ là điều kiện cần, chứ rõ ràng không phải đủ, để giải thích sự hình thành của Kí ức dài hạn. Nếu so sánh việc tìm hiểu Kí ức với hệ thống Toán học cao cấp, thì có thể nói, các nhà nghiên cứu não lúc này cũng chỉ mới biết được con Số là gì mà thôi.
Não thu nạp các kinh nghiệm như thế nào, làm sao và tại sao nó phân biệt được cái gì quan trọng cái gì không, những câu hỏi đó vẫn còn là những ẩn số. Nhưng có điều này xem ra đã khá rõ: để có thể cố tình nhớ ra một điều gì và có thể lôi nó ra được khỏi các ngăn kí ức trong não, tôi trước hết phải diễn tả nó ra được bằng ngôn ngữ. Nó (điều đó) không nhất thiết phải hiện hình ra bằng mặt chữ như bài thơ tôi đọc thuộc lòng, nhưng nó luôn phải được suy tưởng đối chiếu. Và như ta biết, nếu hoàn toàn không có ngôn ngữ, thì não con người không thể nào suy tưởng đối chiếu được. Nhưng nếu như tất cả mọi hiểu biết của ta và những điều ta nghĩ là đã biết đều tuỳ thuộc vào ngôn ngữ, thì cái phương tiện nhận thức gọi là ngôn ngữ đó thật ra như thế nào? Nó có thật sự giúp ta đi vào thực tại không? Nó có thật sự giúp ta có được một kiến thức khách quan về thế giới không?
• Chú ruồi trong lọ. Ngôn ngữ là gì?
Cambridge Chú ruồi trong lọ. Ngôn ngữ là gì?
Mùa thu năm 1914, anh kĩ sư máy bay trẻ ngồi trên chiếc thuyền canh trên sông Weichsel.
Từ tháng 7 diễn ra trận chiến giữa hai nước Áo và Hung, trận chiến về sau đã trở thành cuộc Thế Chiến thứ nhất. Nhưng anh kĩ sư 25 tuổi ở mặt trận phía đông Áo chẳng thích thú gì về chuyện bắn giết, dù anh đã tự nguyện đầu quân vào trận chiến này. Anh vừa khám phá ra một bài viết vô cùng thú vị trên một tạp chí, viết về chuyện một toà án ở Paris xử một tai nạn giao thông. Tại nạn xẩy ra đã một năm rồi, và những vụ tai nạn xe hơi rắc rối trong các thành phố lớn Âu châu thời đó vẫn còn là chuyện hiếm hoi. để tái tạo lại hiện trường, toà cho lập ra một mô hình lúc xẩy ra tai nạn thu nhỏ với những chiếc xe, những căn nhà, những con người nho nhỏ bằng nhựa. Anh kĩ sư như bị mê hoặc. Làm sao một mô hình thu nhỏ lại có thể thay thế cho một thực tại được? Và anh nghiệm ra, muốn có được như thế, thì trước hết hình dạng các hình nộm làm sao phải thật giống các đối tượng trong thực tế. Và thứ đến, các tương quan giữa các hình nộm với nhau phải làm sao phù hợp thật đúng với tương quan thực tế. Nhưng, nếu người ta có thể thay thế thực tại được bằng các hình nộm, thì bằng cách đó, hẳn người ta cũng có thể dùng hình nộm để thay thế sự suy nghĩ và thay thế các từ ngữ được chứ? Và anh đã ghi trong nhật kí mình „Cả một thế giới cũng có thể được thu nhỏ vào trong một câu văn“.
đầu trận chiến 30 năm, Triết học được Descartes đẩy vào một hướng mới như thế nào, thì
lúc này đây, đầu cuộc Thế chiến I, nó lại bị đổi hướng một lần nữa bởi anh kĩ sư trẻ. Triệt để hơn tất cả những người đi trước, anh đưa luận lí của Ngôn ngữ vào tâm điểm của suy tư. Và việc làm đó đã biến anh trở thành một trong những triết gia có ảnh hưởng nhất trong thế kỉ 20. Tên của anh là Ludwig Wittenstein.
Wittgenstein sinh năm 1889 ở Wien, Áo quốc, cùng một sinh quán của Sigmund Freud, Ernst Mach, Gustav Mahler và Robert Musil. Anh là con út trong chín người con của nhà đại kĩ nghệ Karl Wittgenstein, một trong những chủ kĩ nghệ thép quyền lực nhất thời đó. Mẹ anh là một nhạc sĩ dương cầm. Sự pha trộn giữa cái nhạy cảm âm nhạc và cái quyền quý thương gia của Wittgenstein khiến ta nghĩ đến trường hợp anh em Buddenbrook của nhà văn Thomas Mann.
