Tội Công Thành

Cuộc thẩm vấn thứ nhứt

Docsach24.com
gười ta không thể cai trị mà không giản ước

Saint-Just

Kẻ nào thành lập một nền độc tài mà không giết Brutus, hay kẻ nào thành lập một nền Cộng hòa mà không giết con cái của Brutus, thì kẻ ấy chỉ ngự trị không lâu.

Machiavel

(Discorsi)

Nào, nào, ông bạn, người ta không thể sống hoàn toàn không biết thương hại.

Dostoiewski

(Crime et Châtiment)

1.

Cánh cửa xà lim đóng sâm sau lưng Roubachof.

Ông đứng tựa vào cửa vài giây và đốt thuốc. Trên giường phía mặt có trải hai chiếc mền tương đối sạch sẽ và ổ rơm hình như mới dồn. Bồn rửa tay bên trái không có nút chặn, nhưng vòi nước còn dùng được. Kế đó, chiếc bồn vệ sinh mới được khử trùng và không có mùi hôi. Các bức tường đều xây bằng gạch thẻ, ngăn chận tiếng vỗ, nhưng những nơi đặt ống hơi nóng để sưởi và ống nước, tuy đã lấp lại bằng thạch cao, thì có âm vang khá đầy đủ khi vỗ vào; ngoài ra, ống dẫn hơi nóng hình như truyền âm rất tốt. Cửa sổ ở vào tầm mắt, nhìn xuống sân khỏi phải rút mình lên song sắt. Đại để gian phòng không đến nỗi tệ.

Ông ngáp, cởi áo ngoài, cuốn lại đặt lên ổ rơm làm gối. Ông nhìn xuống sân. Tuyết ánh màu vàng dưới ánh sáng trăng và đèn điện. Quanh sân, dọc theo các bức tường, có một con đường hẹp được dọn tuyết sạch để cho tù nhân đi bộ hằng ngày. Bình minh chưa ló dạng; những vì sao còn lấp lánh đưa ra tia sáng lạnh lẽo, dầu có đèn điện. Trên vòng rào bên ngoài, trước xà lim của Roubachof một lính canh, súng trên vai, đang đi qua đi lại, nện mạnh gót mỗi bước. Thỉnh thoảng, lưỡi lê sáng rực lên trong ánh đèn điện màu vàng.

Đứng bên cửa sổ, Roubachof cởi giày. Ông dụi thuốc, để chiếc tàn trên nền gạch gần giường, và ngồi mấy phút trên ổ rơm. Ông lại trở ra cửa sổ. Sân lặng lẽ; người lính canh đang quay bước; trên vòm chòi canh có đặt súng đại liên, ông thấy một phần dãy Ngân hà.

Roubachof nằm dài lên giường, đắp chiếc mền phía trên. Đã năm giờ sáng, và ở đây, vào mùa đông, người ta khỏi phải thức dậy trước bảy giờ. Ông buồn ngủ dữ dội, và tính rằng có lẽ không bị đưa đi thẩm vấn trước ba hay bốn ngày. Ông gỡ chiếc kiếng kẹp mũi, đặt bên điếu thuốc, mỉm cười và nhắm mắt. Ấm áp trong mền, ông cảm thấy được bảo vệ; lần thứ nhứt từ mấy tháng nay, ông không còn sợ giấc mơ nữa.

Vài phút sau, khi người gác dan tắt đèn bên ngoài và nhìn vào xà lim qua chiếc lỗ, thì Roubachof, cựu Ủy viên nhân dân, đã ngủ, lưng quay vào tường, đầu gối lên cánh tay trái cứng ngắc ló ra khỏi thành giường; nhưng bàn tay thỏng xuống và các ngón co quắp lại trong giấc ngủ.

2.

Một giờ trước đó, khi hai nhân viên thuộc ủy phủ Nội vụ đến để bắt ông, đập liên hồi vào cửa phòng Roubachof, thì đúng vào lúc ông đang nằm mơ thấy người đến bắt mình.

Họ đập càng lúc càng mạnh và Roubachof cố gẳng để thức dậy. Ông có nghệ thuật rứt mình ra khỏi những cơn ác mộng; từ nhiều năm nay, giấc mơ từ lần bị bắt đầu tiên thỉnh thoảng trở lại với một nhịp độ đều đều như sự vận hành của chiếc máy đồng hồ.

Lắm khi, với một sự chồm dậy bằng ý chí, ông ngưng được sức vận hành ấy để rút khỏi cơn ác mộng; nhưng lần này lại không hiệu nghiệm; những tuần lễ chót đã làm ông mòn mỏi, ông đổ mồ hôi và thở hồng hộc trong giấc ngủ; sự vận hành của chiếc máy đồng hồ cứ xoay và cơn mơ tiếp tục.

Ông mơ như thường lệ là có người đập mạnh vào cửa, là ba người đàn ông ở bên ngoài, sẵn sàng bắt ông. Xuyên qua chiếc cửa đóng kín, ông thấy họ đứng và đập vào khuôn cửa. Họ mặc đồng phục mới tinh, bảnh nhứt của đám cận vệ binh thuộc nền độc tài Đức; mũ và tay áo có mang phù hiệu chữ vạn; mỗi người cầm trong tay kia một khẩu súng ngắn to quá lố; dây nịt lẫn y phục nặng nề của họ nực mùi da mới. Giờ đây họ đã ở trong phòng, ngay đầu giường ông. Hai người trong bọn là những anh dân quê trẻ ưỡn ẹo, môi dầy, mắt như mắt cá; tên thứ ba là một người lùn mập. Họ đứng cạnh giường, tay cầm súng ngắn, hơi thở của họ hôi hám. Yên lặng hoàn toàn trong bóng đêm; chỉ nghe hơi thở khò khè của tên lùn mập. Bỗng có người giựt nước ở các từng lầu phía trên và nước tuôn xuống ống trong tường phát lên tiếng đều đều.

Sự vận hành của máy đồng hồ nới đi. Những tiếng đấm vào cửa vang mạnh hơn; ngoài kia, hai người đến bắt Roubachof luân phiên nhau đập cửa và hà hơi vào các ngón tay tê cóng. Nhưng Roubachof vẫn không thức nổi, dẫu ông biết rằng trong giấc mơ một cảnh rất nặng nề sẽ nối tiếp: Ba người kia vẫn ở đầu giường và ông cố mặc chiếc áo ngủ vào người. Nhưng tay áo lại ngược; ông không làm sao đưa tay vào được. Ông loay hoay mãi cho đến khi một sự tê dại xâm chiếm ông; ông không thể cử động trong lúc sự cử động rất cần thiết: ông sẽ xỏ tay áo đúng lúc không? Sự hoang mang kéo dài mấy giây đồng hồ, trong lúc ấy thì Roubachof rên rỉ; mồ hôi lạnh đẵm màng tang, như những hồi trống loạn xa xa, tiếng đập cứa xuyên qua giấc ngủ; cánh tay dưới gối co rúm lại trong sự cố gắng tìm cách xỏ vào tay áo ngủ. Chót hết, ông được giải phóng bằng một cú báng súng đầu tiên đánh vào sau vành tai...

Dư hưởng quen thuộc của cú báng súng đầu tiên ấy, sống lại trong ông hằng ngàn lần và luôn luôn mới mẻ, thường đánh thức ông. Ông tiếp tục run rẩy một lúc và bàn tay nắm chợt dưới chiếc gối, vẫn tìm loạn chiếc tay áo ngủ; vì thường thường, trước khi thức hẳn, ông còn phải trải qua giai đoạn cuối cùng mà cũng là giai đoạn khốn khổ nhứt. Đó là thời gian choáng váng đầy cảm giác hỗn độn của một sự thức giấc mà trên thật tế vẫn có thể trong mơ; ông tự hỏi phải chăng thật sự mình không nằm dài trên nền gạch ẩm ướt của một phòng giam tối tăm, với cái bồn dưới chưn và gắn trên đầu là bình nước với mấy mảnh bánh mì...

Ngay lần này, sự lo sợ ấy vẫn xâm chiếm ông mấy giây; ông không hiểu khi quờ quạng, bàn tay ông sẽ đụng cái bồn vệ sinh hay đụng cái nút bấm của ngọn đèn đầu giường. Kế đó, ánh sáng làm ông chóa mắt, rồi sương mù tan đi trong đầu. Roubachof thở thật sâu mấy cái liền, và như kẻ đau mới mạnh, khoanh tay trên ngực, tận hưởng một cách khoái trá cảm giác tự do và an ninh. Ông dùng dãi giường chậm cái trán đẫm mồ hôi và mảnh da sói sau đầu; ông nhìn với cái nháy mắt mỉa mai chiếc ảnh màu của Người số I, đảng trưởng, treo trên tường phía trên đầu giường - và nó cũng ở trên tường của tất cả các phòng lân cận, từng trên hay từng dưới, khắp các nhà trong thành phố và khắp nước minh mông, cái nước mà vì nó ông đã tranh đấu và chịu khổ sở, và hiện nay nó đang tiếp nhận ông trở lại trong thân thể to lớn và bảo bọc của nó. Giờ đây, ông đã hoàn toàn tỉnh ngủ; nhưng người ta vẫn tiếp tục đập cửa phòng.

3.

Đứng ở đầu cầu thang tối tăm, hai người đến để bắt ông hỏi ý kiến nhau. Vassilii, người gác cổng đã chỉ đường cho họ, đứng trong thang máy, hốc hác vì sợ hãi. Ông ta là một ông già ốm yếu; trên cái cổ rách của chiếc áo choàng lính mà ông khoác bên ngoài áo ngủ, người ta thấy một cái thẹo to đỏ hỏn làm ông có vẻ là kẻ mắc bịnh lao. Đó là dấu vết của một vết thương ở cổ hồi Nội Chiến, mà ông đã tham gia trọn vẹn trong đoàn du kích quân của Roubachof. Sau đó, Roubachof được phái ra hải ngoại, và thỉnh thoảng Vassilii mới nghe nói đến ông ta, qua tờ báo mà con gái ông đọc cho ông nghe mỗi tối. Ông bảo đọc những diễn văn của Roubachof trước Đại hội; những bài diễn văn ấy dài và khó hiểu, và Vassilii không bao giờ tìm lại được giọng điệu của con người nhỏ thó rậm râu, biết rất nhiều tiếng chửi thề ngộ nghĩnh mà cả Đức Mẹ thành Kazan cũng phải mỉm cười. Thường thường, Vassilii ngủ giữa những bài diễn văn ấy, nhưng luôn luôn thức giấc khi con gái ông, đến phần kết luận hay những đoạn được vỗ tay, trịnh trọng cất cao giọng. Mỗi lần nghe những câu nghi thức kết thúc những bài diễn văn: “Quốc tế lao động muôn năm! Cách mạng muôn năm! Người số I muôn năm!”; Vassilii thêm trong thâm tâm để con gái ông không nghe được, tiếng “Amen” thật rõ ràng; rồi ông cởi chiếc áo thợ ngắn, len lén làm dấu thập tự giá một cách hổ thẹn, và đi ngủ. Phía trên đầu giường ông, cũng có ảnh của Người số I, và cạnh đó là ảnh Roubachof thời chỉ huy du kích quân. Nếu ảnh ấy bị khám phá, có lẽ ông cũng bị vào tù.

Trời lạnh trong thang máy tối tăm và lặng lẽ. Người trẻ nhứt trong số hai nhân viên của ủy phủ Nội vụ muốn bắn vỡ ổ khóa, Vassilii dựa mình vào cửa thang máy; lúc nãy ông chỉ đủ thì giờ mang giày, và hai tay. Ông run rẩy đến nỗi không cột giày được. Người lớn tuổi hơn không đồng ý bắn súng; cuộc bắt bớ phải diễn hành bí mật. Cả hai hà hơi vào những bàn tay tê dại rồi lại đập cửa nữa; tên trẻ dộng bằng báng súng. Ở vài từng phía dưới, một người đàn bà hét lên với giọng chát chúa. Người trẻ bảo Vassilii “Bảo nó câm họng lại”. Vassilii la to: “Nín đi. Nhà chức trách”. Người đàn bà im ngay. Tên trẻ đổi phương pháp và dùng giày đạp vào cửa. Tiếng ầm ĩ vang lên khắp cầu thang; chót hết, cánh cửa bật tung.

Cả ba đứng ở đầu giường Roubachof, tên trẻ cầm súng ngắn trên tay, tên lớn tuổi đứng thẳng người, Vassilii ở vài bước sau họ, tựa mình vào tường. Roubachof vẫn chậm mồ hôi phía sau đầu; ông nhìn họ bằng đôi mắt cận thị và ngái ngủ.

