Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 27

Bielefeld

điều vô cùng khó xẩy ra nhưng lại thật bình thường  Tình yêu là gì?

1968 là một năm khác thường trong hầu hết đại học ở đức. Phong trào chống phá của sinh viên đạt tới đỉnh điểm. đại học Berlin và đại học Johann Wolfgang Goethe ở Franfurt là hai trung tâm chống đối mạnh nhất. đặc biệt nơi bộ môn „xã hội học“ ở Franfurt xẩy ra những cuộc tranh luận sát phạt giữa sinh viên và các giáo sư. Giáo sư Jürgen Habermas và Theodor W. Adorno là hai vị rất gần gũi với sinh viên về quan điểm chính trị, nhưng họ không tán thành những lí do chống phá của sinh viên. Họ cũng có một nhận định như sinh viên, là đất nước này đang trở thành „phản động“ và đang ở trong „thời kì cuối của tư bản“, nhưng họ không tin bạo lực đập phá có thể làm thay đổi cục diện quốc gia.

Náo loạn rốt cuộc nổ ra trong học khoá mùa đông 1968/69. Các giờ lớp của giáo sư Adorno bị phá rối. Ông giáo sư xã hội học kiêm triết gia lừng danh Adorno bị sinh viên cười nhạo, và „Viện nghiên cứu xã hội“ bị đám sinh viên cách mạng phong toả. Trước cảnh tượng đó, Adorno bỏ ngang mọi giảng khoá của mình. đại học rơi vào khốn đốn. Làm sao trong một sáng một chiều tìm ra được giáo sư thay thế khi khoá học đã bắt đầu? Mà có ông bà điên nào lại dám nhảy vào nồi nước sôi Phân khoa xã hội học của Frankfurt lúc này? Nhưng thật ngạc nhiên, một tay vô danh 41 tuổi, chuyên môn về hành chánh học, từ Münster dám đầu đơn về, đó là Niklas Luhmann. đề tài giảng khoá của ông: „Tình yêu như là đam mê“.

Một giảng khoá về tình yêu? Trong lúc cả bàn dân thiên hạ của các Ban nhân văn, xã hội ở đây đang hừng hực tranh cãi về hiện tại và tương lai „thời kì rẫy chết của tư bản chủ nghĩa“? Cái ông ứng viên không biết sợ đó là ai? Trong lúc bên ngoài đang nổi lên la hét đập phá, thì mình ông với độ hai chục sinh viên hiếu kì và chán bãi khoá ngồi thảo luận về „Lí thuyết về sự thân mật“ trong một giảng đường mênh mông trên lầu hai đại học! 

Luhmann sinh năm 1927 tại Lüneburg. Cha ông làm chủ một lò rượu bia, mẹ xuất thân từ một gia đình làm nghề khách sạn ở Thuỵ-sĩ. Lúc nhỏ, học ở trường trung học Johaneum. Sắp sửa thi tú tài thì phải nhập ngũ, phục vụ trong ngành không quân, và bị quân đội Hoa-kì bắt làm tù binh năm 1945. Năm 1946, cậu Luhmann thi lại tú tài, rồi ghi danh học luật ở Freiburg. Sau khi tốt nghiệp, năm 1953 Luhmann trở về làm việc trong toà án cao cấp tỉnh Lüneburg, sau đổi về Hannover. Chán công việc, ông xoay ra đọc sách, đọc hàng núi sách tìm hiểu mọi ngành và ghi lại những gì thích thú trong một hộp phiếu ghi chú cỏn con. Năm 1960, ông tình cờ biết được mình có thể xin học bổng du học một năm ở đại học Harvard, Boston.

Luhmann sang Havard học môn hành chánh, và ở đó ông làm quen được Talcott Parsons, nhà xã hội học danh tiếng người Hoa-kì. Ông say mê „lí thuyết hệ thống chức năng“