Tuy nhiên, nếu so số mệnh của chín đứa con nhà Wittgenstein với nhà Buddenbrook, thì
Thomas, Christian và Tony Buddenbrook được kể là gần như bình thường. Một người con của
Wittgenstein trở thành nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng, ba người khác về sau tự tử. Cả tính tình của Ludwig cũng không bình thường, lúc thì tỏ ra bất nhất và thần kinh suy nhược nặng, lúc thì gàn lấy được. Cũng như các anh chị em khác, Ludwig lúc nhỏ được thầy dạy học tại nhà, chỉ khi 14 tuổi, cậu mới được tới trường lớp. Khác với tất cả những triết gia mà chúng ta đã nói tới cho đến lúc này, Ludwig là một học sinh tồi dở. Nhưng nhờ miếng bằng tú tài trầy trượt, cậu ghi danh được vào ngành kĩ sư. Ludwig chẳng có khiếu gì về kĩ thuật và máy móc, đây quả là chuyện không bình thường, vì thời đó là lúc các kĩ sư về kĩ nghệ xe hơi, máy bay, thang máy, xây dựng nhà cao tầng và điện thoại đang làm đảo lộn cuộc sống và đưa nhân loại bước vào thời đại tân tiến.
Năm 1906 Wittgenstein ghi tên vào đại học kĩ thuật ở Berlin-Charlottenburg, một đại học có tầm vóc thế giới. Năm 1908 anh chuyển sang Manchester và làm việc tuỳ hứng trong các cơ xưởng máy móc phi cơ và phản lực. Nhưng anh say mê nhất là môn Luận lí và Toán học. Anh tới thăm nhà toán học Gottlob Frege ở Jena, một người vốn chẳng quan tâm gì tới thế giới bên ngoài, một mình cặm cụi cố thử áp dụng những quy tắc luận lí thông thường không chỉ cho việc giải toả những ẩn số của Toán học mà thôi. Frege nhận ra tài năng của Wittgenstein và giới thiệu anh tới hai cây cổ thụ triết học đương thời, đó là Alfred North Whitehead và Bertrand Russell ở đại học Cambridge. Wittgenstein ghi tên học Triết ở Trinity College ở Cambridge, nhưng ông giáo đáng kính Russell thoạt tiên nghĩ anh kĩ sư trẻ người đức kia chỉ là một tay ba hoa: „Sau giờ lớp, một anh người đức tới nổi nóng tranh cãi với tôi… Nói chuyện với anh ta chỉ có mất giờ mà thôi“. Nhưng chẳng bao lâu, nhận định của Russell đã phải thay đổi. Chỉ sau vài tuần, ông nhận ra Wittgenstein đúng là một thiên tài, mà khả năng suy tư còn vượt xa hơn ông. Ông chấp nhận để cho Wittgenstein phê bình và tìm cách sửa Các Nguyên Tắc Toán Học của mình, và ông hi vọng sẽ học được một cái gì của anh thanh niên người Áo kém hơn ông 17 tuổi này. Tên Wittgenstein bắt đầu nổi, thỉnh thoảng anh vắng mặt vì những cuộc chu du xa, nhất là chu du sang Na-uy, nơi anh xây riêng cho mình một mái chòi nhỏ bên bờ vịnh, để cùng với một anh bạn ở Cambridge đưa nhau sang đó thoả mãn cuộc sống đồng tính của mình. Nhưng Wittgensten không chỉ nhắm tới việc cải tiến các nguyên tắc luận lí của Russell mà thôi. Anh muốn có được một tác phẩm „mang tính cách tối hậu“: Logisch-philosophische Abhandlung (Bàn về luận lí triết học). Anh vẫn tiếp tục nghiên cứu trong thời gian chiến tranh, và nội dung cuốn sách càng lúc càng rộng: „Vâng, tôi đi từ các nền tảng của Lô-gích để tiến tới tìm hiểu bản chất của thế giới“. Mùa hè 1918, trước khi Thế chiến chấm dứt, anh hoàn thành tác phẩm. Thoạt tiên nội dung được đăng trong một tạp chí vào năm 1921. Năm 1922, xuất hiện bản dịch tiếng Anh với tựa đề được biết tới ngày nay là Tractatus Logico-Philosophicus; một cuốn sách mỏng chưa tới 100 trang, mỗi câu mỗi đoạn đều được đánh số, như kiểu đánh số trong sách Kinh Thánh. Tác phẩm gây phấn chấn lớn ở Cambridge và trong giới triết học tây phương.
