Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 33

Utopia

Máy Matrix

Phải chăng cuộc sống có một ý nghĩa?

„Tôi muốn nói cho bạn biết, tại sao bạn ở đây. Bạn ở đây, là vì bạn biết một cái gì đó. Cái gì đó là điều bạn không thể giải thích được. Nhưng bạn cảm được nó. Suốt cả đời bạn, bạn cảm thấy có một cái gì không đúng trong thế giới này. Bạn không biết đó là cái gì, nhưng nó vẫn có đó. Nó như một cái dằm trong đầu bạn, làm bạn điên lên được. Vì cảm giác này mà bạn đã đến với tôi“!

Có một cái gì không ổn trong thế giới này, nhưng bạn đừng mất công đi tìm những câu trên đây trong một tác phẩm lịch sử triết học nào cả, vì bạn không tìm ra đâu. Người nói những câu đó là Morpheus, một nhân vật trong phim Matrix do anh em Andy và Larry Wachowski dàn dựng. Một cuốn phim đạt thành công lớn trong năm 2000 - thành công có lí do. Hiếm khi có một cuốn phim triết lí về hiện hữu và hư vô hay như thế, nó có thể sánh được với phim Orphée năm 1949 của Jean Cocteau.

Cuốn phim kể chuyện cuộc đời anh Nêô, là một người có tài phá vỡ cấu trúc phần mềm của máy tính (Hacker). Nêô nghe được Morpheus nói cho biết, là thế giới mà anh và tất cả mọi người khác đang sống trong đó, là một thế giới không thật, một thế giới ảo do hệ thống liên mạng máy tính Matrix tạo ra. Sau khi loài người làm cho địa cầu không còn là nơi muôn vật sinh sống được nữa, máy tính ra tay chế ngự thế giới. Chúng nắm đài chỉ huy, tạo ra các Matrix và dùng con người làm nguồn nhiên liệu. để bóc lột con người, máy tính nhốt họ trong những bình chứa lớn đầy thức ăn lỏng, và cung cấp cho họ một cuộc sống thần tiên. Nhờ Morpheus xúi dục, Nêô đã thoát ra được khỏi Matrix, sau một cuộc đấu tranh lâu dài và khó khăn. Cuối cùng anh ta trở nên như một nhân vật Kitô, vị cứu tinh của nhân loại.

Cuốn phim dựa theo một số tác phẩm trước đó, đặc biệt hai cuốn tiểu thuyết

Sterntagebücher (Nhật Kí Hành Tinh) và Also Sprach Golem (Như Golem đã Nói) của nhà viết truyện khoa học giả tưởng người Ba-lan Stanislaw Lem. đề tài cuộc sống trong một thế giới ảo cũng đã được trình bày trong tiểu thuyết Simulacron - Drei (Simulacron - Ba) của tác giả người Hoa-kì Daniel Galouye, cuốn sách được lên phim hai lần. Ngoài ra, Matrix cũng dựa theo tư tưởng của triết gia người Pháp Jean Baudrillard và lấy lại một loạt đề tài từ nhóm Ngộ giáo (Gnosis) trong lịch sử Kitô giáo. Nhưng bản quyền đích thực của tư tưởng cho rằng cuộc sống trên địa cầu chỉ là một cuộc sống ảo ảnh không thật, không phải là của anh em Wachowski, Galouye, Lem hay Baudrillard, nhưng là của triết gia Hi-lạp Platon.