- Công dân Roubachof, Nicolas Salmanovitch, nhân danh luật pháp, chúng tôi bắt ông. - Tên trẻ nói.

Roubachof mò dưới gối tìm cặp kiếng kẹp mũi và hơi nhổm lên. Với cái kiếng ấy, đôi mắt ông có sắc thái mà Vassilii và tên lớn tuổi đã biết qua những bức ảnh cũ của thời Cách mạng. Tên lớn tuổi càng đứng thẳng người hơn; tên trẻ hơn đã lớn lên dưới thời những nhân vật mới, bước một bước đến cận giường: cả ba đều biết rằng, để giấu sự bối rối, tên ấy sẽ nói hoặc làm một cái gì thô bạo.

- Cất súng đi, đồng chí - Roubachof nói - Hơn nữa, anh muốn làm gì tôi?

- Ông đã nghe rồi - Y nói - Mặc đồ đi, và đừng lộn xộn.

- Các anh có mang lịnh bắt tồi đó không? - Roubachof hỏi.

Tên lớn tuổi xuất trình một mảnh giấy, trao cho Roubachof và đứng thẳng người trở lại.

Roubachof đọc kỹ giấy ấy.

- Tốt lắm - Ông nói - Ba cái đồ này không có nghĩa gì cả; quỷ bắt các anh!

- Mặc đồ rồi đi mau. - Tên trẻ nói. Người ta thấy sự thô bạo không phải vì anh ta bối rối, mà là thái độ tự nhiên của anh ta.

“Chúng ta đã đào tạo được một thế hệ đẹp thật”, Roubachof tự bảo.

Ông nghĩ đến những tấm bích chương tuyên truyền trong đó tuổi trẻ luôn luôn được trình bày bằng những gương mặt tươi cười, ông cảm thấy thật chán chường.

- Đưa cái áo ngủ cho tôi, thay vì vọc cây súng của anh. - Ông nói với tên trẻ.

Tên này đỏ mặt, nhưng lặng im. Người lớn tuổi trao chiếc áo ngủ cho Roubachof, Roubachof xỏ tay vào áo.

- Ít ra lần này như vậy cũng được. - Ông nói với nụ cười gượng.

Ba người kia không hiểu nhưng không nói gì. Họ nhìn ông chậm chạp bước xuống giường và gom những y phục bèo nhèo.

Tòa nhà yên lặng trở lại từ sau tiếng la chói lói của người đàn bà, nhưng người ta cảm thấy tất cả những kẻ cư ngụ nơi đây đã thức giấc trên giường của họ, nín thở.

Kế đó có kẻ giựt nước, và nước tuôn xuống ống với một âm thanh đều đều.

4.

Chiếc xe đưa các nhân viên tới đây đậu trước cửa: một chiếc xe hiệu Mỹ, mới toanh. Trời còn tối; người tài xế mở đèn pha; con đường đang ngủ hoặc giả bộ ngủ. Họ lên xe, trước tiên là tên trẻ, rồi Roubachof, kế đó là người lớn tuổi trong số hai viên chức. Người tài xế cũng mặc đồng phục, mở máy. Nhựa đường dừng lại ở một góc đường; họ hãy còn ở trung tâm thành phố; chung quanh họ vươn lên những tòa nhà tân thời chín mười từng, nhưng đường sá là những con lộ gồ ghề như ở nhà quê, đầy bùn sình đông đặc, lấm tấm tuyết ở những nơi nứt nẻ. Người tài xế lái thật chậm và các ống nhún sang trọng của chiếc xe nghiến ken két và rên rỉ như một chiếc xe bò.

- Lái mau đi - Người trẻ tuổi bảo, vì không chịu nổi sự yên lặng trong xe.

Người tài xế nhún vai, không quay lại. Khi Roubachof lên xe, y đã nhìn ông một cách lạnh lùng, không hảo ý. Trước kia, Roubachof gặp tai nạn; người lái chiếc xe cứu thương cũng đã nhìn ông như vậy. Sự gập ghình chậm chạp trên những con đường vắng ngắt, với ánh đèn pha chập chờn trước họ thật khó chịu.

- Còn xa không? - Roubachof hỏi mà không nhìn những kẻ đồng hành. Ông suýt thêm - Từ đây đến bịnh viện.

- Cũng phải nửa giờ. - Người lớn tuổi mặc đồng phục bảo.

Roubachof rút gói thuốc, lấy một điếu đặt lên môi và đưa gói thuốc mời mọi người do thói quen. Tên trẻ từ chối hẳn, người lớn tuổi lấy hai điếu, trao một điếu cho tài xế đặt một tay lên vành nón kết, quẹt lửa cho mọi người, chỉ lái một tay. Roubachof cảm thấy nhẹ nhàng hơn; đồng thời, ông tự trách mình đã có cảm giác ấy. Đây đúng là lúc gây cảm tình, ông tự bảo. Nhưng ông không thể ngăn ý muốn nói lên và đưa ra quanh mình một ít hơi nóng của con người.

- Tiếc cho cái xe - Ông nói - Xe hơi ngoại quốc làm tốn vàng của ta không ít, vậy mà sau sáu tháng chạy trên đường của ta là kể như bỏ.

- Cái đó thì đúng, ông có lý. Đường sá của chúng ta quá lạc hậu - Tên lớn tuổi nói.

Giọng nói của người này cho Roubachof thấy rằng y hiểu cảm giác bị bỏ rơi của Roubachof. Roubachof cũng có cảm tưởng con chó được người ta quăng cho khúc xương; ông nhứt định không nói nữa. Nhưng tên trẻ nói với giọng rừng rú:

- Đường sá ở các nước tư bản tốt hơn hả?

Roubachof không thể nén cái mỉm cười:

- Anh chưa bao giờ ra khỏi nhà à?

- Nhưng tôi dư biết đường sá của chúng nó ra sao mà - Tên trả lời - Ông đừng giở trò lòe tôi.

- Nhưng thật sự anh cho tôi là người gì? - Roubachof hỏi một cách bình tĩnh. Tuy nhiên ông cũng phải nói thêm - Anh cần phải học chút đỉnh lịch sử của Đảng.

Tên trẻ nín lặng và nhìn trân trối lưng người tài xế. Không ai nói tiếng nào nữa. Lần thứ ba, người tài xế thắng bớt làm máy xe khịt khịt mấy cái rồi cho vọt tới, vừa chửi thề. Họ vượt qua vùng ngoại ô trên con đường gập ghềnh; ở đây không có gì thay đổi với những ngôi nhà cây tồi tàn. Trên cao, ánh trăng lợt lạt và lạnh lẽo rọi xuống khung cảnh đổ nát ấy.

5.

Trong mỗi hành lang của khám đường kiểu mẫu đều có ánh đèn điện. Ánh sáng tái nhợt ấy kéo lê thê trên những hàng song sắt, trên tường trống trải quét vôi, trên những cánh của xà lim có lỗ nhìn đen thui mang những bảng tên tù nhân. Thứ ánh sáng buồn cười ấy, những bước chân không tiếng vang của tù nhân trên nền gạch gây cho Roubachof cái cảm giác đã thấy qua rồi và trong vài giây đồng hồ, ông chìm đắm trong ảo ảnh mình hãy còn trong cơn mơ. Ông cố tự thuyết phục rằng không có gì trong quan cảnh trước mắt là sự thật. “Nếu ta tin tưởng được rằng mình đang mơ, ông nghĩ, thì thật sự đây là một giấc mơ”.

Ông cố tự dối mình nồng nhiệt đến nỗi cảm thấy chóng mặt; kế đó ông suýt nghẹt thở vì hổ thẹn. “Đâm lao phải theo lao, và phải theo tới cùng”, ông nói với mình. Họ đi tới xà lim số 404. Trên lỗ nhìn, có một mảnh giấy cứng mang tên ông, Nicolas Salmanovitch Roubachof. “Họ đã chuẩn bị đầy đủ cả”, ông nghĩ; nhìn tên mình trên tấm giấy làm ông có một cảm giác kỳ lạ. Ông muốn xin người gác khám thân mật cái mền, nhưng cánh cửa đã đóng ập lại.

6.

Cách khoảng đều đều, người gác khám nhìn qua lỗ dòm vào xà lim của Roubachof. Ông bình thản ngủ trên giường; chỉ có bàn tay ông thỉnh thoảng nắm chặt lại trong giấc ngủ. Trên nền gạch cạnh giường ông để cái kiếng kẹp mũi và đoạn thuốc hút còn lại.

Vào bảy giờ sáng, hai giờ sau khi bị đưa đến xà-lim số 404, một hồi kèn đánh thức Roubachof. Ông đã qua một giấc ngủ không mộng mị, và cảm thấy đầu óc sáng suốt. Kèn lặp lại ba lần một đoạn nhạc chát chúa. Những nốt nhạc chói tai vang lên rồi tắt dần; chỉ còn lại một sự yên lặng khó chịu.

Trời chưa sáng hẳn; chiếc bồn vệ sinh và bồn rửa mặt tượng hình lờ mờ trong ánh bình minh. Những song sắt cửa sổ thành những vệt đen trên kiếng dơ dáy; phía trên, bên trái, một mảnh báo dán vào mảnh kiếng bể. Roubachof ngồi lên, vói tay lượm cái kiếng kẹp mũi và khúc thuốc điếu cạnh giường rồi nằm trở lại. Ông gắn kiếng lên sóng mũi rồi đốt khúc thuốc tàn. Yên lặng vẫn kéo dài.

Trong mỗi ngăn quét vôi của cái ổ ong bằng xi-măng này, nhiều người phải ra khỏi giường cùng lúc, vừa chửi thề vừa mò mẫm trên nền gạch; thế mà nơi đây, trong các xà lim giam giữ những tù nhân bí mật, người ta không nghe gì cả, chỉ thỉnh thoảng có những bước chân xa dần trong hành lang. Roubachof biết ông bị bắt một cách bí mật, và ở đây đến bao giờ bị bắn mới thôi. Ông đưa những ngón tay xuyên qua chồm râu nhọn dưới cằm, hút đoạn tàn thuốc và nằm dài bất động.

“Tôi sẽ bị bắn”. Roubachof tự nói với mình. Ông nheo mắt quan sát sự cử động của ngón chân cái dựng đứng dưới chân giường. Trong hơi ấm áp, ông cảm thấy được yên ổn và rất mệt mỏi; ông thấy không có gì miễn người ta để cho ông nằm dài một cách lười biếng trong mền. “Vậy là họ sẽ bắn mầy” ông tự bảo. Ông lay động chậm chạp, mấy ngón chân trong vớ, và ông nhớ tới một câu thơ đã ví đôi chân của đấng Ki-Tô với con mang trắng trong một bụi cây gai. Ông chà mắt kiếng lên tay áo, cử chỉ ấy rất quen thuộc đối với những người hoan nghinh ông. Ấm áp trong mền, ông cảm thấy gần như hoàn toàn hạnh phúc và chỉ sợ có một điều, là phải ngồi dậy và cử động. “Vậy là anh sẽ bị tiêu diệt”, ông tự nói gần như la lớn vừa đốt thêm một điếu thuốc, dẫu ông chỉ còn có ba điếu. Những điếu thuốc hút trong lúc bụng đói có khi gây cho ông một cái say nhẹ nhàng; và ông đã ở trong trạng thái xuất thần do tiếp xúc với tử thần. Đồng thời, ông hiểu rằng trạng thái đó đáng trách và trên một quan điểm nào đó, không thể chấp nhận được, nhưng lúc nãy ông không sẵn sàng đón nhận quan điểm đó. Ông thích quan sát trò chơi lay động mấy ngón chân trong vớ hơn. Ông mỉm cười. Ông cảm thấy một làn sóng thiện cảm đối với bản thân dâng lên trong người ông, mà bình thường không ưa thích bản thân mình và sự tàn phá cái cơ thể đó gần đây gây một cái buồn thích thú cho ông. “Đoàn lão vệ binh đã chết - Ông tự nói nho nhỏ - Chúng tôi sắp bị tiêu diệt”. “Ôi! Tử thần, vị thuyền trưởng già nua, đã đến lúc rồi, ta hãy giở neo....”