Cái gì đã khiến một anh học trò tồi trở thành một cánh sao băng trong bầu trời Triết học? Và đâu là cái „thiên tài“ được khắp nơi ca tụng của anh? Qua vụ án tai nạn xe hơi ở Paris, ta thấy lịch sử được hình dung bằng một mô hình giả tạo. Giờ đây, Wittgenstein muốn lấy Ngôn ngữ để thế mô hình kia. Wittgenstein đưa Ngôn ngữ vào tâm điểm Triết học. đây là chuyện lạ, vì xưa nay Ngôn ngữ chỉ là một đứa con ghẻ của Triết học. Dĩ nhiên triết gia nào cũng biết rằng, các tư tưởng và kết luận của họ được diễn tả ra bằng những chữ và câu cú, nhưng đã chẳng có mấy ai nghĩ tới việc các tư tưởng và kết luận của họ đó lại bị lệ thuộc bởi phương tiện Ngôn ngữ. Ngay Kant (chúng ta sẽ tìm hiểu thêm ở Phần hai cuốn sách), người đã đưa những luật chơi của kinh nghiệm và tư duy con người vào trọng tâm Triết học của ông, cũng đã chẳng nghĩ tới sự cần thiết và khả năng hạn chế của Ngôn ngữ. Wittgenstein nhận ra Whitehead và Russell cũng rơi vào khiếm khuyết đó. Làm sao giải mã được luận lí (lô-gích) của kinh nghiệm con người và của nhận thức con người về thế giới, nếu như ta không đếm xỉa gì tới cái phương tiện diễn tả luận lí đó?
Và Wittgenstein kết luận „mọi Triết học đều là sự phê bình Ngôn ngữ“.
Cho tới đây, Wittgenstein có lí. Nhưng mô hình thay thế của anh như thế nào?
Wittgenstein liên tưởng tới vụ án tai nạn xe hơi, trong đó thực tại được biểu diễn bằng những con người nhựa tí hon và bằng các giao tiếp giữa chúng với nhau. điều tương tự cũng xẩy ra trong một câu chữ: Thực tại được diễn tả qua các từ ngữ và cách xếp câu của chúng. Các danh từ („tên“) tương ứng với các „sự vật“ của thế giới. Và tuỳ vào kết cấu của câu chữ mà các danh từ kia có được í nghĩa. Nếu các tên và lối kết cấu câu phù hợp với các sự vật và thứ tự của chúng trong thực tế, thì đó là một câu đúng và thật. Dĩ nhiên đó là nguyên tắc. Và như vậy, để tấm gương như thế có thể phản chiếu đúng được thực tại, nó phải được loại bỏ đi mọi sai lỗi kết cấu. Áp dụng cho trường hợp Ngôn ngữ, điều này có nghĩa là câu đó phải được cải tiến tối đa trong việc sử dụng hàng ngày. Ta phải bỏ đi mọi thứ câu vô nghĩa (sinnlos) và mọi thứ câu ngớ ngẩn (unsinnig). Câu vô nghĩa là những câu – để có thể nghiệm được đúng hay sai – không cầu gì tới thực tại cả, chẳng hạn: „Màu xanh là màu xanh“. Câu ngớ ngẩn là những câu không thể nào nghiệm được đúng sai, vì chúng chẳng phù hợp gì với thực tại cả, chẳng hạn: „Câu mà tôi đang nói đây là sai“. Wittgenstein rất triệt để trong luận điểm này, đến nỗi chính anh cũng muốn loại ra khỏi ngôn ngữ mọi câu liên quan tới đạo đức, vì theo anh, „xấu“ hay „tốt“ chẳng phản chiếu một sự vật nào có mặt trong thực tế cả. đối với Wittgenstein, đạo đức chỉ có thể được diễn tả bằng một ngôn ngữ dấu hiệu, bằng một cử chỉ hay một ánh mắt mà thôi. Là vì: „Cái gì có thể nói ra được, thì nó được phát biểu rõ ràng, còn cái gì không thể nói ra được, thì phải im miệng“.
Ước mơ của Wittgenstein là làm sao có được một Ngôn ngữ chính xác, với ngôn ngữ này ta có thể nắm bắt và mô tả một cách khách quan thực tế của mọi lãnh vực cuộc sống. Thoạt tiên, ước mơ trên đây đã thúc đẩy nhóm lí thuyết gia khoa học và triết gia „Hội Ernst Mach“, năm 1922 hợp thành „Tập hợp Wien“, cùng nhau thực hiện cho bằng được dự án của Wittgenstein. Sau 14 năm miệt mài nỗ lực, Tập hợp Wien đã thất bại hoàn toàn. Mà quả thật may! Chứ nếu không thì hệ quả của nó vô lường: Ta sẽ rơi vào một xã hội chuyên chế với một thứ Ngôn Ngữ Chính Xác đến độc đoán mà mọi người dân bị bó buộc phải sử dụng. Thử tưởng tượng, thầy cô cấm học sinh không được dùng những câu hay từ ngữ hai nghĩa, châm biếm hay ẩn dụ nữa. Mất mát biết chừng nào! Mà giả như cải cách của Wittgenstein có đổi mới Triết học, thì nền Triết học đó sẽ chán ngấy đến thế nào!