(Funktionalismus) của Parsons. Về lại đức, ông nhận một chỗ làm tầm thường trong Khoa hành chánh đại học Speyer, với chân thuyết trình viên. Chẳng ai biết được, đó là một thiên tài đang ngủ. Cho tới khi Luhmann cho xuất bản tác phẩm đầu tay Funktionen und Folgen formaler Organisation (Các chức năng và hệ quả của tổ chức bề ngoài), hai giáo sư xã hội học ở Münster mới để í tới tài năng đặc biệt nơi anh chuyên viên hành chánh học này. Giáo sư Helmut Schelsky, một trong những nhà xã hội học hàng đầu lúc đó, nhận ra tiềm năng to lớn của anh. Bertrand Russell ở Cambridge nhận ra thiên tài Wittgenstein thế nào, thì Helmut Schelsky cũng khám phá ra thiên tài Luhmann như thế. Nhưng Luhmann gần như chẳng màng gì tới đường công danh đại học. Schelsky kiên nhẫn tìm cách kéo cho được Luhmann về Münster, để „cho anh công chức cao cấp không có bằng tiến sĩ đi vào lịch sử“. Năm 1966, ông công chức 39 tuổi trình luận án tiến sĩ với tác phẩm cũ đã viết ở Speyer. Trong làng đại học ở đức, đấy là một chuyện hi hữu. Trước đó, Wittgenstein cũng ở vào trường hợp tương tự, ông này cũng trình luận án tiến sĩ với một tác phẩm cũ đã viết. Ngạc nhiên hơn nữa, là cùng năm đó, Luhmann trình thêm luận án lên ngạch giáo sư (Habilitation). Shelsky cũng đã chuẩn bị sẵn cho Luhmann một ghế giáo sư tại đại học vừa mở ở Bielefeld. Năm 1968, Luhmann được cấp tước giáo sư. Vì đại học Bielefeld lúc này chưa đâu vào đâu cả, nên Luhmann liều lĩnh nhận thế chân cho giáo sư Adorno, giải khuây giảng khoá 1968/69 ở Frankfurt. Sau đó ông về Bielefeld dạy cho tới lúc hưu năm 1993. Mười năm đầu, ông sống ở Bielefeld; sau khi bà vợ mất, ông dọn về Oerlinghausen, một thành phố nhỏ phụ cận trong vùng rừng Teutoburg. Khoá biểu sinh hoạt hàng ngày của ông rõ ràng. Từ sáng tinh sương tới chiều tối: viết sách; chỉ ban trưa đi dạo một vòng với con chó.

Ông mất năm 1998, thọ 71 tuổi, vì chứng ung thư máu. 

Schelsky hoàn toàn có lí: ông chuyên viên hành chánh Luhmann là một ông thiên tài trong ngành xã hội học. Trong sách này, tôi trình bày Luhmann như một triết gia về tình yêu. điều này quả là chuyện xem ra nông nổi và đượm chút thủ đoạn. Song tôi dám chắc Luhmann hài lòng về thủ đoạn này. Là vì, như việc xuất hiện của ông trong giảng khoá 1968/69 ở Frankfurt chứng tỏ, Luhmann là một con người rất nhạy cảm và hài hước. Có thể lối trình bày của tôi làm ông hơi nhíu mày tinh nghịch một tí, nhưng không sao. Rút ra chủ đề tình yêu từ các tác phẩm của ông, thì cũng giống như bảo Immanuel Kant thuần tuý là một triết gia tôn giáo hay bảo René

Descartes là một bác sĩ. Nhưng việc làm của tôi hợp lí. Là vì một mặt, tình yêu là đề tài điển hình có thể dùng để trình bày toàn bộ công trình phức tạp của ông. Mặt khác trên thực tế, ông có một đóng góp quan trọng cho triết học về tình yêu. Tuy nhiên, cũng cần phải có một tóm tắt ngắn về toàn bộ chương trình của ông, trước khi có thể bàn sâu chuyện tình yêu.

Quan tâm của Luhmann là muốn tìm hiểu sự hoạt động của xã hội: Guồng máy xã hội hoạt động như thế nào? Mô hình hệ thống của Parsons là cánh cửa đầu tiên giúp Luhmann mở màn bí ẩn. Cánh cửa thứ hai là khoa Sinh vật học. đây không phải là điều gì mới lạ: Ngay cha đẻ của môn Xã hội học Herbert Spencer, một người đồng thời với Darwin, đã hình thành nên môn học này từ khoa Tâm lí học, và Tâm lí học cũng đã được hình thành từ Sinh vật học. Nhưng Luhmann đã không đồng í dùng mô hình lấy nơi các sinh vật đơn giản đem áp dụng cho một cơ cấu lớn là toàn bộ xã hội. Ông cho hay, ta có thể dùng các khái niệm của thuyết tiến hoá để giải thích sự phát triển của các hệ thống xã hội, như Parsons đã làm. Nhưng dù vậy, các hệ thống xã hội không phải là một thứ hình thái phức tạp đặc biệt của các hệ thống sinh vật, cho dù con người rõ ràng là những sinh vật. Tại sao? Theo Luhmann, là vì các hệ thống xã hội không phát triển trên nền tảng chuyển trao cho nhau chất và năng lượng như nơi các sinh vật, trái lại chúng dựa trên sự trao đổi truyền thông và í nghĩa. Truyền thông và í nghĩa là những gì hoàn toàn khác với Prôtêin, vốn là thứ nền tảng sinh học mà một nhà xã hội học chẳng cần phải quan tâm. Luhmann chẳng màng gì tới cái lập luận: Con người là những sinh vật, đó là những „sinh vật xã hội“. điều ông học được từ sinh vật học là những thứ gì hoàn toàn khác.