Trong chương nổi tiếng „Dụ Ngôn Hang động“, cuốn thứ bảy của Politeia, tác phẩm chính của Platon, ông này tả lại một cảnh tượng lạ lùng vào năm 370 trước tây lịch: Một nhóm người sống từ lúc nhỏ trong một hang động dưới đất. Tất cả họ bị trói gô vào thành đá, không thể cựa quậy cả đầu lẫn thân, chỉ biết nhìn thẳng sang vách đá đối diện. Tất cả ánh sáng trong động xuất phát từ một đốm lửa cháy phía sau lưng họ. Những hình ảnh và dụng cụ lần lượt được đưa ra giữa khoảng cách nhóm lửa và tù nhân. Ánh sáng hắt bóng những thứ đó lên tường đối diện, nên tù nhân chỉ nhìn thấy bóng của những vật đó, cũng như bóng của chính mình và của đồng tù mà thôi. Ngay cả khi người chuyển dịch các hình ảnh kia nói, thì tiếng nói cũng nghe như vang ra từ những bóng hình, chứ không phải của người thật. Vì chẳng í thức và cảm nhận được gì xẩy ra phía sau mình, tù nhân hang động chỉ biết sống với hình bóng, coi đó là thế giới thật duy nhất của họ. Không thể có cách nào thoát ra được  khỏi thế giới này. Một tù nhân may mắn thoát ra được khỏi hang tới với ánh sáng, thoáng nhìn xuống thấy được cảnh tượng dưới hang. Nhưng người này cũng không làm sao giải thích cho bà con dưới kia hiểu được, là vì những gì anh nói đều vượt ngoài trí tưởng tượng của họ. Người giác ngộ vì thế chỉ nhận được châm biếm và cười nhạo; người ta khuyên „anh ta nên xuống hang trở lại cùng với cặp mắt hư hỏng của anh“. Và để không bị rơi vào số phận của người giác ngộ, họ bày mưu sắm kế bắt giết vị cứu tinh của họ.

Platon không đưa ra dụ ngôn kia để cho người ta quay phim hay viết tuyểu thuyết trinh thám. Mà ông muốn dùng nó để nói lên rằng, lí trí triết học phải từng bước thoát ra khỏi những cảm nhận giác quan, để có thể đi vào được trong bản chất thật của sự vật. Platon coi luận lí trừu tượng quan trọng hơn khả năng nhận thức của giác quan. Dù vậy, dụ ngôn hang động của ông đã trở thành cha đẻ của mọi viễn ảnh Matrix. Và ta hãy dừng lại thêm một chốc nơi những viễn ảnh này. Trong Matrix, Nêô vượt ra khỏi cuộc sống ảo của mình, cho dù cuộc sống của anh trong bình chứa không phải là không thoải mái. Nhưng tại sao? Ta có thể thêu dệt thêm trường hợp của Nêô: Cuộc sống trong Matrix, còn hơn phim trình bày, là một cuộc sống thiên đường. Con người bị cột trong Matrix có tự do chọn lựa cuộc sống nào mình muốn. Họ có thể là những đào kép nổi tiếng cho những cuốn phim Oskar. Họ có thể là Ronaldinho hay Kákar thắng trận banh xong đi bát phố với đào. Nhưng khác với cảnh trong phim Matrix, người bị cột trong thí dụ của chúng ta biết anh muốn điều gì - anh biết thế giới này không thật, mặc dầu nó vẫn cho anh cảm tưởng hoàn toàn thật. Theo í bạn, con người có muốn sống cả đời trong những khung cảnh tuyệt vời đó không?

Có lẽ bạn nghĩ ngay, đó là một cuộc sống may mắn hạnh phúc, một thứ Second Life tâm thân an toàn thoải mái. Nhưng nếu mãi mãi cả đời như thế thì sao? Một cuộc sống luôn mãi chỉ có thành công mà thôi, sẽ ra sao? Một thiên đường hạ giới luôn có sẵn những gì cần để cho ta được hạnh phúc. Một cuộc sống như thế quả thật đáng sợ!

Điều đó có nghĩa là còn có một cái gì quan trọng hơn hạnh phúc, vì một hạnh phúc quá chắc chắn sẽ khiến chúng ta buồn chán kinh khủng. Mọi thứ trong đời có giá trị của nó nhờ qua tương phản. Ta có thể ước mơ được nhiều hạnh phúc, nhưng có lẽ chẳng mơ ước một hạnh phúc kéo dài mãi mãi. George Berhard Shaw, thi sĩ, kịch tác gia và là một triết gia tinh tế người Irland, đã biết điều đó từ lâu: „Hạnh phúc suốt đời! Mấy ai sẽ chấp nhận được điều đó; cuộc sống đó sẽ là hoả ngục trần gian“. Nhưng không phải chỉ có sự khủng bố của cái hạnh phúc đơn điệu làm cho cư dân trong Matrix ngán ngẫm. Cái làm họ sợ hãi hơn, đó là không được tự do quyết định về cuộc sống của mình. Tự quyết là một tài sản quá ư quan trọng, đến nỗi đa số người ta sẵn sàng đổi sự hạnh phúc do người ngoài ban để lấy nó. Như vậy, mình phải tự tạo ra và làm nên hạnh phúc của mình, còn thứ hạnh phúc do người ngoài ban tặng chẳng có giá trị. Nếu không thể thua, thì thắng còn có í nghĩa gì? Một cuốn sách, mà mình biết tỏng, là từ đầu đến cuối đều xẩy ra những điều tốt đẹp như mình mong muốn, thì sách đó chán đến cỡ nào?  Như vậy, như nhà văn người Nga Leo Tolstoi nói, hạnh phúc „không phải là bạn có thể làm được điều bạn muốn, mà là bạn luôn luôn muốn điều bạn làm“. 