Việc thất bại trong nỗ lực kiến tạo một thứ Ngôn Ngữ Chính Xác không do khả năng hạn chế của Tập hợp Wien. Nó có lí do sâu hơn. Là vì một Ngôn Ngữ Chính Xác sẽ trở thành bất nhân: đó là một hiểu lầm sâu xa về cuộc tiến hoá của con người và về vai trò nền tảng của ngôn ngữ. Là vì động cơ phát triển của ngôn ngữ rõ ràng không bắt nguồn từ ước mơ đi tìm Sự thật và sự hiểu biết chính mình. Mà trái lại có lẽ bắt nguồn từ các nhu cầu xã hội muốn tìm tới sự hiểu biết lẫn nhau. Wittgenstein coi Ngôn ngữ thuần tuý chỉ là một phương tiện nhận thức. Ông nhìn nó với con mắt của một nhà kĩ thuật hay một kĩ sư và đánh giá công dụng của nó theo cái nhìn lô-gích. Cũng như Whitehead và Russell, Wittgenstein đánh giá quá cao Lô-gích, coi nó là công thức chung cho việc tư duy, mà thật ra nó không phải như vậy. Nó chỉ là một trong nhiều phương tiện của tư duy, và nó là một yếu tố của ngôn ngữ. Nếu cứ đánh giá mọi chuyện theo quy luật lôgích, ta sẽ đẩy thế giới sống thực tế vào phi lí!
để hiểu tại sao những đầu óc thông minh như Russell và Wittgenstein lại muốn giải thích
thế giới chỉ theo quy luật lô-gích mà thôi, ta phải đặt mình trong không khí lúc đó ở Cambridge. Một không khí đầy nhiệt tình. đó là lúc các kĩ thuật gia và các kĩ sư đang thổi sức sống cho nền Triết học đông lạnh từ nhiều chục năm, và sức sống đó đã làm cho không khí Cambridge như mở hội. Hẳn Russell và Wittgenstein đã không hiểu ra là với cách đó, họ sẽ dẫn Triết học tới đỉnh hoàng kim hay có thể lại dẫn nó tới cửa tử. Nhưng họ đã quá phấn chấn với các tư tưởng của mình, đến nỗi tin rằng, họ có thể từ bỏ mọi thứ tạo hương hoa cho cuộc sống. Họ tỏ ra vô cùng kiêu căng trước các khoa học nhân văn khác. Wittgenstein đã đọc Freud, nhưng vì đánh giá học thuật của Freud theo lối hữu dụng lô-gích của mình, nên đã không nhìn ra khía cạnh tích cực nào nơi khoa Phân tâm và Tâm lí. Lúc đó, ông chưa biết tới việc nghiên cứu não; điều này cũng chẳng trách, vì thời đó có mấy triết gia biết tới Cajal hay Sherrington đâu.
Học vấn triết học của Wittgenstein khá khái quát, hoàn toàn khác với Russell chẳng hạn. Vì thế, ông chẳng nghĩ gì tới câu hỏi, con người có đủ khả năng nhận biết thực tại khách quan được không, một câu hỏi đã dấy động nền Triết học trễ nhất từ Kant trở đi. Ông cũng đã không bàn đến Tâm lí Nhận thức, một khoa được rất nhiều người đồng thời quan tâm. Và trong tác phẩm Tractatus của mình, ông chả quan tâm một tí gì về nội dung xã hội của Ngôn ngữ và của lời nói. điều đó cho thấy con người lí tưởng của Wittgenstein chỉ biết sử dụng ngôn ngữ như chú bé Joseph được Oliver Sachs tả trong cuốn Stumme Stimme (Giọng câm) của mình: „Joseph thấy, phân biệt, xếp loại, sử dụng; nó không gặp khó khăn gì trong việc phân loại và tổng quát hoá bằng tri giác (dựa vào cảm nhận), nhưng xem ra không thể tiến xa hơn… Ta có cảm tưởng như nó tiếp nhận mọi thứ theo mặt chữ; và xem ra nó không có khả năng đùa giỡn với hình ảnh, với giả thiết hay với khả thể, hoặc không có khả năng bước vào vương quốc của tưởng tượng hay của ẩn dụ. Như một con thú hay một trẻ nhỏ, nó xem ra chỉ sống trong hiện tại và bị hạn chế trong thế giới kinh nghiệm cụ thể và trực tiếp, tất cả những cái đó hiện ra liên tục trước mắt nó nhờ vào một khả năng í thức, mà một trẻ nhỏ không thể có được“.