Nhà nghiên cứu não người Chilê Humberto Maturana và học trò của ông Francisco Varela là hai nhân vật gợi í suy tư cho Luhmann. Maturana là một trong những người lập ra môn „Sinh vật học lí thuyết“. Trong thập niên 1960’, Maturana thao thức với câu hỏi: „Sống là gì?“ Và ông lí luận, sống là một „hệ thống tự phát sinh và tự tổ chức lấy“. Não bộ tự tạo ra chất để làm việc như thế nào, thì những cơ thể sinh vật cũng tự tạo ra những chất cần thiết như vậy, để giữ sự sống và nhờ đó tự phát sinh. Tiến trình đó Maturana gọi là Autopoiese (Tự tạo sinh). Năm 1969, khi Maturana công bố những suy tư đó trong một đại hội ở Chicago, thì ông giáo đồng tuổi

Niklas Luhmann cũng bắt đầu lên lớp ở Bielefeld. Luhmann như bị hớp hồn, khi nghe được khái niệm Autopoiese của Maturana. Là vì Maturana không chỉ mô tả việc tự sinh của sự sống và não bộ mà thôi, ông còn định nghĩa lại mới khái niệm Truyền thông. Theo Maturana, người truyền thông không chỉ đơn giản đưa ra một thông tin mà thôi. Nhưng trước hết người đó dùng ngôn ngữ do mình tạo ra để tổ chức nên một hệ thống. Các vi khuẩn trao đổi với nhau để từ đó hình thành nên một hệ thống sinh môi. Các vùng não giao tiếp với nhau để qua đó tạo nên một hệ thống thần kinh, gọi là í thức. Như vậy, Luhmann lí luận tiếp, phải chăng các hệ thống xã hội cũng là một hệ thống tự tạo sinh, được hình thành do truyền thông bằng ngôn ngữ (nghĩa là bằng „biểu tượng“)?

Quan điểm dùng khái niệm truyền thông làm nền tảng mô tả các hệ thống xã hội của một xã hội đã có từ trước nơi Luhmann, chứ không phải đợi đến khi ông tiếp thu được những cái mới nơi Maturana. Nhưng ông nhận ra nơi tư tưởng Tự tạo sinh (Autopoiese) của Manturana còn thiếu một viên gạch xây quan trọng. Về sau này, Maturana tỏ ra rất nghi ngờ tính chính xác của mô hình Luhmann. Dù thế, nhà xã hội học ở Bielefeld đã vượt xa nhà sinh vật học ở Chilê và những người gợi í khác. Luhmann không những là một trong những nhà quan sát các tiến trình xã hội sắc bén nhất trong hậu bán thế kỉ 20. Ông là một „đại lục học thức“, một thiên tài lập thuyết. Chỉ riêng khái niệm „Truyền thông“ của ông đã là một cuộc cách mạng rồi.

Cho tới lúc đó, các nhà xã hội chỉ nói tới con người, tới các định chuẩn (Normen) xã hội, các vai trò (Rollen), định chế (Institutionen) và hành vi/hành động (Handlungen) xã hội. Nhưng với Luhmann, không còn hành vi/hành động của con người nữa, mà giữa họ chỉ còn diễn ra truyền thông. Và ai truyền thông với ai, chẳng quan trọng. Chỉ cần biết: „Có được kết quả nào?“ qua sự truyền thông đó mà thôi. Trong xã hội con người không có những trao đổi về chất và năng lượng như ở các loài vi khuẩn, không có những trao đổi thần kinh như trong não bộ, mà chỉ có những mong ước, chờ đợi. Nhưng những mong đợi trao đổi với nhau như thế nào? Và cái gì đã phát sinh ra từ đó? Nói cách khác: Truyền thông đã giúp cho những mong đợi trao đổi với nhau thế nào, để tạo nên những hệ thống xã hội tân tiến; những hệ thống xã hội tân tiến này khá bền vững và hoạt động độc lập, không bị ảnh hưởng trên nhau: đó là những hệ thống như chính trị, kinh tế, luật pháp, khoa học, tôn giáo, giáo dục, nghệ thuật hoặc là – tình yêu.