Tôi không biết, câu nói của Tolstoi có thuyết phục bạn không. Riêng tôi, tôi thấy câu trả lời của ông rất gần với cái mà người ta thích gọi là „Í nghĩa cuộc đời“. Dù vậy, nhiều triết gia ngày nay không muốn quan tâm bàn về đề tài này, vì họ cho rằng, nó là một thứ gỡ rối tơ lòng của những nhà tư vấn mị dân hay thuộc vào loại huyền hoặc, tắt lại, nó được coi là đề tài giải trí. Tuy nhiên, xưa kia đề tài này đã một thời rất quan trọng. Cách đây hơn 2400 năm, khi người Hi-lạp đặt nền móng cho cái mà ngày nay người ta gọi là triết học tây phương, họ đã nỗ lực tìm cách trả lời câu hỏi đó. Tiếng Hi-lạp cổ không có từ tương đương với điều ta ngày nay gọi là „í nghĩa cuộc đời“, nhưng tự nền tảng, câu hỏi của họ đặt ra cũng cùng một í nghĩa: đâu là điều quyết định? Cái gì quan trọng hơn, cái gì ít quan trọng hơn?

Trong cuốn sách này, chúng ta đã gặp nhiều triết gia. Mỗi người theo cung cách riêng của mình, họ đã ít nhiều trả lời cho câu hỏi trên. Cũng như sau một buổi diễn kịch có màn các diễn viên kéo nhau ra chào khán thính giả, ở đây tôi muốn lược lại một số nội dung trả lời của các vị ấy liên quan tới đề tài.

Các triết gia trước Thời mới, như Descartes chẳng hạn, không đá động gì tới đề tài đó. đối với họ, con người không cần thắc mắc gì về í nghĩa tổng quát của thế giới, vì đã có Thiên Chúa trả lời. Như vậy, những ai sống trong thời Trung cổ, thời Phục hưng và thời Ba-rốc không cần quan tâm tới câu hỏi về í nghĩa. Qua Giáo hội, họ biết Thiên Chúa đã có tư tưởng và í định nào cho con người rồi. Chỉ sau khi bước vào giai đoạn con người đề cao lí trí của mình, thay vì tiếp tục chấp nhận trật tự do Thiên Chúa an bài, thì câu hỏi về í nghĩa mới được đặt ra. Như vậy, câu hỏi về í nghĩa cuộc đời mới được đặt thành vấn đề vào cuối thế kỉ 18 và đầu thế kỉ 19. 

Với Immanuel Kant, nhiệm vụ của cuộc sống là thi hành bổn phận đạo đức của mình. Câu trả lời này quá mỏng. Jean Jacques Rousseau: Làm sao con người có thể và được sống theo bản chất tự nhiên của mình; con người không phải làm những gì họ không muốn. Jeremy Bentham:

Mục tiêu cuộc sống là làm sao có được lạc thú tối đa cho mình và cho kẻ khác. William Paley:

Càng làm được nhiều „việc ích lợi“, cuộc sống càng có í nghĩa. 

Giữa thế kỉ 19, câu hỏi mới có được một lô trả lời phong phú. Thế hệ triết gia kế tục Kant, Fichtes và Hegel rối trí trước lượng tác phẩm đồ sộ của những vị đi trước. Triết học đã có những bước tiến vĩ đại và đã tự coi mình là môn học chính nhằm giải thích mọi câu hỏi về cuộc đời. Nhưng dù vậy, nó đã chỉ ra được rất ít phương cách làm sao để có được một cuộc sống thành đạt. đó là những toà nhà tư tưởng mênh mông, nhưng chẳng có được bao nhiêu tư tưởng thực tế làm nền tảng cho cuộc sống.