đỉnh điểm của câu truyện trên: Joseph không phải là một học sinh đang vật vã với thứ Ngôn Ngữ Chính Xác của Wittgenstein, nhưng là một cậu bé bị điếc, đã trải qua mười năm đầu đời không biết tới ngôn ngữ cử chỉ (thứ ngôn ngữ bằng cử chỉ và bộ điệu dành cho người câm điếc). Joseph đã có được kinh nghiệm về một thứ ngôn ngữ trần trụi, không chút nghĩa bóng được tạo ra do quá trình sử dụng. Là vì em chưa bao giờ có kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ, dù với ngôn ngữ phát âm hay ngôn ngữ cử chỉ. Dù vậy, em vẫn hiểu được từ ngữ và đồng thời có được một cảm nhận trực tiếp về văn phạm. Thứ ngôn ngữ mà Joseph hiểu cơ bản mang tính lôgích thuần tuý, chứ không mang tính xã hội.
Thuyết của Noam Chomsky, nhà ngữ học người Hoa-kì, trong thập niên 60’ giúp ta hiểu được điều đó. Theo ông, rất có thể con người sinh ra với một khả năng bẩm sinh về ngôn ngữ và văn phạm. Nhờ đó, các trẻ nhỏ học nói ngôn ngữ đầu tiên của chúng gần như tự động. Ngôn ngữ lớn lên nơi chúng cũng giống như sự phát triển của cơ thể chân tay. Nhưng với một điều kiện quan trọng, là các trẻ nhỏ có thể bắt chước được thứ ngôn ngữ mà chúng nghe. Cũng giống như các loài vượn hoang, con người chỉ sử dụng cỡ gần bốn chục phát âm khác nhau, nhưng họ có thể dùng các âm đó để tạo thành những câu phức tạp. Ở các loài vượn, xem ra mỗi âm mang một í nghĩa nhất định. Nơi sự phát triển con người, trái lại, í nghĩa của các âm như „Ba“, „đô“ dần dần biến mất. Chúng trở thành âm vận. Nghĩa là: con người nối các âm vô nghĩa thành những chữ có nghĩa.
Tại sao tiến trình đó lại xẩy ra nơi con người, mà không cả nơi vượn, không rõ! Một trong các nguyên nhân có lẽ là thanh quản của con người càng ngày càng hạ thấp xuống dần theo tiến trình phát triển, nhờ đó khả năng phát âm của họ được mở rộng thêm ra. Nhưng cả điểm này cho đến nay vẫn chưa có được lời giải rõ ràng. Nhưng trái lại, ta biết có một vùng não giúp cấu tạo văn phạm. Vùng Broca (Broca-Areal) là nơi giúp ta sắp xết một chuỗi âm thanh thành câu có nghĩa. Vùng này nằm chếch phía trên tai trái. Cho tới lúc khoảng ba tuổi, ngôn ngữ nơi trẻ em hầu như chỉ được cấu tạo nơi vùng này. Nếu thuyết bẩm sinh của Chomsky đúng, thì khả năng văn phạm của ngôn ngữ đầu tiên mà trẻ học được hẳn nằm ở Broca-Areal. Còn các thứ ngôn ngữ khác học được sau này đều nhờ vào sự hỗ trợ của các vùng não lân cận. Nhờ vùng Broca mà guồng máy ngôn ngữ có thể hoạt động, nó giúp ta tạo ra âm, phân tích âm, phát âm và tạo ra những từ trừu tượng; còn vùng Vernicke (Vernicke-Areal) trái lại giúp ta hiểu âm thanh và có lẽ giúp cho cả việc bắt chước ngôn ngữ. Các khám phá này trong thế kỉ 19 cho tới nay vẫn đúng, mặc dù diễn tiến hình thành ngôn ngữ càng ngày càng trở nên chi tiết và phức tạp hơn, và dù các nhà não học còn đưa các vùng não khác vào diễn tiến này thêm.