Ông cố gắng nhớ đoạn còn lại của bài thơ, nhưng chỉ nhớ được bấy nhiêu. “Đoàn lão vệ binh đã chết”, ông lập lại vừa cố nhớ những gương mặt của họ. Ông chỉ gợi được ba hay bốn người. Từ vị chủ tịch của Đệ nhứt Quốc tế, bị xử tử vì tội phản bội, ông chỉ nhận được một mảnh vạt áo gi-lê bằng vải sọc vuông ở trước bụng hơi to của ông ấy. Người thứ hai là Thủ tướng Quốc gia cách mạng, cũng bị xử tử, đã gặm móng tay vào lúc nguy hiểm... “Lịch sử sẽ phục hồi danh dự cho anh”, Roubachof nghĩ, nhưng không tin tưởng lắm. Lịch sử bất cần anh gặm móng tay hay không. Ông hút thuốc và nghĩ đến những kẻ chết, đến việc hạ nhục họ trước khi họ chết. Tuy nhiên, ông không thể quyết định phải ghét Người số I, dầu người ấy đáng ghét. Thường thường, ông giữ bức ảnh của Người số I trên đầu giường, và đã hoài công cố gắng ghét bức ảnh. Hai người đã gán cho nhau khá nhiều tên riêng, tuy nhiên chót hết ông chỉ nhớ y là Người số I. Sự khủng khiếp mà Người số I gieo rắc chung quanh ông ta, xuất xứ trước tiên từ nguyên do là có thể ông ta có lý, và tất cả những kẻ ông ta đã giết phải nhìn nhận, dẫu đã lãnh một viên đạn sau ót, rằng dầu sao có thể ông ta có lý. Không có gì chắc chắn cả; chỉ còn cầu cứu đến sự phán định chua chát mà họ gọi là lịch sử, và lịch sử chỉ đưa ra lời phán quyết khi nào đôi hàm của kẻ cầu cứu đã tan rã thành bụi từ lâu. Ôi, Tử thần, vị thuyền trưởng...

Roubachof có cảm tưởng bị quan sát xuyên qua lỗ dòm. Không nhìn, ông cũng biết có một con người đang dán vào lỗ nhìn vào phòng giam; một lúc sau, chìa khóa kêu ken két trong ổ khóa. Một thời gian trôi qua trước khi cửa mở. Ngục tốt là một ông già nhỏ thó mang vớ, đứng ở cửa.

- Tại sao ông không ngồi dậy? - Ông ta hỏi.

- Tôi bịnh. - Roubachof nói.

- Bịnh gì? Ông không thể gặp bác sĩ trong ngày hôm nay đâu.

- Nhức răng. - Roubachof nói.

- Nhức răng hả? - Vừa hỏi, ngục tốt vừa lê chân chậm chạp đi ra, rồi đóng cửa.

“Giờ đây, ít ra cũng được nằm yên nơi đây”, Roubachof nghĩ như vậy, nhưng ý nghĩ đó không làm ông vui chút nào. Cái mền có mùi mốc và hơi nóng của nó làm ông khó chịu; ông quăng nó ra một bên. Ông gắng gượng quan sát sự cử động của các ngón chân, nhưng rồi cũng chán. Mỗi chiếc vớ của ông đều lủng một lỗ ở gót. Ông muốn mạn lại, nhưng ý nghĩ phải đập cửa và hỏi ngục tốt kim chỉ ngăn ông lại; có thể người ta không chịu cấp kim cho ông. Bỗng ông có ý muốn đọc báo. Ý muốn ấy nồng nhiệt đến nỗi ông cảm thấy mùi mực in và nghe tiếng lào xào của trang báo được lật qua. Có thể một cuộc cách mạng đã nổ bùng hồi tối vừa qua, hay một nguyên thủ quốc gia nào đó bị ám sát, hay một người Mỹ đã tìm được phương pháp xóa bỏ trọng lực. Vụ ông bị bắt chưa được đăng báo vì ở quốc nội nó sẽ được giữ kín ít lâu nữa, nhưng ở ngoại quốc, tin giựt gân này bị xì ra ngay, và người ta đăng cả ảnh ông, những bức ảnh cũ đã mười năm rút ra từ các tủ tài liệu nhà báo, và người ta công bố cả những câu chuyện vô lý gớm ghiết về ông và về Người số I. Giờ đây, ông không còn muốn đọc báo nữa, nhưng lại muốn biết một cách nồng nhiệt những gì trong đầu của Người số I. Roubachof thấy ông ta ngồi ở bàn viết, chống cùi chỏ lên bàn thật vững chắc, nặng nề và ủ rũ, đọc chầm chậm cho một nữ tốc ký viên ghi chép. Nhiều người khác đi tới đi lui, đọc và phun những vòng khói hay tự đùa với một cây thước. Người số I ngồi bất động, không táy máy, không phun vòng thuốc... Roubachof bỗng thấy mình đã đi tới đi lui cả năm phút rồi; ông xuống khỏi giường mà chính ông không hay. Hiện thời ông đang thực hành một nghi thức quen thuộc, là không đặt chân lên bìa viên gạch hoa mà hình vẽ ông đã thuộc lòng. Nhưng tư tưởng ông không một giây nào rời khỏi Người số I, đang ngồi ở bàn viết, đọc một cánh lạnh lùng, rồi lần lần biến thành bức chân dung của chính ông ta, bức ảnh màu danh tiếng treo ở trên mỗi đầu giường, mỗi tủ rượu khắp nước, và đang nhìn mọi người với đôi mắt lạnh lẽo.

Raubachof tới lui trong xà lim, từ cửa cái đến cửa sổ rồi trở lại, giữa cái giường, bồn rửa mặt và bồn vệ sinh, sáu bước rưỡi mỗi bận. Đến cửa cái ông quay sang phải, đến cửa sổ ông quay sang trái: đó là một thói quen lâu đời trong tù; nếu không đổi hướng mỗi khi quay lại, sẽ bị chóng mặt. Người số I nghĩ gì? Ông tưởng tượng một thiết đồ của bộ óc ấy, sơn xám một cách tỉ mỉ bằng màu nước trên một tờ giấy gắn kim lên một cái giá vẽ. Những vòng của chất xám nổi cuộn lên như những khúc ruột, đoạn này quấn với đoạn kia như những con rắn to, mờ dần một đám sương mờ ảo như vòng ốc của những tinh vân trên các bản đồ thiên văn... Những gì diễn ra trong những cuộc xám nổi vòng kia? Người ta biết tất cả về những tinh vân xa xôi kia, nhưng người ta chẳng biết gì về những tinh vân của khối óc kia. Có lẽ đó là lý do vì đó mà Lịch sử là sự phán định hơn là một khoa học. Có lẽ sau này, ở một tương lai xa xôi, người ta sẽ dạy lịch sử bằng những bảng thông kê và những thiết đồ về giải phẫu học tương tự. Giáo sư vẽ lên bảng một công thức đại số tượng trưng những điều kiện sinh sống của quần chúng một quốc gia nào đó trong một thời kỳ nào đó: “Các công dân, đây là những yếu tố khách quan đã chi phối diễn tiến lịch sử này”. Rồi, với cây thước, giáo sư chỉ một cảnh trí mờ ảo xam xám giữa não thùy thứ hai và thứ ba của bộ óc của Người số I: “Và bây giờ, đây là hình ảnh chủ quan của những yếu tố ấy. Chính hình ảnh này trong phần tư thứ nhì của thế kỷ 20 đã đưa tới chiến thắng của nguyên tắc độc tài”. Bao giờ nhân loại chưa đi tới điểm đó, thì chánh trị nếu chẳng phải là một sự đam mê đẫm máu, cũng là một thứ mê tín thuần túy và yêu thuật mà thôi... Roubachof nghe tiếng nhiều người đi cùng nhịp ngoài hành lang. Ý nghĩ đầu tiên của ông là: “Bây giờ, trận đòn sắp đến”. Ông dừng bước giữa phòng giam, lắng nghe, hàm đưa tới trước. Tiếng bước chân đừng lại trước một xà lim cạnh đó, một khẩu lịnh nhỏ đưa ra, có tiếng lách cách của chìa khóa, rồi yên lặng.

Roubachof đứng sững giữa cái giường và cái bồn vệ sinh, nín thở và nghe tiếng la đầu tiên. Ông nhớ ra rằng tiếng la đầu tiên, trong đó sự hãi hùng lấn lướt phần sau thể xác, thường thường là tiếng la đau khổ nhất; những gì kế tiếp có thể chịu đựng được vì người ta đã quen đi, và một thời gian sau, người ta có thể đoán ra phương tiện dùng để hành hạ khi nghe giọng và nhịp la hét. Chung quy, phần đông con người đều biểu lộ cùng một lối, có khác chăng là khí chất và giọng la; những tiếng hét yếu dần, trở thành rên rỉ và tiếng ai oán bị chận đứng. Thường thường, cánh cửa khép lại sau đó ít lâu. Tiếng chìa khóa lại khua; và tiếng la hét của nạn nhân nối tiếp thường phát ra trước khi bị đụng tới người, ngay khi nhìn thấy đám đầu trâu mặt ngựa ở ngưỡng cửa.

Đứng giữa phòng giam, Roubachof chờ đợi tiếng hét đầu tiên. Ông chà cái kiếng kẹp mũi vào tay áo và bảo lần này ông sẽ không la dầu chuyện gì xảy tới. Ông lặp mãi câu này như đọc kinh. Ông đứng chờ đợi; vẫn không có tiếng hét. Kế đó ông nghe tiếng chìa khóa lách cách; một giọng thì thầm mấy tiếng, cánh cửa xà lim đóng lại. Những bước chân tiến tới phòng giam kế đó.

Roubachof đến lỗ dòm nhìn qua hành lang. Đám người dừng lại ở phòng giam ngang mặt, số 407. Người ngục tốt già, theo sau là hai lao công kéo lê một thùng cây nhỏ đựng nước trà; người thứ ba mang một giỏ đầy đánh mì đen, và hai nhân viên đồng phục võ trang súng ngắn đoạn hậu. Không phải vụ đánh đập tù nhân, mà là phát bữa ăn sáng.

Đúng lúc họ đưa bánh mì cho người ở phòng giam số 407. Roubachof không thấy mặt người tù. Có lẽ hắn đứng ở vị trí quy định là một bước cách cửa; Roubachof, chỉ thấy hai cánh tay và bàn tay của hắn. Tay trần và ốm tong; giống như hai cây que song song, hai cánh tay thò ra khỏi cửa mở hé. Lòng bàn tay ngửa lên, cong cong thành hình cái chén. Nhận xong bánh mì, hắn ôm ổ bánh rút vào xà lim tối tăm. Cánh cửa đóng ập lại.

Roubachof rời khỏi lỗ dòm, đi qua lại trong phòng. Ông chà kiếng vào tay áo, đặt lên sóng mũi, thở thật dài một cách thoải mái. Ông hút gió chờ đợi bữa điểm tâm của mình. Ông hơi xúc động khi nghĩ tới hai cánh tay ốm yếu và lòng bàn tay của tù nhân. Hình ảnh đó gợi trong trí ông một cái gì mơ hồ mà ông không nhớ rõ. Hai bàn tay ngửa lên và cả cái bóng của chúng nó rất quen thuộc với ông - rất gần, nhưng lại rời khỏi trí nhớ như một bản nhạc thuở xưa hay không khí của một con đường hẹp ở một hải cảng nào đó.

7.

Đoàn người mở và đóng lần lượt các cánh cửa, trừ cửa phòng của ông. Roubachof trở lại lỗ dòm xem họ có tới không; ông muốn uống trà nóng. Ông thấy khói bốc từ thùng trà cùng những khoanh chanh mỏng nổi trên mặt. Ông gỡ kiếng dán một mắt vào lỗ. Tầm mắt bao quát bốn phòng giam ngang đó: Từ số 401 đến 407. Trên những xà lim là hàng song sắt dài hẹp; sau những phòng ấy là các xà-lim ở từng hai. Đoàn người trở lại dọc theo hành lang bên phải; đúng là họ phát bánh nước cho các phòng số lẻ, rồi tới số chẵn. Họ đã tới phòng số 408; Roubachof chỉ thấy lưng của hai tên đồng phục mang súng ngắn ở dây nịt da: những kẻ khác ở ngoài tầm mắt ông. Cửa đóng; giờ thì tất cả đều ở trước phòng 406. Roubachof thấy lại thùng trà ngút khói và người lao công với giỏ bánh mì. Cửa phòng lại rất nhanh; phòng không người ở. Đoàn người đến gần, đi ngang qua cửa của ông và ngừng trước số 402.

Roubachof dùng nắm tay đập liên thinh vào cửa.

Ông thấy hai người kéo thùng trà nhìn nhau rồi liếc lại cửa phòng mình. Ngục tốt bận rộn trước số 402 và làm như chẳng nghe gì cả. Hai tên đồng phục quay lưng vào trước lỗ dòm của ông. Họ đang trao bánh mì cho số 402; đoàn người lại đi tới. Roubachof càng đập cửa mạnh hơn. Ông rút một chiếc giày đập tiếp theo.