Arthur Schopenhauer, Sören Kierkegaard, Ludwig Feuerbach và một cách gián tiếp cả Karl Marx giờ đây nỗ lực trả lời câu hỏi đó cách mới, mỗi người theo cách của mình. Schopenhauer phản đối thẳng thừng cái lí luận: con người sống „là để tìm hạnh phúc“. Vì con người vốn nô lệ và mãi mãi là nô lệ cho í muốn của mình, nên khó mà nói chuyện về í nghĩa tự do và cao thượng đối với họ. Chỉ có nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, mới tạo cho con người một sự sảng khoái trổi vượt. Friedrich Nietzsche và Sigmund Freud cũng tán đồng tư tưởng đó. Hai vị này cho rằng, chính câu hỏi về í nghĩa cuộc đời nói lên sự yếu đuối cơ thể và tinh thần của một con người. Người lành mạnh, theo họ, chẳng cần í nghĩa cuộc đời trổi vượt nào cả. để hạnh phúc, họ chỉ cần âm nhạc (Nietzsche) hoặc tình yêu và việc làm (Freud). đối với Ernst Mach, câu hỏi í nghĩa được giải đáp cùng lúc với câu hỏi về cái Tôi. Nếu con bướm không còn cùng một cái Tôi với con sâu, nếu đứa trẻ không còn cùng một cái Tôi khi về già, thì chẳng ích gì cả để bàn chuyện í nghĩa chung cho cả cuộc đời. Như vậy, thay vì „í nghĩa cuộc đời“ thì nên nói về cái cảm giác có được trước những câu hỏi thực sự quan trọng trong cuộc đời - mà Mach gọi đó là „Kinh tế tư duy“ (Denkökonomie). 

Các bậc thầy tư tưởng trong thế kỉ 20 lẫn tránh câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi, và họ tuyên bố không có trách nhiệm trả lời. Một thí dụ nổi bật cho thái độ đó là Ludwig Wittgenstein. Ông coi câu hỏi về í nghĩa cuộc đời là một câu hỏi „vô nghĩa“. Theo ông, câu hỏi đó tự bản chất không thể có được một trả lời tích cực. „Vì ngay chính những người đã hiểu ra í nghĩa cuộc sống sau những ngờ vực lâu dài“ cũng „không thể nói được đó là í nghĩa nào“. Trái lại, với Sartre, í nghĩa cuộc đời nằm nơi việc tự hoàn thành nhân cách mình qua hành động. Vì toàn bộ thế giới chẳng có í nghĩa gì cả, nên tôi được tự do kiến tạo í nghĩa cho chính mình. Con người cá nhân sẽ tồn tại hay biến đi tuỳ theo hành động của mình. Nhưng Peter Singer lại coi việc tạo í nghĩa của Sartre là chuyện thiếu tính xã hội. đối với ông, làm thêm điều tốt và biến thế giới „thành chỗ tốt hơn“ mới là điều quan trọng. 

Các nhà sinh học tiến hoá cũng giải thích về í nghĩa cuộc đời, nhưng tốt hơn, ta nên tránh đừng bàn tới họ. Triết gia sinh học người Hoa-kì Daniel Dennett coi hai nguyên tắc tiến hoá „thích ứng và đột biến“ cũng đúng cho mọi câu hỏi về văn hoá nhân văn: Í nghĩa của thiên nhiên cũng là í nghĩa của con người. Nhưng nhà xã hội học Niklas Luhmann đánh giá lí luận đó là vô nghĩa, vì „í nghĩa“ chỉ có được qua truyền thông. Í nghĩa là một thành quả tiến hoá tế vi của riêng con người, bởi vì sự thông truyền biểu tượng qua ngôn ngữ không thể giải thích được bằng việc đấu tranh mạnh được yếu thua của các di tử (Gene) hoặc bằng sự truyền thừa thế hệ. Con người không phải đơn giản là thiên nhiên. Nếu con người là thiên nhiên, thì nó có lẽ ít có khả năng sử dụng kĩ thuật để tàn phá chính nền tảng sống của mình - đấy là một mâu thuẫn rõ ràng chống lại luận chứng sinh học coi thích ứng là một nguyên tắc tổng quát của sự sống.

Các nhà nghiên cứu não dĩ nhiên không thể trả lời được câu hỏi về í nghĩa sự sống. Là vì „í nghĩa“ không phải là một đại lượng có thể cân đong đo đếm hay là một tiến trình cơ điện. 