Như vậy, ít nhất con người học được ngôn ngữ đầu tiên của mình qua vô thức, ngôn ngữ này được họ „bắt chước“ về mặt xã hội. Nhiệm vụ quan trọng nhất của nó là giúp con người hiểu nhau. để hiểu được nhau, con người cần cả văn phạm lẫn nội dung của câu. Chẳng hạn như câu: „Tôi thấy toàn màu đen“. Câu này một mặt cho biết tôi đang đứng trước một bức ảnh màu đen và đang tả màu sắc của ảnh đó; mặt khác, nó cũng có nghĩa là tôi đang bi quan về một chuyện gì đó. đối với anh triết gia trẻ Wittgenstein, câu như thế quả là một cực hình, nhưng ngôn ngữ vốn đa nghĩa như thế. Cái làm cho tư tưởng về một Ngôn Ngữ Chính Xác thất bại, là nghĩa của một câu chỉ được hình thành từ việc sử dụng các từ ngữ.
Thoạt tiên, Wittgenstein chẳng cần biết gì tới những phê bình có thể có đối với Tractatus của anh. Anh kiêu hãnh cho hay, tác phẩm đó là phần đóng góp của anh cho cái giá trị tối hậu của vấn đề. Và cũng vì tin đã tìm ra được sự thật rốt ráo, anh nghĩ chẳng cần phải đóng góp gì thêm nữa cho Triết học. Anh đem cái gia tài kếch xù của mình chia cho các bà chị và tặng một số tiền lớn cho các thi sĩ, hoạ sĩ và kiến trúc sư mầm non. Sau đó bước vào lĩnh vực sư phạm thực hành. Anh triết gia tiếng tăm lừng lẫy bên Anh quốc trở về Áo, vào học trường đào tạo giáo viên, sau đó âm thầm - không ai biết - ra vùng quê làm thầy giáo trường làng trong nhiều năm. Lối dạy học của ông triết gia là một thảm hoạ. đa số các em học sinh hình như xem thầy là một ông kẹ. Năm 1926, ông vội vàng bực dọc bỏ dạy, vào phụ làm vườn cho một tu viện mấy tháng. Tiếp đó, ông say sưa nhảy vào một chương trình mới: cùng cộng tác với một kiến trúc sư xây cho bà chị Margarete ở Wien một biệt thự hình khối, ông hoàn toàn lo về phần trang trí nội thất. Căn nhà là trung tâm sinh hoạt của giới học thức ở Wien, „Tập hợp Wien“ cũng thường tụ họp ở đây. Năm 1929 Wittgenstein quay trở lại Cambridge, sau mười lăm năm vắng mặt. Ông nhận văn bằng tiến sĩ mà nhà trường đã dành sẵn từ lâu cho cuốn Tractatus, nhưng các công trình từ đây trở đi của ông gần như hoàn toàn ngược lại những suy tư trong tuổi thanh xuân. Ông làm việc và viết miệt mài như một người bị quỷ ám, nhưng chẳng xuất bản gì cả, vì cho rằng vẫn chưa có gì chín chắn. Ông sống nhờ vào các học bổng và vào đồng lương ít ỏi của một phụ giảng bình thường. Cuối cùng vào năm 50 tuổi, ông nhận được chức giáo sư thực thụ. Một học sinh thời đó nhớ lại: Suốt thời gian đó ông thầy là một „nhà ẩn dật, một vị khổ tu, một đạo chủ và một ‚lãnh tụ’“; một nhân vật tiểu thuyết đã từ giàu sang rơi vào nghèo khó và đã trở thành một huyền thoại của chính mình ngay trong lúc còn sống.