Tình yêu cũng là một hệ thống xã hội, được tạo thành bởi những mong đợi. Hay rõ hơn: tạo thành bởi những mật mã, đây là những mong đợi vốn được chờ đợi và vì thế là những mong đợi đã được xác định rõ ràng. Tác phẩm Tình Yêu Như Là đam Mê – được Luhmann xuất bản 15 năm sau lần xuất hiện ở Frankfurt – là một cuốn sách nói về lịch sử và hiện tại của Mật mã-Tình yêu. Tình yêu, như chúng ta hiểu ngày nay, là một mật mã hơn là một cảm giác, đó là một mật mã mang tính chất rất tư sản, mới hình thành từ cuối thế kỉ 18 (Nghĩa là thứ tình yêu „lãng mạn“ mà chúng ta có hiện nay chỉ mới xuất hiện từ cuối thế kỉ 18; trước đó, tình yêu thường chỉ là một sự dàn xếp - chẳng hạn theo kiều „môn đăng hộ đối“ - của xã hội, là vì lúc đó chưa có con người cá nhân. Người dịch chú thích). Là vì câu „Anh yêu em / Em yêu anh“ không chỉ đơn thuần là một phát biểu cảm giác như câu „Tôi đau răng“ chẳng hạn. „Anh yêu em / Em yêu anh“ là cả một hệ thống gồm những hứa hẹn và mong đợi. Ai khẳng định câu nói này, người đó hứa coi tình cảm của mình là đáng tin cậy và hứa sẽ lo lắng cho người mình yêu. Nghĩa là người đó sẵn sàng cư xử như một người yêu đúng với những gì mà đối tượng được yêu đang mong đợi.

Ở đây, nhu cầu tình yêu xuất phát từ một thứ Tự khẳng định mình (Selbstverhältnis). Con người càng ít bị xác định và ít bị cột buộc chỗ đứng bởi một khung cảnh xã hội chặt chẽ bao nhiêu, nó càng có nhu cầu cảm thấy chính mình như là một cái gì đặc biệt - nghĩa là như một cá nhân - bấy nhiêu. Nhưng các xã hội tân tiến không phải là môi trường dễ thở cho cá nhân. Xã hội tân tiến vỡ ra từng mảng hệ thống xã hội nhỏ, vốn là những thế giới tự tạo sinh chỉ với một ưu tư duy nhất: làm sao để hệ thống tiếp tục đứng vững. Như vậy, qua những mô tả của Luhmann, ta thấy các hệ thống cũng ứng xử giống như các cơ thể sinh vật trong điều kiện của thuyết Darwin. Chúng sử dụng những thứ sẵn trong thiên nhiên để tự sinh tồn. Ở đây không còn nhiều chỗ cho các cá nhân. Mười năm làm việc trong ngành hành chánh hình như đã giúp Luhmann í thức được rằng, cá nhân tính không có chỗ trong các hệ thống xã hội. Ngày nay, con người cá thể bị giằng co giữa các thành phần lãnh vực khác nhau: Họ là người cha hay người mẹ trong gia đình, họ đóng một vai trò trong nghề nghiệp, họ là cầu thủ túc cầu hay người chơi cầu lông, họ là hội viên của một cộng đồng mạng hay người hàng xóm, là người đóng thuế hay một người chồng, người vợ. Thật khó mà có được một căn cước thống nhất trong hoàn cảnh đó. Chỉ thiếu một sự chứng nhận, qua đó các cá nhân nhận ra được mình là một toàn thể trọn vẹn, nghĩa là một cá nhân. 