Tên cao lớn đồng phục quay lại nhìn cửa phòng Roubachof một cách lạnh lùng rồi quay đi. Ngục tốt đóng cửa phòng 402. Hai lao công kéo thùng trà hơi do dự. Tên đồng phục cao lớn nói gì với viên ngục tốt già, y nhún vai, chùm chìa khóa kêu rổn rảng, lê đôi giày rách đến tận cửa phòng Roubachof. Hai người kéo thùng trà theo sau y; lao công vác bánh mì nói gì với người ở phòng 402 qua lỗ dòm.

Roubachof lùi lại một bước chờ cửa mở. Sự căng thẳng ở người ông dãn ra ngay; giờ thì có trà hay không, ông cũng chẳng cần. Trà không còn bốc khói nữa, và những khoanh chanh trên mặt nước vàng nhạt còn lại có vẻ nhão nhẹt và teo lại.

Chìa khóa quay trong ổ, rồi con mắt gắn vào lỗ dòm biến đi. Cửa mở hoát. Roubachof ngồi trên giường mang giày lại. Ngục tốt để cửa mở cho người cao lớn đồng phục bước vào phòng giam. Người này có cái sọ tròn cạo nhẵn thín và đôi mắt lạnh lùng. Đồng phục cứng ngắc của y phát ra tiếng xột xạt; giày của y cũng nghiến như thế; Roubachof tưởng như nghe mùi da ở dây nịt y. Hắn dừng lại trước cái bồn vệ sinh và xem xét xà lim, có vẻ như hẹp lại vì hiện diện của y.

- Ông không lau chùi xà lim. - Y nói Roubachof - Tôi nghĩ rằng ông biết điều lệ chớ?

- Tại sao các ông quên bữa điểm tâm của tôi?

Roubachof nhìn thẳng vào viên sĩ quan qua chiếc kiếng kẹp mũi.

- Nếu ông muốn tranh biện với tôi, ông phải đứng lên. - Viên sĩ quan nói.

- Tôi không hề muốn cãi cọ cũng chẳng muốn nói chuyện với ông. - Vừa nói Roubachof vừa cột lạt dây giày.

- Vậy thì lần sau đừng đập cửa, hay tôi phải giải thích cho ông những biện pháp kỷ luật. - Viên sĩ quan trả lời.

Hắn quét mắt một vòng xà lim.

- Tù nhân không có nùi giẻ đề lau gạch. - Y nói với ngục tốt.

Ngục tốt nói gì với người mang bánh mì, anh ta chạy ngay theo hành lang. Hai lao công kia đứng như trời trồng trước cánh cửa mở, tò mò nhìn vào phòng. Viên sĩ quan thứ hai đứng quay lựng lại, hai chân soạt ra, hai tay chấp ra sau.

- Tù nhân cũng chẳng có đĩa đựng xúp. - Roubachof nói, vừa loay hoay cột mãi dây giày - Tôi cho rằng người ta muốn tránh cho tôi công khó tuyệt thực. Tôi hoan nghinh những phương pháp mới của quý ông.

- Ông lầm. - Sĩ quan ấy nói, vừa lạnh lùng nhìn Roubachof.

Một cái thẹo to vắt trên chiếc sọ cạo nhẵn, và hắn mang ở cổ áo băng Cách mạng bội tinh.

“Anh ta cũng có tham gia trận Nội chiến - Roubachof tự nói thầm - Nhưng thời kỳ ấy xa quá rồi...”

- Ông lầm. Ông không có bữa điểm tâm vì ông khai bịnh.

- Nhức răng. - Ngục tốt già nói, tựa mình vào cửa.

Anh ta luôn luôn mang giày vải, bộ đồng phục nhăn nheo và đầy những vết mỡ.

- Các ông muốn sao cũng được. - Roubachof nói. Ông muốn hỏi xem có phải sự thực hiện cuối cùng của chế độ này là trị bịnh bằng cách buộc bịnh nhân phải nhịn đói không, nhưng ông nín kịp. Quang cảnh này làm ông se lòng.

Người mang bánh mì chạy trở lại, vừa thở vừa vung một cái nùi giẻ bẩn thỉu. Ngục tốt đón lấy quăng vào một góc phòng, cạnh bồn vệ sinh.

- Ông còn yêu sách nào nữa không? - Viên sĩ quan hỏi với giọng không mỉa mai chút nào.

- Để tôi yên với lớp hài kịch của ông. - Roubachof nói.

Viên sĩ quan bước ra, ngục tốt quơ xâu chìa khóa xổn xảng. Roubachof đến bên cửa sổ, quay lưng lại họ. Cửa đóng lại ông mới nhớ mình quên một điều quan trọng, vội phóng tới cửa.

- Cho tôi giấy và viết chì. - Ông hét qua chiếc lỗ nhỏ.

Ông gỡ kiếng áp mắt vào lỗ xem họ có quay lại không. Ông la thật to, nhưng đoàn người tiếp tục đi trong hành lang như chẳng ai nghe gì hết. Ông chỉ còn thấy cái lưng của viên sĩ quan đầu trọc, bên dây nít lớn bản tòn teng cái bao súng.

8.

Roubachof tiếp tục đi bách bộ trong phòng giam, sáu bước rưỡi về phía cửa sổ, sáu bước rưỡi ở chiều ngược lại. Cảnh vừa rồi chấn động ông; ông nhớ lại từng chi tiết vừa lau kiếng mắt vào tay áo. Ông cố giữ sự oán ghét trong vài phút đối với viên sĩ quan có thẹo; ông nghĩ cảnh ấy trui rèn thêm ông để chuẩn bị tranh đấu tới đây. Nhưng rồi ông lại rơi vào một cố tật tai hại cưỡng bách ông đặt mình vào địa vị đối phương nhìn cảnh tượng với đôi mắt của kẻ khác. Ông ta ngồi đó, trên chiếc giường, cái ông Roubachof nhỏ thói rậm râu, vênh váo; và, với thái độ khiêu khích, ông ta xỏ chân vào chiếc vớ đẫm mồ hôi. Dĩ nhiên, lão Roubachof này có nhiều thành tích giá trị, và tự phụ trước một dĩ vãng oanh liệt, nhưng nhìn ông ta trên diễn đàn một đại hội đồng là một chuyện, và nhìn ông ta trên ổ rơm của một phòng giam là chuyện khác. Đó là lão Roubachof đầy huyền thoại đó sao? Roubachof nhân danh viên sĩ quan có đôi mắt lạnh lùng tự hỏi. Lão ta gây gổ như một đứa học trò đẻ có bữa ăn sáng mà không biết hổ thẹn. Chẳng lau chùi xà lim. Vớ lủng lỗ. Một nhà trí thức câu mâu. Âm mưu chống chánh quyền, dẫu vì tiền hay vì nguyên tắc, điều đó không quan trọng. Chúng tôi làm cách mạng không phải để vui lòng những kẻ độc đáo. Quả thật lão ta đã tham gia cách mạng; thời bấy giờ, lão chỉ là một người thường; nhưng hiện nay lão đã già và quá tự mãn, đúng lúc cần phải thanh toán. Có lẽ vào thời ấy lão cũng thế; trong cuộc Cách mạng có nhiều cái bọt xà bong đã nổ sau đó. Nếu lão còn một chút tự phụ, lão sẽ phải lau chùi xà lim.

Trong nhiều giây, Roubachof tự hỏi mình có nên đánh bóng nền gạch hay không. Ông do dự giữa phòng giam, rồi mang kiếng vào, tựa tay bên cửa sổ.

Trời đã sáng ngoài sân, một ngày xám xịt điểm màu vàng; thứ ánh sáng này không có vẻ cừu đich, và hứa hẹn sẽ đổ tuyết. Lúc ấy vào khoảng tám giờ - chỉ 3 giờ trôi qua thôi từ khi ông vào phòng này. Những bức tường bao quanh sân giống như trại lính, cửa sổ nào cũng có rào sắt, và những xà lim quá tối, ở ngoài nhìn vào chẳng thấy gì cả. Nếu có kẻ đứng ngay sau cửa của họ và nhìn tuyết trên sân như ông, cũng không thể nào thấy được. Tuyết rất đẹp, hơi đông đặc; nó nổ lách tách khi người ta bước lên nó. Bên này và bên kia con đường nhỏ chạy vòng quanh sân, cách tường độ mười bước, tuyết được quét dọn chất đống họp thành một bao lơn không đều đặn. Trên bức thành nối liền hai pháo đài phía trước, người lính gác đi tới đi lui. Có lần, khi quay mình lại, anh ta phun xuống tuyết làm thành một cầu vòng, và nghiêng mình trên rào nhìn xem nước miếng đông đặc của anh rơi nơi đâu.

“Bịnh cũ của tôi - Roubachof nói một mình - Nhà cách mạng không nên nhìn sự vật qua tư tưởng của kẻ khác”.

Phải chăng làm như vậy là đúng? Hoặc đó là một hành động cần thiết?

Làm sao biến cải được thế giới, nếu ta đồng hóa với tất cả mọi người?

Nhưng phải làm cách nào khác hơn để cải tạo thế giới?

Kẻ nào hiểu và tha thứ - kẻ ấy sẽ tìm đâu ra động cơ hành động?

Và tìm ở đâu để không thấy động cơ hành động?

“Chúng sẽ bắn ta - Roubachof nói - Chúng không cần chú ý đến những lý do của ta”. Ông áp trán vào kiếng cửa sổ. Lần lần ông nhận ra một âm thanh nhẹ; nhưng liên tục trong xà lim.

Ông quay lại, lắng nghe. Có kẻ gõ quá nhẹ đến nỗi mới đầu ông không phân biệt tiếng ấy đến từ bức tường nào. Trong khi ông lắng tai thì tiếng đó đứt. Ông bắt đầu gõ, khởi thủy vào tường phía trên bồn vệ sinh, liền với phòng 406, nhưng không thấy trả lời. Ông thử vào bức tường khác, ngăn phòng 402, cạnh giường ông. Nơi đây người ta trả lời ông. Roubachof ngồi thoải mái trên giường, nơi ông có thể xem chừng lỗ dòm; tim ông đập mạnh. Cuộc tiếp xúc đầu tiên bao giờ cũng gây xúc động.

Người bên phòng 402 gõ rất đều; ba lần với những khoảng cách ngắn, rồi dừng lại, rồi ba lần nữa. Roubachof lặp lại y như vậy để chứng tỏ ông đã nghe. Ông gấp muốn biết người kia hiểu “mẫu tự vuông” chăng - bằng không phải mò mẫm lâu để dạy y. Tường dầy và âm vang rất tệ; ông phải tựa đầu vào mặt tường để nghe rõ, đồng thời canh chừng lỗ dòm. Người bên phòng 402 chắc hẳn thực tập nhiều; anh ta gõ rõ ràng và không gấp gáp, có lẽ bằng một vật cứng như cây viết chì. Ôn lại số tiếng gõ, Roubachof đã hơi lụt về môn này, phải cố gợi ra trước mắt cái hình vuông trong đó các mẫu tự được chia thành hai mươi lăm ô - năm hàng ngang, mỗi hàng năm chữ. Người số 402 ban đầu gõ bốn tiếng - tức là hàng thứ tư: P - T; kế đó hai tiếng; tức là chữ thứ hai của hàng thứ tư: Q. Ngưng một lúc; rồi năm tiếng - hàng thứ năm: U - Z; rồi một tiếng - chữ thứ nhứt của loạt đó: U. Rồi hai tiếng và chót hết bốn tiếng; tức chữ thứ tư của hàng thứ nhì: I. Anh ngừng lại.

QUI? (Nghĩa là: Ai đó?)

Con người thật tế, Roubachof nói. Anh muốn biết ngay người đối thoại là ai. Theo nghi thức cách mạng, đáng lý anh ta phải bắt đầu bằng một khuôn sáo chánh trị nào đó; rồi anh ta có thể nói về chuyện về ăn uống, thuốc hút; và chỉ sau đó thật lâu, nhiều ngày sau, người ta mới tự giới thiệu, cũng có khi không bao giờ xưng tên tuổi. Nhưng đến nay, kinh nghiệm của Roubachof giới hạn ở những nước mà đảng bị đàn áp chớ không phải đảng đàn áp kẻ khác; đảng viên là những người mưu loạn, chỉ biết nhau qua tiểu danh - và hơn nữa họ thay đổi tên thường cho đến nỗi cái tên trở thành vô nghĩa. Ở đây, nhứt định không đúng như vậy. Roubachof tự hỏi có nên cho biết tên mình hay không. Số 402 nóng ruột. Anh lặp lại. Ai đó?