Ngày nay, câu hỏi về í nghĩa cuộc sống chỉ có thể trả lời theo chủ quan. đâu là í nghĩa của đời tôi? Chủ quan, đơn giản là vì í nghĩa không phải là một đặc tính của thiên nhiên hay của thế giới, nhưng là một cấu trúc của riêng con người. „Í nghĩa“ là một nhu cầu và là một tư tưởng trong đầu óc của loài vật có xương sống chúng ta. Như vậy, í nghĩa không nằm sẵn đâu đó trong thế giới, nhưng là thứ chúng ta phải tạo ra cho mình. Câu hỏi về í nghĩa vì thế là một câu hỏi thuộc về con người. Ngay cả khi ta được hỏi về í nghĩa khách quan trong thế giới, thì câu trả lời của ta cũng lệ thuộc vào quan điểm riêng của mỗi người. Nó lệ thuộc vào í thức của ta, nghĩa là lệ thuộc vào cách luận lí và ngôn ngữ của ta.

Tại sao ta có nhu cầu về í nghĩa cuộc sống? Lí do quan trọng nhất có lẽ là do nhận thức rằng, mình rồi ra sẽ phải chết. đối diện với sự tự huỷ diệt đang tiến tới hàng phút hàng giây, con người đâm ra thao thức về sự có mặt của mình. Một vài nhà cổ sinh vật học coi đây là ranh giới giữa con người và thú vật.

Câu hỏi về í nghĩa cuộc sống như thế là một câu hỏi thuần tuý do con người và của con người. Và cũng như mọi hiểu biết khác của con người, nó lệ thuộc vào kinh nghiệm mỗi người. Vì thế, giỏi lắm thì ta cũng chỉ tìm được í nghĩa cho riêng mình mà thôi. Nhưng tại sao ta lại thích nói về í nghĩa chung của cuộc đời? Và tại sao cuộc đời chỉ có một í nghĩa đó mà thôi? Cả cái nhu cầu về một í nghĩa duy nhất này cũng rất người. Rõ ràng, chúng ta để tâm suy nghĩ về í nghĩa cuộc đời nhiều hơn là đặt câu hỏi, tại sao ta tìm nó và tìm nó theo những tiêu chuẩn nào. Nói cách khác: Chúng ta tìm kiếm mọi thứ, mà chẳng quan tâm gì tới chính việc tìm kiếm của mình. Có những thi sĩ cười cợt về điểm này cách í vị: „Nếu không có í nghĩa trong đời, thì ta tiết kiệm được bao nhiêu là thời gian, là vì rồi ra ta sẽ chẳng phải mất công đi tìm nó“; đó là lời của

Lewis Carroll trong truyện Alice im Wunderland (Alice Nơi đất Thần Tiên). Và Ashleigh Brilliant, tác giả của những câu cách ngôn ngạn ngữ người Anh nhấn mạnh thêm, khi ông nói: „Tốt hơn, đời đừng có nghĩa gì cả, còn hơn là có một í nghĩa, mà tôi lại không đồng í với í nghĩa đó“. 

Quan điểm cho rằng, cuộc đời có một í nghĩa nào đó, như vậy có lẽ là một tư tưởng chẳng hay ho lắm. Việc tìm kiếm í nghĩa cuộc đời thường thay đổi theo tuổi tác. Lúc trẻ, người ta tìm tới một í nghĩa khách quan, như là một mục đích cuộc đời. Về già, người ta lại hay hỏi: đời tôi đã có một í nghĩa? Hay nói cách khác: Tôi đã sống đúng? Câu hỏi về „í nghĩa“ này chẳng còn đòi hỏi lượng kiến thức lớn nào nữa. Từ một suy tư triết lí giờ đây người ta làm một tổng kết tâm lí, hoặc một lối chữa mình. Ở đây, „í nghĩa“ không còn quan trọng bằng thành tựu, thành quả:

Tôi đã làm được gì trong đời, khiến mình sung sướng và luôn vẫn còn sung sướng?