Theo Luhmann, chính tình yêu sẽ cung cấp sự chứng nhận đó, nó sẽ giải quyết cái „tự trình bày“ hay „tự khẳng định“ đó - chức năng của tình yêu là đó. Tình yêu là một hình thức truyền thông rất hiếm và vì thế „xác xuất của nó rất nhỏ“, nhưng dù vậy nó vẫn là thứ rất bình thường. Tình yêu, theo đó, là một điều vô cùng khó xẩy ra nhưng lại rất bình thường, „qua hạnh phúc của người khác tôi nhận ra hạnh phúc của chính tôi“. Khi yêu, cái hình ảnh mà ta có về người khác được tình yêu xác định và làm thay đổi đến độ ta không còn nhìn được người yêu dưới góc độ „bình thường“ nữa. đó là nét cá biệt không thể lầm lẫn được của tình yêu: Người đang yêu chỉ thấy nụ cười, chứ không thấy chiếc răng sún của đối tượng. Luhmann diễn tả điều này một cách vô cùng thực tế: „điểm tựa bên ngoài bị tháo gỡ, những lôi cuốn bên trong được mài bén (với nghĩa là: gia tăng thêm). Tính ổn định giờ đây phải được nuôi giữ bằng nguồn lực của cá nhân“. 

Dĩ nhiên tiến trình đưa các mong đợi của mình vào ăn khớp với nhau giữa hai kẻ yêu nhau này rất là bất ổn, vì thất vọng rất dễ xẩy ra. Chính cái mật mã mỏng manh nhất trong các mật mã lại cần phải được nuôi dưỡng bằng sự ổn định cao nhất - và đấy là mâu thuẫn của tình yêu. Khi hai kẻ yêu nhau cảm thấy các mong đợi của mình được ổn định chắc chắn bao nhiêu, thì lúc đó các quan hệ tình yêu lại càng hết căng thẳng bấy nhiêu - căng thẳng theo nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Khi các mong đợi giữa hai đối tượng („mong đợi của mong đợi“) hoàn toàn ăn khớp với nhau, chúng tạo nên sự tin cậy cho hai bên, nhưng cũng vì thế chúng chẳng còn quyến rũ gì nữa: chúng từ từ xoá mất đi cái xác xuất vốn tạo ra sự hấp dẫn. Một tình yêu lãng mạn, vốn được quan niệm như là một tổng hợp giữa cảm giác, dục vọng và nhân đức, theo Luhmann, vì thế luôn là một điều khó đạt được. Ông cho rằng, việc tìm ra được í nghĩa nơi thế giới của một người khác - dù chỉ là ngắn hạn - cũng là chuyện đã khó rồi. 

Ở đây, ta cũng nên nêu lên câu hỏi mà Luhmann đã không có câu trả lời: Tại sao sự ham muốn cấp bách thường có trong giai đoạn đầu của một cuộc tình lại không bền lâu? Tạo sao nó phai nhạt dần? Phải chăng quả thật đó chỉ là kết quả của sự ăn khớp có thể tính trước được giữa các mong đợi? Phải chăng sự ham muốn cũng phai nhạt dần nơi các cuộc tình thiếu sự truyền thông tốt đẹp, nghĩa là không có sự ăn khớp giữa các mong đợi? Nghĩa là những cuộc tình lận đận? Có thể có một nguyên nhân nào khác ngoài cái nhìn của Luhmann tạo nên sự phai nhạt này không, như nguyên nhân hoá sinh chẳng hạn?

Vì Luhmann không đếm xỉa gì tới sinh vật học và các ảnh hưởng của nó trên lãnh vực cảm giác của con người, nên ông đã gặp nhiều phê bình. Nhà não học ở Bremen, ông Gerhard Roth, tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, là tại sao một nhà xã hội học như Luhmann lại không nhìn con người như một cá nhân sinh vật. Lại nữa, đa số các nhà não học đều coi kết quả nghiên cứu của Manturana và Varela, hai vị gợi í của Luhmann, là thứ không đâu vào đâu cả, vì chúng không thể nghiệm chứng được. 