Coi, tại sao không? Roubachof tự nói. Ông gõ cái tên dài của ông: Nicolas Salmanovitch Roubachof, và chờ kết quả.

Trong thời gian rất lâu sau, ông không nhận được câu trả lời. Roubachof mỉm cười; ông ở vào tâm trạng hưởng thức sự ngạc nhiên của người láng giềng. Ông chờ trọn một phút, rồi phút nữa; chót hết, ông nhún vai và đứng lên. Ông trở lại cuộc đi dạo trong phòng giam, nhưng ở mỗi lần quay gót, ông ngừng lại lắng tai nghe. Tường vẫn câm lặng. Ông chà kiếng mắt vào tay áo, tiến bước chậm chạp, mệt nhọc về hướng cửa, nhìn hành lang qua lỗ dòm.

Hành lang trống trải; các đèn điện đưa ra thứ ánh sáng giả tạo tái nhợt; không có một tiếng động nhỏ. Sao số 402 lại câm như hến?

Có lẽ hắn sợ; sợ liên lụy với Roubachof. Có thể số 402 là một bác sĩ, hay một kỹ sư chánh trị, đang run sợ trước ý nghĩ có một kẻ láng giềng nguy hiểm. Chắc chắn anh ta không có kinh nghiệm chánh trị, đáng lẽ hắn không nên khởi đầu bằng cách hỏi tên. Chắc hắn ở trong tù một thời gian, anh ta tiến triển trong nghệ thuật gõ tường, và đang muốn chứng minh sự vô tội của hắn. Hắn còn thấm đầy sự tin tưởng đơn giản rằng có tội hay vô tội chỉ có hắn biết không quan trọng; hắn không có ý kiến nào về những quyền lợi cao cả thật sự đang lâm nguy. Có lẽ hiện giờ hắn ngồi trên giường, viết đơn phản kháng thứ một trăm cho nhà cầm quyền để không bao giờ được họ đọc, hay bức thơ thứ một trăm cho vợ để chẳng bao giờ vợ hắn nhận được; sự thất vọng xui anh để một bộ râu - một bộ râu nhọn như Pouchkine - anh không tắm rửa nữa và mang tật cắn móng tay cùng tật tự thỏa mãn dâm tính quá lố. Trong khám không có gì tệ hại hơn là có ý thức về sự vô tội của mình; sự kiện đó ngăn trở tù nhân thích nghi với đời sống trong tù và phá hoại tinh thần tù nhân... Bỗng tiếng gõ nổi lên trở lại.

Roubachof vội vã ngồi lại trên giường; nhưng ông cũng mất hết hai mẫu tự. Số 402 bây giờ gõ rất mau và không được rõ ràng; chắc chấn anh ta rất xao xuyến. Đáng đời ông lắm.

“Đáng đời ông lắm”.

Thật là chuyện bất ngờ. Người số 402 là một kẻ theo công thức chủ nghĩa. Anh ta ghét bọn đối lập là lẽ dĩ nhiên, anh ta tưởng rằng Lịch sử lăn trên đường rầy theo một lược đồ bất di bất dịch nhờ ở một anh bẻ ghi không hề lầm lỗi, là Người số I. Anh tin rằng việc anh bị bắt là kết quả của một sự hiểu lầm, và tất cả những tai biến từ mấy năm sau này - từ Trung Hoa đến Tây Ban Nha, từ nạn đói đến cuộc tiêu diệt đoàn Lão Vệ binh - đều do hoặc những chuyện ngoài ý muốn đáng tiếc, hoặc do hậu quả của những âm mưu quỷ quái của Roubachof và các bạn hữu của ông ấy thuộc phe đối lập. Bộ râu kiểu Pouchkine của số 402 biến mất; hiện nay anh ta có bộ mặt nhẵn nhụi cụa kẻ cuồng tín; anh siêng năng rửa xà-lim và tuân hành gắt gao quy lệ khám đường. Cần gì cãi cọ với hắn? Những kẻ như vậy vô phương cải hóa. Nhưng không thể bỏ sự tiếp xúc duy nhứt và cuối cùng với thiên hạ.

Ai? Roubachof gõ rất rõ ràng và chậm chạp.

Câu trả lời đến liền và có vẻ bị khích động:

Không dính dáng gì đến ông.

Cũng được, Roubachof trả lời, và cho rằng câu chuyẹn đã chấm dứt, nên đứng lên đi bách bộ trở lại trong phòng. Nhưng những tiếng gõ nổi lên trở lại, lần này thật mạnh và âm vang rõ ràng - chắc hẳn số 402 dùng chiếc giày để nhấn mạnh lời lẽ của y:

Vạn tuế Đức Hoàng Đế!

À! hiểu rồi, Roubachof tự nhủ. Thì ra còn những tên phản cách mạng thật sự và chánh cống - vậy mà chúng mình cứ tưởng ngày nay người ta chỉ thấy bọn chúng trong những diễn từ của Người số I, dưới hình thức những con vật tế thần để che đậy những thất bại của ông ấy. Nhưng đây là một con vật tế thần thứ thiệt, một bằng chứng hóa giải tội trạng bằng xương bằng thịt cho Người số I, một kẻ rống lên một cách tận tình: Vạn tuế Đấng Quân vương!...

Amen, Roubachof đánh tiếng ấy nhè nhẹ, với một nụ cười nhăn nhó. Câu trả lời đến tức tốc, vang vang hơn trước:

Đồ súc sanh!

Roubachof cảm thấy vui thích. Ông dùng kiếng gõ để đổi giọng, rõ ràng nhưng uể oải:

Không hiểu rõ lắm.

Hình như số 402 nổi điên. Hắn gõ Đồ súc si... nhưng ngưng ở đó. Có lẽ đánh bấy nhiêu thì cơn giận bỗng nhiên lại hạ, hắn tiếp:

Tại sao ông vào tù?

Giọng giản dị rất dễ cảm... Mặt người số 402 biến đổi. Nó trở thành gương mặt của một sĩ quan vệ binh, đẹp và ngu ngốc. Biết đâu anh ta có cái kiếng một tròng? Roubachof dùng kiếng gõ:

Khác chánh kiến.

Yên lặng giây lát. Chắc hẳn số 402 bươi óc để tìm câu trả lời chua chát. Và câu ấy đã tìm thấy:

Hoan hô! Đám lang sói xâu xé nhau!

Roubachof không trả lời. Ông chán trò giải trí này và trở lại cuộc bách bộ. Nhưng viên sĩ quan ở phòng 402 có vẻ thích chuyện. Hắn gõ:

Roubachof...

À! Giọng điệu đi lần đến chỗ thân thiện.

Sao đó? Roubachof trả lời.

Số 402 hình như do dự, rồi một câu dài vọng tới: Ông đã ngủ lần chót với một người đàn bà hồi nào?

Chắc chắn hắn có cái kiếng một tròng; hắn dùng nó để gõ, và con mắt không kiếng của hắn có lẽ giựt lia vì thần kinh căng thẳng. Roubachof không hề cảm thấy bị xúc phạm. Ít ra, người này tỏ ra chân thật; thà vậy còn khá hơn nếu hắn gõ những lời biểu dương quân chù. Ông suy nghĩ một chút, rồi đánh:

Từ ba tuần qua.

Câu trả lời tới liền:

Kể tôi nghe hết đi!

Quả thật, anh ta đi hơi quá lố. Phản ứng đầu tiên của Roubachof là muốn ngưng cuộc đàm thoại; nhưng ông nhớ ra rằng kẻ láng giềng của ông rất hữu ích trong vai trò trung gian với số 400 và các xà lim nối tiếp. Phòng bên trái ông chắc không có người ở; sợi dây liên lạc ngừng ở đó. Roubachof nặn óc tìm câu trả lời; khi còn là sinh viên, ông đã từng nghe trong một hí viện lúc những người đàn bà mang vớ đen vũ khích động kiểu Pháp.

Ông thở dài kiên nhẫn và dùng kiếng gõ:

Những chiếc vú vàng hực như những trái bôm...

Ông mong mỏi giọng điệu như vậy thích hợp. Ông đoán đúng, vì số 402 khẩn khoản:

Tiếp tục đi. Tả rõ chi tiết.

Giờ đây, hẳn anh ta đang nóng nảy vặt râu mép. Thế nào hắn cũng có một bộ râu mép nhỏ hai đầu uốn xoắn. Quỷ bắt y; anh ta là người trung gian duy nhứt; phải giữ sự liên lạc. Các sĩ quan bàn tán với nhau những gì trong câu lạc bộ của họ? Toàn là về đàn bà và ngựa. Roubachof chùi kiếng vào tay áo và chăm chú gõ:

Những chiếc đùi như đùi ngựa cái non rừng rú...

Ông ngừng lại, hết gì để nói nữa. Dầu thiện chí đến đâu, ông cũng cạn sức. Nhưng số 402 hoan hỉ:

Ông quỷ quái thật! Anh ta gõ một cách khoái trá. Có lẽ hắn cười om sòm, nhưng chẳng nghe gì cả; hắn tự vỗ đùi hay vặn râu mép, nhưng chẳng ai thấy. Sự dâm tà trừu tượng câm lặng gây một sự khó chịu cho Roubachof.

Tiếp tục đi, số 402 đòi hỏi.

Không thể được - Hết rồi - Roubachof báo cho y biết, nhưng ông hối hận ngay. Không nên làm phật lòng số 402. May thay, số 402 không tỏ vẻ phật ý. Hắn lì lợm gõ bằng chiếc kiếng một tròng:

Tiếp tục đi - Tôi van ông...

Hiện nay Roubachof dượt lại khá đầy đủ để khỏi cần phải đếm ký hiệu nữa; ông tiếp thụ như nghe hắn bằng lời nói. Hình như ông thật sự nghe giọng của số 402 van xin ông kể thêm về vấn đề luyến ái. Lời kêu gọi trở lại, gấp hơn:

Tôi van ông - Tôi khẩn cầu ông...

Hẳn số 402 hãy còn trẻ - có lẽ lớn lên trong cơn bôn ba hải ngoại, con của một gia quyến quân phiệt lâu đời, được gởi về nước với một chiếu khán giả - chắc hắn đang bứt rứt lắm. Chắc hẳn hắn đang vặn râu mép và mang kiếng một tròng trở lại, nhìn một cách thất vọng lớp vôi trên tường:

Nói nữa đi - Làm ơn mà - Làm ơn mà.

Có thể hắn quỳ gối trên giường, hai tay chấp lại - chấp lại như tay của tù nhân ở số 407 để lấy khúc bánh mì.

Roubachof biết ngay cử chỉ ấy làm ông nhớ lại cảnh nào - đó là cử chỉ cầu khẩn của đôi tay gầy ngửa ra trong tranh Pietà...

9.

Pietà... Viện bảo tàng danh họa của một thành phố Nam Đức, một chiều thứ hai. Không một ai trong viện, trừ Roubachof và một thanh niên mà ông đến đó để gặp; cuộc chuyện trò của hai người diễn ra trên một chiếc băng nhỏ vòng tròn bọc nhung, giữa một phòng trống trải, trên tường treo hàng mấy tấn da thịt phụ nữ nặng nề, tác phẩm của các tay danh họa xứ Flandre. Lúc ấy vào năm 1933, trong những tháng đầu khủng bố, trước khi Roubachof bị bắt ít lâu. Phong trào bị truy lùng, các nhân viên bị đặt ngoài vòng pháp luật, nã tróc, hạ sát bằng dùi. Đảng không còn là một tổ chức chánh trị nữa; chỉ còn là một khối thịt đầy máu me có hằng ngàn cánh tay và hằng ngàn đầu. Như tóc và móng tay móng chưn của người chết cứ tiếp tục mọc thêm, người ta vẫn nhận thấy những hoạt động trong các tiểu tổ tức là những bắp thịt và tứ chi của Đảng đã chết. Trong khắp nước, có những nhóm nhỏ hội họp những kẻ còn sống sót sau tai biến và tiếp tục mưu đồ trong bí mật. Họ gặp nhau dưới hầm rượu, trong rừng, ở nhà ga, bảo tàng viện và hội sở thể thao. Họ luôn luôn dời phòng, đổi tên và đổi thói quen. Họ chỉ biết nhau qua tiểu danh và không bao giờ hỏi thăm địa chỉ nhau. Mỗi người đặt sanh mạng mình vào tay kẻ khác, và không ai tin cậy đồng chí mình. Họ in truyền đơn để tự thuyết phục chính họ và kẻ khác rằng họ còn sống. Họ lẫn lút ngày đêm trong các đường nhỏ hẹp ở ngoại ô và viết lên tường những khẩu hiệu cũ để chứng minh họ còn sống. Bình minh, họ leo lên các ống khói nhà máy treo cờ, để cho biết họ còn sống. Ít ai thấy truyền đơn của họ, và được là họ mau mau liệng bỏ, vừa run sợ mà thấy thông điệp từ cõi chết hiện về; khi gà gáy, những chiến từ trên tường bị xóa, những lá cờ bị rứt khỏi các ống khói, nhưng chúng vẫn tái xuất hiện không ngớt. Vì khắp nước vẫn còn những nhóm nhỏ tự mệnh danh là “Kẻ chết đang nghỉ hè” và tận dụng đời sống của họ để chứng minh họ hãy còn sống.