Nhiều nhà sinh vật có lẽ đồng í với nhận định này: Mục đích cuộc sống là để sống. Thiên nhiên - nếu nó biết suy nghĩ - rõ ràng đã có í định như thế. Nhưng Prôtêin và Axít Amin có những đặc tính khác với Í nghĩa. Vì thế, câu trả lời khoa học tuyệt nhất có lẽ là câu trả lời trong cuốn tiểu thuyết Per Anhalter durch die Galaxis (đón Xe Quá Giang Rảo Khắp Các Hành Tinh) của nhà văn khoa học giả tưởng người Anh Douglas Adams. Sách kể người ngoài hành tinh bày ra chiếc máy tính Deep Thought để có được câu trả lời cho mọi thứ câu hỏi „về cuộc đời, về vũ trụ và về mọi thứ khác“. Máy tính tính mãi. Sau một quá trình tính đúng 7,5 triệu năm, máy cho biết, câu trả lời sẽ không làm hài lòng các bạn. Cực chẳng đã nó bắn ra câu trả lời chung cho mọi câu hỏi: „Bốn mươi hai“! Cư dân ngoài hành tinh thất vọng. Nhưng Deep Thought cự nự. Câu hỏi nào bỏ vào máy cũng đều bị Deep Thought - dựa theo lối trả lời của Wittgenstein - bảo là câu hỏi đó vô nghĩa. Thành ra, đã không có câu hỏi chính xác thì làm sao có được câu trả lời phù hợp. Vậy phải làm sao đây để có câu trả lời? Chỉ vì để tránh náo loạn cho cư dân, cuối cùng Deep Though đề nghị chế ra một máy lớn, mạnh hơn nữa, theo khả năng tưởng tượng của họ. Máy chế xong, bắt đầu tìm kiếm câu hỏi. Tiến trình tìm kiếm này, về sau rõ ra, chẳng có gì khác hơn là – trái đất. Nhưng trái đất đã chẳng bao giờ có được một câu hỏi đúng. Khi máy gần chạy xong chương trình, thì quả đất đã bị người ta cho nổ, để lấy chỗ làm con đường vòng giải quyết nạn ứ đọng giao thông.

Có lẽ í nghĩa cuộc đời chỉ có nơi các nhà văn và các tác giả cách ngôn ngạn ngữ mà thôi.

Nhà vật lí kiêm văn sĩ Georg Christoph Lichtenberg có lần nói: „Tôi tin rằng, con người rốt cuộc là một thực thể quá tự do, đến nỗi không thể tranh tụng với họ được về những gì liên quan tới quyền và niềm tin của họ“.  Và điều này cũng đúng cho chính câu hỏi về í nghĩa. Trong cuốn truyện tôi thích nhất hồi còn trẻ Prydain Chronicles của tác giả Lloyd Alexander, nhà ảo thuật già Dalben giải thích cho đứa con tinh thần Taran, khi nó đang đi tìm í nghĩa cho đời nó: „Nhiều khi việc tìm câu trả lời quan trọng hơn chính câu trả lời“. Lúc còn trẻ, cũng giống như Taran, tôi đã hơi bực mình vì câu trả lời này. Tôi cho đó là cách trả lời hèn nhát. Một tay ảo thuật mà lại ăn nói như thế. Ngày nay tôi cho rằng Dalben có lí - ít ra cho một câu hỏi quan trọng như câu hỏi về í nghĩa cuộc đời. Vì những người duy nhất thực sự hiểu được í nghĩa của cuộc sống là Monty Python và cuốn phim cùng tên của họ: „Giờ mình nói chuyện í nghĩa của cuộc đời. Chẳng có gì đặc biệt ở đây cả. Hãy cư xử tốt với người khác, tránh ăn những thứ nhiều mỡ, thỉnh thoảng đọc một cuốn sách hay, lâu lâu gặp gỡ thăm hỏi kẻ khác và cố gắng sống hoà bình với mọi dân tộc và quốc gia“. Và nếu bạn hỏi tôi, tôi sẽ trả lời như sau: Hãy luôn giữ tính hiếu kì, hãy thực hiện những í nghĩ hay của bạn, và hãy lấy cuộc sống đổ đầy ngày tháng, chứ đừng lấy ngày tháng đổ đầy cuộc sống.

Dịch xong ngày 22.01.2012 (tức 29 tháng 12 âm lịch)

Phần Phụ bản gồm trên dưới 250 đầu sách tham khảo xếp theo từng bài trong sách. Không chép lại ra đây vì đây chưa phải là một bản dịch để in. sách được phát hành online tại docsach24.com