Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 14

Parma

Tôi cũng cảm được điều bạn cảm nhận. Có nên đối xử tốt với nhau không?

Có những người khóc thương cho cái chết của anh da đỏ Winnetou trong phim của Karl May. Một số khác than khóc về cái chết của cô Ruth trong truyện „Grüne Tomaten“ (Những trái dưa xanh). Và một số người khác nữa thì lại tiếc thương cho cái chết tức tưởi của giáo sư Dumbledore trong truyện Harry Potter. Chúng ta khóc thương cho những nhân vật trong các cuốn phim hay truyện, vì chúng ta đồng cảm với những nhân vật đó và coi những đau khổ của họ như đau khổ của mình. Chúng ta cùng cười, cùng sợ hãi trước những phim truyện ma quái, coi như chính mình đang trực tiếp đối diện với những sự kiện trong đó. Ai trong chúng ta cũng đều đã có những kinh nghiệm như thế. Nhưng những kinh nghiệm đó xẩy ra như thế nào? Tại sao chúng ta có thể đồng cảm được với người khác? Tại sao ta nổi da gà trong rạp xi-nê, khi vẫn biết rằng mình chẳng bị nguy hiểm gì cả? Tại sao tình cảm của những người khác lại đi vào trong ta?

Câu trả lời đơn giản: Chúng ta cùng cảm, là vì những cảm giác (thật hay giả tạo trong phim) của người khác tạo nên nơi ta cùng một cảm giác như thế. Và có lẽ không chỉ loài người có khả năng ấy mà thôi. Cô khỉ chị trong vườn thú của trung tâm nghiên cứu Madison rõ ràng cũng cảm được nỗi sợ và sự đau đớn của em. Sự kiện rõ ràng như thế, mà các khoa học, cho đến cách đây vài năm, vẫn không làm sao lí giải được. Và nhân vật đã đưa ra được một câu trả lời minh bạch và rất khoa học, lại là một người không chuyên môn trong ngành và ngày nay vẫn chẳng được ai biết tới.

Người ta thường hay sánh Giacomo Rizzolatti với Albert Einstein: với mái tóc trắng lổng chổng, bộ râu mép bạc và nụ cười láu lỉnh. Không chỉ giống bề ngoài mà thôi. đối với nhiều nhà nghiên cứu não, ông người Í lanh lợi Rizzolatti là một trong những nhân vật lớn nhất trong ngành của họ, người đã mở ra một chiều kích hiểu biết mới. Nhiều đồng nghiệp từ lâu vốn không coi trọng lãnh vực nghiên cứu của Rizzolatti. Từ trên hai mươi năm nay, Rizzolatti theo dõi vai trò của những tế bào thần kinh điều khiển hành động, được gọi là những Thần kinh hành động. Một lãnh vực xem ra buồn chán, vì vùng Cortex vận động, nơi tạo ra các hành động, là một vùng não âm u, chẳng có gì sáng tỏ. Thích thú gì với việc nghiên cứu những chuyện (hành động) đơn giản, khi ta có thể đi vào những lãnh vực phức tạp như ngôn ngữ, trí khôn hay cảm giác, nhiều nhà nghiên cứu nghĩ như vậy.