Luhmann rất thanh thản trước những phê bình đó. Ông phát biểu đại í như sau: Bao lâu việc nghiên cứu não còn để cho các cụm thần kinh giao thoa với nhau trong não bộ, bấy lâu xã hội học còn có thể an tâm để cho các mong đợi, chứ không phải các cụm thần kinh, trao đổi với nhau. đây chính là điểm, theo Luhmann, khác nhau về mặt chức năng giữa sinh vật học và xã hội học vốn là hai hệ thống độc lập: Chỉ cái gì quan trọng cho một hệ thống thì cái đó mới quan trọng. Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng, nhìn từ góc độ sinh vật học, Luhmann đã trộn khái niệm Tình yêu lẫn với một lô tình trạng í thức rất khác nhau. Người ta có thể biện hộ cho ông bằng lí luận rằng, mỗi khái niệm tình yêu chỉ phù hợp cho một khung cảnh xã hội, và trong thực tế cuộc sống, ta không thể nào nhầm lẫn í nghĩa của chúng trong từng khung cảnh được. Nhưng dù vậy, khái niệm „Tình yêu“ mà Luhmann thường dùng như một nhu cầu „tự trình bày“ mình ra trước con mắt người khác, và khái niệm đó không những chỉ quan trọng về mặt sinh vật nhưng cả về mặt xã hội nữa, cũng chỉ là một trong nhiều trường hợp mà thôi. Khái niệm đó rõ ràng không đúng cho tình cảm yêu đương ban đầu. Mê một người nào không nhất thiết có nghĩa là người mê muốn có được một sự chứng nhận của đối tượng mình mê. Nếu như thế thì tình yêu của một cô cậu thiếu niên đối với một ca sĩ nhạc Pop ngay từ đầu lại càng vô nghĩa, vì thứ tình yêu này vốn dĩ đã vô nghĩa. Và cả cái nhu cầu thoả mãn tình dục thường được gắn liền với yêu đương cũng không nhất thiết là một nhu cầu tìm kiếm kinh nghiệm toàn vẹn. Có người lấy tình dục làm đỉnh điểm tình yêu. Nhưng có người lại cố tránh điều đó. Thay vì tìm kiếm sự chứng nhận cho bản thân, thì ngược lại, việc thích thú làm dáng bề ngoài thường có thể dập tắt sự khêu gợi tình dục.

Một phê bình nữa: Nếu tình yêu quả thật chỉ là một mật mã xã hội, thì khái niệm này không áp dụng được cho thế giới thú vật – điểm này tôi sẽ trở lại sau. Và nó cũng không thể dùng khi tiếp xúc với thú vật. Câu nói „Tôi yêu thú vật“ như vậy hoàn toàn chẳng có nghĩa gì cả.

Chữ „tình yêu“, trong cổ ngữ đức có nghĩa là „điều tốt, dễ chịu, điều đáng giá“, như vậy cần phải xé nghĩa nó ra để dùng cho từng trường hợp. điểm chung nhất trong các thứ tình yêu: tình yêu cha mẹ nơi loài người cũng như nơi thú vật, tình vợ chồng, tình anh chị em và tình bạn... là người yêu tỏ ra quan tâm cao độ tới một sinh vật khác, là người này đưa một ai đó „vào trong tim của mình“. Trong diễn tiến này có sự phân biệt giữa những cảm nhận yêu đương bằng giác quan và tinh thần, các tình cảm yêu đương phức tạp và cả một mệnh lệnh đạo đức nữa, chẳng hạn như giới răn kitô giáo: „Hãy yêu tha nhân như chính mình“. Tuy nhiên í nghĩa của giới răn này - trong các tôn giáo khác cũng có những mệnh lệnh giống như thế -, quả đáng ngờ. Yêu sách thường không thể tạo ra được các cảm giác tình yêu. Như vậy, các cảm giác tình yêu khó có thể bảo đảm được đạo đức. „Hãy kính trọng tha nhân, dù bạn không yêu họ“, mệnh lệnh này có lẽ dễ thực hiện hơn.