Thuyết coi ngôn ngữ là ảnh chụp thực tại của Wittgenstein không đúng, điều này khiến ông dần dần nản lòng. Giáo sư Piero Saffra, một đồng nghiệp ở Cambridge, đã dẫn ông tới dứt điểm. Khi nghe Wittgenstein nhấn mạnh, Ngôn ngữ là cấu trúc lô-gích của thực tại, Saffra ngồi dùng mấy đầu ngón tay gãi cằm và hỏi: „Thế đâu là hình thái lô-gích của cử chỉ này (gãi cằm)?“ Wittgenstein bỏ hẳn thuyết của mình. Tác phẩm cũ Philosophischen Untersuchungen (Các nghiên cứu triết học), mà ông khởi đầu viết lại từ năm 1936 sau nhiều lần dang dở, ông đề tặng Saffra. Trong tác phẩm được in năm 1953 này, hai năm sau khi Wittgenstein qua đời, ông không những từ giã thuyết Ngôn ngữ ảnh chụp của mình, mà bỏ luôn cả lập luận: chỉ có thể hiểu được Ngôn ngữ bằng các phương tiện lô-gích mà thôi. Trong đó có một câu đẹp như tranh, câu về sau đã làm phấn chấn nữ thi sĩ Ingeborg Bachmann: „Ta có thể nhìn ngôn ngữ của chúng ta như một thành phố cũ: Một mê cung của những con hẻm và những công trường, với những căn nhà cũ và mới được xây thêm ra trong những thời điểm khác nhau; và quang cảnh đó được bao quanh bởi nhiều vùng ngoại ô với những con đường thẳng băng đều đặn và với những căn nhà đơn điệu“. Wittgenstein nhận ra, „í nghĩa của một từ là do việc sử dụng từ đó trong ngôn ngữ“. Ông viết, thay vì khoá chặt các í nghĩa và cách đặt câu vào trong khung lô-gích, các triết gia phải cố gắng làm sao cho người ta hiểu được các quy luật sử dụng ngôn ngữ, hiểu được „các trò chơi của ngôn ngữ“. Trong liên quan đó, cuối cùng ông khám phá ra vai trò của Tâm lí học, vốn trước đây bị ông coi thường. Vì các trò chơi ngôn ngữ diễn ra trong một cộng đồng con người, chứ không diễn ra trong một không gian chân không, nên không được giải thích chúng theo lô-gích, nhưng tốt hơn nên theo lối lô-gích - tâm lí. Không nên làm những cuộc thí nghiệm tâm thần, mà nên giải thích các trò chơi ngôn ngữ trong khung cảnh xã hội, và đó chính là lãnh vực thế giới cần tới các nhà tâm lí. Là vì „cội nguồn chính của việc không hiểu“ là „vì chúng ta không nhìn ra được việc sử dụng ngôn ngữ của chúng ta“. Câu sau đây lại càng hay: „đâu là mục tiêu của Bạn trong Triết học? đó là chỉ cho chú ruồi trong lọ biết lối bay ra“.
Thế chiến II Wittgenstein cũng tự nguyện đầu quân, như trong Thế chiến I, nhưng lần này ông đứng về phía người Anh. Ông phục vụ trong một bệnh viện, nơi đây, vận dụng kiến khức và kinh nghiệm kĩ thuật lắp ráp máy bay, ông chế ra các máy móc để đo mạch, đo áp huyết, đo nhịp và lượng khí thở. Sau đó trở lại Cambridge dạy thêm bốn năm nữa rồi xin về hưu non lúc 58 tuổi. Những năm cuối, ông sống ở Ái-nhĩ-lan và trong thành phố Oxford. Năm 1951 ông mất vì bệnh ung thư. Người ta nói, lời cuối của ông là một lời chào từ biệt gởi tới bạn hữu: „Hãy nói với họ, là tôi đã trải qua một cuộc sống tuyệt vời“.
Tractatus của ông là một ngõ cụt. Philosophischen Untersuchungen trái lại là một cảm hứng đầy hoa trái cho Triết học và cho cả khoa Ngôn ngữ học được hình thành từ đây. Một môn triết mới hình thành, đó là Triết học Phân tích, một luồng triết học có thể nói quan trọng nhất trong hậu bán thế kỉ 20. Các vấn đề của Triết học, như gợi í của Wittgenstein, luôn luôn cũng là những vấn đề tìm hiểu và phân tích những câu nói của ngôn ngữ. Lí do là vì ngôn ngữ luôn ảnh hưởng trên cách thức con người kinh nghiệm thế giới. Theo ông, chẳng có kinh nghiệm cảm giác „tinh khiết“ nào mà chẳng bị vẫn đục bởi tư duy (ngôn ngữ). Và cũng chẳng có í nghĩa nào rõ ràng cả, vì ngôn ngữ vốn luôn đa nghĩa. Trong khu rừng già chằng chịt giao thoa ngữ nghĩa đó, Triết học Phân tích phải tìm cho mình lối ra.