Tưởng là thế. Nhưng năm 1992 đã có một chuyển biến quan trọng. Chuyển biến đến thật bất ngờ. Rizzolatti làm việc ở Parma, trong một đại học cổ xưa nhất Âu châu, nhưng khu nhà của khoa I lại là một tập hợp những căn nhà sơn trắng rất tối tân. đầu thập niên 90’ các nhà nghiên cứu não chung quanh Rizzolatti bắt đầu một dự án bất thường. Họ đã biết, một động thái nào đó có thể có tác dụng „lây lan“. Cười, ngáp hay cả tư thế của một người có thể tạo ra sự bắt chước nơi người đối diện. Một vài loài khỉ không những cũng có khả năng này, mà còn nổi tiếng về khả năng có thể „bắt chước“ mọi thứ. Nhưng các nhà nghiên cứu quyết định chọn loài Khỉ heo, thuộc loài Makaken, loài này thường không bắt chước điệu bộ các đồng loại. Rizzolatti và các cộng tác viên trẻ của ông là Gallese, Fogassi và di Pellegrino gắn điện cực vào não của một chú Khỉ heo. đoạn họ thẩy một hạt dẻ ra nền nhà và quan sát diễn tiến tín hiệu của dây thần kinh liên hệ, khi khỉ đưa tay ra chụp hạt dẻ. Mọi chuyện tới đó bình thường. Nhưng rồi sự kiện chấn động đã xẩy ra: Các nhà nghiên cứu đặt con khỉ đó ra phía sau một tấm kính. Lần này khỉ không còn đưa tay ra chụp dẻ được nữa, mà chỉ còn ngồi nhìn một cộng tác viên của Rizzolatti đưa tay ra chụp hạt dẻ. Và chuyện gì đã xẩy ra trong não khỉ? Trong khi nhìn người khác đưa tay ra chụp dẻ, thần kinh não của nó cũng phát ra tín hiệu, giống như khi chính nó đưa tay ra chụp dẻ. Nghĩa là, dù không ra tay hành động, con khỉ cũng thực hiện hành động đó trong đầu. Các nhà khoa học vô đỗi ngạc nhiên. Dù khỉ tự mình thực hiện hành động, hay chỉ nhìn người khác hành động (nghĩa là chỉ hành động trong đầu mà thôi), trong cả hai trường hợp, các tế bào thần kinh đều làm việc như nhau. 

Xưa nay chưa có ai quan sát được sự kiện này. Leonardo Fogassi là người đầu tiên nhận ra í nghĩa của sự kiện. Nhưng vinh quang là của cả nhóm. Rizzolatti sáng chế ra một từ ngữ mới, để đặt tên cho các tế bào thần kinh tạo ra tín hiệu trước các hành vi thụ động, đó là Thần kinh phản chiếu (Spiegelneurone). Một từ ngữ thần chú mới ra đời. Lập tức, các nhà khoa học ở Í, sau đó ở các đại học và các trung tâm nghiên cứu đổ xô vào nghiên cứu Thần kinh phản chiếu. Nếu như não của con người cũng có những phản ứng như não khỉ trên đây (phát ra tín hiệu cả khi mình tự hành động cũng như khi mình chỉ quan sát và đồng cảm với hành động của kẻ khác), thì hẳn đây là chìa khoá để hiểu các hành vi xã hội của con người?

Các Thần kinh phản chiếu, dù sao đi nữa, cũng là những thành tố quan trọng. Chúng nằm trong vùng não trán (präfontaler Cortex), vùng có tên là Insel (Ốc đảo). Ốc đảo này hơi khác với „trung tâm xã hội“ (vetromediale Region), mà chúng ta đã nói tới. điều này cũng dễ hiểu, là vì các Thần kinh phản chiếu tuy có liên quan chút ít với sự đồng cảm vô thức, nhưng hoàn toàn không liên hệ gì tới công việc hoạch định tổng quát, tới công việc quyết định và í muốn. Những vùng não này liên kết hoạt động ra sao, điều này chưa ai rõ. Thế giới chuyên môn đã giật mình, khi Rizzolatti sáu năm trước đây đã dùng màn ảnh máy đo chỉ cho họ thấy rằng, vị trí của các Thần kinh phản chiếu nơi con người nằm gần Trung tâm Broca; Trung tâm Broca vốn là một trong hai vùng não có trách nhiệm tạo ngôn ngữ. Mới đây, các nhà khoa học đại học Groningen ở Hoà-lan khám phá ra một liên hệ hấp dẫn giữa việc nghe tiếng động và việc phát tín hiệu của Thần kinh phản chiếu. Khi nghe tiếng động mở lon bia, Thần kinh phản chiếu cũng phản ứng i hệt như chính người đó đang mở lon bia. Chỉ cần nghe một tiếng động thôi, chúng ta đã có thể sống được hết kinh nghiệm của hoàn cảnh. Trong các thí nghiệm, những ai có bộ não đặc biệt năng động, những người đó đều đã trả lời rằng, họ rất dễ đồng cảm với người khác. Cùng lúc đó, nhiều nhà khoa học ở Hoa-kì tiến hành thí nghiệm nơi các trẻ em ít có khả năng phản ứng lại những lời nói của kẻ khác. Và họ nhận ra, các trẻ em bị chứng tự bế (Autismus) có vấn đề với các Thần kinh phản chiếu. Các thần kinh này hoạt động rất yếu hoặc chẳng phản ứng gì cả.