Loài thú có những cảm nhận yêu thương không? Thật khó nói. Khi ta không biết con dơi là gì (xem bài Không chỉ có thịt và sữa), thì làm sao biết được loài vật có tình yêu không. Về điểm này, có nhiều í kiến trái ngược nhau. Hiện nay, các nhà nghiên cứu động thái của loài vật vẫn không dùng tới khái niệm „tình yêu“, nhưng họ phân nó ra thành tình dục và „sự gắn bó“. Con người có được khả năng yêu đương đặc biệt, theo quan điểm chung của các nhà động thái học, duy nhất là nhờ con người có được cuộc sống đôi lứa đã ổn định từ rất lâu. Nói như thế, ta sẽ phải đứng trước ít nhất ba vấn đề: Thứ nhất, „Tình yêu cha mẹ - con cái“ là thứ hoàn toàn bị đẩy ra lề (vì thiếu yếu tố ‚đôi lứa ổn định từ lâu’. Ng. dịch). Người ta sẽ nghi ngờ sự „gắn bó“ trong mối liên hệ mẹ - con nhiều lúc thắm thiết nơi một số loài vật cao cấp để sớm loại chúng ra khỏi bàn thảo luận. Thứ hai, tại sao lại không gọi sự chung sống cặp đôi suốt đời nơi một số thú vật là những liên hệ tình yêu? Phải chăng như thế các chú vượn (Gibbons) và các chim ưng có thể yêu đương (vì chúng sống cặp với nhau. Ng. dịch), còn các chú khỉ đột và con nhà vịt thì không? Cuối cùng, ta thấy, ngay chính con người trước đây và ngày nay cũng không giữ cuộc sống đôi lứa một vợ một chồng. Có thể nói, ở thủa ban đầu nhân loại, khi người mẹ và con của bà đâu cần biết chồng cha mình là ai, thì đâu đã có đôi lứa. định chế một vợ một chồng nơi con người có lẽ mới có sau này, khá lâu sau khi xuất hiện tình cảm yêu đương, chứ không thể ngược lại! Thuyết sinh vật học phổ cập cho rằng: Tiến hoá đã đặc biệt bày ra „tình yêu“ như là „mối ràng buộc xã hội“ để bảo đảm cho thời gian thai nghén và nuôi con lâu dài nơi con người. Thuyết này ngày nay đã bị nghi ngờ. Nhiều nhà sinh vật học giờ đây gãi đầu gãi tai, khi phải nói đến chuyện tình yêu. Họ bối rối là phải. Là vì trong khoa sinh vật học không có định nghĩa về khái niệm „tình yêu“. Thảng hoặc chỉ có mấy nhà nghiên cứu não là còn dám liều lĩnh bàn tới tình yêu. Ít nhất người ta đã nhận ra được những vùng não điều khiển ước muốn tình dục nơi con người, trong đó thuỳ não (Hypothalamus) là cơ quan liên hệ quan trọng nhất. Nhưng cơ quan này lại có những tâm tác động khác nhau nơi đàn ông và đàn bà. Nơi đàn bà, Nucleus ventromedialis và nơi đàn ông, Nucleus präopticus medialis điều khiển cơn dục vọng. (Một số nhà sinh vật thần kinh học coi đây là lí do, tại sao đàn ông bị kích động bằng mắt mạnh hơn đàn bà). Những thí nghiệm bằng hình ảnh mới đây cho thấy, hai tâm đó cũng có liên hệ nhiều ít với cảm giác yêu đương. Như vậy, về mặt hoá sinh, yêu đương có liên hệ với bản năng. Nhưng cũng cần phải cẩn thận về điểm này. Bởi vì trong cuộc sống thực, bên ngoài ống máy chiếu điện (Tomograf), bản năng và yêu đương thường xuất hiện riêng rẽ. Ngay khi yêu đương thường đi liền với khoái lạc tình dục, thì ngược lại, tình dục không luôn đòi hỏi yêu đương. Nếu không, thì người thích xem phim con heo là người có nhu cầu yêu đương liên tục.

Kích thích tố Oxytocin giữ vai trò then chốt trong chuyện yêu đương. Khi nam nữ đam mê tình dục với nhau, cơ thể họ tiết ra Oxytocin. Tác dụng của nó có thể ví như một thứ thuốc phiện: Nó vừa tạo kích thích và ngất ngây, vừa một cách nào đó gây cảm giác an dịu. Sở dĩ Oxytocin còn được mang danh là „kích thích tố chung thuỷ“ hay „kích tố gắn bó“ là nhờ các thí nghiệm trên loài chuột đồng cỏ. Khác với loài chuột gần tương tự nhưng sống trên núi, vốn mang trong mình ít cơ phận nhận Oxytocin hơn, loài chuột đồng cỏ sống cặp với nhau. Các nhà nghiên cứu người Hoa-kì chung quanh ông Thomas Insel, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tai tiếng Yerkes (Yerkes Regional Primate Research Center) thuộc đại học Emory ở Atlanta (xem bài Chú khỉ trong rừng nuôi) đã phá hoại hàng loạt cặp chuột đồng hạnh phúc, bằng cách chích cho chúng chất cản Oxytocin. Chúng hết thuỷ chung. Chúng phản ứng giống hệt như loài sống trên núi, trở nên lang chạ lung tung. Ngược lại, khi các chú chuột núi được chích Vasopressin (chất rất giống Oxytocin), thì những cô cậu này lại trở thành những cặp chuột thuỷ chung.