Họ thiếu phương tiện liên lạc các nhóm với nhau; sợi dây thần kinh của đảng bị đứt và mỗi nhóm chỉ đại diện cho chính mình. Nhưng lần lần, họ dò đường trở lại chung quanh họ. Những tay chào hàng đáng kính từ ngoại quốc đến, với những chiếu khán giả và những rương hai đáy; đó là các vị Đại biểu. Họ thường bị tra tấn và bị chặt đầu; những kẻ khác thay chân họ. Đảng chỉ còn là một thân thể không sự sống, không thể cựa mình hay hô hấp, nhưng tóc móng vẫn tiếp tục mọc dài ra; các lãnh tụ gởi qua biên giới các giòng điện để tráng lại cái thân thể vô tri và khích động trong tứ chi những trận động kinh.

Pietà... Roubachof quên số 402 và tiếp tục đi sáu bước rưỡi mỗi hướng; ông thấy mình trở lại chiếc băng vòng tròn bọc nhung trong bảo tàng viện thoảng mùi bụi bậm và sáp đánh sàn gỗ. Từ nhà ga, ông đi thẳng tới nơi hẹn bằng xe tắc xi, và ông đã đến sớm vài phút. Ông gần như chắc chắn không bị ai quan sát. Chiếc va-li đựng đầy hàng mẫu mới nhứt của một nhà sản xuất Hòa Lan về dụng cụ cho các nha sĩ, được gởi ở nơi giữ đồ vật. Ngồi tại chiếc băng tròn bọc nhung, ông chờ đợi vừa nhìn qua chiếc kiếng kẹp mũi những khối thịt mềm trải trên các bức tường.

Người trẻ tuổi mang tên Richard lúc này là Trưởng nhóm của đảng trong thành phố này, đến trễ vài phút. Anh chưa hề thấy Roubachof và Roubachof cũng chưa thấy anh bao giờ. Anh đã đi xuyên qua hai phòng vắng người mới thấy Roubachof trên chiếc băng tròn. Một quyển sách nằm trên gối của Roubachof: cuốn Faust của Goethe do nhà Xuất bản quốc tế của Reclam ấn hành. Thanh niên nhìn quyển sách, liếc nhanh chung quanh, và ngồi xuống cạnh Roubachof. Anh rụt rè, ngồi ghé vào chiếc băng, cách một quãng xa Roubachof, chiếc mũ cát kết trên đầu gối. Anh là thợ sửa ống khóa và mặc một bộ y phục đen dành cho ngày chủ nhựt; anh biết rằng một người ăn mặc theo lối thợ thuyền sẽ bị chú ý trong một bảo tàng viện.

- Chào ông - Anh nói - Xin thứ lỗi đi trễ cho tôi.

- Được rồi - Roubachof nói - Trước tiên là danh sách các chiến hữu. Anh có mang theo đó không?

Thanh niên tên Richard lắc đầu.

- Tôi không mang danh sách theo mình - Anh nói - Tôi có tất cả trong đầu, địa chỉ và những gì cần biết.

- Tốt lắm. Nhưng nếu anh bị chúng bắt thì sao?

- Vì vậy, Richard, nên tôi có đưa cho Annie một bản danh sách. Annie, anh biết, là vợ tôi.

Anh ngừng lại, nuốt nước bọt, trái cổ động đậy; rồi lần đầu tiên, anh nhìn thẳng vào mặt Roubachof thấy đôi mắt anh đỏ ngầu; đôi tròng hơi lộ mang nhiều gân đỏ; trên chiếc cổ áo đen, một bộ râu hai ngày chưa cạo phủ cằm và gò má.

- Annie bị bắt hồi chiều hôm qua, anh biết không? - Anh nói, vừa nhìn Roubachof; và Roubachof đọc trong mắt anh niềm hy vọng ấu trĩ rằng ông, Đại biểu của Trung ương Đàng bộ, có thể làm một phép lạ để giúp đỡ anh.

- Thật vậy à? - Roubachof vừa nói vừa chùi kiếng vào tay áo - Vậy thì cảnh sát có cả bản danh sách sao?

- Không, - Richard bảo - bởi vì chị vợ tôi cũng ở trong căn nhà khi họ tới tìm vợ tôi vài chị ấy đã lén lấy được bản danh sách trong người vợ tôi. Đối với chị ấy thì không có gì nguy hiểm, anh biết không. Chị ấy là người của ta.

- Tốt lắm - Roubachof nói - Khi vợ anh bị bắt thì anh ở đâu?

- Chuyện như vầy - Richard nói - Anh biết không, từ ba tháng nay tôi không ngủ ở nhà. Tôi có người bạn thân làm nghề chiếu phim trong một rạp chớp bóng; tôi có thể đến với ảnh và khi trình diễn phim xong, tôi có thể ngủ tại phòng chiếu. Từ đó xuống thẳng dưới đường bằng một cầu thang an ninh. Lại có phim trước mắt... - Anh ngừng lại và nuốt nước bọt - Annie luôn luôn có giấy xem hát do bạn tôi tặng, anh biết không, và khi tắt đèn trong rạp thì nó nhìn về phòng chiếu. Annie không thấy tôi, nhưng nhiều lúc tôi thấy rõ mặt nó khi có nhiều ánh sáng trên màn ảnh.

Hắn ngừng nói. Ngay trước mặt hắn là bức tranh: “Phán xét cuối cùng”: những thiên sứ tóc quăn, mông và chân mập mạp bay giữa cơn giông tố vừa thổi kèn. Phía trái Richard là một bức tranh vẽ bằng nét bút của một họa sư Đức. Roubachof chỉ thấy một phần tranh, phần còn lại bị cái dựa lưng của băng nhung và đầu của Richard che khuất: hai tay gầy của Đức Mẹ ngửa lên trời, chụm lại thành hình cái chén rượu, và một khoảng trời trống trải vẽ bằng những nét ngang. Không thể thấy nhiều hơn nữa vì trong lúc nói chuyện, Richard giữ cái đầu bất động trên chiếc cổ đo đỏ, hơi cúi xuống.

- À này! - Roubachof nói - Vợ anh mấy tuổi?

- Mười bảy.

- Vậy à! Còn anh mấy tuổi?

- Mười chín.

- Mấy con? - Roubachof hỏi đầu hơi vươn lên, nhưng cũng không thấy bức tranh thêm bao nhiêu.

- Mới có thai đứa đầu. - Richard nói, bất động như một khối chì.

Yên lặng một lúc, rồi Roubachof bảo anh kể hết nhân viên của Đảng theo danh sách. Độ ba mươi cái tên. Ông hỏi vài câu và ghi nhiều địa chỉ trong quyền sổ đặt mua những dụng cụ nha khoa của nhà sản xuất Hòa Lan. Ông ghi trên những khoảng trống danh sách dài gồm những nha sĩ và những công dân lương thiện trong vùng, chép ra theo niên giám điện thoại. Khi ông viết xong, Richard nói:

- Bây giờ, thưa đồng chí, tôi muốn báo cáo vắn tắt về công tác của chúng tôi.

- Tốt lắm - Roubachof nói - Tôi nghe đây.

Richard báo cáo. Ngồi cách Roubachof chừng mấy tấc, trên chiếc băng hẹp, hắn hơi nghiêng ra trước, hai bàn tay to và đỏ đặt trên gối của cái quần dành cho ngày chủ nhựt; chưa lần nào anh đổi cách ngồi trong lúc nói chuyện. Rắn rỏi và chính xác như một kế toán viên, anh nói về những lá cờ trên mấy cái ống khói nhà máy, những khẩu hiệu trên tường và truyền đơn đặt trong các phòng của những nhà máy. Trước mặt anh, các thiên thần thổi kèn giữa cơn giông, sau cái đầu nghiêng nghiêng của anh, Đức Mẹ bị che khuất đưa hai bàn tay gầy; chung quanh hai người, trên các bức tường, những hông, đùi, vú khổng lồ đang ngắm họ.

Những cái vú vàng hực như những quả bôm trở lại trong trí Roubachof. Ông đứng sững lại ở viên gạch đen thứ ba kể từ cửa sổ của xà lim để nghe xem số 402 có còn gõ nữa không. Không có tiếng động nào cả. Roubachof nhìn qua lỗ dòm tìm người ở phòng số 407 đã ngửa tay lấy bánh mì. Ông thấy chiếc cửa sắt xám của xà lim 407 với cái lỗ dòm đen ngòm. Ánh đèn điện vẫn rọi sáng trong hành lang; một sự yên lặng chết chóc trùm phủ; người ta khó tin có những con người sống sau mấy cánh cửa đó.

Trong khi Richard báo cáo, Roubachof không ngắt lới anh lần nào. Trong số ba mươi đảng viên đàn ông và đàn bà mà Richard đã gom lại sau tai biến, hiện chỉ còn mười bảy. Hai trong số đó, một người thợ ở xưởng và người bạn gái của hắn, đã nhảy qua cửa sổ khi lính tới tìm họ. Một người khác đã đào nhiệm, bỏ thành phố, biến mất. Có hai người mà họ nghi là mật báo viên của cảnh sát, nhưng chưa chắc. Trong số ba người đã bỏ Đảng để phản đối Trung Ương đảng bộ, hai đã thành lập một nhóm đối lập và người thứ ba gia nhập vào đảng Ôn hòa. Năm người, trong đó có Annie mới bị bắt chiều hôm qua; người ta biết ít ra cũng hai người trong bọn họ không còn sống. Chỉ còn mươi bảy người tiếp tục phát truyền đơn và viết nguệch ngoạc lên tường.

Richard kể chuyện ấy với đầy đủ chi tiết vụn vặt để Roubachof hiểu rõ đầu đuôi gốc ngọn và những giao dịch cá nhân của hắn; hắn không biết rằng trung ương cục có đặt người tín nhiệm trong nhóm của hắn từ lâu, và người ấy đã cho Roubachof phần lớn những hoạt động của hắn. Hắn cũng chẳng biết người đó chính là bạn hắn chuyên viên chiếu phim điện ảnh mà hắn đã ngủ trong phòng chiếu; cũng chẳng biết từ lâu người đó là tình nhân của vợ hắn, Annie, kẻ bị bắt hôm qua. Richard chẳng biết gì hết, mà Roubachof lại biết rõ. Phong trào đổ vỡ nhưng cục tình báo vẫn còn hoạt động; có lẽ chỉ ngành này còn hoạt động, và lúc ấy do Roubachof chỉ huy. Chuyện đó, thanh niên mặc y phục đẹp có cái ót như bò mộng cũng chẳng hay biết. Tất cả những gì hắn biết, là Annie bị bắt đưa đi và bọn anh vẫn phải tiếp tục rải truyền đơn và viết lên tường; và anh cần phải trông cậy vào Roubachof như đối với cha đẻ anh, người đồng chí này được Trung ương Đảng phái đến; nhưng không nên để lộ tình cảm này cũng không nên cho thấy một chút yếu ớt nào của mình. Kẻ nào tỏ ra dịu dàng và tình cảm thì không xứng đáng với nhiệm vụ, phải bị loại khỏi phong trào, rơi vào sự cô độc và tối tăm.

Trong hành lang, những bước chân tới gần. Roubachof bước đến cửa, gỡ kiếng, đặt sát mắt vào lỗ dòm. Hai viên chức mang dây nịt da to bảng hộ tống một nông dân trẻ tuổi, theo sau là người già nhỏ thó thường mang xâu chìa khóa. Người nông dân có một con mắt sưng húp và một vệt máu đọng đen ở môi trên; lúc đi ngang, anh dùng tay áo chùi máu mũi, cái mặt trẹt của anh mất cả thần sắc. Cách đó không xa và ngoài tầm mắt của Roubachof, một cánh cửa xà lim mở ra rồi đóng sầm lại. Hai viên chức và ngục tốt trở lại.