Có phải các Thần kinh phản chiếu là người đạo diễn các cảm giác của chúng ta hay không, hãy chờ xem kết quả của những khảo nghiệm tiếp. Công cuộc nghiên cứu chỉ mới bắt đầu. Nhưng người ta hi vọng nhiều vào việc tìm hiểu Thần kinh phản chiếu, chúng có thể là một thành tố quan trọng giúp giải mã cho sự đồng cảm, khả năng ngôn ngữ, lối hành xử xã hội và hành vi đạo đức của chúng ta. Nếu các Thần kinh phản chiếu phát ra tín hiệu cả trong những hành động chủ động lẫn thụ động (chỉ xem người khác hành động), thì ta dám suy đoán rằng, việc bắt chước các cảm giác người khác tuỳ thuộc vào khả năng cảm nhận của chúng ta. Ai nhạy cảm với chính mình, người đó có nhiều khả năng đồng cảm với tha nhân hơn. Nhưng người đó có sử dụng khả năng này hay không, thì lại là một chuyện khác. Các Thần kinh phản chiếu chỉ nói lên mặt „kĩ thuật“ của khả năng đạo đức tổng quát nơi con người mà thôi. Việc nghiên cứu chúng có thể giúp ta biết sự đồng cảm của chúng ta hoạt động ra sao; một diễn tiến mà Kant cho rằng không thể nào mô tả được. Nhưng câu hỏi: Tại sao sự đồng cảm là điều đáng làm, thì trước sau vẫn chưa có câu trả lời. đồng cảm là điều thật đáng làm, đến nỗi ta từ đó có thể đưa ra những lời khuyên tổng quát cho việc hành xử của ta hay đề ra cả những quy tắc hành động bó buộc cho mình.

Trong lịch sử hình thành và phát triển loài người, đạo đức, như đã nói, có nhiệm vụ điều hoà cuộc sống xã hội của một nhóm. để có thể thực hiện được điều này, các thành viên trong nhóm phải có khả năng cảm được các cảm giác của tha nhân và có lẽ cả phải đọc được í nghĩ của họ nữa. Ở đây, rõ ràng các Thần kinh phản chiếu có thể giúp họ về mặt Vị tha (Altruismus). Gốc rễ của lòng vị tha nằm rất sâu trong con người. Nó khiến họ không những nhân từ với tha nhân, mà hơn nữa còn nhận ra đó là điều đáng làm. Nó gây cho ta niềm vui, khi ta ôm, vuốt ve một em bé, dỗ em nín khóc, tạo lại nụ cười trên môi bé. đồng cảm là một bản năng sẵn có trong mỗi con người bình thường. Hình như những cảm nhận đạo đức như thế xuất hiện trước, rồi sau đó mới nẩy sinh những nguyên tắc đạo đức theo sau.

Nhưng cảm giác đáng làm xuất phát từ đâu? Cái gì làm cho ta hạnh phúc, khi ta làm lành? Và cái gì làm ta hài lòng, khi ta cư xử đạo đức? Hỏi nhà não học, họ thường chỉ ngay vào một điểm rất nhỏ nhưng là một vùng rất đặc biệt của não, mà ta đã đề cập đến trong bài về các cảm giác, đó là Amygdala (hạch Hạnh nhân). đây là trung tâm tạo ra khoái cảm và cảm giác hụt hẫng tức bực, một vùng đã được khảo sát khá kĩ. Nhiều nhóm nghiên cứu nhận ra, những khuôn mặt thân thiện dẫn tới những phản ứng mạnh nơi Hạnh nhân bên trái. Những phản ứng này đưa tới tâm trạng vui và khoái chí. Trái lại, những khuôn mặt cau có và đe doạ gây kích thích chủ yếu Hạnh nhân bên phải, chúng tạo ra lo sợ và chán chường. Những cảm giác đó có thể nhìn thấy được trên màn ảnh máy chụp (Kernspintomografie) và chúng rất dễ giải thích. Dĩ nhiên máy chụp chỉ cung cấp cho ta những lát chụp từng lúc, chứ không phải một cuốn phim. Dù vậy, rõ ràng khi ta làm cho người khác vui, ta cũng cảm thấy mình vui. Nụ cười và nét rạng rỡ của người khác tưởng thưởng việc lành của ta. Như vậy, làm lành thường tạo nên tâm trạng vui, nhất là khi ta thấy được hậu quả của hành động ta nơi nét mặt của tha nhân – hoặt ít ra có thể mường tượng ra được niềm vui của họ.