Khoa Ngôn ngữ học bước vào tìm hiểu ngữ nghĩa trong từng lời/câu chữ để khám phá „trò chơi ngôn ngữ“. Từ những gợi í của Wittgenstein, John Langshaw Austin người Anh và John Rogers Searle người Hoa-kì trong thập niên 50’ và 60’ đã đưa ra một thuyết Nói. Là vì Austin nhận ra rằng, hễ người nào nói điều gì, thì cũng có nghĩa là người đó „làm một cái gì“. Và vấn đề quyết định trong việc hiểu câu văn không phải là tìm xem câu đó đúng hay sai, mà tìm xem đối tượng có thành công hay không trong việc hiểu ra í định của người nói. Thuyết Ngôn ngữ phản ảnh sự thật giờ đây trở thành thuyết Truyền thông xã hội. Ngôn ngữ loài người là một phương tiện truyền thông tuyệt diệu. Nhưng với Wittgenstein, Triết học phải hiểu rằng, ngôn ngữ không phải là phương tiện duy nhất để tiếp cận sự thật. Chỉ khi ta hiểu được rằng, các phương tiện giữ trật tự của trí óc, đó là Tư duy và Ngôn ngữ, không „tự chúng“ phản ảnh thực tại, mà chỉ là những mô thức để giải thích thế giới theo tiêu chuẩn của những quy luật trò chơi riêng, lúc đó ta mới hiểu và tới gần người khác được hơn. Ai nhìn ra được những sự vật khác nhau, người đó cũng có kinh nghiệm khác. Và ai kinh nghiệm khác, người đó cũng nghĩ khác. Và ai nghĩ khác, người đó cũng sử dụng một ngôn ngữ khác. Con người khác con vật ở chỗ, mỗi người có một lối nghĩ và nói khác nhau. Giới hạn của bộ máy nhận thức giác quan và giới hạn của ngôn ngữ cũng là giới hạn của thế giới chúng ta đang sống. Là vì việc chọn áo ngôn ngữ của tư duy chúng ta bắt nguồn từ tủ áo dễ thấy của loài người. Như vậy ngôn ngữ cũng đồng thời có một nhiệm vụ căn bản không được viết ra, là nó có thể „đánh lừa“ ta qua những lời của chúng. Ngôn ngữ được „tạo“ ra, để „thiết kế“ nên thực tại và thế giới theo nhu cầu của loài người. Nếu con rắn cần một ngôn ngữ để định hướng – thật ra rắn không cần, vì nó cũng có thể nối các cảm nhận giác quan mà không cần tới ngôn ngữ - thì đó sẽ là một „ngôn ngữ của rắn“; ngôn ngữ này không thể nào thích hợp được cho loài người, cũng như ngược lại, rắn không thể nào sử dụng được „ngôn ngữ của người“. Sau này, có lần Wittgenstein nói một câu rất thông minh: „Nếu sư tử nói được, thì ta cũng chẳng hiểu được chúng!“
Cuộc du hành triết lí - tâm lí - sinh học tìm hiểu khả năng và giới hạn của nhận thức tới đây tạm kết thúc. Chúng ta đã biết đôi chút về bộ não, về gốc gác và nhiệm vụ của nó. Chúng ta đã nhìn ra những khả năng và giới hạn của nó. Chúng ta biết được sự tương tác trên nhau trong não giữa các cảm giác và lí trí, và qua đó cũng biết sơ rằng, cảm giác cái Tôi và sự nhận thức về chính mình ấn dấu trên nhau như thế nào. Chúng ta đã rõ về sự nhào trộn giữa Í thức và Vô thức, và cũng hiểu rằng, mình còn biết rất ít về diễn trình ghi nhận và bỏ quên các kí ức của não. Chúng ta đã biết, não là một cơ quan tự hiểu biết vô cùng phức tạp và tỉ mỉ, nhưng nó không được tạo ra cho mục đích nhận diện thế giới khách quan. Chúng ta đã thấy, ngôn ngữ của chúng ta thích hợp cho việc gì và đâu là những khó khăn của nó trong việc diễn tả „tính khách quan“. Vì thế, việc suy nghĩ về chính mình và về thế giới cũng không khác chi việc dùng xe hơi bơi qua con sông hay dùng xe ba bánh để vượt sa mạc. Công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực khó khăn. Dù sao thì giờ đây chúng ta cũng đã biết được một vài phần quan trọng của bộ máy con người, để chúng ta có thể hiểu được những hành động cũng như những cái bỏ qua của chúng ta. Cuộc hành trình đi vào trong chính con người chúng ta sẽ đưa ta tới một chiều kích khác: tới câu hỏi, ta đánh giá hành vi của ta như thế nào. Cho tới đây, nghiên cứu não đã có nhiều đóng góp cần thiết. Nhưng từ đây trở đi, nó sẽ phải lùi lại phía sau, dĩ nhiên nó sẽ không biến đi hoàn toàn, để Triết học lên tiếng. Thỉnh thoảng chúng ta sẽ còn cần tới những lời khuyên của nghiên cứu não, cả trong câu hỏi về Thiện, Ác. Dù Sinh học có thể cắt nghĩa cho ta nhiều điều về Thiện Ác, vấn đề đạo đức trước sau vẫn luôn là một câu hỏi của Triết học và có lẽ cả của Tâm lí học: Các quy chuẩn xét đoán đúng hay sai đến từ đâu? Chúng ta đánh giá thái độ và hành động của ta đựa theo tiêu chuẩn nào? Và tại sao chúng ta lại hành động như vậy?