Roubachof đi bách bộ trong xà lim. Ông thấy lại mình ngồi gần Richard trên chiếc băng bọc nhung; ông nghe trở lại sự yên lặng đè nặng trên hai người khi thanh niên phúc trình xong. Richard không nhúc nhích; hắn chờ đợi, hai tay đặt lên đầu gối. Hắn ngồi đó như kẻ xưng tội và chờ đợi sự phán quyết của vị Giáo đạo. Sự yên lặng kéo dài khá lâu. Kế đó, Roubachof nói:

- Tốt lắm. Hết rối hả?

Thanh niên gật đầu; trái cổ động đậy.

- Có nhiều điều không rõ ràng trong phúc trình của anh - Roubachof nói - Anh nói nhiều lần về những truyền đơn và tài liệu do chính anh thảo ra. Chúng tôi đã thấy rồi, và nội dung bị đả kích nghiêm khắc. Có nhiều ý kiến trong đó mà Đảng không thể nào chấp nhận.

Richard nhìn ông có dáng sợ hãi; hắn đỏ mặt. Roubachof thấy da ở gò má anh đỏ rần lên và đám gân máu đỏ lòm ở hai mắt anh dầy đặc thêm.

- Hơn nữa, - Roubachof tiếp - chúng tôi đã gởi cho các anh nhiều lần những bản văn in sẵn để phân phối, có cả ấn bản đặc biệt khổ nhỏ của cơ quan chánh thức của Đảng. Các anh cũng đã nhận được.

Richard gật đầu. Màu đỏ vẫn không rời mặt hắn.

- Nhưng các anh không phân phối tài liệu của chúng tôi; anh cũng không đề cập tới điều đó trong báo cáo của anh. Thay vào đó, các anh đã cho luân lưu những bản văn do các anh sáng tác - không có sự kiểm soát và đồng ý của Đảng.

- Nh... Nhưng phải l... làm vậy.

Richard đã cố gắng lắm mới thốt được lời ấy. Roubachof nhìn hắn rất kỳ xuyên qua kiếng mắt kẹp mũi; ông đã không nhận thấy tật cà lăm của hắn trước đó. Lạ chưa, ông tự bảo, đây là trường hợp thứ ba trong mười lăm ngày. Những bất thường nho nhỏ mà chúng ta có trong Đảng lên tới một số lượng đáng ngạc nhiên! Phải chăng vì những hoàn cảnh trong đó chúng ta làm việc, hay chính tính chất của phong trào đã tán trợ cho sự tuyển chọn những bất thường ấy?...

- A... Anh ph... phải hiểu, thưa đồng chí - Richard nói với dáng điệu thống khổ càng lúc càng tăng gia - Gi... Giọng của các tài liệu tuyên truyền của các anh không hợp, b... bởi vì...

- Nói nhỏ một chút, - Roubachof bỗng nói với giọne cụt ngủn - và đừng quay đầu về phía cửa.

Một thanh niên cao lớn mặc đồng phục đen cận vệ quân của chế độ bước vào phòng với cô bạn gái của hắn. Đó là một cô gái tóc vàng phì nộn; hắn choàng tay sau cái lưng vĩ đại của cô gái, còn cô ta đặt cánh tay lên vai hắn. Họ không chú ý đến Roubachof và bạn đồng hành của ông, và ngừng lại trước những thiên thần thổi kèn, quay lưng về chiếc băng.

- Đừng ngừng nói chuyện. - Roubachof bình tĩnh nói nho nhỏ, và tự động móc túi lấy ra một chiếc hộp đựng thuốc hút. Rồi, nhớ ra không được hút thuốc trong bảo tàng viện, ông bỏ hộp thuốc vào túi trở lại. Thanh niên như tê liệt vì điện giựt, nhìn trân trối cặp trai gái.

- Đừng ngừng nói - Roubachof bình thản lặp lại - Có phải anh cà lăm từ nhỏ không? Trả lời và đừng nhìn lại đó nữa.

- V... Vài khi. - Richard nói một cách khó nhọc.

Cặp nọ đi dài theo hàng tranh. Họ dừng lại trước bức khỏa thân, vẽ một người đàn bà thật mập nằm ngửa trên một lớp xa tanh nhìn khán giả. Người đàn ông thì thầm mấy lời ý chừng muốn tỏ ra dí dỏm, vì thiếu phụ cười một cách ngu ngốc và liếc nhìn về phía hai người ngồi trên băng. Họ đến một bức họa tĩnh vật hình dung mấy con chim trĩ và trái cây.

- T... Ta có n... nên đ... đi không?

- Không. - Roubachof nói. Ông sợ một khi đứng lên thanh niên dao động như vậy có thể làm thiên hạ chú ý. Họ sẽ đi khỏi đây bây giờ. Chúng ta quay lưng lại ánh sáng; họ không thấy ta rõ ràng đâu. Thở chậm chậm và thật sâu nhiều lần liên tiếp. Sẽ khá ngay.

Thiếu phụ vẫn cười mãi và cặp ấy hướng chầm chậm về phía cửa ra. Lúc đi qua cả hai quay lại nhìn Roubachof và Richard. Họ sắp rời khỏi phòng tranh, khi cô ta chỉ ngón tay về bức tranh Pietà, hai người

dừng lại xem.

- Có phải tôi nói c... cà lăm l... là bất tiện không? - Richard hỏi nhỏ, mắt nhìn dán xuống sàn gỗ.

- Phải ráng tự chủ. - Roubachof nói với giọng lạnh lùng, ông không thể để cho tình cảm len vào câu chuyện.

- Chỉ một lúc là tôi b... bớt - Richard nói, trái cổ chuyển động liên hồi - Annie ch... chế nhạo tôi mãi vì chuyện đó.

Khi cặp nọ còn trong phòng là Roubachof không thể hướng dẫn cuộc đàm thoại. Lưng người đàn ông đồng phục sừng sững bên cạnh Richard. Sự nguy hiểm chung giúp thanh niên vượt qua sự nhút nhát; hắn nhích lại gần Roubachof một chút.

- Annie cũng yêu tôi - Hắn thì thầm tiếp với một giọng bình tĩnh hơn, sự sôi nổi trong lòng hắn đã đổi tính chất - Tôi không bao giờ hiểu thật sự v... vợ tí nghĩ gì. Nó không muốn có con, nh... nhưng không làm sao thoát được chuyện đó. C... Có lẽ họ không làm gì nó trong khi nó mang thai. Chắc như vậy rồi, anh biết không. Anh nghĩ xem họ có đánh đập đàn bà có thai không?

Hắn hất cằm chỉ người đàn ông mặc đồng phục. Vào lúc đó, người ấy bỗng dưng quay đầu lại nhìn Richard. Họ nhìn nhau khoảng một giây. Người nọ nói gì nho nhỏ với cô bạn đồng hành; cô ta cũng quay đầu lại. Roubachof lại nắm hộp thuốc, nhưng lần này ông buông trở lại trước khi rút ra khỏi túi. Cô gái nói nho nhỏ và kéo thanh niên đi. Cả hai đi chầm chậm khỏi bảo tàng viện, nhưng người đàn ông hơi ngập ngừng. Người ta nghe tiếng cười hềnh hệch của cô gái, rồi bước chân của họ xa dần.

Richard đã quay đầu lại nhìn theo họ. Nhờ đó, Roubachof có thể thấy bức vẽ rõ hơn; ông thấy đôi cánh tay mảnh mai của Đức Mẹ đến tận cùi chỏ. Những cánh tay ốm gầy của một cô gái nhỏ, nâng lên với một sự nhẹ nhàng vô hình về phía chiếc thánh giá vô hình.

Roubachof nhìn đồng hồ tay. Thanh niên nhích xa ông một chút trên băng.

- Chúng ta phải chấm dứt câu chuyện - Roubachof nói - Nếu tôi không lầm, anh nói rằng anh không phân phát tài liệu của chúng tôi là một sự cố ý, bởi vì anh không tán thành nội dung. Nhưng chúng tôi cũng không tán thành nội dung những truyền đơn của anh. Đồng chí có biết rằng có nhiều hậu quả xuất phát từ chuyện đó không?

Richard quay nhìn ông với đôi mắt đỏ lòm. Rồi hắn cúi đầu.

- Chính anh cũng biết rằng những bản văn mà các anh gởi đến chứa đầy vụng về. - Richard nói với giọng mất thần. Bỗng nhiên anh không cà lăm nữa.

- Tôi không thấy như vậy bao giờ. - Roubachof nói với giọng gắt gỏng.

- Các anh viết như không có chuyện gì xảy ra - Richard nói một cách chán chường - Đảng bị tàn sát, các anh lại viết những câu đẹp về cuộc trường hành thẳng lợi của chúng ta - cùng một loại láo khoét như những thông cáo hồi thế chiến. Đưa truyền đơn ấy cho ai, người ta cũng phỉ nhổ lên nó. Chính anh cũng biết như vậy.

Roubachof nhìn đứa trẻ ấy, hiện nghiêng người ra trước, cùi chỏ chống lên đầu gối, cằm trên hai nắm tay đỏ rần.

Ông xẵng giọng:

- Đây là lần thứ hai anh gán cho tôi một ý kiến không phải của chính tôi. Tôi yêu cầu anh đừng làm vậy nữa.

Richard nhìn ông bằng đôi mắt đỏ ngầu với dáng điệu của kẻ không tin người ta nói với mình như vậy. Roubachof tiếp:

- Đảng đang gặp một cuộc thử thách dữ dội. Nhiều đảng cách mạng cũng đã chịu đựng những hồi khó khăn hơn nữa. Yếu tố quyết định là ý chí bất khuất của chúng ta. Kẻ nào ngày nay mềm yếu không xứng đáng ở trong hàng ngũ của chúng tôi nữa. Kẻ nào gieo rắc một không khí khủng khiếp là nối giáo cho giặc. Những nguyên do thúc đẩy kẻ ấy làm như vậy đều hoàn toàn bất lợi. Thái độ của kẻ ấy làm cho y trở nên mối hiểm họa cho phong trào chúng tôi, và y sẽ bị đối xử thích đáng.

Richard vẫn ngồi đó, cằm trong hai bàn tay, quay mặt sang Roubachof:

- Như vậy tôi là mối hiểm họa của phong trào, tôi nối giáo cho giặc. Không biết chừng tôi được người ta mướn làm như vậy. Và Annie cũng vậy...

- Trong những tập tài liệu của anh, - Roubachof vẫn nói giọng gắt gỏng - mà anh nhìn nhận là tác người ta thường đọc thấy những câu như vầy: Chúng ta đã chịu đựng sự thất bại, Đảng đã gặp một tai họa khủng khiếp, và chúng ta phải trở lại điểm khơi đầu để xét lại toàn diện kế hoạch. Đó là sự đầu hàng. Như vậy là làm mất tinh thần và làm hại ý chí đấu tranh của Đảng.

- Tất cả những gì tôi biết, - Richard nói - là ta phải nói sự thật, vì mọi người đều biết tất cả rồi. Nếu ta bảo khác đi là lố bịch.

- Đại hội của Đảng vừa qua, - Roubachof nói - đã tuyên bố trong một quyết nghị rằng Đảng không hề gặp thất bại và chỉ thi hành một cuộc di tản chiến thuật; và không một lý do nào sửa đổi chánh sách đã đề ra trước đây.

- Chánh sách như vậy, là đồ liệng giỏ rác. - Richard nói.

- Nếu anh tiếp tục như vậy, tôi sợ mình phải chấm dứt ngay câu chuyện.

Richard nín một lúc. Phòng bắt đầu tối; trên tường những hình thể của các thiên thần và những người đàn bà mờ ảo thêm và trở thành u ám hơn.

- Tôi xin anh thứ lỗi, - Richard nói - tôi muốn nói rằng đường lối của Đảng sai lầm. Các anh nói rằng “di tản chiến thuật” trong khi phân nửa đồng chí chúng ta bị giết, những kẻ còn lại rất sung sướng thấy mình còn sống đến nỗi họ ồ ạt sang phe kia. Những quyết nghị trong đó các anh ở ngoại quốc, các anh chẻ sợi tóc làm bốn, thì ở đây không ai hiểu cả...

Những đường nét của Richard bắt đầu mờ ảo trong hoàng hôn. Hắn ngừng nói, rồi tiếp:

- Tôi thí dụ như Annie, chiều hôm qua đã thi hành một cuộc “di tản chiến thuật”. Tôi khẩn cầu anh. Anh phải thông cảm. Ở đây, anh biết không, chúng tôi sống trong rừng rú...