Như vậy, hành vi vị tha phần nhiều dựa trên sự tự tưởng thưởng mình. Làm lành là điều đáng cho tôi làm. Và điều gì đáng làm cho mỗi cá nhân, thì cũng đáng làm cho cộng đồng. Có lẽ đây là điểm mà Kant đã quá coi nhẹ. Vì ông cho rằng, tình thân thiện phát xuất từ cảm giác trách nhiệm mang nhiều tính đạo đức hơn cái thân thiện xuất phát từ xu hướng hay bổn tính của con người. Kant bảo, ta không thể tin được các cảm giác khoái lạc. điều này không hoàn toàn sai. Nhưng ngược lại, ta có thể tin được cảm giác trách nhiệm không? Trong trường hợp mập mờ, điều này xem ra còn dở hơi hơn. Là vì niềm vui do hoàn thành trách nhiệm có khi không mạnh bằng niềm vui vì đã làm cho người khác vui. 

Trước Kant, nhiều triết gia coi đạo đức như một trách nhiệm đối với Thiên chúa. Ai sống và làm theo í Thiên chúa, người đó đạo đức và họ có một đời sống đúng đắn. Nhưng Kant đã giải thoát đạo đức ra khỏi trách nhiệm trước Thiên chúa. Thay vì trách nhiệm trước Thiên chúa, giờ đây trách nhiệm trước con người. đó là đỉnh điểm của quan niệm „luật đạo đức trong tôi“ của ông. Nhìn theo khía cạnh tâm lí, điều này có nghĩa: Chuyện tôi có cư xử đạo đức hay không, chung quy chỉ là vấn đề Tự trọng. điểm này, Kant rất có lí. Theo tôi nghĩ, thích làm lành có nhiều tính người hơn là có trách nhiệm làm lành. Nhưng một đạo đức chỉ trở thành đạo đức, khi tôi, vì những lí do tự trọng, biến những kinh nghiệm vui thích này trở thành nền tảng cho những quy luật làm lành chung. Nhưng ở đây ta cũng phải nhìn nhận: Chuyện có đáng / nên làm lành hay không, cũng còn tùy vào xã hội nơi ta đang sống. Khi tôi đang ngồi tù, thì Mệnh lệnh nền tảng nhiều khi cũng chẳng có nghĩa gì. Trong trường hợp này, lòng tự trọng đan chéo với những khó khăn và nhu cầu Tự khẳng định mình. Dù vậy trên căn bản, khả năng đạo đức vẫn là một thành phần quan trọng của con người. Một xã hội không biết đến „đúng“ hay „sai“, nếu có một xã hội như thế, thì quả là một cái gì vô cùng ghê gớm.

„Lòng nhân“, vốn là một gia sản ki-tô giáo phương tây, đã đưa đẩy chúng ta đến chỗ coi đạo đức là một yếu tố quyết định của loài người. Xem ra tự bản chất, con người không luôn luôn ác độc, mà cũng chẳng hoàn toàn tốt lành, nơi họ có cả hai mặt. Vết thương nơi đầu của Phineas Gage cho ta thấy có một cái gì như trung tâm điều khiển đạo đức trong não. Mặt khác, các Thần kinh phản chiếu cho thấy sự đồng cảm của chúng ta diễn ra trên bình diện tế bào thần kinh như thế nào. Nhưng chẳng có diễn tiến hóa học nào tự nó tạo ra thiện cảm, tình yêu hay trách nhiệm cả. Những thứ này chúng ta phải tự tạo lấy – ít nhất là vì chúng là điều đáng hoặc nên làm đối với chúng ta. Như vậy, câu hỏi quan trọng duy nhất mà chúng ta còn phải làm sáng tỏ, đó là: Phải chăng chúng ta học tập được đạo đức qua kinh nghiệm sống? Hay đạo đức vốn dĩ là một đặc tính bẩm sinh? Chúng ta thật sự sinh ra đời với một „luật đạo đức trong tâm“, như Kant nói? đa số chúng ta thường có thể trả lời ngay, không chút suy nghĩ, hành động này là tốt và hành động kia là xấu. Phản ứng đó rõ ràng giống như một trực giác. Nhưng cái „trực giác đạo đức“ đó có nội dung ra sao?

•Người đàn ông trên cầu. đạo đức là một đặc tính bẩm sinh?