Các cơ phận nhận Oxytocin có ảnh hưởng quan trọng trên ước muốn gắn bó và giúp tạo ra mối gắn bó nơi con người không? Có lẽ có. Nhà tâm lí Seth Pollack thuộc California States University ở Monterey cho biết, lượng Oxytocin nơi các trẻ em mồ côi thấp hơn nơi các em có sự gắn bó sâu đậm với cha mẹ. Oxytocin như vậy là một thứ keo giữ lâu. Nó tạo ra cơn đau đẻ nơi các bà mẹ, nó ấn định việc cung cấp sữa và gia tăng mối liên hệ với con. Nơi các cặp trai gái, nó là mối liên kết những cảm nhận tình dục ban đầu với sự gắn bó về lâu về dài.

Còn có sự tác động của các trung tâm và các chất hoá sinh khác nữa nơi não của hai kẻ yêu nhau, chứ không riêng gì Oxytocin. đó có lẽ là vùng cinguläre Cortex, vùng liên quan tới việc gây chú í; hệ Mesolimbic, được coi như một trung tâm khen thưởng; Phenylethylamine, chất giúp tạo ra những cảm giác „bay bổng“. Và dĩ nhiên cũng đừng quên mấy thứ vẫn còn ngờ vực khác (xem bài Anh Bốc yêu) như chất Noradrenalin gây kích động và Dopamin tạo hứng khởi. Khi lượng của hai chất này tăng, chúng thường kéo theo sự giảm thiểu của Serotonin là chất tạo ngái ngủ; ở trong tình trạng này, con người nhiều khi không còn tự chủ được hành động của mình nữa. Thêm vào đó, còn có sự tác động của một lượng chất nghiện tương ứng của chính cơ thể, như Endorphin và Cortisol. Cơn nghiện do các chất này gây ra, theo sự thường, sẽ biến mất sau một thời gian. Cảm giác yêu đương kéo dài tối đa ba năm, còn ra trung bình từ ba tới mười hai tháng. Theo số liệu thống kê quốc tế, thời gian li dị trung bình diễn ra sau bốn năm sống chung. Chiếc răng sún, trước đây không trông thấy, giờ đây lộ ra rõ mồn một. Về mặt hoá sinh, lúc này chỉ còn Oxytocin là chất giúp kéo dài cuộc sống đôi lứa.

đứng trước những điều trên đây, ta nghĩ gì về tình yêu? Ta đã học được gì giữa các cơ

phận nhận Oxytocin và „sự tự trình bày mình trước con mắt kẻ khác“? Sự thật nằm ở đâu giữa não bộ và Luhmann? Tất cả những gì lạ đều gây kích động, tất cả những gì bất chợt đều tạo kích thích – tiêu cực cũng như tích cực. Cái khó xẩy ra kích động mạnh hơn cái có thể xẩy ra. Nỗi bất an cũng tạo kích động không kém. Nghiên cứu não và thuyết hệ thống đều đồng í với nhau ở các điểm đó. Cả hai đều cho rằng, tình yêu là một „khả năng hiếm khi xẩy ra nhưng lại rất bình thường“: đó là một kinh-nghiệm-bất-thường, được điều giải bởi những những mô mẫu đã rõ về mặt hoá sinh cũng như bởi những mật mã xã hội. Óc của chúng ta sợ sự nhàm chán, nên chính vì vậy xem ra nó ưa chuộng tình yêu. Vì thế, chẳng có gì đáng ngờ hơn cái yêu sách xem ra vô hại của Kitô giáo, một yêu sách mà mục sư Dietrich Bonhoeffer đã có lần diễn tả như thế này: „Tình yêu không đòi hỏi gì cả nơi người khác. Nó muốn mọi thứ cho kẻ khác“. đáng ngờ, là vì ta vẫn thường nghĩ rằng, tình yêu phải có một mục đích! Nếu quả thật tình yêu là sự tự trình bày mình ra trước mắt kẻ khác, thì - dù ta có khiêm nhượng quên mình đến thế nào đi nữa - nó luôn phản chiếu cho chúng ta thấy một hình ảnh kích động duy nhất: cái Tôi của mình. 

Cái „Tôi“ này là ai hay là gì, thật ra có mấy ai trong chúng ta đã thấu hiểu được nó! Nhưng dù vậy, chính cái Tôi này lại có liên quan nhiều tới các quyết định mà chúng ta đã và đang làm trong đời mình. Là vì như Luhmann nói, quyết định là những cái khác biệt làm cho cuộc sống của mỗi người trở nên khác nhau. Nhưng liệu chúng ta có được tự do quyết định không?

•Do be do be do. Tự do là gì?