Roubachof chờ xem hắn còn gì nói nữa không, nhưng Richard không nói gì nữa. Màn đêm trùm phủ rất mau. Roubachof mở kiếng chùi vào tay áo.

- Đảng không bao giờ lầm lẫn - Roubachof nói - Anh và tôi, chúng ta có thể lầm. Nhưng Đảng thì không. Đảng là một cái gì vĩ đại hơn anh và tôi và hơn cả ngàn kẻ khác như anh và tôi. Đảng là hiện thân của tư tưởng cách mạng trong lịch sử. Lịch sử không hề biết tế nhị mà cững chẳng biết ngần ngại. Vô tri và không hề lầm lỗi, lịch sử chảy đến mục đích. Ở mỗi khúc quanh trên giòng của nó, lịch sử để lại số bùn mà nó cuốn theo và những thây người bị đắm. Lịch sử biết con đường đi của mình. Nó không bao giờ lầm lẫn. Kẻ nào không tin tưởng tuyệt đối vào lịch sử thì không có chỗ đứng trong hàng ngũ Đảng.

Richard không nói gì; tay nâng đầu, mặt bất động của hắn quay về phía Roubachof. Thấy hắn nín thinh, Roubachof tiếp:

- Anh đã làm trở ngại sự phân phối tài liệu của chúng tôi; anh đã loại bỏ tiếng nói của Đảng; anh đã phát ra những tập sách mà mỗi chữ đều trật và tai hại; anh đã viết: “Những kẻ còn lại của phong trào cách mạng phải tập họp và tất cả các lực lượng đối nghịch với bạo lực phải hợp nhứt; chúng ta cần chấm dứt những cuộc huynh đệ tương tàn quá lâu, và tiếp tục cuộc tranh đấu chung”. Như vậy là trật. Đảng, không thể kết hợp với bọn Ôn hòa. Chính bọn ấy không biết bao nhiêu lần, đã quyết tâm phản bội phong trào, và chúng sẽ tái phạm vào dịp tới và kế tiếp. Hòa giải với chúng là chôn cách mạng. Anh đã viết: “Khi lửa tới nhà, mọi người phải hợp tác dập tắt nó; nếu chúng ta tiếp tục tranh luận về những điểm của chủ nghĩa, chúng ta sẽ bị biến thành tro”. Trật. Chúng ta, ta chống lửa bằng nước; những kẻ khác đồ dầu vào lửa. Chúng ta phải quyết định xem phương pháp nào tốt, nước hay dầu, trước khi dung hợp các đoàn chữa lửa. Ta không thể làm chánh trị kiểu đó.; Chúng ta không thể công thức hóa một chánh sách vì phẫn nộ và vì thất vọng. Đường lối Đảng đã được quy định rõ ràng; như một con đường mòn nhỏ hẹp trên núi. Bước trật sang phải hay sang trái là xuống hố sâu. Không khí ở đó cũng ít oi, kẻ nào bị chóng mặt là mất mạng.

Bóng mờ hiện thời đã dầy đặc đến nỗi Roubachof không còn thấy đôi bàn tay của bức tranh Pietà. Chuông reo hai hồi, chát chúa và thấm thía; mười lăm phút nữa, viện bảo tàng sẽ đóng cửa. Roubachof nhìn đồng hồ tay; còn phải nói tiếng quyết liệt, rồi thì chấm dứt. Richard ngồi bất động bên ông, cùi chỏ đặt lên đầu gối.

- Thưa anh, - Hắn nói - tôi không có câu trả lời về những việc đó - Giọng hắn thều thào và mệt mỏi - Những gì anh nói hẳn phải đúng. Và điều anh nói về đường mòn trên núi rất đẹp. Nhưng tất cả những gì tôi biết là chúng ta đã đại bại. Những kẻ còn lại bỏ chúng ta. Có thể vì trời lạnh quá trên con đường núi mòn! Những kẻ khác - họ có nhạc và cờ đẹp và họ ngồi tất cả quanh ngọn lửa thật ấm. Phải chăng nhờ vậy mà họ thắng. Còn chúng ta, thì chúng ta chịu đủ mọi thống khổ.

Roubachof yên lặng nghe. Trước khi đọc bản án quyết liệt, ông muốn biết thanh niên còn muốn nói gì nữa không. Hiện nay không thể thay đổi bản án dẫu hắn nói gì đi nữa; nhưng ông vẫn chờ.

Bóng dáng mạnh dạn của Richard càng lúc càng mờ trong hoàng hôn. Hắn nhích ra xa Roubachof hơn nữa trên băng tròn; hai vai hắn cong xuống và mặt hắn vùi gần trọn vẹn trong hai bàn tay. Roubachof ngồi thẳng lên trên chiếc băng; ông chờ đợi. Ông cảm thấy đau nhói ở hàm trên; chắc hẳn chiếc răng cửa hư.

Một lúc sau ông nghe giọng nói Richard:

Roubachof đưa lưỡi rà chiếc răng đang làm ông đau. Ông thấy cần phải đưa ngón tay rờ vào nó trước khi nói lời quyết liệt, nhưng ông cố nhịn. Ông nói một cách bình tĩnh:

- Chiếu theo quyết nghị của Trung ương, tôi báo cho anh biết, anh Richard, rằng anh không còn là đảng viên nữa.

Richard không nhúc nhích. Lần này, Roubachof cũng chờ một lúc trước khi đứng lên. Richard vẫn ngồi. Anh chỉ ngẩng đầu lên nhìn ông và hỏi:

- Có phải vì việc này mà anh tới không?

- Đại để là vậy. - Roubachof nói. Ông muốn đi, nhưng đứng lại trước Richard và chờ đợi.

- Giờ đây, tôi sẽ ra sao? Richard hỏi.

Roubachof không nói gì. Một lúc sau, Richard nói:

- Bây giờ, tôi nghĩ rằng tôi cũng không thể ở trong phòng chiếu phim của bạn tôi nữa phải không?

Roubachof hơi do dự trước khi nói:

- Như vậy càng tốt cho anh.

Ông tự trách mình ngay đã thốt ra câu đó, đồng thời ông cũng không chắc Richard hiểu những gì ông muốn nói. Ông nhìn xuống hình hài sụp đổ của Richard:

- Tốt hơn là chúng ta ra khỏi bảo tàng viện riêng từng người. Chào anh.

Richard nhổm lên, nhưng vẫn ngồi. Trong bóng mờ, Roubachof không thể đoán được sự biểu lộ của đôi mắt đỏ ngầu, hơi lộ của hắn; tuy nhiên, chính hình ảnh mờ ảo của cái thân thể nặng nề ngồi bất động đó đã ghi mãi mãi vào tâm não Roubachof.

Ông ra khỏi gian phòng, đi xuyên qua phòng kế đó, cũng trống trải và tối tăm. Bước chân của ông nghiến ken két trên sàn nhà. Chỉ đến lúc tới cửa ra ông mới nhớ mình đã không nghĩ đến việc nhìn bức vẽ Pietà; hiện thời, ông chỉ biết chi tiết hai tay chấp vào nhau và những cánh tay gầy mà thôi.

Đến những bực thềm, ông dừng lại. Chiếc răng của ông càng nhức nhối thêm; bên ngoài, trời lạnh. Ông quấn quanh cổ chiếc khăn choàng len màu xám cũ. Những ngọn đèn đường đã cháy sáng trên công trường rộng và yên tĩnh trước bảo tàng viện; vào giờ đó rất ít người; một chiếc xe lửa nhỏ chạy rầm rầm trên thông lộ trồng cây hai bên, vừa giựt chuông. Ông tự hỏi có thể tìm được tắc xi không.

Richard theo kịp khi ông đến bực thềm chót; hắn thở hào hển, gần đứt hơi. Roubachof tiếp tục đi, không gấp gáp cũng không chậm lại và không quay đầu. Richard cao hơn ông cái đầu và mập hơn nhiều, nhưng hắn rút đầu xuống hai vai, có vẻ nhỏ nhoi bên Roubachof và bước chậm lại. Đi được vài bước, hắn nói:

- Phải chăng là lời cảnh cáo, khi tôi hỏi anh tôi có nên xa bạn tôi không thì anh nói: “Như vậy càng tốt cho anh”?

Roubachof thấy một chiếc tắc xi bật đèn pha sáng chói đang chạy lên thông lộ. Ông đừng lại bên lề, chờ xe tới. Richard đứng bên ông.

- Tôi không còn gì nói với anh Richard. - Roubachof vừa nói vừa gọi tắc xi.

- Đồng chí - nh... nhưng đồng chí đừng tố cáo tôi, đồng chí... - Richard nói.

Chiếc tắc xi chậm lại, chỉ còn cách chừng hai chục bước. Richard khòm lưng trước Roubachof; hắn nắm tay áo choàng của ông và nói thẳng vào mặt ông; Roubachof cảm thấy những giọt nước miếng của hắn văng lên trán ông.

- Tôi không phải kẻ thù của Đảng - Richird nói - Anh không nên đưa tôi đến lò thịt, đ... đồng chí...

Chiếc tắc xi dừng lại bên lề; hẳn người tài xế đã nghe tiếng sau cùng. Roubachof tính toán rất mau rằng mình có xua đuổi hắn cũng chẳng ích lợi gì; một cảnh sát viên ngừng xe cách đó lối một trăm thước. Người tài xế, một lão già nhỏ thó mặc áo da, nhìn hai người một cách bình thản.

- Tới nhà ga. - Roubachof nói khi bước lên tắc xi.

Người tài xế thò tay ra sau đóng ập cửa xe. Richard đứng trên lề đường, mũ cát-két trên tay; trái cổ của anh lay động dữ dội. Tắc xi khởi chạy, hướng về phía người cảnh sát rồi vượt khỏi nhân viên này. Roubachof không quay nhìn lại, nhưng ông biết Richard vẫn đứng trên lề nhìn trân trân đèn đỏ xe tắc-xi.

Vài phút sau, xe đi xuyên qua những con đường đông đảo; người tài xế quay đầu mấy lượt như muốn biết chắc người khách của ông ta còn đó hay không. Roubachof không biết rõ thành phố để chắc chắn quả đúng là xe đang hướng về nhà ga hay không. Đường phố yên lặng hơn; ở đầu một thông lộ là một tòa nhà đồ sộ có một chiếc đồng hồ to sáng loáng; xe ngừng trước nhà ga.

Roubachof bước xuống; những xe tắc xi ở thành này chưa có đồng hồ tính tiền.

- Bao nhiêu? Ông hỏi.

- Khỏi trả tiên. - Người tài xế nói. Ông ta có một gương mặt già háp và nhăn nheo; ông móc trong túi ra một khăn tay màu đỏ dơ dáy và hỉ mũi một cách trịnh trọng.

Roubachof nhìn ông ta chăm chú xuyên qua chiếc kiếng kẹp mũi. Ông chắc chắn chưa hề thấy gương mặt ấy lần nào. Người tài xế bỏ khăn vào túi.

- Đối với những người như ông, thì luôn luôn tôi chạy giùm. - Vừa nói người ấy vừa kéo thắng tay.

Bỗng ông ta đưa bàn tay ra. Một bàn tay già nổi gân đầy và móng đóng ghét.

- Chúc ông may mắn- Ông vừa nói vừa mỉm cười với Roubachof với dáng

bỡ ngỡ - Nếu người bạn trẻ của ông cần gì - tôi thường đậu xe trước viện bảo tàng. Ông có thể gởi cho y biết số xe của tôi, thưa ông.

Roubachof thấy bên tay phải mình một người phu khuân vác, đứng tựa cột nhìn hai người. Ông không nắm bàn tay đưa ra của ông tài xế; ông đặt vào đó một đồng tiền và vào nhà ga không nói tiếng nào.

Ông chờ một giờ trước khi xe lửa khởi hành. Ông uống tại quầy giải khát một thứ cà phê thật dở; chiếc răng dày vò ông. Trong xe lửa, ông ngủ gà ngủ gật và mơ thấy mình chạy trước đầu xe lửa. Richard và người tài xế tắc xi trong đầu xe; họ muốn cán ông vì ông không trả tiền xe cho họ. Những bánh xe ầm ầm lăn tới gần, và hai chân ông thì đã hết hơi sức. Ông buồn nôn thì giựt mình thức dậy, những giọt mồ hôi lạnh ướt trán ông; trong toa, thiên hạ nhìn ông một cách kỳ lạ. Bên ngoài trời đã tối; xe chạy hết tốc lực ngang qua một xứ địch tối tăm; phải chấm dứt vụ này với Richard; chiếc răng của ông nhức thêm. Một tuần sau ông bị bắt.